Trang

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

28-02-2014 : THỨ SÁU TUẦN VII MÙA THƯỜNG NIÊN năm chẵn

28/02/2014
Thứ Sáu sau Chúa Nhật 7 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 5, 9-12
"Kìa quan toà đã đứng trước cửa".
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em đừng kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị lên án. Kìa quan toà đã đứng trước cửa. Anh em hãy học gương kiên nhẫn và chịu đựng trong gian khổ của các tiên tri, là những người đã nói nhân danh Chúa. Ðây chúng ta gọi những người đã kiên nhẫn đau khổ là có phúc. Anh em đã nghe nói đến sự kiên nhẫn của Gióp và đã thấy kết cuộc Chúa dành để cho ông, vì Chúa đầy lòng thương xót và lân mẫn.
Anh em thân mến, trước hết, anh em đừng (có) thề, dầu viện trời, dầu viện đất hay viện một hình (vật gì) khác. Lời nói anh em phải là: Có rằng có, không rằng không, để anh em khỏi bị toà án luận phạt.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 8-9. 11-12.
Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).
Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. - Ðáp.
2) Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. - Ðáp.
3) Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. - Ðáp.
4) Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng ta. - Ðáp.
  
Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 10, 1-12
"Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt xứ Giuđêa và miền bên kia sông Giođan. Dân chúng lại tụ họp bên Người và Người lại dạy dỗ họ như thường lệ. Những người biệt phát đến gần và hỏi thử Người rằng: "Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?" Người đáp: "Môsê đã truyền cho các ông thế nào?" Họ thưa: "Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị". Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: "Chính vì sự cứng lòng của các ông mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vì thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân rẽ".
Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: "Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Mối giây bất khả phân ly
Tin Mừng hôm nay như muốn đưa chúng ta về những trang đầu tiên của lịch sử nhân loại, trong đó Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ để họ chung sống với nhau trong mối giây bất khả phân ly của đời sống đôi lứa. Có thể nói, đó là gia đình đầu tiên của lịch sử loài người. Chúa Giêsu đã nại đến sự kiện này để giải đáp vấn nạn của người Biệt phái: "Người ta có được phép rẫy vợ không?", và như vậy một cách nào đó, Ngài đã đề cập đến hôn nhân, đến giá trị và đòi hỏi của hôn nhân.
Trước hết, hôn nhân là một sự tự do trao đổi yêu thương giữa người nam và người nữ, một sự cam kết sống chung suốt đời. Chiếc nhẫn mà họ trao cho nhau trong ngày cưới là dấu chứng tình yêu, và từ ngày đó mọi hành vi đi ngược với lời cam kết đều bị coi là ngoại tình, bởi vì hôn nhân là do Thiên Chúa thiết lập và con người không thể phân ly những gì Ngài đã kết hợp.
Hôn nhân còn là một cộng đồng kết hợp hai tâm hồn và được xây dựng trên nền tảng tình yêu. Hôn nhân là giây tình yêu liên kết hai người phối ngẫu, và tình yêu này phản chiếu tình yêu thần diệu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Thánh Phaolô đã ân cần nhắc nhở: "Chồng hãy yêu thương vợ như Chúa Kitô yêu mến Giáo Hội và phó nộp mình đi". Trong đời sống hôn nhân, hai người nương tựa vào nhau, bổ túc và tài bồi lẫn nhau. Thiên Chúa thấy người nam ở một mình không tốt, Ngài đã dựng nên cho nó một người nữ, rút từ cạnh sườn người nam, và người nam sẽ bỏ cha mẹ để nên một với vợ mình, đó là hình ảnh của một tình yêu kết hợp. Nhờ tình yêu kết hợp trong hôn nhân, người nam và người nữ sẵn sàng chấp nhận việc sinh dưỡng và giáo dục con cái thành những đứa con ngoan của Thiên Chúa, của Giáo Hội, của gia đình và xã hội.
Nhưng một cuộc hôn nhân chỉ thành công khi người nam và người nữ thực tình yêu nhau, có sức hiến thân cho nhau, sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách mà hoàn cảnh đè nặng trên con người, trong tâm tình chúc tụng tạ ơn. Thật vậy, việc cam kết trước bàn thờ là một lời khấn trọng thể, một lời hứa thánh thiêng đặt nền tảng trên tình yêu, tình yêu mà Thánh giá là biểu hiện rõ nét nhất, tình yêu mà Chúa Kitô hiến mình cho Giáo Hội đến cùng mức. Hôn nhân không phải luôn luôn là một khúc tình ca, một cuộc ve vãn suốt đời, nhưng là một cuộc sống chung nhiều khi khó khăn. Do đó chỉ có tình yêu đích thực khi đôi bạn có khả năng và muốn giữ lời gắn bó với nhau cho đến chết. Những hy sinh từ bỏ, sự trung tín qua những thử thách, những lần nhượng bộ, đều là bằng chứng của đức tin và sức mạnh nhận được từ Thánh Thần.
Chính vì những giá trị cao đẹp của hôn nhân như thế, nên thái độ của Chúa Giêsu về vấn đề hôn nhân thật dứt khoát. Ngài xác định lại nền tảng thánh thiêng cũng như tính cách bất khả phân ly của giây hôn phối. Ngài mạnh mẽ lên án tội dâm bôn ngoại tình, cả việc rẫy vợ nữa, trừ phi là nố gian dâm, nhưng điều đó có lẽ không nhằm biện minh cho việc ly dị, mà chỉ là đuổi người vợ bất chính, hoặc là ly thân rồi sau đó không được tái hôn nữa. Như thế, chính nhờ Chúa Giêsu, hôn nhân đã được nâng lên hàng Bí Tích và mặc một sắc thái mới phản ánh vẻ đẹp ban đầu đã bị lu mờ vì tội lỗi nhân loại.
Chúng ta hãy cầu xin cho các gia đình được luôn gắn bó với nhau trong tình yêu thương hợp nhất, để làm chứng cho tình yêu duy nhất và vĩnh cửu của Thiên Chúa.
(Veritas Asia)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 7 TN2
Bài đọc: Jam 5:9-12; Mk 10:1-12.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải kiên nhẫn và trung thành giữ lời hứa.
Càng ngày chúng ta càng chứng kiến những cảnh con người bất trung với Thiên Chúa và phản bội lẫn nhau nhiều hơn: bỏ đạo, không thực hành đạo, hồi tục, ly dị, ly thân, cha mẹ giết con, từ con, con cái giết cha mẹ. Có rất nhiều lý do đưa đến những thảm cảnh này, nhưng hai lý do nổi bật là con người ngày nay không còn biết kính sợ Thiên Chúa và hy sinh chịu đựng đau khổ.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật những lý do đưa tới sự phản bội và những đức tính cần thiết để trung thành với Thiên Chúa và với nhau. Trong bài đọc I, thánh Giacôbê nhấn mạnh tới đức tính kiên nhẫn để chịu đựng đau khổ để có thể sống chung với nhau trong khi chờ đợi Ngày Chúa đến. Chịu đựng đau khổ là phương thức cần thiết để con người chứng tỏ niềm tin yêu của họ dành cho Thiên Chúa và dành cho nhau. Trong Phúc Âm, những người Pharisees muốn thử xem Chúa Giêsu có dạy khác với luật của Moses về vấn đề ly dị. Chúa thẳng thắn trả lời họ Luật không được ly dị là Luật bất khả phân ly của Thiên Chúa ngay từ đầu. Lý do ông Moses cho phép ly dị là vì lòng chai dạ đá của con người, chứ không phải trong ý định của Thiên Chúa. Nếu con người biết kính sợ Thiên Chúa, họ không bao giờ dám làm chuyện này.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì Ngày Chúa quang lâm đã gần tới.
1.1/ Phải chuẩn bị và luyện tập nhân đức: Thánh Giacôbê dùng ví dụ của nhà nông, trong khi chờ đợi mùa gặt hái, họ phải bón phân, tỉa cành, giết sâu bọ, để cây có thể cho nhiều trái và hoa quả tốt tươi. Con người cũng thế, họ không chỉ kiên nhẫn chờ đợi Ngày Chúa đến, nhưng còn phải kiên trì cầu nguyện và tập luyện các nhân đức cần thiết. Thánh Giacôbê liệt kê những điều cần thiết phải làm:
(1) Phải ăn ở thuận hòa: Con người thường có thói quen lấy mình làm tiêu chuẩn để phán xét tha nhân, dù nhiều khi rất thiển cận và bất công. Cách tốt nhất để giúp con người ăn ở thuận hòa là đừng bao giờ phán xét người khác khi không có trách nhiệm, để rồi sẽ không bị phán xét bởi Thiên Chúa; vì chúng ta đong đấu nào cho tha nhân, Thiên Chúa sẽ dùng đấu ấy mà xét xử chúng ta. Ngài khuyên các tín hữu: "Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa."
(2) Noi gương các ngôn sứ: "Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa." Các ngôn sứ không sợ chấp nhận hậu quả của việc nói sự thật, các ngài sẵn sàng chấp nhận sự ghét bỏ và truy tố của con người. Hơn nữa, con người không dễ thay đổi, các ngài phải kiên nhẫn chờ đợi để thay đổi và giúp con người làm hòa với Thiên Chúa.
1.2/ Mục đích của đau khổ: Tác giả nhắc lại câu truyện ông Job. Thiên Chúa để Satan hành hạ ông mọi cách để xem ông có trung thành tin tưởng và yêu thương Ngài không. Ông Job đã chiến thắng mưu kế của Satan và trung thành với Thiên Chúa. Ngài đã thưởng công cho ông xứng đáng với lòng kiên trì. Hơn nữa, theo thánh Giacôbê (1:2-4) và Phaolô (Rom 5:3-4), đau khổ còn rèn luyện con người quen chịu đựng để trở nên thập toàn; không gì có thể làm lung lay đức tin của người đã quen chịu đựng đau khổ.
Về việc thề hứa, Giacôbê lặp lại những lời Chúa Giêsu dạy các môn đệ (Mt 5:33-37). Chúa Giêsu có cấm con người không được thề dưới bất cứ hoàn cảnh nào không? Theo văn mạch, Ngài không cấm điều đó, nhưng nhấn mạnh tới việc con người phải nói sự thật: Hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không;" thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỉ mà ra. Vì thế, khi con người nói “có” với Thiên Chúa hay với tha nhân, con người phải giữ lời cho dẫu có phải hy sinh, và ngay cả thiệt hại tới tính mạng. Với một người luôn trung tín với những gì mình nói, thề hứa là chuyện dư thừa. Với những kẻ không trung tín với những gì mình nói, thề hứa cũng là chuyện dư thừa, vì họ nói mà không làm.
2/ Phúc Âm: Vấn đề ly dị
2.1/ Yếu đuối của con người: Có mấy người Pharisees đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?" Họ hỏi thế là để thử Người.
(1) Luật của Moses: Chúa Giêsu hỏi: "Thế ông Moses đã truyền dạy các ông điều gì?" Họ trả lời: "Ông Moses đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ." Đức Giêsu nói rõ lý do có luật này của Moses:: "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Moses mới viết điều răn đó cho các ông.''
(2) Tại sao Giáo Hội cho phép ly dị, nếu đó là Luật Thiên Chúa? Chúng ta cần phân biệt hai điều: Thứ nhất, lý tưởng mà Thiên Chúa muốn con người đạt tới. Lý tưởng này không bao giờ thay đổi; và thực tế cũng chứng minh nhiều người đã đạt tới lý tưởng này. Nhiều cặp vợ chồng đã trung thành với nhau đến khi chết, dù phải trải qua bao gian khổ. Thứ hai, yếu đuối và tội lỗi làm con người không đạt tới lý tưởng của Thiên Chúa. Khi con người không đạt được lý tưởng, không có nghĩa là lý tưởng của Thiên Chúa muốn không thể thực hiện được, hay Lề Luật của Thiên Chúa sai; nhưng con người phải khiêm nhường thống hối vì yếu đuối tội lỗi của mình. Hội Thánh gỡ dây hôn phối là vì những tội lỗi, yếu đuối, và cứng lòng của con người.
2.2/ Những lý do để Giáo Hội dùng tháo gỡ dây Hôn Phối: Có nhiều lý do để gỡ; một cách tổng quát là con người không chịu học hỏi hay coi thường Bí-tích Hôn Phối như:
- Cha mẹ ép buộc con cái phải lấy người chúng không muốn, vì cha mẹ tham quyền cao, chức trọng, hay lợi nhuận vật chất. Trường hợp này, con cái thiếu tự do để kết hôn.
- Con người kết hôn bừa bãi: Đa số trường hợp Giáo Hội giải quyết là trường hợp "lack of form," có nghĩa: không kết hôn theo Lề Luật của Giáo Hội; vì thế, không thành Bí-tích. Chẳng hạn, làm hôn thú giả vì muốn xuất ngoại, vì tham tiền, hay vì bất cứ lý do nào khác.
- Vợ chồng không chịu tìm hiểu nhau kỹ lưỡng trước khi kết hôn: Lấy người đã có gia đình, lấy người bị ngăn trở không được kết hôn, lấy người không cùng tôn giáo.
- Vợ chồng không sống đức tin và không chịu lãnh nhận ơn thánh từ các bí-tích: Làm sao có khôn ngoan, sức mạnh để vượt qua khó khăn trong cuộc sống?
- Con người không có sức chịu đau khổ: Trường hợp của những người bị người phối ngẫu ly dị. Với ơn thánh, con người có thể vượt qua sự cô đơn và những đòi hỏi của thân xác.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đau khổ không thể thiếu trong cuộc đời, vì chúng là phương tiện để chúng ta chứng tỏ niềm tin yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân.
- Khi Thiên Chúa truyền chúng ta làm điều gì, Ngài biết chúng ta có khả năng làm chuyện đó. Chúng ta cần phải tin tưởng và làm theo những gì Chúa dạy, tập luyện để sống nhân đức, và tận dụng các ơn thánh Thiên Chúa ban qua các bí-tích.
- Nếu chúng ta trung thành với Thiên Chúa, Ngài sẽ trung thành với chúng ta; nhưng nếu chúng ta phản bội Ngài, Ngài cũng sẽ không nhận chúng ta trong Ngày sau hết.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

HẠT GIỐNG NẢY MẦM
Mc 10,1-12


A. Hạt giống...
Những người biệt phái phỏng vấn Chúa Giêsu về vấn đề li dị.
Ngay trong giới biệt phái cũng có hai lập trường ngược nhau về vấn đề này : lập trường dễ dãi (đứng đầu là Rabbi Hillel) cho phép li dị vì những cớ rất tầm thường ; lập trường khắt khe (đứng đầu là Rabbi Shammað) chỉ cho li dị trong trường hợp ngoại tình. Tuy khác nhau, nhưng hai lập trường này có điểm chung là cho phép li dị.
Còn lập trường của Chúa Giêsu là tuyệt đối không được li dị : "Điều gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân li".
Nhân dịp này, Chúa Giêsu còn dạy cách sống đời hôn nhân : phải yêu thương nhau ("luyến ái") và đồng tâm nhất trí ("nên một huyết nhục") với nhau.

B.... nẩy mầm.
1. Tình trạng li dị ngày càng gia tăng là biểu hiện của những tật xấu căn bản hơn của người thời nay, đó là không trung thành và hay thay đổi, sống theo sở thích hơn là theo trách nhiệm. Tình trạng li dị cũng cho ta hiểu rằng sống thủy chung với một tình yêu là điều rất khó.
Lạy Chúa, mới ngày nào con còn cảm thấy rất yêu mến Chúa, sao hôm nay lòng con đã bớt nồng nàn, và không biết mai ngày sẽ ra thế nào nữa ! Phần Chúa thì muôn đời vẫn một mực yêu thương con. Xin gìn giữ con mãi mãi trong tình yêu thương của Chúa.
2. Đời sống độc thân của những người dâng mình cho Chúa là một dấu chỉ và một bằng chứng và một sự khích lệ cho những kẻ sống đời hôn nhân :
- dấu chỉ về một tình yêu hoàn toàn không vị kỷ
- bằng chứng rằng trung thành với tình yêu đã cam kết là một điều có thể
- vì là dấu chỉ và bằng chứng nên nó là một sự khích lệ.
Xin cho các Linh mục, tu sĩ sống đời tận hiến của mình một cách vui vẻ và trung thành.
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

28/02/14 THỨ SÁU TUẦN 7 TN
Mc 10,1-12

HÔN NHÂN LINH THÁNH
“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”
(Mc 10,9)
Suy niệm: Chúng ta có thể lấy làm lạ tại sao việc ly dị đã được luật Môsê cho phép (x. Đnl 24,1) mà người Pharisêu còn “hỏi thử” Chúa Giêsu có chấp nhận hay không. Nếu đã cho phép thì cứ theo luật mà thực hành, hà tất phải đặt vấn đề như thế làm chi nữa? Khoa chú giải Thánh Kinh cho biết trong nội bộ phái Pharisêu bấy giờ quả thực đang có tranh cãi kịch liệt về vấn đề này. Phải chăng tự thâm tâm người ta vẫn ray rứt –dù đã có luật cho phép ly dị– khi họ “phân ly những gì Thiên Chúa đã kết hợp”? Chúa Giêsu cho biết hiện trạng của luật Môsê chỉ là một sự nhân nhượng vì họ “lòng chai dạ đá”. Ngài nhắc lại nguyên lý đã có ngay từ đầu: “sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” để dứt khoát xoá bỏ quan điểm mập mờ cũng như lối thực hành du di của luật cũ và quả quyết rằng hôn nhân là thánh thiện và vô cùng cao quý.
Mời Bạn: Xã hội hiện đại có xu hướng phá vỡ những giá trị văn hoá tốt đẹp của gia đình truyền thống: hôn nhân như chiếc bình thuỷ tinh mong manh dễ vỡ. Thực hành lời cam kết trong bí tích hôn nhân: “yêu thương và kính trọng nhau suốt đời” là viên đá góc để các gia đình Kitô hữu tân Phúc-Âm-hoá gia đình mình và để góp phần Phúc-Âm-hoá các gia đình lương dân.
Chia sẻ: Gia đình bạn có khi nào ngồi lại với nhau để trao đổi những khúc mắc trong cuộc sống không?
Sống Lời Chúa: Sắp xếp thời gian để gia đình bạn đọc kinh chung và nhắc nhở nhau thực hành “yêu thương và kính trọng nhau” như lời cam kết.
Cầu nguyện: Đọc kinh Gia Đình (x. tr. 58)

Một xương một thịt 
Hôn nhân không phải là một bản hợp đồng mà hai bên được phép xé bỏ khi muốn. Chung thủy mãi mãi là chuyện khó đối với con người thời nay. 


Suy nim:
“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phép phân ly.”
Lời của Đức Giêsu đã vang vọng qua hai mươi thế kỷ,
và vẫn thường được chọn để in trên thiệp cưới.
Phải chăng người ta ngầm nhắc nhau rằng
ly dị là từ không nên có trong từ điển của các đôi vợ chồng.
Tiếc thay số vụ ly hôn nơi các kitô hữu đã gia tăng đáng kể.
Sống với nhau đến đầu bạc răng long lại trở thành một giấc mơ.
Có mấy người Pharisêu đến hỏi Đức Giêsu về chuyện chồng ly dị vợ.
Đức Giêsu hỏi ngược họ xem ông Môsê đã truyền dạy thế nào (c. 3).
Những người Pharisêu trích sách Đệ Nhị Luật (24, 1)
để cho thấy ông Môsê cho phép viết giấy ly dị và sau đó ly dị (c. 4).
Dĩ nhiên, cho phép không phải là truyền dạy!
Đức Giêsu đã trích sách Sáng Thế (2, 24)
để nhấn mạnh sự hiệp nhất vĩnh viễn giữa đôi vợ chồng.
“Cả hai thành một xương một thịt” không chỉ về mặt thân xác (c. 8),
mà còn trở nên một lòng, một ý, một ước mơ, một hành động.
Ngài khẳng định điều này đã có từ thuở ban đầu (c. 6)
và nằm trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa.
Việc Môsê cho phép ly dị chỉ là một nhượng bộ tạm thời (c. 5).
Đức Giêsu mới là Đấng đến để hoàn chỉnh Luật Môsê
và khai mở ý muốn trọn vẹn của Thiên Chúa về hôn nhân.
Trong xã hội, văn hóa và Do Thái giáo thời Đức Giêsu,
người phụ nữ không được bình đẳng với nam giới.
Vì vợ là một thứ tài sản thuộc sở hữu của người chồng,
nên thực tế chỉ vợ mới có thể phạm tội ngoại tình đối với chồng,
và chỉ người chồng mới có quyền ly dị vợ.
Đức Giêsu không chấp nhận chuyện coi vợ như một món hàng,
mua về, thích thì dùng, không thích thì bỏ đi.
Vợ đã trở nên xương thịt của chồng, ngang hàng với chồng,
nên khi chồng thiếu chung thủy với vợ, ly dị vợ mà cưới vợ khác
thì anh ta cũng phạm tội ngoại tình đối với vợ (c. 11).
Hôn nhân không phải chỉ là chuyện của hai người yêu nhau và lấy nhau.
Trong Lễ Cưới có sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng phối hợp.
Ngài tiếp tục bảo vệ tình yêu, cả khi hai người cùng muốn chia tay.
Hôn nhân không phải là một bản hợp đồng
mà hai bên được phép xé bỏ khi muốn.
Chung thủy mãi mãi là chuyện khó đối với con người thời nay.
Khi thịnh vượng, lúc gian nan, khi mạnh khỏe, lúc đau yếu,
khi buồn chán và thất vọng về nhau, khi yếu đuối và vấp ngã,
khi đổ vỡ quá lớn tưởng như không sao hàn gắn được,
khi đời sống vợ chồng thành như hỏa ngục trần gian…
khi ấy người ta cần Thiên Chúa để tiếp tục yêu thương và kính trọng nhau.
Xin bớt một chút ích kỷ tự ái, thêm một chút khiêm hạ yêu thương,
bớt một chút tự do đam mê, thêm một chút hy sinh tha thứ…
để gìn giữ tình nghĩa vợ chồng như quà tặng mong manh của trời cao.
Cầu nguyn:

Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,
xin Cha nhìn xuống
những gia đình sống trên mặt đất
trong những khu ổ chuột tồi tàn
hay biệt thự sang trọng.

Xin thương nhìn đến
những gia đình thiếu vắng tình yêu
hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,
những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ
hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.
Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục
vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.

Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,
những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương
những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,
những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,
những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.

Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ
từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,
từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.
Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu
đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình;
nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ
hạnh phúc luôn ở trong tầm tay
của từng người chúng con. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Suy niệm
Người Pharisiêu đặt câu hỏi với Đức Giêsu về luật hôn nhân để gài bẫy Người. Chúa Giêsu đã trả lời cho họ và khẳng định hôn nhân là do Thiên Chúa kết hợp, con người không được tự ý phân ly.
Qua bài Tin mừng này, Chúa  Giêsu dạy ta cách sống đời hôn nhân: phải yêu thương nhau và đồng tâm nhất trí với nhau.
Ly dị là bất trung với khế ước tình yêu giữa người nam và người nữ, đồng thời cũng là bất tuân ý định của Thiên Chúa, Đấng đã sáng tạo nên người nam và người nữ. Vì thế Chúa muốn xác định không được phép ly dị.
Thời nay đang có một cuộc khủng hoảng về gia đình. Số người lập gia đình rồi ly dị ngày càng nhiều hoặc có những người không muốn lập gia đình. Họ chủ trương nếu thích nhau thì cứ sống chung, khi nào không thích nhau nữa thì chia tay, cần gì phải cam kết sống chung trong suốt cuộc đời. Suy nghĩ như vậy chẳng những đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của người Việt nam mà con đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa.
Là Kitô hữu, sống đời sống ơn gọi gia đình, chúng ta hãy biết lấy tình yêu Thiên Chúa làm mẫu cho tình yêu hôn nhân gia đình. Vì chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới là tình yêu chân thật và cao cả nhất: vì yêu chúng ta, Người đã ban Con Một cho chúng ta. Dù con người có phản bội, Thiên Chúa vẫn tha thứ (bí tích Hòa Giải) và vẫn cứ yêu (Thánh Thể). Khi chúng ta đặt tình yêu Thiên Chúa làm nền tảng cho tình yêu trong hôn nhân gia đình chúng ta sẽ biết cách đối xử với nhau, biết dễ dàng yêu thương và tha thứ cho nhau, dìu dắt nhau vượt qua những khó khăn thử thách của cuộc sống.

Xin cho chúng con luôn biết trân trọng những giá trị cao quý trong đời sống hôn nhân gia đình. Xin cho chúng con luôn biết dùng tình yêu của Chúa để nuôi dưỡng tình yêu trong gia đình chúng con. Amen.



Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
28 THÁNG HAI
Đức Kitô - Chóp Đỉnh Của Giao Ước
“Đức Chúa đã thiết lập một giao ước với Abram” (St 15,18). Xuyên suốt Mùa Chay, chúng ta được mời gọi đặc biệt kết hợp mật thiết với Thiên Chúa – Đấng đã tự kết ước với chúng ta. Thiên Chúa của đức tin chúng ta là Đấng Tạo Hóa và là Chủ Tể của hoàn vũ. Ngài là Thiên Chúa uy phong khôn sánh song cũng đồng thời là Đấng tự hạ mình xuống để kết ước với chúng ta.
“Cha đã nhiều lần kết ước với loài người” – đó là lời chúng ta đọc trong Kinh Nguyện Thánh Thể IV. Lời kinh ấy đưa ta về với các tổ phụ của mình trong đức tin – tới tận tổ phụ Nô-e.
Giao ước với Abram – được nhắc đến trong phụng vụ – đánh dấu một khởi đầu mới cho câu chuyện của dân Thiên Chúa: “Hãy nhìn lên bầu trời và đếm các vì sao … Dòng dõi của ngươi cũng sẽ đông đúc như vậy” (St 15,5). Thật vậy, dòng dõi của ông trở thành vô cùng đông đúc. Có lẽ hơn một nửa nhân loại hiện nay (những người DoThái giáo, Hồi giáo và Kitô giáo) tự nhận mình là con cái thiêng liêng của Abraham – nhân vật mà Thánh Phao-lô gọi là “cha của đức tin chúng ta” (Rm 4,11).
Trong suốt Mùa Chay, chúng ta được mời gọi làm mới lại giao ước với Thiên Chúa – một giao ước bắt nguồn từ đức tin của Abraham. Giao ước này đạt đến sự hoàn thành của nó nơi Đức Kitô. Điều này được Tin Mừng làm chứng một cách hùng hồn. Hằng năm, trong Mùa Chay, Giáo Hội đưa chúng ta lên núi Ta-bo. Ở đó, trước sự chứng kiến trực tiếp của Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, mạc khải hoàn toàn về giao ước đã hiển hiện ra – từ Abraham cho đến Giê-su Na-da rét, Đấng Mê-si-a. Chúng ta gặp thấy Mô-sê và Ê-li-a ở bên cạnh Đức Giêsu. Các ngài đại diện cho Lề Luật và các ngôn sứ – tức những cột mốc trong giao ước của Thiên Chúa với con cháu Abraham. Và tất cả mạc khải của Thiên Chúa biểu hiện qua Luật và các ngôn sứ đưa dẫn chúng ta đến với Đấng mà Chúa Cha nói về Người như sau: “Đây là Con Ta, kẻ Ta tuyển chọn; hãy nghe lời Người” (Lc 9,35).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 28-02
Gc 5, 9-12; Mc 10, 1-12.

LỜI SUY NIỆM: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”
Sự bất khả phân ly trong đời sống hôn nhân Công Giáo, là ý muốn của Thiên Chúa dựa trên nền tảng tình yêu của Thiên Chúa với con người. Hôn nhân bất khả phân ly; Đây là một điều giúp cho hai phối ngẫu biết yêu thương tận hiến cho nhau, vì nhau để xây đắp một gia đình hạnh phúc, tạo dựng nên những  người con tài đức, văn minh. giúp cho xã hội và giáo hội phát triển tốt đẹp.
Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa thánh hóa gia đình chúng con, để luôn được sống trong tình yêu của Chúa và luôn nhớ lời giáo ước trong ngày lễ hôn phối.
Mạnh Phương


28 Tháng Hai
Nụ Cười Của Bà Sarah
Kinh thánh thuật lại rằng, khi bà Sarah, vợ của tổ phụ Abraham, một lão bà gần đất xa trời, được Chúa cho biết là sẽ cưu mang và sinh con, bà đã có một phản ứng thật là người và cũng thật là kỳ diệu: bà đã cười!
Phải, bà cụ già Sarah có lẽ đã cười nắc nẻ khi đứng trước một hoàn cảnh xem ra trớ trêu như thế: một người đàn bà trên 70 tuổi mà còn được Thiên Chúa cho có con!... Thiên Chúa xem ra thích khôi hài!
Và khi Thiên Chúa hỏi tại sao cười, Sarah lại chối rằng mình đã không hề cười. Có lẽ do sợ hãi mà Sarah đã nín cười. Sự sợ hãi có lẽ không còn cho con người được nhìn thấy khía cạnh đáng cười, đáng vui trong cuộc sống... Nhưng liền sau khi sinh con, bà Sarah đã tìm lại được óc khôi hài cho nên bà đã đặt cho đứa con một cái tên khá ngộ nghĩnh là Issac; Issac theo tiếng Do Thái có nghĩa là được sinh từ một người đã cười...
Cười, cười một cách lạc quan: có lẽ đó là một trong những nét nổi bật của người có niềm tin. Người ta thường định nghĩa rằng: một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn... Tất cả các vị thánh đều là những người có óc khôi hài. Các ngài là những con người đã từng biết cười với cuộc sống với tha nhân.
Thánh Phanxicô thành Assisi, vị sứ giả của Hòa Bình, đã có lần tuyên bố: "Hãy trả lại sự buồn phiền cho ma quỷ, bởi vì chỉ có ma quỷ mới có đủ lý do để buồn phiền".
Cha sở họ Ars, là thánh Gioan Maria Vianey, mặc dù thường được người ta tạc tượng như một con người buồn bã, ảo não, nhưng kỳ thực không ai có tâm hồn vui tươi lạc quan như Ngài. Thánh nhân đã nói: "Linh hồn của những ai phục vụ Chúa đều được tràn ngập vui mừng, họ luôn luôn sống như nghỉ ngơi và luôn luôn sẵn sàng để ca hát..."
Thánh Thomas Moore khi bị đưa lên máy chém, đã nói đùa với người lý hình rằng hãy để cho ngài được giúp một tay, cho việc hành quyết được dễ dàng. Ngài còn nói thêm rằng, sau khi đã chém đầu ngài, chớ đụng đến bộ râu vì bộ râu của ngài không hề phản bội một ai...
Một vị tu sĩ nào đó vào thời Trung Cổ đã viết như sau: "Một nụ cười và óc khôi hài thu hút được nhiều người đến với tôn giáo hơn là những khuôn mặt dài vì ủ dột".
Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng: khi ăn chay hãm mình hãy xức dầu thơm vào người.
Còn thứ dầu thơm nào quý giá hơn để tô thắm cho gương mặt của chúng ta cho bằng niềm vui.
Cuộc sống dù có trăm nghìn vất vả, đau thương vẫn là cuộc sống đã được Chúa trao ban như một kho tàng cao quý nhất.
Tình đời có đen bạc, nhân nghĩa có phôi pha: những con người đang sống với chúng ta vẫn là những người con cái Chúa và là anh em của chúng ta.
Hãy cười với cuộc sống, hãy cười với người anh em của chúng ta: đó là sứ điệp của Kitô Giáo mà trọng tâm chính là Mầu Nhiệm Phục Sinh. Qua Mầu Nhiệm ấy, Thiên Chúa đã cười cợt, thách thức tội lỗi và sự chết. Sự Sống và Niềm Hy Vọng đã phát sinh từ cái chết của Ðức Kitô.
(Lẽ Sống)

Thánh Grêgôriô II

(c. 731)  
Sinh ở Rôma, ngay từ khi còn trẻ Grêgôriô đã dính dáng đến công việc của Giáo Hội. Chính Thánh Giáo Hoàng Sergius I là người nhận thấy những đức tính cao quý nơi người trẻ tuổi này và đã tấn phong Grêgôriô làm trợ phó tế. Ngài phục vụ liên tiếp dưới bốn triều đại giáo hoàng với chức vụ thủ quỹ, và sau đó là quản thủ thư viện. Ngài được giao cho các nhiệm vụ quan trọng và tháp tùng Ðức Giáo Hoàng Constantine đến Constantinople để phản đối Hoàng Ðế Justinian II về các nghị định chống lại tây phương của Công Ðồng Trullan II (692). Sau khi Ðức Constantine từ trần, Grêgôriô được chọn làm giáo hoàng và được tấn phong năm 715.

Ðức Grêgôriô làm giáo hoàng trong 15 năm. Trong thời gian này, ngài tổ chức các thượng hội đồng để chấn chỉnh các nhũng lạm, ngăn chặn lạc giáo và cổ vũ tinh thần kỷ luật và luân lý. Ngài tái xây dựng một phần lớn các tường thành Rôma để bảo vệ thành phố này chống với các cuộc tấn công của quânLombard. Ngài tái thiết nhiều nhà thờ, và đặc biệt rất quan tâm đến người đau yếu và người già. Ðan viện thật lớn gần nhà thờ Thánh Phaolô đã được tái thiết, cũng như tu viện của Monte Cassino mà quân Lombard đã phá hủy cách đó 150 năm. Ngài tấn phong Thánh Boniface và Thánh Corbinian làm giám mục để đi truyền giáo cho các sắc dân ở Ðức. Và cũng như Ðức Grêgôriô I, ngài biến dinh thự của gia đình ngài thành một đan viện.
Chính trong những cuộc thương thuyết với Hoàng Ðế Lêô III mà người ta mới thấy sức mạnh tinh thần cũng như sự kiên nhẫn của Ðức Grêgôriô. Hoàng Ðế Lêô đòi phải tiêu hủy tất cả các ảnh tượng thánh, và trừng phạt những ai không tuân lệnh. Khi các giám mục không thuyết phục được hoàng đế về sự sai lầm của ông, họ thỉnh cầu đến giáo hoàng. Một đàng, Ðức Grêgôriô cố gắng thay đổi ý nghĩ của hoàng đế. Ðàng khác, ngài khuyên dân chúng trung thành với hoàng tử, luôn luôn khuyến khích các giám mục chống với tà thuyết.
Ðức Grêgôriô II từ trần năm 731.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét