19/01/2018
Thứ Sáu tuần 2 thường niên
Bài Ðọc I: (năm
II) 1 Sm 24, 3-21
"Tôi sẽ không
ra tay sát hại người, vì người là Ðấng xức dầu của Chúa".
Trích sách Samuel quyển
thứ nhất.
Trong những ngày ấy,
Saolê đem ba ngàn người được tuyển chọn trong toàn dân Israel và đi tìm Ðavít
và các người theo ông, cho đến những mỏm đá cao dốc rất hẻo lánh, nơi chỉ có những
con dê rừng lui tới. Ông đến các chuồng chiên ở vệ đường. Nơi đây có một cái
hang, Saolê vào đó đi việc cần. Ðavít và những người theo ông đang núp phía
trong hang.
Các người đầy tớ nói với
Ðavít rằng: "Ðây là ngày Chúa phán cùng ông: Ta trao thù địch của ngươi
cho ngươi, để ngươi đối xử với hắn thế nào tuỳ ý ngươi". Vậy Ðavít đứng
lên, lén cắt một mảnh chiến bào của Saolê. Sau đó Ðavít hối hận, vì đã cắt áo
chiến bào của Saolê. Ông nói với các người theo ông rằng: "Xin Chúa thương
tôi, đừng để tôi làm việc này cho chủ tôi, đấng Chúa xức dầu, là ra tay sát hại
vua, vì vua là đấng xức dầu của Chúa". Ðavít ngăm đe những người theo ông
không được phép xông vào Saolê. Saolê đứng lên ra khỏi hang và tiếp tục cuộc
hành trình. Ðavít cũng đứng dậy đi theo Saolê ra khỏi hang và gọi giật sau lưng
vua rằng: "Tâu đức vua". Saolê nhìn lại đàng sau, Ðavít sấp mình kính
lạy và nói cùng Saolê rằng:
"Tại sao bệ hạ lại
nghe những lời người ta đồn thổi rằng: Ðavít toan làm hại bệ hạ. Ðây hôm nay
chính mắt bệ hạ thấy rằng: trong hang, Chúa đã trao bệ hạ vào tay tôi. Tôi đã
tưởng giết bệ hạ, nhưng tôi thương hại bệ hạ, vì tôi đã nói: Tôi không ra tay
sát hại chủ tôi, vì người là đấng xức dầu của Chúa. Hơn thế nữa, cha ôi, hãy
nhìn xem mảnh chiến bào của bệ hạ trong tay tôi, vì khi xén vạt chiến bào của bệ
hạ, tôi không muốn ra tay sát hại bệ hạ. Xin bệ hạ hãy nhận biết rằng tay tôi
không làm điều ác và bất công, tôi không phạm đến bệ hạ, nhưng bệ hạ cứ âm mưu
hãm hại mạng sống tôi. Xin Thiên Chúa xét xử cho bệ hạ và tôi, và xin Chúa báo
thù cho tôi. Nhưng tay tôi sẽ không phạm đến thân bệ hạ. Như ngạn ngữ xưa có
nói "Ác giả ác báo", nhưng tay tôi cũng sẽ không phạm đến bệ hạ. Hỡi
vua Israel, bệ hạ bắt bớ ai? Bệ hạ bắt một con chó chết, một con bọ chét sao?
Xin Chúa làm quan án và xét xử cho tôi và bệ hạ, xin Chúa nhìn xem và xét xử vụ
này mà giải thoát tôi khỏi tay bệ hạ".
Ðavít vừa dứt lời,
Saolê liền nói: "Hỡi Ðavít con ta, có phải tiếng đó là tiếng của con
không?" Saolê cất tiếng khóc và nói cùng Ðavít rằng: "Con công chính
hơn cha, con làm ơn cho cha mà cha trả oán cho con. Hôm nay con vạch rõ, con đối
xử nhân đạo với cha, vì mặc dầu Chúa đã trao cha vào tay con mà con cũng không
giết cha. Nào có ai gặp kẻ thù mà để nó đi yên lành không? Vậy xin Chúa báo đáp
lại cho con về ân huệ mà con đã làm cho cha trong ngày hôm nay. Nay cha biết chắc
rằng con sẽ làm vua, và con sẽ nắm mãi mãi trong tay con vương quốc
Israel".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 56, 2. 3-4.
6 và 11
Ðáp: Nguyện xót thương con, lạy Chúa, nguyện xót thương
con (c. 2a).
Xướng: 1) Nguyện xót
thương con, lạy Chúa, nguyện xót thương con, vì linh hồn con tìm đến nương tựa
Ngài. Con nương nhờ bóng cánh của Ngài, cho tới khi cơn hoạn nạn qua đi. - Ðáp.
2) Con kêu lên Thiên
Chúa Tối Cao, Thiên Chúa thực hiện cho con điều lành. Nguyện Chúa tự trời thi
ân và cứu độ con, làm cho những người bách hại con phải nhục nhã, nguyện Chúa tỏ
ra ân sủng và lòng trung tín của Ngài. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, xin Ngài
hiện ra cao cả trên trời, xin tỏ vinh quang Ngài ra trên toàn cõi đất, vì đức từ
bi Chúa cao tới cõi trời, và lòng trung tín Ngài chạm ngàn mây. - Ðáp.
Alleluia: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! -
Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo
Ta". - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 3, 13-19
"Người gọi những
kẻ Người muốn gọi để họ ở cùng Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu lên
núi và gọi những kẻ Người muốn gọi, và họ đến cùng Người. Người chọn mười hai vị
để theo Người, và sai các ông đi giảng và ban cho các ông quyền trừ quỷ. Mười
hai vị ấy là: Simon mà Người đặt tên là Phêrô, Giacôbê con ông Giêbêđê, và
Gioan là em Giacôbê, (cả hai được Người đặt tên là Boanerges, nghĩa là con của
sấm sét), rồi đến Anrê, Philipphê, Bartôlômêô, Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông
Alphê, Tađêô, Simon nhiệt tâm, và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Giáo Hội là một
Mầu Nhiệm
Nếu thời Cựu Ước đã có
những tiên tri cung đình, chuyên phụ họa cho vua chúa, thay vì nói lời của
Chúa; thì ngày nay cũng không thiếu những tiên tri như thế: thay vì nói Lời
Chúa, lên tiếng tố cáo bất công, người ta lại chỉ làm tiên tri để công kích và
chỉ trích Giáo Hội của mình. Dù sao, đây cũng là dịp để các Kitô hữu suy nghĩ
và đào sâu về bản chất của Giáo Hội.
Ðiều cơ bản nhất mà
chúng ta cần phải tuyên xưng trước tiên khi nói về Giáo Hội, đó là Giáo Hội là
một mầu nhiệm, do đó chúng ta không thể so sánh hay xếp Giáo Hội vào bất cứ một
tổ chức trần thế nào. Giáo Hội không là một thể chế quân chủ chuyên chế hay
quân chủ lập hiến. Giáo Hội cũng không hề là một chế độ tập quyền hay Bô lão trị;
Giáo Hội lại càng không phải là một chế độ dân chủ. Giáo Hội thiết yếu là một mầu
nhiệm, do đó mà không có một tên gọi nào diễn tả và múc cạn mầu nhiệm ấy. Giáo
Hội được gọi là Hiền thê của Chúa Kitô, Giáo Hội được gọi là thân thể mầu nhiệm
của Chúa Kitô, Giáo Hội được gọi là Dân Chúa; mỗi kiểu nói này bày tỏ một khía
cạnh, nhưng không thể nào nói hết về Giáo Hội.
Tin Mừng hôm nay như
muốn đưa chúng ta vào trong bản chất mầu nhiệm ấy của Giáo Hội. Chúa Giêsu thiết
lập nhóm Mười Hai để các ông ở với Ngài và được Ngài sai đi rao giảng. Ngài
trao ban cho các ông quyền năng mà chính Ngài đã từng sử dụng: chỉ có các Tông
Ðồ mới có quyền trừ quỷ, mới có quyền cử hành các Bí Tích, và chỉ những ai được
các ông trao quyền cho mới được cử hành các Bí Tích. Chúa Giêsu trao phó cho
các Tông Ðồ kho tàng mạc khải, chỉ có các ông mới có khả năng và có quyền giải
thích kho tàng ấy và giảng dạy đúng ý muốn của Chúa. Trong Nhóm Mười Hai, Chúa
Giêsu đặt Phêrô làm thủ lãnh để cai trị và trở thành mối giây hữu hình trong
Giáo Hội, Ngài hứa ở với Giáo Hội mỗi ngày cho đến tận thế: như Ngài đã ở với
các Tông Ðồ ngay từ buổi đầu, thì hơn 2,000 năm qua, Ngài vẫn tiếp tục ở với và
trong Giáo Hội.
Giáo Hội chính là thân
thể Chúa Kitô. Thuộc về Giáo Hội chính là chấp nhận lời rao giảng của Chúa
Giêsu được ủy thác cho các Tông đồ và những người mà các ông cắt đặt để thay thế
và tiếp tục sứ mệnh của mình. Thuộc về Giáo Hội một cách cụ thể, là đón nhận và
sống giáo huấn của chính các Tông đồ được ủy thác cho Giáo Hội và những người kế
vị các ông. Giáo Hội không phải là một thể chế dân chủ, nhưng Giáo Hội chưa hề
cưỡng bách ai phải gia nhập Giáo Hội; nhưng nếu đã thuộc về Giáo Hội thì không
thể không chấp nhận quyền bính của Giáo Hội. Dù vậy, ngay cả khi một Kitô hữu
không chấp nhận quyền giáo huấn của Giáo Hội, thì Giáo Hội cũng không phải dùng
đến võ lực hoặc nhà tù để đe dọa và trừng phạt.
Hằng năm, Giáo Hội
dành một tuần lễ để cầu cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu, một tuần lễ để đi
sâu vào mầu nhiệm của Giáo Hội, một tuần lễ để hoán cải. Chúng ta hãy cầu xin bằng
chính lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: "Xin cho chúng nên một như Cha ở
trong Con và như Con ở trong Cha, ngõ hầu thế gian tin rằng Cha đã sai
Con".
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Sáu, Tuần II TN
Bài đọc:
I Sam 24:3-21; Mk 3:13-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Khi cái hoàn hảo tới, cái bất toàn phải qua đi.
Con người thường có
khuynh hướng tiếc nuối những huy hoàng của quá khứ và từ chối không tiếp nhận
những thay đổi trong cuộc sống hiện tại. Họ quên đi nhân loại càng ngày càng phải
phát triển để tiến bộ hơn, trong đời sống xã hội cũng như tôn giáo. Tục ngữ Việt-nam
có rất nhiều câu khuyên mọi người phải bỏ thái độ thủ cựu, nắm giữ quyền hành:
"Tre già, măng mọc" hay "Con hơn cha, nhà có phúc." Trong Kế
Hoạch Cứu Độ cũng thế, Thiên Chúa không dựng nên con người toàn hảo hay mặc khải
mọi sự cho con người ngay từ đầu; nhưng muốn con người từ từ tiến đến chỗ hoàn
hảo và càng ngày càng thấu hiểu về Thiên Chúa và Kế Hoạch Cứu Độ của Ngài. Vì
thế, con người cần có sự khôn ngoan và tâm hồn cởi mở để đón nhận những thay đổi
trong cuộc sống; chứ không ích kỷ nắm giữ quá khứ.
Các Bài Đọc hôm nay
xoay quanh sự tiệm tiến của những gì Thiên Chúa đã làm cho con ngườiTrong Bài Đọc
I, năm chẵn, vua Saul phải công nhận David là người công chính và xứng đáng làm
vua của Israel hơn ông; vì trong khi Vua luôn tìm cơ hội để thủ tiêu David, còn
David luôn tìm dịp để giúp đỡ và tha chết cho Vua. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu
thiết lập Nhóm Mười Hai để các ông ở với Ngài và được huấn luyện, trước khi
Ngài sai các ông đi rao giảng Tin Mừng và tiếp tục sứ vụ của Ngài trên trần
gian.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
2/ Bài đọc I (năm chẵn): Saul thú nhận với David: "Con
công chính hơn cha, vì con xử tốt với cha, còn cha thì xử ác với con.''
2.1/ Phản ứng của David: Ông biết Saul muốn tìm dịp hại ông vì ghen tị, không muốn
ông làm Vua Israel. Dịp may để hạ sát vua Saul đã tới tại En-Gedi, cạnh Biển Chết,
khi Saul vào trong một hang đá để làm việc cần cá nhân. Lúc đó David và người của
ông đang ngồi ở cuối hang. Người của ông David nói với ông: "Đây là ngày Đức
Chúa phán với ông: "Này ta trao kẻ thù của ngươi vào tay ngươi, ngươi sẽ đối
xử với nó thế nào tùy ý.""
David có thể triệt hạ
Saul lúc đó để khỏi phải lo chạy trốn mãi; nhưng ông sợ động tới người Thiên
Chúa đã xức dầu tấn phong. Ông cũng ngăn cấm người của ông không được đụng tới
vua Saul; ông chỉ nhẹ nhàng đi tới chỗ Saul treo áo choàng và cắt vạt áo của
vua Saul. Hành động cắt vạt áo choàng có lẽ là một biểu tượng để nhắc lại chuyện
vua Saul đã vô ý giật rách áo choàng của ngôn-sứ Samuel trong trình thuật
15:27-28.
Sau đó, David ra khỏi
hang và kêu lớn tiếng đằng sau vua Saul rằng: "Thưa đức vua là chúa thượng
con!" rồi sấp mặt sát đất mà lạy. David nói với vua Saul: "Tại sao
cha lại nghe lời người ta nói rằng David đang tìm cách hại cha? Hôm nay đây,
chính mắt cha thấy Đức Chúa đã trao cha vào tay con, hôm nay, trong hang; người
ta nói đến chuyện giết cha, nhưng con đã thương hại cha và nói: "Tôi sẽ
không tra tay hại chúa thượng tôi, vì người là đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn
phong. Thưa cha, xin nhìn xem, vâng, xin nhìn xem vạt áo choàng của cha trong
tay con. Vì con đã cắt áo choàng của cha và không giết cha, thì xin cha biết và
thấy cho rằng tay con không làm điều ác, điều lỗi, và con đã không phạm tội hại
cha, trong khi cha mưu toan lấy mạng sống con.'' David cầu xin Thiên Chúa phân
xử mối liên hệ giữa ông và Saul: trong khi David luôn đối xử tốt lành với Saul,
thì Saul lại luôn tìm cách hãm hại David vì ghen tị. David tin Đức Chúa sẽ giải
quyết xung đột giữa hai người; chứ ông không dám ra tay hại người Đức Chúa đã xức
dầu tấn phong.
2.2/ Phản ứng của Saul: Khi ông David nói những lời đó xong, thì vua Saul oà lên
khóc. Vua nói với David: "Con công chính hơn cha, vì con xử tốt với cha,
còn cha thì xử ác với con. Hôm nay con đã tỏ ra là con làm điều tốt cho cha, vì
Đức Chúa đã nộp cha vào tay con mà con đã không giết cha. Có ai gặp kẻ thù của
mình mà cứ để nó đi yên lành không?" Công chính là tiếp tục sống đúng mối
liên hệ của mình, cho dù tha nhân đã không sống đúng mối liên hệ đó.
Vua Saul cũng nhận ra
David là người xứng đáng lãnh nhận vương quyền để cai trị Israel, ông cầu chúc
cho David: "Xin Đức Chúa thưởng con vì điều tốt con làm cho cha hôm
nay. 21 Giờ đây cha biết rằng chắc chắn con sẽ làm vua và
vương quyền Israel sẽ vững mãi trong tay con.''
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu thành lập Nhóm Mười Hai.
3.1/ Sứ vụ của Nhóm Mười
Hai: “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người
những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các
ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ.” Tại
sao phải lập Nhóm Mười Hai?
(1) Để tiếp tục thi
hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng: Chúa Giêsu biết rõ những gì sẽ xảy đến cho Ngài
trong tương lai, vì thế Ngài cần những người tiếp tục công việc của Ngài. Người
lãnh đạo giỏi là người biết nhìn đến tương lai, và biết huấn luyện những người
có khả năng để thay thế mình sau này; vì nếu không huấn luyện người để thay thế,
tất cả những cố gắng của mình, cho dù hay đến đâu chăng nữa, cũng sẽ rơi vào
quên lãng.
(2) Để Tin Mừng đựơc
loan báo sâu rộng và nhiều người được chữa lành hơn: Phương tiện truyền thông
duy nhất thời đó là loan báo bằng miệng, và phương tiện di chuyển thịnh hành nhất
là đi bộ. Chúa Giêsu băn khoăn làm sao để Tin Mừng có thể đạt tới mọi người, và
không còn cách nào hiệu quả hơn là mời gọi nhiều người cộng tác để huấn luyện,
và rồi sai họ đi thi hành sứ vụ. Đó là lý do tại sao Ngài không chỉ huấn luyện
một, mà 12 Tông-đồ; bên cạnh đó, Ngài còn huấn luyện rất nhiều các môn đệ đi
theo Ngài. Điều này dạy chúng ta, để Tin Mừng có thể lan tràn đến mọi người,
chúng ta cần sự cố gắng và cộng tác của rất nhiều người, chứ không giới hạn
trong một thiểu số có tài năng hay kiến thức mà thôi.
(3) Chúa Giêsu gọi các
ông để ở với Ngài: Cách huấn luyện hiệu quả nhất của người thời xưa là cho ở với
Thầy; mục đích không những là để cho các trò học tất cả những gì nơi Thầy: sự
khôn ngoan cũng như cách cư xử, nhưng còn là cơ hội cho Thầy quan sát các trò của
mình và sửa sai những tính xấu cho họ.
3.2/ Thành phần của Nhóm
Mười Hai: “Người lập Nhóm Mười Hai và đặt
tên cho ông Simon là Phêrô, rồi có ông Giacôbê con ông Zebedee, và ông Gioan em
ông Giacôbê - Người đặt tên cho hai ông là Boarneghese, nghĩa là con của thiên
lôi - rồi đến các ông Anrê, Philípphê, Barthôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con
ông Anphê, Tađêô, Simon thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa Iscariot là chính kẻ nộp
Người.” Nhìn qua danh sách của 12 Tông-đồ, một người có những nhận xét như sau:
(1) Không có ai nổi bật:
về danh giá, quyền thế, cũng như về kiến thức. Ngược lại, đa số là những ngư phủ
thất học tầm thường. Các ông có thành công và trung thành với sứ vụ hay không
là do cách Chúa Giêsu huấn luyện.
(2) Là những con người
yếu đuối, tội lỗi: Matthew là người thu thuế, và được xem là tội lỗi thường
xuyên và công khai. Judah Iscarioth là người sẽ nộp Chúa. Hai con ông Zebedee,
Gioan và Giacôbê, là người nhắm địa vị “ngồi bên tả và bên hữu” Chúa Giêsu
trong vương quốc của Ngài. Phêrô chối Chúa 3 lần, và hầu hết các Tông-đồ đều bỏ
Chúa trong Cuộc Thương Khó của Ngài. Điều này cho chúng ta thấy việc huấn luyện
con người không dễ.
(3) Tính khí rất khác
nhau: Simon, người thuộc Nhóm Quá Khích, có khuynh hướng bảo vệ quốc gia
Do-Thái, rất ghét những người cấu kết với ngọai bang để bóc lột dân như
Matthew, người thu thuế. Thế mà Chúa Giêsu chọn hai ông để sống chung với nhau,
dẹp bỏ sự khác biệt, và cùng chung lo một sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Phêrô rất
nhanh nhẩu đến nỗi làm mà không chịu suy nghĩ, để ở với Gioan, người luôn thâm
trầm và cẩn thận suy nghĩ trước khi làm. Nói tóm, sự huấn luyện của Chúa Giêsu
và cuộc sống chung đã làm các ông phải dẹp bỏ những khác biệt cá nhân để cùng
hy sinh cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Trong sự quan phòng
và Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, Ngài không dựng nên mọi sự hoàn hảo và tốt đẹp
ngay từ đầu; nhưng một cách tiệm tiến, mọi sự dần dần trở nên hoàn thiện. Ngài
muốn chúng ta đừng tiếc nuối và níu kéo quá khứ; nhưng biết dùng trí khôn và mở
lòng để đón nhận những mặc khải mới, và cố gắng để càng ngày càng trở nên tốt
hơn.
- Sự ghen tị là lý do
ngăn cản đà tiến của nhân loại, chúng ta đừng để nó làm mờ mắt đến nỗi chúng ta
không nhận ra thánh ý của Thiên Chúa; nhất là làm chúng ta mù quáng đến độ muốn
tiêu diệt sự thật và giết hại những người lành.
- Chúng ta hãy tin tưởng
hoàn toàn nơi Chúa Giêsu, vì Ngài là trung gian của một giao ước hoàn hảo. Ngài
luôn yêu thương và lo lắng mọi sự cho chúng ta.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
19/01/2018
THỨ SÁU TUẦN 2 TN
Mc 3,13-19
Mc 3,13-19
Ở LẠI VỚI CHÚA ĐỂ ĐƯỢC SAI ĐI
Bấy giờ Đức Giê-su gọi lại với Người những kẻ mà Người
muốn chọn. Người thành lập nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người
sai đi rao giảng, với quyền trừ quỷ. (Mc 3,13-15)
Suy niệm: Mục đích thứ nhất của Chúa Giê-su khi lập nhóm Mười Hai
là để họ “ở với Người” trước khi được “Người sai đi rao
giảng với quyền trừ quỷ.” Quả vậy, các tông đồ từ khi được kêu gọi đã ở
với Thầy suốt ba năm, cùng giong ruổi với Thầy trên mọi nẻo đường rao giảng. Ở
với Đức Giê-su, nghĩa là cùng chia sẻ mọi cảnh huống của cuộc sống, hiểu được nỗi
lòng, có chung ý hướng, ước mơ như Thầy mình, để thấm nhuần cung cách ứng xử
cũng như đường lối của Thầy. Ngày hôm nay, Hội Thánh cũng đang dùng bí quyết huấn
luyện tông đồ của Thầy Giê-su đó thôi. Bạn hãy nghe Jacques Delarue nói: “Mọi
phần tử trong Hội Thánh phải sống Lời Chúa và yêu mến với cùng một tình yêu của
Đức Giê-su. Chính vì thế, ngày Chúa Nhật họ đi gặp gỡ Chúa trong Lời Người và
trong Thánh Thể, trước khi nghe đọc: ‘Hãy đi bình an’. Hãy ra đi, đừng ở lại.
Các bạn được sai đến cho mọi tạo vật.”
Mời Bạn đặt lại vấn đề: Bạn đã “ở
với Thầy Giê-su” thật sự chưa và ý thức mình được sai
đi như thế nào trong hoàn cảnh hiện nay của bạn?
Chia sẻ: Khi làm việc tông đồ, chúng tôi có dành cho việc ở
lại với Chúa một vị trí thích đáng, hay chỉ chú trọng đến những hoạt động
hướng ngoại?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ ở lại với
Thầy Giê-su bằng cách đọc và cầu nguyện với Lời Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Thầy Giê-su, Thầy đã thương chọn gọi chúng con làm
tông đồ của Thầy. Xin cho chúng con biết ở với Thầy và luôn sẵn sàng để Thầy
sai đi.
(5 phút Lời Chúa)
Đến với Người, ở với Người (19.1.2018 – Thứ sáu Tuần 2 Thường niên)
Kitô hữu là người được gọi, để ở với Chúa Giêsu và được ngài sai đi... Hãy ở với Giêsu mỗi ngày 15
phút, bạn sẽ thấy mọi sự thay đổi.
Suy niệm:
Thông thường ở xã hội
Do-thái, người môn đệ đi tầm sư học đạo.
Còn Thầy Giêsu lại đi
“gọi” học trò.
Thầy muốn lập một nhóm
học trò ruột, hết sức gần gũi với mình.
Những người Thầy muốn,
Thầy đã gọi họ lại.
Và họ đã đáp lời mà đến
với vị Thầy đang ở trên núi.
Như thế sáng kiến thì bắt
nguồn từ Thầy,
còn đáp lại là điều con
người cần thực hiện.
Thầy Giêsu muốn lập một
nhóm mười hai môn đệ.
Có thể vì Thầy nhớ đến
mười hai chi tộc Ítraen ngày xưa.
Mục đích của nhóm Mười
Hai này là ở với Thầy và được Thầy sai đi.
Ở với là chuyện ưu tiên,
và cũng là chuyện dễ bị xao lãng.
Ở với là có tương quan
thân thiết và thường xuyên với Thầy.
Ở với là chia sẻ cuộc
sống ăn ở, đói no, thành công, thất bại.
Khi ở với Thầy Giêsu,
người môn đệ hiểu Thầy sâu xa và gắn bó với Thầy.
Khi các môn đệ đến với và
ở với Thầy Giêsu,
họ như được tách ra khỏi
đám đông.
Sau này, khi tìm người
thay thế Giuđa phản bội,
Phêrô đòi đó phải là
người đã sống với Thầy Giêsu ngay từ đầu (x.Cv 1, 22).
Ở với nằm trong định
nghĩa về người môn đệ của Thầy Giêsu.
Nhưng đó không phải là
điểm dừng.
Ở lại với Chúa là để được
sai đến với con người.
Được tách ra khỏi đám
đông chính là để được sai đến với đám đông,
trong tư cách của người
đã được mắt thấy tai nghe Thầy Giêsu.
Người môn đệ được sai sẽ
được phép làm những việc y hệt như Thầy :
rao giảng Tin Mừng và trừ
quỷ nhằm phục vụ cho con người.
Chẳng những họ làm
việc như Thầy, họ còn làm việc của Thầy và với Thầy.
Không ở với thì cũng
chẳng được sai đi, và cũng không đủ sức để được sai.
Nhưng ở với là để có ngày
được sai đi, mà sai đi thì vẫn luôn ở với.
Kitô hữu là người được
gọi, để ở với Chúa Giêsu và được ngài sai đi.
Cuộc sống xao động hôm
nay có vẻ làm ta quên ở với Chúa
và rơi vào tình trạng
nghiện việc.
Chính vì thế công việc ta
làm không đem lại hiệu quả thực sự và lâu bền.
Hãy ở với Giêsu mỗi ngày
15 phút, bạn sẽ thấy mọi sự thay đổi.
Cầu nguyện:
Khi bị bao vây bởi muôn
tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được
những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm
công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng
những lúc
được an nghỉ trước nhan
Chúa.
Khi bị xao động bởi những
bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh
thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê
dục vọng,
xin cho con thoát được
lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ
của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu
nguyện
thấm nhuần vào cả đời
con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con
người thật của con
và khuôn mặt thật của
Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
18 THÁNG GIÊNG
Giá Trị Và Phẩm
Cách Của Lao Động
Mọi người – nam cũng
như nữ – đều là những lữ khách trên mặt đất này, những lữ khách trong cuộc hành
hương kiếm tìm sự thật, kiếm tìm Thiên Chúa! Và mọi người đều được mời gọi vào
cuộc hành hương này. Chúng ta là khách hành hương, là thành phần của Dân Thiên
Chúa; chúng ta được Đấng Tạo Hóa, Cha chúng ta, dẫn dắt tiến về với sự thánh
thiện viên mãn nơi Ngài. Ngài đang dẫn đưa chúng ta đến với Ngài xuyên qua bao
kinh nghiệm và thử thách của cuộc sống hôm nay.
Để chỉ cho ta biết con
đường sự sống đưa ta về hiệp nhất với Ngài, Thiên Chúa đã gửi chính Con của
Ngài đến với ta. Ngài đã đặt người Con ấy làm viên đá góc, nhờ đó chúng ta có
thể vươn tới ơn cứu độ (1Pr 2, 6 – 8). Thật vậy, trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta
cũng trở nên những viên đá sống “xây dựng tòa nhà thiêng liêng để thành hàng tư
tế thánh dâng lễ vật thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa” (1Pr 2, 5). Những lễ vật
thiêng liêng này được gắn kết với mọi thực tại dệt nên cuộc sống chúng ta, nhất
là gắn kết với lao động con người – vì lao động là chiều kích nền tảng của cuộc
sống con người trên trái đất.
Tôi tưởng cần nêu vài
suy tư về giá trị và phẩm cách của lao động con người. Đức Giêsu Kitô là con của
một người thợ mộc. Phần lớn cuộc đời Người, trong kiếp người, Người cần cù làm
việc nối nghiệp của Thánh Giu-se – cha nuôi Người. Bằng chính nghề thợ mộc của
Người, Đức Giêsu cho thấy rằng trong đời sống hằng ngày, chúng ta được kêu gọi
sống phẩm giá của lao động. Bằng lao động, con người tham dự vào công cuộc sáng
tạo của chính Thiên Chúa. Dù làm việc ở nhà máy hay trong văn phòng, trong bệnh
viện hay ngoài đồng ruộng…, ở bất cứ đâu chúng ta cũng đang góp phần vào công
trình tạo dựng của chính Thiên Chúa; điều này đem lại giá trị và ý nghĩa cho mọi
công việc của chúng ta.
“Giá trị lao động của
một người được ấn định trước hết không phải bởi loại công việc mà người ấy làm,
nhưng là bởi vì công việc ấy được làm bởi một nhân vị” (Thông Điệp Laborem
exercens, 6). Như vậy, mọi lao động của con người, dù có vẻ nhỏ nhặt đến đâu, đều
phải được hết mực kính trọng, bảo vệ và tưởng thưởng thích đáng. Nhờ đó, mọi
gia đình – và toàn thể cộng đồng xã hội – sẽ có thể sống trong hòa bình, thịnh
vượng và phát triển.
Hạnh Các Thánh
19 Tháng Giêng
Thánh Fabian
(250)
Fabian là một giáo dân bình thường ở Rôma từ quê lên tỉnh vào một ngày khi giáo
sĩ và dân chúng chuẩn bị chọn vị tân giáo hoàng. Có lẽ ngài đến Rôma cũng giống
như nhiều người ngày nay đến Rôma trong thời gian tuyển chọn giáo hoàng: lo lắng
cho tương lai của đạo, tò mò muốn biết vị tân giáo hoàng, hoặc tỏ lòng luyến tiếc
vị giáo hoàng vừa quá cố. Hơn nữa, được nhìn thấy tất cả các vị chức sắc trong
Giáo Hội cùng quy tụ lại để có một quyết định quan trọng cũng là điều thích
thú. Ai sẽ là tân giáo hoàng? Ðó là người nhiều quyền thế? Là người có tài hùng
biện? Là người dũng cảm?
Theo sử gia Eusebius của
Giáo Hội, bỗng dưng có một con chim bồ câu từ trần nhà bay xuống, nhưng không đậu
trên "bất cứ ai nổi tiếng". Theo Eusebius, bồ câu "đậu trên đầu
Fabian giống hệt như Chúa Thánh Thần ngự trên Ðấng Cứu Thế dưới hình chim bồ
câu." Ðiều đó phải có một ý nghĩa gì liên quan đến sự hoạt động của Chúa
Thánh Thần, và mọi người đồng thanh tuyên bố Fabian "xứng đáng" là
giáo hoàng.
Ðối
với chúng ta, bồ câu tượng trưng cho sự hòa bình, và chim bồ câu ấy là điềm báo
trước. Bắt đầu từ gần ngày Fabian được tuyển chọn, việc bách hại và đau khôå của
Giáo Hội cũng chấm dứt. Hoàng đế Philip, thân thiện với Kitô Hữu và không những
ông ngừng bách hại mà còn chấp nhận các nghi lễ của Kitô Giáo.
Trong thời gian hòa bình, Ðức Fabian đã có thể xây dựng cơ cấu Giáo Hội Rôma,
ngài chỉ định bảy phó tế và giúp thu thập các chứng thư tử đạo.
Nhưng như ở bất cứ thời gian nào, những người có quyền thường không vui khi thấy
các kẻ lạ mặt gia tăng và phát đạt. Có nhiều lần người ngoại giáo đã tấn công
Kitô Hữu, và khi hoàng đế Philip từ trần thì thời gian bình an cũng chấm dứt.
Hoàng đế mới là Decius, ra lệnh cho mọi Kitô Hữu phải khước từ Ðức Kitô bằng
cách thờ cúng tà thần, hoặc tham dự các nghi thức ngoại giáo khác.
Sau
một vài năm bình an, Giáo Hội vẫn chưa đủ mạnh. Nhiều người đã không đủ can đảm
để tử đạo. Nhưng Ðức Fabian, một biểu tượng hoà bình nổi bật, đã đứng lên để
can đảm làm gương cho mọi người trong đàn chiên. Ngài chịu tử đạo năm 250 và được
chôn cất trong Nghĩa Trang Calixtus, là nơi chính ngài giúp tân trang.
Trong Nghĩa Trang Calixtus, ngày nay vẫn còn có một bia đá dùng để đậy mồ Thánh
Fabian, bị vỡ làm bốn mảnh, có mang dòng chữ Hy Lạp, "Fabian, giám mục, tử
đạo."
Lời Bàn
Chúng ta chỉ có thể tin tưởng bước vào tương lai và chấp nhận những thay đổi cần
thiết để phát triển nếu chúng ta bám rễ vào quá khứ của một truyền thống sống động.
Một vài mảnh đá ở Rôma nhắc nhở rằng, chúng ta là những người của thế kỷ 20 tiếp
tục truyền thống đức tin sống động và can đảm thay đổi cuộc đời giống như Ðức
Kitô, và làm chứng cho Ngài trong thế gian. Chúng ta đã có các anh chị là những
người "ra đi trước chúng ta được ghi dấu đức tin" để dẫn đường cho
chúng ta.
Lời Trích
"Máu các vị tử đạo là hạt giống của Giáo Hội" (Tertullian).
Trích từ NguoiTinHuu.com
19 Tháng Giêng
Bàn Chân Năm Ngón
Một người thanh niên tên là Tony
Melendez bỗng trở nên quen thuộc với nhiều người kể từ khi Ðức Gioan Phaolô II
đến viếng thăm tiểu bang California, Hoa Kỳ dạo mùa hè năm 1987. Nhiều người đã
chứng kiến buổi lễ tiếp đón Ðức Thánh Cha hôm đó và khó quên hình ảnh vô cùng cảm
động khi vị Giáo Hoàng bước xuống từ một lễ đài cao để ôm hôn một người thanh
niên đang hát với tiếng đàn Guitar của mình. Ðiều gì đã làm cho khung cảnh ấy
trở nên khác lạ và giây phút ấy đã trở nên luyến nhớ cho nhiều người?
Tony là hiện thân của niềm Hy Vọng.
Tony đã chào đời không có hai cánh tay. Nhưng Tony đã vận dụng những ngón chân
của mình để học đàn guitar. Không những thế, anh còn dùng chân trong nhiều công
việc khác như xếp quần áo, vắt một ly nước chanh.
Anh đã biết biến sự tàn tật kém may mắn
của mình thành một khả năng thuần thục. Ngạc nhiên trước khả năng lạ lùng ấy của
anh, nhiều người đã hỏi anh: "Bí quyết nào đã giúp anh chẳng những chấp nhận
chính mình để sống bình thường mà còn sử dụng guitar một cách tuyệt diệu như thế?".
Anh đã trả lời như sau: "Tôi đã cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nhận lấy con và
dùng con theo thánh ý Chúa. Tôi đã tự hiến cho Chúa như một của lễ sống động và
Chúa đã nhậm lời tôi".
Không ai trong chúng ta chọn lựa được sinh ra hay không sinh ra. Không ai trong
chúng ta chọn lựa làm đàn ông hay đàn bà. Không ai trong chúng ta chọn lựa được
làm người xinh đẹp hay xấu xí, thông minh hay ngu đần, khỏe mạnh hay bệnh tật,
giàu sang hay nghèo hèn. Dưới mắt người đời, mỗi người chúng ta đến trong trần
gian này với cả một định mệnh. Người ta vẫn nói: có người sinh ra dưới một ngôi
sao xấu, có người sinh ra dưới một ngôi sao tốt, có người kém may mắn.
Nhưng trong ánh mắt Tình Yêu của Thiên Chúa, thì số phận nào cũng là một hồng
ân cao cả. Trong chương trình Quan Phòng của Ngài, mỗi người, dù nhỏ bé hèn mọn,
dù tàn tật bất hạnh đến đâu, cũng đều có một chỗ đứng. Do những bất trắc của
thiên nhiên, hay do hậu quả của tội lỗi, nhiều người phải sinh ra với tất cả một
gánh nặng của bất hạnh. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ bỏ cuộc vì những hư hỏng
ấy, Ngài luôn có một chương trình cho mỗi người. Lắm khi chúng ta thấy được những
kỳ diệu của Thiên Chúa được thể hiện qua những bất hạnh, mất mát của con người.
Trích sách Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét