Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2018

06-05-2018 : (phần I) CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH năm B


06/05/2018
Chúa Nhật tuần 6 Phục Sinh năm B
(phần I)


Bài Ðọc I: Cv 10, 25-26. 34-35. 44-48
"Ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Xảy ra là khi Phêrô vừa vào nhà, thì Cornêliô ra đón ngài, và sấp mình dưới chân ngài mà lạy. Phêrô liền đỡ ông dậy và nói rằng: "Xin ông chỗi dậy, vì chính tôi cũng chỉ là người".
Phêrô lên tiếng nói rằng: "Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận!"
Phêrô đang nói các lời đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên mọi kẻ đang nghe lời. Các tín hữu đã chịu cắt bì, những người đã đến cùng Phêrô, đều sửng sốt, khi thấy ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc; vả lại họ nghe các người ấy nói nhiều thứ tiếng và ngợi khen Thiên Chúa. Bấy giờ Phêrô lên tiếng nói rằng: "Ai có thể ngăn cản ta lấy nước mà rửa cho những kẻ này, khi họ đã nhận lãnh Thánh Thần như chúng ta?" Và ngài truyền rửa tội cho họ nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Bấy giờ họ xin ngài ở lại với họ ít ngày.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4
Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (x. c. 2b).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Ga 4, 7-10
"Thiên Chúa là Tình Yêu".
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì lẽ hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Ðiều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta".
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 15, 9-17
"Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn. Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Một Hội Thánh Sống Lòng Mến Chúa Yêu Người
Chúng ta có thể nghĩ những bài Kinh Thánh hôm nay không dạy chúng ta điều nào mới mẻ hơn các Chúa nhật trước. Vẫn những giáo lý phải lưu lại trong lòng mến Chúa và yêu thương anh em. Nhưng đó là những điều luôn luôn phải được đào sâu thêm. Và khi đó chúng sẽ mở ra những chân trời luôn luôn mới.
Quả vậy, Hội Thánh là đề tài suy nghĩ của Phụng vụ trong suốt mùa Phục sinh. Hôm nay các bài Kinh Thánh cũng nói về đề tài đó, nhưng dưới ánh sáng mới và theo quan điểm mới, khiến những giáo lý về lòng mến Chúa yêu người là luật sống của Hội Thánh, cũng được khai triển phong phú hơn.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng sách Công vụ các Tông đồ để hân hoan trước một hiện tượng mới.

1. Một Hội Thánh Ðang Phát Triển
Phêrô bước vào nhà ông Cornêliô. Ðó là một sự mới mẻ chưa bao giờ thấy xảy ra... Phêrô là một người Dothái, trước kia làm nghề chài lưới và bây giờ là thủ lãnh của một đạo mới thành hình. Mặc dù mới và bị đạo cũ đàn áp, thứ tôn giáo này vẫn giữ nề nếp của Dothái giáo. Phêrô và cấp lãnh đạo vẫn đinh ninh và hãnh diện tiếp nối sự nghiệp của Israel cũ. Tin Mừng cứu độ mà họ vừa lãnh nhận để đem đi rao giảng khắp nơi, theo họ nghĩ, đã được hứa ban cho con cái Israel mà thôi. Thế nên họ không hề có ý tưởng tiếp xúc với dân ngoại. Họ còn sợ việc đó nữa, vì nó sẽ làm họ ra ô uế theo quan niệm sạch và dơ của Dothái giáo.
Còn phía bên ông Cornêliô, thành kiến cũng nhiều và nặng lắm. Ông là quan ở "mẫu quốc" sang đây cai trị, vì khi ấy Dothái là đất bảo hộ của đế quốc Rôma. Làm sao ông có thể có ý tưởng sai người đi mời một anh ngư phủ người Dothái đến để dạy khôn cho mình?
Tuy nhiên Phêrô và Cornêliô, hai con người của hai thế giới và của hai nền văn minh rất khác nhau, và kình địch nhau nữa, lại có chung một mẫu số. Họ đều "kính giới Thiên Chúa và làm lành, nên đều được Thiên Chúa chiếu cố" (c.36). Người cho Phêrô thấy một thị kiến và bảo phải nuốt cả những vật mà Phêrô vẫn bảo là dơ. Và Người sai một thần sứ đến nói với Cornêliô phải cử người đi mời Phêrô đang ở nhà một người thợ thuộc da đến, để cả nhà được cứu độ. Cả Phêrô lẫn Cornêliô đều đã vâng lời. Và chúng ta thấy có cuộc gặp gỡ hôm nay như lời sách Công vụ kể.
Mỗi người chúng ta về nhà hãy tìm đọc lại câu chuyện từ đầu chí cuối. Nó rất dễ hiểu và hứng thú. Phụng vụ ở đây chỉ trích một vài đoạn cần thiết để làm nổi bật một hai ý tưởng.
Trước hết như chúng ta vừa xem, bài sách muốn nhấn mạnh đến tình thương của Chúa đối với mọi con người có lòng đạo đức và có thiện ý. Người không tây vị và kỳ thị ai, dù cho họ thuộc dân tộc và nền văn hoá nào. Ơn cứu độ của Người, tuy đi qua người Dothái, nhưng vẫn muốn đến với hết mọi dân tộc. Và Israel đích thực là Nước Trời mở rộng cho mọi người có niềm tin chứ không phải là quê hương của nguyên những người có dấu cắt bì trong xác thịt.
Ðiều này đối với chúng ta ngày nay là chân lý hiển nhiên. Nhưng ở thời Phêrô và Cornêliô, đó là điều không thể tưởng tượng được. Bức tường đã được dựng lên giữa Dothái và dân ngoại, dài, rộng và chắc hơn Vạn Lý Trường Thành nhiều. Hôm nay trong bài sách Công vụ này, nó đã bị chọc thủng, chứ chưa bình địa đâu. Phêrô đã đi qua để đưa ơn cứu độ từ Dothái sang dân ngoại. Nhưng phải đợi Phaolô, và nhiều tông đồ khác làm việc mạnh mẽ thì lối đi kia mới dần dần rộng ra, khiến bức tường phân rẽ giữa hai bên sẽ có ngày bình địa hoàn toàn. Sách Công vụ sau này sẽ cho thấy có nhiều lực lượng muốn bịt lại cái lối đi mà Phêrô đã mở ra hôm nay. Nhiều tín hữu gốc Dothái vẫn muốn phản đối việc thâu nhận dân ngoại vào sản nghiệp của các lời hứa, nếu không chịu Dothái hóa, tức là giữ một số tập tục của Dothái. Nhưng sức loài người nào cưỡng lại được lòng thương của Chúa?
Là vì không phải Cornêliô hay Phêrô đã có sáng kiến và can đảm chọc thủng được bức tường chia rẽ vạn niên kia. Bài sách Công vụ hôm nay thuật lại: đó là việc Thiên Chúa làm. Chính Người dùng Phêrô và Cornêliô để đưa Hội Thánh mở sang tất cả thế giới. Chính Người sáng tạo con đường Tin Mừng cứu độ đi vào lòng các dân tộc.
Thế nên, phụng vụ hôm nay chỉ trích lại câu đầu tiên trong bài giảng của Phêrô: "Thiên Chúa không hề tây vị, nhưng bất cứ nơi dân tộc nào, ai kính sợ Người và làm lành đều được Người vui lòng chiếu nhận". Ông đã nói lên lòng thương yêu rộng lớn của Thiên Chúa muốn ôm ấp hết mọi dân tộc. Thiện chí của người ta chỉ như mảnh đất sẵn sàng để hạt giống Tin Mừng gieo xuống mà thôi. Nó buộc đóng vai trò chủ động, nhưng chỉ là chuẩn bị và đón nhận. Chính Thiên Chúa chủ trì và lãnh đạo lịch sử. Chính Thiên Chúa muốn và đưa các dân tộc vào tình yêu cứu độ.
Rồi phụng vụ bỏ qua tất cả bài giảng của Phêrô, để kết thúc bằng việc mô tả ơn Thánh Thần đã xuống trên các người nghe, khiến Phêrô phải sửng sốt nói rằng: "Ai có thể ngăn cấm những người này chịu thanh tẩy, những kẻ đã chịu lấy Thánh Thần một thể như chúng ta?". Nghĩa là một lần nữa, chúng ta lại thấy ý Chúa muốn cứu độ dân ngoại, điều mà Hội Thánh cho tới lúc bấy giờ chưa nhận ra một cách cụ thể và chắc chắn.
Như vậy bài sách Công vụ hôm nay không đem đến cho dân Chúa một giáo lý mới sao? Rõ ràng Hội Thánh của Chúa từ nay phải mở rộng, mở xa; phải nhìn xem ơn Chúa đang làm việc nơi các dân tộc; phải nồng nhiệt đón nhận những người trước đây xa lạ vào gia đình của Chúa; phải hết tự tôn vì dân ngoại cũng đã chịu lấy Thánh Thần như thể chúng ta.
Một bài học như thế vô cùng phong phú và chưa mất giá trị tức thời đâu. Cho đến nay, chúng ta và giáo xứ chúng ta không có nếp sống bưng bít với lương dân và xã hội hay sao? Ý Chúa trong bài sách Công vụ hôm nay dạy bảo chúng ta không được như vậy nữa. Và thái độ mới này không phải chỉ có hệ tới tương quan của chúng ta với những con người và tập thể chưa Kitô giáo, mà còn chi phối cả nếp sống nội bộ và nội tâm của cộng đoàn dân Chúa nữa. Ðiều này chúng ta sẽ nhờ hai bài Thánh thư và Tin Mừng để tìm hiểu.

2. Một Hội Thánh Sống Lòng Mến Chúa Yêu Người
Vì hai bài đọc này của cùng một bút pháp lấy tên là Yoan và cùng nói về một đề tài, nên chúng ta sẽ học chung, không phân biệt bài Thánh thư và bài Tin Mừng. Cả hai đều nói về lòng mến Chúa yêu người. Cả hai đều nhấn mạnh việc yêu người, nhưng dạy rằng nó phát xuất từ lòng mến Chúa.
Ðấy là luận lý của Yoan dùng miệng lưỡi Ðức Yêsu mà nói: Như Cha đã yêu mến Ta, Ta đã yêu mến các ngươi... Các ngươi là bạn hữu của Ta, nếu các ngươi làm điều Ta truyền dạy các ngươi là hãy yêu mến nhau. Nêu lên như vậy, nhưng Yoan đã không chứng minh các vế của hai câu luận lý trên một cách đồng đều. Có thể nói, người không cần làm chứng về tình yêu mà Chúa Cha đã dành cho Ðức Yêsu. Người nói nhiều hơn về tình yêu của Ðức Yêsu và của Thiên Chúa dành cho môn đệ để thúc giục họ yêu mến nhau như người đã yêu mến họ.
Ðối với chúng ta, sẽ thật là cổ điển nếu còn làm chứng lại về tình yêu của Ðức Yêsu và của Thiên Chúa dành cho loài người. Nhưng hôm nay chúng ta cũng không bỏ qua một vài tư tưởng sâu sắc của Yoan. Người nói: tình của Ðức Yêsu mến chúng ta giống như tình của Chúa Cha yêu mến Ngài. Nó là chính tình yêu mến đó. Cả hai chỉ là một. Vì Chúa Cha yêu thương Chúa Con thế nào, thì Chúa Con cũng yêu thương chúng ta như vậy. Chúng ta cứ nhìn vào tình yêu sau để hiểu tình yêu trước, vì tình yêu sau đã tỏ hiện nơi chúng ta.
Thật vậy, rõ ràng Chúa đã yêu chúng ta trước, khi chúng ta còn ở trong tội lỗi, Người đã sinh ra và hy sinh vì chúng ta. Người đã đi bước trước. Tình yêu khởi sự từ Người. Nó khác hẳn tình yêu nơi chúng ta. Nó là bác ái, vì nó yêu khi chúng ta chưa có gì đáng yêu. Vì chính nó sẽ làm ra những gì đáng yêu nơi chúng ta. Nó thật là huệ ái theo nghĩa là ân huệ nhưng không Chúa ban cho chúng ta. Ðừng bảo nó là lòng thương hại. Không, Chúa không gọi chúng ta là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu của Người. Kẻ tôi tớ được thương. Nó được hưởng nhiều ơn của chủ, nhưng không được đi sâu vào tâm sự của chủ và biết việc chủ làm. Nhất là nó vẫn đứng ngoài, không hiểu hết được lòng chủ... Ðàng này, Chúa Yêsu thương chúng ta như bạn hữu đưa chúng ta vào sống sự thân mật của Người tỏ cho ta mọi điều Người nghe được nơi Chúa Cha. Chúng ta hãy cân nhắc những lời này. Việc Người tỏ cho ta mọi điều Người nghe được nơi Chúa Cha không nói lên sự tín cẩn, thắm thiết của Người dành cho chúng ta là bạn hữu của Người sao?
Cuối cùng mối tình của Người cụ thể phong phú vô lường. Người đã thí mạng mình vì bạn hữu; Người đặt bạn hữu ra để họ đi sinh trái và trái trăng của họ còn mãi. Ai có thể dùng những lời nào hơn để diễn tả sự chân thật, thắm thiết, phong phú của tình Chúa thương ta? Yoan chẳng thể kết luận thế nào khác hơn điều này: là chúng ta hãy lưu lại trong lòng mến của Chúa.
Nhưng khi viết câu này, Yoan đã ý thức sâu xa về sự khác biệt giữa tình yêu ở nơi Chúa và ở nơi chúng ta. Nơi Người, nó luôn luôn trung tín. Không những Chúa Con không bao giờ ngơi lưu lại ở trong lòng mến của Chúa Cha; mà chính lòng mếm của Thiên Chúa đối với chúng ta không bao giờ ngắt quãng. Nếu có phút nào Người không yêu chúng ta nữa, thì chúng ta chẳng còn. Kinh nghiệm lịch sử Israel cho thấy rõ. Có khi Chúa "bỏ rơi" dân này trong tay các cường quốc vì tội lỗi bất trung của nó. Người vẫn không ngớt duy trì tình yêu cứu độ để rồi vung cánh tay quyền lực cho nó thấy tình yêu của Người thật trung kiên bền vững. Khốn thay, lòng mến của chúng ta lại không như vậy. Giống như Israel, nó luôn luôn tráo trở. Vì thế trong Cựu Ước Chúa luôn kêu gọi Israel trở lại thế nào thì trước khi từ giã môn đệ, trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Yêsu cũng luôn kêu gọi chúng ta lưu lại ở trong tình yêu của Người.
Và cho được như thế hãy giữ lệnh truyền của Người, cũng như Người hằng giữ các lệnh truyền của Chúa Cha. Chúng ta có thể tự hỏi Chúa Cha đã ra những lệnh truyền nào cho Ðức Yêsu? Sách Thánh trả lời là Chúa Cha muốn Ðức Yêsu học biết được gì nơi Chúa Cha thì thông ban lại cho loài người. Nhưng hỏi có gì cần biết nơi Chúa Cha nếu không phải là chính tình yêu cứu độ của Người? Thiên Chúa là tình yêu. Hiểu biết Thiên Chúa là hiểu biết tình yêu của Người. Người không giống những quan niệm siêu hình về Thượng đế ở nơi các triết gia. Người là Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta biết về Người đều quy vào kế hoạch cứu độ tình thương mà Người đã tự ý sáng tạo khi chưa có tạo dựng. Chúa Cha muốn Chúa Con mang tình yêu lớn lao ấy xuống thế, để khi Ðức Yêsu chết trên thập giá, người ta biết Thiên Chúa yêu thương con người đến mức nào. Thế nên, Ðức Yêsu đã giữ lệnh truyền của Chúa Cha, khi làm công việc cứu thế. Và bây giờ Người bảo chúng ta cũng hãy bắt chước Người mà giữ lệnh truyền của Người.
Lệnh truyền này cũng nằm trong chiều hướng với lệnh truyền của Chúa Cha, là: như Cha đã yêu Ta và Ta đã yêu các ngươi, thì các ngươi hãy yêu mến nhau. Phàm ai yêu mến thì đã sinh bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu mến thì đã không biết Người. Những lời này đối với chúng ta bây giờ dễ hiểu; vì chúng ta đã biết lòng yêu mến đích thực bởi Thiên Chúa mà đến vì Người là tình yêu. Chỉ ai sinh bởi Thiên Chúa mới có lòng yêu mến ấy; và khi có lòng yêu mến này, người ta biết Thiên Chúa và biết Người là đấng yêu mến và Người muốn chúng ta yêu mến. Còn ai không yêu mến sẽ không biết Người, sẽ không biết Người đã yêu thương chunng ta trước và thí mạng sống vì chúng ta để đến lượt chúng ta thí mạng sống mình vì anh em. Vì thế lòng yêu mến anh em sẽ trắc nghiệm lòng chúng ta mến Chúa. Lòng Hội Thánh yêu thương các linh hồn chứng tỏ lòng mến Chúa ở trong Hội Thánh, bởi vì khi nhập thể Chúa đã gọi hết mọi người là anh em của Chúa, thì khi dạy chúng ta phải yêu thương anh em, Người muốn chúng ta phải làm cho mọi tạo vật trở nên môn đệ của Người.
Bài học cuối cùng của hai đoạn Thánh thư và Tin Mừng hôm nay lại đưa chúng ta về ý nghĩa của bài sách Công vụ. Lòng mến Chúa yêu người mà Hội Thánh phải duy trì và phát triển ở trong lòng mình sẽ đẩy Hội Thánh đến với lương dân và đi vào xã hội, để tỏ hiện sức mạnh tình yêu thiên nhiên và bền vững của Thiên Chúa.
Giờ đây khi cử hành thánh lễ, chúng ta lại được dịp chứng nghiệm tình yêu thắm thiết của Thiên Chúa cứu độ. Rõ ràng Người là tình yêu. Người yêu chúng ta trước. Người yêu chúng ta đến nỗi thí mạng mình vì chúng ta để tình yêu của Người đến với chúng ta, lưu lại nơi chúng ta và thúc đẩy chúng ta yêu mến anh em và truyền giáo cho anh em, tức là làm cho mọi người biết tình yêu khôn tả của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tham dự thánh lễ này sốt sắng. Nhưng nhất là chúng ta phải thi hành tinh thần của thánh lễ cũng như những bài học của Lời Chúa hôm nay trong đời sống hàng ngày.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật VI Phục SinhNăm B
Bài đọcActs 10:25-26, 34-35, 44-48; I Jn 4:7-10; Jn 15:9-17.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa là tình yêu.
             Thiên Chúa, chúng ta chưa thấy bao giờ, nói về tình yêu của Đấng chúng ta chưa thấy bao giờ còn khó khăn và trừu tượng hơn nữa; nhưng may mắn cho con người, Thiên Chúa chọn để bày tỏ tình yêu cho con người qua việc tạo dựng, quan phòng, cứu chuộc, và thánh hóa con người.
              Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh các công việc Thiên Chúa dùng để bày tỏ tình yêu của Ngài. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài cho Cornelius, viên sĩ quan Dân Ngoại, qua việc cho ông cơ hội để gia nhập đạo thánh Chúa. Trong Bài Đọc II, thánh Gioan sau khi định nghĩa "Thiên Chúa là tình yêu" đã dẫn chứng tình yêu này qua việc Thiên Chúa ban cho chúng ta Người Con Một của Ngài. Trong Phúc Âm, tình yêu Thiên Chúa được lan tràn qua Chúa Giêsu và đổ xuống trên các môn đệ của Chúa. Trước khi các môn đệ có thể yêu thương tha nhân, họ phải ở lại và được thấm nhuần tình yêu này. 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa thi ân giáng phúc trước khi con người biết đáp trả hồng ân của Ngài.

1.1/ Thiên Chúa không thiên vị, nhưng yêu thương mọi người: Cornelius là sĩ quan Roma, thuộc về Dân Ngoại, nhưng biết kính sợ Thiên Chúa, cầu nguyện thường xuyên, và cư xử tốt lành với mọi người (Acts 10:2). Vì những điều tốt lành này, ông được một thị kiến thấy sứ thần của Thiên Chúa truyền lệnh cho ông đi mời Simon Phêrô đến nhà mình.
            Sự kiện Phêrô, một người Do-thái, vào nhà ông Cornelius, một người Dân Ngoại, là một điều không bình thường; nhưng vì Thánh Thần truyền lệnh, cho nên ông phải đi (Acts 10:20). Khi ông Phêrô nhận ra sự sắp đặt của Thiên Chúa cho viên sĩ quan Dân Ngoại, ông lên tiếng nói: "Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận." Lý do là vì Chúa dựng nên tất cả và ban ơn xuống mọi người. Ai nhận ra hồng ân Ngài ban và sống ngay lành, Ngài sẽ tiếp tục ban ơn, và nhất là cho hiểu biết đạo thánh của Ngài.

1.2/ Thiên Chúa gởi Thánh Thần xuống trên những người trong nhà Cornelius: Khi "ông Phêrô còn đang nói những điều đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa. Những tín hữu thuộc giới cắt bì cùng đến đó với ông Phêrô đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cả các dân ngoại nữa, bởi họ nghe những người này nói các thứ tiếng và tán dương Thiên Chúa." Họ kinh ngạc vì họ tưởng chỉ có những người đã chịu Phép Rửa mới nhận được Thánh Thần. Nhưng Thiên Chúa không lệ thuộc vào truyền thống hay vào những gì con người tin tưởng, Ngài ban Thánh Thần cho những ai biết kính sợ và sống theo đường lối của Ngài.
            Ông Phêrô nhớ lại biến cố trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, khi các Tông-đồ được Chúa Thánh Thần hiện xuống như lưỡi lửa đậu xuống trên đầu các ông (Acts 2:3-10), bấy giờ ông Phêrô nói rằng: "Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ?" Rồi ông truyền làm phép rửa cho họ nhân danh Đức Giêsu Kitô.

2/ Bài đọc II: Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước khi chúng ta đáp trả tình yêu của Ngài.

2.1/ Thiên Chúa là tình yêu: Thánh Gioan định nghĩa tình yêu cách ngắn gọn và đơn giản: "Thiên Chúa là tình yêu." Vì yêu thương, Thiên Chúa làm mọi sự: tạo dựng, quan phòng, cứu chuộc, thánh hóa, và chuẩn bị tương lai cho con người.
            Yêu thương làm con người nên giống Thiên Chúa, vì Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh Ngài (Gen 1:26). Thánh Gioan diễn tả như sau: "Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa." Biết Thiên Chúa là biết yêu thương tha nhân và được sinh ra bởi Thiên Chúa.
            Ngược lại, "Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu." Nếu Thiên Chúa là tình yêu, con cái của Ngài phải biết yêu thương. Ai từ chối không yêu thương, kẻ ấy không thể là con cái Thiên Chúa. Chúng ta có thể hiểu lý do tại sao Thiên Chúa dùng giới răn yêu thương để phán xét con người trong Ngày Tận Thế (Mt 25).

2.2/ Thiên Chúa biểu lộ tình yêu: Cách định nghĩa tình yêu của Gioan tuyệt vời, nhưng vẫn chỉ thuần tri thức; nhưng cách biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa cho con người thật cụ thể và đánh động tâm lòng của mọi người, ngay cả những con tim chai đá nhất: "Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống." Mỗi khi nhìn lên Thập Giá, con người cảm nhận được tình Thiên Chúa yêu thương họ, dù chưa một lần được nhìn thấy Ngài.
            Thiên Chúa yêu thương con người trước: "Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta." Thiên Chúa yêu thương con người khi họ vẫn còn là những tội nhân; Ngài không đợi cho con người trở nên tốt lành, đáng yêu rồi mới yêu thương họ. Nếu Ngài chờ đợi như thế, con người sẽ không có cơ hội, vì làm sao con người có thể gột rửa tội lỗi mình để trở nên đáng yêu? Con người chỉ có thể cảm nhận sau khi Thiên Chúa tỏ tình yêu của Ngài, và đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa bằng cách loan truyền tình yêu Thiên Chúa cho tha nhân, và yêu thương mọi người.

3/ Phúc Âm: Thiên Chúa chọn và sai chúng ta đi làm việc cho Ngài.

3.1/ Giới luật yêu thương
            (1) Nguồn cội của tình yêu: Tình yêu phát xuất từ Chúa Cha, lan truyền qua Chúa Con, và được trao tặng cho các Tông đồ, như Chúa Giêsu mặc khải: "Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy." Điều quan trọng là các môn đệ phải ở lại trong tình thương này, trước khi có thể làm cho tình thương này lan rộng tới tha nhân. Sau khi đã ở lại trong tình yêu này, Chúa Giêsu mới tiếp tục truyền như trong câu 12: "Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em." Điều này cũng có nghĩa: Nếu không ở lại trong tình thương Thiên Chúa, chúng ta không thể yêu nhau bằng tình yêu Thiên Chúa; và không thể đạt được mức độ trọn lành như Thiên Chúa đòi hỏi như yêu kẻ thù, yêu đến chết, và sẵn sàng tha thứ tất cả lỗi lầm của tha nhân.
            (2) Giữ các điều răn là ở lại trong tình thương Thiên Chúa: "Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người." Chúa Giêsu không chỉ dạy dỗ, nhưng còn làm gương sáng. Ngài không đòi hỏi các ông điều gì Ngài không làm; ví dụ: yêu đến nỗi hy sinh tính mạng, tha thứ cho kẻ thù, vâng lời Thiên Chúa trong mọi sự đến nỗi phải chết. Ngài khuyến khích các ông để các ông có can đảm theo chân Ngài: Nếu Ngài đã làm được, các ông cũng sẽ làm được.
            Giữ các giới răn và ở lại trong tình yêu Thiên Chúa không phải là một sự ép buộc như giữ những luật lệ của con người; nhưng là bí quyết để tìm được niềm vui trọn vẹn: "Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn."

3.2/ Chúa Giêsu gọi và chọn các môn đệ: Như trong hai bài đọc trên, Chúa Giêsu luôn luôn là người bắt đầu. Ngài gọi và chọn 12 Tông-đồ, chứ không có ai là người tình nguyện theo Ngài cả. Trong cuộc đời rao giảng của Chúa, nhiều người cũng tình nguyện theo Chúa, nhưng Ngài không cho theo. Cũng thế, trong ơn gọi làm linh mục và tu sĩ: con người không tự mình làm linh mục hay tu sĩ, nhưng qua lời mời gọi và sự lựa chọn của những người đại diện Thiên Chúa.
            (1) Ngài gọi các môn đệ để trở thành bạn hữu: Tình yêu đòi hỏi sự tự do và ngang hàng giữa hai chủ thể (nói theo kiểu VN, phải môn đăng hộ đối). Con người có tự do nhưng không thể ngang hàng với Thiên Chúa, vì con người chỉ xứng đáng làm đầy tớ của Ngài; nhưng có một sự trao đổi kỳ lạ ở đây. Thiên Chúa, qua Con Ngài là Chúa Giêsu đã khiêm nhường hạ mình cho bằng con người, để mặc lấy thân phận con người, để yêu thương con người, và để nâng con người lên hàng bạn hữu: "Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết." Thiên Chúa đã hoàn thành điều này qua Mầu Nhiệm Nhập Thể.
            Không những chỉ chọn con người là bạn hữu, nhưng còn là bạn nghĩa thiết tâm giao. Thông thường, con người chỉ dám hy sinh tính mạng cho người bạn nghĩa thiết. Chúa Giêsu là bạn nghĩa thiết của con người vì Ngài dám hy sinh tính mạng để cho con người không phải chết, như chính Ngài đã tuyên bố: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình." Khác với con người chỉ có một hay vài bạn tâm giao, Chúa Giêsu muốn có rất nhiều bạn nghĩa thiết, nên Ngài mở rộng đến mọi người: "Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy." Hy sinh tất cả cho tha nhân là cách trở nên bạn hữu của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã hoàn thành điều này qua Mầu Nhiệm Cứu Độ.
            (2) Ngài chọn các ông để được sai đi: Tình yêu Thiên Chúa không giữ lại trong một số người hay một dân tộc, nhưng luôn mở rộng và cho đi đến mọi người. Chúa Giêsu chọn 12 Tông-đồ và một số môn đệ để yêu thương, dạy dỗ, và sai đi: "Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em." Tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu, các Tông-đồ cũng chọn các môn đệ để yêu thương, dạy dỗ, và sai đi để yêu thương, dạy dỗ, và sai đi rao giảng Tin Mừng. Sứ vụ này vẫn tiếp tục cho đến thời đại chúng ta đang sống, và sẽ còn kéo dài cho tới Ngày Tận Thế.
 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            - Thiên Chúa luôn là Người bắt đầu trong mọi sự việc, chúng ta chỉ là người nhận ra và đáp trả lại tình yêu của Ngài.
            - Nguồn căn bản nhất trong các hoạt động của Thiên Chúa và của chúng ta là tình yêu. Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa, lan rộng qua Đức Kitô, và đổ xuống trên con người. Chúng ta phải ở lại trong tình yêu này trước khi có thể yêu thương tha nhân bằng tình yêu Thiên Chúa.
            - Để nhận ra tình yêu Thiên Chúa, chúng ta phải giữ các giới răn Chúa Giêsu truyền dạy và phải sẵn sàng hy sinh ngay cả tính mạng cho tha nhân, như Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha và sẵn sàng hy sinh tính mạng cho con người.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


06/05/2018
CHÚA NHẬT TUẦN 6 PS – B
Ga 15,9-17


HÃY YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU
“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12)

Suy niệm: Người ta nói rất nhiều về tình yêu, nhưng trong thực tế, người ta quan niệm rất khác nhau về tình yêu. Có người cho rằng tình yêu là cảm xúc đầy thi vị của một buổi chiều “nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…” (Xuân Diệu). Có người lạm dụng tình yêu, làm nó thoái hoá đến độ chỉ còn là một hành vi tính dục giữa hai người nam nữ. Thế còn, Chúa Giê-su nói về tình yêu thế nào? Chúa Giê-su mời gọi các tông đồ: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Mà “yêu nhau như Thầy đã yêu” là hy sinh chính bản thân mình, kể cả hy sinh mạng sống để muôn người “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10); là yêu giống như Thiên Chúa, Đấng “đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà thế gian được sống” (1Ga 4,9). Tình yêu ấy được thể hiện cách cụ thể qua cuộc sống và lời nói của Ngài: Một tình yêu cảm thông dành cho những người nghèo khổ, tàn tật, đui mù; một tình yêu tha thứ “đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,21), yêu đến cả kẻ thù nữa; một tình yêu không đòi đền đáp; yêu đến cùng, hy sinh cả tính mạng vì nhân loại.

Mời Bạn: Để có thể “kính mến Chúa trên hết mọi sự” thì trước tiên phải “yêu thương nhau như Thầy đã yêu,” bởi vì thánh Gio-an tông đồ cho biết: “ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa là Đấng mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20).

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn làm một việc phục vụ, bác ái cho một người anh chị em đang sống gần bạn.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.
(5 phút Lời Chúa)


LI TRONG TÌNH THƯƠNG (6.5.2018 Chúa nht 6 Phc sinh, Năm B)
Thế gii hôm nay đói khát tình yêu đích thc. Môn đ Ðc Kitô phi là chng nhân tình yêu, yêu như Chúa đã yêu, yêu bng tình yêu ln nht.


Suy nim:
“Tôi là một linh mục công giáo Ba Lan, tôi đã già,
tôi muốn chết thay cho ông này, vì ông có vợ con”
Quyết định của Cha Kônbê (Maximilianus Maria Kolbe) đã cứu được ông Francis.
Không phải chỉ mình ông và gia đình ông,
cha còn cứu được 9 người khác, khỏi nỗi tuyệt vọng,
những người sẽ cùng bị bỏ đói đến chết với cha.
Từ hầm giam,
không còn nghe thấy tiếng khóc than nguyền rủa.
Chỉ có tiếng hát và lời kinh...
Cái chết của cha làm mọi người kinh ngạc,
vì nó là bằng chứng của một tình yêu.
Không có tình yêu nào lớn bằng
tình yêu hiến mạng cho người bạn của mình.
Ông Francis chẳng phải là bạn của cha Kônbê,
nhưng ông thành bạn của cha vì được cha hiến mạng.
Hãy ở lại trong Thầy, ở lại trong tình yêu của Thầy.
Ðây không phải là một lời mời đầy tính lãng mạn
của một người đang yêu.
Ðây cũng không phải là một mệnh lệnh cao siêu
dành cho những nhà thần bí.
Ðức Giêsu dạy ta biết cách ở lại trong Ngài.
Ai muốn ở lại trong tình yêu của Thầy
thì phải giữ các điều răn (x. câu 10),
mà điều răn quan trọng nhất
là yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.
Như thế chúng ta có một kết luận kỳ diệu:
muốn ở lại trong Thầy thì cũng phải ở lại trong nhau.
Cành nào muốn hiệp thông với cây
thì cũng phải hiệp thông với các cành khác.
Có một dòng nhựa từ cây nuôi các cành.
Chúng ta là những cành cây được nuôi bằng một dòng nhựa.
Khi gắn bó thân thiết với Chúa,
chúng ta cũng được gắn bó với nhau sâu thẳm.
Yêu anh em là thước đo đáng tin cậy
để thấy được tình yêu của mình đối với Chúa.
Chỉ có một dòng tình yêu duy nhất luân chuyển:
như Cha đã yêu Thầy, Thầy đã yêu anh em;
như Thầy đã yêu anh em, anh em hãy yêu nhau.
Dòng tình yêu phát xuất từ Cha và đi khắp thế giới.
Yêu thương là không làm cho nó ngừng lại thành ao tù.
Thế giới hôm nay đói khát tình yêu đích thực.
Môn đệ Ðức Kitô phải là chứng nhân tình yêu,
yêu như Chúa đã yêu, yêu bằng tình yêu lớn nhất.
Chúng ta không có dịp để chết như cha Kônbê,
nhưng mỗi ngày ta có nhiều dịp để sống cho người khác.
Sống cho tha nhân đòi hỏi những cái chết nho nhỏ.
Những cái chết nhỏ chuẩn bị cho cái chết lớn khi cần.
Mỗi lần trái tim ta héo khô và chai cứng,
hãy trở lại với Ðức Giêsu như suối nguồn
để được Ngài tưới đẫm yêu thương.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày
đón nhận những người khác
là điều vượt quá sức con,
vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày
con không thể nào kính trọng kẻ khác được,
vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con
có những ngày
mà yêu mến người khác
làm cho tim con đau nhói,
vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau
và những giới hạn của bản thân con.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con
trong những ngày khó khăn đó,
xin hãy nhắc cho con nhớ rằng
tất cả chúng con đều là con cái Chúa
và đừng để con quên lời Chúa nói:
“Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất
là làm cho chính Ta.”
(Trích trong PRIER)

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
6 THÁNG NĂM
Nhà Trồng Nho Cố Vun Xới
Để Có Một Mùa Bội Thu
Trong kết hiệp với thân nho, mỗi cành đều có chỗ riêng của mình. Thật vậy, sự sống của Đức Kitô truyền tới mỗi cành nho và nuôi dưỡng nó. Khi Đức Kitô tuyên bố: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là Người trồng nho”, Người cũng cho biết: “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Ngài chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15, 1 – 2).
Và Đức Kitô nói tiếp: “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em” (câu 3). Khi nói “anh em”, dù sử dụng từ ngữ số nhiều, người cũng đang nhắm nói với từng người. Người đang nghĩ đến từng cành nho.
Người tiếp: “Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em” (câu 4). Rồi liền theo đó, Người xác nhận: “Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy”.
Khi nói “anh em”, Đức Kitô có ý chỉ “từng người trong anh em”. Và hình ảnh mà Người trình bày xoáy vào một thân nho duy nhất. Chỉ nơi Người, các cành nho mới nhận được sự sống. Và mỗi cành nho đều tìm được sự sống nơi Người. Cây nho có nhiều cành, nhưng “nhiều” ở đây không phải là một “mớ” hay “đống” tản mác rời rạc được chất lại với nhau. Mỗi cành nho đều được nâng đỡ bởi cây nho. Mỗi cành nho đều được gắn kết với cây nho bằng mối liên lạc độc đáo của riêng mình. mối quan hệ giữa từng người chúng ta với Đức Kitô cũng có tính biệt vị như thế. và qua mối quan hệ với Đức Kitô, chúng ta cũng được đi vào mối thông hiệp với Cha.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 06 - 5
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH
Cv 10, 25-26.34-35.44-48; 1Ga 4, 7-10; Ga 15, 9-17.

LỜI SUY NIỆM: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em”.
Chúa Giêsu đang thổ lộ tâm tình của Người cho mỗi người trong chúng ta ngay lúc này đây: Chính Người chọn chúng ta và cắt cử chúng ta ra đi, ra đi để sinh được hoa trái và hoa trái được tồn tại. Người muốn chúng ta cùng cọng tác với ơn thánh của Người ban, để chúng ta được sống tốt và chu toàn sứ mạng ra đi.
Lạy Chúa Giêsu. trong thời đại của chúng con có nhiều gia đình, nhiều thành viên tích cực trong “Con Đường Tân Dự Tòng” đang tình nguyện ra đi, đến với những người đang cách xa Chúa, những người sống nguội lạnh với đức tin, và những người chưa biết Chúa. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con tích cực tham gia và cầu nguyện cho “Con Đường Tân Dự Tòng” luôn phát triển để đem nhiều linh hồn về với Chúa.
Mạnh Phương


6 Tháng Năm
Khác Biệt Giữa Ngày Và Ðêm
    
    Một vị đạo sĩ Ấn Giáo nọ hỏi các đệ tử của ông như sau: "Làm thế nào để biết được đêm đã tàn và ngày bắt đầu?"

    Một người đệ tử trả lời như sau: "Khi ta trông thấy một con thú từ đằng xa và ta có thể nói: đó là con bò hay con ngựa".

    Câu trả lời trên đây đã không làm cho nhà đạo sĩ ưng ý chút nào...

    Người đệ tử thứ hai mới lên tiếng nói: "Khi ta thấy một cây lớn từ đằng xa vàta có thể nói nó là cây xoài hay cây mít".

    Vị đạo sĩ cũng lắc đầu không đồng ý. Khi các đệ tử nhao nhao muốn biết câu giải đáp, ông mới ôn tồn nói như sau: "Khi ta nhìn vào gương mặt của bất cứ người nào và nhận ra người anh em của ta trong người đó thì đó là lúc đêm tàn và ngày mới bắt đầu. Nếu ta không phân biệt được như thế, thì cho dù đêm có tàn, ngày có bắt đầu, tất cả mọi sự không có gì thay đổi".

    Ngày 25 tháng 12, lễ Thần Mặt Trời của dân ngoại đã được Giáo Hội chọn làm ngày sinh của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu quả thực là Mặt Trời Công Chính. Ngài xuất hiện để báo hiệu Ðêm đã tàn và Ngày Mới bắt đầu.

    Nhân loại đã chìm ngập trong đêm tối của tội lỗi, đêm tối của trốn chạy khỏi Thiên Chúa và chối bỏ lẫn nhau giữa người với người. Chúa Giêsu đã đến để xóa tan đêm tối ấy và khai mở ngày mới trong đó người nhận ra người, người trở về với Thiên Chúa.

    Quả thực, chỉ trong Ðức Giêsu Kitô, mầu nhiệm con người mới được sáng tỏ. Trong đêm tối âm u của khước từ Thiên Chúa và chóii bỏ lẫn nhau, con người đã không biết mình là ai, mình sẽ đi về đâu. Trong ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô, con người nhận dạng được chính mình cũng như nhìn thấy người anh em của mình.
    
    Nhận ra người anh em nơi một người nào đó chính là nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa nơi mọi người cũng như phẩm giá vô cùng cao quý của người đó.

    Nhận ra người anh em nơi một người nào đó là nhìn thấy niềm vui, nỗi khổ, sự bất hạnh và ngay cả lỗi lầm của người đso như của chính mình.

    Nhận ra người anh em nơi một người nào đó chính là sẵn sàng tha thứ cho người đó ngay cả khi người đó xúc phạm đến ta và không muốn nhìn mặt ta.

    Nhận ra người anh em nơi một người nào đó cũng có nghĩa là không thất vọng về khả năng hướng thiện của người đó.

    Nhận ra người anh em nơi một người nào đó cũng có nghĩa là muốn nói với người đó rằng, cách này hay cách khác, ta cần người đó để được sống xứng với ơn gọi làm người hơn.

    
    Trích sách Lẽ Sống



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét