Trang

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

CĂN HẦM Ở OKINAWA

CĂN HẦM Ở OKINAWA

Vào tháng Tư 1986, hai người tóc hoa râm nồng nhiệt chào đón nhau tại phi trường Quốc Tế Tokyo. Cả hai đều rưng rưng nước mắt. Một ông là người Hoa Kỳ, tên Ponich; ông kia là người Nhật, tên Ishibashi.
Lần sau cùng họ gặp nhau cách đây 40 năm trước, khi là những kẻ thù trong một căn hầm ở Okinawa.
Vào lúc đó, ông Hoa Kỳ, Trung Sĩ Ponich, đang bế một đứa bé năm tuổi người Nhật trong tay. Đứa bé này bị bắn trúng cả hai chân. Ishibashi là một trong hai người lính Nhật đã ẩn núp trong căn hầm này để bắn sẻ.
Bỗng dưng, Ishibashi và đồng bạn nhẩy ra từ chỗ ẩn nấp, chĩa súng vào ông Ponich, và chuẩn bị bóp cò hạ sát.
Ông Ponich không thể làm gì khác. Ông đặt đứa bé năm tuổi xuống đất, ông mở hộp cứu thương, và băng bó vết thương của đứa trẻ này.
Nếu ông phải chết, có cái chết nào tốt hơn là khi đang thi hành một công việc đầy thương xót. Nói cho cùng, Chúa Giêsu đã nói, “Phúc cho ai có lòng thương xót vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5:7)
Hai người lính Nhật nhìn nhau, sững sờ. Sau đó, từ từ, họ hạ súng xuống.
Nhiều phút sau, ông Ponich đã làm một điều mà ông Ishibashi không bao giờ quên được là bế đứa bé trong tay, đứng dậy, cúi chào hai người lính Nhật, và sau đó đem đứa trẻ đến một chẩn y viện Hoa Kỳ trong vùng.
Làm thế nào hai ông này lại gặp nhau sau nhiều năm xa cách?
Vào năm 1985, ông Ponich viết một lá thư cho tờ báo ở Tokyo, cảm ơn dân chúng Nhật vì hai người lính Nhật đã tha chết cho ông cách đây 40 năm trong cái hầm ở Okinawa.
Ishibashi đọc được lá thư này và đã liên lạc với ban biên tập tờ báo, họ đã xếp đặt cuộc gặp gỡ.
Cuộc gặp gỡ thì lâu và trìu mến. Mỗi người kể lại chi tiết cuộc đời mình sau khi chấm dứt chiến tranh.
Ông Ponich còn một công việc chưa hoàn tất. Bây giờ ông đang tìm kiếm đứa trẻ mà ông đã ẵm nó trong tay trong cái hầm đó. Ông Ponich nói:
Nó thật phi thường. Nó bị đạn ở đôi chân và thật đau đớn nhưng nó không khóc, không kêu than gì cả. Nếu tôi có thể tìm ra được điều gì đã xảy ra cho nó, đó sẽ là một kết thúc tuyệt vời cho câu chuyện này. (Ronald Yate, Chicago Tribune)
Không phải mọi hành động thương xót đều chấm dứt cách mỹ miều hay được công bố cho toàn thế giới. Nhưng mỗi một hành động thương xót, dù nhỏ đến đâu, đều nhìn nhận một chân lý mỹ miều và sâu xa của lời Chúa trong bài phúc âm hôm nay: “Phúc cho ai có lòng thương xót vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.”
Tự điển định nghĩa xót thương là “đối xử một cách giầu lòng trắc ẩn với người trong hoàn cảnh hiểm nghèo”.
Đó là loại đối xử giầu lòng trắc ẩn mà Trung Sĩ Ponich đã cho thấy với một đứa trẻ bị thương tích. Đó là loại đối xử giầu lòng trắc ẩn mà hai người lính Nhật đã cho thấy với ông Ponich khi ông này ở trong tình trạng tuyệt vọng.
Chữ “compassion” xuất phát từ chữ Latinh và có nghĩa “đau khổ với” hay “cảm nhận với”.
Cuốn phim To Kill a Mockingbird gồm một cảnh cảm động, trong đó Atticus Finch nói với các con của ông:
Nếu các con muốn hiểu được người khác, các con phải đặt mình vào con người của họ và cùng bước đi với họ.
Đó là một diễn tả xuất sắc về chữ “compassion”. “Compassion” có nghĩa có thể đặt mình vào bên trong người khác – để thấy qua đôi mắt của họ, để cảm nhận với những cảm giác của họ, và để nghĩ với những ý nghĩ của họ.
Nó có nghĩa đặt mình vào hoàn cảnh của đứa trẻ Nhật bị thương và nhìn với đôi mắt của nó, cảm nhận với những cảm giác của nó, và suy nghĩ với những nghĩ ngợi của nó.
Nó có nghĩa đặt mình vào hoàn cảnh của một Trung Sĩ Hoa Kỳ bị lâm vào thế kẹt khi đang chăm sóc một đứa trẻ bị thương tích và nhìn những gì ông đang thấy, cảm được những gì ông  đang cảm thấy, và suy nghĩ những gì ông đang nghĩ ngợi.
Điều đó có nghĩa thi hành những gì mà chính Thiên Chúa đã thi hành trong con người của Đức Giêsu Kitô. Trong nghĩa đen, Thiên Chúa, trong con người của Đức Giêsu, đã xuống thế gian, và bước đi trong đôi giầy của chúng ta.
Người trở nên một con người như chúng ta. Người nhìn với đôi mắt của chúng ta, yêu thương với con tim của chúng ta, suy nghĩ với tâm trí của chúng ta và cảm giác với những cảm xúc của chúng ta.
Người Pháp có một ngạn ngữ nói rằng, “Biết tất cả là tha thứ tất cả.”
Điểm chính của ngạn ngữ này là nếu chúng ta có thể đặt mình vào trong con người của kẻ thù và cảm được những gì họ thi hành, chúng ta sẽ tha thứ cho họ. Chúng ta sẽ đối xử họ với lòng trắc ẩn.
Chúng ta sẽ đối xử họ với lòng trắc ẩn như Đức Giêsu đã đối xử với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.
Chúng ta sẽ đối xử họ với cùng một lòng trắc ẩn như Đức Giêsu đã đối xử với tên trộm trên thập giá.
Chúng ta sẽ đối xử họ với cùng một lòng trắc ẩn như Đức Giêsu đã đối xử với các lý hình khi Người nói, “Lậy Cha, xin tha cho họ! Vì họ không biết việc họ làm.” (Luca 23:34)
Shakespeare có nói trong kịch bản nổi tiếng của ông Merchant of Venice: “[thương xót] là chúc phúc hai lần; Nó chúc phúc người có lòng thương xót và chúc phúc cả người nhận.”
Điểm mà Shakespeare muốn nói là khi chúng ta tỏ lòng thương xót người khác, chính chúng ta được chúc phúc với lòng thương xót ấy.
Người trung sĩ Hoa Kỳ được thương xót bởi hai người lính Nhật vì một lý do khác với sự thương xót của ông dành cho đứa trẻ.
Bài phúc âm hôm nay là một lời mời chúng ta hãy tỏ lòng thương xót người khác. Đó là một mời gọi chúng ta hãy thương xót người khác theo kiểu cách mà Chúa Giêsu đã thương xót chúng ta. Đó là một mời gọi chúng ta hãy tỏ lòng thương xót người khác theo kiểu cách mà chúng ta muốn họ thương xót chúng ta.
Và nếu chúng ta chấp nhận lời mời này, chúng ta có được lời hứa của chính Chúa Giêsu rằng Cha trên trời sẽ thương xót chúng ta.
Người sẽ tỏ lòng thương xót chúng ta như Chúa Giêsu đã thương xót người phụ nữ ngoại tình, người trộm lành, và các lý hình – cùng với lòng trắc ẩn mà các người lính Nhật đối xử với Trung Sĩ Ponich.
Chúng ta hãy kết thúc với những lời về lòng thương xót từ một lời nguyện thật đẹp của thi sĩ người Anh Alexander Pope:
Lậy Chúa!
Xin hãy dậy con biết thương cảm với những tai ương của người khác, để không nhìn thấy khuyết điểm mà con thấy; để lòng thương xót mà con đối với người khác cũng sẽ được đối xử với chính con.
Lm Mark Link, S.J.
(Pt TV Nhật lược dịch)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét