Trang

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2018

04-05-2018 : THỨ SÁU - TUẦN V PHỤC SINH


04/05/2018
Thứ Sáu đầu tháng, tuần 5 Phục Sinh

Bài Ðọc I: Cv 15, 22-31
"Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên buộc thêm cho anh em gánh nặng nào khác".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, các Tông đồ, kỳ lão cùng toàn thể Hội Thánh, chấp thuận chọn ít người trong các ngài, và sai đi Antiôkia với Phaolô và Barnaba: đó là Giuđa, gọi là Barsaba, và Sila, những vị có uy thế giữa anh em. Các ngài nhờ tay hai ông chuyển bức thư viết như sau: "Anh em Tông đồ và kỳ lão chúng tôi kính chào các anh em thuộc dân ngoại ở Antiôkia, Syria và Cilicia. Chúng tôi nghe tin rằng có mấy người trong chúng tôi đã đến nói những lời gây hoang mang và làm cho tâm hồn anh em xao xuyến, chúng tôi không uỷ quyền cho họ, vì thế chúng tôi họp lại, đồng ý chọn một ít người và sai đến anh em làm một với Barnaba và Phaolô, những anh em yêu quý của chúng tôi, tức là những người đã liều mạng sống mình vì danh Ðức Giêsu, Chúa chúng tôi. Vậy chúng tôi đã sai Giuđa và Sila đến nói miệng với anh em cũng chính những lời này: Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này là anh em hãy kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt và gian dâm; giữ mình khỏi các điều đó, là anh em làm phải. Chúc anh em vạn an".
Các ngài giã từ và đi xuống Antiôkia, triệu tập dân chúng lại và trao cho họ bức thư. Ðọc thư xong, họ vui mừng vì được an ủi.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 56, 8-9. 10-12
Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ngợi khen Chúa giữa chư dân (c. 10a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Lòng con bền vững, lạy Chúa, lòng con bền vững; con sẽ hát xướng, con sẽ đàn ca. Hãy thức dậy, linh hồn tôi ơi, hãy thức dậy, hỡi đàn sắt với đàn cầm, tôi sẽ làm cho bình minh thức giấc. - Ðáp.
2) Lạy Chúa, con sẽ ngợi khen Chúa giữa chư dân; con sẽ hát mừng Ngài trong các nước: vì đức từ bi Chúa cao tới cõi trời, và lòng trung tín Ngài chạm ngàn mây. Lạy Chúa, xin Ngài hiện ra cao cả trên trời, xin tỏ vinh quang Ngài trên toàn cõi đất! - Ðáp.

Alleluia: Mt 28, 19 và 20
Alleluia, alleluia! - Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 15, 12-17
"Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi, và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là: các con hãy yêu mến nhau".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm:  Yêu thương và phục vụ.
Hôm qua, lời Chúa đã mặc khải cho chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chúng ta phải trung thành với Đấng đã đặt hy vọng nơi chúng ta.
Hôm nay, Đức Giêsu dạy cho chúng ta biết rõ phải đáp trả tình yêu của Chúa: “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Phẩm chất của tình yêu Kitô hữu là nên giống tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu của chúng ta phải đối chiếu với cách thức của Đức Giêsu yêu thương chúng ta: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”.
Tình yêu của Kitô hữu là tặng ban sự sống, thời giờ và công việc, tình cảm và lợi ích của mình cho người khác. Tình yêu Kitô hữu hoàn thành trong sự hy sinh trọn vẹn đời mình cho người khác.
Chúng ta có thể thực hành tình thương người dần dần theo từng giai đoạn. Bắt đầu chúng ta thử thực hiện giúp đỡ người chung quanh chúng ta mỗi ngày mỗi tốt hơn. Thứ đến chúng ta tìm hiểu và liệt kê những điều họ cần thiết để tìm cách giúp đỡ họ mạnh sức hơn. Rồi sẽ đến ngày chúng ta hy sinh cả những lúc nghỉ ngơi, những việc riêng tư.
Tới ngày đó, chúng ta sẽ thực hiện được lời thánh Phao-lô: “Chúng tôi hoàn tất trong thân xác chúng tôi điều còn thiếu trong đau khổ của Đức Kitô”. Chúng tôi thực hiện hình ảnh của Đức Kitô đã khẳng định mình là tôi tớ mọi người.
Trong Thánh lễ tạ ơn này, chúng ta cử hành cuộc tưởng niệm tình yêu của Chúa để làm sống lại những cử chỉ trong bữa tiệc ly, những cử chỉ đó bầy tỏ rõ rằng phẩm chất tình yêu của Đấng cứu độ đã ban cho chúng ta: “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy đã bị nộp vì anh em”.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần V PS
Bài đọcActs 15:22-31; Jn 15:12-17.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Yêu thương là chìa khóa để tồn tại.
Chúng ta học được nhiều điều quan trọng nơi Giáo Hội Jerusalem trong việc giải quyết các xung đột gây ra do việc chuyển tiếp từ Do-thái Giáo sang Kitô Giáo. Trước tiên, họ cùng nhau ngồi lại để tìm cách giải quyết vấn đề. Thứ đến, họ theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để tìm ra đâu là sự thật nền tảng mọi người phải giữ, những gì có thể dung hòa, và những gì có thể chuẩn chước được. Sau đó, họ phải khiêm nhường bỏ thói quen của mình, hy sinh chấp nhận ý kiến chung, và giải quyết vấn đề trong tình yêu thương anh em; chứ không truyền lệnh như giữa chủ và tớ, giữa giai cấp lãnh đạo trung ương và cấp nhân viên dưới quyền mình. Biết cách giải quyết khôn ngoan như thế là tránh được chiến tranh và xây dựng hòa bình, là phát triển Tin Mừng vào thế giới theo đường lối Chúa Giêsu thay vì co cụm vào Jerusalem để bị đồng hóa vào Do-thái Giáo.
Các Bài Đọc hôm nay nêu bật cho chúng ta những chìa khóa quan trọng trong việc giải quyết các xung đột. Trong Bài Đọc I, Giáo Hội giải quyết vấn đề theo sự hướng dẫn của Thần Chân Lý và tình yêu thương của Đức Kitô. Các Tông-đồ quyết định không áp đặt trên các Dân Ngoại bất kỳ một gánh nặng nào khác, trừ ra những gì hết sức quan trọng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự quan trọng của giới luật yêu thương: Hãy làm mọi sự vì yêu thương như Ngài đã yêu thương chúng ta. Đừng đối xử với nhau như chủ và tớ; nhưng hãy đối xử với nhau như anh em, như Chúa đã đối xử với chúng ta.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cách giải quyết vấn đề của Giáo Hội Jerusalem
1.1/ Xóa tan nghi ngờ bằng cách:
(1) Chọn đại diện của Giáo Hội Trung Ương để làm sáng tỏ vấn đề với Giáo Hội địa phương: "Các Tông Đồ, các kỳ mục, cùng với toàn thể Hội Thánh, quyết định chọn mấy người trong các ông, để phái đi Antioch với ông Phaolô và ông Barnabas. Đó là ông Judah, biệt danh là Barsabbas, và ông Silas, những người có uy tín trong Hội Thánh."
(2) Gởi sứ điệp chính thức: Vì tin đồn thất thiệt và mạo danh gây ra nghi kỵ, chia rẽ, và tranh chấp trong cộng đoàn, Giáo Hội Jerusalem đã nhận ra điều này và làm sáng tỏ trong Thư luân lưu: "Chúng tôi nghe biết có một số người trong chúng tôi, không được chúng tôi uỷ nhiệm, mà lại đi nói những điều gây xáo trộn nơi anh em, làm anh em hoang mang."
(3) Chính thức nhìn nhận Barnabas và Phaolô là đại diện: Giáo Hội Jerusalem cũng nhận ra sự quan trọng của Barnabas và Phaolô với Giáo Hội địa phương: "Cùng với những người anh em thân mến của chúng tôi là ông Barnabas và ông Phaolô, những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta."
1.2/ Nội dung của sứ điệp: dựa trên những lời của Phêrô và Giacôbê góp ý hôm qua. Giáo Hội Trung Ương quyết định: Vậy chúng tôi cử ông Judah và ông Silas đến trình bày trực tiếp những điều viết sau đây:
(1) Không phải mang gánh nặng nào khác: "Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác." Hai điểm quan trọng được các Tông-đồ nhấn mạnh là "Thánh Thần" và "chúng tôi." Giáo Hội không chỉ mang tính cách trần thế như bao tổ chức khác; nhưng có nguồn gốc từ Trời. Giáo Hội hoạt động dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Quyết định đạt được không do một cá nhân quyết định, nhưng là cố gắng của tập thể, sau khi đã cùng nhau cầu nguyện, đóng góp ý kiến, và đi tới quyết định.
(2) Ngoài những điều cần thiết này: "kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi." Những điều cần thiết tối thiểu này là những gì Giáo Hội Trung Ương nghĩ mọi người, Do-thái cũng như Dân Ngoại, cần phải giữ.
2/ Phúc Âm: Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.
2.1/ Giới luật yêu thương: "Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em." Đây có thể nói là giới luật duy nhất Chúa Giêsu để lại cho con người; nhưng nó lại là giới luật nền tảng, vì nó bao trùm trên các giới luật khác. Yêu thương, không đơn thuần như con người hiểu, nhưng là yêu thương phát xuất từ Thiên Chúa. Con người phải có yêu thương này trước khi con người có thể đáp ứng đòi hỏi của Chúa Giêsu: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình."
2.2/ Tình bằng hữu giữa Chúa Giêsu và các Tông-đồ: Dưới con mắt phàm nhân, mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và con người là mối liên hệ giữa chủ nhân và đầy tớ; vì Thiên Chúa dựng nên và có quyền trên con người. Ngài có quyền ra lệnh và con người có bổn phận phải thi hành. Hay có tốt hơn cũng chỉ là mối liên hệ giữa Thầy và trò. Tuy mối liên hệ này gần hơn, nhưng vẫn còn khỏang cách rất lớn giữa hai chủ thể: Thầy có quyền bắt học trò làm theo ý mình muốn. Các ông không thể nào ngờ lời Chúa nói các ông có thể trở thành bạn hữu của Ngài: "Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy."
(1) Khác biệt giữa tôi tớ và bạn hữu: "Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết." Điểm đặc biệt giữa bạn hữu là họ chia sẻ cho nhau mọi tâm sự và mọi sướng, khổ, vui, buồn. Chúa Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ mọi điều Ngài đã thấy nơi Chúa Cha, đã cùng chia sẻ mọi nỗi vui buồn trong 3 năm rao giảng; đã rửa chân cho các ông như một đầy tớ, và đã sẵn sàng hy sinh tính mạng vì các ông. Chúa thực sự đã đối xử với các ông như một người bạn thân thiết.
(2) Chúa chọn các Tông-đồ cho một sứ vụ: "Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em." Chúa Giêsu nhấn mạnh đến vai trò của Thiên Chúa trong việc lựa chọn các Tông-đồ. Ngài chọn các ông chứ không phải các ông đã chọn Ngài. Ngài chọn các ông khi các ông vẫn còn rất nhiều khuyết điểm và giới hạn của con người; nhưng Ngài huấn luyện và thánh hiến các ông, để rồi sai các ông đi cho một sứ vụ: mang con người về cho Thiên Chúa.
Điều làm chúng ta ngạc nhiên sau biến cố Phục Sinh là sự thay đổi hoàn toàn nơi các Tông-đồ, từ những con người thất học, nhút nhát, trở thành can đảm, khôn ngoan, dám đương đầu với các người trong Thượng Hội Đồng, và họ không thể đối đáp được với các ông. Nói tóm, Chúa ban tất cả những gì cần thiết để các ông có thể chu toàn sứ vụ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Khi có xung đột trong gia đình hay cộng đòan, chúng ta hãy theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để tìm ra sự thật và loại trừ tất cả những ích kỷ và ghen tị ẩn giấu đàng sau nó.
- Sau khi đã khiêm nhường tìm ra sự thật, chúng ta phải giải quyết vấn đề trên căn bản yêu thương, chứ không dùng quyền hành để ra lệnh như chủ và tớ.
- Chúng ta phải có can đảm để nhận ra lỡ lầm và sửa sai cho đúng. Hãy yêu thương, khuyến khích, và nâng đỡ nhau trong khi rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


04/05/2018 - THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 5 PS
Ga 15,12-17

CHỨNG TÁ ĐỜI SỐNG
“Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau. (Ga 15,17)
Suy niệm: Trước khi “lìa bỏ thế gian này mà về cùng Chúa Cha,” Chúa Giê-su nhắc đi nhắc lại cho các môn đệ nhiều lần lệnh truyền này như một lời trăng trối: “Anh em hãy yêu thương nhau.” Và Ngài gọi đó là “giới răn của Thầy”. Khi ban điều răn này, Chúa xác nhận Ngài coi các môn đệ là bạn hữu của Ngài chứ không phải là tôi tớ; họ là những bạn hữu được Chúa cho biết những điều bí nhiệm từ Chúa Cha. Lệnh truyền đó cũng ban bố khi Chúa Giê-su sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng và mang lại nhiều hoa trái. Những chi tiết  này cho thấy đối với Chúa Giê-su lệnh truyền yêu thương là luật sống cốt lõi trong đời sống cộng đoàn cũng như trong sứ vụ của các môn đệ của Ngài.
Mời Bạn: Chân phước giáo hoàng Phao-lô VI cho rằng đối với Giáo hội, “việc hiến mình cho Thiên Chúa trong sự hiệp thông không gì cắt đứt và nhiệt thành giúp đỡ anh em là phương thế thứ nhất của việc Phúc Âm hóa”. Ngài nói thêm: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dạy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng.” (Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, số 41). Như vậy, việc làm chứng bằng đời sống bác ái là việc không thể thiếu trong sứ vụ của Hội Thánh.
Sống Lời Chúa: Tôi quan tâm duy trì sự hiệp nhất giữa các đoàn thể, các ban trong giáo xứ như là dấu hiệu người môn đệ Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết một lòng tuân giữ giới luật yêu thương của Chúa. Nhất là đối với những người gây tổn thương, xúc phạm đến con, xin con cho biết sẵn sàng tha thứ và chấp nhận họ. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)


Yêu thương nhau như Thy (4.5.2018 – Th sáu Tun 5 Phc sinh)
Trong đi thường, chúng ta ít có cơ hi hy sinh mng sng cho nhau. Nhưng chúng ta li có rt nhiu cơ hi hy sinh nhng điu đáng quý khác...

Suy
nim:
Tôn giáo nào cũng dạy người ta phải yêu nhau.
Từ bi hỷ xả của Phật giáo hay tứ hải giai huynh đệ của Khổng giáo.
Đức Giêsu đã coi việc yêu thương nhau là một điều răn, một lệnh truyền.
Nhưng lệnh truyền này có nét mới mẻ:
“Anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em” (c. 12).
Nét mới mẻ và đáng sợ nằm ở chữ như.
Chính chữ này làm nên nét đặc trưng của Kitô giáo.
Đức Giêsu soi sáng ý nghĩa của chữ như trong câu sau,
khi Ngài nói đến tình yêu của mình đối với các môn đệ:
“Không ai có tình yêu lớn hơn
tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (c. 13).
Chết cho các bạn của mình là hành vi lớn nhất của tình yêu.
Thập giá là biểu hiện của tình yêu lớn nhất, tình yêu hiến mạng.
Đức Giêsu đòi buộc các môn đệ phải yêu nhau đến mức đó.
Người Kitô hữu được mời gọi yêu nhau đến mức đó.
“Như Cha đã yêu Thầy thế nào, Thầy cũng yêu anh em như vậy.
Anh em hãy ở lại trong tình yêu của của Thầy” (c. 9).
Có một dòng suối tình yêu chảy tràn từ Cha đến Thầy Giêsu,
và từ Thầy Giêsu đến với các môn đệ.
Ở lại trong tình yêu của Thầy chính là để cho dòng suối đó tiếp tục chảy,
qua tình yêu giữa các môn đệ với nhau.
Dòng suối ngừng chảy sẽ trở nên ao tù nhơ nhớp.
Giữa Thầy Giêsu và các môn đệ không phải chỉ có tình Thầy trò,
mà còn có tình bạn thân thiết (c. 14).
Một đặc tính của tình bạn là dám chia sẻ cho nhau những điều riêng tư.
Thầy Giêsu cho các môn đệ biết việc mình làm,
và biết những gì Thầy đã nghe được từ nơi cung lòng Cha (c. 15).
Như thế đời sống thầm kín giữa Thầy với Cha, Thầy đã vén mở.
Thầy Giêsu sống như một người bạn bên cạnh các môn đệ.
Và Ngài cũng muốn họ sống như những người bạn bên nhau.
Dám sống cho nhau và dám chết cho nhau.
Chỉ khi họ sống với nhau như những người bạn đích thực,
các môn đệ mới thật là bạn của Giêsu (c. 14).
Tình bạn đối với Giêsu khiến ta có tình bạn đối với nhau.
Tình bạn ta có đối với nhau minh chứng về tình bạn ta đang có với Giêsu.
Trong đời thường, chúng ta ít có cơ hội hy sinh mạng sống cho nhau.
Nhưng chúng ta lại có rất nhiều cơ hội hy sinh những điều đáng quý khác,
như thời giờ, tiền bạc, sức khỏe, uy tín, quyền lợi, dự tính, ảnh hưởng…
Những hy sinh này đụng đến cái tôi của ta và làm ta đau nhói.
Mong các Kitô hữu biết yêu nhau để người ta biết chúng ta là ai (Ga 13, 35).
Cầu nguyn:

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.

Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.

Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.

Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.

Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.

Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
4 THÁNG NĂM
Một Nơi Chốn An Toàn Và Thảnh Thơi
Đức Kitô tuyên bố Người không chỉ là “mục tử” mà còn là “cửa” cho chiên ra vào nữa (cf. Ga 10, 7). Như vậy, Người sử dụng hai ẩn dụ khác nhau có sức diễn tả đặc biệt. Hình ảnh “người mục tử” tương phản với hình ảnh “kẻ làm thuê”. Hình ảnh “mục tử” khắc họa rõ rệt mối quan tâm sâu sắc của Đức Kitô đối với đàn chiên của Người, quan tâm đến độ Người đã thí mạng mình để cứu độ chúng ta: “Mục tử tốt lành hy sinh mạng sống mình cho chiên” (Ga 10, 11). Thư Ê-phê-sô cũng trình bày tương tự: “Đức Kitô đã yêu mến Giáo Hội. Người đã hiến mình cho Giáo Hội” (Ep 5, 25). Việc của chúng ta là phải nhận hiểu ra rằng Người là Chúa duy nhất của mình và đi theo “tiếng của Người” (Ga 10, 4), chứ không ngây ngô trao thân gửi phận cho kẻ làm thuê – vì kẻ làm thuê rốt cục chỉ quan tâm đến tiền lương của mình, “không lo lắng đến đàn chiên” (Ga 10, 13).
Suy tư này soi sáng cho chúng ta hiểu ẩn dụ kia – ẩn dụ “cửa” hay “cổng cho chiên ra vào”. Đức Giêsu nói: “Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu; người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Ga 10, 9). Người mục tử dẫn chúng ta đến chỗ an toàn và nghỉ ngơi. Chúng ta có thể vào qua cửa ra vào và gặp được sự an toàn và thư thái ấy.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II



Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 04/5
Cv 15, 22-31; Ga 15, 12-17

Lời suy niệm: Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”
Đối với người tín hữu, mỗi người trong chúng ta đều tin nhận chúng ta được tạo dựng trong tình yêu của Thiên Chúa, và luôn được sống trong tình yêu chăm sóc của Ngài: “Có người phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” (Is 49,15). Mỗi người trong chúng ta đều là tội nhân, cũng đang được sống trong tình yêu cứu chuộc của Chúa Giêsu, Người đã hiến tế chính mình Người trên Thánh Giá và vẫn còn tiếp tục hiến tế mọi ngày trên mọi bàn thờ trên trần gian, để xóa tội lỗi cho chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đang mời gọi chúng con phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng con. Xin Chúa cho chúng con luôn suy niệm về tình yêu thương tha thứ và cứu chuộc của Chúa đã dành để cho mỗi một người trong chúng con, giúp chúng con có thêm sức mạnh và nghị lực để yêu thương nhau, xây dựng cho nhau một cuộc sống trong an bình, hạnh phúc ngay hôm nay.
Mạnh Phương



04 Tháng Năm
Xin Chúa Tha Thứ Cho Tôi
Sau thời cách mạng Pháp, trước cửa một nhà thờ tại Balê, người ta thường thấy một người hành khất với một dáng vẻ lạ thường. Xuyên qua lớp áo rách rưới, ai cũng có thể nhìn thấy trên vòng cổ của người ăn xin một cây thánh giá nhỏ bằng vàng.
Người khách quen thuộc nhất của người xấu số này là một vị linh mục trẻ. Vị linh mục thường đến dâng thánh lễ tại nhà thờ này. Mỗi lần ra khỏi nhà thờ, ông không quên hỏi han và giúp đỡ người hành khất.
Ngày nọ, vị linh mục trẻ không còn thấy người ăn xin lảng vảng trước cửa nhà thờ nữa. Lần mò hỏi thăm, vị linh mục đã tìm đến thăm người hành khất đang trong cơn rét run vì bệnh tật và đói ăn. Cảm động trước nghĩa cử của vị linh mục, ông ta đã kể lại cuộc đời của mình như sau: "Khi cách mạng vừa bùng nổ, tôi làm quản gia cho một gia đình giàu có. Hai vợ chồmg chủ tôi là những người đạo đức, giàu lòng thương người. Thế nhưng tôi đã phản bội họ. Quân cách mạng tìm cách bắt họ. Hai vợ chồng và hai đứa con của họ đã bị bắt giữ và kết án tử hình. Chỉ còn người con trai duy nhất là thoát khỏi".
Nghe đến đây, vị linh mục như muốn té xỉu, nhưng ông đã cố gắng giữ bình tĩnh để nghe tiếp câu chuyện của người hành khất: "Tôi nhìn họ leo lên đoạn đầu đài và thản nhiên theo dõi cảnh người ta chém đầu họ. Tôi quả thực là một quái vật khát máu... Từ đó, tôi không thể nào có sự bình an trong tâm hồn. Tôi bắt đầu đi lang thang khắp các ngả đường để quên tội ác của mình. Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh của gia đình họ trong túi áo này đây. Cây thánh giá tôi đang treo ở đầu giường là của người chồng, còn chiếc thánh giá bằng vàng tôi đeo trên cổ đây là của người vợ... Xin Chúa tha thứ cho tôi".
Vừa nghe xong những dòng tâm sự và cũng là lời tự thú của người hành khất, vị linh mục trẻ đã quỳ gối xuống bên cạnh chiếc giường của người hấp hối và thay cho một công thức giải tội, ông đã nói như sau: "Tôi chính là người con trai còn sống sót trong gia đình. Ðại diện cho gia đình và với tư cách là một linh mục, tôi tha thứ cho ông nhân danh Cha và Con và Thánh Thần...".
Câu chuyện tha thứ trên đây là một trong những mẩu chuyện đã và đang xảy ra ở mọi thời đại và mọi nơi. Giữa sa mạc cằn cỗi của lòng người, Thiên Chúa vẫn còn cho mọc lên những hoa trái của yêu thương, tha thứ. Tha thứ là vẻ đẹp thanh tú cao sang nhất của lòng người...
Sự hiện diện của bà Muzeyen Agca tại Roma dạo tháng 02/1987 nhắc lại cho chúng ta một biến cố vô cùng đau thương, nhưng cũng gợi lại một nghĩa cử vô cùng cao quý của vị Cha chung. Ngày 13/5/1981, giữa lúc hàng ngàn người đang chen chúc tại công trường thánh Phêrô để chờ đón Ðức Gioan Phaolô II, thì một tiếng nổ chát chúa vang lên từ đám đông đã làm cho mọi người như đứng tim. Ðức Thánh Cha đã gục ngã trên chiếc xe Jeep mui trần, máu me vọt lên tung téo. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một vị Giáo Hoàng bị mưu sát.
Ali Agca, thủ phạm chính của vụ mưu sát, đã bị bắt giữ ngay sau đó. Người thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ này đã bị giam giữ tại nhà tù Rebibbia ở Roma. Biến cố đẫm máu trên đây đã ghi đậm sự thù hận đang sôi sục trong lòng người... Nhưng thế giới không chỉ được nung náu bằng lò lửa của hận thù. Thiên Chúa đã tạo dựng con người để yêu mến và tha thứ...
Năm 1984, một biến cố khác đã làm chấn động dư luận thế giới: Ðức Gioan Phaolô II đã đích thân đến nhà giam Rebibbia để nói chuyện với Ali Agca và tha thứ cho anh. Không ai biết hai bên đã trao đổi những gì, nhưng ai cũng cảm động trước cảnh tượng kẻ sát nhân và người bị mưu sát đã bắt tay nhau và trao cho nhau ánh mắt của tha thứ, của hòa giải...
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét