Chúa Nhật 16 Quanh Năm Năm B
Bài Ðọc I: Gr 23, 1-6
"Ta sẽ quy tụ phần
còn lại của đoàn chiên Ta, và cho chúng có những chủ chăn".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Chúa phán: "Khốn cho các
mục tử làm tản mát và xâu xé đoàn chiên Ta. Vì thế, Chúa là Thiên Chúa Israel phán
cùng các mục tử chăn dắt dân Ta rằng: "Các ngươi đã phân tán xua đuổi và
không trông nom đoàn chiên Ta". Chúa lại phán: "Vậy Ta sẽ xét xử
những hành động gian ác của các ngươi. Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên
Ta từ khắp các xứ mà Ta đã phân tán chúng, Ta sẽ lùa chúng về đồng cỏ, để chúng
lớn lên và tăng số. Ta sẽ cho chúng có những chủ chăn để họ chăn dắt chúng.
Chúng sẽ không còn sợ hãi và kinh hoàng, và chúng không còn thiếu thốn gì
nữa".
Chúa còn phán rằng: "Này
đây, đã tới những ngày Ta gây cho Ðavít một mầm giống công chính, mầm giống này
sẽ làm vua thống trị, sẽ là người khôn ngoan, thực hiện công lý và đức công
bình trên đất nước. Những ngày ấy, Giuđa sẽ được cứu thoát, Israel sẽ được an cư, và chúng sẽ
gọi tên Người là "Chúa công bình của chúng ta".
Ðó là lời Chúa.
Tiên tri Giê-rê-mia. |
Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4.
5. 6
Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).
Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi,
tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới
nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi
dưỡng. - Ðáp.
2) Người dẫn tôi qua những
con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa,) dù bước đi trong
thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy
của Người, đó là điều an ủi lòng con. - Ðáp.
3) Chúa dọn ra cho con mâm
cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén
rượu con đầy tràn chan chứa. - Ðáp.
4) Lòng nhân từ và ân sủng
Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư
cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Ep 2, 13-18
"Chính Người là sự
bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một".
Trích thư Thánh Phaolô Tông
đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, xưa kia anh
em là những kẻ ở xa, thì nay trong Ðức Giêsu Kitô, anh em đã nên gần nhờ bửu
huyết của Người. Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi
bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác
của Người, tức là bãi bỏ lề luật cũ với những thể lệ để kiến tạo cả hai nên một
người mới, đem lại bình an, dùng thập giá giải hoà hai dân tộc trong một thân
thể với Thiên Chúa. Nơi Người, mối thù nghịch đã bị tiêu diệt, và Người đã đến
loan báo Tin Mừng bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ
ở gần. Và chính nhờ Người mà chúng ta đôi bên được đến gần Cha trong cùng một
Thần Trí.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! - Chúa
phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự
sống". - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 6, 30-34
"Họ như đàn chiên
không người chăn".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Marcô.
Khi ấy, các tông đồ hội lại
bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy.
Người liền bảo các ông: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một
chút". Vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ
không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ
hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta
đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài.
Lúc ra khỏi thuyền, Chúa
Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không
người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.
Ðó là lời Chúa.
Mc 6,30-34. |
Suy Niệm:
Sau thời gian thực tập truyền
giáo, các tông đồ vui mừng trở về báo cáo với Ðức Giêsu những gì các ông đã làm
và đã dạy. Sau đó, Ðức Giêsu khuyên các ông vào nơi thanh vắng để nghỉ ngơi.
Nghỉ ngơi để lấy sức khỏe về phần xác và nhất là sức mạnh về tâm hồn. Người
tông đồ của Chúa nếu không gắn chặt với Chúa bằng đời sống cầu nguyện thì công
việc tông đồ không thể đạt được thành quả tốt đẹp.
Như khí trời cần cho con
người, người Kitô hữu cũng cần phải cầu nguyện.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ
Chúa vì Chúa đã thương chọn con làm công cụ cho những hồng ân cao cả của Chúa.
Xin cho chúng con sống xứng đáng với lòng thương của Chúa, để mọi lời nói, việc
làm của chúng con là chứng từ sống động có sức mời gọi các tâm hồn, và đưa họ
về với nguồn ơn tha thứ của Chúa. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Ðức Kitô Là Vua Mục Tử
(Yêrêmia 23,1-6; Thư Êphêsô 2,13-18; Tin Mừng Marcô 6,30-34)
Suy Niệm:
Chúa Nhật XVI Thường Niên
Năm B
Yêrêmia 23,1-6; Thư Êphêsô
2,13-18; Tin Mừng Marcô 6,30-34
Ơn gọi Kitô hữu cho chúng ta
được tham dự vào sứ mạng tiên tri, vương đế, tư tế của Ðức Kitô. Muốn thi hành
các sứ mạng ấy để phát huy ơn gọi Kitô hữu của mình, chúng ta hãy bắt chước
Người. Cả ba bài Kinh Thánh hôm nay muốn giúp chúng ta làm công việc này. Chúng
ta thấy Ðức Kitô được loan báo trong Cựu Ước... Người đã hiện thân ở giữa chúng
ta. Và ơn cứu độ Người hoàn tất đang muốn tác động mãnh liệt trong đời sống của
chúng ta. Chúng ta thử tìm hiểu Người theo ba bài Kinh Thánh ấy.
1. Ðức Kitô Là Vua Mục Tử
Bài sách Yêrêmia không có những
tư tưởng mới lạ. Nhiều đoạn Cựu Ước khác cũng nói như vậy. Và điều này làm
chứng đây là những tư tưởng tha thiết của lòng Chúa.
Người thương dân; coi như đàn
chiên của Người. Muốn hiểu được lòng Người đối với dân, chúng ta hãy hiểu tâm
lý của mục tử, và hơn nữa của dân du mục. Những người này không có gì cả ngoài
đàn vật của họ. Nhà cửa của họ là mảnh lều, di chuyển theo yêu cầu của đàn
chiên. Thế giới họ tiếp xúc cũng chỉ là các con vật họ chăn nuôi. Ngày đêm họ
chỉ có một bận tâm: làm sao cho đàn vật được an lành. Ðời sống của họ gắn liền
với chúng đến nỗi của ăn áo mặc của họ đều do súc vật cung cấp. Sự sống của
chúng là lẽ sống của họ đến nỗi vui buồn của họ tùy theo sự an lành của đàn
vật.
Thiên Chúa ở với dân cũng
tương tự như vậy. Người tha thiết với họ đến nỗi Người mang lấy mọi số phận của
họ trong lòng Người. Người muốn cho họ được an lành. Nhưng khốn nỗi, đàn chiên
của Người giờ đây không có người coi. Không phải vì thiếu mục tử, nhưng điều
thật buồn là các mục tử đều xấu. Lẽ ra các đầu mục trong dân và những kẻ trị
dân phải là các mục tử tốt săn sóc đàn chiên và lấy số phận đàn chiên làm của
mình. Nhưng ngược lại, họ lơ là bỏ rơi chiên, không màng tưởng gì đến chúng và
chỉ lo tìm lạc thú cho mình. Cùng lắm họ chỉ trở về đàn chiên mình xem con nào
đã có thể ăn được để bắt đem giết đi nhậu nhẹt. Hoặc xem con nào đã có thể xén
lông, để họ mang kéo đến hớt lấy lớp len đem may áo cho họ. Ðàn chiên không
người chăn vì thế tản mác, không biết tìm nơi có cỏ. Và khi lạc lõng như vậy,
chúng bị sói bắt, và bị trộm lùa, tình cảnh thật là thê thảm.
Thiên Chúa là Ðấng đầy dạ xót
thương. Người không thể cầm lòng được nữa. Người sẽ truất quyền bọn mục tử xấu,
sẽ lấy lại đàn chiên khỏi tay bọn đầu mục vô trách nhiệm. Người sẽ tự tay chăn
lấy các chiên của Người. Tức là Người sẽ làm chỗi dậy một mầm trong tộc
Ðavít... Ông này đã là một vị vua mục tử. Ông được đặt lên cai trị dân khi ông
còn đang đi chăn chiên. Và ông đã không bỏ mất cái gốc tốt lành này. Dân thấy
ông luôn luôn nhu mì, hiền lành, đạo đức, cai trị bằng đức nghĩa chứ không bằng
uy quyền. Nhờ ông và nhờ chính sách chăm sóc dân của ông mà Israel đã thống
nhất thành một nhà và trở nên như một đàn chiên. Những người kế vị ông không có
tâm hồn như vậy, khiến dân lại tan tác như chiên không kẻ chăn... Thiên Chúa
phải chấm dứt việc trị dân của họ và phục hồi cho dân một mầm tộc Ðavít...
Ai sẽ là mầm chồi này? Lịch
sử cho thấy không một vị vua nào thể hiện hết Lời Chúa hứa. Thành ra các lời
Yêrêmia nói hôm nay đã trở thành những lời tiên tri và đưa về Ðấng Thiên sai
Cứu thế. Người sẽ đến săn sóc dân nhân danh Chúa. Người có sứ mạng vương đế,
nhưng không trị dân theo lối các vua chúa trần gian. Công việc của Người là tập
hợp các chiên của Chúa vì chúng đang tan tác xác xơ... Rồi Người sẽ dẫn chúng
đến các nội cỏ để chúng sinh đẻ thật nhiều. Và nhất là chúng sẽ không còn sống
trong sợ hãi nữa vì luôn luôn có tiếng của Người gìn giữ chúng.
Người mục tử tốt nào cũng làm
như vậy. Ðó là gương mẫu cho mọi đầu mục dân. Ðó là phận sự của mọi người có sứ
mạng vương đế. Người Kitô hữu chúng ta có sứ mạng này. Chúng ta không thấy
tiếng gọi của Chúa ở khắp nơi sao? Các chiên của Người đang tản mác và lạc
lõng. Ai sẽ là người đưa chúng về tập họp lại nơi đồng cỏ xinh tươi để sinh
sản, để béo tốt, để an lành? Nhiệm vụ đó là của chúng ta hết thảy, những người
được chia sẻ sứ mạng vương đế của Ðức Kitô vua mục tử. Chúng ta phải thi hành
và có thể thi hành, nếu biết nhìn vào Người như gương mẫu. Bài Tin Mừng Marcô
mời chúng ta làm công việc này.
2. Ðức Kitô Là Thầy Nhân Ái
Hôm ấy các tông đồ đi truyền
giáo về Ðức Yêsu để cho họ nói họ đã làm và dạy những gì, rồi Người bảo họ hãy
tìm nơi thanh vắng mà nghỉ đi một chút đã.
Chúng ta có thể ngợi khen
thái độ chăm sóc của Người. Rõ ràng Người là bậc thầy nhân ái, lắng nghe môn đệ
phúc trình nhưng thương họ vì thấy họ cần được nghỉ ngơi.
Nhưng có lẽ đó không phải là
điều thánh Marcô muốn chú ý trong đoạn Tin Mừng này. Nhất là như chúng ta sẽ
thấy, họ đã gặp đám đông đến đón đường; và họ lại phải cùng Ðức Kitô làm việc
cho dân. Như vậy, ý tưởng muốn cho môn đệ được nghỉ một chútg không phải là
điều trọng yếu.
Ðọc kỹ đoạn văn này, chúng
thấy dường như thánh Marcô muốn gắn liền các môn đệ vào với Ðức Yêsu. Họ phải
nên một với Người. Thế nên ở đây có lẽ là chỗ duy nhất thánh Marcô đã dùng từ ngữ
"Tông đồ" để nói về các ông. Chúng ta thấy các ông họp nhau lại chung
quanh Thầy mình. Và các ông báo cáo công việc đã làm, mà theo như từ ngữ thánh
Marcô dùng ở đây, cũng chính là công việc mà Ðức Yêsu vẫn làm. Người đã làm và
đã dạy, thì Người cũng đã sai họ đi làm và dạy. Làm gì, dạy gì, thánh Marcô
chẳng bao giờ xác định. Nhưng trong ý của người, Ðức Yêsu cũng như các tông đồ
luôn làm và dạy một cách có uy quyền, chứ không như Biệt phái và Luật sĩ. Công
việc của Chúa và lời dạy của Người tự bản chất đã khác thường vì đã có uy quyền
đến nỗi luôn luôn người ta phải hỏi nhau: việc gì vậy, lời nào thế, sao mà
chúng có uy quyền như vậy? Có thể nói rằng người ta ngạc nhiên về hết mọi việc
Người làm và mọi lời Người nói. Họ không bỡ ngỡ về chính những việc và những
lời ấy, nhưng về uy quyền thoát ra từ những việc và những lời này. Chúng trở
thành như dấu hiệu về quyền năng của Thiên Chúa đang muốn tỏ hiện. Nói cách
khác, trước mặt dân, Ðức Yêsu trở thành nên như con người có uy quyền của Thiên
Chúa. Và thánh Marcô cũng muốn cho các tông đồ và cả Hội Thánh có uy quyền như
vậy. Ðối với người, xưa Ðức Yêsu đã có uy quyền thần linh ở trước mặt dân thế
nào, thì ngày nay Hội Thánh và các tông đồ cũng có sứ mạng như vậy.
Thế nên Hội Thánh và các tông
đồ phải chia sẻ thân phận của Ðức Yêsu. Trong sách Tin Mừng Marcô luôn luôn sau
mỗi khi tiếp xúc với dân chúng, Người lại rút lui vào yên lặng không phải để
cầu nguyện hay nghỉ ngơi cho bằng để phủ nhận sự phấn khởi của quần chúng cứ
muốn lôi Người vào quan niệm đầy trần tục về Ðấng Thiên Sai và vai trò cứu thế
của Người. Họ muốn một vị cứu tinh làm thỏa mãn tâm tư tham lam của họ. Và đó
là con đường hy vọng. Ðức Yêsu không bao giờ ưng thuận. Và Người bảo các tông
đồ của Người phải lui xa, chứ việc rút lui vào nơi hoang vắng để nghỉ ngơi
không phải là việc Người muốn khuyên bảo đâu. Ngược lại thì có.
Thật vậy, các tông đồ chưa
kịp trốn người ta ở đầu này thì đã gặp quần chúng đón mình ở đầu kia. Thánh
Marcô chọn nơi sa mạc làm địa điểm của cuộc gặp gỡ này. Người muốn cho chúng ta
thấy Ðức Yêsu đứng giữa dân nơi sa mạc. Hình ảnh này không gợi lại khuôn mặt
của Môsê đã tập họp con cái Israel
lại nơi hoang vu để biến họ nên dân của Chúa sao? Chính Ðức Yêsu đã cảm nghĩ
như vậy. Người thấy dân như các chiên tản mác... Người xót dạ chạnh thương.
Lòng Người bây giờ là lòng của Thiên Chúa như đoạn sách Xuất hành chương 34,
6-7 đã mô tả.
Khi ấy Thiên Chúa thấy dân
tội lỗi... Người thương họ hết sức, nên ban luật pháp để quay đầu họ lại. Họ
trở nên dân riêng của Người và Người chăm sóc họ. Hôm nay Ðức Yêsu cũng làm như
thế. Người chạnh lòng thương xót họ. Người đứng ra làm mục tử, kêu gọi các
chiên quay đầu trở về đàn. Và vì thế Người đã dạy dỗ dân.
Vì sao Người không làm ngay
phép lạ bánh hóa ra nhiều để cứu sống họ như Người đã làm, mà lại còn bắt những
con người nhọc mệt đó nghe dạy dỗ trước đã? Sách Tin Mừng Yoan sẽ viết như vậy.
Ðức Yêsu ban bánh cho dân ăn rồi mới khai triển ý nghĩa của việc Người làm. Ở
đây Marcô nói rằng Ðức Yêsu đã bắt đầu dạy dỗ dân rồi sau mới ban bánh cho họ.
Và Người đã dạy dỗ họ nhiều điều, tức là cũng phải khá lâu... Marcô có ẩn ý gì
không khi kể như vậy?
Thiết tưởng như đã nói, ở đây
Marcô không có ưu tư trước hết là bày tỏ lòng thương xót của Ðức Yêsu, nhưng là
giới thiệu Người như mục tử của Chúa Cha gửi đến. Quần chúng phải thấy uy quyền
của Người trước đã, tức là phải cảm thấy Người bởi Thiên Chúa mà đến. Thế mà
trong sách Marcô, người ta đã bắt đầu nhận ra điều đó ngay từ hôm đầu tiên gặp
Người ở hội đường Capharnaum. Hôm đó Người đã giảng dạy với uy quyền. Từ đó,
Marcô luôn luôn coi việc dạy dỗ của Người như là một cách biểu lộ thần tính của
Người.
Ðàng khác, công việc đầu tiên
của Người mục tử đối với chiên lạc là gì, nếu không phải là kêu nó trở về?
Tiếng của mục tử rất quan trọng. Lời giảng của Hội Thánh rất thiết yếu cho việc
tập họp dân Chúa.
Hơn nữa khi nói rằng Ðức Yêsu
đã dạy dỗ dân chúng nhiều điều trước khi ban bánh cho họ, thánh Marcô hẳn cũng
đã có ý trung thành với cơ cấu tổ chức phụng vụ trong Hội Thánh. Dân Chúa họp
nhau lại trước hết để nghe Lời Chúa dạy dỗ rồi mới bẻ bánh tạ ơn.
Ở đây, Marcô còn muốn gợi lên
ý tưởng Ðức Yêsu là Môsê mới ở với dân trong sa mạc. Như Môsê cũ đã dùng lời
nói và luật pháp quy tụ dân thì Ðức Yêsu cũng thành lập dân mới bằng lời dạy dỗ
của Người. Ngay đến Manna mà Môsê xin được cho dân ơ nơi sa mạc về sau cũng
được đánh giá tương đương với lời từ miệng Thiên Chúa phán ra. Tức là nó chỉ có
giá trị vì là tạo vật do Lời Chúa tạo dựng, chứ chất nuôi dưỡng của nó đâu có
gì đáng tâng bốc!
Như vậy, thánh Marcô thật rất
có lý khi khiến chúng ta chú ý vào việc Ðức Yêsu dạy dỗ dân chúng trong sa mạc.
Người là Môsê mới đến cứu dân. Người là vị mục tử mà Thiên Chúa hứa sẽ sai đến.
Người đang thực hiện các lời tiên tri bằng cách dạy dỗ với uy quyền. Chính Lời
của Người sẽ tập họp các chiên tản mác của Chúa lại và nuôi dưỡng chúng, để
chúng sinh sản, tức là có đời sống kết quả phong phú, ở trong đồng cỏ của Người
là Hội Thánh.
Ðức Yêsu đã dùng sứ mạng tiên
tri để thi hành sứ mạng vương đế. Hội Thánh và các tông đồ cũng phải làm như
vậy. Và hết thảy chúng ta khi sống ơn gọi tiên tri cũng sẽ thi hành sứ mạng
vương đế là kéo mọi người về hợp nhất trong một gia đình có Thiên Chúa là Cha.
Ðang khi ấy chúng ta cũng sẽ thi hành sứ mạng tư tế vì như sẽ thấy trong bài
thư Phaolô ở nơi Ðức Yêsu cả ba sứ mạng tiên tri, vương đế và tư tế không hề
rời nhau khiến chúng ta luôn có thể sống ba sứ mạng ấy một trật.
3. Ðức Kitô Là Tư Tế Của
Dân Mới
Thánh tông đồ đang nói với
người Êphêsô. Trước đây họ là dân ngoại, bị người Dothái gọi bằng tên "không
cắt bì", không những không được hưởng những lời hứa thiêng liêng, mà họ
còn bị kỳ thị ngay trong các quyền lợi hữu hình. Họ không được vào trong chu vi
đền thờ dành cho người Dothái. Giữa hai hạng người có một hàng rào thật sự,
khiến dân ngoại luôn luôn phải đứng xa bàn thờ. Hàng rào chia rẽ này dần dần đã
trở thành một bức tường oán thù giữa Dothái và dân ngoại. Hố chia rẽ thật là
sâu, mặc dù cả hai đều là con Chúa, vì cả hai cùng chung một Ðấng tạo thành.
Ðức Yêsu đã được Thiên Chúa
sai đến để tập họp tất cả nhân loại làm một. Người phải hủy bỏ bức tường ô nhục
chia rẽ kia đi. Bằng cách nào, nếu không phải bằng cách bãi bỏ luật pháp với
các chỉ thị và lệnh truyền? Chính những cái này đã làm cho Dothái nên một dân
riêng rẽ. Ngay hàng rào phân cách dân ngoại nơi Ðền thờ cũng do luật pháp này
tạo nên. Ðức Yêsu phải hủy bỏ luật pháp đã chống lại Người. Nó kết án và đóng
đinh Người vào thập giá. Nhưng sự phục sinh của Người đã chứng tỏ luật pháp
phải chịu thua. Ðức Yêsu đã chiến thắng luật pháp bằng mầu nhiệm thánh giá. Máu
Người đổ ra trên thánh giá đã làm sụp đổ bức tường phân cách do luật pháp dựng
nên. Thân thể Người ở trên thánh giá đã kéo hai bên Dothái và dân ngoại lên với
Thiên Chúa Cha khiến họ cùng nhận ra mình là anh em. Người ban bình an cho kẻ trước
đây ở xa bàn thờ cũng như cho kẻ ở gần. Nhân loại được hợp nhất nên một nhờ lễ
tế của Người. Và như vậy khi thi hành sứ mạng tư tế, Ðức Yêsu đã hoàn thành hai
sứ mạng tiên tri và vương đế.
Chúng ta giờ đây được mời
tham dự lễ tế của Người. Ðây là lễ tạ ơn và hiệp nhất. Chúng ta tạ ơn Thiên
Chúa vì lòng chạnh thương vô bờ bến của Người đã hợp nhất chúng ta lại trong
Ðức Yêsu. Chúng ta phải cảm thấy đau xót khi thật sự chúng ta chưa cùng nên
một. Loài người và chính chúng ta hãy còn như một đàn chiên tản mác. Ðức Yêsu
đã đến hiến thân để hiệp nhất chúng ta lại. Nhưng tại sao chưa có kết quả? Phải
chăng không do việc chúng ta mỗi người cứ đi theo dục vọng của mình mà chưa
nghe theo tiếng gọi của Người nói qua sứ mạng tiên tri ở trong Hội Thánh? Chắc
chắn cũng tại vì khuynh hướng thống trị ở nơi chúng ta hãy còn quá mạnh, chưa
chịu khuất phục trước sứ mạng vương đế của ơn gọi Kitô hữu phải làm cho mọi sức
mạnh vâng phục Ðức Kitô. Tựu trung chúng ta vẫn chưa hy tế con người cũ của
chúng ta đủ để tham dự hoàn toàn vào sứ mạng tư tế của Người. Ước gì thánh lễ
hôm nay sau khi hiệp nhất chúng ta trong hy tế của Ðức Kitô sẽ ban cho mọi
người được nhiều khả năng thi hành Lời Chúa trong đời sống hầu đàn chiên của
Chúa mỗi ngày càng thêm duy nhất dưới sự chăm lo của vị mục tử nhân ái là Ðức
Yêsu Kitô, Chúa chúng ta.
(Trích dẫn từ tập sách
Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật 16
Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Jer 23:1-6; Eph 2:13-18;
Mk 6:30-34.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Hy vọng trong thất vọng
Trong cuộc đời, có những lúc con
người cảm thấy lo âu, sợ hãi, chán nản đến tuyệt vọng, vì phải đương đầu với
quá nhiều vấn đề: căng thẳng, chia rẽ, hận thù, bất an ... Thiên Chúa muốn con
người phải tuyệt đối tin tưởng và hy vọng nơi Ngài, và Đức Kitô là nguồn hy
vọng của mọi người, là giải pháp của mọi vấn nạn của cuộc đời.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng sự
quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa: chỗ nào có lo âu, thất vọng, chỗ đó có hy
vọng và giải quyết tuyệt vời của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tiên tri Jeremiah
tường thuật nguy hiểm của các chủ chăn vô trách nhiệm làm chiên lạc bầy và niềm
hy vọng có được Người Mục Tử Nhân Lành sẽ đến chăm sóc và quy tụ chiên về.
Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Ephesô tường thuật sự thù địch giữa con người với
Thiên Chúa, giữa Do-thái và Dân Ngoại; và niềm hy vọng Thánh Giá sẽ hòa giải
những mối xa cách thù địch này. Trong Phúc Âm, các tông đồ làm việc quá tải mà
vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu săn sóc đoàn chiên. Chúa Giêsu bảo các ông hãy
lui vào trong nghỉ ngơi để chính Ngài dạy dỗ và săn sóc dân chúng.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I:
Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền.
1.1/ Nguy hiểm của các mục tử không làm tròn bổn phận: Xưa cũng như nay, chúng ta luôn có
những mục tử không làm tròn bổn phận của mình như tiên tri Jeremiah cảnh cáo:
"Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và
tan tác - sấm ngôn của Đức Chúa - Vì thế, Đức Chúa, Thiên Chúa Israel, phán như
sau để lên án các mục tử, những người chăn dắt dân Ta: chính các ngươi đã làm
cho đoàn chiên của Ta phải tan tác; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì
đến chúng. Này Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt
các ngươi - sấm ngôn của Đức Chúa."
Những dấu hiệu cho thấy người chăn
chiên không chu toàn nhiệm vụ người mục tử:
- không chịu lưu tâm chăm sóc chiên: Họ không dạy dỗ cho chiên của mình
biết về Thiên Chúa và các Lề Luật của Ngài. Họ không làm gương sáng cho chiên
noi theo; ngược lại còn làm gương mù. Họ không quan tâm đến các nhu cầu phần
hồn cũng như phần xác của chiên.
- không yêu thương chiên cách vô vị lợi: Họ chỉ quan tâm đến lông chiên và thịt
chiên của những con béo tốt, những con chiên có thể làm lợi cho họ mà thôi (Eze
34:7).
- không bảo vệ chiên khỏi những nguy hiểm: Họ xua đuổi chiên đi cách trực tiếp
hay gián tiếp, hay làm chiên lạc bầy bằng những học thuyết sai lạc hay lối sống
vô luân.
1.2/ Hy vọng: Những dấu hiệu của người Mục Tử Nhân Lành:
- chăm sóc chiên cẩn thận: Họ dạy dỗ chiên biết kính sợ Thiên
Chúa và tuân hành các Lề Luật của Ngài.
- yêu mến và lo lắng cho chiên: Họ băng bó chiên bị thương, vỗ béo
chiên gầy còm, đi tìm con chiên lạc và quy tụ tất cả chiên lạc về một đàn.
- bảo vệ chiên và sẵn sàng hy sinh
tính mạng vì chiên: Họ bảo
vệ chiên khỏi thú dữ giết hại, khỏi tay của những phường trộm cướp, khỏi những
vùng nguy hiểm đe dọa tính mạng chiên.
Hai cách Thiên Chúa có thể làm để chăm sóc
chiên:
(1) Hoặc Chính Chúa Thượng sẽ chăn dắt chiên như lời sấm của
Jeremiah: "Chính Ta
sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ
đưa chúng về đồng cỏ của chúng; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều. Này, sẽ
tới những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà David một
chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi
trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh. Thời bấy giờ, Judah sẽ được cứu thoát, Israel được
sống yên hàn. Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là: "Đức Chúa, sự công
chính của chúng ta."" Thánh sử Gioan đồng nhất vị Mục Tử này với Đức
Kitô (Jn 10).
(2) Hoặc Chúa sẽ huấn luyện và gởi tới các mục tử tốt lành: "Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử
để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh
khiếp và bị bỏ rơi nữa. Sấm ngôn của Đức Chúa."
2/ Bài đọc II:
Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét.
Hận thù xa cách xảy ra là do sự
không hiểu biết, ghen ghét, thiếu cảm thông, hay tính kiêu hãnh coi mình hay
giòng giống mình trổi vượt hơn người khác. Thánh Phaolô nêu lên hai mối hận thù
xa cách chính:
2.1/ Giữa con người với Thiên Chúa:
"Trước kia anh em là
những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Giêsu Kitô, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh
em đã trở nên những người ở gần." Khi con người phạm tội, họ xa cách Thiên
Chúa, và không xứng đáng làm con cái của Ngài. Nhưng nhờ máu của Đức Kitô, Con
Thiên Chúa, đổ ra, con người được sạch mọi tội lỗi và giao hòa với Thiên Chúa.
Nhờ vậy, họ lại được hưởng quyền làm con cái Thiên Chúa.
2.2/ Giữa Do-thái và Dân Ngoại: Khi con người được hòa giải với Thiên
Chúa, họ cũng được đòi phải hòa giải với nhau, như lời thánh Phaolô: "Nhờ
thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân
thể duy nhất; trên Thập Giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét." Có tác giả
giúp chúng ta nhớ tư tưởng này bằng cách cắt nghĩa Thập Giá gồm 2 mảnh: mảnh
đứng tượng trưng cho sự hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, mảnh ngang
tượng trưng cho sự hòa giải giữa con người với nhau.
Thánh Phaolô cắt nghĩa tiến trình
hòa giải giữa Do-thái và Dân Ngoại như sau: "Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm
các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo
đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người." Trước khi
Đức Kitô đến, có một sự phân cách rõ ràng giữa người Do-thái và tất cả các sắc
dân khác. Người Do-thái coi chỉ có họ mới xứng đáng là "Dân Riêng"
của Thiên Chúa, vì Ngài đã chọn, bảo vệ, và ban Lề Luật cho họ; tất cả dân tộc
khác được xếp hạng Dân Ngoại, không thanh sạch, và không được hưởng những đặc
quyền như họ. Vì thế, người Do-thái sống cách biệt với các dân tộc khác, và
không muốn có sự chung đụng gì với các dân tộc khác. Khi Đức Kitô đến, kế hoạch
cứu độ của Thiên Chúa được mở rộng và bao trùm tất cả mọi dân tộc. Điều kiện
được cứu độ là niềm tin vào Ngài, chứ không dựa trên việc giữ Lề Luật nữa. Dĩ
nhiên, Đức Kitô không hủy bỏ tất cả Lề Luật, nhưng các tín hữu vẫn phải giữ các
Luật căn bản để chứng tỏ đức tin của họ.
Để hiểu những gì thánh Phaolô nói
về sự xa cách giữa người Do-thái và Dân Ngoại, chúng ta cần hiểu cách cấu trúc
của Đền Thờ Jerusalem thời đó: Có 3 bức tường ngăn cách các hạng người khác
nhau. Bức tường thứ nhất ngăn cách giữa người Do-thái và Dân Ngoại; người dân
ngoại nào vượt bức tường này là động chạm đến người Do-thái và sẽ bị tử hình.
Bức tường thứ hai ngăn cách giữa phái nam và phái nữ của người Do-thái; người
nữ không được phép bước vào chỗ của người nam. Bức tường thứ ba ngăn cách giữa
người giáo dân và hàng tư tế; chỉ có tư tế mới được vào trong để dâng của lễ hy
sinh lên Thiên Chúa. Ngoài ra, còn có một bức màn đóng kín từ trên xuống dưới
để ngăn cách giữa nơi thánh của các tư tế và nơi Cực Thánh, nơi Thiên Chúa hiện
diện; chỉ có các Thượng Tế mới được vào nơi Cực Thánh trong Ngày Xá Tội, mỗi
năm một lần mà thôi.
- Khi Đức Kitô đến, Ngài đập tan
các bức tường ngăn cản giữa con người với con người, như lời thánh Phaolô diễn
tả: "Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi
bên, dân Do-thái và Dân Ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ
bức tường ngăn cách là sự thù ghét." Không chỉ đập tan bức tường thứ nhất
mà mọi bức tường ngăn cản giữa con người với con người: không còn Do-thái hay
Hy-lạp, không còn nô lệ hay tự do, nhưng tất cả được rửa để tháp trong một
Nhiệm Thể duy nhất là Đức Kitô (I Cor 12:13).
- Hơn nữa, Đức Kitô cũng xé đi bức
màn ngăn cách giữa con người với Thiên Chúa, như lời Tin Mừng diễn tả: Màn
trong Đền Thờ xé ra làm hai khi Chúa Giêsu gục đầu xuống và trút hơi thở cuối
cùng (Mt 27:51, Mk 15:39, Lk 23:45). Kể từ giờ ấy, con người không còn xa lạ
với Thiên Chúa nữa; họ có thể trực tiếp đến với Ngài bất cứ ở đâu và bất cứ lúc
nào, chứ không cần phải qua trung gian thầy Thượng Tế, và cũng không cần đợi
đến Ngày Xá Tội một năm một lần. Thánh Phaolô diễn tả tư tưởng này như sau:
"Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa,
và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được
liên kết trong một Thánh Thần duy nhất mà đến cùng Chúa Cha."
3/ Phúc Âm: Anh em
hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.
3.1/ Căng thẳng nguy hiểm giữa chủ chăn và đòan chiên
(1) Quá tải của sứ vụ tông đồ: "Các Tông Đồ tụ họp chung quanh
Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các
ông đã dạy... Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì
giờ ăn uống nữa."
Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì
ít, làm sao các tông-đồ có thể đáp ứng mọi nhu cầu của dân chúng? Làm sao các
ông có thể thăng bằng giữa đời sống cá nhân với mục vụ tông đồ?
(2) Chiên vất vưởng không người chăn: "Thấy các ngài ra đi, nhiều người
hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước
cả các ngài." Làm sao để có đủ mục tử chăm sóc cho dân khi càng ngày càng
ít người đi tu? Xã hội càng tiến bộ, đời sống luân lý và gia đình càng sa sút.
Làm sao kiếm được các thợ rành nghề để săn sóc dân chúng?
3.2/ Hy vọng: Chúa Giêsu là giải quyết cho cả hai bên, các mục tử
và đoàn chiên.
(1) Người tông-đồ phải có thời giờ nghỉ ngơi với Đức Kitô: Chúa Giêsu nhận ra sự bận rộn trong
công tác mục vụ của các tông-đồ. Để tránh cho các ông nguy cơ bị "làm việc
quá độ," Ngài bảo các ông: ''Các con hãy vào trong để nghỉ ngơi một
chút." Chính Ngài đi tìm chỗ nghỉ cho các ông. Đây phải là một kinh nghiệm
sống cho chúng ta: Chúa không đòi chúng ta làm việc quá độ, cũng không khuyến
khích sự lười biếng. Chúng ta phải giữ sao cho cân bằng, khi nào quá mệt mỏi,
chúng ta phải kiếm giờ để nghỉ ngơi dưỡng sức trong Chúa; chứ không phải phí
sức vào những cuộc vui chơi làm chúng ta càng mệt mỏi hơn.
(2) Người dạy dỗ họ nhiều điều: Không phải chỉ có các mục tử là người
chủ chăn, Đức Kitô là Mục Tử Tốt Lành và trên hết. Chính Ngài sẽ dạy dỗ, săn
sóc, và bảo vệ dân chúng, như trình thuật hôm nay: " Ra khỏi thuyền, Đức
Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên
không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành:
Tất cả chúng ta hãy học hỏi, đặt trọn niềm tin tưởng, và niềm hy vọng nơi Ngài.
- Cha mẹ hay cha xứ đều là các mục
tử chăm sóc những chiên của Thiên Chúa. Trên hết mọi sự, người mục tử phải dạy
cho dân biết và quí mến Đức Kitô.
- Mỗi người chúng ta đều là các
chiên của Thiên Chúa. Chúng ta phải học biết về Đức Kitô và cầu nguyện cho các
mục tử của mình. Khi cầu nguyện cho họ, chúng ta đang cầu nguyện cho chính
chúng ta.
Linh mục
Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Chúa Chiên Lành (tranh Hàn Quốc). |
Chúa Nhật tuần 16 thường niên
Suy niệm:Sau thời gian thực tập
truyền giáo, các tông đồ vui mừng trở về báo cáo với Ðức Giêsu những gì các ông
đã làm và đã dạy. Sau đó, Ðức Giêsu khuyên các ông vào nơi thanh vắng để nghỉ
ngơi. Nghỉ ngơi để lấy sức khỏe về phần xác và nhất là sức mạnh về tâm hồn.
Người tông đồ của Chúa nếu không gắn chặt với Chúa bằng đời sống cầu nguyện thì
công việc tông đồ không thể đạt được thành quả tốt đẹp.
Như khí trời cần cho con người, người Kitô hữu
cũng cần phải cầu nguyện.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã thương chọn con
làm công cụ cho những hồng ân cao cả của Chúa. Xin cho chúng con sống xứng đáng
với lòng thương của Chúa, để mọi lời nói, việc làm của chúng con là chứng từ
sống động có sức mời gọi các tâm hồn, và đưa họ về với nguồn ơn tha thứ của
Chúa. Amen.
Ghi nhớ : "Họ như đàn chiên
không người chăn".
22/07/12
CHÚA NHẬT TUẦN 16 TN – B
Mc 6,30-34
Mc 6,30-34
GẶP
GỠ CHÚA MỖI NGÀY
Đức Giêsu bảo các môn đệ: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6,31)
Suy niệm: Dù kinh tế toàn cầu khủng hoảng, các công ty du lịch lữ hành vẫn ăn nên làm ra nhờ con người ngày nay có khuynh hướng đi xa nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày lao động miệt mài. Sau chuyến truyền giáo vất vả trở về, các môn đệ vui mừng báo cáo kết quả với Đức Giêsu. Ngài bảo các ông tìm chỗ thanh vắng nghỉ ngơi. Ngài hiểu rằng đời sống gồm có hai nhịp: làm việc và nghỉ ngơi, gặp gỡ Chúa rồi tiếp xúc với con người. Không thể là Kitô hữu tốt giữa chợ đời nếu không dành thời gian cầu nguyện, gặp gỡ Thiên Chúa; cũng như không thể lao động miệt mài mà không có lúc nghỉ ngơi thư giãn. Ta dễ dàng chấp nhận nghỉ ngơi để phục hồi sức lực sau khi lao động, nhưng chưa sẵn sàng chấp nhận gặp gỡ, tiếp xúc với Thiên Chúa để nhờ đó, đủ sức mạnh tình yêu sống hòa hợp với tha nhân.
Mời Bạn: Tìm một nơi thanh vắng, riêng tư để gặp gỡ, cầu nguyện với Thiên Chúa, chỉ mình Ngài với bạn. Nơi đó có thể là một góc trong nhà bạn, nhà thờ, hay bãi biển lúc sáng sớm... Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải xác tín rằng chỉ nhờ gặp gỡ Thiên Chúa, bạn mới có thể nhận được năng lực cần thiết cho đời sống đạo của mình.
Chia sẻ: Kinh nghiệm phục hồi năng lực tinh thần sau giờ cầu nguyện.
Sống Lời Chúa: Tôi thu xếp thời gian để có thể gặp gỡ, cầu nguyện riêng với Chúa sáng sớm (hay buổi tối) mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi chúng con dành thời gian mỗi ngày gặp gỡ, cầu nguyện với Chúa để nhờ đó, chúng con có thể sống tốt đẹp cuộc đời của mình. Chúng con xin hứa sẽ vâng theo lời Chúa dạy. Amen.
CHẠNH
LÒNG THƯƠNG
Suy niệm:
Sau một cuộc hành trình truyền giáo,
các tông đồ phấn khởi trình bày cho
Ðức Giêsu
những gì mình đã làm và đã dạy.
Ðức Giêsu có vẻ quan tâm đến con
người hơn công việc.
Ngài biết các tông đồ giờ đây cần
gì.
Họ cần một chút nghỉ ngơi cho thân xác.
Họ cần một chút riêng tư, trầm lắng cho tâm hồn,
để nhìn lại phía sau, để nhìn về
phía trước,
để tách mình ra khỏi công việc bề
bộn nơi đám đông,
để sống tình thầy trò ấm áp.
“Hãy đi riêng ra, đến nơi thanh vắng
mà nghỉ ngơi một chút”.
Chỉ cần một chút thôi, năm phút, mười phút...
Ai trong chúng ta cũng cần một chút lặng lẽ mỗi ngày,
để trở lại chỗ sâu nhất của lòng
mình,
để nghe được tiếng gọi mời của Thiên
Chúa.
Cần tìm một chỗ lặng lẽ trong nhà,
để tôi có thể ngồi với tôi, trước
nhan Chúa.
Cuộc sống hôm nay không để cho ta một chút nghỉ ngơi.
Các tông đồ cũng bị cuốn vào cơn lốc
của công việc.
Cần phải phấn đấu để có được một chút mỗi ngày.
Một chút lắng sâu đủ nuôi cả ngày.
Một chút êm ả khi ta đã làm mình rỗng không
khỏi bao điều đã nghe và thấy, đã
nói và ước mơ.
Phải xuống thuyền để đi đến nơi nghỉ
ngơi.
Phải ra khỏi chỗ mình đang sống.
Thầy trò đã lên thuyền, nhưng kế hoạch bất
thành.
Có lẽ vì ngược gió nên thuyền đi
chậm.
Một số người đã chạy đến trước nơi
Thầy trò sắp ghé vào.
Ðức Giêsu sững sờ khi thấy đám đông.
Những bước chân nôn nao, hối hả của
họ
đã khiến Ngài rung động tận cõi
lòng.
Ngài biết họ cần Ngài và Ngài thương
họ.
Cái cần của tập thể thật cấp bách
đến nỗi nhu cầu chính đáng của cá
nhân phải hy sinh.
Ðức Giêsu mang trái tim của người
mục tử nhân hậu,
nhói đau trước sự bơ vơ của đoàn chiên.
Bơ vơ là tâm trạng của con người mọi
thời,
nhất là của người trẻ hôm nay.
Bơ vơ khi bị ném vào cuộc đời lọc
lừa, xảo trá.
Bơ vơ khi bị nghiền nát bởi những
thủ đoạn gian manh.
Bơ vơ khi bị sa sảy, không sao đứng
lên được.
Bơ vơ khi những thần tượng lần lượt
tan vỡ.
Bị bơ vơ dẫn đến chán chường và
buông trôi,
mặc cho mình bị kéo vào những cái
bẫy nghiệt ngã.
Làm thế nào để người bạn trẻ gặp được Giêsu,
để lấy lại niềm tin, để tìm được
hướng sống,
để vững vàng bình an giữa sóng gió
cuộc đời.
Tôi phải giới thiệu Ðức Giêsu cho
người khác,
nhưng tôi cũng phải trở thành một
Giêsu gần gũi
để đến với những ai bơ vơ quanh tôi.
Cầu nguyện:
Giữa
những ồn ào của đám đông,
giữa
những sôi nổi của thành công
và ê chề
của thất bại,
xin dành
một cõi rất riêng cho Giêsu.
Giữa những đam mê quay cuồng,
giữa
những khát khao thèm muốn
và những
trói buộc của sợ hãi, âu lo,
xin giữ
một cõi rất riêng cho Giêsu.
Giữa lúc bị cuộc đời từ khước,
giữa lúc
bơ vơ đi trong đêm mênh mông,
chẳng có
ai để cậy dựa,
xin trở
về với cõi riêng bên Giêsu,
để một
mình ở đó,
trầm lắng và bình an.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Họ
như đàn chiên không người chăn".
Tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi
(Suy
niệm của Lm Trần Bình Trọng)
Thấy
các tông đồ đầu tắt mặt tối: làm việc cũng như giảng dạy đến nỗi không còn thời
giờ mà ăn uống, Ðức Giêsu mới bảo họ: Hãy vào nơi vắng vẻ để nghỉ ngơi đôi chút
(Mc 6:31). Rồi Người cùng với các tông đồ xuống thuyền chèo vào nơi hoang vắng.
Ðể
duy trì mức độ thăng bằng trong cuộc sống, Ðức Giêsu dạy các tông đồ về sự cần
thiết của việc nghỉ ngơi. Sách Sáng thế cũng ghi lại: Thiên Chúa tạo dựng vũ
trụ trong sáu ngày, và Thiên Chúa chúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày
đó, vì ngày đó Người đã nghỉ ngơi, ngưng làm mọi công việc sáng tạo (St 2:3).
Khi Ðức Giêsu sống lại vào ngày thứ nhất trong tuần, đạo mới là Kitô giáo đã
dùng ngày Chúa nhật để nghỉ ngơi, thờ phượng và cảm tạ Thiên Chúa thay vì ngày
Thứ bảy.
Có
bao giờ ta cảm thấy dù bận rộn với việc làm, dù ở giữa gia đình có cha mẹ, anh
chị em và bạn hữu, mà vẫn cảm thấy tâm hồn trống rỗng chăng? Và ai có thể lấp
đầy sự trống rỗng trong tâm hồn? Như Ðức Giêsu khuyên các tông đồ tìm nơi thanh
vắng để nghỉ ngơi, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đời nay cũng cần tìm thời giờ yên
tĩnh, tìm bầu khí thanh tịnh - ngưng nói, ngưng làm - để ở một mình, hầu có thể
lắng nghe tiếng Chúa và cũng lắng nghe tiếng lòng mình. Chúa thường nói với ta
trong thinh lặng. Và chỉ trong thinh lặng ta mới có thể dễ dàng nghe tiếng Chúa
hầu có thể thẩm định và đánh giá xem công việc đạo đức ta làm có bị Chúa dùng
lời ngôn sứ Giêrêmia hôm nay mà cảnh giác chăng (Gr 23:1-6)?
Khi
còn tại thế, Ðức Giêsu dạy các tông đồ về sự cần thiết của việc làm (Ga 5:17),
và còn cầu nguyện xin Thiên Chúa Cha thánh hoá họ và công việc làm của họ trong
cả chương 17 của Phúc âm thánh Gioan. Sách Sáng thế có ghi lại là sau khi A-đam
và E-và phạm tội, Thiên Chúa truyền cho họ phải làm việc đổ mồ hôi mới có cơm
bánh mà ăn. Trong thế giới hiện tại và trong xã hội ta đang sống, người ta cần
làm việc để độ thân và hộ đỡ gia đình và xây dựng xã hội loài người. Tuy nhiên
nếu lúc nào cũng làm việc và coi việc làm như là cùng đích và cứu cánh là người
ta đã bị sa vào thuyết duy vật. Duy vật chủ nghĩa coi con người là dụng cụ sản
xuất và đánh giá con người tùy theo năng lượng sản xuất. Tại những xứ kĩ nghệ
hoá và hậu kĩ nghệ, nhiều người phải làm ngày Chúa nhật vì sở làm đòi hỏi như
vậy, khiến người ta bị gò bó vào thời giờ làm việc tại văn phòng, nhà máy và
công sở. Trong trường hợp đó người ta cần tìm ngày giờ khác nghỉ bù lại để có
thể dành thời giờ cho Chúa, cho gia đình và cho chính mình.
Nghỉ
ngơi bao gồm cả việc hành hương, đi nghỉ ở những nơi có ghi dấu thánh tích về
cuộc đời Chúa Cứu thế để làm sống lại lời Chúa, hay đến thủ đô Giáo hội để làm
tăng triển căn tính công giáo, hoặc những nơi Ðức Mẹ hiện ra để củng cố đức tin
khi thấy khách hành hương bầy tỏ đức tin trong cách thế cầu nguyện xin ơn. Nhận
xét thấy nhiều bà mẹ Việt nam nhất là những bà ở miền quê sinh trước khi đất
nước chia đôi năm 1954 và trước khi làn sóng di dư ra ngoại quốc năm 1975 thật
vất vả, không dám ăn miếng ngon, nhưng để dành cho con cái như thi sĩ Tú Xương
đã mô tả về bà xã ông: Quanh năm buôn bán ở mom sông. Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng. Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Trong
ý hướng đó thì con cháu nên gom góp tiền để giúp bố mẹ, ông bà đi hành hương
một vài lần cho biết đó biết đây. Có linh mục kia hướng dẫn nhóm hành hương nói
với phái đoàn trên xe là hôm đó đến tiệm ăn tối, chủ tiệm sẽ cho uống rượu vang
miễn phí, nên các bà cứ uống một chút cho đời nó lên hương. Chính Ðức Giêsu đã
làm phép lạ biến nước thành rượu cho khách dự tiệc cưới Cana
được tiếp tục vui vẻ đấy (Ga 2:1-11). Nghe vậy, có mấy bà ngồi trong xe được
dịp phất cờ trong bụng. Kết quả là khi ăn xong, lên xe buýt, có bà đi lảo đảo,
khiến mấy người trong nhóm phải dìu đi theo. Nhớ cả đời đấy!
Việc
nghỉ ngơi để lấy lại sức còn bao gồm việc cầu nguyện và thờ phượng. Vào ngày
nghỉ, ta đến nhà thờ để dâng thánh lễ thờ phượng Chúa, để lắng nghe tiếng Chúa.
Ta cùng suy niệm về màu nhiệm nhập thể, cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa có
ảnh hưởng đến đời sống và hành động của ta như thế nào? Thánh lễ ngày Chúa nhật
phải là trung tâm điểm của đời sống người công giáo. Nói như vậy có nghĩa là cả
tuần ta bận rộn với công ăn việc làm. Cuối tuần ta đến nhà thờ để được bổ dưỡng
và tăng sức bằng lời Chúa và Mình thánh Chúa và để nâng đỡ đức tin của lẫn
nhau. Tới cuối tuần khác, khi kiệt sức vì công ăn việc làm, ta lại đến nhà thờ
để được bồi bổ sức mạnh tinh thần và thiêng liêng.
Trong
tông thư về ngày Chúa nhật gửi toàn thế giới, Ðức Thánh cha Gioan Phaolo II
nhắc lại: ngày Chúa nhật là ngày của Chúa. Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong sáu
ngày và Chúa nghỉ ngơi một ngày. Chúa nhật còn là ngày Chúa phục sinh, ngày vui
mừng. Ðức Thánh cha khẳng định lại: bỏ lễ Chúa nhật mà không có lý do chính
đáng vẫn là tội nặng. Chúa nhật còn là ngày của Giáo hội. Giáo hội có bổn phận
thánh hoá ngày Chúa nhật bằng cách nhắc nhở và khuyến khích giáo dân đi dâng lễ
thờ phượng và nghỉ ngơi.
Khi
Ðức Giêsu và các tông đồ chèo thuyền vào nơi thanh vắng để nghỉ ngơi, thì nhiều
người hiểu ý nên chạy đến trước đón Người. Khi thấy đám đông, thì Chúa chạnh
lòng thương vì họ như bầy chiên không người chăn dắt (Mc 6:34). Trong cánh đồng
truyền giáo ta thấy có nhiều nơi thiếu chủ chăn, nên nhiều giáo sĩ phải bao
thầu cáng đáng nhiều công việc đến nỗi không còn giờ nghỉ ngơi. Vậy thì ta cầu
xin Chúa ban thêm nhiều mục tử để hướng dẫn và chăn dắt đoàn chiên (Gr 23:4)
cũng như thợ gặt làm việc trong cánh đồng truyền giáo.
Lời cầu nguyện xin được đủ sức làm việc:
Lậy
Chúa Giêsu, Chúa đã dậy các tông đồ
về
sự cần thiết của việc nghỉ ngơi
sau
những ngày giờ làm việc vất vả.
Xin
giúp thánh hoá công việc con làm
và
dạy con biết tìm giờ để nghỉ
hầu
cho thể xác và tinh thần được thanh thoả
và
cũng dành thời giờ cầu nguyện với Chúa
để
cho tâm hồn được thư thái lắng đọng. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 7
22 THÁNG BẢY
Chính Thiên Chúa Chọn Chúng Ta Trước
Sự tiền định đi trước cả
sự tạo thành vũ trụ. Bằng việc áp dụng những loại suy của ngôn ngữ con người
vào sự sống thần linh, chúng ta có thể nói rằng trước hết Thiên Chúa muốn thông
truyền chính Ngài – trong thần tính của Ngài – cho con người, bởi vì con người
được mời gọi trở thành hình ảnh của Ngài và giống như Ngài trong thế giới thụ
tạo. Tiên vàn, trong người Con Vĩnh Cửu của Ngài, Thiên Chúa chọn con người để
con người tham dự vào chức phận làm con ấy nhờ ân sủng. Rồi, Thiên Chúa muốn
thu họp tất cả thế giới thụ tạo về với chính Ngài trong Đức Kitô.
Như vậy, mầu nhiệm tiền
định hoàn toàn hòa hợp với toàn bộ kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa. Mạc khải
về kế hoạch vĩ đại này vén mở trước mắt chúng ta viễn tượng về Vương Quốc của
Thiên Chúa. Nó dẫn chúng ta đến chính trung tâm của Vương Quốc này – ở đó chúng
ta khám phá ra mục đích tối hậu của công cuộc tạo dựng. Chúng ta hiểu Thiên
Chúa muốn gì.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN;
Gr 23, 1-6; Ep 2, 13-18; Mc 6, 30-34.
LỜI SUY NIỆM: “Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và
kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy.
Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà
nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6,30-31).
Hôm nay Chúa Giêsu cũng đang quan tâm đến mỗi một người trong chúng ta; Ngài lo
lắng từng chi tiết trong cuộc sống của chúng ta về cả vật chất cũng như tinh
thần. Trong mọi công việc của chúng ta đều có bàn tay của Ngài trợ giúp để đưa
đến thành công đem lại hạnh phúc cho chúng ta. Ngài cũng tạo nhiều cơ dịp cho
chúng ta nghỉ ngơi, cũng như học tập để nạp thêm năng lượng mới để mà tiếp tục
công việc mới.
Mỗi một người trong chúng ta phải biết chia thời gian: cho chính mình và những
đồng sự của mình: Thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi, thời gian học tập
cho bản thân và thời gian chia sẻ cho anh em. Để cùng dìu nhau đến gần Chúa
hơn.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 22-07:
Thánh MARIA MADALENA
Các
Giáo phụ đã tranh luận và các nhà chú giải vẫn còn tìm hiểu xem Giáo hội có
kính nhớ ba thánh nữ dưới cùng một danh xưng Maria Madalena hay không.
Người
thứ nhất là một người nữ tội lỗi. Khi Chúa Giêsu vào nhà ông biệt phái Simon,
một tội nhân vô danh đã được ơn tha tội, nhờ tình yêu bà bày tỏ trong việc xức
dầu thơm vào chân Chúa rồi lấy tóc mà lau (Lc VII, 36-39).
Đàng
khác, cũng chính việc thánh sử Luca (Lc VIII, 43-48) đã nói đến Maria Madalêna
được Chúa Giêsu trừ quỉ cho. Thánh nữ là một trong số phụ nữ đã theo Chúa trong
các cuộc hành trình của Người. Hiện diện trên đồi Calvê, Ngài cũng thuộc vào số
các bà đem dầu thơm đến mồ xức xác Chúa. Ngài là người đầu tiên báo tin cho các
môn đệ biết ngôi mộ trống. Trở lại mộ ngay sau đó, Ngài đã thấy và nói truyện
với các thiên thần. Sau cùng, Ngài đã nhận ra Đâng Phục sinh mà thoạt đầu Ngài
tưởng là một bác làm vườn (Ga 20, 1-18).
Maria
Bêtania, là chị em của Matta và Lazarô đã ngồi dưới chân Chúa Giêsu mà nghe lời
Người, trong khi Matta bận rộn chuẩn bị bữa ăn. Thế mà Ngài là người đã chọn
phần tốt nhất, phần chiêm niệm (Lc 10,38-42). Khi Chúa Giêsu đến cứu sống
Lazarô, thánh nữ vẫn giữ một phần tương tự. Ngài ngồi tại nhà cho tới khi Matta
kêu Ngài tới gặp "thầy". Ít ngày sau, Ngài đã xức dầu Chúa Giêsu (Mt
26,6-13).
Mặc
dầu các sách Tin Mừng không bảo đảm đồng nhất ba khuôn mặt này thành một người
và ý kiến các giáo phụ còn trái nghịch, nhưng Giáo hội Tây phương từ thế kỷ thứ
VI đã đồng hóa thành một người. Sự đồng hóa này được diễn tả trong phụng vụ.
Với
sự đồng hóa ấy, lòng đạo đức thường diễn tả thánh Maria Madalena như một phụ nữ
có mái tóc dài, được Chúa Giêsu tha thứ nao nức đón nghe Lời Người. Bà đã được
chứng kiến Laxarô sống lại. Tiên cảm được về thảm kịch khổ nạn, bà đã đổ dầu
thơm quí giá lên chân Chúa Giêsu như một cuộc xức dầu cao cả. Hiện diện dưới
chân thánh giá, bà sẽ được Chúa Giêsu thân ái gọi tên "Maria" buổi
sáng phục sinh.
Sau
đó, người ta không nghe nói gì về Maria Madalena nữa. Theo truyền thuyết, Ngài
đã từ trần và được mai táng ở Ephêsô. Năm 889, hoàng đế Lêô VI đã chuyển thi
hài thánh nữ về một tu viện ở Constantinople .
(Daminhvn.net)
+++++++++++++++++
22 Tháng Bảy
Người Bị Mạo Nhận
Ngoại trừ Mẹ Của Chúa Giêsu, trong các Phúc Âm ít có phụ nữ nào
được viét đến nhiều và với đầy sự tôn kính bằng thánh nữ Maria Madalena mà Giáo
Hội mừng lễ hôm nay.
Tuy nhiên, người ta có thể gọi Maria Madalena là thánh nữ của sự vu
oan vì tuy các Phúc Âm nói đến ba phụ nữ cùng mang tên Maria, nhưng truyền
thống trong Giáo hội Tây phương đồng hóa cả ba thành một người phụ nữ duy nhất.
Bởi lẽ đó, Maria Madalena cũng được cho là người phụ nữ tội lỗi không được nêu
tên trong đoạn 7 của Phúc Âm thánh Luca, người đã bất chợt đem bình dầu thơm
xức chân Chúa Giêsu rồi lấy tóc lau và sau đó được Chúa Giêsu tha thứ mọi tội
lỗi, vì bà đã yêu mến nhiều.
Ngày nay, người ta phân biệt ba thánh nữ mang cùng một tên Maria,
mà từ lâu lịch phụng vụ của Giáo Hội Hy Lạp đã kính riêng rẽ. Ðó là Maria làng
Batania, chị bà Martha và ông Lazarô. Rồi người phụ nữ đã được tha nhiều vì yêu
mến nhiều và sau cùng là bà Maria Madalena, hoặc Maria làng Madala, người được
Chúa chữa khỏi "7 quỷ dữ". Cách nói "7 quỷ dữ" này không
thể hiểu là Maria Madalena đã sống một cuộc đời vô luân, nhưng chỉ có nghĩa là
bà bị quỷ ám nặng nề.
Ðoạn 8 của Phúc Âm thánh Luca thuật lại hoạt động của thánh nữ
Maria Madalena và một ít phụ nữ khác như sau: "Sau đó, Chúa rảo qua các
thành, các làng mà rao giảng... Có nhóm Mười Hai đi với Ngài và ít phụ nữ đã
được chữa lành khỏi quỷ dữ cùng bệnh hoạn: Maria gọi là người Madala, đã được
đuổi khỏi 7 quỷ dữ và Gioanna... cùng nhiều bà khác: Họ đã lấy của cải mình mà
trợ giúp Ngài".
Và con đường nối gót theo thầy Giêsu đã dẫn Maria Madalena từ
Galilêa đến Giuđêa, cho tới chân thập giá và chính Marian Madalena cũng là
người trước tiên tìm đến mộ Thầy, vào sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần,
để được thấy Chúa Giêsu Phục Sinh và được trao cho nhiệm vụ đi báo cho các tông
đồ: "Hãy đi gặp anh em Ta và nói với họ: Ta lên cùng Cha ta và cũng là Cha
anh em, Thiên Chúa của ta và Thiên Chúa của anh em".
Theo
truyền thống Hy Lạp, sau này Maria Madalena đến sống tại Êphêsô cho đến khi qua
đời.
Trải
qua nhiều thế kỷ, thánh nữ Maria Madalena bị mạo nhận là người đàn bà tội lỗi.
Nhưng thiết nghĩ: Thánh nữ chỉ mỉm cười và xác quyết rằng: "Sự mạo nhận
này cũng không có gì là quá đáng, vì chúng ta tất cả là những người tội lỗi,
cần thống hối ăn năn và cần ơn tha thứ của Thiên Chúa. Nhưng quan trọng hơn là
chúng ta hãy chấp nhận sứ mệnh rao truyền Tin Mừng Phục Sinh qua cuộc sống
chứng tá của chúng ta".
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 22
CHÚA NHẬT XVI MÙA THƯỜNG NIÊN
Thánh Nữ Maria-Magđalêna
Thánh Nữ Maria-Magđalêna
Đức Giêsu,
giống như người mục tử nhân lành, sẽ ban cho đàn chiên lương thực chúng cần.
Lương thực này, trước tiên, đó là Lời
Ngài: Ngài dạy dỗ lâu dài. Nhưng trong Đức Giêsu, Lời đã nhập thể, biến thành
xác phàm. Đối với Ngài, ban Lời cũng là trao ban chính mình. Chính vì thếNgài
sẽ hóa bánh ra nhiều. Khi làm dịu cơn đói thể xác, Đức Giêsu thoáng cho thấy
Ngài có thể làm cho linh hồn được no thỏa. Những tấm bánh được hóa nhiều loan
báo một thứ bánh khác, bánh Thánh Thể, bánh này, tuy đi qua đường thân xác, nhưng
được ưu tiên dành cho linh hồn. Tấm bánh mới này, chính là thịt và máu Ngài bị
trao nộp để cho thế gian được sống. Quả thật, người mục tử nhân lành trao ban
sự sống mình cho đàn chiên (Ga 10,15).
Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay và các
Chúa Nhật tiếp theo báo trước hai bàn tiệc trong Thánh Lễ: bàn tiệc Lời Chúa và
bàn tiệc Thánh Thể. Như vậy, Thánh Lễ tiếp diễn cuộc Thương Khó của Vị Mục Tử
đích thật, Đấng tự hiến toàn thân đến nỗi trao ban chính mình làm lương thực
nuôi ta một cách mầu nhiệm.
E.I.
22-7
Thánh Maria Mađalêna
T
|
rong Phúc Âm, ngoại trừ mẹ Ðức Giêsu, ít phụ nữ được vinh dự bằng
Maria Mađalêna. Tuy nhiên, ngài rất thích hợp là quan thầy của những người bị
phỉ báng, vì trong Giáo Hội, luôn luôn người ta cho rằng ngài là người phụ nữ
tội lỗi đã lấy nước mắt rửa chân Ðức Giêsu trong Phúc Âm theo Thánh Luca
7:36-50.
Hầu hết các học giả ngày nay đều cho rằng sự lẫn lộn ấy không có
căn bản Phúc Âm. Maria Mađalêna, chính là "Maria Mácđala", người được
Ðức Kitô chữa khỏi "bảy quỷ" (Luca 8:2) -- đó là một biểu thị về sự
quỷ ám nặng nề hoặc, có thể, bị bệnh nặng.
Cha W.J. Harrington, dòng Ða Minh, trong cuốn New Catholic
Commentary (Chú Giải Mới của Công Giáo), ngài viết "bảy quỷ"
"không có nghĩa là Maria sống một cuộc đời đồi bại -- đó là một kết luận
do bởi nhầm lẫn Maria với người phụ nữ vô danh trong Phúc Âm theo Thánh Luca
7:36. Cha Edward Mally, dòng Tên, trong cuốn Jerome Biblical Commentary (Chú
Giải Phúc Âm Thánh Giêrôm), cha đồng ý rằng Maria Mađalêna "không phải là
người tội lỗi như được viết trong Luca 7:37, dù rằng sau này Tây Phương có
truyền thống gán ghép điều ấy cho ngài."
Maria Mađalêna là một trong những người "đã giúp đỡ các
ngài (Ðức Giêsu và Nhóm Mười
Hai) bằng các phương
tiện của họ." Maria Mađalêna là một trong những người đứng dưới chân
thập giá Ðức Giêsu với Ðức Mẹ. Và, trong các nhân chứng "chính thức"
đã được chọn để chứng kiến sự Phục Sinh, thì ngài là một trong những người được
ưu tiên đó.
Có lẽ Thánh Maria Mađalêna từng mỉm cười khi bị "nhận diện
sai lầm" trong 20 thế kỷ. Tuy nhiên, chắc chắn rằng ngài không cho đó là
điều khác biệt. Tất cả chúng ta là kẻ có tội đều cần đến ơn cứu chuộc của Thiên
Chúa, dù tội lỗi chúng ta có kinh khiếp hay không. Quan trọng hơn nữa, cùng với
thánh nữ, tất cả chúng ta là các nhân chứng "bán chính thức" của sự
Phục Sinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét