25/02/2014
Thứ Ba sau Chúa Nhật
7 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm II) Gc
4, 1-10
"Anh
em xin mà không nhận được là vì anh em xin không đúng".
Trích
thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh
em thân mến, bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều
này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham
muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được
mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ. Anh em không có, là tại anh em
không xin. Anh em xin mà không nhận được, là vì anh em xin không đúng, cứ mơ tưởng
thoả mãn các đam mê của anh em. Hỡi những kẻ ngoại tình, anh em không biết rằng
thân thiết với thế gian là thù địch với Thiên Chúa đó sao? Vậy kẻ nào muốn thân
thiết với thế gian này, thì đặt mình làm thù địch với Thiên Chúa. Hay anh em tưởng
Kinh Thánh nói cách vô lý rằng: "Chúa quyến luyến thần trí mà Người đặt
trong anh em, đến nỗi ghen lên". Vả Người ban ơn bội hậu. Bởi đó có lời rằng:
"Thiên Chúa chống lại những kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn phúc cho người
khiêm nhường!" Vậy anh em hãy phục tùng Thiên Chúa, hãy chống trả ma quỷ,
và nó sẽ trốn xa anh em. Hãy đến gần Thiên Chúa, và Người sẽ đến gần anh em. Hỡi
những kẻ tội lỗi, anh em hãy rửa tay cho sạch. Hỡi những kẻ hai lòng, hãy thanh
luyện tâm hồn đi. Anh em hãy buồn sầu, than van và kêu khóc. Hãy đổi tiếng cười
ra tiếng khóc, và đổi niềm vui ra nỗi buồn. Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt
Chúa và Người sẽ nâng anh em lên.
Ðó
là lời Chúa
Ðáp
Ca: Tv 54, 7-8. 9-10a. 10b-11a. 23
Ðáp: Hãy trút nhẹ
gánh lo âu cho Chúa để chính Người nâng đỡ thân ngươi (c. 23a).
Xướng:
1) Tôi tự nhủ: ước chi tôi có cánh như bồ cầu, tôi sẽ bay đi và tìm nơi an nghỉ.
Này đây tôi sẽ rời tới cõi xa xăm, tôi sẽ ở lại chỗ sơn lâm hoang vắng. - Ðáp.
2)
Tôi tìm chỗ dung thân cấp tốc vội vàng, đi ngược dòng phong ba và gió lốc. Lạy
Chúa, xin đập tan, xin chia rẽ ngôn từ của chúng. - Ðáp.
3)
Vì tôi thấy có bạo lực và tranh chấp trong thành trì. Ngày đêm, trên mặt tường
chúng đi dạo. - Ðáp.
4)
Hãy trút nhẹ gánh nặng cho Chúa, để chính Người nâng đỡ thân ngươi: Người không
để người hiền lương muôn đời xiêu té. - Ðáp.
Alleluia:
Tv 94, 8ab
Alleluia,
alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. -
Alleluia.
Phúc
Âm: Mc 9, 29-36
"Con
Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi
ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và
Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: "Con Người
sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba,
Người sẽ sống lại". Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi
Người.
Các
ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: "Dọc đàng các con
tranh luận gì thế?" Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem
ai là người lớn nhất.
Bấy
giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: "Ai muốn
làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người". Và
Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, rồi ôm nó mà nói với các ông rằng:
"Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón
tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy,
nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Làm
tôi tớ mọi người
Ở
cuối văn kiện Tòa Thánh, các Ðức Giáo Hoàng thường ghi dòng chữ này cùng với chữ
ký của mình: "Tôi tớ của các tôi tớ". Ðây là tinh thần mà Chúa Giêsu
muốn tất cả các vị lãnh đạo trong Giáo Hội phải có, như được đề cập đến trong
bài Tin Mừng hôm nay: "Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm
tôi tớ mọi người".
Cám
dỗ về quyền hành và cám dỗ lạm quyền là sự kiện thường xuyên và mãnh liệt đối với
con người mọi thời. Chính những cám dỗ ấy cũng đã xảy ra cho Nhóm Mười Hai Tông
đồ. Thật vậy, vào chính lúc Thầy của các ông loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết
của Ngài, thay vì dừng lại và chia sẻ với Thầy, hoặc nếu chưa hiểu thì trao đổi
với Thầy để am tường hơn, các ông đã có thái độ ích kỷ, vụ lợi; các ông tưởng
thời lập quốc của Ðấng Mêsia và ngày vinh quang của các ông đã tới, thế là các
ông bắt đầu tranh cãi về địa vị với nhau. Chính các ông cũng cảm thấy sự tranh
cãi như thế là đáng trách, bởi vì khi được Chúa Giêsu hỏi, các ông đã làm
thinh.
Và
rồi sự việc đã diễn biến không như các ông tưởng nghĩ, bởi vì đối với Chúa
Giêsu, trong Nước Trời tồn tại ở trần gian này, cho dù vẫn có tôn ti trật tự,
nhưng đó là một trật tự lạ lùng: Người làm lớn sẽ là người hầu hạ kẻ khác, người
nhỏ nhất phải là đối tượng để được hầu hạ. Rốt cuộc, chúng ta có thể hầu hạ ai
chính là vì chúng ta muốn hầu hạ Chúa Giêsu trong họ, và chúng ta có được hầu hạ
ai, thì cũng chỉ vì họ đang hầu hạ Chúa Giêsu nơi chúng ta. Như vậy, điều quan
trọng không phải là làm lớn hay làm nhỏ trong Nước Trời, chỉ có Thiên Chúa là
nhân vật quan trọng trong Nước Trời, và làm lớn hay làm nhỏ, tất cả đều phục vụ
Thiên Chúa mà thôi.
Bài
Tin Mừng hôm nay vẫn thường được dùng làm kim chỉ nam cho việc thi hành quyền
bính trong Giáo Hội. Nếu mọi người, kẻ cầm quyền cũng như người dưới quyền đều
hiểu và thực thi giáo huấn này, chắc chắn Giáo Hội sẽ trở nên thu hút hơn đối với
nhân loại, nhất là đối với con người hôm nay đã quá mệt mỏi với những hình thức
mị dân, lạm quyền, dua nịnh của giới lãnh đạo; người ta sẽ nhận ra nơi đó khuôn
mặt của Chúa Kitô một cách rõ ràng hơn, một Chúa Kitô lãnh đạo bằng cách bị nộp,
bị giết chết vì người khác.
Bao
lâu xã hội loài người còn, thì bấy lâu bài học Chúa dạy hôm nay vẫn còn giá trị,
bởi vì cám dỗ về quyền lực và lạm quyền đã ăn sâu trong mỗi người và trong mọi
cơ chế xã hội. Nhưng để bài học ấy tác động mạnh mẽ và hữu hiệu, chúng ta cần
nghĩ tới hình ảnh của Chúa, Ðấng lãnh đạo dân Chúa, nhưng đã trở thành tôi tớ
cho mọi người.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 7 TN2, Năm chẵn
Bài đọc: Jam 4:1-10; Mk
9:30-37.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Các đức tính cần có
của nhà lãnh đạo tinh thần.
Rất
nhiều người muốn làm lớn để ra lệnh cho người khác, để được mọi người biết tới,
và để mọi người hầu hạ mình. Điều này có thể áp dụng với những nhà lãnh đạo
chính trị, quân sự, hay kinh tế; nhưng không được áp dụng cho những nhà lãnh đạo
tinh thần. Chính Chúa Giêsu đã dạy bảo các môn đệ: "Vua các dân thì dùng
uy quyền mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng
anh em thì không được như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên
như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lk
22:25-26).
Các
Bài Đọc hôm nay liệt kê những đức tính cần có của người lãnh đạo theo tiêu chuẩn
của Kitô Giáo. Trong Bài Đọc I, tác giả Thư Giacôbê liệt kê những điều tốt nhà
lãnh đạo phải có và những điều xấu nhà lãnh đạo phải tránh xa. Trong Phúc Âm,
Chúa Giêsu tuyên bố với các tông đồ: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải
làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." Chúa Giêsu làm gương bằng
cách rửa chân cho các ông, và chấp nhận gian khổ của con đường Thập Giá để đưa
mọi người về cho Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên.
1.1/
Lãnh đạo không phải để mưu cầu lợi ích hay hưởng lạc.
(1)
Lãnh đạo để hưởng lợi sẽ dẫn tới chiến tranh: Điều này không lạ, vì khuynh hướng
con người ai cũng muốn có quyền lợi; vì thế, họ phải tranh chấp nhau để được hưởng
quyền lợi. Nếu không tranh chấp được bằng lời nói, họ sẽ dùng tới vũ lực để
tranh dành quyền lợi.
(2)
Thiên Chúa sẽ không ban ơn cho những nhà lãnh đạo hưởng thụ: Của cải trong trời
đất là của Thiên Chúa ban cho mọi người hưởng dùng. Ngài sẽ không ban ơn cho những
kẻ tham lam muốn vơ vét của cải để hưởng lạc; nhưng sẽ lấy ra để cho mọi người
hưởng dùng.
(3)
Ai muốn là bạn của thế gian thì tự coi mình là thù địch của Thiên Chúa: Thế gian ở đây được
hiểu là những người không theo giá trị của Nước Trời; trái lại, họ còn tìm cách
chống lại những người sống theo giá trị đó. Câu 5 trong trình thuật có căn bản
của Sách Sáng Thế 6:5: Thiên Chúa thấy sự gian ác của con người ngày càng nhiều
trên mặt đất và tâm trí họ tối ngày chỉ toan tính điều xấu. Có lẽ thánh Giacôbê
nghĩ Thiên Chúa ban tặng cho con người Thánh Thần là để chế ngự và điều khiển
những đam mê xấu xa của con người.
Sự
suy xụp của cá nhân hay xã hội là do ở sự ghen tị, và điều này càng ngày càng
bành trướng. Thần khí mà nó cư ngụ trong con người cách tự nhiên luôn luôn sản
xuất hết ý tưởng xấu này đến ý tưởng xấu khác, luôn luôn thúc đẩy con người tìm
kiếm những điều cần phải sở hữu để hưởng thụ. Cách thức này của thế gian, ảnh
hưởng bởi sự xa hoa và lạc thú, dẫn con người đến ghen tương và cãi lộn để đạt
được những điều này, là hệ quả chắc chắn của việc làm bạn với thế gian; vì
không có tình bằng hữu mà không có sự hiệp nhất trong thần khí. Vì thế, các tín
hữu, để tránh tham lam, phải tránh làm bạn với thế gian, và phải chứng tỏ rằng
họ được hướng dẫn bởi những nguyên lý cao siêu hơn và một thần khí tốt lành hơn
đang cư ngụ trong họ. Nếu chúng ta thuộc về Chúa, Ngài cho chúng ta nhiều ân sủng
để sống và hành động hơn những người thế gian. Thần khí thế gian dạy con người
sống ích kỷ, Thiên Chúa dạy con người sống rộng lượng. Thần khí của thế gian dạy
con người tích trữ của cải cho mình, Thiên Chúa dạy chúng ta phải biết đóng góp
những điều cần thiết và an ủi tha nhân.
1.2/
Lãnh đạo bằng khiêm nhường và phục vụ. Những ai khiêm nhường lãnh đạo theo tiêu chuẩn của
Thiên Chúa, Ngài sẽ ban mọi ân sủng để giúp họ sinh lợi ích cho muôn người.
Thánh Giacôbê liệt kê một số những đức tính mà nhà lãnh đạo phải có:
(1)
Gần Thiên Chúa là xa ma quỉ: Nhà lãnh đạo phải vâng phục Thiên Chúa và khử trừ mọi tội lỗi.
Khi con người tiến đến gần Thiên Chúa là ma quỉ sẽ không dám bén mảng tới họ,
vì Thiên Chúa thánh thiện và ma quỉ tội lỗi không thể ở chung.
(2)
Đau khổ có giá trị hơn niềm vui của thế gian: Nhà lãnh đạo phải biết hy sinh,
chịu đựng gian khổ. Đau khổ giúp con người nhận ra giá trị thực sự của cuộc đời.
Phúc cho ai khóc lóc vì họ sẽ được Thiên Chúa an ủi. Sung sướng chỉ làm con người
xa cách Thiên Chúa vì họ nghĩ họ đã có mọi sự.
2/
Phúc Âm:
Ai muốn đứng đầu phải phục vụ mọi người.
2.1/
Lãnh đạo bằng hy sinh mạng sống cho người khác.
(1)
Chúa Giêsu dạy một đường: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người,
và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại." Đây chính là “bí mật
của Đấng Thiên Sai” theo Marcô. Khác với hình ảnh Đấng Thiên Sai mà người
Do-thái thêu dệt lên theo truyền thống: Ngài sẽ làm những phép lạ lớn lao, sẽ
dùng uy quyền để tiêu diệt các thế lực ngọai bang, và lên ngôi cai trị khắp bờ
cõi trái đất. Chúa Giêsu mặc khải cho các tông đồ kế họach Cứu Độ của Đấng
Thiên Sai: Ngài sẽ chấp nhận con đường đau khổ để cứu độ con người, không phải
giải thóat con người khỏi cảnh nô lệ của ngọai bang; nhưng là giải thóat con
người khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết.
(2)
Các ông hiểu một nẻo: Marcô
tường thuật phản ứng của các môn đệ: “Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các
ông sợ không dám hỏi lại Người.” Các ông không hiểu vì các ông đã quá quen với
hình ảnh của Đấng Thiên Sai theo truyền thống. Các ông sợ không dám hỏi Chúa,
có thể vì các ông sợ khi phải đối diện với sự thật: Chúa Giêsu sẽ bị bắt bớ và
bị giết chết.
Điều
này được sáng tỏ hơn qua những gì mà các tông đồ bàn cãi dọc đường. Khi về tới
nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?"
Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn
cả. Vẫn hy vọng vào một Đấng Thiên Sai có thế lực quân sự, nên các ông bàn cãi
với nhau xem ai sẽ là nhân vật thứ hai sau Chúa Giêsu khi Ngài lên ngôi cai trị.
2.2/
Lãnh đạo bằng phục vụ: Đức
Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu,
thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." Nhà lãnh đạo
tinh thần khác với nhà lãnh đạo quân sự, và tiêu chuẩn để làm người lớn nhất
trong vương quốc của Thiên Chúa cũng khác với tiêu chuẩn của vương quốc trần
gian: Họ phải trở nên rốt hết và phục vụ mọi người. Để dẫn chứng, Chúa Giêsu dạy
họ phải phục vụ những người nhỏ, những người không có gì để đền trả, và Ngài
nói: "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy;
và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã
sai Thầy."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Không phải ai cũng có thể lãnh đạo. Người lãnh đạo phải được huấn luyện để có
những đức tính cần thiết trước khi có thể lãnh đạo.
-
Không phải chỉ có các cha mới là những người lãnh đạo tinh thần, cha mẹ cũng là
những nhà lãnh đạo trong gia đình. Noi gương Chúa Giêsu, cha mẹ cũng phải lãnh
đạo bằng hy sinh, chịu đựng gian khổ để phục vụ con cái.
-
Phần thưởng của những nhà lãnh đạo tinh thần không phải là những lợi nhuận vật
chất, nhưng là chính Thiên Chúa và niềm vui khi thấy mọi người tin vào Thiên
Chúa.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẢY MẦM
Mc
9,30-37
A.
Hạt giống...
1.
Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ biết Ngài là ai : Ngài là Đấng Messia đến cứu
thoát loài người, nhưng cứu thoát qua con đường chịu nạn, chịu chết và sống lại.
2.
Do đã quen với quan niệm về một Đấng Messia vinh quang hiển hách, các môn đệ
không hiểu gì cả. Nhưng không dám hỏi lại Chúa Giêsu. Và cũng vì đã quen với
quan niệm thế tục ấy nên dọc đường các ông tranh luận xem ai sẽ là người lớn nhất
trong Nước Trời mà Chúa Giêsu thành lập.
3.
Chúa Giêsu sửa dạy các ông : trong Nước Trời, đừng ai để ý tới địa vị lớn hoặc
nhỏ. Điều thứ nhất phải để ý là phục vụ : càng có chức vụ cao thì càng phải phục
vụ nhiều (để nhấn mạnh ý tưởng phục vụ, Chúa Giêsu dùng hình ảnh người đầy tớ).
Điều thứ hai phải để ý nữa là có thái độ tiếp đón mọi người không phân biệt gì
cả, dù là một người hèn hạ, vô ích thì người môn đệ Chúa cũng phải tiếp đón (để
nhấn mạnh ý tưởng tiếp đón, Chúa Giêsu dùng hình ảnh trẻ nhỏ, tức là một con
người không mang lại lợi ích gì cho kẻ tiếp đón nó, mà còn mang tới phiền muộn).
B....
nẩy mầm.
1.
Trong "nước trần gian", muốn thành đạt thì phải chứng tỏ cho người ta
thấy mình là "người lớn", lớn về khả năng, lớn về trí óc, lớn về sức
mạnh v.v. Còn trong Nước Trời, Chúa Giêsu lại bảo các môn đệ mình tỏ ra là trẻ
nhỏ, là đầy tớ. Để mở mang Nước Trời ở trần gian này, tôi phải có một lối sống
hơi ngược đời như thế, vì "Chúng con ở giữa thế gian nhưng không thuộc về
thế gian".
2.
"Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy tức là đón
tiếp chính mình Thầy". Những "trẻ nhỏ như thế này" là những người
nghèo hơn tôi, kém thông minh hơn tôi, yếu hơn tôi, cư xử nói năng vụng về hơn
tôi… Chính vì họ tệ hơn tôi nên tôi thường xua đuổi họ hoặc không thích ở gần họ.
Nhưng như thế tức là tôi đã xua đuổi và thờ ơ với chính Chúa rồi.
3.
Ngày xưa các môn đệ đã làm một chuyện lố bịch là mặc kệ Chúa mời gọi đi theo
Ngài trên con đường thập giá, họ cứ tranh dành nhau địa vị và quyền lợi. Nhưng
về sau khi hiểu lại, họ đã thay đổi hẳn : "Vinh dự của chúng ta là thập
giá Đức Kitô". Phần tôi, tôi cứ tiếp tục việc làm lố bịch đó. Khi nào thì
tôi mới hiểu lại và thay đổi đây ?
4.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là con đường của chúng con. Xin cho chúng con luôn đi theo
con đường thập giá Chúa để mỗi ngày được nên giống Chúa hơn.
Lm.Carolo HỒ BẶC
XÁI – Gp. Cần Thơ
SỰ IM LẶNG ĐÁNG SỢ
Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi
các ông :”Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?” Các ông làm thinh, vì khi
đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. (Mc 9,33-34)
Suy niệm: Trong
hai vụ việc diễn ra gần nhau, các môn đệ Chúa Giêsu đã hai lần im lặng một cách
đáng sợ. Lần đầu các ông không hiểu những lời Chúa báo trước Ngài sẽ chịu chết,
thế nhưng các ông sợ và im lặng không dám hỏi Ngài. Lần thứ hai các ông cũng im
lặng không trả lời về việc các ông cãi nhau để tranh dành địa vị. “Im lặng-không
dám hỏi”: một sự im lặng đáng sợ vì sợ không dám đón nhận một Đức Kitô chịu đau
khổ, chịu đóng đinh. “Im lặng-không dám trả lời”: một sự im lặng đáng sợ
nữa vì tránh né sự thật xấu xí về chính mình, và tránh né những đòi hỏi để làm
môn đệ Chúa Giêsu: “Ai muốn làm đầu phải làm người
rốt hết.”
Mời Bạn: Tình
trạng “im lặng đáng sợ” “không hỏi-không trả lời” vẫn thường xảy ra. “Im lặng
đáng sợ” như thế chỉ vì sợ. Lý do thì rất nhiều: vì tự ái, sĩ diện, vì sợ bị
phiền hà liên luỵ, sợ phải từ bỏ, sợ hy sinh, sợ mất lòng hay mất mát cái gì
đó… Để không im lặng như một sự đồng loã với tội lỗi, né tránh sự thật, Chúa
mời gọi chúng ta đừng sợ đi theo Ngài làm môn đệ, nghĩa là chấp nhận làm tôi tớ phục vụ tha nhân và từ bỏ mình, vác
thập giá mà
theo Ngài.
Sống Lời Chúa: Dành
một phút thinh lặng trong giờ suy niệm, nhìn lại một việc bạn đã làm và lắng
nghe điều Chúa muốn bạn phải làm trong lúc này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin dùng ngọn lửa Thánh Thần thiêu đốt thái độ im
lặng đáng sợ này nơi chúng con, và thêm sức cho chúng con can đảm đón nhận sự
thật của Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống.
Cãi
nhau
Đức Giêsu không dạy ta lật đổ người đứng đầu để
chiếm lấy quyền lực. Ngài cũng không đòi ta bỏ ước mơ làm lớn. Ngài dạy cho ta
cách trở nên lớn lao thực sự trước mặt Thiên Chúa.
Suy niệm:
Ngoài chuyện chậm tin,
chậm hiểu,
các môn đệ còn có một
điểm yếu là hay cãi nhau.
Họ cãi nhau xem ai là
người lớn nhất trong nhóm.
Người ấy sẽ là người đứng
đầu trong Nước sắp tới của Đấng Mêsia.
Tiếc thay trong bài Tin
Mừng hôm nay,
họ lại cãi nhau khi đang
đi ngoài đường (c. 33).
Tệ hơn nữa, họ cãi nhau
ngay sau khi Thầy Giêsu loan báo lần thứ hai
về cái chết và sự phục
sinh sắp đến của mình (c. 31).
Hẳn Thầy Giêsu rất đau vì
thấy học trò của mình khá trần tục.
Dù đang đi với Thầy trên
cùng một con đường,
nhưng họ vẫn để lòng mình
theo đuổi vinh quang thế gian.
Đức Giêsu quả là một bậc
thầy về sự điềm đạm.
Ngài đợi tới khi về nhà ở
Caphácnaum mới gợi lại chuyện trên đường.
Ngài làm như mình không
rõ về đề tài câu chuyện:
“Dọc đường anh em đã bàn
tán điều gì vậy?”
Khi các ông mắc cỡ làm
thinh, không dám nói ra chuyện cãi nhau (c. 34),
Thầy Giêsu cũng chẳng nỡ
ép các ông phải nói.
Ngài ngồi xuống như một
vị thầy bắt đầu giảng dạy (c. 35),
gọi Nhóm Mười Hai lại -
nhóm các nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội -
và đưa ra một nguyên tắc
chi phối việc quản trị cộng đoàn:
“Nếu ai muốn làm người
đứng đầu thì phải làm người rốt hết của mọi người
và làm người phục vụ cho
mọi người (c. 35).
Câu nói trên của Đức
Giêsu mở ra một cuộc cách mạng nơi tâm con người.
Đức Giêsu không dạy ta
lật đổ người đứng đầu để chiếm lấy quyền lực.
Ngài cũng không đòi ta bỏ
ước mơ làm lớn.
Ngài dạy cho ta cách trở
nên lớn lao thực sự trước mặt Thiên Chúa.
Đó là trở nên người phục
vụ mọi người, sống như Ngài đã sống:
“Suốt đời Thầy đã sống
giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22, 27).
Nếu làm đầu mà phải phục
vụ thì có ai muốn làm người đứng đầu nữa không?
Lịch sử của nhân loại là
lịch sử của những cuộc cãi nhau không ngớt
giữa các quốc gia, các
tôn giáo, các bộ tộc, và ngay trong giáo xứ, gia đình.
Đề tài muôn thuở vẫn là
quyền lực, chức tước, địa vị, tiếng tăm.
Ai cũng muốn làm đầu, làm
lớn để được phục vụ, để khỏi phải hầu bàn.
Ước gì chúng ta hiểu rằng
quyền uy chỉ là giấy phép để phục vụ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin cất khỏi con mọi lo
lắng bề ngoài.
Xin tha thứ cho con
vì đã quá bận tâm
đến những điều mình nói,
đến ảnh hưởng của mình,
đến những điều người ta
nói và nghĩ về con.
Xin tha thứ cho con
vì muốn nên giống kẻ khác
mà quên mất chính mình,
vì khao khát có được
những đức tính của họ,
mà quên phát triển bản
thân.
Xin tha thứ cho con
vì đã mất nhiều thời gian
cho việc phô trương
hơn là cho việc xây dựng
bản thân.
Xin
cho con biết cởi mở với anh em ;
nhờ
đó, Chúa có thể đến với con
như
đến với một người bạn.
Và
Chúa sẽ làm cho con trở nên “người”
mà
Chúa mong muốn trong tình yêu của Ngài
vì
con là con của Chúa
và
là anh em của mọi người.
(Michel
Quoist)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu,
SJ
Suy
niệm
Đức
Giêsu giáo huấn các Tông đồ nhiều điều trước khi chịu thương khó, tử nạn và
phục sinh. Bài tin mừng hôm nay Chúa Giêsu loan báo lần thứ hai về sự thương
khó mà Ngài sắp phải chịu cho các Tông đồ biết. Nhưng các ông không hiểu, bởi
vì các ông đang bận tâm xem ai sẽ là người làm lớn trong nước của Chúa. Nhân cơ
hội này Đức Giêsu dạy các Tông đồ cách thức sống xứng đáng là người môn đệ của
Đức Giêsu là sống phục vụ trong khiêm nhường.
Con
người với bản tính tự nhiên thích được quyền cao chức trọng, thích làm thủ
lĩnh…còn bản thân thì không thích cho ai hơn mình. Nhìn vào các tông đồ ta cũng
thấy điều đó.
Hôm
nay Chúa Giêsu đã dạy chúng ta bài học về khiêm nhường. Trong Nước Trời đừng ai
để ý tới địa vị lớn nhỏ, mà điều phải để ý là phục vụ. Chúa Giêsu đã làm gương
cho chúng ta trong bữa tiệc ly. Mặc dù là thầy là Chúa nhưng Ngài đã hạ mình
rửa chân cho các môn đệ. Để mở mang Nước Trời ở trần gian này, mỗi người chúng
ta phải trở thành những trẻ nhỏ, những đầy tớ. Càng có chức cao thì càng phải
khiêm nhường phục vụ. Chỉ có khiêm nhường phục vụ thì người khác mới thấy được
sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đời sống của chúng ta. Và chỉ có sự phụng vụ
trong khiêm nhường chúng ta mới có thể hy vọng nước Chúa sẽ được ở rộng ở trần
gian này.
Lạy Chúa xin cho chúng con thấm nhuần tinh thần của Chúa
khi ở trần gian này là phục vụ trong khiêm nhường. Xin cho chúng con luôn
biết chiêm ngắm hình ảnh Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly, để chúng con luôn ý thức
và thấm nhuần tinh thần của phục vụ trong khiêm nhường của Chúa. Xin cho chúng
con biết sẵn sàng phục vụ, lấy phục vụ làm niềm vui và lẽ sống của
cuộc đời. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
Tháng Chín
25
THÁNG HAI
Tin Tưởng Vào Thiên
Chúa, Đấng Cứu Thoát
Người
It-ra-en thường ôn lại đêm tối của cuộc Xuất Hành, và hoài niệm ấy giúp khích lệ
họ tin tưởng vào Thiên Chúa – Đấng cứu thoát họ.
Giáo
Hội – cùng với Tông Đồ Phao-lô – nhìn về đêm Phục Sinh. Ở đó, Giáo Hội tìm thấy
niềm khích lệ giữ vững đức tin của mình – một đức tin vốn xuất phát từ mầu nhiệm
Phục Sinh của Đức Kitô: “Vì nếu anh em tuyên xưng …rằng Đức Giêsu là Chúa và
chân thành tin rằng Thiên Chúa đã phục sinh Người từ cõi chết, thì anh em sẽ được
cứu độ” (Rm 10, 9).
Với
những lời ấy, Thánh Phao-lô muốn dạy chúng ta ý thức hơn về nhu cầu cần được cứu
độ của mình. Chúng ta cần phải kêu cầu sự giải cứu ấy, sự giải cứu đến từ mầu
nhiệm cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô: “Bất cứ ai kêu cầu danh Chúa sẽ được
cứu độ” (Rm 10, 13).
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ
nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY 24-02
Gc 3, 13-18; Mc 9, 14-29.
LỜI SUY NIỆM: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy? Người đáp: Giống
quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.”
Chúa Giêsu với ba môn đệ từ trên núi biến hình xuống,
Chúa gặp ngay cuộc tranh luận của các môn đệ cùng thân nhân của người bị quỷ
ám, mà các ông đã không trừ quỷ cho người con trai, mặc dù Chúa Giêsu đã trao
quyền trừ quỷ cho các ông. Các ông thắc mắc về công việc của các ông, và Chúa
đã cho biết bí quyết cần để trừ quỷ này là phải có cầu nguyện.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa cho chúng con biết một bí quyết
có sức mạnh trừ quỷ, đó là cầu nguyện. Xin Chúa cho mọi người trong gia đình
chúng con biết dùng lời cầu nguyện; để chiến đấu và chiến thắng với những cám dỗ
của ma quỷ.
Mạnh
Phương
25
Tháng Hai
Dân Thành Athènes
Ngày
kia, triết gia Esopos người Hy Lạp ngồi bên vệ đường trước cổng thành Ethènes.
Một người khách lạ tình cờ đi qua dừng lại hỏi ông như sau: "Dân thành
Athènes như thế nào?".
Triết
gia bèn trả lời: "Xin ông cho tôi biết ông đến từ đâu và dân tình ở đó như
thế nào?". Người khách lạ nhíu mày cằn nhằn: "Tôi đến từ Argos và dân
Argos toàn là một lũ người láo khoét, trộm cắp, cãi cọ suốt ngày".
Một
cách bình thản, triết gia Esopos mỉm cười đáp: "Tôi rất lấy làm buồn để
báo cho ông biết rằng rồi ra ông sẽ thấy dân thành Athènes còn tệ hơn thế nữa".
Ngày
hôm sau, một người khách lạ khác đi qua và cũng dừng lại đặt một câu hỏi:
"Dân thành Athènes như thế nào?". Người khách lạ ấy cũng cho biết
mình đến từ Argos là nơi mà ông cho là quê hương yêu dấu mà ông buộc lòng phải
rời xa, bởi vì dân chúng Argos là những người rất dễ thương, dễ mến...
Lần
này, triết gia Esopos cũng biểu đồng tình với người khách lạ như sau: "Này
ông bạn đáng mến, tôi rất vui mừng cho ông biết rằng ông sẽ nhận thấy dân thành
Athènes cũng dễ thương dễ mến như thế".
Câu
chuyện mang tính cách ngụ ngôn trên đây muốn nói với chúng ta rằng cách thẩm định
người khác tùy thuộc ở tình cảm của mỗi người. Cùng một con người ấy, cùng một
khung cảnh ấy, nhưng có người ưa, có kẻ chê. Sự khác biệt trong cách thẩm định ấy
thường không nằm trong người khác hoặc cảnh vật khác, mà chính là ở tâm trạng của
mỗi người. Thi sĩ Nguyễn Du đã có lý khi bảo rằng: "Người buồn cảnh có vui
đâu bao giờ".
Người
Kitô chúng ta luôn được mời gọi để có cái nhìn lạc quan về các biến cố và con
người, nghĩa là chúng ta được mời gọi để luôn có cái nhìn tích cực về người
khác và các biến cố. Một thất bại rủi ro xảy đến ư? Người Kitô hãy cố gắng khám
phá ra những đường nét dễ thương dễ mến trong khuôn mặt, trong cách cư xử của
người đó. Chúng ta hãy làm như loài ong: từ giữa bao nhiêu vị đắng cay của cánh
hoa, loài ong chỉ rút ra toàn mật ngọt...
Ðức
cố Giáo Hoàng Gioan 23 đã ghi trong nhật ký của Ngài như sau: "Do bản chất,
tôi vui vẻ và sẵn sàng chỉ thấy những khía cạnh tốt đẹp của sự vật và con người
hơn là phê bình chỉ trích và đưa ra những phán đoán độc hại... Mỗi một cử chỉ
khiếm nhã đối với bất cứ ai, nhất là những người nghèo hèn, thấp kém, hoặc bất
cứ một chỉ trích phá hoại nào, đều làm cho tôi đau lòng".
(Lẽ
Sống)
25-2
(1502 - 1600)
N
|
hững con đường và nhịp
cầu mà Chân Phước Sebastian xây dựng thì nối liền nhiều chỗ thật xa cách. Nhịp
cầu sau cùng ngài hoàn tất là giúp người ta nhận biết phẩm giá và cùng đích mà
Thiên Chúa đã ban cho loài người.
Cha mẹ của Sebastian là
nông dân Tây Ban Nha. Vào năm 31 tuổi, ngài xuống tàu đi Mễ Tây Cơ, ở đây ngài
làm việc đồng áng. Sau đó ngài xây đắp những con đường để thuận tiện cho việc
trao đổi nông nghiệp và thương mãi. Con đường ngài xây từ Mexico City cho đến
Zacatecas dài 466 dặm và phải mất 10 năm mới hoàn tất, và vừa phải khéo léo thương
thuyết với những người thổ dân.
Sau cùng, Sebastian là
một điền chủ giàu có. Khi 60 tuổi ngài lập gia đình với một trinh nữ. Ðộng lực
chính mà người trinh nữ kết hôn với ngài có lẽ là số gia tài kếch sù; phần ngài
thì muốn giúp đỡ người con gái nghèo nàn không có của hồi môn ấy một cuộc đời
xứng đáng. Khi người vợ thứ nhất qua đời, ngài lấy một trinh nữ thứ hai cũng vì
lý do như trước; và người vợ thứ hai cũng chết sớm.
Vào năm 72 tuổi,
Sebastian phân phát tài sản cho người nghèo rồi gia nhập dòng Phanxicô với tư
cách của một thầy trợ sĩ. Ðược giao cho công việc ẩm thực của tu viện rộng lớn
ở Puebla de los Angeles (100 thành viên) nằm về phía nam của Mexico City, Thầy
Sebastian đã chu toàn bổn phận đi khất thực trong 25 năm. Lòng bác ái của thầy
đối với tất cả mọi người thật xứng với cái tên mà người ta đã đặt cho ngài,
"Thiên Thần của Mễ Tây Cơ."
Thầy Sebastian được
phong chân phước năm 1787 và là quan thầy của những người lữ hành.
Lời Bàn
Theo Quy Luật Thánh
Phanxicô, các tu sĩ phải làm việc để có miếng ăn. Nhưng đôi khi công việc của
họ không đủ cung cấp cho nhu cầu; thí dụ, họ chăm sóc người cùi là những người
không có gì để đáp trả. Trong trường hợp ấy, các tu sĩ được phép đi xin, và luôn
nhớ đến điều nhắc nhở của Thánh Phanxicô là hãy làm gương tốt để khuyến dụ dân
chúng. Cuộc đời của Chân Phước Sebastian, dù tuổi già nhưng vẫn hăng say, chắc
chắn đã đưa nhiều người đến gần Thiên Chúa hơn.
Lời Trích
Có lần Thánh Phanxicô
nói với các môn sinh: "Giữa thế gian và tu sĩ có một giao kèo. Tu sĩ
phải đem lại cho thế gian gương mẫu tốt lành; và thế gian phải cung ứng cho các
nhu cầu của họ. Khi các tu sĩ hư hỏng đức tin và không còn làm gương tốt, thế
gian sẽ rút tay lại như một sự khiển trách chính đáng" (2 Celano, #70).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét