Trang

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Đức Phanxicô nói với Thừa Tác Vụ Truyền Hình Thệ Phản Kenneth Copeland

Đức Phanxicô nói với Thừa Tác Vụ Truyền Hình Thệ Phản Kenneth Copeland

Từ một nghệ sĩ chuyên thâu dĩa nhạc, Kenneth Copeland, sau khi trở lại Kitô Giáo, đã trở thành người truyền giảng Tin Mừng nổi tiếng trên truyền hình Mỹ qua Thừa Tác Vụ Kenneth Copeland (KCM), suốt 47 năm qua. Về phương diện hệ phái, người ta xếp ông vào “Word of Faith, Neo-Charismatic Churches”. Như thế, có thể coi ông thuộc hệ phái Ngũ Tuần. Lời giảng của ông nhấn mạnh tới thịnh vượng và sung túc, đến độ có người gọi nó là Tin Mừng Thịnh Vượng. Quả thế, Thừa Tác Vụ Kenneth Copeland dạy rằng tín hữu có thể trở nên thịnh vượng qua việc hiến 10 phần trăm lợi tức (tithing), qua việc dâng hiến, qua việc có đức tin, và sử dụng các phương pháp tài chánh đúng đắn. Giáo huấn này dựa vào Thánh Kinh, nhưng tập chú vào đức tin, tình yêu, sự chữa lành, thịnh vượng và phục chế…

Ngoài trụ sở chính của họ tại Fort Worth, Texas, thừa tác vụ này thường sử dụng hình thức đại hội (convention) kéo dài từ ba tới sáu ngày để truyền giảng. Đại hội năm nay có sự tham dự của giám mục Tony Palmer, thuộc Hiệp Thông Giám Chức Anh Giáo, theo truyền thống Ái-nhĩ-lan Pháp (Celtic Anglican), và là Viên Chức Đại Kết Quốc Tế của Hiệp Thông này. Trong tư cách này, ngài cũng là một thành viên chính thức của Phái Đoàn Đại Kết Công Giáo Rôma chuyên về Hợp Nhất và Hòa Giải Kitô Giáo. Ngài cũng là đồng sáng lập viên và là Giám Đốc Linh Hướng của Cộng Đoàn Ark (The Ark Community), một Cộng Đoàn Hội Tụ Liên Phái Kitô Giáo Quốc Tế, thành lập năm 2003. 

Điều đáng nói là nhờ người vợ Ý thuộc Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo, Tony Palmer trở thành gạch nối với Giáo Hội Công Giáo và làm việc với nhiều giới chức Công Giáo tại Rôma. Đặc biệt nhất là trong giai đoạn hoạt động tại Argentina, ngài quen biết với Đức TGM Bergolio, nhận Đức TGM làm linh hướng. Theo lời ngài trình bày trước Đại Hội của KCM, thì giữa tháng Mười Hai vừa qua, bỗng nhiên ngài nhận được cú điện thoại từ Đức Phanxicô ngỏ ý muốn gặp ngài. Khỏi nói cũng đủ biết cú điện thoại này làm Tony Palmer hết sức xúc động, được gặp lại người thày thông thái (mentor) của mình. Nhưng điều xúc động hơn nữa là Đức Phanxicô để Tony quyết định ngày và giờ gặp nhau. Còn nghị trình? Làm gì có nghị trình! Tony Palmer cũng được quyết định luôn: ngài cho Đức Phanxicô hay mình sắp sửa tham dự đại hội của KCM, nếu Đức Phanxicô có mấy lời nhắn với Đại Hội thì hay biết mấy. Ngài đâu có ngờ Đức Phanxicô còn đi xa hơn nữa bằng cách đề nghị làm một Video gửi tới đại hội. Và thế là có sứ điệp lịch sử gửi Thừa Tác Vụ Kenneth Copeland.

Trước khi cho trình chiếu video trên, Tony Palmer nói với Đại Hội KCM rằng: kể từ năm 1999, cuộc phản đối của Thệ Phản đã được vượt qua. Vì lần đầu tiên, Giáo Hội Công Giáo chính thức tuyên bố rằng: chỉ một mình ơn thánh dẫn ta tới cứu rỗi qua việc lành phúc đức. Từ nay, tất cả chúng ta cùng tuyên xưng một đức tin hay như lời Đức Phanxicô: chúng ta hết thẩy đều là anh chị em.

Người tường thuật biến cố này cho rằng: “Đây chính là hình dạng của sự hợp nhất Kitô Giáo. Nó không bỏ qua các khác biệt mà chúng ta vốn có với các anh chị em không Công Giáo của ta. Nó không có tính hãnh tiến. Nó không phải là vấn đề ta và họ. Đúng hơn, nó là tình yêu Chúa Kitô dành cho mọi người. Chúa Giêsu từng cầu nguyện cho sự hợp nhất Kitô Giáo và hết thẩy chúng ta phải thừa nhận sự kiện này: việc chia rẽ trong Kitô Giáo vừa là gương mù vừa là dấu chỉ phản lại sự đơn nhất của Thiên Chúa, phản lại một thế giới đang cần tới Người”.

Sau khi cho trình chiếu sứ điệp của Đức Phanxicô, Copeland cho hay “Trời cũng phải hứng khởi vì việc này… Các bạn có biết điều gì làm tôi hết sức hứng khởi không? Bốn mươi bẩy năm trước đây, khi ta bắt đầu thừa tác vụ của chúng ta, điều này không thể nào có được!”. 

Như Đức GH Phanxicô nói trong Video, tội lỗi của ta là nguyên nhân khiến ta chia rẽ, chứ thực ra ta là anh chị em với nhau và luôn nên hành xử như thế. Ngài cho hay:

“Có hai qui luật: Yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự, và yêu người khác, vì họ là anh chị em bạn. Với hai qui luật này, ta có thể tiến lên phía trước. Tôi đang có mặt tại đây với người em của tôi, người em giám mục của tôi, là Tony Palmer. Chúng tôi từng là bạn hữu của nhau trong nhiều năm. 

Ông cho tôi hay về đại hội của qúi bạn, về cuộc gặp gỡ của qúi bạn. Và tôi rất vui mừng được thân chào qúi bạn. Một lời thân chào vừa hân hoan vừa luyến nhớ (nostalgic). Hân hoan, vì nó mang lại cho tôi niềm vui thấy các bạn tụ họp nhau để thờ phượng Chúa Giêsu Kitô, Chúa độc nhất. Và để cầu nguyện cùng Chúa Cha và tiếp nhận Chúa Thánh Thần. Điều đó đem hân hoan đến cho tôi vì ta có thể thấy được rằng Thiên Chúa đang làm việc trên khắp thế giới. Luyến nhớ vì, nhưng … ngay trong các khu xóm của ta, cũng diễn ra điều này. Tại các khu xóm của ta, có những gia đình yêu thương nhau mà cũng có những gia đình không thương yêu nhau. Có những gia đình kết hợp với nhau và có những gia đình ly tán với nhau. Cho phép tôi nói rằng chúng ta phần nào… đang phân rẽ nhau.

Phân rẽ nhau vì, chính tội lỗi đã phân rẽ chúng ta, chỉ vì tội lỗi của chúng ta. Sự hiểu lầm trong suốt dòng lịch sử. Nó là con đường dài tội lỗi mà tất cả chúng ta đều có phần trách nhiệm. Ai phải chịu phần lỗi đây? Tất cả chúng ta đều chịu phần lỗi. Tất cả chúng ta đều phạm tội. Chỉ có một người không phải chịu lỗi là Chúa mà thôi. Tôi luyến nhớ, luyến nhớ cái ôm hôn mà Thánh Kinh từng nói tới khi các anh em của Giuse bắt đầu đói lả, phải trẩy đi Ai Cập, để mua (thực phẩm) mà ăn. 

Họ trẩy đi để mua. Họ có tiền. Nhưng làm sao mà ăn tiền cho được. Tuy nhiên, tại đó, họ tìm được điều còn quí giá hơn thực phẩm nhiều, họ tìm thấy người em của họ. Mọi người chúng ta đều có tiền. Tiền văn hóa. Tiền lịch sử. Ta có hàng lô các kho lẫm văn hóa, các kho lẫm tôn giáo. Và chúng ta có những truyền thống khác nhau. Nhưng chúng ta phải gặp gỡ nhau như anh chị em. Chúng ta phải khóc lên với nhau như Giuse từng khóc. Những nước mắt này sẽ hợp nhất chúng ta. Những giọt nước mắt của tình yêu. 

Tôi nói với qúi bạn như một người anh em. Tôi nói với qúi bạn một cách đơn sơ. Một cách yêu thương và luyến nhớ. Chúng ta hãy để niềm luyến nhớ này lớn lên, vì nó sẽ thúc đẩy chúng ta tìm kiếm nhau, ôm lấy nhau. Và cùng nhau, chúng ta sẽ thờ phượng Chúa Giêsu Kitô, Chúa duy nhất của lịch sử.

Tôi xin hết lòng cám ơn qúi bạn vì qúi bạn đã lắng nghe tôi. Tôi hết lòng cám ơn qúi bạn đã cho phép tôi nói tiếng nói của con tim. Và tôi cũng xin qúi bạn một ơn huệ. Xin qúi bạn cầu nguyện cho tôi, vì tôi cần lời cầu nguyện của qúi bạn. Phần tôi, tôi sẽ cầu nguyện cho qúi bạn, tôi sẽ cầu nguyện như thế, nhưng tôi cần lời cầu nguyện của qúi bạn. Và chúng ta hãy cầu xin Chúa để Người hợp nhất chúng ta. Cố gắng lên, chúng ta đều là anh chị em. Chúng ta hãy ôm nhau cách thiêng liêng và để Thiên Chúa hoàn thành công trình Người đã bắt đầu. Và đó là một phép lạ; phép lạ hợp nhất đã bắt đầu rồi.

Một tác giả thời danh của Ý tên là Manzoni, có lần đã viết trong tiểu thuyết của ông, về một người đàn ông đơn sơ giữa lòng dân chúng, người từng cho rằng 'Tôi chưa bao giờ thấy Thiên Chúa bắt đầu một phép lạ mà Người lại không hoàn thành nó cách tốt đẹp'. Người sẽ hoàn thành phép lạ hợp nhất. Tôi xin qúi bạn chúc lành cho tôi, và tôi xin chúc lành cho qúi bạn. Từ một người anh em đối với một người anh em, tôi ôm hôn qúi bạn. Cám ơn qúi bạn”. 

Điều duyên dáng trong video này là Đức Phanxicô khởi đầu bài nói bằng tiếng Anh để xin lỗi cử tọa về việc ngài không nói được tiếng Anh, mà sẽ nói tiếng Ý. Nhưng theo ngài, không hẳn ngài nói tiếng Anh hay tiếng Ý, mà là nói “ngôn ngữ trái tim”. Ngôn ngữ ấy kèm theo nét mặt thật bình thản hân hoan, qua cái nhìn trực tiếp vào cử tọa, như họ đang hiện diện trước mặt ngài, không phân cách dù là bằng cặp kính mắt: ngài bỏ cả cặp kính mắt qua một bên! Nguyên tuyền chỉ có ngài và anh chị em ngài trong Chúa Kitô.
Vũ Văn An2/21/2014(vietcatholic)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét