Kỷ niệm 50 năm Hội nghị Medellin
Trong các ngày từ mùng 3 tới mùng 5 tháng 4 vừa qua Hội nghị
quốc tế với đề tài “Medellin: 50 năm sau” đã diễn ra tại Đại học giáo hoàng
Javeriana trong thủ đô Bogota bên Colombia. Đại hội đã do Phân khoa thần học đại
học Javeriana và Trường thần học và thừa tác đại học Boston cùng tổ chức, bảo
trợ, và do ĐHY Baltazar Porras Cardoso, TGM Merida điều hợp. Trong số các thuyết
trình viên có ĐC Raul Biord Castillo, GM La Guaira, kiêm phó chủ tịch
HĐGM Venezuela, nói về đề tài “Rao giảng Tin Mừng và thăng tiến nhân bản tại
Medellin”.
Tham dự đại hội đã có khoảng 25 vị gồm các Hồng Y, Giám Mục,
giáo sư và hàng trăm sinh viên đại học. Trong các ngày đại hội mọi người đã suy
tư về nhiều đề tài, trong đó có giá trị thời sự của việc Giáo Hội lựa chọn
“sống cho dân nghèo và sống nghèo”, cũng như về “gương mặt của một Giáo Hội thực
sự nghèo, truyền giáo và phục sinh”.
Trong thông cáo gửi tới hãng tin Fides của Bộ Truyền Giáo,
ban tổ chức khẳng định rằng đại hội muốn đào sâu tính cách mục vụ như là thực tại
nội tại trong công việc của Giáo Hội và nền thần học, chứ không phải chỉ như một
áp dụng mục vụ hay thực hành của nền thần học và cuộc sống giáo hội. Ngoài ra mục
đích đại hội cũng là đào sâu cuộc đối thoại giữa các thế hệ trung gian và đang
lên để góp phần vào việc hiểu biết tiến trình cải cách đang được ĐTC Phanxicô đề
ra và hướng dẫn.
Hồi tháng 2 năm 2017 Trường Thần học và Thừa Tác đã tổ chức
một cuộc gặp gỡ thần học mễ - mỹ với sự tham dự của 50 thần học gia châu Mỹ
Latinh, Tây Ban Nha, Latinh và Bắc Mỹ để thảo luận về cuộc đối thoại thần học mục
vụ trong các bối cảnh châu mỹ. Trong đại hội lần này ban tổ chức muốn đưa ra
hai sinh hoạt: thứ nhất là để cho nhóm Hispano-americano tái gặp gỡ và làm việc;
thứ hai là thực hiện hội nghị quốc tế rộng mở cho mọi người. Nền thần học châu
mỹ latinh đã nắm giữ một vai trò quan trọng trong tiến trình canh tân Giáo Hội
mà ĐTC Phanxicô đang thực hiện.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị nội dung bài viết
của thần học gia Jose Oscar Beozzo người Brasil, nhân lần kỷ niệm 40 năm Hội
nghị của Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh triệu tập tại Medellin bên
Colombia trong các ngày từ 26 tháng 8 đến mùng 7 tháng 9 năm 1968.
** Khi đọc lại tài liệu của Hội nghị Medellin chúng ta có thể
nhận ra nhiều điểm quan trọng.
Trước hết với thời gian qua đi càng ngày người ta càng ý thức
được rằng Hội nghị Medellin đã khai sinh ra một Giáo Hội châu Mỹ Latinh và vùng
Caraibi với một gương mặt riêng, và trở thành tác nhân ý nghĩa đối với chính
mình cũng như đối với các Giáo Hội anh em trong các đại lục khác. Ngoài ra Hội
nghị Medellin cũng có ảnh hưởng lớn trên cuộc sống của các kitô hữu, cũng
như các cộng đoàn và các hoạt động mục vụ. Thật thế, chính tại Medellin Giáo Hội
tại châu Mỹ Latinh đã nhận ra thực tại thê thảm của đại lục này và đối chiếu với
biến cố và các tài liệu của Công Đồng Chung Vaticăng II (1962-1965), bằng cách
phát triển việc tiếp nhận Công Đồng một cách vừa trung thành vừa sáng tạo, vừa
lựa lọc vừa canh tân. Lắng nghe tiếng kêu của người nghèo như lời gọi hỏi của
Tin Mừng, cùng nhau dấn thân với họ và hành động để biến đổi Giáo Hội và thế giới
đã là nguồn hứng linh hoạt Hội nghị Medellin: “Suy tư, có được sự rõ ràng lớn
hơn và lên tiếng thôi, không đủ. Cần phải hành động. Đây đã không ngừng là giờ
của lời nói, đã trở thành giờ của hành động với sự cấp bách thê thảm”.
Sáu năm sau, hướng đi của Hội nghi Medellin đã được Giáo Hội
hoàn vũ chính thức thừa nhận trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về rao giảng Tin Mừng.
Tài liệu “Evangelii Nuntiandi” đã tiếp nhận các đề nghị chính của hội nghị và
biến chúng trở thành các đóng góp quý báu cho Giáo Hội hoàn vũ trong tổng thể của
nó, cách riêng trong việc nhấn mạnh trên sự giải phóng và tương quan giữa công
tác rao truyền Tin Mừng và việc thăng tiến nhân bản, giữa phát triển và
giải phóng. Số 30 của tài liệu viết: “Các Giám Mục đã lập lại rẳng Giáo Hội có
bổn phận loan báo việc giải phóng hàng triệu con người, vì nhiều người là con
cái của Giáo Hội, bổn phận trợ giúp việc giải phóng ấy nảy sinh, làm chứng cho
nó và làm cho nó được toàn diện. Tất cả những điều ấy không xa lạ với việc rao
giảng Tin Mừng”. “Giữa loan báo Tin Mừng và thăng tiến nhân bản, phát triển và
giải phóng có các liên hệ sâu xa. Các cột buộc thuộc trật tự nhân chủng học, bởi
vì con người cần được rao giảng Tin Mừng không phải là một người trừu tượng,
nhưng là người bị điều kiện hóa bởi các vấn đề xã hội và kinh tế. Các liên hệ
thuộc trật tự thần học, bởi vì không thể tách rời bình diện tạo dựng khỏi bình
diện Cứu Độ đi tới các tình trạng rất cụ thể của bất công cần chống lại,
và của công lý cần tái lập. Các liên hệ thuộc trật tự tin mừng như trật tự của
tình bác ái; thật thế làm sao loan báo giới răn mới, mà lại không thăng tiến việc
lớn lên thật sự và đích thực của con người trong công lý và trong hòa bình?”
(EN 31).
** Tuy nhiên mười năm sau, việc chấp nhận nồng nhiệt các trực
giác của Hội nghị Medellin trong tài liệu Loan Báo Tin Mừng lại biến thành một
loạt các nghi ngờ và cảnh báo đối với nền mục vụ và thần học của Giáo Hội châu
Mỹ Latinh, trong “Huấn thị liên quan tới vài khía cạnh của nền Thần Học
Giải Phóng” do Bộ Giáo Lý Đức Tin công bố (Libertatis Nuntius 6-8-1984). Phản ứng
của HĐGM Brasil đối với cái nhìn một chiều và tiêu cực của Huấn thị ném các đám
mây nghi ngờ trên chính Giáo Hội và giám mục đoàn. Nỗi cay đắng bên Perù vì các
áp lực bắt Giáo Hội địa phương phải kiểm duyệt thần học gia Gustavo Gutierrez
và khuynh hướng không thủ cựu bên Brassil với vụ xử án và sự thinh lặng kính cẩn
áp đặt trên thần học gia Leonardo Boff, đổ ra trên tài liệu thứ hai vớt vát các
khía cạnh tích cực của lộ trình giáo hội và suy tư thần học châu Mỹ Latinh: “Huấn
thị về sự Tự do kitô và việc giải phóng - Libertatis conscientia” công bố ngày
22 tháng 3 năm 1986. Đã có việc triệu tập về Roma và một cuộc họp bất thường đối
thoại giữa ĐGH cùng với các cộng sự viên thân tín nhất và Ban chủ tịch HĐGM
Brasil, gồm các Giám Mục chủ tịch vùng miền khác nhau và các Hồng Y Brasil
trong các ngày từ 13 đến 15 tháng 3 năm 1986. Sau cuộc họp Đức Gioan Phaolo II
đã viết cho các Giám Mục Brasil như sau: “Anh em và tôi, chúng ta xác tín rằng
nền thần học giải phóng không chỉ thích đáng, mà còn hữu ích và cần thiết. Nó
phải làm thành một giai đoạn mới - gắn bó chặt chẽ với các nền thần học
trước đây – của việc suy tư thần học đã bắt đầu với Truyền thống tông đồ và được
tiếp tục với các Giáo Phụ lớn và các Tiến Sĩ, với Huấn quyền bình thường và ngoại
thường, và trong thời gian mới hơn với gia tài phong phú của Giáo Huấn xã hội của
Giáo Hội, được diễn tả trong các tài liệu từ “Rerum Novarrum” đến “Laborem
Exercens”. Ngoài ra Đức Gioan Phaolô II còn tín thác cho HĐGM Brasil nhiệm vụ đồng
hành với sự phát triển của nền thần học giải phóng: “”Nhiệm vụ này, nếu được
chu toan, chắc chắn sẽ là một phục vụ mà Giáo Hội có thể cống hiến cho Brasil
và hầu như cho toàn Đại lục châu Mỹ Latinh, cũng như cho nhiều miền khác của thế
giới , trong đó hiện diện cùng các thách đố nghiêm trong tương tự. Để chu toàn
nhiệm vụ này, là điều không thể thiếu hoạt động khôn ngoan và can đảm của các
chủ chăn, nghĩa là của Anh em. Xin Thiên Chúa giúp Anh em để nền thần học giải
phóng đúng đắn và cần thiết này phát triển tại Brasil và châu Mỹ Latinh, một
cách đồng nhất và không khác biệt trong tương quan với nền thần học của mọi thời
đại, trong sự trung thành hoàn toàn với giáo thuyết của Giáo Hội, chú ý tới một
tình yêu ưu tiên, không loại trừ cũng không độc quyền đối với người nghèo”
** Cuộc khủng hoảng liên quan tới gia tài của Hội nghị
Medellin và các đường viền dễ thấy nhất như đã được hai Huấn thị liên quan tới
Nền Thàn Học Giải Phóng và Thư ĐGH gửi cho HĐGM Brassil, đã có kết quả là việc
thừa nhận rộng rãi và đại đồng hơn các vấn đề đã được nêu lên trong đó, và các
câu trả lời giáo hội, mục vụ và thần học được đưa ra. Tuy nhiên, cần phải thừa
nhận rằng việc giải phóng tại Medellin đã gắn liên với các khía cạnh kinh tế và
chính trị của thực tại. Chỉ sau này các chiều kích khác, như các kỳ thị có tính
cách văn hóa, phái tính, chủng tộc và mầu da, định hướng phái tính hay các
thách đố nảy sinh từ môi sinh, mới được chú ý nhiều hơn trong suy tư thần học
trong chìa khóa giải phóng. Ngày nay các nền thần học nữ quyền, thần học ấn độ,
thần học đen, thần học hội nhập văn hóa và tất cả một nền tu đức giải phóng, diễn
tả các phát triển quan trọng trong lãnh vực của suy tư mà người ta thừa nhận
như là kế thừa của nên thần học nảy sinh trong Hội nghị Medellin.
Vậy đâu đã là bí quyết giúp Hội nghị của Liên HĐGM châu Mỹ
Latinh và vùng quần đảo Caraibi tại Medellin đạt được các thành quả tích cực
nêu trên? Bí quyết của Medellin là phương pháp.
“Nhìn xem, phán đoán, hành động”, khẩu hiệu kế thừa của
Phong trào Thanh Sinh Công đo ĐHY Joseph Cardijn đề xướng, đã gợi hứng cho cả nền
thần học “các dấu chỉ thời đại” của Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng” của Công Đồng
Chung Vaticăng II, và đã là sợi chỉ dẫn đường của mọi công việc trong Hội nghị
Medellin. Nhìn Xem chiếm phần đầu của từng tài liệu, và Hành Động là phần cuối
cùng, trong hình thái các lộ trình mục vụ. Phương pháp này đã được theo tại
Medellin và tiếp đó trong việc soạn thảo nền Thần Học Giải Phóng châu mỹ
latinh, nhưng lại bị cấm bởi ban chủ tịch Hội nghị khoáng đại lần thứ tư của
Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh và vùng quần đảo Caraibi triệu tập tại
Santo Domingo năm 1992, cũng như tại Thượng Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ năm 1997.
Tuy nhiên, trong Hội nghị Aparecida năm 2007 các Giám Mục châu mỹ latinh đã muốn
lấy lại gia tài của Hội nghị Medellin và biện minh cho sự lựa chọn này của các
vị như sau: “Tiếp nối các hội nghị khóang đại trước đây của HĐGM Mỹ Latinh, tài
liệu này sử dụng phương pháp “nhìn xem, phán đoán và hành động”… Đã nhiều lần đến
từ toàn Đại lục, chúng tôi đã cống hiến các đóng góp và gọi ý trong nghĩa
này, chúng tôi khẳng định rằng phương pháp này đã cộng tác vào điều mà
chúng tôi đã sống sứ mệnh của chúng tôi và sứ mệnh trong Giáo Hội một cách mạnh
mẽ: nó đã làm giầu cho công việc thần học và mục vụ của chúng tôi, và nói chung
nó đã động viên chúng tôi lãnh nhận lấy các trách nhiệm của mình trước các hoàn
cảnh cụ thể của đại lục chúng tôi” (AP 19).
Việc đọc hiểu thực tại châu Mỹ Latinh tại Hội nghị
Medellin giúp nhận ra lý thuyết của sự tùy thuộc giải thích lý do tại sao đa số
dân phải sống trong nghèo túng, hố sâu ngăn cách giữa các dân tộc miền bắc bán
cầu và niềm nam bán cầu gia tăng, và các hình thức thực dân quốc tế trở thanh
trầm trọng hơn vì các kiểu thực dân quốc nội. Ngoài ra, nó còn phản ánh ảnh hưởng
của sự kiện nhiều tầng lớp xã hội nhận ra rằng sự áp bức kinh tế và thống trị
chính trị kéo dài hàng thế kỷ đã gây ra tình trạng nghèo túng và bần cùng của đại
đa số dân. Nó cũng phản ánh việc thức tỉnh của các phong trào nhân dân sống tại
vùng quê cũng như tại các thành thị và quyết định của Giáo Hội hiệp nhất với họ
trong cuộc đấu tranh cho các quyền lợi của họ.
Tại Medellin Giáo Hội lãnh nhận trách nhiệm mục vụ của mình
là “khích lệ và tạo thuận tiện cho tất cả mọi nỗ lực của dân chúng để tạo ra và
phát triển các tổ chức cơ bản riêng, để đòi hỏi và củng cố các quyền lợi của
mình và kiếm tìm một nền công lý đích thực” (MED 2,27). Nếu Hội nghị Medellin
trông thấy gốc rễ của sự bất bình đẳng và áp bức trong việc khai thác lao động
và trong các cơ cấu bất công của nền thương mại quốc tế, việc đọc hiểu này đã
chịu ảnh hưởng của các thay đổi quan trọng. Hội nghị Aparecida nhận diện trong
mô thức toàn cầu hóa lý do chính của các bất công và các bất bình đẳng mới…
** Trong việc toàn cầu hóa năng động của thị trường tuyệt đối
hóa một cách dễ dàng sự hữu hiệu và tính sản xuất như các giá trị điều hành mọi
tương quan của con người. Tính cách đặc biệt này khiến cho việc toàn cầu hóa trở
thành một tiến trình thăng tiến sự gian ác và nhiều bất công” (AP 67). Tài liệu
Aparecida tiếp tục ghi nhận rằng “một việc toàn cầu hóa không có tình liên đới ảnh
hưởng tiêu cực trên các giai tầng nghèo nhất. Giờ đây không còn đơn thuần là một
hiện tượng bóc lột và áp bức nữa, mà còn là cái gì mới mẻ: đó là việc loại trừ
xã hội. Với việc loại trừ ấy sự tùy thuộc xã hội trong đó người ta sống, nhưng
bị khước từ tận gốc rễ, bởi vì giờ đây họ không chỉ ở dưới, ở ngoại biên hay
không có quyền bính, mà là ở ngoài. Các người bị loại trừ không chỉ bị khai
thác, mà còn là những người thừa thãi và bị gạt bỏ” (AP 65).
Tại Hội nghị Medellin không có một tài liệu chuyên biệt
lấy lại Hiến chế tín lý Lời Chúa của Công Đồng, mà là Lời Chúa được trả lại cho
dân chúng trong các nhóm chia sẻ lời Chúa, trong các cộng đoàn cơ bản, và trong
phong trào dân chúng đọc hiểu Thánh Kinh, nó đã là trung tâm cuộc cách mạng do
Hội nghị Medellin dấy lên. Cộng đoàn đại kết Taizé bên Pháp đã góp phần rất lớn
cho điều này. Đây là cộng đoàn sau Công Đồng Chung Vaticang II đã tặng cho các
Giáo Hội châu Mỹ Latinh một triệu ấn bản Tân Ước bằng tiếng Tây Ban Nha và một
triệu ấn bản khác bằng tiếng Bồ Đào Nha, để phân phát miễn phí cho các cộng
đoàn nghèo nhất.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 1995 ĐHY Joseph Ratzinger đã
coi việc dân chúng đọc Thánh Kinh là một đóng góp quan trọng của nền Thần Học
Giải Phóng châu mỹ latinh. Ngài nói: “Khoa chú giải kinh thánh đã cho chúng ta
một cái gì rất tích cực, nhưng cũng làm nảy sinh ra cảm tưởng không phải bất cứ
ai cũng có thể đọc Thánh Kinh, vì nó quá phức tạp. Chúng ta phải học trở lại rằng
Thánh Kinh nói điều gì với từng người, và nó được ban cho những người đơn sơ.
Trong điều này tôi cho là có lý một phong trào nảy sinh trong môi trường của nền
thần học giải phóng nói tới việc giải thích bình dân. Theo đường nét này nhân
dân chính là chủ nhân đích thực của Thánh Kinh, và vì thế là người chú giải
đích thực của nó.
** Trong bản chất có đúng thật là Thánh Kinh đã được ban cho
những người đơn sơ không cần biết hết mọi sắc thái phê bình, bởi vì họ hiểu điều
chính yếu, điều được Thánh Kinh nói tới. Nền thần học với các hiểu biết lớn của
mình sẽ không trở thành thừa thãi, trái lại còn cần thiết hơn trong cuộc đối
thoại quốc tế giữa các nền văn hóa. Nhưng thần học không được làm lu mờ sự đơn
sơ cuối cùng của đức tin, đặt để chúng ta một cách đơn sơ trước mặt Thiên Chúa,
trước một Thiên Chúa đã tự gần gũi với chúng ta bằng cách trở thành người”.
Trong lãnh vực phụng vụ Hội nghị Medellin khuyến khích việc
cử hành trong các nhóm và cộng đoàn nhỏ, để cho đức tin và cuộc sống các biến cố
vui buồn, khổ đau tìm ra con đường của niềm hy vọng phục sinh. Việc tìm hội nhập
văn hóa nở hoa trong cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa địa phương của đại lục,
và việc cử hành phụng vụ được nâng đỡ bởi cuộc bùng nổ âm nhạc và các thánh ca
có gốc rễ bình dân.
Kinh nghiệm tiên phong của linh mục Mendes Arceo trong nhà
thờ chính tòa Cuernavaca bên Mehico, với thánh lễ được linh hoạt với các nhạc cụ
và âm điệu Mariachis, đã tìm ra các kiểu diễn tả mới với Bộ Lễ Nicaragua, Bộ Lễ
Salvador và Bộ Lễ Creol bên Argentina. Bên Brasil Bộ Lễ Đất không Sự Dữ với các
bài thơ của linh mục Pedro Casaldaliga và Pedro Tierra, do nhạc sĩ thổ dân
Martin Coplas phổ nhạc, lấy hứng từ huyền thoại Trái Đất không Sự Dữ của bộ lạc
Guarani. Bộ lễ Gilomboss do các linh mục thi sĩ nói trên viết và nhạc do ca sĩ
da đen Milton Nascimento phổ nhạc đã thời sự hóa ký ức của các dân tộc bị bắt
làm nô lệ nhưng đã trốn thoát để xây dựng các ngôi làng tự do của người dân gốc
phi châu.
Trong lãnh vực Kitô học Hội nghị Medellin thu hồi việc đọc
hiểu số 8 Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân, khởi hành từ nhân tính của Chúa Giêsu
và việc Ngài tự đồng hóa với những người nghèo nhất, trong đường hướng của
người tôi tớ khổ đau của sách Isaia và thần học “kenosis dốc đổ chính minh” của
thư thánh Phaolo gửi tín hữu Philiphê (Pl 2,6). Medellin đề nghị một nhiệm vụ cụ
thể: “làm cho những người bị đóng đinh ngày nay xuống khỏi thập giá”.
** Nói cách khác, nòng cốt của nền Kitô học là bước theo
Chúa Giêsu trong dấn thân giải phóng những người bị loại trừ: “Đó cũng cùng là
vì Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, mà trong thời viên mãn đã
gửi Con Ngài đến để sau khi nhập thể, Người giải phóng tất cả mọi người
khỏi các ách nô lệ mà tội lỗi đã tròng lên họ: đói khát, bần cùng, áp bức và
ngu dốt – tắt một lời, bất công và thù hận bắt nguồn từ sự ích kỷ của con người
(Ga 8,32-35). Và như vậy để được giải phóng thực sự chúng ta tất cả cần một sự
hoán cải sâu xa, để “Nước của Công Lý, tình yêu và hòa bình” đến với chúng ta
MED 1,3)
Một trong những phát triển đẹp nhất của nền Kitô học tại
Medellin được tìm thấy trong tài liệu Puebla viết rằng: “Tình trạng nghèo túng
tột cùng tổng quát hóa này trong cuộc sống thực có các hình thái vô cùng
cụ thể, trong đó chúng ta phải nhận ra các hình thức khổ đau của Chúa Kitô, là
Đấng dò xét và gọi hỏi chúng ta” P, 31).
Trong một việc đọc hiểu lịch sử cấu trúc các loại trừ và áp
bức, mà nhân dân là nạn nhân, và chúng tiếp tục đè nặng trên họ, Hội nghị
Puebla liệt kê ra các gương mặt khổ đau của các anh chị em thổ dân và các anh
chị em mỹ gốc phi châu, các nông dân và thợ thuyền, các người thiếu công ăn việc
làm và các người thất nghiệp, các người bị gạt bỏ bên lề xã hội, người dân sống
trong các khu xóm ổ chuột, các trẻ em bị bỏ rơi và bị khai thác bóc lột, các
người trẻ lạc hướng và bị khai thác lạm dụng, cũng như các người già ngày càng
nhiều và ở ngoài lề xã hội (P. 31-39).
Một linh hứng như thế được lấy lại một cách có ý thức trong
Hội nghị Aparecida: “Nếu sự lựa chọn người nghèo này bao gồm trong nền Kitô học,
thì các kitô hữu, như là môn đệ và là thừa sai, được mời gọi chiêm ngắm trong
các gương mặt khổ đau này của các anh chị em chúng ta, gương mặt của Chúa Kitô
là Đấng mời gọi chúng ta phục vụ Ngài nơi họ “Các gương mặt khổ đau của người
nghèo là các gương mặt khổ đau của Chúa Kitô” (AP 393).
Medellin 1/2
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét