05/05/2018
Thứ Bảy đầu tháng, tuần 5 Phục Sinh
Bài Ðọc I: Cv 16, 1-10
"Xin đi sang
Macêđonia mà cứu giúp chúng tôi".
Trích sách Tông đồ
Công vụ.
Trong những ngày ấy,
Phaolô đến Ðerbê và Lystra. Ở đó có một môn đồ tên là Timôthêô, con của một bà
Do-thái đã tin đạo, còn cha là người dân ngoại. Các anh em ở Lystra và Icôniô
chứng nhận anh là người tốt. Phaolô muốn anh đi theo mình, vì nể người Do-thái ở
trong vùng ấy, nên Phaolô đã đem anh đi cắt bì, vì mọi người biết cha anh là
người dân ngoại. Khi hai ngài đi ngang qua các thành phố, hai ngài truyền lại
cho họ tuân giữ những giáo lý do các tông đồ và kỳ lão tại Giêrusalem đã quyết
định. Nhờ vậy, các giáo đoàn được vững mạnh trong đức tin và mỗi ngày càng tăng
thêm đông số.
Các ngài đi qua
Phrygia và vùng Galatia, vì Thánh Thần ngăn cản không cho rao giảng lời Chúa tại
Tiểu Á. Khi đến Mysia, các ngài tìm cách đi Bithynia; nhưng Thánh Thần của Chúa
Giêsu không cho phép. Vậy các ngài đi sang Mysia, xuống Trôa, và ban đêm Phaolô
được thị kiến thấy một người Macêđô đứng đó và van xin ngài rằng: "Xin đi
sang Macêđônia mà cứu giúp chúng tôi".
Vừa thấy vậy, chúng
tôi liền tìm cách đi sang Macêđônia, tin chắc rằng Thiên Chúa đã kêu gọi chúng
tôi rao giảng Tin Mừng cho họ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 5
Ðáp: Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa! (c. 2a)
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Toàn thể địa
cầu, hãy reo mừng Chúa! Hãy phụng sự Chúa với niềm vui vẻ; hãy vào trước thiên
nhan với lòng hân hoan khoái trá. - Ðáp.
2) Hãy biết rằng Chúa
là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người.
- Ðáp.
3) Vì Thiên Chúa, Người
thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín còn tới muôn
muôn thế hệ. - Ðáp.
Alleluia: Ga 14, 16
Alleluia, alleluia! -
Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác, để ở
cùng các con luôn mãi. - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 15, 18-21
"Các con không
thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng
họ đã ghét Thầy trước. Nếu các con thuộc về thế gian, thế gian sẽ yêu những gì
thuộc về nó, nhưng các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các
con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con. Các con hãy nhớ lại lời Thầy đã
nói với các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ đã bắt Thầy, thì họ cũng sẽ
bắt bớ các con; nếu họ tuân giữ lời Thầy, thì họ cũng tuân giữ lời các con. Tại
vì danh Thầy mà họ sẽ làm cho các con tất cả những điều đó, bởi vì họ không biết
Ðấng đã sai Thầy".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Thế
Gian Ghét Bỏ
Trong chiếc tàu chuyên
di chuyển thương binh trong thời kỳ thế chiến II, một bác sĩ quân y đã tận tình
săn sóc các thương binh người Nhật chẳng kém gì các thương binh quân đội Ðồng
Minh. Viên sĩ quan Mỹ trên tầu đã lên tiếng phản đối: "Họ chỉ là tù binh,
ông hãy đối xử với họ như quân đội họ đã đối xử với chúng ta".
Vị bác sĩ vẫn điềm
nhiên tiếp tục công việc. Chẳng giằng được bất bình, viên sĩ quan lên tiếng lần
nữa. Lần này bác sĩ đã trả lời: "Họ có cách đối xử của họ. Chúng ta có
cách đối xử của chúng ta. Nếu việc làm của tôi khiến ông bực mình, xin ông dời
sang nơi khác, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để lấy tình yêu thay cho hận
thù đang chiếm ngự trong trái tim họ. Ðây cũng là phương cách duy nhất mà chúng
ta cần tuân theo để kiến tạo hòa bình trên thế giới".
Anh chị em thân mến!
Vị bác sĩ quân y đã
lên tiếng phản đối vì ông hành động không theo cách cư xử thường tình của người
đời" "Mắt đền mắt, răng đền răng". Sự phản đối này phần nào
tương tự vơí những điều mà thế gian dành để cho môn đệ Chúa Giêsu.
Thật thế, đoạn Tin Mừng
hôm nay đã mở ra cách riêng cho người môn đệ và chung cho cộng đoàn của những
người theo Chúa Giêsu một viễn ảnh chẳng mấy tốt đẹp: "Vì danh Thầy, họ sẽ
bị thế gian bắt bớ và ghét bỏ". Trong ngôn ngữ của thánh Gioan, thế gian
không có nghĩa là toàn thế giới, vì vũ trụ là công trình tác tạo do tình yêu của
Thiên Chúa. Thế gian ở đây là thế lực của sự dữ, của tất cả những gì đối nghịch
cùng Thiên Chúa. Mà khi bước theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, mặc nhiên người môn
đệ đã chấp nhận dấn thân vào một đối đầu không khoan nhượng. Trong đó, họ sẽ
lãnh lấy phần thua thiệt để phải hy sinh cả mạng sống. Ðiều này không chỉ xảy
ra trong Giáo Hội thời sơ khai, nhưng mãi mãi cho đến hôm nay vẫn luôn còn bị
bách hại.
Hơn nữa, mỗi giai đoạn
lịch sử có những cách thế bách hại riêng. Không có những cuộc đổ máu công khai ảnh
hưởng đến trào lưu văn hóa, văn minh thế giới, thì có những cuộc đổ máu âm thầm,
bị khỏa lấp bởi những ngụy tạo nhân danh công lý. Thế giới càng văn minh thì
hình thức bách hại càng tinh vi, tinh vi đến độ người bị bách hại chẳng nhớ ra
rằng: mình đang khốn khổ, hứng chịu bắt bớ mà tưởng rằng đưa tay ra đón nhận ân
huệ. Người ta đẩy mình đến chỗ tiêu diệt mà tưởng họ đang giúp mình xây dựng.
Bất cứ thời nào cũng
có những bắt bớ và ghét bỏ. Thế nhưng, có phải vì viễn ảnh đen tối ấy mà các
môn đệ của Chúa Giêsu thất vọng chùn chân: "Chính Thầy đã chọn các con khỏi
thế gian, nên thế gian ghét các con". Lời khẳng định của Chúa Giêsu sẽ soi
sáng và nâng đỡ cho những ai đang đối mặt với thử thách: "Tôi tớ không trọng
hơn chủ. Nếu họ đã bắt bớ Thầy thì họ cũng sẽ bắt bớ các con".
Bắt bớ bây giờ không
còn là một đe dọa, nhưng là dấu chỉ hy vọng, dấu chỉ thuộc về Ðức Kitô. Và cũng
thật ý nghĩa trong câu nói của Tertulianô: "Máu tử đạo là những hạt giống
nảy sinh ra các Kitô hữu". Tại vì danh Thầy mà họ sẽ làm cho các con những
điều đó bởi vì họ không biết Ðấng đã sai Thầy, không biết nên đã làm. Vậy nếu
biết chắc chắn họ đã không làm.
Thái độ trung thành
anh dũng và vui mừng khi chịu thử thách của các vị tử đạo là lời giới thiệu
hùng hồn đậm nét về Thiên Chúa. Trong cái chết tủi nhục của Chúa Giêsu trên Thập
Giá, viên lãnh binh đã tuyên xưng: "Ông này thật là Con Thiên Chúa".
Khi giọt máu của vị tử
đạo vừa chảy xuống đất cũng có biết bao nhiêu tâm hồn quay về Thiên Chúa. Tuy
nhiên, không chỉ tử đạo mới có thể giới thiệu về Thiên Chúa. Nhưng Kitô hữu còn
có thể giới thiệu Ngài bằng phương thế khác, không kém phần hữu hiệu là biết sống
yêu thương.
Lạy Chúa, xin cho
chúng con luôn nhớ rằng, họ đã làm cho các con điều ấy, vì họ không biết Ðấng
đã sai Thầy. Ðể rồi bằng mọi cách, nhất là bằng chính cuộc sống yêu thương
không oán thù, nhưng yêu thương đáp trả cho bắt bớ hận thù. Qua đó, chúng con
có thể giới thiệu Chúa cho những người chưa biết để xóa tan các ngộ nhận phát
sinh từ những lần thiếu cảm thông nhận biết này. Amen.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần V PS
Bài đọc: Acts
16:1-10; Jn 15:18-21.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thánh Thần
giúp con người biết khôn ngoan giải quyết vấn đề.
Trong cuộc sống của
các Kitô hữu: Có những lúc cần phải bảo vệ sự thật cho đến chỗ phải hy sinh mạng
sống; nhưng cũng có những lúc cần khôn ngoan thích ứng trong những trường hợp
và hoàn cảnh khác nhau. Làm sao các tín hữu nhận ra khi nào phải sống chết cho
sự thật, và khi nào có thể khôn ngoan thích ứng tùy hoàn cảnh? Xin thưa các tín
hữu cần sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Chắc chắn Ngài không hiện ra để
nói trực tiếp với chúng ta, nhưng Ngài sẽ nói với chúng ta tùy hoàn cảnh; ví dụ:
nơi nào Ngài muốn chúng ta tới, Ngài sẽ tạo cơ hội và những hoàn cảnh thuận tiện;
nơi nào Ngài không muốn chúng ta tới, Ngài sẽ không cho cơ hội và gây ra những trở
ngại khó khăn.
Các Bài Đọc hôm nay
giúp chúng ta nhận ra sự hướng dẫn của Thánh Thần. Trong Bài Đọc I, thánh
Phaolô trở lại các giáo đoàn cũ để thăm viếng, củng cố, và loan tin từ Giáo Hội
Trung Ương, trước khi bắt đầu cuộc hành trình truyền giáo thứ hai. Chúng ta nhận
ra sự hướng dẫn của Thánh Thần: khi Phaolô cắt bì cho Timothy, một người Hy-lạp,
khi Thánh Thần ngăn cản không cho rao giảng tại Asia Minor và Bithynia, nhưng
cho cơ hội vào Macedonia qua thị kiến mời gọi của một người địa phương. Trong Phúc
Âm, Chúa Giêsu tiên báo các môn đệ của Ngài sẽ bị thế gian bắt bớ như họ đã bắt
bớ Ngài. Lý do đơn giản là Ngài không thuộc về thế gian cũng như các môn đệ
không thuộc về thế gian.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phaolô bắt đầu cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng lần thứ
hai.
1.1/ Trở lại thăm các
giáo đoàn cũ: Khi có cơ hội, Phaolô luôn trở
lại để viếng thăm và cũng cố những giáo đòan ông đã thành lập. Ông đến Derbe, rồi
đến Lystra.
(1) Tuyển thêm môn đệ:
Để có thêm người rao giảng Tin Mừng và để nâng đỡ nhau trong sứ vụ, khi Phaolô
đến Lystra, ở đó có một môn đệ tên là Timothy, mẹ là người Do-thái đã tin Chúa,
còn cha là người Hy-lạp. Ông được các anh em ở Lystra và Iconium chứng nhận là
tốt.
Tại sao Phaolô cắt bì
cho Timothy đang khi ông đưa sứ điệp của Giáo Hội Jerusalem? Xin thưa: Một khi
Phaolô đã nhận được chỉ thị của Giáo Hội Mẹ cho biết việc cắt bì không liên
quan gì tới việc cứu độ, thì có cắt bì hay không cũng chẳng có gì quan trọng cả.
Tuy nhiên, có những cái không quan trọng với mình, nhưng lại quan trọng với người
khác. Lý do Phaolô muốn cắt bì cho Timothy là vì "Phaolô muốn ông ấy cùng
lên đường với mình, nên đã đem ông đi làm phép cắt bì, vì nể các người Do-thái ở
những nơi ấy."
(2) Trao sứ điệp của
Giáo Hội Jerusalem: "Khi đi qua các thành, các ông truyền lại cho các anh
em những chỉ thị đã được các Tông Đồ và kỳ mục ở Jerusalem ban bố, để họ tuân
giữ.
Vậy các Hội Thánh được
vững mạnh trong đức tin và mỗi ngày thêm đông số."
1.2/ Sống theo sự hướng dẫn
của Thánh Thần:
(1) Không muốn cho rao
giảng Tin Mừng: "Các ông đi qua miền Phrygia và Galatia, vì Thánh
Thần ngăn cảnkhông cho các ông rao giảng lời Chúa ở Asia. Khi tới sát ranh
giới Mysia, các ông thử vào miền Bithynia, nhưng Thần Khí Đức Giêsu
không cho phép. Các ông bèn đi qua miền Mysia mà xuống Troa." Trong
trình thuật này, hai lần Sách CVTĐ nói tới việc "Thánh Thần ngăn cản"
và "Thần Khí Đức Giêsu không cho phép" vào những thành phố của
Asia Minor. Tác giả không nói rõ cách thức Thánh Thần cho Phaolô biết ý của
Ngài: có thể trong thị kiến, có thể bằng cách để Phaolô gặp những trở ngại từ
phía địa phương.
(2) Muốn cho rao giảng
Tin Mừng ở Macedonia: "Ban đêm, ông Phaolô thấy một thị kiến: một người miền
Macedonia đứng đó, mời ông rằng: "Xin ông sang Macedonia giúp chúng
tôi!"
Sau khi ông thấy thị
kiến đó, lập tức chúng tôi tìm cách đi Macedonia, vì hiểu ra rằng Thiên Chúa
kêu gọi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho họ." Thánh Thần muốn mở rộng biên
giới trong hành trình rao giảng Tin Mừng thứ hai của Phaolô, không còn giới hạn
trong vùng Asia Minor; nhưng bành trướng vào Âu Châu, bắt đầu với các thành phố
Hy-lạp.
2/ Phúc Âm: Anh em sẽ bị thế gian bắt bớ.
2.1/ Xung đột giữa Thiên
Chúa và thế gian: Có nhiều ý nghĩa khác nhau
về chữ "thế gian" trong Tin Mừng Gioan; nhưng ở đây "thế
gian" được hiểu là những quyền lực chống lại Thiên Chúa, như ma quỉ và các
tay sai của nó. Giữa Thiên Chúa và thế gian có rất nhiều xung đột về giá trị:
ánh sáng và bóng tối, sự thật và sự sai trá, điều thiện hảo và điều gian ác,
yêu thương và giận ghét, đoàn kết và chia rẽ, công bằng và bất công. Người Kitô
hữu được kêu gọi để sống và làm chứng cho những giá trị của Thiên Chúa, và những
giá trị này luôn đối nghịch với những giá trị của thế gian; hậu quả là thế gian
sẽ ghét các Kitô hữu như Chúa Giêsu nói: "Giả như anh em thuộc về thế
gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về
thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh
em."
2.2/ Nếu thế gian đã bắt
bớ Chúa Giêsu, họ cũng sẽ bắt bớ các môn đệ của Ngài: Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ: "Hãy nhớ lời Thầy đã
nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ
bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh
em." Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là cuộc đời dạy dỗ những điều tốt lành, chữa
khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền, và khai trừ ma quỉ; thế mà thế gian còn truy tố,
luận phạt, đánh đòn, và đóng đinh vào Thập Giá; các môn đệ là ai mà có thể
tránh khỏi các cực hình này? Chỉ cần đọc Sách CVTĐ và Lịch Sử Giáo Hội, chúng
ta đã nghe bao cuộc bách hại của thế gian nhắm vào các môn đệ của Chúa.
Nói tóm, thế gian chống
các Kitô hữu họ mang danh Chúa Kitô. Khi chọn mang danh Kitô hữu là chọn để thế
gian bắt bớ. Thế gian ghét những kẻ mang danh Kitô, vì không thuộc về họ, và
không theo những tiêu chuẩn và đường lối của họ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần mở rộng
tâm hồn để sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Một trong những dấu chỉ
để nhận ra là dựa vào cơ hội và hoàn cảnh. Nếu Thánh Thần muốn, Ngài sẽ tạo cơ
hội và hoàn cảnh thuận tiện; nếu không, Ngài sẽ gởi những khó khăn tới.
- Có lúc chúng ta cần
bảo vệ và làm chứng cho sự thật, có lúc chúng ta cần khôn ngoan thích ứng để đạt
được những lợi ích mong muốn, tùy theo sự hướng dẫn bên trong của Ngài.
- Trở thành môn đệ của
Chúa là phải chịu bắt bớ trong việc rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng. Lý do
đơn giản là thế gian không biết Chúa Giêsu; vì thế, không chấp nhận những tiêu
chuẩn của Tin Mừng.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
05/05/2018 - THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 5 PS
Ga 15,18-21
MÔN ĐỆ KHÔNG AN PHẬN!
“Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích
cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã
tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.” (Ga 15,19)
Suy niệm: Người môn đệ của Đức Ki-tô
không thể là người cầu an bởi vì tự bản chất họ đã bị thế gian thù ghét: “Thế
gian đã ghét Thầy trước” đương nhiên các môn đệ của Thầy cũng bị ghét lây. Quả
thật thế gian thù ghét Đức Ki-tô vì Ngài không bao giờ thoả hiệp với giả dối:
Chúa vạch trần thói giả hình của nhóm biệt phái và kinh sư; Ngài không làm phép
lạ để chiều theo thị hiếu của dân chúng, cũng không để thỏa tính tò mò của
Hê-rô-đê. Chúa bị ngược đãi, bị đóng đinh và chết trên thánh giá, không phải vì
Chúa gian ác, nhưng chính vì Chúa là Đấng công chính.
Mời Bạn: Có những lúc chúng ta tìm
an phận theo kiểu thế gian: khi ta a dua, xu nịnh để cầu lợi, khi ta ngại
khuyên bảo nhau vì sợ mất lòng, khi ta vị nể nhau mà làm điều sai trái phiền
lòng Chúa…. Cái AN PHẬN đó chỉ là sự bình an mau qua chóng tàn. Trái lại PHẬN của
người môn đệ Chúa Ki-tô là được thuộc về Ngài, được hạnh phúc ở bên Ngài; vì thế
cái AN đích thực của họ chính là “sự bình an” của Chúa phục sinh: “Thầy ban cho
anh em bình an không như thế gian ban tặng – Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.”
Người môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô không sống an phận theo thế gian, mà trái
lại, dám sống công chính, theo chân Thầy Giê-su, dù có bị thế gian thù ghét, loại
trừ.
Sống Lời Chúa: Quyết tâm từ bỏ một tật xấu
hay một thói quen không tốt.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin
cho con biết loại trừ tinh thần thế tục để được sống trong bình an của Chúa.
(5 Phút Lời Chúa)
Thế
gian ghét anh em (5.5.2018 – Thứ
Bảy Tuần
5 Phục sinh)
Suy niệm:
Khi Đức Giêsu còn sống bên các môn đệ,
chưa xảy ra chuyện các môn đệ bị thù ghét một cách nghiêm trọng.
Nhưng khi Tin Mừng Gioan được viết gần xong, thì chuyện đó đã xảy ra rồi.
Các Kitô hữu gốc Do thái đã bị trục xuất ra khỏi hội đường,
và người Rôma đã bách
hại các
Kitô hữu không
nương tay.
Bài Tin Mừng
hôm nay là một lời tiên báo của Đức Giêsu
về số phận của các
Kitô hữu, trong mọi
thời đại.
Đức Giêsu đã nói đến việc mình tự
nguyện hy sinh mạng
sống,
vì Ngài là Mục tử nhân lành muốn bảo vệ đàn chiên (Ga 10, 11. 17-18).
Ngài sẽ phải chiến đấu gay gắt để chống lại sói dữ hay kẻ trộm.
Đức Giêsu cũng nói đến việc Ngài sẽ hy
sinh mạng sống
cho bạn hữu của mình là các môn đệ (Ga 15, 12-13).
Ngài sẽ xung đột với tên Thủ lãnh thế
gian (Ga 14, 30).
Thế gian là một
thế lực thù ghét và âm mưu
chống lại Ngài.
Một số nhà lãnh đạo Do thái giáo đã đứng hẳn về phía
thế gian ấy.
Cái chết của Đức
Giêsu
trên
thập giá là đỉnh điểm của sự thù ghét.
Thủ lãnh thế
gian đã có được một chiến thắng tạm thời.
Nhưng chính sự
thua cuộc của Đức Giêsu
lại vén mở tình
yêu Thiên Chúa,
và là khởi đầu cho một
chiến thắng vẻ vang hơn,
chiến thắng chính Tử thần.
Những môn đệ Đức
Giêsu
cũng phải
chia sẻ số phận của Thầy.
Không phải các môn đệ luôn luôn được
thế gian đón
nhận.
“Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” (c. 20).
“Nếu thế gian ghét anh em,
hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước khi nó ghét
anh em”
(c. 18).
Bị ghét bỏ, bị bắt bớ, bị giết hại: đó là thân
phận của Thầy Giêsu,
và của những học trò đi theo Thầy,
mãi đến tận thế.
Nếu thế gian có thái độ thù
nghịch với các Kitô hữu,
lý do là vì họ không thuộc về thế gian, và đã được tách khỏi
thế gian (c. 19).
Tuy nhiên, họ vẫn không
bị cất khỏi thế gian (Ga 17, 15),
mà còn được
sai vào
trong thế gian để biến đổi
thế gian đó
(Ga 17, 18).
Chính cái thế giằng co thuộc về bản chất của người Kitô hữu:
vừa ở trong thế
gian, lại vừa không thuộc về nó,
vừa được chọn ra khỏi thế gian, lại vừa được sai vào trong nó,
đã đưa người môn đệ vào
những thách đố khôn lường.
Theo một nghiên cứu năm 2002 của
nhà báo người Ý, ông Antonio Socci,
có khoảng 70 triệu người Kitô hữu
chết vì đức tin trong 20 thế kỷ qua.
Nhưng chỉ riêng
trong thế kỷ 20, đã có hơn 45 triệu người bị chết.
Chúng ta không kiểm
chứng được
nghiên cứu của ông này,
nhưng chúng ta biết
cuộc bách
hại các
Kitô hữu vẫn xảy ra ở nhiều nơi.
Xin được ơn thuộc trọn về Giêsu dù phải lội ngược dòng với
thế gian.
Cầu nguyện:
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi
nhuận,
xin dạy
con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống
trị và chiếm đoạt,
xin dạy
con biết yêu thương
tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy
con biết cộng
tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy
con biết coi mọi
người như
anh em.
Lạy
Chúa
Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của
thế giới.
Xin dạy
chúng
con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống
cho tha nhân,
biết
quảng đại cho đi
và khiêm nhường
nhận lãnh.
Lạy
Ba Ngôi
chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện
diện của
Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng
con người bé nhỏ.
Lm Antôn Nguyễn
Cao Siêu,
SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG NĂM
Những Cành Nho Vươn
Tới Mọi Thế Hệ
Để hiểu thực tại Giáo
Hội là Dân Thiên Chúa, chúng ta cần đọc lại biểu tượng cây nho và các cành nho
một cách kỹ lưỡng – và cần nghiền ngẫm ý nghĩa của biểu tượng ấy trong đáy lòng
mình. “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong
người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái – vì không có Thầy, anh em sẽ chẳng
làm gì được.” (Ga 15, 5).
Những cành nho nói
trên không chỉ tượng trưng cho các cá nhân, mà còn tượng trưng cho các dân tộc
thuộc mọi thời đại và mọi thế hệ. Những cành nho ấy siêu vượt trên thời gian và
trên cả sự chết, vì Dân Thiên Chúa đã được qui tụ trong Đức Kitô. Dân tộc vĩ đại
này của Thiên Chúa tạo thành một thân thể nhờ Đức Kitô. Nhờ Người, với Người và
trong Người, mọi dân tộc trở nên một – như những cành của một thân nho. Và cây
nho này là một cấu trúc hữu cơ sống động cung cấp cho tất cả chúng ta một sự sống
duy nhất trong Đức Kitô.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 05/ 5
Cv 16, 1-10; Ga 15,
18-21
Lời suy niệm: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng
nó đã ghét Thầy trước. Giá như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu
thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian, và Thầy đã chọn,
đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.”
Chúa Giêsu đã từng cho
tất cả chúng ta biết: Người là ánh sáng và thế gian là bóng tối: “Ánh sáng đã đến
thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều
xấu xa. Quả thật ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng,
để các việc họ làm khỏi bị chê trách.” (Ga 3,19-20). Giữa ánh sáng và bóng tối
không có sự tương dồng, không hề có sự tiếp sức cho nhau. Người Kitô hữu đã được
hồng phúc thật lớn lao là được Chúa chọn và tách ra khỏi thế gian. tức là thuộc
về Người, thuộc về ánh sáng. Trong lúc đó thế gian và những gì thuộc về thế
gian đều là bóng tối, nằm trong bóng tối.
Lạy Chúa Giêsu. Chúng
con tạ ơn Chúa đã thương chọn và tách chúng con ra khỏi thế gian, xin ban ơn đức
tin, cậy, mến cho chúng con, để biết dứt khoát chọn lấy Chúa, thuộc về Chúa, biết
vâng nghe Lời Chúa dạy và thực hành những điều Chúa muốn, để chúng con
không còn lấp lửng giữa Chúa và thế gian vì những tư lợi và ham muốn xấu xa, và
thấp hèn.
Mạnh Phương
05 Tháng Năm
Nhà Thờ Cho Người Da Màu
Trong quyển tự thuật, Mahatma Gandhi, cha đẻ của chủ
trương tranh đấu bất bạo động và là người đã giải phóng Ấn Ðộ khỏi ách thống trị
của người Anh, đã kể lại rằng: Trong những ngày còn làm sinh viên, ông đã đi lại
khá nhiều tại Nam Phi. Ông đã say mê đọc kinh thánh và vô cùng cảm kích về bài
giảng trên núi của Chúa Giêsu. Chính Tám Mối Phúc Thực đã gợi hứng cho chủ
trương tranh đấu bất bạo động của ông.
Mahatta Gandhi xác tín rằng Kitô giáo là giải pháp cho mối
ung nhọt phân chia giai cấp đang đục khoét xã hội Ấn từ bao thế kỷ qua. Ông đã
nghĩ đến chuyện gia nhập vào Giáo Hội. Thế nhưng, ngày nọ, khi đến nhà thờ để dự
lễ và đón nhận một vài lời chỉ dẫn, ông đã thất vọng: Ông vừa vào đến cửa nhà
thờ thì những người da trắng chận ông lại và nói với ông rằng nếu ông muốn tham
dự thánh lễ thì hãy tìm đến một nhà thờ dành riêng cho người da màu.
Mahatma Gandhi đã ra khỏi nhà thờ và ông đã không bao giờ
trở lại bất cứ nhà thờ nào nữa.
Câu chuyện trên đây của
Mahatma Gandhi đáng cho chúng ta suy nghĩ: vô tình hay hữu ý, ai trong chúng ta
cũng có thể là một chướng ngại vật ngăn cản nhiều người muốn tìm đến với Giáo Hội.
Một lời nói, một cử chỉ, một cách sống, nếu đi ngược lại với tinh thần của Tin
Mừng, đều có thể là một cách xua đuổi người khác ra khỏi nhà thờ.
Không ai là một hòn đảo.
Chân lý này đúng cho những tương quan giữa người với người mà còn có giá trị
hơn nữa trong tương quan của niềm tin. Không có một hành động nào của người
Kitô hữu mà không ảnh hưởng đến người khác. Trong mầu nhiệm của sự thông hiệp,
chúng ta biết rằng tất cả mọi chi thể của Ðức Kitô đều liên kết khăng khít với
nhau đến độ sức mạnh của người này là nơi nương tựa cho người khác, sự yếu đuối
và tội lỗi của người này có thể làm tổn thương đến người khác... Trong Thân Thể
Mầu Nhiệm của Ðức Kitô, tất cả mọi chi thể đều liên đới với nhau, tất cả mọi
người đều có trách nhiệm đối với nhau...
Không ai là một hòn đảo.
Chân lý này cũng đúng cho tương quan của người tín hữu đối với người ngoài Giáo
Hội. Mỗi người tín hữu đều phải là trung gian nhờ đó con người tìm đến với giáo
Hội. Nói cho cùng, người tín hữu không sống cho mình mà sống cho tha nhân. Thật
thế, có lẽ không ai trong chúng ta có thể vào Thiên Ðàng nếu chúng ta chưa giúp
cho một người nào đó cũng vào Thiên Ðàng với chúng ta. Ðó chính là luận lý của
Tin Mừng: Khi mất đi bản thân vì tha nhân, chúng ta mới tìm gặp lại chính mình.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét