Trang

Thứ Ba, 19 tháng 12, 2017

Mười hai con đường tới Lễ Giáng Sinh

Mười hai con đường tới Lễ Giáng Sinh
Vũ Văn An
16/Dec/2017

Gần đến ngày lễ Giáng Sinh năm nay, Trung Tâm Nghiên Cứu Pew cho công bố cuộc thăm dò mới nhất của họ, cho thấy nhiều người Mỹ hơn không còn coi trọng các khía cạnh tôn giáo chung quanh câu truyện Giáng Sinh của Thánh Kinh nữa. Càng ngày, càng có nhiều người hơn coi Lễ Giáng Sinh là một ngày lễ văn hóa, nhưng riêng Joseph Mussomeli, người từng phục vụ ngành ngoại giao Hoa Kỳ trong 35 năm tại khắp các nhiệm sở như Ai Cập, Afghanistan, Marốc và Phi Luật Tân, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Slovenia và Vương Quốc Cambodia, thì Lễ Giáng Sinh chỉ có ý nghĩa khi nó là một ngày Lễ Tôn Giáo. Mười hai con đường tới Lễ Giáng Sinh chính là bài viết của Ông đăng trên The Imaginative Conservative. Chúng tôi xin lược dịch để qúy vị thưởng lãm nhân Mùa Giáng Sinh 2017.

Nếu Lễ Giáng Sinh là một điều gì đó, thì hẳn là một cuộc cách mạng của trái tim chống lại cái thứ răng đền răng của thế giới, chống lại việc thế giới đòi cân bằng cán cân và sửa mọi cái sai bằng một nền công lý cứng rắn. Sau cùng, nếu thế giới được cứu vớt, thì chính là lòng thương xót chứ không phải công lý sẽ cứu nó…

I. Khi lạ lùng là điều duy nhất có ý nghĩa 

Lễ Giáng Sinh là một điều hết sức vô nghĩa. Đúng theo nghĩa đen. Trong 32 năm qua, tôi vốn thưởng thức thức ăn, ca hát, cảnh lộng lẫy trưng bầy, và nhất là đèn lóng lánh, nhưng tôi chưa bao giờ tin câu truyện đáng tin. Với tôi, câu truyện Ngày Giáng Sinh hoàn toàn vô nghĩa. Tệ hơn nữa, nó còn là một lời phỉ báng và lăng nhục Do Thái Giáo, là tôn giáo duy nhất, trong nhiều thế kỷ, đã cẩn trọng và một cách mẫn cảm tự thanh tẩy mình khỏi xúc cảm ngoại giáo. Nhưng, một cách nào đó, cái huyền thoại ngớ ngẩn nhất của ngoại giáo về một vị thần trở thành người phàm, đã nhiễm độc đức tin được đóng ấn và che chở bậc nhất về phương diện giải thích này. Quả là một ý niệm phạm thượng và thực sự nực cười khi cho rằng Đấng Khôn Tả, Đấng Bất Khả Niệm, Đấng Vô Hạn, và Đấng Vĩnh Hằng lại có thể bước xuống hay ngó xuống để thành người phàm! Làm thế nào Đấng mà đến tên người ta cũng không dám nói ra vì sợ nói ra sẽ đặt giới hạn cho điều vốn vô giới hạn lại có thể trở thành một phàm nhân tầm thường: yếu đuối, đau đớn, lu mờ?

Và rồi, một cách không ngờ, cái nhìn của tôi đã thay đổi. Bởi vì, một cách không ngờ, tôi trở thành một người cha. Điều trước đây đối với tôi là phi lý và kỳ cục đã trở thành hiển nhiên và tự nhiên đến phi lý. Con trai Isaac của tôi sinh tháng Ba năm 1984, và chỉ trong vòng vài tháng, cháu bị đau. Không có gì nghiêm trọng, nhưng đối với người mới làm cha, thì mọi cái sụt sịt hình như cũng là sắp chết cả. Một ngày kia, tôi từ sở về nhà, thấy Sharon, vợ tôi, đang nằm co trên một chiếc ghế, đung đưa cháu Isaac, cả hai mẹ con cùng khóc như mưa, nước mắt chan hòa khắp má. Nàng không chịu buông cháu ra, nhưng tôi cũng ôm được cháu vào lòng và cố gắng làm cháu im, nhưng tất cả những điều tôi nói và làm chẳng có hiệu quả gì hết. Chúng tôi dành nhiều tiếng đồng hồ lục lọi sách vở y khoa để tìm cách giúp cháu; tôi mê mải gọi cho văn phòng bác sĩ, nhưng không có ý kiến nào của ông hữu dụng cả. Chúng tôi cho cháu uống thuốc và bế cháu đi quanh vừa đi vừa vỗ về cháu và thức đến nửa khuya cứ khắc khoải không biết cháu có sống qua ngày không. Chúng tôi khiếp sợ và chết điếng, không biết phải làm gì. Rồi tôi làm điều mà phần lớn các cha mẹ khác đều làm: tôi bắt đầu cầu nguyện – nài xin cho cháu đỡ hơn, nhưng chẳng có chi thay đổi. Rồi, lại một lần nữa, giống như bất cứ bậc cha mẹ nào khác, dù là vô thần điên dại nhất, lời cầu xin của tôi biến thành lời mặc cả: Xin để con chịu đau khổ thay cho cháu. Xin để con đừng để cháu: “trời ơi, đất ơi, chúa ơi, hãy để chỉ một mình con thôi. Xin ngưng, đừng để thằng nhỏ khóc”. Nhưng mọi sự vẫn như cũ. Rồi, vì quá vô vọng, tôi nói thầm trong ý nghĩ: “Cho dù cháu không thể đỡ hơn, thì ít nhất, ít nhất, trời ơi, hãy để con chia sẻ cái đau của cháu; hãy để con ít nhất được tham dự vào nỗi thống khổ của cháu”. Và một lần nữa, cũng chẳng ăn thua gì.

Một lúc sau, cùng đêm, khi Isaac thiếp ngủ vì kiệt sức, tôi nhận thấy việc tôi muốn đổi chỗ với đứa con của mình và chia sẻ nỗi đau của cháu là chuyện bình thường và có thể đoán trước, cho dù tôi không hẳn là một người cha gương mẫu. Dường như đây là một lực đẩy phổ quát khiến phần lớn con người và nhiều loài có vú sẵn sàng hiến chính mạng sống mình cho con cái. Và từ đó, đối với tôi, cái lực đẩy phổ quát này hình như là một chân lý bất biến có tính vũ trụ. Nó là một thực tại hiển nhiên đến nỗi bị che khuất cả hàng bao thiên niên kỷ qua. Và mặc dù lúc ấy, tôi vẫn chưa tin Thiên Chúa hiện hữu, nhưng, sau cái đêm hãi hùng kia, tôi tuyệt đối chắc chắn rằng nếu có một Thiên Chúa, thì hẳn nhiên Người phải tốt ít nhất cũng như tôi và chủng loại của tôi. Thì hẳn nhiên, Người phải có xu hướng nhiều hơn và quyết tâm nhiều hơn, sáng thế của Người sẽ không chịu đau khổ một mình, không bao giờ phải chịu đựng bất cứ điều gì khủng khiếp mà chính Người lại không dự phần vào. Và nhờ việc Người dự phần vào, lại không nâng cao, thanh tẩy và bí tích hóa chính đau khổ.

II. Có đám đông: Ông Giuse già, tội nghiệp

Chẳng hợp tình hợp lý. Chút nào. Có lẽ vì ông trùng tên với tôi hay có lẽ nay tôi cũng già như ông hồi ấy, nên tôi nghĩ Ông Giuse không được đối xử tốt bao nhiêu trong câu truyện Giáng Sinh. Tất cả chỉ nói về bé thơ và người mẹ - thậm chí cả các mục đồng lẫn các Khách Thông Thái cũng được lưu ý nhiều hơn. Trời đất, đến những con thú ồn ào, nặc mùi hôi và anh chủ quán thô lỗ cũng được chú ý nhiều hơn! Thưa Ông Giuse già nua, mỏi mệt và lo âu. Tôi hồ nghi ngay cả bà Maria, trẻ trung, đầy sức sống và tự tin như thế, có lẽ cũng thắc mắc không biết ông chồng già, hom hem của mình có thực sự sống lâu thêm hay không dưới sức căng và áp lực của cuộc hành trình dài từ Nadarét… và gánh nặng của việc làm cha lúc tuổi đã xế chiều.

Ông luôn ở hậu trường, ông luôn giữ im lặng; ông chỉ luôn có mặt ở đó. Nhưng khi càng bước vào vai trò đó nhiều hơn, không tài nào đuổi kịp một đứa con nhỏ tuổi và không thoải mái với việc phải ở trung tâm sự việc, tôi mới bắt đầu ngờ rằng đó là cách Ông Giuse muốn thế. Ông cảm thấy mình ly tâm mỗi ngày một xa hơn, ra những vòng ngoài của câu truyện, nhưng không phải vì ông bị đẩy qua một bên. Đúng hơn, ông hiểu rằng ông không thể ở trung tâm mà vẫn còn ở bên cạnh họ. Ông ở mãi vòng ngoài và chính ở vòng ngoài mà ông tìm được trung tâm của mình. Quả là một trong những phép lạ hàng ngày của sống và yêu thương khi không hề có một trung tâm nhưng mọi người đều luôn ở trung tâm của một gia đình yêu thương bất kể họ ở vòng ngoài hay xa xôi thế nào về phương diện tâm thức, không gian và thời gian.

III. “Thời gian kỳ diệu nhất trong năm”?

Ta hãy nhất quyết trung thực: không phải ai ai cũng hân hoan vào thời điểm này trong năm. Ta rất dễ quên điều này: biết bao ánh đèn và tiếng cười; biết bao rượu nho và bài ca; nên đôi khi khó nghe và thấy cái đau khắp quanh ta. Nhưng Lễ Giáng Sinh có thể là thời gian để buồn sầu và tiếc nuối, và chắc chắn, là thời gian khi ở một mình và cảm thấy lạc lõng trở nên sắc cạnh hơn, rõ ràng hơn, và đè nặng lên ý thức của ta hơn. Tỷ lệ tự tử tăng lên, và trầm cảm cùng thất vọng đem lại thiệt hại khủng khiếp. Làm gì có ngày nghỉ cho những người đang đau đớn; không ngày thánh thiêng nào xua đuổi được sợ sệt và buồn sầu. Lễ Giáng Sinh đến để hàn gắn và xoa dịu, và nó nên mang tới niềm vui, nhưng nó cũng có thể đâm thâu như một con dao và đập nát như một chiếc búa những ai thấy mình đứng riêng và cô đơn. Ngay khi tôi đang gõ chữ đây, hàng trăm người đang bị giết khắp trên thế giới sát nhân này, và hàng ngàn người nữa đang chết cái chết đau đớn vì bệnh lạ và những bệnh hết sức thông thường như hận thù và tham lam. Hàng năm, hàng chục học sinh bị giết trong các vụ thảm sát ở trường, khắp trên thế giới, từ Hoa Kỳ tới Pakistan — nay như cơm bữa đến nỗi không còn gây sửng sốt: Một vụ Sát Hại Các Thánh Anh Hài được lặp lại quá nhiều. Con cái vĩnh viễn mất khỏi gia đình; các sự sống kết liễu gần như trước khi bắt đầu: một nỗi xé lòng đem chúng ta trở lại với thực tại đen tối giữa tuần Giáng Sinh.

Có lẽ huyền thọai tệ nhất của Giáng Sinh, sự dối trá đích thực và nguy hiểm nhất là tin rằng dù sao, Giáng Sinh cũng đã thay đổi bản chất con người một cách kỳ lạ và làm dịu sự mất mát của con người. Nhưng đó không phải là Giáng Sinh. Các mất mát là có thật và hết sức đau đớn. Về Giáng Sinh, không hề có gì kỳ diệu thần thông cả, ít nhất cũng không kỳ diệu thần thông gì hơn tình yêu và hy sinh. Tình yêu và hy sinh thực sự lạ lùng hơn là kỳ diệu thần thông; chúng là một thách thức cương nghị nhất định chọn sự sống chứ không chọn sự chết, nhất định chọn hy vọng ngay trong lúc thất vọng khốn khổ nhất. Bởi thế, hôm nay, giữa tiếng ca hát, nói cười và tình bạn, ta nên buồn đau với người đau, ngay khi đang hân hoan trang hoàng nhà cửa và chuẩn bị cho ngày lễ vui tươi, dâng lời cầu nguyện cho những ai đang đau chịu các mất mát không thể tả nổi, và đặc biệt tưởng nhớ những người mà nỗi đau đớn và mất mát trở nên tệ hơn trong thời điểm này trong năm. Lễ Giáng Sinh đầu tiên không phải là tiên phong tức khắc của niềm vui phổ quát và hòa bình thế giới, mà chỉ là lời hứa một ngày nào đó sẽ như thế. Giáng Sinh không tẩy xóa bóng tối; bóng tối vẫn đang thống trị hầu như ở mọi nơi, nhưng tình yêu đang chiếu rọi lên nó, một cách sáng lạn và thách thức.

IV. Niềm vui đen tối của thất vọng

Tôi từng sống phần lớn đời tôi giữa những người bị ám ảnh bởi những câu truyện đen tối, gây trầm cảm đầy bạo lực, thối nát, và nghèo đói: Phi Luật Tân, Afghanistan, Ai Cập, Sri Lanka, và nhất là Cambodia. Tôi cũng từng sống tại các xã hội giầu có hơn và tiến bộ hơn như Slovenia và Hoa Kỳ. Và tôi luôn luôn ngỡ ngàng bởi sự tương phản: người Phi Luật Tân, người Ai Cập, người Cambodia nghèo, thất vọng, chật chội sống với nhau như thế … nhưng lại rất vui tươi; trong khi ở đây, ở Hoa Kỳ này và ở Slovenia nữa, có rất nhiều điều đẹp đến mê hồn, hết sức trù phú… nhưng lại ảm đạm. Tôi bắt đầu thắc mắc điều gì khiến tạo ra một niềm vui đầy thách thức như thế giữa bạo lực và nghèo khổ, và điều gì cứ khiến người ta phải thất vọng ngay giữa một sự dư thừa như vậy?

Tôi ngờ rằng có một điều gì lôi cuốn, thậm chí quyến rũ, nơi thất vọng. Một số người trong chúng ta không những bị lôi cuốn mà thực ra còn nài nỉ một giải thích đen tối hơn về thực tại. Trong linh hồn, có một điều gì đó hân hoan trong cay đắng và hư vô. Một số người chào đón vẻ đẹp tàn bạo, nhìn lên đêm đen đầy sao tin rằng mình đang cô đơn, hoàn toàn cô đơn, mạnh bạo đối diện với bóng tối vô tận, với trống vắng không gian, một cách khắc kỷ đương đầu với hay điên cuồng làm ngơ vẻ dửng dưng lạnh lùng của hiện hữu, chấp nhận sự phi lý của mọi luân lý tính và sự trống không của xúc cảm. Can đảm chấp nhận rằng mọi sự họ cảm giác thấy, cũng như nghĩ, cảm, và tin, bất kể cả họ có tin Thiên Chúa hay không, đều chỉ là hỗn hợp tình cờ, được xếp đặt trước gồm các sung lực điện hóa (electro-chemical), kinh nghiệm bản thân, và điều kiện hóa xã hội. Chấp nhận rằng không hề có một tiêu chuẩn nào cho bất cứ điều gì và chỉ có lại sự can đảm lạnh lùng, dù ngay cả ý niệm can đảm này cũng rỗng tuếch và vô nghĩa vì cả nó nữa cũng chỉ được vật chất tiền định. Có một niềm khoái lạc nào đó khi cảm thấy sự rỗng tuếch này, thậm chí một thứ tự do nào đó: được thoát khỏi sức đẩy trọng lực của nền luân lý này hay nền luân lý nọ, hoàn toàn giải thoát để được làm bất cứ điều gì hay không làm điều gì cả.

Nhưng niềm vui đen tối trên đã bị cướp đi; nó đã bị xé nát. Với tiếng khóc thầm lặng và cú ngáp trẻ thơ, đen tối trên đã ra tan tành: tiếng kêu trẻ thơ đã đâm thủng cõi không thể đâm thủng và đem nó tới chỗ đầu hàng; bàn tay nắm ghì của trẻ thơ đã kéo vũ trụ lại gần hơn và sưởi ấm nó bằng cả nụ cười lẫn nước mắt.

V. Ca ngợi ngoại giáo

Với bài ca, rượu nho và tiếng cười, chúng ta mời mùa Giáng Sinh tới. Nay, tôi đã chính thức và hợp pháp là một ông già, thế nhưng đèn đóm Giáng Sinh vẫn thôi miên tôi. Đối với tôi, chúng cầu kỳ đến thích thú, mặc dù tôi biết nhiều người không thích chúng. Lý do thì có nhiều. Người chính xác về chính trị sợ đèn đóm có thể gây bực mình cho các tôn giáo khác và cả người không tin nữa, vả lại, chúng ta cần mẫn cảm đối với các cảm quan bị thương tổn của họ. Những người duy bảo tồn môi trường một cách gắt gao tấn công việc sử dụng năng lượng một cách hoang phí, trong khi cảnh sát “thẩm mỹ” thì ngỡ ngàng trước sự lòe loẹt của việc trưng bầy. Nhiều người khác sợ rằng đèn đóm này có thể pha trộn một cách nguy hiểm giữa nhà nước và Giáo Hội, một nỗi sợ khá lớn đang bàng bạc nơi phe tả ở Hoa Kỳ và cạnh tranh về mức độ phi lý với nỗi sợ xưa cũ đối với chủ nghĩa cộng sản của phe hữu. Các chống đối khác có tính tôn giáo nhiều hơn. Người thanh giáo (puritans) bài bác hoàn toàn việc cử hành Giáng Sinh; tôi cho rằng đối với họ, cử hành một điều thánh thiêng bằng những chuyện phàm trần như âm nhạc, khiêu vũ, vui cười và đèn đóm là một điều làm nó mất phẩm giá. Những người thanh giáo thời nay, tuy có ý hướng tốt, vẫn ta thán cái xu hướng duy vật chất của dịp lễ, khi người ta dành lượng thời gian và tiền bạc vô lối vào việc mua quà tặng và tiệc tùng. Còn tôi, dù đôi khi cũng thắc mắc chuyện Giáng Sinh bị thương mại hóa và duy vật chất quá đáng, nhưng phần lớn tôi vẫn ham mê trong đó và ít có lo lắng quá đáng rằng nó đã trở thành một cử hành quá ư là ngoại giáo. Dù sao, nó cũng là Ngày Lễ Giáng Sinh: một thời điểm để hân hoan một cách quá lý và quá thường.

Chúng ta nên nhớ rằng vào ngày Giáng Sinh đầu tiên, những tặng phẩm nực cười đến phát khóc đã được dâng tặng bằng vàng, nhũ hương và mộc dược. Và mặc dù một số nhà thần học thấy giá trị biểu tượng nơi các tặng phẩm này, nhưng không ai chối cãi được rằng chúng hoàn toàn có tính thực tiễn hay hữu dụng một cách đặc biệt. Ừ thì, có thể vàng… nhưng khó mà nghĩ được món quà nào phi lý cho một trẻ sơ sinh hơn là nhũ hương và mộc dược! Thay vì chăn ấm hay thức ăn nóng, tặng phẩm lại là những món kỳ quặc và buồn cười đến thế. Và chắc chắn, 2 ngàn năm trước làm gì có những dây đèn điện, nhưng là cả đoàn thiên thần loan báo cuộc ra đời. Quả là quá phô trương và tới mức thổi phồng.

Một phần cái thiên tài của Kitô Giáo ngày xưa là không loại bỏ sự vui thích của ngoại giáo trong thế giới tự nhiên, mà chỉ tái tạo nó dưới hình thức bớt hung dữ, nhiều lành mạnh hơn mà thôi: ít thờ phượng thiên nhiên, nhưng tôn trọng nó hơn. Khi chọn ngày lễ của Rôma xưa làm lễ Giáng Sinh, Giáo Hội không chỉ khôn khéo, mà còn được linh hứng nữa. Liên kết lễ Giáng Sinh với việc cử hành thiên nhiên xưa kia nhắc ta nhớ rằng vật chất tự nó là một điều tốt từ trong nội tại, chứ không phải điều xấu. Nhiều người tự gọi mình là “người tôn giáo” nhưng lại có xu hướng ghét bỏ sự vật trần đời, trong khi Nhập Thể bác bỏ cả các khẳng quyết duy thanh giáo lẫn duy hư vô cho rằng sự sống và vật chất thẩy đều xấu xa. Càng nhiều bài ca càng tốt. Càng nhiều tiếng cười càng hay. Và đèn đóm càng lòe loẹt, thì khung cảnh càng vui tươi!

Kỳ sau: VI Sợ Sệt và Yêu Thương


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét