Trang

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

09-02-2014 : (phần II) CHÚA NHẬT V MÙA THƯỜNG NIÊN năm A

09/02/2014
CHÚA NHẬT V MÙA THƯỜNG NIÊN năm A
(phần II)


GIÁO LÝ PHÚC ÂM  CHÚA NHẬT V QUANH NĂM A

Sách Ngôn Sứ Isaia 58.7-10; Thư Thứ I của Thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô 2.1-5
và Phúc Âm Thánh Mathhêô 5.13-16

I. Giáo Huấn P.Â.:  
Môn đệ Chúa phải là Muối mặn ướp đời và phải là đèn sáng soi đường cho thế gian.
Hai hình ảnh mà Kitô hữu phải thể hiện: Phải là Kitô hữu đích thực như muối mặn thật.
Phải thể hiện lối sống Kitô hữu như đèn sáng soi đường dẫn lối cho người chung quanh bằng những gương lành thánh thiện và bác ái.

II. Vấn nạn P.Â.   

Muối trong Kinh Thánh

            Người Do Thái không những dùng muối nấu ăn mà còn làm phân bón vì có chất sodium. Nên chúa nói: Chúng con là muối đất.

            Vợ Ông Lót tiếc của nhìn lại phía sau khi rời thành Sodoma, Chúa cho bà thành tượng muối. Sách Sáng Thế Ký 16:26

            Sách Tiên Tri Êzêkien nói về tầm quan trọng của muối từ Biển chết trong chương 47:11

            Trong Sách Lêvi 2:13 và Êzêkien 43:24 cũng nói đến lễ giao hoà với Thiên chúa phải hoà với muối.

            Trong sách Xuất hành 30:35 và trong sách Ezra 6:9 cũng nhắc đến lễ tế phải có muối. Sách Ezêkien 16:4 cũng nói đến việc xát muối cho trẻ sơ sinh làm chúng khoẻ mạnh.

            Cả ba Phúc Âm Nhất Lãm: Matthêô, Marcô và Luca đều nói đến vai trò của người Kitô hữu như muối mặn và như đèn sáng.

            Khi giao tiếp với người khác, nên thêm muối vào lời ăn tiếng nói cho có mặn mà dễ thương như trong Thư Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Colossê 4:6

            Như vậy, trong Kinh Thánh muối tượng trưng cho một giao ước vững bền. Muối làm cho của lễ có giá trị và muối tăng sự mặn mà của lời ăn tiếng nói.

            Ánh Sáng trong Kinh Thánh

            Ánh sáng rất quan trọng và là công trình sáng tạo đầu tiên: Chúa phán hãy có ánh sáng và ánh sáng xuất hiện trong Sáng Thế Ký 1:3


            Chúa chính là ánh sáng và sự công chính. Tội lỗi là bóng tối, Người phạm tội sợ ánh sáng. Ông bà nguyên tổ sau khi phạm tội đã trốn tránh Chúa. Sáng Thế Ký  3:8.

            Bóng tối đồng loã với tội lỗi. Người ta thường phạm tội trong bóng tối. Người có hành vi bất chính né tránh ánh mắt của người đời. Sách Ông Gióp 24:13,15,17; Tiên Tri Isaia 28:15; 29:15-16; Thánh Vịnh 139; Tiên Tri Giêrêmia 16:17 và 23:24

            Ánh sáng như sự xét xử - Chính Chúa là ánh sáng và thành sự xét xử cho muôn dân:

            “Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ : các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa." Phúc Âm Thánh Gioan 3:19-21

            Mọi bí mật sẽ được phô bày trước ánh sáng:

            “Vì chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để đưa ra ánh sáng. Ai có tai nghe thì nghe !"  Phúc Âm Marcô 4:22-23

            Chúa chính là ánh sáng, Ngài sẽ phơi bày:

            Những tội lỗi thầm kín và những bất chính như trong Thánh Vịnh 90:8

            Những bí nhiệm dù kín đáo và sâu thẩm cũng sẽ phái phô bày. Sách Gióp 12:22.
            Không có gì là bí mật trước mắt Chúa. Sách Tiên tri Daniel 2:22

            Thánh Phaolô trong thư Thứ Nhất gửi Corinto 4-5 cũng nói: “Vậy xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người. Bấy giờ, mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng đích đáng”

            Ai chuộng tội lỗi như người đi trong bóng tối, sẽ bị vấp ngã:

            Sách tiên tri Isaia 59:9-10 khẳng định: Người lầm lạc là người đi trong bóng tối. Họ như người mù, có mắt nhưng không thấy gì.

            Phúc Âm Thánh Gioan 12:46 nói “Đức Giêsu đến trần gian như ánh sáng, để tất cả những ai tin vào Con Người thì không ở trong bóng tối lầmn lạc”

            Phúc Âm Thánh gioan 11:9-10 cũng khuyên: Có 12 giờ một ngày, nên hãy lo đi lại và làm việc khi trời còn sáng. Nếu đi lại, làm việc trong đêm tối sẽ bị vấp ngã.

            Phải sống trong ánh sáng: Tức sống khiêm tốn và nhìn nhận mình là tội nhân như người thu thuế trong dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện. Phúc Âm Thánh Luca 18:13-14

            Sám hối và xưng tội. Tông Đồ Công Vụ 19:18

            Giữ cho mình luôn thuộc về ánh sáng như trong Thư Thứ Nhất Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Tessalonica 5:5-8 “Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ. Ai ngủ, thì ngủ ban đêm ; ai say sưa, thì say sưa ban đêm. Nhưng chúng ta, chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ”

            Hãy để ánh sáng Chúa hướng dẫn chúng ta ra khỏi bóng tối tội lỗi như trong Thư Thứ II của Thánh Phaolô gửi Corintô 4:2,6 “Trái lại, chúng tôi khước từ những cách hành động ám muội, đáng xấu hổ, và không dùng mưu mô mà xử trí, cũng chẳng xuyên tạc lời Thiên Chúa ; nhưng chúng tôi giãi bày sự thật, và bằng cách đó, chúng tôi để cho lương tâm mọi người phê phán trước mặt Thiên Chúa. Quả thật, xưa Thiên Chúa đã phán: Ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm ! Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Ki-tô.  Gian truân và hy vọng trong công việc tông đồ”

            Hãy trở nên ánh sáng

            Thư Thánh Phaolô gửi Êphêsô 5:8-14a dạy: chúng ta được kêu gọi làm con cái sự sáng. Hãy chiếu sáng cho người chung quanh bằng những hoa trái của việc lành phúc đức

            Phúc Âm Thánh Matthêô hôm nay 5:14-15 dạy: Chúng ta phải là đèn sáng và phải đặt trên bệc cao để dọi ánh sáng cho cả nhà.

            Đi dưới ánh sáng Chúa để thành ánh sáng cho muôn người như trong Phúc Âm Gioan 8:12

Muối mặn và ánh sáng

            Nếu đã gọi là muối thì phải mặn. Cũng như khi nói tới ớt thì phải hiểu ớt cay. Muối mà không mặn hay muối lạt thì không còn được gọi là muối. Vô dụng, đem vất bỏ.

            Cũng vậy, Kitô hữu tức là một Chúa Kitô khác. Cụ thể như người Công Giáo tức Kitô hữu được rửa tội theo giáo hội Rôma. Nếu người đó không phản ảnh trung thực Chúa Kitô hay người đó làm cho người ta hiểu sai về Chúa Kitô, thì trở thành vô dụng cũng như không còn là muối nữa. Chính bản thân mình không là muối, chính bản thân mình hư hỏng thì làm sao ướp mặn cho đời.

            Nếu đã là ánh sáng thị phải sáng. Cũng như đèn sáng mang ánh sáng cho người trong nhà, hay như mặt trời chiếu sáng cho trần gian.

            Kitô hữu không chỉ mang danh hay bản chất là Kitô trong người nhưng còn phải thành gương sáng cho người chung quanh. Nhờ ánh sánh của đèn, người ta khống vấp ngã. Nhờ ánh sáng mặt trời, vạn vật sinh sống và người ta thấy đường đi nước bước. Kitô hữu phải nếu gương sáng cho người chung quanh bằng như hoa trái thánh thiện và việc làm bác ái.

III. Thực hành P.Â.

            Muối cần thiết, hữu dụng nhưng rẻ rề

            Muối thật cần thiết cho đời sống hàng ngày, từ việc nấu ăn cho đến nông nghiệp, từ khoa học cho đến y tế. Ở Canada, mùa đông, người ta rất cần muối để làm tan băng tuyết trơn trượt mang an toàn cho người đi bộ và cho xe cộ giao thông. ..

 Nhưng dường như ít có ai than phiền về giá muối cao hay nói đúng hơn ai cũng cho nó “rẻ rề!”, hay có những so sánh rẻ như muối! Muối rẻ vì tiến trình làm nên muối không khó khăn và tốn kém: Người ta gom nước biển vào  ruộng muối, để trời nắng bốc hơi và có muối. Không ai trả tiền vì mua nước biển cả. Lý do nữa: Muối rẻ vì người ta có thể tìm thấy muối ở mọi nơi: từ ngũ cốc, từ lòng đất, từ khoán sản…

            Kitô hữu thật cần thiết cho đời, thật hữu dụng, nhưng phải “rẻ giá!”

            Rẻ giá không có nghĩa là vô dụng, là đồ bỏ hay thứ hàng đem bán đổ bán tháo. Nhưng rẻ giá vì không ai phải trả tiền cho mình thành Kitô hữu cả và chúng ta cũng không đòi ai trả tiền hay trả công cho chúng ta vì chúng ta đọc kinh, đi lễ hay làm việc từ thiện bác ái.

            Sáu mươi địa phận Công Giáo ở Canada đều có qui định tiền phải trả khi cử hành lễ hôn phối hay đám xác trong nhà thờ. Nhưng không địa phận nào được quyền qui định số tiền phải trả khi rửa tội cả. Rửa tội để thành Kitô hữu, để nhập vào gia đình Giáo Hội, không ai phải mất tiền trả để thành con Chúa hay thành giáo dân của một giáo xứ.  Sẽ rất là sai khi có vài giáo xứ nói về tiền đèn nến hay công khó linh mục hay người phụ giúp bê thau nước trong nghi thức rửa tội và đòi tiền hay mong người ta trả tiền.

            Muối mặn có mọi nơi. Bản chất Kitô hữu có nơi Kitô hữu. Chúa Kitô có ngay trong con người chúng ta. Chúng ta không phải tốn tiền mua cái mà chúng ta đang có, cũng nhưng không thể đòi người khác trả cái mà họ có quyền có, thí dụ quyền được rửa tội hay quyền làm con Chúa.

            Một lần tôi tham dự một khoá bồi dưỡng về đại kết, người ta kể chuyện vui về đại diện các hệ phái đối diện trước một đám tang. Người chết nằm chờ một tang lễ tôn giáo và đem chôn. Người chết nghèo đến nỗi chết vì đói. Thân nhân cũng không có tiền để tẩm liệm hay chốn cất. Nhà quàn mời đại diện các tôn giáo đến để xem coi ai sẵn sàng chôn người chết nghèo nầy miễn phí? Linh mục công giáo, linh mục Chính Thống Giáo, Mục Sư Anh Giáo, Mục Sư Tin lành … của vài giáo phái khác đều theo qui chế Giáo Hội của mình: Phải lấy $300, trong đó $150 vô nhà thờ và $150 tiền cho linh mục hay mục sư. Người nghèo, chết vì nghèo đói, không có tiền, nên các linh mục và mục sư đều rút lui từ từ và tự bảo: Thôi để kẻ chết chôn kẻ chết! Nghèo quá làm sao cho vô nhà thờ được. Nhà thờ cũng phải trả điện sưởi chứ! Tình trạng kéo dài đi đến bế tắc.

            Nhưng sau cùng, chuyện lạ xảy ra: Sau khi mọi người đã rút lui, Chúa Giêsu âm thầm từ cây Thánh giá tuột xuống, ôm lấy người chết nghèo, đem đi chôn vào huyệt đá mà người ta dành sẵn cho Ngài. Ngài lăn tảng đá lắp cửa mộ và trở lại tiếp tục treo thân mình trên thánh giá và thều thào: Ơn cứu độ miễn phí!

            Phục vụ như bản chất Kitô hữu là muối mặn. Khi được  trả công, bản chất Kitô hữu ít mặn hơn. Thợ đáng ăn lương! tuy nhiên thù lao hay thích thù lao sẽ làm cho giá trị hy sinh thành kém giá và muối Kitô hữu nơi chúng ta bớt mặn đi.
Lm. Phê-rô TRẦN THẾ TUYÊN – Gp. Cần Thơ


Muối và ánh sáng
Sau một thời gian dài học hỏi và tu luyện, người học trò mới cất tiếng hỏi thầy mình:
- Thưa thầy, đâu là sự khác biệt giữa kiến thức và giác ngộ?
Thầy mỉm cười và ôn tồn giải thích:
- Khi có kiến thức, giống như con có “ánh sáng” soi đường con đi. Nhưng khi con giác ngộ, chính con sẽ trở thành “ánh sáng” soi đường cho người khác.
Bạn thân mến!
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng mời gọi ta trở nên “Ánh Sáng và Muối Đất”. Đó cũng là lệnh truyền cấp bách mà Chúa Giêsu gởi đến mỗi người chúng ta hôm nay.
“Chính anh em là muối cho đời”. (Mt. 5,13) Muối là một sản phẩm không thể thiếu trong đời sống con người. Muối vừa làm phân bón cho đất đai màu mỡ; vừa làm gia vị cho các món ăn thêm thơm ngon đậm đà; vừa bảo quản thực phẩm cho khỏi hư thối. Khi muối muốn ướp cho “mặn đời”, muối phải biết chấp nhận hòa tan, phải biết “mất đi” cho chính mình để hoá thân trong chất mặn, để hiến dâng cho đời hương vị thơm ngon, mặn nồng của quảng đại, của yêu thương và tha thứ …
“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”(Mt.5:13). Đây là lời mời gọi tuyệt vời dành cho người Kitô, bởi lẽ chỉ Thiên Chúa mới là Ánh Sáng (1Ga.1:5). Chỉ Đức Giêsu mới dám nhận mình là Ánh Sáng (Ga.8:12). Vậy ta muốn trở thành ánh sáng như Đức Giêsu, ta phải ở gần Ngài: gần đèn thì ta được toả sáng.
Ánh sáng không thiên vị một ai, không thích người này và cũng không chê người kia. Ánh sáng của mặt trời lan tỏa khắp nơi, chiếu sáng mọi người và mọi nhà. Ánh sáng của người Kitô cũng vậy,“ánh sáng của anh em phải ở trên cao, vượt trên mọi danh vọng, tiền tài, lạc thú. Không phải để khoe khoang, tự kiêu, nhưng là để tôn vinh Cha, Đấng ngự trên trời” (Mt.5:16).
Ánh sáng của cây nến tuy nhỏ bé nhưng cũng đủ toả sáng cả một căn phòng, làm cho bóng tối phải lùi bước. Một khi ánh sáng của ngọn nến bừng lên, đó cũng là lúc ngọn nến bị đốt cháy, bị tan biến đi. Người Kitô cũng vậy, phải mất đi cho chính mình, phải tan biến đi để “Ánh Sáng Chúa Kitô“ được loan toả khắp nơi, khắp mọi nhà, khắp mọi tâm hồn.
Khi bị đốt cháy, ngọn nến nhận sức nóng từ ngọn lửa và cho đi ánh sáng. Người Kitô trong thế giới hôm nay cũng phải giống như vậy. Nhưng trong suy tư thinh lặng, tôi tự hỏi lòng mình: “Tôi đang nhận điều gì trong cuộc sống hôm nay? Và tôi sẽ cho đi những gì cho người anh em xung quanh tôi?”
***
Vì tôi là muối nhạt nên thế giới này vô vị.
Vì tôi là đèn hết dầu, nên thế giới còn nhiều bóng tối.
Thế giới này sẽ mang bộ mặt mới nếu tôi thực thi lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay: “Anh em là muối cho đời …Anh em là ánh sáng cho trần gian ”.
Lạy Chúa Giêsu!
Xin giúp con lắng nghe tiếng Chúa
và nỗ lực thực thi Lời Ngài trong cuộc sống của con hôm nay. Amen!
(Tổng hợp từ R.Veritas)

Lectio Divina: Chúa Nhật V Thường Niên (A)
Chúa Nhật, 9 Tháng 2, 2014
Muối đất và sự sáng thế gian
Lắng nghe Lời Chúa Giêsu,
Bắt đầu với kinh nghiệm ngày hôm nay
Mt 5:13-16

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lạicho họ.

Xin Chúa hãy tạo ra trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để chúng con, cũng giống như hai môn đệ từ Emmau, có thể cảm nghiệm được sức mạnh của sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho người khác rằng Chúa đang thực sự sống hiện hữu giữa chúng con như căn bản của tình huynh đệ, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.  Bài Đọc

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc về cả hai dụ ngôn:

Nếu chúng ta đã có dịp đọc đoạn Tin Mừng Mt 5:1-12 và suy gẫm về bài Tám Mối Phúc Thật, phần mở đầu cho Bài Giảng Trên Núi và mô tả tám cánh cửa để được vào Nước Trời, qua đời sống trong cộng đoàn (Mt 5:1-12).  Chúa Nhật tuần này chúng ta suy gẫm phần tiếp theo (Mt 5:13-16) trong đó nói về hai dụ ngôn nổi tiếng, về ánh sáng và về muối, mà Chúa Giêsu gọi là sứ vụ của cộng đoàn.  Cộng đoàn phải là muối cho đất và là ánh sáng cho thế gian.  Muối không hiện hữu cho chính nó, mà là để thêm hương vị cho thức ăn.  Ánh sáng không tồn tại trong chính nó, mà là để chiếu sáng đường đi.  Chúng ta, cộng đoàn chúng ta, không tồn tại cho chính chúng ta, mà là cho tha nhân và cho Thiên Chúa.
Hầu như những khi Đức Giêsu muốn truyền lại một thông điệp quan trọng, Người thường dùng một dụ ngôn hay một sự so sánh, trích ra từ đời sống hằng ngày.  Nói chung, Người không giải nghĩa dụ ngôn, bởi vì đó là một vấn đề về những việc mà tất cả chúng ta đều biết từ kinh nghiệm bản thân.  Dụ ngôn là một lời nói khích, Chúa Giêsu khích động những người đang nghe xử dụng kinh nghiệm của riêng cá nhân mỗi người để hiểu được thông điệp mà Người muốn truyền đạt.  Trong trường hợp của bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này, Chúa Giêsu muốn mỗi người chúng ta phân tích kinh nghiệm của mình về muối và ánh sáng để hiểu được sứ vụ của mình là những Kitô hữu.  Trong thế giới này, có ai mà không biết muối là gì và ánh sáng là gì không?  Chúa Giêsu đã bắt đầu với hai điều rất thông dụng và phổ biến để truyền đạt sứ điệp của Người.    
   
b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Mt 5:13:  Dụ ngôn về muối     
Mt 5:14-15:  Dụ ngôn về ánh sáng       
Mt 5:16:  Áp dụng dụ ngôn ánh sáng  
   
c)  Phúc Âm:

13  Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:  “Các con là muối đất.  Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại?  Muối đó không còn xử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó.  14 Các con là sự sáng thế gian.  Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được.  15 Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng; nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà.  16 Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời.”

3.  Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng

Để Lời của Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

i)  Điều nào trong bài Tin Mừng này đánh động bạn nhất?  Tại sao?    
ii)  Việc đầu tiên, trước khi cố gắng để hiểu được ý nghĩa của Lời Chúa Giêsu về muối đất, bạn hãy cố gắng suy gẫm trong lòng về kinh nghiệm mà bạn có với muối trong đời sống của mình và hãy cố gắng khám phá ra điều này:  “Theo tôi, muối có những công dụng gì?
iii)  Rồi bắt đầu từ kinh nghiệm bản thân liên quan đến muối này, bạn hãy cố gắng khám phá ra ý nghĩa lời của Chúa Giêsu cho đời sống của bạn và đời sống của cộng đoàn, của Giáo Hội.  Tôi có phải là muối chưa?  Cộng đoàn chúng ta có đang là muối không?  Giáo Hội có đang là muối không?
iv)  Đối với bạn, ánh sáng có ý nghĩa gì trong đời sống của mình?  Bạn có kinh nghiệm gì về ánh sáng không?    
v)  Ý nghĩa nào của dụ ngôn về ánh sáng, bắt đầu từ việc áp dụng, mà chính Chúa Giêsu đã thực hành trong dụ ngôn?   

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu vào chủ đề

a)  Bối cảnh bài giảng của Chúa Giêsu:

Bối cảnh văn học.  Bốn câu Tin Mừng của Chúa Nhật tuần này (Mt 5:13-16) được tìm thấy trong bài giảng Tám Mối Phúc Thật (Mt 5:1-12) và lời giải thích về Lề Luật truyền từ đời ông Môisen nên được hiểu như thế nào (Mt 5:17-19).  Sau đó, tiếp theo là đoạn Chúa Giêsu giảng dạy các điều răn của Lề Luật Thiên Chúa (Mt 5:20-48).  Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta lưu ý đến mục đích của Lề Luật mà theo Người trong đó có những lời như:  “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha Trên Trời của các con là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).  Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta noi gương Thiên Chúa!  Khởi đầu cho việc giảng dạy mới này của Chúa Giêsu được tìm thấy một kinh nghiệm mới rằng Đức Chúa Cha là cha của Người. Tuân giữ Lề Luật Chúa theo cách này, chúng ta sẽ trở nên Muối cho đất và Ánh Sáng cho thế gian.  

Bối cảnh lịch sử.  Nhiều người Do Thái cải đạo vẫn tiếp tục trung thành trong việc tuân giữ lề luật, giống như những gì họ đã làm trong thời thơ ấu của họ.  Nhưng bây giờ, họ đã chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, và, đồng thời, cũng trung thành với những giáo huấn nhận được từ cha ông họ và các thày cả Do-thái, họ đang lìa bỏ quá khứ người Do Thái của họ, họ đã bị trục xuất ra khỏi các Hội Đường, khỏi những giáo huấn cổ xưa và thậm chí còn bị chính cha mẹ họ từ bỏ (Mt 10:21-22).  Và trong cộng đoàn Kitô hữu của họ, họ đã nghe thấy những người ngoại mới tòng giáo nói rằng Lề Luật của ông Môisen thuộc về quá khứ và không cần phải tuân giữ các luật ấy nữa.  Họ bị đứng trước hai ngã đường.  Một mặt, những thày dạy xưa và những người quen, đã xa lánh họ.  Mặt khác, những người bạn mới chỉ trích họ.  Tất cả các điều này tạo ra căng thẳng và bất an trong họ.  Một số người thiên về sự cởi mở chỉ trích sự khép kín của những người khác và ngược lại.  Cuộc xung đột này đã đem đến một cuộc khủng hoảng đã dẫn đến việc họ sống khép kín
trong vị thế của họ.  Có người đã muốn tiến tới, có người lại muốn đốt đèn rồi dấu dưới gầm bàn.  Có nhiều người tự hỏi:  “Nhưng một cách dứt khoát, đâu là sứ vụ của chúng tôi?”  Những bài dụ ngôn về muối và ánh sáng giúp chúng ta suy niệm về sứ vụ.

b)  Lời bình giải về đoạn Phúc Âm:

Mt 5:13:  Dụ ngôn muối đất
Dùng các hình ảnh của đời sống thường nhật, với những lời đơn giản và trực tiếp, Chúa Giêsu cho biết đâu là sứ vụ và lý do hiện hữu của Cộng Đoàn:  Hãy là muối!  Trong thời gian đó, bởi vì trời nóng, người ta và súc vật cần phải ăn nhiều muối.  Muối được phân phối bằng những tảng lớn bởi những nhà cung cấp và những tảng muối này được đặt ở quảng trường công cộng để người dân tiêu thụ.  Muối vụn còn sót lại rơi vãi trên mặt đất, không còn có thể dùng được vào việc gì và bị mọi người dẫm đạp lên.  Chúa Giêsu nhắc lại việc xử dụng này để làm sáng tỏ sứ vụ mà các môn đệ phải thi hành.  Nếu không có muối không ai có thể sống, nhưng những gì còn sót lại của muối thì không thể dùng được vào việc gì.

Mt 5:14-16:  Dụ ngôn Ánh sáng
Sự so sánh thật hiển nhiên.   Không ai thắp một ngọn nến rồi để nó ở dưới đáy thùng.  Một thành phố trên một đỉnh núi không thể che giấu được.  Cộng đoàn phải là ánh sáng, phải chiếu soi.  Ánh sáng không nên sợ cho thấy điều tốt lành mà nó đã làm.  Nó không làm như thế để được trông thấy, nhưng điều gì nó làm có thể nhìn thấy và nên được nhìn thấy.  Muối không tồn tại cho chính nó.  Ánh sáng không tồn tại cho chính nó.  Đây là phương cách một cộng đoàn cần phải nhớ:  cộng đoàn không thể tự sống khép kín trong chính nó.  

c)  Để mở rộng nhãn quan về các Mối Phúc Thật:

I.  Các dụ ngôn trong bối cảnh của cộng đoàn thời bấy giờ

Trong số những người Do Thái cải đạo có hai khuynh hướng.  Một số người đã nghĩ rằng không còn cần phải tuân giữ các Lề Luật của Cựu Ước, bởi vì chúng ta đã được cứu rỗi nhờ lòng tin vào Đức Giêsu chứ không phải nhờ vì tuân giữ Lề Luật Môisen (Rm 3:21-26).  Những người khác nghĩ rằng họ, là người Do Thái, phải tiếp tục tuân giữ Lề Luật Cựu Ước (Cv 15:1-2).  Trong mỗi hai khuynh hướng này đều có một số người cực đoan hơn trong nhóm.  Đứng trước cuộc xung đột này, Mátthêu tìm kiếm một sự cân bằng để đoàn kết cả hai thái cực.  Cộng đoàn phải là nơi mà sự cân bằng này có thể đạt được và là nơi nó có thể tồn tại.  Cộng đoàn phải là trung tâm soi sáng kinh nghiệm sống này và cho mọi người thấy ý nghĩa đích thực và mục tiêu của Lề Luật Thiên Chúa.  Các cộng đoàn không thể đi ngược lại Lề Luật, cũng không thể sống khép kín tự tách biệt họ trong việc tuân giữ lề luật.  Noi gương Chúa Giêsu, họ phải dẫn đầu và cho thấy mục tiêu của lề luật muốn đạt được trong thực hành, đó là việc thực thi tình yêu hoàn hảo.  Sống theo đường lối này họ phải là:  “Muối của Đất và Ánh sáng của Thế Gian”.

II.  Các khuynh hướng khác nhau trong các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi

-  Các người Biệt Phái đã không nhận ra Đấng Mêssia trong con người của Chúa Giêsu và chỉ chấp nhận Cựu Ước.  Trong cộng đoàn, đã có những người thông cảm với tâm lý của nhóm người Biệt Phái (Cv 15:5).
-  Một số người Do Thái cải đạo đã chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Mêssia, nhưng họ không chấp nhận các cộng đoàn sống với sự tự do của Chúa Thánh Thần trong sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh (Cv 15:1).
-  Những người khác, cho dù là người Do Thái cải đạo hay người ngoại, đã nghĩ rằng Cựu Ước đã được kết thúc cùng với Chúa Giêsu và vì thế không còn cần thiết phải duy trì và đọc các sách Cựu Ước nữa.  Từ bây giờ, chỉ có Chúa Giêsu và đời sống trong Chúa Thánh Thần!  Ông Gioan chỉ trích xu hướng này (Cv 15:21).
-  Có những Kitô hữu sống cuộc sống của họ trong cộng đoàn trong sự hoàn toàn tự do của Chúa Thánh Linh cho rằng họ không còn phải sống theo đời sống của Chúa Giêsu hoặc theo đời sống Cựu Ước.  Họ chỉ muốn có Đức Kitô của Chúa Thánh Thần!  Họ nói rằng:  “Chúa Giêsu bị nguyền rủa!”  (1Cr 12:3).
-  Mối quan tâm lớn trong Tin Mừng Mátthêu cho thấy ba điều đồng nhất này rằng:  (1) Cựu Ước, (2) Chúa Giêsu Nagiarét và (3) đời sống trong Chúa Thánh Thần, không thể tách rời.  Cả ba là một phần của cùng một chương trình và duy nhất của Thiên Chúa và truyền đạt đến chúng ta điều tâm điểm chắc chắn của đức tin:  Thiên Chúa của Abraham và Sara hiện hữu trong cộng đoàn nhờ đức tin vào Chúa Giêsu Nagiarét.  

6.  Cầu Nguyện:  Thánh Vịnh 27: 

Đức Chúa là nguồn ánh sáng của tôi
CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,        
tôi còn sợ người nào?
CHÚA là thành lũy bảo vệ đời tôi,
tôi khiếp gì ai nữa?
Khi ác nhân xông vào, định nuốt sống thân tôi,
ai ngờ chính đối phương, chính những thù địch ấy,
lại lảo đảo té nhào.

Dù cả một đạo quân vây đánh, lòng tôi chẳng sợ gì.
Dù có phải lâm vào chiến trận, tôi vẫn cứ cậy tin.

Một điều tôi kiếm tôi xin,
là luôn được ở trong đền CHÚA tôi
mọi ngày trong suốt cuộc đời,
để chiêm ngưỡng CHÚA tuyệt vời cao sang,
ngắm xem thánh điện huy hoàng.

Ngày tôi gặp tai ương hoạn nạn,
Người che chở tôi trong lều thánh,
đem giấu tôi thật kín trong nhà,
đặt an toàn trên tảng đá cao.
Nên giờ đây tôi ngẩng đầu đắc ý,
nhìn quân thù vây bủa chung quanh.
Tôi sẽ dâng lễ tế trong thánh điện,
lễ tạ ơn, nhã nhạc vang lừng,
tôi sẽ đàn ca mừng kính CHÚA.

Lạy CHÚA, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu,
xin thương tình đáp lại.
Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan.
Lạy CHÚA, con tìm thánh nhan Ngài,
xin Ngài đừng ẩn mặt.
Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy,
chính Ngài là Đấng phù trợ con.
Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi,
lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con.
Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa,
thì hãy còn có CHÚA đón nhận con.

Xin dạy con đường nẻo Ngài, lạy CHÚA,
dẫn con đi trên lối phẳng phiu,
vì có những người đang rình rập.
Xin đừng phó mặc con cho kẻ thù hung hãn,
vì lũ chứng gian đứng dậy tố con,
giương bộ mặt hằm hằm sát khí.

Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy ân lộc CHÚA ban trong cõi đất dành cho kẻ sống.
Hãy cậy trông vào CHÚA, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!
Hãy cậy trông vào CHÚA.

7.  Lời nguyện kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa vì những Lời của Chúa đã trao ban để giúp chúng con có thể hiểu cặn kẽ hơn Thánh ý của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng cho những việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để chúng con có thể thực thi những Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Chúng con nguyện xin được giống như Đức Maria, mẹ Người, không những chỉ lắng nghe mà còn thưc hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.


Ngày 9-2-2014: NHIỆM VỤ CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (Mt 5,13-16 – CN V TN - A)
Các môn đệ Đức Giêsu phải là một điểm quy chiếu và là ánh sáng, làm cho mỗi sự vật xuất hiện ra trong bộ mặt thật của nó và trong giá trị thật của nó.

Lm FX Vũ Phan Long, ofm

1.- 
Ngữ cảnh
Bản văn đọc hôm nay nằm trong Bài Giảng trên núi (ch. 5–7) và nói đến sứ mạng của người môn đệ “trong thế gian”. Bản văn được trực tiếp kết nối với các “Mối Phúc” (5,3-12). Các câu 11-12 nói về bách hại chỉ là những câu nhắc lại c. 10 và chuyển tiếp. Nhưng cụm từ “phúc thay anh em” cho phép ta móc với từ “anh em” ở c. 13. Những người nhận bản văn này không phải là một hạng tín hữu đặc biệt, nhưng là các môn đệ đã được nói đến ở đầu chương (5,1) và được ngỏ lời trực tiếp ở cc. 11-12. Cộng đoàn Kitô hữu được nhắc nhớ đến bổn phận truyền giáo.

2.- Bố cục
Bản văn có thể chia làm hai phần:
1) Môn đệ Đức Giêsu là “muối cho đời” (5,13);
2) Môn đệ Đức Giêsu là “ánh sáng cho trần gian” (5,14-16).

3.- Vài điểm chú giải
- anh em là (13): Đức Giêsu nói trực tiếp với các môn đệ Người, để xác định sứ mạng của họ. Đây không phải là một gợi ý về một chiều hướng nên theo, nhưng là một khẳng định về tư cách, ơn gọi. Cũng có thể thấy cụm từ này có liên với Xh 19,6 (“Còn các ngươi, các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế cho Ta và một dân tộc thánh”). Như Đức Chúa (Yhwh) đã chọn dân Ngài giữa các dân nước và xác định tư cách của họ, Đức Giêsu cũng đã chọn các môn đệ trong loài người và bây giờ xác định sứ mạng cho họ.

- muối cho đời… ánh sáng cho trần gian
 (13.14): dịch sát là “muối của đất ()” và “ánh sáng của thế gian/ trần gian (kosmos)”. Vì “đất” được dùng song song với “trần gian”, nó không có nghĩa là đất bùn, đất bột, đất thịt, nhưng là “trái đất”, tương tự với “trần gian”, “thế gian”. Cả hai từ “đất” và “trần gian” ở đây đều có nghĩa là “toàn thể nhân loại”, tức có mộttầm mức phổ quát.

- để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm
 (16): Dường như câu này mâu thuẫn vớiMt 6,1-18 (nhất là với cc.1-2.5.16)? Thật ra, các bản văn nêu ra hai lý do khác nhau: ở đây lý do là vinh quang của Cha trên trời; trong 6,1-18, lý do là việc chúc tụng ngợi khen cá nhân mà đương sự đi tìm để thỏa mãn tính khoe khoang của mình (x. 6,2-5). Hai bản văn cũng nói đến hai cách thức xử sự khác nhau: ở đây, người môn đệ chỉ đơn giản tỏ mình ra là môn đệ của Đức Kitô, là Kitô hữu; còn ở 6,1-18, Đức Giêsu kết án sự khoe khoang người ta tỏ ra để lôi kéo sự chú ý của người khác.

4.- Ý nghĩa của bản văn
Mối Phúc cuối cùng liên hệ đến những người bị bách hại vì sống công chính (5,10). Chính Mối Phúc này được Đức Giêsu lấy lại mà ngỏ trực tiếp với các môn đệ, là những người đang ở ngay bên Người, và với đám đông đang nghe Người (5,1): “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (5,11). Đức Giêsu đã loan báo  cho các môn đệ biết ngay từ đầu phản ứng tiêu cực của môi trường, nếu họ sống trung thành với Người, nếu họ tìm sự công chính và quy hướng lối sống của họ theo chương trình của Người. Họ phải trả lời thế nào? Ai cũng coi trọng việc mình được chấp nhận và nhìn nhận. Phải chăng các môn đệ phải thích nghi với môi trường của họ, để được môi trường chấp nhận? Phải chăng họ phải giới hạn quan hệ với một vòng những người có cùng những ý tưởng như nhau, để khỏi gây mâu thuẫn? Cho họ cũng như cho tất cả các Kitô hữu, hôm nay còn đang thường xuyên bị cám dỗ từ chối chân tính của mình và tìm thích nghi, hoặc bị cám dỗ rút lui vào đàng sau cánh cửa, Đức Giêsu giao cho nhiệm vụ làm muối cho đời và ánh sáng cho trần gian. Nhờ đó, cho dù họ có bị sỉ nhục (5,11), họ vẫn đưa được người ta đến chỗ tôn vinh Chúa Cha trên trời (5,16).

* Môn đệ Đức Giêsu là “muối cho đời” (13)

Khi khẳng định rằng các môn đệ là “muối cho đời”, Đức Giêsu cho hiểu các môn đệ có sứ mạng truyền giáo. Do ơn gọi, họ phải đóng một chức năng đối với những người khác tương tự muối đối với các thức ăn (giữ cho khỏi hư thối, làm cho thêm hương vị). Không có muối, thức ăn bị hư thối; không có người Kitô hữu, xã hội thiếu mất một sức mạnh thiêng liêng và luân lý có khả năng gìn giữ xã hội khỏi những sự dữ đang muốn xâm nhập vào. Do đó, sự hiện diện của người Kitô hữu không phải là không đáng kể hoặc có hay không cũng vậy. Giống như muối, sự hiện diện của Kitô hữu không thể thay thế. Không ai có thể đứng vào vị trí của họ nếu họ bị suy yếu đi. Tác giả lưu ý và răn đe các Kitô hữu coi chừng kẻo mình trở nên nhạt nhẽo đi. Họ cũng sẽ như muối, khi đã nhạt thì chỉ còn đáng loại bỏ (x. 5,22.29).

* Môn đệ Đức Giêsu là “ánh sáng cho trần gian” (14-16)
          
Hình ảnh ánh sáng (cc. 14-15) là hình ảnh của Kinh Thánh (x. Xh 3,2; Is 60,19; Is 42,6). Tác giả Gioan gán cho Đức Giêsu chức năng mà ở đây Mt gán cho các môn đệ. Bóng tối, đêm tối, trong Cựu Ước cũng như Tân Ước, là biểu tượng của các thế lực sự ác (x. Mt8,12; Lc 22,53). Môn đệ Đức Kitô được thông dự vào sự sáng của Thiên Chúa, như Môsê khi xuống núi có mang trên mặt phản ánh vẻ uy hùng của Thiên Chúa (Xh 34,35). Không thể có chuyện Kitô hữu đi qua mà không ai biết; không ai có thể dửng dưng trước ánh huy hoàng thiêng liêng mà Kitô hữu đang tỏa ra. Giống như ánh sáng, Kitô hữu đi vào những nơi sâu thẳm nhất và kín ẩn nhất của trái tim con người và đưa ra ánh sáng những lỗ hổng mà ta gặp trong đó.
          
Lời khẳng định được minh giải bằng hai hình ảnh (c. 15). “Thành xây trên núi” có thể gợi ý đến Giêrusalem thiên sai, là điểm thu hút tất cả các dân tộc (x. Is 2,2-5; 60,1-2.19-20). Các Kitô hữu tháp vào trong  thế gian như một nguồn ánh sáng từ đó mọi người có thể nhận được sự nâng đỡ và định hướng. “Thành xây trên núi” nêu bật  tính khả thị (thấy được), điểm quy chiếu là chính tư cách của Họi Thánh Đức Kitô cho tất cả mọi người. Hình ảnh này được nhắc lại bằng hình ảnh cái đèn đặt trên đế. Căn phòng trong đó gia đình và bạn bè quy tụ lại trở nên sinh động nhờ ánh sáng của đèn. Hai hình ảnh này cũng có thể được áp dụng cho từng người môn đệ. Do ơn gọi, người môn đệ phải thông chia ánh sáng cho người khác. Họ không được thiếu ánh sáng, và càng không được thiếu trách nhiệm vì không tạo được một ảnh hưởng tốt nào trong cộng đoàn. Ánh sáng đây không phải là ánh sáng của các lời nói, cũng chẳng phải là ánh sáng  của chân lý lý thuyết, nhưng là ánh sáng của “các việc tốt”, như Đức Giêsu đã đề cập đến (4,23-25) và đã làm (5,3-11) và sẽ còn nhắc đến (7,23; 25,31-46) trong các diễn từ của Người.

Khi đó người ta nhận ra rằng những ân huệ người môn đệ đang có phát xuất từ Thiên Chúa; họ sẽ chúc tụng ngợi khen Ngài. Điều này không có nghĩa là Thiên Chúa đòi hỏi con người hành động để tán dương Ngài, khi mà ta thấy là hoạt động cứu độ của Đức Kitô chứng tỏ rằng mọi sự là nhắm mưu ích cho những con cái Thiên Chúa “tuyển chọn” (x. Mt5,44-48).

+ Kết luận
          
Từ bản chất của nhiệm vụ được ký thác cho họ, các môn đệ phải là như ánh sáng và muối cho người khác. Bởi vì nhiệm vụ của họ là thúc bách và lôi cuốn, họ phải ở trước mặt người ta, chứ không tránh né. Bởi vì bổn phận của họ là đưa đến một cái hoàn toàn mới, họ phải duy trì chân tính của họ, chứ không được tự đồng hóa với môi trường của họ. Chính các “việc tốt” giúp cho môn đệ sống đúng tư cách muối và ánh sáng.

Đời sống của các môn đệ đi theo các huấn thị của Đức Giêsu được coi như là một nhiệm vụ lớn. Không ai có thể thay thế họ được; họ phải chịu trách nhiệm về sự kiện trần gian nhận được hương vị và trở thành chan hòa ánh sáng. Xuyên qua đời sống họ, họ phải bày tỏ cách thức hiện hữu của Thiên Chúa, họ phải truyền thông niềm vui của các đứa con với Chúa Cha và chinh phục loài người về cho gia đình Ngài.

5.- Gợi ý suy niệm
1. Muối tăng thêm hương vị; muối thấm vào thực phẩm để giữ cho khỏi hư thối. Muối hòa tan ra, và được phân phối trong tất cả khối lương thực. Muối có mặt khắp nơi trong khối lượng thực, nhưng muối vẫn là muối, thì mới giữ được giá trị và tính hữu hiệu của mình. Giống như muối, các môn đệ Đức Giêsu phải hiện diện trong môi trường và liên kết với môi trường. Nhưng họ phải cứ là muối, phải bảo toàn được cách cách thức sống của Cha họ (5,48). Muối không phải là một viên ngọc, một nén bạc phải được cất giữ hoặc đưa ra mà làm cho sinh lãi, nhưng là một chất gia vị. Nó sinh tác dụng khi nó chấp nhận “tự hủy” đi, hòa tan vào thực phẩm. Kitô hữu là muối cho đời, bởi vì người ấy không được kêu gọi đi vào một cuộc sống tách biệt, xa rời những người khác, nhưng bởi vì người ấy biết tan biến mình đi trong đại gia đình nhân loại để hỗ trợ bất cứ ai cần. Hình ảnh muối chống lại mọi thứ tinh thần phân lập (separatism) kiểu Pharisêu và gợi đến dụ ngôn men vui trong bột (13,23). Kitô hữu không những là người của những người khác, mà còn được gọi sống với những người khác, theo chiều hướng của Đức Kitô (bạn của người tội lỗi và thu thuế: 11,19).

2. Hình ảnh của ánh sáng đi song song với hình ảnh muối, vì ánh sáng cũng ảnh hưởng trên cuộc sống của con người. Không có ánh sáng, thì không thể có sự sống; mọi sự chìm vào trong bóng tối và trở nên hỗn độn (x. St 1,1). Như thế, trách nhiệm của người Kitô hữu là không thể lường được. Nếu sự dữ không lui đi, là vì ánh sáng phải đánh đuổi sự dữ đi lại quá yếu hoặc tệ hại hơn nữa, lại tắt mất rồi!

3. Các môn đệ của Đức Giêsu phải đói khát sự công chính, đói khát lối xử sự công chính (5,6), và đó là mối quan tâm đầu tiên của họ. Cách xử sự này là hình thức căn bản qua đó họ làm chứng về Thiên Chúa Cha. Xuyên qua lối xử sự của họ, các môn đệ phải đưa loài người đến chỗ quan tâm, suy nghĩ và tự hỏi, sao cho cuối cùng loài người cũng hòa với  họ trong việc ca ngợi Thiên Chúa. Vậy các môn đệ phải bắt chước cách xử sự của Chúa Cha. Chỉ như thế thì qua lối sống của họ, bản chất của Chúa Cha mới được mạc khải ra và nhận biết. Nhờ những người sống như là con của Ngài, Thiên Chúa muốn được nhìn nhận như là Cha nhân lành và  lôi kéo càng ngày càng nhiều người đến với Ngài.

4. Các môn đệ Đức Giêsu phải là một điểm quy chiếu và là ánh sáng, làm cho mỗi sự vật xuất hiện ra trong bộ mặt thật của nó và trong giá trị thật của nó. Do đó, họ phải ở vào mộtvị trí dễ thấy. Kitô hữu không được quên và càng không được cắt đứt sự thông truyền các ân ban mình đang có cho kẻ khác. Họ không được chạy lung tung để tìm người theo phe mình. Họ cũng không được rút lui vào tình trạng vô danh hoặc náu mình vào trong đám đông. Chỉ khi họ có thể thấy được, chứ không đi trốn hoặc đi ngụy trang, thì nhờ họ, Thiên Chúa mới có thể được nhận biết như là Cha nhân lành. Chỉ có lòng nhân ái, lòng tốt, tình yêu, tinh thần phục vụ mới có thể trở thành ánh sáng cho người khác.


5. Môn đệ Đức Kitô phải là một ngọn đèn đặt trên đế để soi chiếu cho mọi người trong nhà. Ở vào vị trí sao cho người ta thấy được mình thì hoàn toàn khác với việc tìm cách khoe mình (x. 6,1-18) vì những động lực khác. Chúng ta phải cho thấy các việc tốt đã làm không phải để được người ta khen ngợi (6,2), nhưng để cho nhờ ta trung thành sống bản tính con Thiên Chúa trước mắt người khác, Thiên Chúa được khen ngợi (5,16).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét