06/01/2018
Thứ Bảy trước lễ Hiển Linh
Bài Ðọc I: 1 Ga
5,5-6.8-13
"Thánh Thần,
nước và máu"
Bài trích thơ thứ nhất
của Thánh Gioan Tông Ðồ.
Các con thân mến, ai
là người chiến thắng thế gian, nêu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là
Con Thiên Chúa?
Ðấng đã đến nhờ nước
và máu, chính là Ðức Giêsu Kitô, không phải trong nước mà thôi, nhưng trong nước
và máu nữa.
Có Thánh Thần làm chứng:
Thánh Thần, nước và máu, cả ba chỉ là một.
Nếu chứng của Người đời
mà chúng ta còn nhận lấy, thì chứng của Thiên Chúa còn mạnh hơn.
Vì đó là chứng của
Thiên Chúa, chứng mạnh hơn là Người đã làm chứng về Con mình.
Ai tin kính Con Thiên
Chúa, thì có chứng của Thiên Chúa nơi mình.
Còn ai không tin Thiên
Chúa, thì cho Người là gian dối, vì kẻ ấy không tin nơi chứng mà Thiên Chúa đã
làm chứng về Con mình.
Và chứng đó là thế
này: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống đó ở trong Con
của Người.
Ai có Chúa Con, thì có
sự sống, còn ai không có Chúa Con, thì cũng không có sự sống.
Ta viết các điều này
cho các con, để các con biết rằng: Các con là những người tin vào danh Con
Thiên Chúa, các con được sống đời đời.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv. 147, 12-13,
14-15, 19-20
Ðáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa. (12a)
Xướng 1) Giêrusalem hỡi,
hãy ngợi khen Chúa, Hãy ngợi khen Thiên Chúa ngươi, hỡi Sion, vì Người đã củng
cố then chốt cửa thành ngươi, con cái ngươi được Người chúc phúc trong ngươi. -
Ðáp.
2) Người sắp đặt bờ
cõi ngươi trong thanh bình, cho ngươi hưởng no nê những tinh hoa lúa miến. Người
đã sai Lời Người xuống mặt đất, và Lời Người đã mau mắn chạy đi. - Ðáp.
3) Người đã rao Lời
Người cho Giacób, Lề Luật và giới răn người cho Israel. Người không làm như thế
cho dân khác, không bày tỏ cho họ biết giới răn Người. - Ðáp.
Alleluia: Ga 1, 14 và
12b
Alleluia, Alleluia.
Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người
ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 1, 6b-11
"Con là con
yêu qúy của Cha, con đẹp lòng Cha mọi đàng".
Bài trích Phúc Âm theo
Thánh Marcô.
Khi ấy Gioan rao giảng
rằng: "Có Ðấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng
cúi xuống cởi dây giày cho Người.
Phần tôi, tôi đã rửa
anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần.
Và đã xảy ra là trong
những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nazarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở
sông Giođan.
Khi vừa lên khỏi nước,
Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên
mình.
Và có tiếng từ trời:
Con là con yêu quí của Cha, con đẹp lòng Cha mọi đàng.
Ðó là Lời Chúa.
Suy Niệm: Phép
rửa
Có hai anh bạn đi
mua đồ phế thải. Sau khi xem xét một hồi, anh thứ nhất nói:
- Toàn là đồ “năm vố”
không à.
Còn anh kia thì nhặt
lên một cây thánh giá cũ kỹ đã han dỉ và nói:
- Thật là khó mà
tin được, tôi đã tìm thấy một món đồ quý. Cây thánh giá này được làm bằng chất
bạc ngày xưa.
Anh ta mang cây
thánh giá về nhà, lau chùi, rồi đưa cho đứa con mới đi học giáo lý về. Nó kính
cẩn cầm trong tay, ngắm nghía một hồi rồi bật khóc. Thấy vậy anh liền hỏi:
- Tại sao con khóc.
Nó trả lời:
- Con không thể cầm
lòng được khi nhìn vào Chúa Giêsu bị treo trên thập giá.
Và như thế, cả ba
người đều nhìn vào cây thập giá, thế mà người thứ nhất chỉ thấy đó là đồ ve
chai mủ bể, người thứ hai thì thấy đó là một đồ vật có giá trị. Còn người thứ
ba thì nhận ra Chúa Giêsu trên đó. Cách nhìn cây thập giá trên cũng tương tự
như cách chúng ta nhìn Phúc âm.
Tất cả chúng ta đều
nghe cùng một đoạn Phúc âm, thế nhưng mỗi người lại hiểu và phản ứng một cách
khác nhau. Có thể chúng ta chỉ nghe như nghe một câu chuyện bình thường, chẳng
có chi đặc sắc. Có thể chúng ta đã lắng nghe và tiến thêm một bước nữa, đó là
tìm hiểu ý nghĩa của câu chuyện. Có thể ngoài việc học hỏi ý nghĩa, chúng ta
còn cố gắng áp dụng vào cuộc sống. Đó là ba bước tiếp nhận Phúc âm: lắng
nghe, học hỏi và áp dụng.
Đi vào đoạn Tin
Mừng sáng hôm nay về sự việc Chúa Giêsu chịu phép rửa:
Bước thứ nhất, chúng ta lắng nghe câu chuyện và biết rằng: sau khi
Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu thì tầng trời mở ra, Chúa Thánh Thần ngự xuống
và có tiếng từ trời phán ra. Và cũng chỉ có vậy mà thôi.
Bước thứ hai, chúng ta đi xa hơn một chút, bằng cách cố gắng tìm hiểu
ý nghĩa của những sự kiện trên. Chẳng hạn hình ảnh trời mở ra cho ta thấy Thiên
Chúa đã nghe lời cầu nguyện của dân Ngài và Ngài đang đến để cứu vớt họ. Hình ảnh
Chúa Thánh Thần ngự xuống gợi lên cho chúng ta về một kỷ nguyên mới, vũ trụ này
được tái tạo để trở nên tốt đẹp hơn, như ngày xưa, khi tạo dựng trời đất, Thánh
Thần Chúa cũng đã bay lượn trên nước. Còn hình ảnh thứ ba,
có tiếng nói từ trời phán ra:
- Đây là
con Ta rất yêu dấu.
Những lời này cho thấy
Đức Kitô là Con Thiên Chúa, là Adong mới của cuộc tạo dựng mới, như lời thánh
Phaolô:
- Người thứ nhất tức
Adong được tạo dựng là con người sống. Nhưng Adong cuối cùng là Đức Kitô, lại
là thần khí ban sự sống. Adong thứ nhất bởi đất mà ra. Còn Adong thứ hai thì từ
trời mà đến. Như chúng ta đã mang ảnh hưởng của con người bởi đất, tức Adong thứ
nhất thế nào thì chúng ta cũng sẽ mang hình tượng con người bởi trời, tức Adong
thứ hai là Đức Kitô như vậy.
Ngoài việc lắng nghe,
tìm hiểu ý nghĩa, chúng ta còn phải áp dụng ý nghĩa câu chuyện ấy vào cuộc sống
chúng ta.
Chẳng hạn, chúng ta có
thể nhớ lại rằng: Cuộc sáng tạo mới bắt đầu với phép rửa của Chúa Giêsu và đã
trở thành một thực tại gắn bó với mỗi người chúng ta. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa
tội, thì một cách nào đó, bầu trời cũng mở ra, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên
chúng ta và chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa.
Và như thế chúng ta phải
sống thế nào cho xứng đáng với tước vị cao cả ấy. Chính vì thế mà thánh Phaolô
đã khuyên chúng ta:
- Anh em đã sống lại
cùng Đức Kitô, vậy anh em hãy hướng tâm hồn vào những sự trên trời chứ đừng vào
những sự vật của trần thế này.
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Ngày 6 tháng 1 GS
Bài đọc: 1 Jn
5:5-6, 8-13; Mk 1:6b-11.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đức Kitô có đủ bằng chứng cho chúng ta tin tưởng nơi
Ngài.
Để tin điều gì, chúng
ta cần có bằng chứng. Một trong những cách con người dùng để tin là qua các
nhân chứng, vì chúng ta không luôn luôn được chứng kiến sự thật.
Các bài đọc hôm nay
xoay quanh các nhân chứng của Đức Kitô. Tất cả đều chứng nhận ngài là Đấng
Thiên Sai được Thiên Chúa sai đến để chuộc tội cho con người. Trong bài đọc I,
thánh Gioan liệt kê 3 nhân chứng trong cuộc đời của Đức Kitô là Thánh Thần, Nước
(lời chứng của Chúa Cha), và Máu của Đức Kitô đã đổ ra trong lịch sử để chuộc tội
cho con người. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả là nhân chứng của Đức Kitô cho sự
hiện diện của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần; vì ông là người đã chứng kiến những
điều này khi ông làm phép thanh tẩy bằng nước cho Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thánh Thần, nước, và máu; cả ba cùng làm chứng một điều.
1.1/ Ba chứng nhân của Đức
Kitô: “Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến,
nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong
máu. Chính Thánh Thần là chứng nhân, và Thánh Thần là sự thật. Có ba chứng
nhân: Thánh Thần, nước và máu. Cả ba cùng làm chứng một điều.” Để hiểu đọan văn
này, chúng ta cần đọc lại Phúc Âm Gioan, và hoàn cảnh lịch sử thời đại của
Ngài. Đọan văn trong Phúc Âm nói về “nước và máu” như sau: “Nhưng một người
lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, “máu cùng nước” chảy ra. Người
xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy
biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Jn 19:34-35). Nước và Máu
là 2 biến cố quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu: Nước khi Ngài chịu Phép
Rửa bởi Gioan trong giòng sông Jordan. Máu khi Ngài chịu chết trên Đồi
Golgotha.
Sở dĩ Gioan nhấn mạnh
đến “nước và máu” là vì có bè rối “Thuần Tri Thức.” Cerinthus,
người đại diện cho bè rối này, tin Chúa Kitô đến bằng “nước,” khi Ngài chịu
Phép Rửa. Thánh Thần hiện xuống và ở lại trong Đức Kitô, và làm cho Ngài trở
thành Con Thiên Chúa. Họ không chấp nhận “máu,” vì họ không tin Thiên Chúa phải
chịu đau khổ. Họ giải thích: trên Đồi Golgotha, Thánh Thần xuất khỏi Đức Kitô
và về trời. Có người còn cho người chịu đóng đinh là ông Simon, chứ không phải
là Đức Kitô. Thánh Gioan muốn chống lại bè rối này bằng cách nhấn mạnh đến cả 3
nhân chứng đều cần thiết để tin vào Đức Kitô là Đấng Thiên Chúa sai đến để chuộc
tội cho nhân loại.
(1) Thánh Thần: hiện
xuống và xức dầu cho Đức Kitô khi Ngài chịu Phép Rửa (Mk 1:9-11, Mt 3:16-17, Lk
3:21, Jn 1:32-34, Acts 10:38). Phép Rửa này hoàn toàn khác với Phép Rửa của
Gioan (Mk 1:8, Mt 3:11, Lk 3:16, Acts 1:5, 2:33). Thánh Thần hiện xuống với các
Tông-đồ trong Ngày Lễ Ngũ Tuần (Acts 2:4), và trong đời sống của Giáo-Hội (Acts
8:17, 10:14).
(2) Nước: Tại biến cố
Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Đức Kitô: "Tôi đã thấy
Thánh Thần tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết
Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi:
"Ngươi thấy Thánh Thần xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng
làm phép rửa trong Thánh Thần." Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người
là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn" (Jn 1:32-34).
(3) Máu: Theo truyền
thống Do-Thái, máu súc vật phải đổ ra để làm lễ hy sinh đền tội cho con người.
Đức Kitô là Chiên Thiên Chúa đến xóa tội trần gian bằng lễ tế hy sinh của Ngài
trên Thập Giá. Ngài thiết lập bí-tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, và Giáo Hội
chúng ta hằng ngày cử hành Thánh Lễ để liên tục tái diễn hy lễ của Đức Kitô
trên Thập Giá để xóa tội cho con người.
1.2/ Chúng ta phải tin lời
của các chứng nhân: Đức Kitô đến từ Thiên
Chúa.
(1) Lời chứng của
Thiên Chúa cao trọng hơn lời chứng của người phàm: Luật dạy khi có 2 hoặc 3
nhân chứng, lời chứng đó là sự thật. Đức Kitô có rất nhiều nhân chứng: Gioan Tẩy
Giả, các phép lạ Ngài làm, Kinh Thánh, các Tông-đồ …, nhưng lời chứng của Chúa
Cha qua tiếng vọng từ trời “Đây là Con Ta yêu dấu,” và lời chứng của Thánh Thần
qua hình ảnh chim bồ câu đậu lại trên Đức Kitô, là những lời chứng có thế giá
hơn cả. Con người phải nhận những lời chứng này và tin vào Đức Kitô; vì “ai
không tin Đức Kitô, thì coi Thiên Chúa là kẻ nói dối, vì kẻ ấy không tin vào lời
Thiên Chúa đã làm chứng về Con của Người.”
(2) Tin vào Đức Kitô mới
có sự sống đời đời: “Lời chứng đó là thế này: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự
sống đời đời, và sự sống ấy ở trong Con của Người. Ai có Chúa Con thì có sự sống;
ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống.”
2/ Phúc Âm: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về
Con."
3.1/ Sự khác biệt giữa
hai Phép Rửa của Gioan và của Đức Kitô: Gioan
Tẩy Giả phân biệt sự khác biệt như sau: "Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến
sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép
rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong
Thánh Thần." Phép Rửa làm bởi Gioan là phép rửa làm bởi con người để tha tội.
Phép Rửa làm bởi Đức Kitô là phép rửa làm bởi Thiên Chúa, Đấng quyền thế hơn
con người. Người chịu Phép Rửa sẽ được xức dầu bởi Chúa Thánh Thần, và được
lãnh nhận mọi ơn cần thiết cho con người.
3.2/ Phép Rửa của Đức
Kitô: “Hồi ấy, Đức Giêsu từ Nazareth miền
Galilee đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Jordan. Vừa lên khỏi nước,
Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống
trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha,
Cha hài lòng về Con."”
(1) Tại sao Chúa Giêsu
chịu Phép Rửa bởi Gioan? Phép Rửa của Gioan là phép rửa để tha tội. Tại sao
Chúa Giêsu, Đấng không hề phạm tội, lại muốn chịu Phép Rửa của Gioan? Chính
Gioan đã ngăn cản Ngài: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà
Ngài lại đến với tôi!" Nhưng Đức Giêsu trả lời: "Bây giờ cứ thế đã.
Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính." Bấy giờ ông Gioan
mới chiều theo ý Người (Mt 3:14-15). Thánh Ambrose đưa một lý do khác: Chúa
Giêsu, Đấng thánh thiện tinh tuyền, chịu Phép Rửa để thánh hiến nước của giòng
sông Jordan; và Giáo Hội dùng nước này để rửa tội cho các tín hữu.
(2) Sự hiện diện của
Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu: Truyền thống Do-Thái tin chim bồ câu tượng
trưng cho sư hiền lành. Như Sách Tiên-tri trong Bài Đọc I mô tả Người tôi
trung: Người chinh phục con người không bằng những lời đe dọa hay sức mạnh,
nhưng bằng tình yêu và sự kiên nhẫn. Chúa Giêsu được xức dầu bởi Thánh Thần và
được tấn phong để thi hành sứ vụ Cứu Độ.
(3) Tiếng của Chúa Cha
tuyên phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con." Khác với
trình thuật của Matthêu: “Đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người.” Chúa
Cha nói trực tiếp với Chúa Con, và bày tỏ sự hài lòng về tất vả mọi việc của
Chúa Con làm. Nếu so sánh, chúng ta thấy trình thuật của Marcô gần với những gì
tường thuật bởi tiên-tri Isaiah trong Bài Đọc I hơn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đức Kitô có đủ bằng
chứng cho chúng ta tin tưởng nơi Ngài.
- Bổn phận của chúng
ta là làm chứng cho Đức Kitô để mọi người đều tin vào ngài.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
06/01/2018
THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
Mc 1,7-11
Mc 1,7-11
HÃY LÀM CHO NGÀI LỚN LÊN
“Có Đấng quyền thế
hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.” (Mc 1,7)
Suy niệm: Larry
Stewart là “ông già No-en bí ẩn”. Trong suốt 26 năm, ông đã âm thầm tặng rất
nhiều tiền cho các gia đình nghèo vào dịp Giáng Sinh. Nay bị bệnh hiểm nghèo,
Larry phải tiết lộ danh tánh để kêu gọi mọi người tiếp tục hoạt động nhân ái của
mình. Chuyện “cổ tích thời đại” này đã làm nhiều người cảm động và hưởng ứng.
Tin Mừng hôm nay trình bày một thái độ chuẩn mực của Gio-an đối với Đức Giê-su.
Khiêm tốn và thẳng thắn, Gio-an xác nhận rằng Đức Giê-su trổi vượt hơn mình và
mình không đáng cởi quai dép cho Người. Đây là mẫu mực cho một bài giảng, bài
giáo lý qui Ki-tô; hơn thế nữa, cả cuộc đời và con người của
Gio-an cũng là mẫu mực cho cuộc đời và con người qui Ki-tô.
Đức Ki-tô là trung tâm và giềng mối của tất cả. Người là Đấng Cứu Tinh của tất
cả. Khác với “ông già No-en bí ẩn” trên kia, Người trao ban cho ta không phải một
món quà nào đó, mà là chính bản thân Người, tức chính bản thân Thiên Chúa. Còn
món quà nào lớn lao hơn?
Mời Bạn: Cuộc sống hôm nay xô bồ và
tất bật. Người ta mải mê với đủ thứ chuyện trên đời và nhiều khi quên mất Đức
Giê-su, hay khá hơn thì chỉ xem Người là một giá trị nào đó xen lẫn trong nhiều
thứ giá trị khác. Trong bối cảnh ấy, người môn đệ của Chúa hôm nay càng phải
triệt để qui Ki-tô như vị Tiền Hô của Người: nói năng,
hành động, và cả con người mình phải được định hướng qui Ki-tô.
Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại!
Cầu nguyện: Xin Chúa lớn lên trong con và trở thành tất cả ý nghĩa của
đời con. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
Con yêu dấu của Cha (6.1.2018 – Thứ bảy)
Đức Giêsu chịu phép rửa là mầu nhiệm đầu tiên của Năm Sự Sáng. Ánh sáng của Thiên Chúa chỉ bừng tỏa trên con người khiêm nhu.
Suy niệm:
Sau khi mừng Lễ Chúa Hiển
Linh cho các đạo sĩ dân ngoại,
chúng ta mừng Đức Giêsu
được hiển linh trên sông Giođan,
dù theo Tin Mừng Máccô,
cuộc hiển linh này chỉ mình Ngài biết.
Nghe lời kêu gọi của
Gioan từ hoang địa,
bao người từ khắp nơi kéo
đến thú tội và chịu phép rửa của ông.
Phép rửa này nhằm bày tỏ
lòng sám hối để được tha các tội (Mc 1, 4-5).
Trong số những người xếp
hàng chờ đến lượt mình,
có Đức Giêsu, một ông thợ
mộc từ vùng Nadarét.
Đức Giêsu có thú tội với Gioan,
và sám hối để được tha thứ không?
Đức Giêsu có biết mình là
Đấng cao trọng mà Gioan loan báo không?
Chúng ta cần chiêm ngắm
mầu nhiệm lạ lùng này thật lâu.
Hành vi công khai đầu
tiên của Đức Giêsu
là đứng chung với đồng
bào, với tội nhân,
là khiêm hạ để mình bị
dìm xuống nước, hầu được thanh tẩy.
Nhưng vào chính giây phút
Ngài lên khỏi nước (c. 10)
bất ngờ Ngài thấy trời
cao mở ra:
Thần Khí như chim bồ câu
ngự xuống trên Ngài,
bất ngờ Ngài nghe tiếng
Thiên Chúa nói riêng với mình :
“Con là Con yêu dấu của
Ta, Ta hài lòng về Con” (c. 11).
Đối với Đức Giêsu, đây
thật là một mặc khải quan trọng.
Thiên Chúa vén mở mối
tương quan Cha-Con thân thiết,
đồng thời ban Thần Khí để
Thần Khí ở lại mãi với Đức Giêsu.
Nơi dòng sông Giođan hôm
đó, có sự hiển linh của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Đức Giêsu là Đấng vô tội,
vì luôn làm đẹp lòng Cha,
nhưng vẫn đến với Gioan
để xin chịu phép rửa sám hối.
Đức Giêsu là Đấng gần gũi
với Thiên Chúa như Con với Cha,
nhưng cũng gần gũi với
anh em của mình.
Những gì đã xảy ra ở sông
Giođan, sẽ xảy ra mãi cho Đức Giêsu.
Mỗi lần Ngài khiêm hạ dìm
mình, xóa mình, hủy mình,
là mỗi lần Ngài được
nghe, được thấy Thiên Chúa mặc khải.
Sau khi chấp nhận đi con
đường thập giá (Mc 8, 31),
Đức Giêsu được biến hình
và được Cha tỏ mình trên núi (Mc 9, 2).
Sau khi chấp nhận dìm
mình trong cái chết nhục nhằn,
Đức Giêsu đã được Cha
phục sinh và nâng dậy.
Có thể câu đầu tiên Chúa
Cha nói với Ngài là: “Cha hài lòng về Con”.
Cuộc sống người Kitô hữu
cũng là liên tục dìm mình.
Thánh Phaolô nói: khi
được dìm vào nước lúc chịu phép thánh tẩy,
chúng ta được dìm vào
trong cái chết của Đức Giêsu (Rm 6,3).
Chỉ ai chấp nhận bị dìm
như thế, người ấy mới được sống đời sống mới.
Đức Giêsu chịu phép rửa
là mầu nhiệm đầu tiên của Năm Sự Sáng.
Ánh sáng của Thiên Chúa
chỉ bừng tỏa trên con người khiêm nhu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin cất khỏi con mọi lo
lắng bề ngoài.
Xin tha thứ cho con
vì đã quá bận tâm
đến những điều mình nói,
đến ảnh hưởng của mình,
đến những điều người ta
nói và nghĩ về con.
Xin tha thứ cho con
vì muốn nên giống kẻ khác
mà quên mất chính mình,
vì khao khát có được
những đức tính của họ,
mà quên phát triển bản
thân.
Xin tha thứ cho con
vì đã mất nhiều thời gian
cho việc phô trương
hơn là cho việc xây dựng
bản thân.
Xin cho con biết cởi mở với anh em;
nhờ đó, Chúa có thể đến
với con
như đến với một người
bạn.
Và Chúa sẽ làm cho con trở nên “người”
mà Chúa mong muốn trong tình yêu của Ngài
vì con là con của Chúa
và là anh em của mọi người.
(Michel Quoist)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
HÃY NÂNG TÂM HỒN LÊN
6 THÁNG GIÊNG
Tiếng Gọi Của Lễ Hiển
Linh
“Mầu nhiệm này tôi đã
được mạc khải cho biết” (Ep 3,3). Giáo Hội lấy những lời ấy của Tông Đồ Phao-lô
trong thư gửi giáo đoàn Ê-phê-sô để nhận hiểu ý nghĩa của ngày Lễ Hiển Linh
(Epiphany), ngày lễ này đã được gọi tên như thế ngay từ thuở đầu của Giáo Hội.
Chúng ta muốn suy tôn ân sủng của Thiên Chúa trong ngày lễ này, ân sủng dẫn con
người đến với đức tin.
Vâng, mầu nhiệm Đức
Kitô được vén mở cho con người nhận biết qua đức tin. Đây là cốt lõi của ngày Lễ
Hiển Linh. Bằng một cách thức nào đó, đức tin này được mạc khải vào tâm khảm của
kẻ nhận thần khải, như ngày ấy Đức Giêsu đã tự tỏ hiện cho Sao-lô người Tarsus
trên đường đi Damas. Thế là, Phao-lô trở thành một chứng nhân đặc biệt nhờ cuộc
trở về đón nhận đức tin. Như chính Phao-lô tuyên bố: “… anh em nghe nói đến ân
huệ mà Thiên Chúa đã ưu ái ban cho tôi vì thiện ích của anh em” (Ep 3,2).
Thánh tông đồ muốn làm
chứng hùng hồn cho ân sủng Hiển Linh. Và Giáo Hội lấy lại lời của Thánh tông đồ,
vì trong lời chứng ấy chúng ta có thể nhận ra tất cả những ai được Đức Kitô kêu
gọi qua đức tin. Tất cả những ai tin đều trở thành “người thông dự vào lời hứa
của Đức Giêsu Kitô qua Tin Mừng” (Ep 3,6). Thánh Phao-lô muốn nhấn mạnh với
chúng ta tiếng gọi giục giã loan báo Tin Mừng cho dân ngoại – vì chúng ta là những
người đã tin. Đó là tiếng gọi đem ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa đến cho các
dân tộc. Đó là tiếng gọi của ngày Lễ Hiển Linh.
Hạnh Các Thánh
6 Tháng Giêng
Thánh Andre Bessette
(1845 - 1937)
Khi
Alfred Bessette đến tu hội Các Thầy Thánh Giá vào năm 1870, anh mang theo tờ giấy
giới thiệu của cha xứ viết rằng, "Tôi gửi đến các thầy một vị thánh."
Thật khó để các thầy dòng ở đây tin nổi. Bệnh đau bao tử kinh niên đã khiến
Alfred không thể đảm nhận được công việc nào lâu dài, ngay từ khi còn nhỏ
Alfred đã lang thang từ nông trại này sang nông trại khác, tiệm này sang tiệm
khác, ở ngay trên quê hương Gia Nã Ðại hoặc ở đất Hoa Kỳ, mà chỉ được có vài
hôm là chủ nhân đã phải sa thải vì anh không thể làm được việc nặng nhọc. Công
việc của các thầy dòng Thánh Giá là dạy học và dù đã 25 tuổi, Alfred vẫn chưa
biết đọc biết viết. Dường như anh đến nhà dòng vì sự tuyệt vọng hơn là vì ơn gọi
tu trì.
Alfred thật tuyệt vọng,
nhưng anh cũng là người siêng năng cầu nguyện và rất thành tâm với Thiên Chúa
cũng như sùng kính Thánh Giuse. Có lẽ anh chẳng còn nơi nào để nương tựa, nhưng
anh tin rằng đây là nơi anh phải sống trong suốt cuộc đời.
Nhà
dòng nhận anh vào đệ tử nhưng sau đó không lâu họ thấy đúng như những gì trong
quá khứ -- dù Alfred, bây giờ là Thầy Andre, rất muốn làm việc, nhưng sức khỏe
không cho phép. Họ yêu cầu thầy rời nhà dòng, nhưng trong sự tuyệt vọng, thầy
đã xin đức giám mục sở tại can thiệp để được ở lại và được giao cho công việc
khiêm tốn là gác cổng trường học Notre Dame ở Montreal, cùng với các nhiệm vụ
phụ là dọn lễ, giặt giũ và đảm trách việc thư từ. Thầy Andre khôi hài rằng,
"Khi tôi gia nhập cộng đoàn này, cha bề trên chỉ cho tôi cánh cửa ấy, và
tôi ở đó suốt 40 năm."
Trong căn phòng nhỏ bé của ngài ở gần cổng trường, hầu như suốt đêm ngài quỳ gối
cầu nguyện. Trên thành cửa sổ, trông ra đồi Royal, là bức tượng Thánh Giuse nhỏ,
là người mà thầy hằng sùng kính ngay từ khi còn nhỏ. Khi được hỏi về điều ấy thầy
trả lời, "Một ngày nào đó, Thánh Giuse sẽ được tôn kính một cách đặc biệt
trên đồi Royal!"
Khi
biết có ai bị đau yếu, ngài đến thăm để cổ võ tinh thần cũng như để cầu nguyện
với họ. Ngài cũng thường thoa lên bệnh nhân chút dầu lấy từ chiếc đèn luôn cháy
sáng trước tượng Thánh Giuse trong nguyện đường của trường học. Từ đó tiếng đồn
về sức mạnh chữa lạnh bắt đầu lan tràn.
Khi
bệnh dịch bùng nổ từ một trường kế cận, Thầy Andre đã xung phong đến đó chăm
sóc bệnh nhân. Không một ai bị thiệt mạng. Số người bệnh đến với thầy ngày càng
gia tăng. Cha bề trên cảm thấy bối rối; giới thẩm quyền địa phận nghi ngờ; các
bác sĩ gọi ngài là lang băm. Thầy thường lập đi lập lại rằng "Ðâu có phải
tôi chữa mà là Thánh Giuse đó." Sau cùng thầy phải cần đến bốn người thư
ký để trả lời 80,000 lá thư ngài nhận được hàng năm.
Ðã
nhiều năm Tu Hội Thánh Giá cố nài nỉ để mua lấy miếng đất trên ngọn đồi Royal
nhưng không thành công. Thầy Andre và một vài người khác đã leo lên đó để đặt một
tượng Thánh Giuse. Bỗng dưng, chủ đất đồng ý. Thầy Andre quyên góp được $200 để
xây một nhà nguyện nhỏ và dùng làm nơi tiếp khách thập phương mà ở đó lúc nào
thầy cũng tươi cười để thoa dầu Thánh Giuse trên bệnh nhân. Có người được khỏi
bệnh, có người không. Số nạng, gậy chống cũng như xe lăn người ta bỏ lại để
minh chứng cho sức mạnh chữa lành của Thánh Giuse ngày càng gia tăng.
Nguyện đường cũng cần được nới rộng thêm. Vào năm 1931, một thánh đường to lớn
được khởi công xây cất, nhưng tài chánh bị thiếu hụt vì đó là thời kỳ kinh tế đại
suy thoái. "Hãy đặt tượng Thánh Giuse vào trong ấy. Nếu ngài muốn có mái
che trên đầu thì ngài sẽ giúp cho." Sau cùng, Vương Cung Thánh Ðường Thánh
Giuse nguy nga trên đồi Royal đã hoàn thành sau 50 năm xây cất. Nhưng Thầy
Andre đã không được chứng kiến ngày huy hoàng đó, và đã từ trần năm 1937 khi thầy
92 tuổi.
Lời Bàn
Thoa lên vết thương với dầu và ảnh tượng? Ðặt một ảnh tượng để mua được miếng đất?
Ðó có phải dị đoan không? Ðó có phải là những gì chúng ta muốn quên đi không?
Người
dị đoan chỉ trông nhờ vào "yêu thuật" của lời nói hay hành động. Dầu
và ảnh tượng của Thầy Andre là những dấu tích đích thực của một đức tin đơn sơ,
trọn vẹn nơi Thiên Chúa Cha là Ðấng đã giúp vị thánh của thầy chữa lành cho các
con cái của Thiên Chúa.
Lời Trích
"Chính cây cọ nhỏ bé đã giúp nghệ nhân hoàn thành bức họa tuyệt mỹ."
Trích từ NguoiTinHuu.com
6 Tháng Giêng
Vị Vua Thứ Tư
Hôm
nay lễ Ba Vua. Phúc Âm chỉ nhắc đến ba vị vua. Thế nhưng văn sĩ Joergernen người
Ðan Mạch thì lại tưởng tượng ra một vị vua thứ tư. Vị vua thứ tư này đến chầu
Chúa Giêsu sau ba vị vua khác. Triều bái Hài Nhi Giêsu nhưng mặt ông tiu nghỉu
bởi vì ông không còn gì để dâng tặng Ngài.
Trước
khi lên đường, ông chọn ba viên ngọc quý nhất trong kho tàng của ông, thế những
dọc đường gặp bất cứ ai xin, ông cũng mang ra tặng hết. Người thứ nhất mà ông
đã gặp là một cụ già rét run vì lạnh. Ðộng lòng trắc ẩn, ông đã tặng cho cụ
viên ngọc thứ nhất. Ði thêm một đoạn đường nữa, ông gặp một toán lính đang làm
nhục một cô gái. Ông đành mang viên ngọc thứ hai ra thương lượng với chúng để
chuộc lại cô gái. Cuối cùng khi tiến vào địa hạt Bêlem, ông gặp một người lính
do vua Herôđê sai đi để tàn sát các hài nhi trong một ngôi làng lân cận. Vị vua
thứ tư đành phải rút ra viên ngọc cuối cùng để tặng cho người lính và thuyết phục
anh từ bỏ ý định gian ác.
Tìm
được Hài Nhi Giêsu, vị vua thứ tư chỉ còn hai bàn tay trắng. Ông bối rối kể lại
cuộc hành trình của mình.
Nghe xong câu chuyện, Hài Nhi Giêsu mỉm cười đưa bàn tay bé nhỏ ra đón nhận quà
tặng của ông. Nó không phải là vàng bạc châu báu, nhưng là tấm lòng vàng được dệt
bằng những nghĩa cử đối với tha nhân, nhất là những người túng thiếu, đói khổ,
những người cần giúp đỡ.
Mùa
Giáng Sinh là mùa của những bất ngờ. Bất ngờ của một Thiên Chúa hóa thân làm
người. Bất ngờ của một thiên Chúa giáng hạ trong hang súc vật. Bất ngờ sự việc
những người nghèo hèn nhất trong xã hội đã nhận ra Tin Mừng. Bất ngờ của những
người dân ngoại tìm đến triều bái Vua các vua. Nhưng điều khiến con người sẽ
không bao giờ ngờ đến: đó là Ðấng Thiên Chúa hóa thân làm người ấy lại tự đồng
hóa với mỗi một con người sinh ra trên cõi đời này, nhất là những con người bé
mọn nhất trong xã hội. Ngài đã nói: tất cả những gì các người làm cho một trong
những kẻ bé mọn nhất là các người làm cho chính Ta. Từ đây, người ta chỉ có thể
gặp gỡ được Ngài qua tha nhân. Tất cả những gì người ta làm cho tha nhân là làm
cho chính Ngài. Lễ dâng làm đẹp lòng Ngài nhất chính là những gì người ta trao
tặng cho tha nhân, nhất là những người nghèo hèn túng thiếu hay bất cứ ai cần sự
giúp đỡ.
Trích sách Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét