Trang

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2020

05-02-2020 : THỨ TƯ - TUẦN IV THƯỜNG NIÊN - THÁNH AGATA, TRINH NỮ, TỬ ĐẠO - Lễ Nhớ


05/02/2020
 Thứ Tư tuần 4 thường niên
Thánh Agata, trinh nữ, tử đạo.
 Lễ nhớ.


BÀI ĐỌC I:    2 Sm 24, 2. 9-17
“Chính con đã phạm tội, nhưng những người này là những con chiên,  họ có làm gì đâu?”
Trích sách Samuel quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, vua Đavít nói với Gioáp tư lệnh quân đội rằng: “Ngươi hãy đi kinh lý khắp các chi tộc Israel, từ Đan đến Bersabê, và kiểm tra dân chúng, để ta biết dân số”.
Gioáp nạp sổ kiểm tra dân chúng cho vua. Trong dân Israel có tám trăm ngàn dũng sĩ biết xử dụng gươm, còn phía Giuđa có năm trăm ngàn người thiện chiến.
Sau khi kiểm tra dân số, Đavít hồi hộp và thưa cùng Chúa rằng: “Con đã phạm tội nặng nề trong việc con đã làm. Nhưng, lạy Chúa, xin xoá tội ác cho tôi tớ Chúa, vì con đã hành động quá dại dột”. Sáng hôm sau, khi Đavít thức dậy, có lời Chúa phán cùng ông Gad, vị tiên tri và thị kiến của Đavít rằng: “Ngươi hãy đi nói với Đavít: Đây Chúa phán: Ta cho ngươi ba điều, ngươi hãy chọn điều nào ngươi muốn, rồi Ta sẽ thi hành”. Gad đến cùng Đavít và tâu rằng: “Hoặc ngài phải chịu bảy năm đói kém trong nước ngài, hoặc trong ba tháng, ngài phải lẩn trốn quân thù tìm bắt bớ ngài, hoặc là trong nước ngài phải chịu dịch tả suốt ba ngày, giờ đây ngài hãy suy nghĩ đắn đo và chịu điều nào đi để tôi thưa lại cùng Đấng đã sai tôi”. Đavít trả lời cho Gad rằng: “Tôi khổ quá! Nhưng thà rơi vào tay Chúa còn hơn là rơi vào tay người phàm, vì Chúa rất nhân từ”.
Chúa đã giáng cơn dịch tả xuống Israel từ sáng hôm ấy cho đến thời gian đã định. Từ Đan tới Bersabê, có đến bảy mươi ngàn người đàn ông trong dân phải chết. Đang lúc thiên thần Chúa giơ tay để tàn phá Giêrusalem, thì Chúa hối tiếc trước sự đau khổ, nên phán bảo thiên thần đang giết phạt dân chúng rằng: “Thôi đủ rồi! Giờ đây hãy dừng tay lại”. Bấy giờ thiên thần Chúa đang ở gần sân lúa của Aruna người Giêbusa. Khi thấy thiên thần sát phạt dân chúng, Đavít thưa cùng Chúa rằng: “Chính con là kẻ đã phạm tội, chính con đã làm điều gian ác; nhưng những người này là những con chiên, họ có làm gì đâu? Vậy xin tay Chúa đè nặng trên con và trên nhà cha con”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 31, 1-2. 5. 6. 7
Đáp:  Lạy Chúa, Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con (c. 5c).
Xướng:
1) Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian. – Đáp.
2) Con xưng ra cùng Chúa tội phạm của con, và lỗi lầm của con, con đã không che giấu. Con nói: “Con thú thực cùng Chúa điều gian ác của con, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con”. – Đáp.   
3) Bởi thế nên mọi người tín hữu sẽ nguyện cầu cùng Chúa trong thời buổi khốn khó gian truân. Khi sóng cả ba đào ập tới, chúng sẽ không hại nổi những người này. – Đáp.
4) Chúa là chỗ dung thân, Chúa giữ tôi khỏi điều nguy khổ, Chúa đùm bọc tôi trong niềm vui ơn cứu độ. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 6, 1-6
“Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Đến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người. Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Ở đó Người không làm được phép lạ nào, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh và giảng dạy. Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Cuộc sống âm thầm
Thánh Gioan Bosco, nhà giáo dục giới trẻ lừng danh nhất của thế kỷ 19 đã kể lại giấc mơ năm Ngài lên 9 tuổi như sau: Ngài mơ thấy mình ở giữa một đám trẻ đang chơi đùa, nghịch ngợm, cãi cọ và nói những lời thô tục. Muốn cho đám trẻ một bài học, cậu bé liền gọi một số em ra và dùng nắm tay để đe dọa. Nhưng chính lúc đó, Chúa Giêsu hiện ra gọi cậu bé lại và nói:
- Này Gioan, muốn biến những con chó sói này thành chiên con, thì con không nên dùng sức mạnh của đôi tay, mà hãy dùng lòng tốt.
Lúc đó, cậu bé thưa với Chúa:
- Lạy Chúa, chắc con không làm được đâu.
Chúa Giêsu liền chỉ cho Gioan Bosco thấy gương mặt hiền hậu của một người mẹ đang đi bên cạnh và nói:
- Ðây là mẹ của con và cũng là mẹ của chúng nữa. Với mẹ, con có thể biến đổi giới trẻ cho Nước Chúa, cho một thế giới tốt đẹp hơn.
Quả thật, về sau, cả công cuộc giáo dục giới trẻ của Gioan Bosco đều được đặt dưới sự hướng dẫn và bảo trợ của Mẹ Maria. Nhưng để có thể đến với Mẹ Maria, Gioan Bosco đã tiếp nhận lời dạy bảo và gương sáng của chính người mẹ ruột của mình. Có lẽ ngài không bao giờ quên lời căn dặn của mẹ ngài: "Mẹ đã sinh ra trong cảnh nghèo, mẹ đã sống trong cảnh nghèo; nếu con muốn làm linh mục để nên giàu có, thì mẹ sẽ không bao giờ đến thăm con nữa".
Mẹ Maria có lẽ đã không bao giờ nói một lời như thế với Chúa Giêsu, khi Ngài đã sống bên cạnh Mẹ Maria tại Nazareth trong suốt 30 năm. Tin Mừng đã không ghi lại một lời nào của Mẹ trong giai đoạn này, nhưng chắc chắn, cũng như mọi đứa trẻ, Chúa Giêsu đã sống và lớn lên một cách bình thường, nghĩa là Ngài đã từng uống từng lời dạy dỗ của Mẹ. Sống kiếp người chỉ có 33 năm, thì 30 năm, Chúa Giêsu lại dành cho cuộc sống ẩn dật âm thầm tại Nazareth. Ðây chắc chắn không phải là một giai đoạn uổng phí trong cuộc đời Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã không lập gia đình, nhưng đã sống phần lớn cuộc sống của Ngài trong gia đình, một cuộc sống âm thầm và bình thường, đến độ những người đồng hương của Ngài phải thốt lên với giọng gần như khinh bỉ: "Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria sao?"
Phản ứng của những người đồng hương về những năm âm thầm của Chúa Giêsu tại Nazareth là một xác quyết rằng Chúa Giêsu đề cao đời sống gia đình. Ngài đã không sống như một siêu nhân, Ngài đã không làm bất cứ một việc phi thường nào, nhưng đã sống một cách bình dị trong cảnh nghèo như mọi người. Chính vì Con Thiên Chúa đã sống một cách bình dị những thực tại hàng ngày của cuộc sống gia đình, mà đời sống ấy mang một giá trị và có ý nghĩa đối với con người. Tất cả những biến cố trong cuộc sống của Con Thiên Chúa làm người đều đáng được chúng ta chiêm ngưỡng, và trong ánh sáng của những biến cố ấy, chúng ta được mời gọi để nhìn vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Nguyện xin Chúa thánh hóa cuộc sống mỗi ngày của chúng ta, để chúng ta sống một cách sung mãn từng giây phút và trở thành nhân chứng tình yêu Chúa trước mặt mọi người.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 4 TN
Bài đọcHeb 12:4-7, 11-15; II Sam 24:2, 9-17; Mk 6:1-6.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải có tình yêu với những người thân cận của mình.
Con người thường bị chi phối bởi ba tật xấu: tính ngoan cố, tính kiêu ngạo, và tính ghen tị.
Tính ngoan cố làm con người từ chối nhận ra sự thật và sự sửa dạy. Tính kiêu ngạo làm mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa và với tha nhân bị thiệt hại. Tính ghen tị làm con người không còn sáng suốt để nhận ra những điều hay lẽ phải của người khác.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong những mối tương quan của con người và nêu bật sự quan trọng của tình yêu. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác-giả Thư Do-thái ví mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người như mối liên hệ giữa cha và con. Như người cha phải sửa phạt con cái, Thiên Chúa cũng phải sửa phạt con người. Mục đích của việc sửa phạt không phải vì ghét bỏ nhưng vì yêu thương; để giúp con người có đủ bản lãnh đương đầu với những thử thách của cuộc đời. Trong Bài đọc I, năm chẵn, Thiên Chúa phải sửa phạt vua David vì tính kiêu ngạo của nhà vua, Vua đã cho kiểm kê dân số để xem tài năng của mình đã làm cho đất nước được hùng mạnh thế nào; vua quên đi người làm cho vương quốc được hùng mạnh chính là Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Thánh Marcô tường thuật thái độ khinh thường và ghen tị của những người đồng hương với Chúa Giêsu. Họ đã không vượt qua được những thành kiến về nghề nghiệp và gia đình, để tin vào sự khôn ngoan và uy quyền của Thiên Chúa. Chúa Giêsu báo trước cho các ngôn sứ 3 nơi mà họ bị khinh thường: gia đình, họ hàng, và quê hương.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm lẻ): Dạy dỗ và sửa phạt vì lo lắng cho tương lai của con.
1.1/ Hai kiểu mẫu giáo dục: Người tị nạn Việt-Nam chắc chắn đã nhiều lần bị giằng co giữa 2 kiểu mẫu giáo dục con:
(1) Kiểu giáo dục Âu-Mỹ: Không được dùng bạo lực với con nít như: mắng chửi, đe dọa, và đánh đòn. Phải dùng những cách để trẻ con nhận ra lỗi lầm của nó như đứng ra một nơi riêng và tạm thời không cho tham gia vào những sinh họat chung. Phải chăng những cách thức này hiệu quả cho tất cả mọi trẻ?
(2) Kiểu giáo dục Kinh Thánh và Việt-Nam: Tác-giả Thư Do-Thái khuyên: “Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?” Động từ Hy-Lạp dùng ở đọan này là “mastigo,w = đánh đòn; kỷ luật; trừng phạt.” Một người có thể cho cả 3 nghĩa đều thích hợp ở đây. Nhưng trong các Sách Khôn Ngoan và Sách Tiên Tri, các hình phạt của Thiên Chúa dành cho những người không tuân theo lệnh của Ngài, không phải chỉ đơn thuần là các cách thức giúp con người nhận ra lầm lỗi; nhiều lần các tác giả đã nói đến cây roi (Pro 10:13, 13:24, Isa 9:4), đổ máu, và ngay cả cái chết. Truyền thống Việt-Nam cũng theo truyền thống Kinh-Thánh khi nói: “Thương cho roi cho vọt. Ghét cho ngọt cho bùi.”
Người cha vô trách nhiệm là người cha không huấn luyện và sửa dạy con mình, và để mặc cho chúng muốn làm gì thì làm. Một đứa trẻ vô kỷ luật sẽ không thể thành công trên đường đời. Tương tự, cái đau khổ nhất của con người là khi Thiên Chúa để mặc họ muốn làm gì thì làm. Một khi Thiên Chúa để mặc, ma quỉ sẽ vào và thao túng người đó; họ sẽ trở thành nô lệ cho ma quỉ.
1.2/ Tâm lý của người bị sửa dạy: Đa số con người đều không muốn cho ai nói động đến, sửa dạy, và sửa phạt mình. Tác giả Thư Do-thái cũng nói lên điều này: “Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính.” Mục đích của việc sửa dạy là nhắm tới lợi ích tương lai của đương sự. Chẳng hạn, khẩu hiệu huấn luyện các binh lính: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu.” Tương tự trong việc huấn luyện đức tin: “Bởi vậy, hãy làm cho những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, nên mạnh mẽ. Hãy sửa đường cho thẳng mà đi, để người què khỏi trật bước và hơn nữa, còn được chữa lành.” Để con người có thể vượt qua mọi đau khổ của cuộc đời, đức tin con người cần được thử luyện như vàng thử lửa.
Hơn nữa, việc sửa dạy không phải chỉ nhắm tới cá nhân đương sự mà thôi, nhưng còn nhắm tới lợi ích của cộng đoàn, và những người đương sự sẽ có trách nhiệm nữa: “Anh em phải cố ăn ở hoà thuận với mọi người, phải gắng trở nên thánh thiện; vì không có sự thánh thiện, thì không ai sẽ được thấy Chúa. Anh em phải coi chừng, kẻo có ai lừng khừng mà mất ân sủng của Thiên Chúa, kẻo có ai trở nên rễ đắng nảy mầm, gây xáo trộn và do đó làm hư hỏng nhiều người.”
2/ Bài đọc I (năm chẵn): Lạy Đức Chúa, con đã hành động rất ngu xuẩn!
2.1/ Vua David hối hận vì đã cho kiểm tra dân số: Việc kiểm tra dân số tự nó không có gì là xấu; nhưng ý hướng của David là nguyên do làm cho việc kiểm tra thành xấu trước nhan Thiên Chúa. Vua David nghĩ ông là nguyên do của sự phát triển phồn thịnh của Israel. Chính vua David đã cảm thấy áy náy trong lòng sau khi đã kiểm tra dân số như vậy. Vua David thưa cùng Đức Chúa: “Con đã phạm tội nặng khi làm như thế. Giờ đây, lạy Đức Chúa, xin bỏ qua lỗi lầm của tôi tớ Ngài, vì con đã hành động rất ngu xuẩn.”
Đã phạm tội, cần phải được sửa phạt. Thiên Chúa cho David chọn hình phạt: “hoặc bảy năm đói trong toàn nước ngài, hoặc ba tháng chạy trốn trước mặt kẻ thù đuổi theo ngài, hoặc ba ngày ôn dịch.” Vua David không biết chọn điều nào, nên nói với ông Gath, người của Thiên Chúa: “Tôi lâm vào cảnh rất ngặt nghèo. Thà chúng ta sa vào tay Đức Chúa còn hơn, vì lòng thương của Người bao la, nhưng ước chi tôi đừng sa vào tay người phàm!”
2.2/ Vua David xin Đức Chúa phạt mình thay vì toàn dân: Đức Chúa giáng ôn dịch xuống Israel từ sáng hôm đó cho đến lúc đã định, và từ Dan tới Beer Sheba, có bảy mươi ngàn người trong dân đã chết. Khi thấy sự việc xảy ra, vua David thưa với Đức Chúa: “Chính con đã phạm tội, chính con có lỗi; nhưng đàn chiên đó đã làm gì? Xin tay Ngài cứ đè trên con và nhà cha con!”
Nhiều người sẽ đồng ý với David, vì tội ai làm người ấy chịu; chứ tại sao Thiên Chúa bắt người vô tội cũng phải chịu hình phạt. Điều con người dễ quên là cả tội và phúc đều mang tính cộng đoàn. Nếu mọi người đều phải chịu hình phạt do tội nguyên tổ, mọi người cùng được hưởng phúc do công nghiệp của Đức Kitô. Tội kiêu ngạo không chỉ gây thiệt hại cho đương sự, nhưng còn ảnh hưởng đến sự đoàn kết của gia đình, cộng đoàn, và xã hội. Thiên Chúa muốn cho vua David và mọi người chúng ta nhận thức rõ điều này; để biết nghĩ đến sự thiệt hại cho tha nhân khi chúng ta cố tình trong tính kiêu ngạo của mình.
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu bị khinh thị tại quê quán của Ngài.
3.1/ Họ nhận ra sự khôn ngoan và uy quyền của Chúa Giêsu: Khi họ nghe những lời giảng dạy của Chúa trong hội đường, và chứng kiến các phép lạ Ngài làm, một cách khách quan họ đã phải thốt lên: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” Thay vì truy tầm căn nguyên của những điều lạ lùng này, họ để thành kiến ảnh hưởng đến sự phê phán và cách đối xử của họ với Chúa Giêsu. Lý do sâu xa hơn là vì kiêu ngạo, con người không muốn ai hơn mình; nhất là những người ở địa vị thấp kém hơn mình về tuổi tác, gia thế, và hoàn cảnh xã hội.
3.2/ Họ khinh thường Chúa Giêsu vì 2 lý do:
(1) Nghề nghiệp: của Chúa Giêsu là thợ mộc. Cũng như nghề nghiệp đánh cá của các tông-đồ, nghề thợ mộc được coi như nghề lao động tay chân và ít học thức. Giảng dạy khôn ngoan không thể đến từ những người làm những việc này. Nói theo kiểu Việt-nam, “con vua thì lại làm vua, con bác xã chùa lại quét lá đa.”
(2) Gia tộc tầm thường: “Ông ta không phải con bà Maria, và là anh em của các ông James, Joses, Judah và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Có lẽ Thánh Giuse đã qua đời lâu trước khi biến cố này xảy ra, nên không thấy họ nhắc tới Thánh Giuse, mà chỉ đề cập đến Đức Mẹ. Những tên được đề cập tới có lẽ là các anh chị em họ của Chúa. Họ có ý muốn nói: một người sinh ra từ một gia tộc tầm thường như thế, không thể nào làm được những công việc như Chúa Giêsu đã làm.
3.3/ Ba nơi ngôn sứ bị coi thường: Lẽ ra, “một người làm quan cả họ được nhờ;” nhưng khi cả họ không được nhờ, không phải vì cá nhân người làm quan, nhưng vì sự khinh thường của những người trong họ hàng. Chúa Giêsu trở về quê quán là để giảng dạy và giúp đỡ những người thân thuộc lối xóm; nhưng đứng trước thái độ khinh thường của họ, “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin.” Chúa Giêsu để lại cho các ngôn sứ một bài học thực tế, họ sẽ bị khinh thường tại 3 nơi: (1) chính quê hương mình; (2) giữa đám bà con thân thuộc; và (3) trong gia đình mình.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Để có thể thành công trong cuộc đời, chúng ta cần phải được sửa dạy và chịu hình phạt. Tương tự, để đức tin của chúng ta có thể vượt qua những thử thách trong cuộc đời, Thiên Chúa cần sửa phạt những khi chúng ta lầm lỗi.
– Kiêu ngạo là tội được liệt kê đầu tiên trong “Bảy Mối Tội Đầu.” Chúng ta phải khiêm nhường nhận ra và tận diệt mọi mầm mống kiêu ngạo nếu có trong bản thân. Kiêu ngạo không chỉ hành hạ cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến gia đình, cộng đoàn, và xã hội.
– Ghen tị làm chúng ta mù quáng và đối xử bất công với người khác. Để bảo toàn sự công bằng, chúng ta cần loại bỏ ghen tị và vui mừng với những gì người khác đã làm hay đạt được. Chúng ta cần có thái độ này nhất là với những người trong gia đình và cộng đoàn.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


05/02/2020 – THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Th. A-ga-ta, trinh nữ, tử đạo
Mc 6,1-6

MỘT CHUYẾN VỀ QUÊ
“Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và là anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Và họ vấp ngã vì Người. (Mc 6,3)

Suy niệm: “Quê hương,” hai tiếng thật thân thương và gần gũi, đặc biệt là đối với những ai lâu ngày mới có dịp trở về, nhưng hai tiếng ấy lại không hề ngọt ngào đối với Chúa Giê-su trong lần duy nhất duy nhất Ngài “về quê” sau một thời gian thi hành sứ vụ. Những tưởng những người đồng hương sẽ đón tiếp Ngài một cách long trọng, họ sẽ ùn ùn kéo tới để nghe giảng hay để xin chữa bệnh… Tuy nhiên, thực tế lại trái ngược cách phũ phàng. Họ bất bình về một con người Giê-su đã từng sinh sống và lớn lên một cách bình thường ở ngôi làng Na-da-rét nhỏ bé với họ mấy chục năm trời, cùng với những người thân nhân chẳng có gì đặc biệt, còn tầm thường nữa là khác. Thế mà giờ đây con người tầm thường ấy bỗng nhiên được ca tụng được nổi tiếng vì những lời giảng dạy và những phép lạ phi thường.
Mời Bạn: Những người dân làng Na-da-rét bất bình vì ghen ghét, đố kỵ, do đó họ cứng lòng tin, và không thể nhận ra “người con của dân làng” là chính Đấng Mê-si-a. Thái độ ghen ăn tức ở khiến người ta không thể nhận ra điều tích cực nơi người khác, và do đó cũng không thể nhìn thấy Chúa nơi tha nhân. Chúng ta phải loại bỏ thái độ tiêu cực đó để nhận ra Chúa hiện diện, nơi những người bé mọn và cả nơi những người may mắn, nổi trội hơn ta.
Sống Lời Chúa: Tập nghĩ tốt và khám phá những ưu điểm nơi tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết thật lòng yêu mến Chúa và chân thành yêu thương mọi người. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)

Suy Niệm : Quê quán của Người
Suy niệm :

Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình, xa ngôi làng Nadarét bao lâu rồi.
Nhưng hôm nay, Ngài lại trở về với hội đường của làng vào ngày sabát.
Dù sao Ngài đã có danh tiếng trước đám đông, lại có môn đệ đi theo…
Trở về với hội đường thân quen, Ngài được mời đọc sách thánh và giảng dạy.
Nghe lời Ngài giảng, nhiều người sửng sốt ngỡ ngàng.
“Bởi đâu ông này được như thế?
Ông được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao?
Ông làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì?” (c. 2).
Những câu hỏi cho thấy người dân Nadarét nhìn nhận
sự khôn ngoan trong lời giảng và quyền năng trong việc làm
mà họ bắt gặp nơi con người ông Giêsu, người cùng làng với họ.
Chỉ có điều là họ nghĩ không ra nguồn gốc của những chuyện đó.
Tại sao họ lại không coi Đức Giêsu là người của Thiên Chúa,
và coi Thiên Chúa là nguồn gốc mọi khả năng lạ lùng của Ngài?
Câu trả lời là vì người dân làng đã quá quen với ông Giêsu.
Họ tự hào biết rất rõ về nghề nghiệp của ông: một bác thợ.
Họ tự hào biết rất rõ về họ hàng ruột thịt: mẹ và anh chị em của ông,
những người họ có thể kể tên, những người đang là bà con lối xóm với họ.
Họ cũng biết rõ quãng đời thơ ấu và trưởng thành của ông Giêsu.
Chính cái biết này đã ngăn cản
khiến họ không thể tin ông Giêsu là một ngôn sứ.
Hay đúng hơn chính vì họ có một hình ảnh rất cao cả về một ngôn sứ
nên quá khứ bình thường của Đức Giêsu khiến họ không thể tin được.
Người dân Nadarét đã không ngờ mình có người làng cao trọng đến thế:
một ngôn sứ, một Đấng Kitô, một Thiên Chúa làm người, ở với họ.
Và họ cũng không ngờ sự cao trọng đó lại được gói trong lớp áo tầm thường,
không ngờ Đức Giêsu sẽ là người làm cho cả thế giới biết đến Nadarét.
Làm thế nào chúng ta tránh được sai lầm của người Nadarét xưa?
Cần tập nhận ra Chúa đến với mình trong cái bình thường của cuộc sống.
Cần thấy Chúa nơi những người tầm thường mà ta quen gặp mỗi ngày.

Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nadarét đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người.
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG HAI
Thách Đố Của Thông Tin Hiện Đại
Những người làm việc trong lãnh vực truyền thông đại chúng hôm nay – nếu muốn thi hành bổn phận nghề nghiệp của mình một cách nghiêm túc – đều nhận thấy rằng mình thường xuyên bị đòi hỏi phải đánh giá công việc của mình. Họ cảm thấy bị thúc bách phải ý thức ngày càng hơn về vai trò và trách nhiệm của mình trong thế giới hiện đại.
Trong thời đại chúng ta, sự phản tỉnh như thế thật vô cùng cần thiết. Thật vậy, giới truyền thông hôm nay nhận ra mình đang đứng chỗ bước ngoặt của những chuyển biến vốn đang có sức làm thay đổi lối sống của con người. Cuộc cách mạng công nghệ hiện nay đang là cao trào của những thay đổi này. Nó đặt ra những đòi hỏi mới đối với con người. Khi những khó khăn mới bật lên thách đố chúng ta, thì chúng ta lại cần có những phương sách mới. Chúng ta bị buộc phải đưa ra những quyết định, những chọn lựa hết sức quan trọng.
Đứng giữa những chuyển biến và những chọn lựa đó, người làm công tác truyền thông có bổn phận phải truyền đạt chúng một cách chính xác và công bằng. Nhờ đó, công chúng sẽ có được những thông tin cần thiết làm cơ sở để họ đưa ra những sự chọn lựa đúng đắn. Thật rõ ràng, những người làm việc trong giới truyền thông đại chúng hôm nay đóng vai trò tác động rất lớn đối với thiện ích của con người – cả trong lãnh vực dân sự lẫn trong lãnh vực tâm linh, đạo đức.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II

Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 05/2
Thánh Agata, Đồng trinh tử đạo.
2 Sm 24,2.9-17; Mc 6,1-6

Lời Suy Niệm: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vây, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ con bà Maria?
          Dân thành Nadarét, những người đồng hương của Chúa Giêsu; họ đang thắc mắc về sự khôn ngoan của Người, về những phép lạ Người đã làm; nhưng họ chỉ dừng lại ở những câu hỏi đó mà thôi, còn chính bản thân của những người ấy đã không tin; nên họ đã không nhận lãnh được gì cả nơi Người.
          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con khi nhìn ngắm Chúa, đón nhận Lời Chúa và các Bí Tích với đức tin, để chúng con lãnh nhận trọn vẹn ân sủng mà Chúa hứa ban cho chúng con.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 05-02
Thánh AGATA
Đồng trinh tử đạo (thế kỷ III)

ruyền thuyết cho rằng: thánh nữ Agata chào đời khoảng năm 230 tại Sicilia trong một gia đình quí phái có danh giá. Cha mẹ Ngài là những bậc nhân đức đã chuyên chú đào tạo Ngài từ thuở nhỏ nên người có đức tín vững mạnh và hướng chiều về sự thánh thiện. Bởi vậy theo các tài liệu viết về cuộc tử đạo của Ngài, thánh nữ đã quyết không kết hôn với một người nào khác ngoài Chúa Giêsu Kitô. Ngài kiên quyết hiến thân cho Thiên Chúa. Không một thú vui thế trần nào, lẫn những lời tán dương sắc đẹp của Ngài, Chúa có thể làm cho Ngài quên lãng được lời đoan hứa.
Quintianô, quan cai trị Silicia hồi đó là một con người biển lận và dâm dật. Ông ta đã hy vọng có thể dùng sắc lệnh cấm đạo của nhà vua Đêciô để thỏa mãn tính biển lận và dâm dật của mình, sau khi biết đến sắc đẹp và sự giàu sang của Agata. Ông truyền bắt người trinh nữ đến toà xử tại Catana. Khi đưa thánh nữ tới, ông đã truyền giao Ngài cho một mụ chứa độc ác tên là Apjrodisia để mụ ta quyến rũ thánh nữ bỏ đời sống trinh khiết. Sau nhiều cố gắng mà vô hiệu, mụ chủ nhà chứa đành phải giao thánh nữ lại cho Quintiano.
Giận dữ, Quintiano bắt giải Thánh nữ tới trước mặt ông. Ông nói: – Người như cô mà theo đuổi cuộc sống Kitô giáo. Cuộc sống nô lê thấp hèn, cô không xấu hổ sao ?
Thánh nữ trả lời: – Tự do và danh giá thật là biết hết lòng phụng sự Chúa Giêsu Kitô.
Ong liền truyền đánh đòn thánh nữ rồi cho giam Ngài vào ngục thất. Hôm sau ông lại tiếp tục thẩm vấn. Lần này, trước sự cương quyết của thánh nữ, Quintiano không dằn nổi cơn giận. Ong đã truyền tra tấn thánh nữ một cách dã man đến độ xẻo bỏ cả một bên vú thánh nữ. Sau đó Agata bị bắt giam trở lại ngục thất và bị bỏ đói. Nhưng đêm đó thánh Phêrô đã hiện ra và chữa lành vết thương cho Agata. Một luồng sáng đã làm cho lính canh hoảng sợ bỏ chạy. Các bạn tù được dịp thoát thân. Họ khuyên thánh nữ trốn thoát, nhưng thánh nữ vẫn ở lại chờ lãnh triều thiên tử đạo.
Năm hôm sau, Quintiano ngạc nhiên khi thấy Agata lành bệnh. Ong truyền đốt một lò lửa. Agata bị ném vào than hồng. Trong khi đó một trận động đất dữ dội làm rung chuyển thành phố Catana. Dân chúng nghĩ rằng, chính vì cuộc hành hung Agata đã gây nên tai họa khủng khiếp này. Họ bày tỏ lòng bất mãn đối với Quintiano. Hoảng sợ ông truyền đem Agata trơ lại ngục thất. Song những hành hạ thánh nữ phải chịu đã quá lớn đến nỗi chẳng bao lâu sau đó, Ngài đã tắt thở.
Cuộc tử đạo và lòng tôn sung rất sớm đối với thánh nữ là những sự kiện lịch sử chắc chắn. Giáo hội vui mừng vì chí cuơng quyết bảo vệ đức trong sạch của thánh nữ. Cái chết và sự chiến thắng của thánh nữ Agata chứng tỏ Thiên Chúa đã chọn những yếu đuối để làm cho bọn gian ngoan và mạnh mẽ phải hổ ngươi.
Thánh nữ Agata là vị thánh bảo trợ của thành Catana, của các vú nuôi. Thỉnh thoảng người ta cũng kêu cầu Ngài trong lúc bị đau ngực và bị phỏng lửa.
(daminhvn.net)

05 Tháng Hai 
Một Cách Tỏ Tình
Du khách viếng thăm hành lang nổi tiếng của nhà thờ chánh tòa Thánh Phaolô ở Luân Ðuân có thể nghe tiếng của người hướng dẫn đang thuật lại lịch sử của nhà thờ truyền đi khắp nơi chung quanh vòm mái tròn to lớn ở chánh điện, nhờ các kiến trúc đặc biệt làm tiếng nói vang dội mang âm thanh đi rất xa. Cũng vì thế, nên nếu áp tai vào tường người ta có thể nghe được những gì một người nói từ phía bên kia của vòm mái tròn, mặc dầu đó chỉ là một giọng nói thì thầm tâm sự.
Cách đây đã lâu, mượn nhà thờ chánh tòa làm nơi hẹn hò, một người hành nghề đóng giày than vãn với người yêu là chàng chưa thể tiến hành lễ cưới ngay bây giờ được. Hiện tại chàng không có cả tiền để mua da và các vật liệu cần thiết để có thể tiếp tục hành nghề, vì thế chàng đang phải thất nghiệp dài dài, đào đâu ra tiền để làm đám cưới. Nghe tin bất lành, ý trung nhân của anh chỉ biết sụt sùi khóc. 
Ðang lúc ấy, một người tình cờ đi qua hành lang phia bên kia nghe được câu chuyện thương tâm và những lời cầu nguyện của anh thợ đóng giày. Ông ta quyết định làm một cái gì để giúp đôi trai gái được thành gia thất. Vì thế, khi chàng trai từ giã người bạn gái thất thểu ra về, ông ta cũng tiến bước theo sau để biết chỗ ở của anh ta và lập tức cho người mang đến tặng cho anh một số da. Chàng đóng giày phấn khởi bắt tay vào việc và không bao lâu công việc làm ăn phát đạt tạo đủ điều kiện để anh có thể tiến hành hôn lễ với người yêu. Mãi đến mấy năm sau, hai vợ chồng mới biết vị ân nhân của mình là ông William Gladston, vị thủ tướng Anh quốc lúc bấy giờ. 
Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến hai tư tưởng chúng ta có thể đào sâu để củng cố niềm tin Kitô của chúng ta. Ðó là: Thiên Chúa là Cha nhân hậu, Người luôn lắng nghe và sẵn lòng ban cho chúng ta, con cái của Người, mọi ơn lành Người biết là sẽ mang lợi ích thật sự cho chúng ta, như vị thủ tướng Anh quốc nghe những lời tâm sự thì thầm của đôi trai gái trên và ra tay giúp đỡ họ. Vì thế, chúng ta hãy kiên tâm, bền chí trong lúc cầu xin.
(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét