Trang

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

31-05-2020 : (phần I) CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG năm A - LỄ TRỌNG


 31/05/2020
 Chúa Nhật CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG.
Lễ trọng. Lễ Họ. Cầu cho giáo dân.
(phần I)


 Thánh Lễ Trong Ngày:
Bài Ðọc I: Cv 2, 1-11
"Các vị được tràn đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu lên tiếng nói".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các môn đệ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói.
Khi ấy, cư ngụ tại Giêrusalem, có những người Do-thái đạo đức từ khắp các nước dưới gầm trời tụ về. Nghe tiếng ấy phát ra thì đoàn lũ tuôn đến, tâm trí bỡ ngỡ, vì mỗi người đều nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình. Mọi người đều sửng sốt và bỡ ngỡ nói rằng: "Nào tất cả những người đang nói đây không phải là người Galilê ư? Nhưng tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: Chúng tôi là người Parthi, Mêđi, Êlam, Mêsopotamia, Giuđêa, Cappađôcia, Pôntô, Tiểu Á, Phrygia, Pamphylia, Ai-cập, Lybia, cận Cyrênê, và người Rôma cư ngụ ở đây, là Do-thái và tòng giáo, là người Crêta và Á-rập, chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa!"
[Mọi người đều sửng sốt bỡ ngỡ nói với nhau rằng: "Thế này nghĩa là gì?" Nhưng lại có người khác nhạo báng rằng: "Họ đầy rượu rồi".]
Ðó là lời Chúa.

ÐÁP CA: Tv 103, 1ab và 24ac. 29bc-30. 31 và 34
Ðáp: Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất (c. 30).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, Ngài quá ư vĩ đại! Lạy Chúa, thực nhiều thay công cuộc của Ngài! Ðịa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài. - Ðáp.
2) Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay và chúng trở về chỗ tro bụi của mình. Nếu Ngài gởi hơi thở tới, chúng được tạo thành, và Ngài canh tân bộ mặt trái đất. - Ðáp.
3) Nguyện vinh quang Chúa còn tới muôn đời, nguyện cho Chúa hân hoan vì công cuộc của Chúa. Ước chi tiếng nói của con làm cho Chúa được vui; phần con, con sẽ hân hoan trong Chúa. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 12, 3b-7. 12-13
"Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, không ai có thể nói "Ðức Giêsu là Chúa" mà lại không do Thánh Thần. Vậy có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, là Ðấng làm mọi sự trong mọi người. Sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho từng người, tuỳ theo lợi ích.
Cũng như chỉ có một thân thể nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do-thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần.
Ðó là lời Chúa.

Ca Tiếp Liên
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,
và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra!
Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến;
Ðấng ban ân huệ, Ðấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!
Lạy Ðấng an ủi tuyệt vời,
là khách trọ hiền lương của tâm hồn,
là Ðấng uỷ lạo dịu dàng.
Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,
là niềm an ủi trong lúc lệ rơi.
Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc,
xin chiếu soi tràn ngập tâm hồn tín hữu của Ngài.
Nếu không có Chúa trợ phù,
trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội.
Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,
và chữa cho lành nơi thương tích.
Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,
chỉnh đốn lại chỗ trật đường.
Xin Chúa ban cho các tín hữu,
là những người tin cậy Chúa, được ơn bảy nguồn.
Xin ban cho họ được huân nghiệp nhân đức,
được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời.
(Amen. Alleluia.)

Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa Thánh Thần, xin xuống tràn ngập tâm hồn các tín hữu Chúa, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong lòng họ. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 20, 19-23
"Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại".
Ðó là lời Chúa.

Chú ý: Nơi nào ngày thứ Hai hoặc thứ Ba sau Lễ Hiện Xuống là những ngày giáo dân phải hoặc có thói quen dự lễ, thì có thể lấy lại Lễ Chúa Nhật Hiện Xuống, hay có thể dâng lễ về Chúa Thánh Thần.


Suy Niệm: Phát xuất từ một Thánh Thần
Phụng vụ hôm nay cống hiến cho chúng ta hai bài tường thuật việc Chúa ban Thánh Thần cho các Tông đồ, tức cũng là cho Hội Thánh và cho chúng ta, để ngày nay chúng ta sống như lời thư Phaolô vừa nghe đọc. Hai bài tường thuật ấy khác nhau, nhưng bổ túc cho nhau, để chúng ta hiểu rõ việc Chúa Thánh Thần xuống trên Giáo hội, vừa rộng rãi vừa sâu xa. Dĩ nhiên chúng ta sẽ bắt đấu với bài sách Công vụ, vì dường như bài đó muốn tường thuật biến cố mầu nhiệm mà chúng ta cử hành hôm nay. Nhưng khi xem đến bài Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy bài đó giúp chúng ta đi sâu vào Thánh lễ này.

A. Thánh Thần Hiện Xuống
Bài sách Công vụ có vẻ rõ ràng sáng sủa. Hôm ấy là lễ Ngũ Tuần. Các môn đệ hội họp ở một nơi. Bỗng dưng Thánh Thần hiện xuống; họ liền nói nhiều thứ tiếng khiến ai đến xem cũng nghe thấy họ ca ngợi các kỳ công của Thiên Chúa trong ngôn ngữ của mình.
Nhưng trong hiện tượng sáng sủa ấy lại toàn những điều kỳ diệu làm nên nội dung phong phú của ngày lễ hôm nay.
Trước hết đối với người Dothái, hôm nay là ngày lễ lớn, một trong ba ngày lễ lớn nhất trong năm. Lễ cử hành 50 ngày sau lễ Vượt qua, nên gọi là lễ Ngũ Tuần. Vượt qua đưa họ ra khỏi nô lệ Aicập, thì 50 ngày sau họ cử hành lễ này để ghi nhớ ký kết giao ước ở chân núi Sinai. Ít ai ở thời các Tông đồ còn để ý đến nguồn gốc xa xưa hơn nữa của ngày lễ này. Vì thực ra, khởi đầu lễ Ngũ Tuần chỉ là một lễ nông nghiệp. 50 ngày sau khi xuống đồng cắt bó lúa đầu tiên đưa lên Ðền thờ cảm tạ Yavê, Dân Chúa hôm nay đem nhiều bột, nhiều bánh và nhiều súc vật lên hân hoan tạ ơn Thiên Chúa đã cho mùa màng phong phú. Lễ Ngũ Tuần vì thế ngay từ đầu đã nô nức vui tươi. Từ ngày mặc lấy ý nghĩa kỷ niệm ngày ký kết giao ước, lễ này lại có tính cách dân tộc vì là ngày dân bắt đầu có "hiến pháp", có pháp luật. Thế nên rất nhiều người Dothái ở xa cũng về Yêrusalem dự lễ.
Chính trong bầu khí hân hoan, nô nức của ngày lễ Ngũ Tuần Dothái mà chúng ta được chứng kiến sự kiện lạ lùng xảy ra nơi nhà các môn đệ Chúa đang hội họp.
Theo lệnh Chúa, họ đang ở tại Yêrusalem chờ đợi "điều Cha đã hứa". Thì này, "bỗng xảy đến tự trời một tiếng rào rào như thể tiếng cuồng phong thổi đến, vang dậy đầy cả nhà". Ðang sống trong bầu khí của ngày lễ Ngũ Tuần, ai mà không liên tưởng tới ngày hiện tượng hùng vĩ đã xảy ra trên núi Sinai xưa. Cả núi đều rung chuyển mạnh vì có tiếng sấm của Yavê vang lớn ở trên cao. Và ngày xưa đã có chớp, rồi khói bốc lên như khói lò thiêu; thì nay kìa "có những lưỡi như thể bằng lửa hiện ra cho họ và phân tán ra đậu trên mỗi người trong họ". Và như ở Sinai hôm đó toàn dân đã tập họp lại dưới chân núi để nghe ban bố Luật pháp, thì nay toàn thế giới trong con người của những dân nói tiếng khác nhau cũng đến nghe họ nói những kỳ công của Thiên Chúa.
Người ta dễ nhìn thấy đây là cảnh tượng trái ngược hẳn với câu truyện xây tháp Babel, vì một bên là người trong cùng một nhà bỗng nói những ngôn ngữ khác nhau thành ra chia rẽ tản mác đi mỗi người một ngã; còn ở đây các dân tộc nói những thứ tiếng khác nhau trở thành một cộng đoàn hiệp thông. Nhưng người ta còn phải thấy rằng sỡ dĩ được như thế này là nhờ việc các Tông đồ nói được những thứ tiếng khác lạ của người nghe, tức là Hội Thánh phải biết nói "ngôn ngữ của mọi thời, mọi nơi mới có thể biến cả thế giới nên một cộng đoàn duy nhất. Và điều đó thể hiện được, vì theo lời Phêrô tuyên bố hôm nay, Thiên Chúa đã đổ Thần trí của Người xuống trên mọi xác phàm, như lời Yoel đã đoan hứa và như Chúa Giêsu đã bảo phải chờ đợi.
Như vậy, xảy ra trong bối cảnh của ngày lễ Ngũ Tuần Dothái, việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ nói lên cao điểm của mầu nhiệm Vượt qua mới. Ðức Giêsu Kitô đã giải phóng chúng ta trong sự chết và sự sống lại của Người. Nay Người tổ chức chúng ta lại thành một dân duy nhất, khi ban Thần trí Người xuống trên Giáo hội. Các Tông đồ của Người sẽ ra đi cho đến tận cùng mặt đất để nói lên các kỳ công của Thiên Chúa trong ngôn ngữ và văn hóa của mọi dân tộc khiến mọi người trên khắp thế giới cũng nhận một Cha chung trên trời và sống làm anh em với nhau theo giáo lý của Ðức Kitô.
Do đó ngày hôm nay có thể coi như ngày ra mắt của Dân Mới, ngày Hội Thánh hữu hình khởi sự đi vào lòng các dân tộc, ngày chúng ta phải ý thức mình là công dân của Nước Trời và là anh em với mọi người.
Nhưng khi chúng ta muốn tìm đến nguồn gốc sâu xa hơn nữa của ngày lễ hôm nay, thì chỉ bài Tin Mừng Yoan mới nêu lên được phương hướng phải đi vào.

B. Chúa Yêsu Ban Thánh Thần
Lập tức chúng ta thấy như ngỡ ngàng. Thánh Yoan thuật rằng ngay lúc xế chiều ngày thứ nhất trong tuần, Chúa phục sinh đã hiện diện với các môn đệ, thở hơi trên họ và nói: Hãy chịu lấy Thánh Thần. Như vậy, họ đã được chịu lấy Thánh Thần ngay chiều hôm lễ Phục sinh. Tại sao Luca lại kể mãi đến ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần mới hiện xuống trên các thánh Tông đồ?
Chúng ta có thể giải đáp một cách đơn sơ rằng Thần trí của Chúa đã hoạt động trên mặt đất ngay từ thời sáng thế. Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy, như lời kinh Tin Kính nói. Người đã phủ bóng trên Ðức Trinh Nữ và đỗ xuống trên Ðức Kitô. Chính Luca cũng nói ở đầu sách Công vụ: Ðức Giêsu đã chọn các Tông đồ dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Nghĩa là như lời thư Phaolô hôm nay nói: ơn Thần khí phát biểu ra nơi mỗi người mỗi khác, tùy ích chung. Và như vậy không phải chỉ có một lần Chúa Thánh Thần hiện xuống; và Người có thể đến với mọi người nhiều lần trong đời sống để làm những công việc khác nhau. Nhưng phải nói Người xuống trên cộng đoàn các môn đệ trong ngày lễ Ngũ Tuần có một giá trị và ý nghĩa đặc biệt, không tiền khoáng hậu, để đánh dấu một chuyển biến lớn trong Lịch sử cứu độ.
Còn khi Người đến trên các Tông đồ vào buổi chiều ngày Phục sinh như thánh Yoan kể thì lại có ý nghĩa khác. Có thể nói rằng: đối tượng của bài Tin Mừng hôm nay không phải là đối tượng của bài sách Công vụ. Rõ ràng thánh Luca muốn thuật lại việc Chúa Thánh Thần hiện xuống; còn thánh Yoan chỉ muốn cho chúng ta thấy Chúa sống lại hiện ra. Và đọc kỹ đoạn Tin Mừng này chúng ta phải ngỡ ngàng vì tác giả có nhiều ẩn ý sâu xa.
Thoạt đầu, thánh Yoan cho ta thấy bối cảnh của buổi chiều Chúa nhật Phục sinh. Các Tông đồ ở với nhau, nhưng cửa đóng cài chặt vì sợ người Dothái. "Thì Chúa Giêsu đã đến". Yoan dùng chữ "đến" chứ không dùng chữ "hiện ra". Chữ ấy ngài vẫn dùng trong các tác phẩm của ngài và đặc biệt trong câu kết của sách Khải huyền: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến! Như vậy bối cảnh của buổi chiều ngày Chúa nhật là bối cảnh của một cuộc hội họp, phụng vụ. Nói đúng hơn, việc Chúa đến đã làm cho cuộc họp mặt của các Tông đồ trở thành buổi họp phụng vụ. Người chào họ bằng câu chúc bình an là muốn đem Nước Trời đến cho họ. Người chỉ tay và cạnh sườn Người cho họ, để họ thấy đây chính là Người, Người đã chịu đóng đinh, Người đã trở thành Chiên Vượt qua sát tế. Nên Yoan đã dùng chữ "chỉ" giống như Yoan Tẩy giả đã chỉ vào Ðức Giêsu và tuyên bố: "Ðây là Chiên Thiên Chúa gánh tội thiên hạ". Ðược thấy Chúa, các môn đệ mừng rỡ; vì Yoan luôn luôn nói "thấy" Chúa là được sự sống, là được cứu độ, và "thấy" Ðức Chúa Cha là được thỏa mãn.
Lẽ ra Yoan đã có thể dừng lại ở đây. Việc Chúa sống lại hiện đến với môn đồ đã đạt tới mục đích rồi. Họ đã được cứu độ nhờ việc Chúa Tử nạn Phục sinh đến với họ. Nhưng Yoan còn viết thêm. Và những lời sau đây cũng được xếp đặt tương tự như vừa kể ở trên. Người ta có cảm giác Yoan lặp lại những điều vừa viết. Ðúng, ông nói lại nhưng đào sâu thêm. Ông viết: một lần nữa, Người nói với họ: bằng yên cho các ngươi. Nhưng lần này, Người không gửi sự bằng yên đến với họ để biến họ nên "những con người được sai đi" để sai họ đi như Cha đã sai Người. Nhưng họ chỉ có thể ra đi khi đã được lãnh nhận Thánh Thần. Thế nên nói thế rồi Người đã thổi hơi trên họ và nói: Hãy chịu lấy Thánh Thần. Câu này Yoan đã viết song song với câu ở trên: Nói thế rồi, Người chỉ tay và cạnh sườn Người cho họ. Câu sau lặp lại câu trước nhưng sâu xa hơn. Và phải nhờ câu trước để hiểu câu sau. Câu trước nhắc đến Ðức Kitô trên Thập giá chịu lưỡi đòng đâm thâu. Câu sau diễn tả ý nghĩa của sự kiện "Nước cùng Máu" đã chảy ra tự cạnh sườn Ðấng bị đâm thâu, tức là Thánh Thần được ban cho Giáo hội do việc Tử nạn của Ðức Kitô.
Chịu lấy Thánh Thần rồi, Giáo hội có sự sống mới, có khả năng tác sinh, mà cụ thể là tha tội cho người ta trở nên con cái Thiên Chúa. Thế nên, nếu trên kia khi thấy Chúa, các môn đồ đã được vui mừng, thì bây giờ khi đã chịu lấy Thánh Thần là nội dung của sự vui mừng, các Tông đồ có thể làm nên Hội Thánh khi tha tội cho người ta.
Bài Tin Mừng Yoan như thế có hai phần song song rõ rệt. Phần sau phải tựa vào phần trước khiến cả hai phần chỉ là một diễn ra càng đi càng sâu. Nhờ việc Chúa sống lại, môn đồ được thấy Người và được vui mừng. Nhờ hơi thở của Người, họ được lãnh nhận Thánh Thần và có thể xây dựng Hội Thánh. Họ chỉ được ơn sau, nhờ đã thấy tay và cạnh sườn Người trước, tức là đã tin mầu nhiệm hy tế Thập giá: Thánh Thần như nước thanh tẩy đã chảy ra tự cạnh sườn máu me của Ðấng chịu đóng đinh.
Yoan không thể bỏ phần sau, vì như vậy sẽ dừng lại ở việc Chúa sống lại hiện ra; và tin việc Chúa sống lại để làm gì, nếu mầu nhiệm đó không có giá trị cứu thế, tức là ban Thánh Thần để tha tội? Yoan nhắc nhở cho chúng ta biết: mầu nhiệm Phục sinh phải bao hàm và đạt tới mầu nhiệm Hiện xuống; việc Chúa Thánh Thần hiện xuống là ơn tuôn trào từ mầu nhiệm Vượt qua vì Ðức Kitô có "ra đi" thì Thánh Thần mới được ban xuống cho loài người.
Và nếu mầu nhiệm Phục sinh - Hiện xuống chỉ là một, thì Hội Thánh huy hoàng trong ngày lễ Hiện xuống không được quên mình đã được sinh ra từ cạnh sườn Chúa Cứu Thế. Chính Nước Thánh Thần chảy ra từ các vết thương của Chúa chịu đóng đinh đã rửa Hội Thánh và chính hơi thở của Chúa sống lại đã sai các Tông đồ đi trong Thánh Thần để kết nạp Hội Thánh. Bài Tin Mừng Yoan hôm nay đưa chúng ta vào chiều sâu và nguồn gốc của hiện tượng kể trong bài sách Công vụ. Cả hai bài cho chúng ta thấy ý nghĩa sâu xa của lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Và bổn phận của những người đã lãnh nhận Thánh Thần là phải thực hiện lời thư Phaolô.

C. Xây Dựng Nhiệm Thể
Sở dĩ chúng ta đã được lãnh nhận Thánh Thần là vì chúng ta đã đi qua mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh của Ðức Kitô trong phép Rửa. Trước khi chịu phép Thêm sức, người ta đã phải lãnh nhận bí tích Rửa tội. Không phải khi chịu phép Rửa tội người ta chưa trở nên Ðền thờ của Chúa Thánh Thần. Người ta cũng đã có "sự vui mừng" như các Tông đồ buổi chiều lễ Phục sinh, tức là đã được mầm mống của Thánh Linh nhờ hơi thở của Chúa sống lại. Nhưng cũng như các Tông đồ phải chờ đón nhận Thánh Thần trong ngày Ngài hiện xuống để ra đi tiếp nối sự nghiệp của Chúa Cứu Thế, thì sau khi chịu phép Rửa tội, người ta cũng còn phải được Thêm sức để đi thi hành sứ mệnh ở đời. Và sứ mệnh này, thư Phaolô nói, có rất nhiều diện và mặc nhiều hình thức, nhưng tất cả đều phát xuất từ một Thánh Thần và quy về cùng một đối tượng là xây dựng nhân loại nên một thân thể Ðức Kitô.
Nỗ lực xây dựng nào cũng tốt và cũng cần. Ðiều quan trọng không phải là sự khác biệt trong công việc, nhưng là cơ sở phát xuất, mục tiêu nhắm tới và thiện chí thi hành. Nếu ai cũng để cho Thánh Thần thúc đẩy và nhiệt tình xây dựng xã hội loài người nên một, thì tất cả chúng ta sẽ là tông đồ của ngày lễ Hiện xuống năm nay.
Và đó là điều mà Thánh lễ này muốn thực hiện. Chúa Tử nạn Phục sinh sẽ đến với chúng ta. Người ban lương thực bổ sức bằng Thánh Thần để chúng ta hết thảy không những được vui mừng vì thấy Người, mà còn được Thần khi Người thổi cho những tư tưởng sáng tạo, những nhiệt tình phấn khởi, muốn chung sức với mọi người để xây dựng một gia đình duy nhất, một dân tộc đoàn kết, một xã hội hòa bình.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật Lễ Hiện XuốngNăm ABC
Bài đọcActs 2:1-11; I Cor 12:3-7, 12-13; Jn 20:19-23.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Các hoạt động của Thánh Thần.

             Thánh Thần là Thiên Chúa bị bỏ quên. Để trắc nghiệm, chúng ta thử coi mình có nói về Thánh Thần được hơn 5 phút không! Thời đại của chúng ta, thời đại từ khi Chúa Giêsu về trời cho đến Ngày Tận Thế là thời đại của Thánh Thần; thế mà chúng ta lại biết rất ít về Ngài. May mắn cho chúng ta, Giáo Hội dùng ngày hôm nay để giúp chúng ta ôn lại giáo lý về Chúa Thánh Thần.
            Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta nhìn thấy các khía cạnh khác nhau của Ngôi Ba Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ tường thuật Thánh Thần hiện xuống và đậu lại trên mỗi Tông-đồ qua hình ảnh của cơn gió mạnh, hình lưỡi lửa, và sự kiện nói tiếng lạ. Trong Bài Đọc II, Thánh Phaolô đề cập đến những công việc của Thánh Thần làm nơi mỗi cá nhân và toàn thể Giáo Hội. Ngài nhấn mạnh đến sự hiệp nhất trong cùng một đức tin, một Phép Rửa, và một tình yêu; vì tất cả đều hoạt động trong cùng một Thánh Thần. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến vai trò của Thánh Thần trong việc sở hữu bình an và quyền tha thứ cho con người. 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần.

1.1/ Lễ (Ngũ) Tuần: Việt-nam dịch không đúng, lẽ ra phải dịch Lễ Các Tuần hay Lễ Năm Mươi Ngày (Pentecost, 50 ngày, hay 7 tuần). Lễ Các Tuần là một trong 3 lễ trọng thể của người Do-thái, mà tất cả các người nam của họ, sống trong vòng 20 dặm của Jerusalem, phải về Jerusalem để dự lễ. Hai lễ trọng kia là Lễ Vượt Qua và Lễ Lều. Lễ Các Tuần xảy ra đúng 50 ngày sau Lễ Vượt Qua. Lễ Vượt Qua thường xảy ra vào trung tuần tháng Nissan (tháng tư); vì thế, Lễ Các Tuần rơi vào đầu tháng 6. Tháng 6 là tháng du hành vì thời tiết đã tốt đẹp hơn và thuận tiện cho việc đi lại. Đó là lý do tại sao trong trình thuật hôm nay có bao nhiêu sắc dân, những người theo Đạo Do-thái lên Jerusalem để mừng lễ. Lễ Các Tuần kỷ niệm hai biến cố quan trọng:
            (1) Lịch sử: Mừng kỷ niệm Thiên Chúa ban Thập Giới cho Moses trên núi Sinai;
            (2): Nông nghiệp: Hai ổ bánh làm bằng bột lúa miến được dâng lên Thiên Chúa để cám ơn Ngài đã cho gặt hái được mùa màng. Trong 3 ngày Lễ Trọng, mọi người phải tuân giữ luật ngày Sabbath.

1.2/ Những gì đã xảy ra trong ngày Lễ Các Tuần:

            (1) Tiếng gió mạnh: "Khi đến ngày lễ Các Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp." 
          + Từ ngữ: Trong tiếng Do-thái cũng như Hy-lạp, họ chỉ có một danh từ dùng cho cả Thánh Thần lẫn gió: ruah trong tiếng Do-thái, và pneuma trong tiếng Hy-lạp. Vì thế, Thánh Thần được đồng nhất với gió.
            + Thánh Thần là gió, Ngài ban cho con người hơi thở và sự sống: Trong Sách Sáng Thế, khi vũ trụ còn hỗn mang, Thánh Thần của Thiên Chúa bay là là trên mặt nước (Gen 1:2). Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa thổi hơi vào trong lỗ mũi của con người và họ được sống (Gen 2:7), khi Chúa rút hơi thở ra, con người trở về cát bụi (Psa 104:29). Trong cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và Nicodemus, Chúa Giêsu ví hoạt động của Thánh Thần trong con người như gió: "Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thánh Thần sinh ra thì cũng vậy" (Jn 3:7-8).
            + Công dụng của gió: Gió có thể cuốn đi tất cả các rác rưởi và làm cho nơi đó được sạch. Chúng ta cứ nhìn những trận gió bão, sẽ biết sức mạnh của gió: Nó cuốn hết những gì trước mặt và hoàn toàn làm đổi mới nơi nào gió đi qua. Tương tự như thế cho hoạt động của Thánh Thần trong con người: Ngài có thể quét sạch những tật xấu trong con người, nếu chúng ta để cho Ngài hoạt động. Gió cũng có thể làm cho con người cảm thấy mát mẻ, dễ chịu, như cơn gió mùa hè, mùa Xuân. Thánh Thần cũng đem lại sự tươi trẻ cho tâm hồn con người.
            (2) Hình lưỡi lửa: "Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một." Sách Khải Huyền đồng hóa Thánh Thần với lửa (Rev 4:5). Matthew nói tới việc chịu Phép Rửa bởi Thánh Thần và lửa (Mt 3:11, Lk 3:16). Các công dụng của lửa:
            + Lửa dùng cho sự thanh luyện, như lửa dùng để luyện kim như thử vàng (I Pet 1:7). Thánh Thần cũng thanh luyện mọi bất toàn trong con người, và thánh hóa bằng cách làm cho con người trở nên hoàn thiện hơn (I Cor 3:12-15).
            + Lửa cũng dùng để nấu nướng, sưởi ấm, hay kích thích lòng người (Lk 12:49). Ca Tiếp Liên cho chúng ta thấy Thánh Thần có thể sưởi ấm chỗ lạnh lùng trong tâm hồn con người bằng cách ban tình yêu. Thánh Thần giúp tín hữu có lòng nhiệt thành để hăng say rao giảng và làm chứng cho Chúa.
            + Cột Lửa cũng dùng để soi sáng cho dân Israel biết đường đi (Exo 13:21). Thánh Thần soi sáng cho con người nhận ra sự thật, đường đi, và xua tan bóng đêm tội lỗi.
            + Lửa cũng dùng để thiêu rụi và tiêu diệt (Gen 19:24, Rev 8:7). Thị kiến của Moses về lửa cháy mà bụi gai không bị thiêu rụi (Exo 3:2) là hình ảnh của Thánh Thần tạo Ngôi Lời trong lòng Mẹ Maria mà Mẹ vẫn trinh khiết vẹn tuyền (Lk 1:35).
            (3) Nói tiếng lạ: "Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. Lúc đó, tại Jerusalem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói: "Những người đang nói đó không phải là người Galilee cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?"
            + Trong tiếng Hy-lạp, danh từ dùng để chỉ cái lưỡi (gnôssa) cũng được dùng để chỉ các ngôn ngữ khác nhau, nhưng chỉ dùng ở số nhiều (gnôssai). Khi dùng danh từ ở số nhiều, nó cũng có ý nghĩa là nói tiếng lạ.
            + Phaolô dành cả một chương 14 để bàn về việc nói tiếng lạ trong Thư I Corintô: Nói tiếng lạ là tiếng con người nói với Chúa khi con người trong trạng thái xuất thần. Để người khác có thể hiểu, cần có người thông dịch; ví dụ, để hiểu một người ngoại quốc nói, chúng ta cần có người thông dịch. Nếu không có người thông dịch, nói tiếng lạ cũng như không. Phaolô cho ơn gọi ngôn sứ cao hơn ơn gọi nói tiếng lạ, vì nó xây dựng Giáo Hội; trong khi người nói tiếng lạ chỉ xây dựng cho chính mình.
            + Biến cố Tháp Babel: là hậu trường để hiểu biến cố hôm nay. Trong biến cố Tháp Babel, Thiên Chúa phân tán con người đi khắp nơi bằng cách cho họ không hiểu ngôn ngữ của nhau. Trong biến cố hôm nay, Thánh Thần qui tụ con người lại bằng cách cho họ hiểu ngôn ngữ của các Tông-đồ đang nói.
            + Nói ngoại ngữ hay nói ngôn ngữ của trái tim? Nhiều tác giả cho các Tông-đồ không thực sự nói tiếng lạ, nhưng nói ngôn ngữ của trái tim. Điều này chỉ là suy đoán theo kiểu của mình rồi áp dụng cho Thiên Chúa. Họ quên đi quyền năng của Thiên Chúa: Nếu Ngài có thể bắt họ nói các thứ tiếng khác nhau để phân tán họ đi, Ngài cũng có thể cho họ nói cùng một ngôn ngữ để hiệp nhất trở lại. Hơn nữa, nói bằng ngôn ngữ của trái tim, làm sao những người ngoại cuộc có thể hiểu được? Biến cố nói tiếng lạ hôm nay là do quyền lực của Thánh Thần. Ngài "phiên dịch" lời các ông nói trong trí óc khán giả, để chỉ một ngôn ngữ các ông nói ra bằng tiếng Aramaic, mọi người đều hiểu theo ngôn ngữ của họ. Họ nói: "chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa."

2/ Bài đọc II: Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thánh Thần.

2.1/ Công việc của Thánh Thần:
            - Hướng dẫn nhận ra sự thật và tất cả mọi sự thật, vì Ngài là Thần Chân Lý. Sự thật trên hết mọi sự thật là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Thánh Phaolô quả quyết: "Chẳng có ai ở trong Thánh Thần của Thiên Chúa mà lại nói: "Giêsu là đồ khốn kiếp!" cũng không ai có thể nói rằng: "Đức Giêsu là Chúa," nếu người ấy không ở trong Thánh Thần."
            - Thánh Thần ban cho mỗi tín hữu các đặc sủng khác nhau; nhưng tất cả các đặc sủng Thánh Thần ban là cho việc xây dựng Nhiệm Thể Đức Kitô là Giáo Hội: "Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa." Đặc sủng cao trọng hơn cả mà mọi người cần có là tình yêu Thiên Chúa (I Cor 13).
            - Thánh thần hiệp nhất và liên kết tất cả trong cùng một Phép Rửa, một đức tin, và một tình yêu: "Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu Phép Rửa trong cùng một Thánh Thần để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thánh Thần duy nhất."

2.2/ Làm sao để nhận ra Thánh Thần từ những thần khí sai lạc của thế gian? Thánh Gioan khuyên các tín hữu: "Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian" (I Jn 4:1).
            - Thánh Thần và công việc của Ngài được Chúa Giêsu hứa trước, chứ không đột xuất và liên quan tới bất cứ điều gì như nhiều người lầm tưởng. Chúa Giêsu nói rõ ràng với các môn đệ: "Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em" (Jn 16:13-14). Vì thế, Lời Chúa là thước đo những gì Thánh Thần hướng dẫn.
            - Một cách nhận ra công việc của Thánh Thần là xét xem kết quả có đem lại sự thật, yêu thương, và hiệp nhất; hay đưa đến sai lạc, ghen tị, và chia rẽ. Quà tặng khác nhau không tự nhiên mang lại hiệp nhất, nhưng có thể mang lại giận hờn, ghen tị, và chia rẽ trong cộng đoàn.

3/ Phúc Âm: Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.''

3.1/ Thánh Thần và bình an: Thánh Thần làm cho các môn đệ nhận ra tất cả sự thật liên quan tới Đức Kitô và Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Các Tông-đồ phải nhận ra tất cả sự thật này trước khi các ông có bình an. Đây mới là sự bình an thật sự, và không một quyền lực nào có thể lấy đi được, vì nó đến từ sự xác tín của niềm tin trong tâm hồn con người.
            Trình thuật kể các Tông-đồ sợ sệt phải đóng kín cửa vì sợ người Do-thái; nhưng một khi các ông đã nhìn thấy Chúa toàn thắng tử thần và phục sinh vinh hiển, và được Thánh Thần giúp nhớ lại và hiểu biết những gì Chúa Giêsu đã nói trước, các ông mở tung cửa ra đi loan báo Tin Mừng, và can đảm đối chất với những người Do-thái trong Thượng Hội Đồng để làm chứng cho Chúa. Chúng ta chỉ cần nhìn đời sống các Tông-đồ trước và sau biến cố Phục Sinh, chúng ta nhận ra sức mạnh của Thánh Thần hoạt động nới các Tông-đồ.
3.2/ Thánh Thần và tha thứ: Chúa Giêsu thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." Một sự nhìn lại 4 phần chính của Bí-tích Giải Tội cho chúng ta thấy vai trò của Thánh Thần trong việc tha thứ các tội của con người:
            (1) Xét mình: Thánh Thần giúp cho con người nhận ra sự thật: những gì họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân. Nếu không ngang qua bước đầu quan trọng này, con người không thể ăn năn, xám hối: không nhận ra tội của mình, sẽ không cần thú tội. Thánh Phêrô trong Bài Giảng đầu tiên của Ngài cho người Do-thái tại Jerusalem là một ví dụ cho điều này (Acts 2:36-38).
            (2) Ăn năn và dốc lòng chừa: Thánh Thần giúp hối nhân tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa: tội của họ có thể được tha thứ nếu họ thành tâm thống hối và thú tội với các Tông-đồ và linh mục, những người đại diện của Thiên Chúa.
            (3) Xưng tội: Thánh Thần giúp hối nhân can đảm đến thú tội nơi tòa cáo giải. Trong Lời Xá Giải của linh mục đọc để tha tội, chúng ta nhận thấy rõ vai trò của Thánh Thần trong Bí-tích Xá Giải: "Thiên Chúa là Cha Toàn Năng đã hòa giải với thế gian qua cái chết và sự sống lại của Con Một Ngài, lại ban Thánh Thần để tha tội. Nhờ tác vụ của Giáo Hội, xin Chúa ban cho con ơn tha thứ và bình an. Giờ đây Cha tha tội cho con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen."
            (4) Đền tội và sửa chữa các khuyết điểm: Sau khi hối nhân nhận được ơn tha thứ, Thánh Thần giúp họ làm lại cuộc đời bằng việc ban các ân sủng cần thiết để họ làm lại cuộc đời và sống thánh thiện, xứng đáng như những người con cái Thiên Chúa.
 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 

            - Chúng ta phải luôn ý thức sự hiện diện của Ngài trong tâm hồn, như thánh Phaolô nói: "Thân thể anh em là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần;" và chúng ta phải cầu nguyện thường xuyên với Ngài, nhất là những giờ phút nghi ngờ, do dự, và không biết quyết định làm sao.
            - Chúng ta không thể hiểu biết và nhận ra sự thật của Thiên Chúa nếu không nhận được sự hướng dẫn của Thánh Thần. Vì thế, chúng ta phải cầu nguyện với Ngài trên đường đi tìm sự thật.
            - Thánh Thần thánh hóa con người bằng cách quét sạch những xấu xa, tội lỗi; và làm đầy tâm hồn bằng sự thật và ân sủng. Ngài cũng giúp chúng ta có sức mạnh và can đảm làm chứng cho Thiên Chúa. 
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

31/05/20     CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Ga 20,19-23


GIỐNG NHƯ CHÚA KI-TÔ
“Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20,21)
Suy niệm: “Sứ vụ chính của Chúa Thánh Thần không phải là đem lại sự xúc động, nhưng tạo nên nơi ta tính cách giống như Đức Ki-tô” (Thần học gia J. Packer). Ki-tô giáo trình bày cho nhân loại một hướng đi, một mục đích rõ ràng cho cuộc đời con người: tôn vinh Chúa và cứu độ mình cùng với người khác. Đồng thời Ki-tô giáo cũng giới thiệu cho ta một hình tượng lý tưởng rất gần gũi, rất thật với con người. Đó là Chúa Giê-su Ki-tô. Ngài là mẫu gương hoàn hảo cho ta về cung cách sống hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha, cũng như sống tình huynh đệ với người khác như anh em, chị em với nhau. Thánh Thần, Đấng hiện diện trong ta, sẽ giúp ta tập có những tâm tình, cũng như sống các tính cách như-Giê-su ấy trong cách hành xử mỗi ngày.
Mời Bạn: “Tôi không muốn thế gian định nghĩa Chúa cho mình. Tôi muốn Thánh Thần mạc khải Chúa cho mình” (A. Tozer). Chúa Thánh Thần giúp bạn cảm thấy gần gũi hơn với Thiên Chúa qua Chúa Giê-su, để sống tình cha-con với Ngài như Chúa Giê-su đã từng làm gương. Bạn hãy nhớ đến Thánh Thần mỗi khi khởi đầu ngày sống, trước các việc đạo đức, cũng như trước mỗi lựa chọn lớn nhỏ trong ngày, để bạn càng ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Người Anh Cả của mình.
Sống Lời Chúa: Trước các công việc của ngày sống, tôi hướng về Thánh Thần, xin Ngài giúp tôi biết tâm tình phải có để sống đẹp lòng Chúa Cha.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, cảm tạ Chúa luôn hiện diện trong tâm hồn con. Xin giúp con có những tâm tình, tính cách như Chúa Ki-tô. Amen.

(5 phút Lời Chúa)

HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN (31.5.2020 – Chúa nhật, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống)
Thánh Thần chẳng ở xa Giáo Hội. Ngài làm cho Giáo Hội được hiệp nhất bằng cách ban những đặc sủng khác nhau cho nhiều người để họ phục vụ lợi ích chung. 


Suy nim:
Lúc đến Êphêsô, Phaolô hỏi một số môn đệ ở đó:
“Khi vào đạo, các ông đã nhận lãnh Thánh Thần chưa?”
Họ trả lời: “Ngay cả việc có Thánh Thần,
chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói tới” (Cv 19,1-2).
Chúng ta đã được nghe nói và đã lãnh nhận Thánh Thần,
nhưng có thể Ngài vẫn là Ðấng xa lạ với ta.
Bí tích Thêm sức chỉ còn là một kỷ niệm đẹp,
nhưng nó không làm ta ý thức về sự hiện diện của Thánh Thần,
Ðấng đang ở trong ta và sai ta đi làm chứng.
Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ,
Ngài đã làm một việc quan trọng,
đó là mời họ tiếp tục sứ mạng mà Ngài đã bắt đầu.
“Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).
“Hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).
Trong Tin Mừng hôm nay, Ðấng phục sinh nói với các môn đệ:
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21)
Ðức Giêsu cho các môn đệ được tham dự vào sứ mạng của mình.
Chỉ có một sứ mạng duy nhất
là sứ mạng Chúa Giêsu nhận được từ Chúa Cha.
Sứ mạng của các môn đệ nối dài sứ mạng duy nhất ấy.
Ai sẽ giúp các ông thực hiện sứ mạng này?
Ai sẽ cho các ông sức sống để dám mở toang cánh cửa
mà lên đường loan báo Tin Mừng phục sinh?
Sức sống ở nơi hơi thở.
Ðức Giêsu phục sinh đã trao hơi thở của mình,
hơi thở của sức sống thần linh cho các môn đệ.
Khi được trao ban Thánh Thần,
họ trở thành con người mới, sẵn sàng lên đường.
Thánh Thần chẳng ở xa mỗi người chúng ta.
Ngài có mặt khi ta rung động trước một đoạn Lời Chúa,
và muốn sống Lời Chúa trong đời thường.
Ngài có mặt khi ta gọi tên Chúa Giêsu trên môi (1Cr 12,3),
và gọi Thiên Chúa là Cha đầy lòng từ ái (Rm 8,15).
Ngài có mặt khi ta muốn tiến một bước mới
trong đời sống cầu nguyện, trong đời sống thiêng liêng.
Thánh Thần chẳng ở xa Giáo Hội.
Ngài làm cho Giáo Hội được hiệp nhất
bằng cách ban những đặc sủng khác nhau cho nhiều người
để họ phục vụ lợi ích chung.
Ngài hiện diện nơi các vị lãnh đạo Giáo Hội,
nhưng Ngài cũng có mặt nơi các nhóm giáo dân.
Ngài hiện diện trong các bí tích, trong mỗi thánh lễ.
Ngài thánh hóa bánh rượu để chúng trở nên Mình và Máu Ðức Kitô.
Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội;
không có Ngài, Giáo Hội chỉ là một cơ cấu đáng ngờ.
Nếu chúng ta mềm mại hơn để cho Ngài dẫn dắt,
nếu chúng ta bớt cứng cỏi để cho Ngài canh tân,
nếu chúng ta đừng dập tắt tiếng của Ngài,
thì chúng ta sẽ thấy những biến đổi kỳ diệu.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Thánh Thần,
xin Ngài hãy đến như cơn gió mát
thổi vào đời con,
thổi vào Giáo Hội,
thổi vào thế giới,
để đem lại cho chúng con
sự tươi mới nhẹ nhàng, sự tự do thanh thoát.

Xin Ngài hãy đến như dòng nước trong
chảy vào đời con,
chảy vào Giáo Hội,
chảy vào thế giới,
để cuốn trôi đi mọi nhơ nhớp, khô cằn, cứng cỏi,
và làm bật dậy
những mầm xanh sự sống nơi chúng con.

Xin Ngài hãy đến như ngọn lửa hồng
chiếu sáng đời con,
chiếu sáng Giáo Hội,
chiếu sáng thế giới,
để chúng con không còn đồng lõa với tối tăm,
nhưng mang trong tim một ước mơ nóng bỏng,
đó là làm cho vũ trụ này rực sáng Tình yêu.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
31 THÁNG NĂM
Một Tinh Thần Nhập Thể
Con người, được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa, vừa là một hữu thể tinh thần vừa là một hữu thể thể lý. Con người được liên kết với thế giới chất thể xuyên qua nhân tính của mình, tuy nhiên con người cũng vượt trên thế giới chất thể – bởi vì con người là tinh thần. Con người là một ngôi vị. Chân lý này về con người là một phần của đức tin chúng ta. Thánh Kinh mặc khải rằng Thiên Chúa “tạo nên con người theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài”. Chân lý này về bản tính con người đã không ngừng được quyền giáo huấn của Giáo Hội chuyển đạt qua bao thế kỷ.
Chân lý về bản tính con người không ngừng được khảo cứu qua sự nghiên cứu của triết học hay của các khoa học nhân văn khác. Chúng ta có thể nhận thấy điều này trong nỗ lực nghiên cứu của khoa nhân loại học. Chúng ta thấy rằng con người là một tinh thần nhập thể, hay một tinh thần ở trong một thân xác. Hoặc ta cũng có thể nói rằng con người là một thân xác được khuôn hình trong một tinh thần bất tử. Một cách nào đó, có thể suy luận ra điều này bằng cách nghiên cứu trình thuật sáng tạo trong Sách Sáng Thế. Đặc biệt, chúng ta nên sử dụng trình thuật Gia-vít – là trình thuật có sử dụng những hình ảnh có tính nhân hình học (anthropomorphic). Trong đó, chúng ta đọc thấy: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2, 7).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Gương Thánh Nhân
Ngày 31-05: ĐỨC MẸ ĐI VIẾNG BÀ THÁNH ISAVE

Mầu nhiệm Đức Mẹ đi viếng Bà thánh Isave đã được Đông phương mừng kính từ lâu đời trước. Bên Tây phương lần đầu thấy nghi lễ này trong qui chế của nhà thờ Mans năm 1247. Các tu sĩ dòng Phanxicô bắt đầu mừng lễ từ năm 1263. Khi Giáo hội bên Tây phương bị phân rẽ trầm trọng và bị thử thách nặng nề, ý tưởng của Đức giáo hoàng hướng về Đức Maria Mẹ Thiên Chúa đến thăm viếng và mang lại cho gia đình Giacaria bao nhiêu là niềm an ủi, Giáo hội cũng đang cần đến sự an bình hiệp nhất và sức mạnh. Cảm biết nhu cầu của Giáo hội và tin tưởng vào Đức Maria.
Ngày 06 tháng 4 năm 1389, Đức Urbariô VI đã ra một sắc lệnh. Và ngày 09 tháng năm ấy, Đức Bônifaciô XI ban bố việc mừng lễ Đức Mẹ đi thăm viếng. Việc thiết lập mừng lễ phát xuất từ cuộc phân rẽ, đã được hội đồng Bale xác quyết để kỷ niệm việc Giáo hội được bình an trở lại. Đức Piô IX đã nâng lên bậc kễ kính ngày 31 tháng 5 năm 1850, để kỷ niệm việc giải phóng thành Roma Gaete trở về của Ngài. Biến cố này đã xảy ra năm trước, trùng vào đúng ngày lễ Đức Mẹ đi thăm viếng.
Mừng kính mầu nhiệm Đức Mẹ đi viếng bà thánh Isave Đức Phaolô VI viết: "Lễ thăm viếng nhắc lại sự kiện Maria cưu mang Chúa Con đến thăm và giúp đỡ bà Isave, đồng thời công bố lòng nhân hậu của Thiên Chúa Cứu chuộc" (Marilis Cultus số 7).
Sự kiện Đức Mẹ đi thăm viếng bà thánh Isave đã khởi sự từ lời loan báo của sứ thần Gabriel ở trong buổi lễ truyền tin như để xác quyết về quyền năng của Thiên Chúa : "- Kìa Isave trong hàng thân thích của Người cũng đã mang thai trong lúc tuổi già, cái thai này đã sáu tháng, nơi một kẻ đã từng mang tiếng là son sẻ hiếm hoi" (Lc 1,36)
Với niềm vui riêng và nhất là sự thúc đẩy của đức bác ái, Maria đã lên đường thăm viếng người bà con may mắn của mình. Thánh kinh tiếp tục kể lại cuộc thăm viếng này: "Chỗi dậy. Maria đon đả đi lên miền sơn cước, đến một thành xứ Giudêa, bà vào nhà Giacaria và chào Isave. Và xảy ra là thoạt nghe lời Maria chào thì hài nhi nhảy mừng trong dạ mẹ".
Tiếp theo sau là những lời trao đổi giữa Đức Maria và bà thánh Isave. Bà được Chúa Thánh Thần soi sáng cho biết ân huệ của cuộc viếng thăm này. Còn Đức Maria đã không tự kiêu vì đặc ân đã lãnh nhận, Mẹ khiêm tốn dâng lời tạ ơn Thiên Chúa với lời kinh Magnificat.
Trong thông điệp về lòng tôn sùng rất thánh Nữ Maria, Đức giáo hoàng Phaolô VI đã ghi rằng :
"Công bố lòng nhân hậu của Thiên Chúa cứu chuộc". Thực vậy, lời kinh Magnificat của Mẹ đã là một lời công bố tuyệt hảo những hồng ân của lòng nhân nhậu Chúa.
Nhưng riêng các diễn biến xảy ra việc này cũng cho thấy lòng nhân hậu của Chúa thế nào. Nghe lời Đức Maria chào, hài nhi trong lòng đã được ơn thánh hóa, được nâng lên hàng phẩm chức cao vượt các tiên tri do ơn được tiền dự vào công việc cứu chuộc. Con trẻ đã nhận biết Đấng đến thăm mình và bày tỏ bằng sự nhẩy mừng, tình yêu và niềm kính trọng đối với sự hiện diện của Thiên Chúa.
Ngoài ra Mẹ Maria đã được Chúa dùng làm dụng cụ chuyển thông ơn phúc của Thiên Chúa, như muốn chỉ cho chúng ta thấy rằng mẹ thực sự là máng thông chuyển ơn và chúng ta có thể tin tưởng chạy đến sự cầu bầu của Mẹ.
(daminhvn.net)


Lòng Tốt Của Mẹ Dạy Con Muốn Tiếp Tục Sống
George Washington, một trong những nhà anh hùng của nền độc lập Hoa Kỳ, thường được đề cao như một người con chí hiếu đối với mẹ mình.
Sau những trận chiến cam go nhất, giữa những công việc nặng nề của một nguyên thủ quốc gia, ông thường về nhà thăm viếng và trò chuyện lâu giờ với người mẹ già.
Một hôm, ngạc nhiên về sự gắn bó của ông đối với mình, mẹ đã đặt câu hỏi như sau: "Tại sao con lại chịu khó mất hằng giờ như vậy để ngồi bên cạnh mẹ?".
Vị tổng thống của nước Mỹ đã trả lời như sau: "Thưa mẹ, ngồi bên cạnh mẹ để lắng nghe mẹ nói, không phải là một việc mất giờ. Bởi vì, sự thanh thản và lòng tốt của mẹ dạy con còn muốn tiếp tục sống".
Hôm đó, Giáo Hội mừng lễ Mẹ đi viếng bà thánh Ysave. Giáo Hội đặt lễ này vào cuối tháng năm như cao điểm của tháng hoa.
Sự vội vã lên đường của Mẹ Maria để đi thăm người chị họ cưu mang trong lúc tuổi già là biến cố khai mạc sứ mệnh của Mẹ: đó là sứ mệnh của một người Mẹ luôn có mặt để phù trợ con người. Sự hiện diện ấy đã củng cố niềm tin của bà Ysave. Sự hiện diện ấy đã đem lại niềm an ủi vô bờ cho Gioan Tẩy giả.
Bên cạnh Chúa Giêsu, từ việc cưới Cana cho đến dưới chân thập giá, và những ngày đầu của Giáo Hội, Mẹ luôn có mặt để nâng đỡ, để ủi an, để củng cố niềm tin của mọi người.
Một cách âm thầm nhưng vô cùng gần gũi, ngày nay lúc nào Mẹ cũng có mặt trong Giáo Hội và trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta.
Tưởng niệm biến cố Mẹ lên đường đến viếng thăm bà Ysave trong ngày cuối tháng hoa này, mỗi người Kitô chúng ta được mời gọi để tin tưởng hơn bao giờ hết sự hiện diện đầy ưu ái của Mẹ có sức mang lại cho chúng ta niềm vui, sự can đảm để tiếp tục dấn bước trong cuộc lữ hành trần gian này.
Những lúc mệt mỏi trong cuộc sống, những lúc tối tăm bao trùm cuộc sống, những lúc hụt hẫng đến độ không còn biết nương tựa vào ai, chúng ta hãy chạy đến với mẹ. Một vài Kinh Kính Mừng mà chúng ta có thể chỉ đọc một cách máy móc, đó chính là những giây phút chúng ta đến ngồi bên Mẹ. Ðó không là những phút giây vô ích, trái lại sự thanh thản của Mẹ, lòng quảng đại của Mẹ sẽ là nguồn nâng đỡ chúng ta.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét