Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

Ông Môshê bầu cử cho dân

Ông Môshê bầu cử cho dân

Một trong những nét đẹp nhất nơi gương mặt của ông Môshê đó là ông luôn bầu cử cho dân Israel trước mặt Thiên Chúa, xin Ngài nguôi giận và tha thứ cho dân. Ở đây lời cầu của ông là lời cầu bầu cử. Chương 24 sách Xuất Hành kể lại việc ký giao ước với Giavê Thiên Chúa. Thiên Chúa ra lệnh cho ông Môshê cùng đi lên với Aharon, Nadab, Abihu và bảy mươi kỳ mục Israel. Họ được nhìn thấy Chúa của Israel; dưới chân Người như có nền lát bằng lam ngọc trong vắt như chính bầu trời. Người không ra tay hại những bậc vị vọng của Israel; họ được chiêm ngưỡng Thiên Chúa, và sau đó họ ăn uống. Đức Chúa phán với ông Môshê: ”Hãy lên núi với Ta và ở lại đó; Ta sẽ ban cho ngươi những bia đá: Luật và mệnh lệnh Ta đã viết ra để dạy dỗ chúng”. Ông Môshê đứng lên cùng với người phụ tá là ông Giôsuê, rồi ông Môshê lên núi của Thiên Chúa. Ông nói với các kỳ mục: ”Các ông đợi chúng tôi ở đây cho tới khi chúng tôi trở lại với các ông. Đây có ông Aharon và ông Khua ở với các ông. Ai có việc gì cứ đến với hai ông ấy.” Ông Môshê lên núi.

Bấy giờ mây bao phủ núi. Vinh quang của Đức Chúa ngự trên núi Sinai và mây bao phủ núi sáu ngày. Đến ngày thứ bảy, từ giữa đám mây Người gọi ông Môshê. Vinh quang Đức Chúa xuất hiện trên đỉnh núi trông giống như ngọn lửa thiêu, trước mắt con cái Israel. Ông Môshê vào giữa đám mây và đi lên núi. Ông Môshê ở trên núi bốn mươi ngày bốn mươi đêm” (Xh 24,9-18).

Chương 32 kể lại tội chối bỏ Thiên Chúa của dân Israel. Đây là tội nặng nhất mà dân Israel sa phạm nhiều lần trong lịch sử. Trong bối cảnh của sách Xuất Hành nó càng nặng hơn nữa vì họ vừa mới ký kết giao ước với Giavê Thiên Chúa nhận Ngài làm Chúa của họ và họ trở thành dân riêng của Ngài.

Dân Israel đợi lâu không thấy ông Môshê xuống núi nên họ làm áp lực với ông Aharon, xin ông làm cho họ một vị thần để dẫn đầu họ. Ông Aharon thu góp tất cả khuyên vàng của dân lại và đúc một con bò vàng. Bấy giờ họ nói: ”Hỡi Israel, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ Ai Cập”. Thấy vậy ông Aharon dựng một bàn thờ trước tượng con bê rồi hô tô: ”Mai có lễ kính Giavê!” Trong tội thờ tà thần này ông Aharon có lỗi rất lớn, vì là tư tế mà không ngăn cản dân phản bội Thiên Chúa và còn gọi con bò vàng là Giavê (Xh 32,6).

Bao nhiêu năm sống bên ai Cập dân Israel đã bị ảnh hưởng nặng nề của các dân ngoại có tục tôn thờ thần bò mộng. Bò mộng là thần linh được tôn thờ nhất trong vùng Trung Đông Cổ: tại Canaan, tại Ugarit và bên Siria, nơi thần Baal Khadad là thần bão tố tay cầm sấm sét đứng trên con bò mộng. Hình thần bò mộng này cũng được tôn kính tại miền Ai Cập Hạ. Tượng bò mộng Apis được tôn kính trong đền thờ Heliopolis, như là nhập thể của thần Osiride, và con bò mộng Mnevis được tôn kính trong đền thờ Ptah ở Memphi như là nhập thể của thần mặt trời. Vua Giêroboam đã từng ở bên Ai Cập, vì thế khi tách rời khỏi vương quốc thống nhất để thành lập vương quốc Israel miền bắc, ông đã cho đúc tượng hai con bò vàng và đặt ở hai trung tâm thờ tự Bethel và Dan, như kể trong chương 12 sách các Vua I. Vua Giêroboam ra lệnh cho dân không được lên Giêrusalem làm việc tế tự nữa, mà đến hai trung tâm thờ tự Betel và Dan để tế lễ. Sự ly khai chính trị và tôn giáo này kéo dài cho tới khi Samaria thủ đô của vương quốc miền bắc bị phá hủy bởi tay của người Assiri năm 722 trước công nguyên, và dân Israel miền bắc bị đầy sang Ninive.

Chương 32 sách Xuất Hành kể tiếp: ”Ngày hôm sau, họ dậy sớm, dâng tiến những của lễ toàn thiêu và những lễ vật kỳ an. Dân ngồi ăn uống rồi đứng lên bầy trò vui chơi. Đức Chúa phán với ông Môshê: ”Hãy đi xuống vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dâm mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai Cập. Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta đã truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bò, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: ”Hỡi Israel, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai Cập.” Đức Chúa lại phán với ông Môshê: ”Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thinh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn.”

Ông Môshê cố làm cho nét mặt Đức Chúa, Thiên Chúa của ông dịu lại. Ông thưa: ”Lậy Đức Chúa, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai Cập? Tại sao người Ai Cập có thể rêu rao: Chính vì ác tâm mà Người đã đưa chúng ra, để giết chúng trong miền núi và tiêu diệt chúng khỏi mặt đất? Xin Ngài nguôi cơn thịnh nộ và xin Ngài thương đừng hại dân Ngài. Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Abraham, Igiaác và Giacóp; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời.” Đức Chúa đã thương không giáng phạt dân người như Người đã đe.”

Cuộc đối thoại giữa ông Môshê và Thiên Chúa trên đây và lời cầu của ông nêu bật một khía cạnh tuyệt đẹp và cao qúy nơi gương mặt của người lãnh đạo. Mỗi một người lãnh đạo phải là một người biết bầu cử cho dân trước mặt Thiên Chúa.

Tác giả chương 32 kể tiếp như sau: ”Ông Môshê từ núi trở xuống, tay cầm hai tấm bia Chứng Ước; những bia ấy có viết cả hai mặt, mặt trước cũng như mặt sau. Những bia ấy là do Thiên Chúa làm ra, chữ là chữ của Thiên Chúa khắc trên các bia.

Ông Giôsuê nghe tiếng dân reo hò, thì nói với ông Môshê: ”Có tiếng giao tranh trong trại!” Nhưng ông Môshê nói: ”Tôi nghe không phải tiếng ca chiến thắng, không phải lời than bại trận mà là tiếng ca đối đáp!”

Vậy khi đến gần trại, ông thấy con bê và những bọn người đang nhảy múa. Ông Môshê nổi cơn thịnh nộ. Ông ném các tấm bia đang cầm trong tay và đập vỡ dưới chân núi. Ông lấy con bê họ đã làm đốt đi, tán nhuyễn ra, rắc lên mặt nước, rồi bắt con cái Israel uống.

Ông Môshê bảo ông Aharon: ”Dân này đã làm gì mà ông đưa họ tới chỗ phạm một tội lớn như thế?” Ông Aharon nói: ”Xin ngài chớ bừng bừng nổi giận; chính ngài biết dân này có khuynh hướng xấu. Họ nói với tôi: Xin ông làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho cái ông Môshê này, là người đã đưa chúng tôi lên từ Ai Cập. Tôi nói với họ: ai có vàng? Họ đã gỡ đồ vàng đeo tai và đưa cho tôi; tôi ném vào lửa và đã ra con bê này.”

Ông Môshê thấy dân sống buông thả, vì ông Aharon đã để họ sống buông thả, khiến họ nên trò cười cho địch thủ của họ. Với sự trợ giúp của các con cái Lêvi ông đã đánh phạt những kẻ sống buông thả, và đặt các Lêvi thay thế các tư tế.

Ngày hôm sau ông Môshê nói với dân: ”Anh em đã phạm một tội lớn, nhưng giờ đây tôi sắp lên gặp Giavê; may ra tôi sẽ xin được Người xá tội cho anh em.” Ông Môshê trở lại với Giavê và thưa: ”Than ôi, dân này đã phạm một tội lớn! Họ đã làm cho mình một tượng thần bằng vàng! Nhưng giờ đây ước gì Ngài đừng chấp tội họ! Bằng không, thì xin Ngài xóa tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết.” Giavê phán với ông Môshê: ”Kẻ nào phạm tội làm mất lòng Ta, Ta sẽ xóa tên nó khỏi cuốn sách của Ta. Bây giờ ngươi hãy đi, đưa dân tới nơi Ta đã chỉ cho người. Này thiên sứ của Ta sẽ đi trước mặt ngươi; nhưng đến ngày Ta trừng phạt, Ta sẽ trừng phạt chúng vì tội chúng đã phạm.” Giavê đánh phạt dân vì họ đã đúc con bê, chính con bê mà ông Aharon đã đúc.

Sau đó ông Môshê ”lấy một chiếc lều và đem dựng cho mình bên ngoài trại, cách một quãng xa. Ông gọi lều ấy là Lều Hội Ngộ. Ai thỉnh ý Giavê thì ra Lều Hội Ngộ, ở ngoài trại. Mỗi khi ông Môshê ra Lều, toàn dân đứng lên, ai nấy đứng ở cửa lều mình và nhìn theo ông Môshê cho đến khi ông vào trong Lều. Mỗi khi ông Môshê vào trong Lều, thì cột mây đáp xuống, đứng ở cửa Lều, và Giavê đàm đạo với ông Môshê. Khi thấy cột mây đứng ở cửa Lều, toàn dân đứng dậy; và ai nấy phủ phục ở cửa lều mình. Giavê đàm đạo với ông Môshê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau. Rồi ông Môshê trở về trại; nhưng phụ tá của ông là chàng thanh niên Giôsuê, con ông Nun, thì cứ ở trong Lều, không rời khỏi đó.”

Tiếp đến ông Môshê lại chuyển cầu cho dân, xin Giavê Thiên Chúa coi dân Israel là dân của Ngài và đi với họ, như thế ông và dân khác với mọi dân tộc trên mặt đất. Thiên Chúa hứa sẽ làm những gì ông xin. Nhưng khi ông Môshê xin Thiên Chúa cho ông được thấy mặt Ngài, thì Giavê trả lời: ”Ngươi không thể trông thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống”. Thiên Chúa cho ông thấy sau lưng của Ngài bằng cách đặt ông vào hốc đá và lấy bàn tay che ông cho đến khi Ngài đi qua. Tiếp đến Ngài sai ông đẽo hai bia đá giống như hai bia đá trước để Ngài khắc trên đó những lời đã ghi trên bia đá ông đã đập vỡ, rồi sáng sớm lên núi chờ Ngài trên đỉnh núi. Giavê ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng danh Người là Giavê. Giavê đi qua trước mặt ông và xướng: ”Giavê! Giavê! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông”. Ông Môshê vội vàng phục xuống đất thờ lạy và thưa: ”Lậy Chúa, nếu qủa thật con được nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm của chúng con, và nhận chúng con làm sự nghiệp của Ngài”...

Khi ông Môshê xuống núi tay cầm hai tấm bia, ông không biết rằng mặt ông sáng chói bởi đã đàm đạo với Thiên Chúa. Sau đó ông lấy khăn che mặt, cho đến khi vào đàm đạo với Thiên Chúa.

(Thần Học Kinh Thánh bài số 1196)

Linh Tiến Khải


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét