Thánh vịnh 99
Thánh vịnh 99 là thánh vịnh cuối cùng chúc tụng vương quyền
của Giavê. Ngoài công thức tuyên bố mở đầu “Giavê thống trị”, thánh thi này được
giới thiệu với một cấu trúc và các đề tài hơi khác với các thánh thi cùng loại
trước đó như các thánh vịnh 96, 97 và 98. Liên quan tới cấu trúc chúng ta ghi
nhận trong các câu 3.5.9 lời công bố thông thường, cả khi có chút khác biệt:
“Ngài là Thánh!”. Dĩ nhiên, nó ghi dấu sự phân chia việc cử hành này thành ba
phần. Liên quan tới các lý do, trước hết chúng ta ghi nhận 3 lần công bố sự
“thánh thiện” của Giavê. Nó đưa chúng ta trở về với thị kiến ngôn sứ Isaia đã
có ở trong Đền thờ, khi ông trông thấy và nghe các thiên thần Seraphim tung hô
Thiên Chúa của Israel ngự trên ngai “Thánh, Thánh, Thánh”, như viết trong
chương 6: “Năm vua Út-di-gia-hu băng hà, tôi thấy Thiên Chúa ngự trên ngai rất
cao; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ. Phía bên trên Người, có các thần
Xê-ra-phim đứng chầu. Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che
chân và hai cánh để bay. Các vị ấy đối đáp tung hô: "Thánh! Thánh! Chí
Thánh! Giavê các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!
" Tiếng tung hô đó làm cho các trụ cửa rung chuyển; khắp Đền Thờ khói toả
mịt mù. “ (Is 6,1-5).
Đề tài thứ hai đáng ghi nhận là đề tài giao ước do Giavê ký
kết với nhà Giacóp qua trung gian tư tế của hai ông Môshê và Aharon trong sa mạc
Sinai, và của Samuele trong đất Palestina, đã được cụ thể hoá với ơn Luật Lệ. Tất
cả những điều này khiến cho chúng ta nghĩ tới một môi trường nguyên thuỷ khác với
môi trường của các thánh vịnh 96, 97, 98, nghĩa là môi trường của Đền Thờ thứ
nhất, cũng như sự khác biệt về nội dung, nghĩa là không có tính cách cứu độ
cánh chung theo gợi hứng của ngôn sứ Isaia II, nhưng có tính cách cử hành phụng
tự, một chút như thánh vịnh 47 và một phần như thánh vịnh 93.
Văn thể là loại thánh thi vương quyền của Giavê. Thánh vịnh
gồm lời công bố mở đầu, câu 1; và phần thân, các câu 2-9.
Câu mở đầu loan báo vương quyền của Thiên Chúa và mời gọi
các dân tộc của trái đất tôn kính Ngài.
“Giavê là Vua hiển trị: chư dân phải rụng rời; Người ngự
trên các thần hộ giá: địa cầu phải chuyển rung”.
Lời mời này giống như trong thánh vịnh 93: “Giavê là Vua hiển
trị, Giavê mặc oai phong tựa cẩm bào, Người lấy dũng lực làm cân đai” (Tv 93,1)
hay thánh vịnh 97: “Giavê là Vua hiển trị, hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên, vui
đi nào, ngàn muôn hải đảo!” (Tv 97,1). “Người ngự trên các thần Kerubim dịch
sát chữ là “Đấng đang ngồi của các Kerubim”. Đây là tước hiệu được gán cho
Giavê trong thánh vịnh 80: “Lạy Mục Tử nhà Ít-ra-en, Ngài là Đấng chăn giữ nhà
Giu-se như chăn giữ chiên cừu, xin hãy lắng tai nghe! Ngài là Đấng ngự trên các
thần hộ giá” (Tv 80,2). Tước hiệu này được gán cho Thiên Chúa thời Hòm Bia Thánh
được giữ tại trung tâm thờ tự Shilo, như kể trong sách Samuel I chương 4 câu 4,
rồi sau đó được đưa về Giêrusalem (Is 6,1). Trong lời cầu của mình vua
Edekia thưa với Giavê: “Ôi lậy Giavê Sabaoth, Thiên Chúa của Israel, Đấng ngồi
trên các thần Kerubim, chỉ có Ngài là Thiên Chúa đối với mọi vương quốc trần
gian; chỉ có Ngài đã làm ra trời đất” ( 2 V 19,15 = Is 37,16).
Các câu từ 2 tới 9 của thánh vịnh 99 là phần chính của việc
tôn kính Thiên Chúa của dân Israel bằng cách công bố sự thánh thiện siêu việt của
Ngài đồng thời với sự hiện diện nhân lành nhưng hay ghen tương của Ngài giữa
dân của giao ước.
“Giavê là Vua hiển trị: chư dân phải rụng rời; Người ngự
trên các thần hộ giá: địa cầu phải chuyển rung. Ở Xi-on, Giavê quả là vĩ đại,
Người trổi vượt trên tất cả mọi dân. Chư dân hãy xưng tụng danh Ngài, danh vĩ đại
khả tôn khả uý, danh thánh thiện dường bao! Ngài là vua uy dũng yêu chuộng công
bình, chính Ngài ấn định đường ngay lẽ phải; trong nhà Gia-cóp, Ngài thực hiện
điều chính trực công minh. Hãy suy tôn Giavê là Thiên Chúa chúng ta, phủ phục
trước bệ rồng, bởi Người là Đấng Thánh. Mô-sê cùng A-ha-ron trong hàng tư tế Chúa,
cũng như Sa-mu-en trong số người cầu khẩn Thánh Danh! Các ngài cầu khẩn Chúa,
Chúa thương đáp lại. Từ cột mây, Chúa phán dạy các ngài, các ngài đã tuân hành
thánh ý, và chiếu chỉ Người ban. Lạy Giavê là Thiên Chúa chúng con, Chúa đã
thương đáp lại, Chúa là Thiên Chúa khoan dung khi xử với các ngài, nhưng trừng
phạt khi các ngài lầm lỗi. Hãy suy tôn Giavê là Thiên Chúa chúng ta,
hướng về núi thánh mà phủ phục, vì Giavê, Thiên Chúa ta thờ, quả thật là Đấng Thánh.”
hướng về núi thánh mà phủ phục, vì Giavê, Thiên Chúa ta thờ, quả thật là Đấng Thánh.”
“Trên tất cả mọi dân”: mặc dù vương quyền thống trị của
Giavê chỉ hạn chế nơi dân Israel, với ngai hũu hình trên núi Sion, nhưng tự bản
chất và quyền năng trong việc tạo dựng quyền ấy của Thiên Chúa bao trùm mọi dân
tộc và toàn vũ trụ. Đây là một dữ kiện chắc chắn trong niềm tin của dân Israel,
không phải chỉ sau thời lưu đầy, mà đã có từ trước.
“Ước chi chúng cử hành danh Ngài”: lời mời cử hành và chúc tụng
Thiên Chúa cũng được lập lại trong các câu 5 và 9 để chuẩn bị cho việc tung hô
Giavê là Thánh.
“Vĩ đại và kinh khủng” là hai tính từ diễn tả sự siêu việt của
Thiên Chúa, thường được dùng trong các thánh thi chúc tụng (x. 111,9; Is 57,15)
cũng như trong các lời tuyên xưng đức tin (x. Đnl 10,17).
“Thánh là Ngài!”: sự thánh thiện cũng là một kiểu khác diễn
tả sự siêu việt của Thiên Chúa. Với sự thánh thiện Thiên Chúa được chỉ cho thấy
như một Đấng hoàn toàn khác biệt. Đây là ý niệm đặc thù của truyền thống tư tế.
Từ sự thánh thiện ấy phát xuất ra tên gọi hoàn toàn đặc thù “Đấng Thánh của
Israel” (Tv 71,22; Is 1,4).
“Ngài cai trị uy dũng yêu chuộng công bình”: tình yêu đối với
công lý và việc bảo vệ quyền lợi là nền tảng của một ngai vua vững vàng (x. TV
45,7-8; Tv 97,2). Vương quyền của Giavê được biểu lộ trong Israel với việc công
bố luật lệ, không chỉ khiến cho cuộc sống chung dân sự có thể, mà cũng ban cho
các người bị phân tán như những nguời Do thái trốn chạy khỏi Ai Cập, phẩm giá
là một dân tộc. Tính cách thánh thiêng của các luật lệ là hoa trái của một
quan niệm đại đồng được phổ biến trong thế giới đông phương cổ.
“Hãy phủ phục trước bệ để chân của Ngài”: ám chỉ núi
Sion như trong câu 9, nhưng trong nghĩa chính xác và cụ thể hơn là Hòm Bia Giao
Ước, như viết trong thánh vịnh 132: “Này đây khi ở Ép-ra-tha, chúng tôi đã nghe
nói đến hòm bia, chúng tôi tìm thấy hòm bia đó tại cánh đồng Gia-a. Nào ta tiến
vào nơi Chúa ngự, phủ phục trước bệ rồng. Lạy Giavê, xin đứng dậy, để cùng với
hòm bia oai linh Chúa ngự về chốn nghỉ ngơi.” (Tv 132,5-7). Kiểu nói “ghế đẩu của
chân Ngài” trong ngôn ngữ huyền thoại ám chỉ Hòm Bia, và trong nghĩa trải dài
là đền thờ, cũng như Thành Thánh, qua đó người ta muốn cứu vãn sự siêu việt của
Thiên Chúa trong sự hiện diện có thể sờ mó được của Ngài giữa dân được tuyển chọn.
Ngôn sứ Isaia viết trong chương 66: “Giavê phán thế này: Trời là ngai của Ta,
và đất là bệ dưới chân Ta” (Is 66,1).
“Môshê và Aharon…”: trong phần cuối này của việc cử hành người
ta nói tới các vị trung gian cổ xưa của giao ước, đồng thời họ cũng có nhiệm vụ
là thuẫn đỡ và người bầu cử bên toà Chúa trong các trường hợp dân Israel không
trung thành với Ngài. Ở đây hai ông được gọi là “tư tế” không phải chỉ vì thuộc
chi tộc Lêvi, mà nhất là vì nhiệm vụ trung gian của các vị bên Thiên Chúa và giữa
Thiên Chúa và dân Israel, dưới ánh sáng của chức tư tế và của chức ngôn sứ.
Thánh vịnh 77 cũng nhắc tới nhiệm vụ của hai người dẫn dắt dân Do thái trong sa
mạc như sau; “Chúa dùng bàn tay của Mô-sê và A-ha-ron mà lãnh đạo dân riêng của
Chúa, như dẫn dắt đoàn chiên.” (Tv 77,21).
“Samuel”: đây là lần duy nhất vị ngôn sứ và thẩm phán được
nhắc tới trong sách Thánh Vịnh. Gương mặt của ông chiếm chỗ nhất trong lịch sử
dân Israel, vì ông đã là người trung gian giữa Thiên Chúa và dân Ngài trong việc
thành lập nền quân chủ thần quyền, trước hết với Saul, rồi đến Đavít. Thánh vịnh
106 nói về trung gian của ông Môshê bầu cử cho dân Israel như sau: “Chúa tính
chuyện sẽ tiêu diệt họ, nếu người Chúa chọn là Mô-sê chẳng đem thân cản lối, ở
ngay trước mặt Người, hầu ngăn cơn thịnh nộ, kẻo Chúa diệt trừ dân.” (Tv 106,
23). Chương 7 sách Samuel I cũng ghi lại lời dân Israel xin với ngôn sứ Samuel
chớ ngừng kêu cầu Giavê để Ngài cứu họ khỏi tay người Philitinh (1 Sm 7,8-9;
12,17-18). Trong chương 15 ngôn sứ Giêrêmia ghi lại lời Thiên Chúa phán: “Cho
dù Môshê và Samuel có đứng trước nhan Ta, Ta cũng chẳng còn để lòng thương dân
này nữa!” (Gr 15,1).
“Ngài nói với họ”: ám chỉ tất cả các lần Thiên Chúa thông
truyền cho dân Do thái ý muốn của Ngài qua các điều lệ Ngài nói với ông Môshê
trong thời gian dân Do thái lang thang trong sa mạc Sinai 40 năm trời.
“Từ cột mây”: Chương 33 sách Xuất Hành ghi: “Mỗi khi ông
Mô-sê vào trong Lều, thì cột mây đáp xuống, đứng ở cửa Lều, và Giavê đàm đạo với
ông Mô-sê. Khi thấy cột mây đứng ở cửa Lều, toàn dân đứng dậy; và ai nấy
phủ phục ở cửa lều mình” (Xh 33,9-10).
“Chúng tuân giữ các điều luật của Chúa”: việc tuân giữ, bao
gồm cả sự trung thành thông truyền và bảo vệ các luật lệ chống lại các vi phạm,
là một trong các bổn phận quan trọng của các người trung gian của giao ước.
“Giavê là một Thiên Chúa khoan hồng”: đây là hình ảnh đa dụng
diễn tả Thiên Chúa của giao ước như Ngài tỏ hiện cho Israel trong sa mạc và
trong các thời sau này: một vì Thiên Chúa giầu lòng thương xót, đồng thời cũng
nghiêm minh không bỏ qua các lần dân Do thái vi phạm luật lệ của Ngài.
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét