25/01/2018
THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI.
Lễ kính.
Kết thúc tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hợp nhất.
*
Trên đường đi Đamát, ông Saolô quê thành Tácxô đã khám phá ra hai điều: Trước
hết, Đức Giêsu Nadarét là Đấng đã phục sinh, cũng là Đấng được Thiên Chúa ban
phúc lành; thứ đến, Đấng phục sinh với các Kitô hữu là các anh em người, chỉ là
một.
Khám phá này là nguồn ánh sáng soi chiếu cả cuộc đời thánh
nhân.
Bài Ðọc I: Cv 22, 3-16
"Kêu danh
thánh Chúa, tôi chỗi dậy".
Trích sách Tông đồ
Công vụ.
Ngày ấy, Phaolô nói với
dân chúng: "Tôi là người Do-thái, sinh tại Tarsê xứ Cilicia, đã được nuôi
nấng trong thành này, đã được đào tạo theo chân lý lề luật cha ông dưới chân
ông Gamaliêl. Tôi nhiệt thành với lề luật cũng như hết thảy quý vị hôm nay. Tôi
đã bắt bớ giết chóc đạo này, xiềng xích và bỏ tù cả đàn ông lẫn đàn bà. Như thầy
thượng tế và toàn thể hội đồng kỳ lão đã làm chứng điều đó. Các ngài đã trao
cho tôi chứng minh thư để tôi đến kiếm anh em ở Ðamas, bắt trói họ và điệu về
Giêrusalem để trừng phạt.
Xảy đến lúc đó khoảng
trưa, tôi đang trên đường gần đến Ðamas, thình lình một luồng ánh sáng chan hoà
từ trời chói rạng quanh tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe tiếng phán bảo tôi:
"Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?" Tôi đáp: "Thưa Ngài, Ngài
là ai?" Người trả lời: "Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ".
Và những người cùng ở đó với tôi lúc ấy, cũng thấy ánh sáng, nhưng không nghe
tiếng Ðấng nói với tôi. Tôi hỏi: "Lạy Chúa, con phải làm gì?" Chúa liền
nói với tôi: "Hãy chỗi dậy, vào thành Ðamas, ở đó sẽ nói cho ngươi tất cả
những gì ngươi phải làm". Nhưng vì ánh sáng chói loà kia, tôi không còn thấy
được, nên các bạn tôi cầm tay dẫn tôi vào thành Ðamas. Có một người kia tên là
Anania, người đạo đức, sống theo Lề luật, và được mọi người Do-thái ở đó kính
phục, đến tìm tôi và đứng gần tôi mà nói: "Hỡi anh Saolô, anh hãy
nhìn!" Ngay lúc đó tôi nhìn thấy ông.
Và ông nói:
"Thiên Chúa cha ông chúng ta đã tiền định cho anh biết thánh ý Người, thấy
Ðấng Công Chính và nghe tiếng Người nói. Vậy anh phải làm chứng cho Người trước
mặt mọi người về điều anh đã thấy và đã nghe. Và bây giờ, anh còn chần chừ gì nữa?
Hãy chỗi dậy và cầu khẩn danh Người mà chịu thanh tẩy và gột rửa mình cho sạch
tội lỗi".
Ðó là lời Chúa.
2. Hoặc: Cv 9, 1-22
"Lạy Chúa,
Chúa muốn con làm gì?"
Trích sách Tông đồ
Công vụ.
Trong những ngày ấy,
Saolô còn mải say mê hăm doạ giết các môn đồ Chúa. Ông đến thượng tế, xin chứng
minh thư gởi đến hội đường ở Ðamas, để nếu gặp ai theo đạo ấy, bất luận nam nữ,
ông bắt trói đem về Giêrusalem.
Ðang khi đi đường, lúc
đến gần Ðamas, bỗng nhiên một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy
ông, ông ngã xuống đất và nghe tiếng phán rằng: "Saolô, Saolô, sao ngươi bắt
bớ Ta?" Ông thưa: "Lạy Ngài, Ngài là ai?" Chúa đáp: "Ta là
Giêsu mà ngươi đang bắt bớ; giơ chân đạp mũi nhọn thì khổ cho ngươi".
Saolô run sợ và kinh hoàng hỏi rằng: "Lạy Chúa, Chúa muốn con làm
gì?" Chúa phán: "Hãy chỗi dậy, vào thành, và ở đó người ta sẽ nói cho
ngươi phải làm gì". Những kẻ đồng hành với ông đứng lại, hoảng hốt; họ
nghe rõ tiếng mà không thấy ai. Saolô chỗi dậy khỏi đất, mắt ông vẫn mở mà
không trông thấy gì. Người ta cầm tay dẫn ông vào thành Ðamas; ông ở lại đấy ba
ngày mà không thấy, không ăn, cũng không uống.
Bấy giờ ở Ðamas, có một
môn đồ tên là Anania; trong một thị kiến, Chúa gọi ông rằng:
"Anania". Ông thưa: "Lạy Chúa, này con đây". Chúa phán:
"Hãy chỗi dậy và đến phố kia gọi là phố "Thẳng", và tìm tại nhà
Giuđa một người tên Saolô, quê ở Tarsê; nó đang cầu nguyện". (Saolô cũng
thấy một người tên Anania bước vào, và đặt tay trên ông để ông được sáng mắt).
Anania thưa: "Lạy Chúa, con đã nghe nhiều người nói về người này rằng: ông
đã gây nhiều tai ác cho các thánh của Chúa tại Giêrusalem; tại đây, ông đã được
các thượng tế cho phép bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa". Nhưng
Chúa phán: "Cứ đi, vì người này là lợi khí Ta đã chọn, để mang danh Ta đến
trước dân ngoại, vua quan và con cái Israel. Ta sẽ tỏ cho nó biết phải chịu nhiều
đau khổ vì danh Ta".
Anania ra đi, bước vào
nhà, và đặt tay trên Saolô mà nói: "Anh Saolô, Chúa Giêsu, Ðấng hiện ra với
anh trên đường đi đến đây, sai tôi đến cùng anh, để anh được thấy và được tràn
đầy Thánh Thần. Tức thì có thứ gì như những cái vảy rơi khỏi mắt ông, và ông được
sáng mắt.
Ông chỗi dậy chịu phép
rửa, và sau khi ăn uống, ông được lại sức, ông ở lại ít ngày cùng với các môn đồ
thành Ðamas. Và lập tức ông rao giảng trong các hội đường rằng Ðức Giêsu là Con
Thiên Chúa. Mọi người nghe rao giảng đều kinh ngạc và nói rằng: "Há chẳng
phải ông này đã bách hại những người đã cầu khẩn danh ấy tại Giêrusalem, và
cũng đã tới đây mà truy nã họ để điệu họ về cho các thượng tế sao?"
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 116, 1. 2
Ðáp: Hãy đi rao giảng
Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).
Xướng: 1) Toàn thể chư
dân, hãy ngợi khen Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người! - Ðáp.
2) Vì tình thương Chúa
dành cho chúng ta thực là mãnh liệt. và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn
đời. - Ðáp.
Alleluia: Ga 15, 16
Alleluia, alleluia! -
Chúa phán: "Ta đã chọn các con giữa thế gian, hầu để các con đi và mang lại
hoa trái, để hoa trái các con tồn tại". - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 16, 15-18
"Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu (hiện
ra với mười một môn đệ và) nói: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng
Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không
tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những dấu lạ đi theo những người đã tin: nhân
danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống
phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh
nhân được lành mạnh".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm :
Để có một người cộng
tác vào một công việc đặc biệt trong chương trình cứu độ nhân loại, Thiên Chúa
có nhiều cách chọn gọi và nhiều đối tượng được gọi khác nhau: Có những cách gọi
bằng cách tác động từ nơi trái tim do lòng mộ mến hoặc, hoặc tác động lên ý thức
tìm đến ơn gọi bằng sự nghiên cứu truy tầm về Thiên Chúa; cũng có cách gọi bằng
cách làm cho nhiều lý do ngoại cảnh khác nhau tạo nên sự thích thú của đối tượng
tìm đến ơn gọi (thậm chí có cả sự tiêu cực như thích được thế này thế kia…). Đối
tượng được gọi cũng thật phong phú: có người được chuẩn bị từ trong lòng mẹ, có
người được chuẩn bị từ nhỏ nơi gia đình, có người thậm chí đến từ một sự thất bại
nơi tình cảm hay xã hội và có người được gọi bằng cả những cú ngã đau trên đường
đời… Có người được gọi ngay trên ghế nhà trường, có người được gọi ngay trên
bàn giấy hay nơi công sở làm việc, có người học thức hay sang giàu và cũng có
người xuất thân từ nghèo khó quê mùa… Chúa có cách của Chúa, dù đến với ơn gọi
thế nào hay đối tượng nào, thì khi đã gọi, Chúa có cách của Chúa và điều quan
trọng là đối tượng được gọi dám cộng tác với ơn Chúa thì Chúa sẽ biến đổi họ
nên khí cụ của Người.
Trường hợp của thánh
Phao-lô hôm nay là một trong những cách chọn gọi của Chúa, nhưng thật đặc biệt
và lạ lùng. Thánh nhân được gọi bằng một cú sốc, bằng một cú “quật ngã” làm cho
sáng mắt ra và chấp nhận quy phục đức tin.
Phao-lô được gọi trong
bối cảnh không ai có thể ngờ: Ngài xuất thân từ một gia đình thế giá với hộ khẩu
“công dân mẫu quốc Rô-ma”, có bằng cấp ăn học đàng hoàng với tiến sĩ luật
Gamalien nổi tiếng, thông thạo đạo lý Do-thái Giáo, nhiệt thành với đạo và đang
“thi đua lập thành tích” đi làm “công an nằm vùng” truy bắt “những phần tử lạc
đạo”… Đang hăng say thành công với con đường chọn lựa của mình, đùng một
cái bị quật ngã và quay ngoắt 180o trở lại quy phục Đấng
mà bấy lâu nay Phao-lô tìm cách triệt tiêu.
Sự trở lại của thánh
Phao-lô có thể nói là “không thể tin được”. Thật vậy, đang ở chiến tuyến bên
này, đùng một cái sang chiến tuyến bên kia và sống chết cho vị chỉ huy chiến
tuyến mới này, nên cả trong đạo lẫn đời thời đó phải nghi ngờ. Chuyện lạ như thế
thật khó tin, chỉ trừ khi đó là “một phép lạ”. Và phép lạ đó được chính Phao-lô
kể lại là “biến cố té ngựa”.
- Cụ thể là về thủ đô
gặp các Tông Đồ để xin “giấy phép” đi giảng, thì các sếp ở Giê-ru-sa-lem
nghi ngại (biết đâu CS cài vào thì nguy), cho đến khi Phao-lô kể ra phép lạ, và
sau đó do tiếng Chúa Thánh Thần phán xác nhận chọn Phao-lô và Barnaba (Cv
13,2).
- Sách Công Vụ Tông Đồ
cũng nói đến việc khi Phao-lô giảng thì các tín hữu nghi ngờ, người Do-thái
cũng nghi ngờ, và thậm chí cả những quan chức nhà nước như đại đội trưởng
Claudio, tổng trấn Phê-lích và Phê-tô và tiểu vương Ác-gíp-pa cũng nghi ngờ lý
lịch của Phao-lô. Và tất cả đều được Phao-lô biện luận bằng câu chuyện “phép lạ
ngã ngựa” trên đường Đa-mát.
Có thể nói, bối cảnh
diễn ra câu chuyện và những nghi ngờ xảy ra sau đó, và chính việc kể lại câu
chuyện “phép lạ” đã giúp xóa tan nghi ngờ (x. Cv 9; 22; 26), chúng ta thấy có vẻ
mang dáng dấp huyền thoại “bảy thực ba hư” trong một sự kiện có thật.
Chẳng hạn, người Việt
chúng ta có giai thoại về Lý Công Uẩn, Lê Lợi, Mai Thúc Loan…:
- Tương truyền rằng, từ
sau khi pháp sư Cao Biền của bọn Phương Bắc yểm bùa chặt đứt long mạch, thì ở
Nước Nam không thể phát vương được nữa, và dân tin rằng họ sẽ mãi mãi làm nô lệ
cho phương Bắc. Vì thế, để kêu gọi quân sĩ và dân ủng hộ, Lê Công Uẩn đã bày ra
câu chuyện ông thấy một con rồng bay từ dưới sông Hồng lên trời, ý nói rồng vẫn
ở Việt Nam, dân đã tin theo và Lý Công uẩn đã thắng Tàu, tuyên bố chủ quyền và
lấy niên hiệu là Lý Thái Tổ, rồi ông đặt tên nơi thấy rồng là Thăng Long và tồn
tại cho đến ngày nay.
- Rồi chuyện rùa thần
trao bảo kiếm cho Lê Lợi…
- Hay chuyện Mai Thúc
Loan từ anh nông phu đen trùng trục trở thành vua Mai Hắc Đế cũng vậy với truyền
thuyết về con trâu đằm dưới kênh lên húc chết con hổ…
Chúng ta không loại trừ
một chút huyền thoại trong câu chuyện “té ngựa” giữa trưa hè nóng bức, trên sa
mạc khô cháy, khát nước hoa mắt xỉu té nhào, được mấy “bà phước” đưa vào chăm
sóc làm tỉnh lại và ba ngày sau ăn uống khỏe mạnh… Rồi để thuyết phục mọi người
về ơn gọi, Phao-lô cần sự kiện này được lồng trong một dấu chỉ phép lạ.
Tuy nhiên, điều quan
trọng không phải là nội dung câu chuyện, mà là ý nghĩa câu chuyện được ơn trở lại
của Phao-lô. Câu chuyện ơn gọi của ngài để lại cho chúng ta những bài học:
- Phao-lô bị Chúa quật
ngã khi đang bon bon trên đà danh vọng với những dự án toan tính của mình. Qua
biến cố ngã ngựa, Phao-lô đã “mở mắt ra” khi cái vảy rơi khỏi mắt, và ngài đã
thấy được cái sai quá khứ, mà bước theo ý Chúa muốn mình phải làm gì trong
tương lai. Chúng ta cũng thế, khi đang tưởng chừng như thành công với những
toan tính danh vọng, rất cần một cú sốc và cần đến những “Anania” giúp để mở mắt
ra thấy mình đã sai và mau mắn trở lại.
- Và một khi đã được
ơn trở lại, thánh Phao-lô đã để cho Chúa biến đổi nên Tông Đồ của Người và nhiệt
thành làm chứng cho Chúa. Cũng thế, một khi chúng ta đã được Chúa gọi hay sau
những vấp ngã, chúng ta biết đứng lên và ngoan ngoãn để cho Chúa hướng dẫn và cộng
tác với Chúa để loan báo lòng thương xót của Người.
Lạy Chúa, xin cho mọi
người chúng con khi đã được Chúa mời gọi vào Giáo hội Chúa, thì cũng biết như
thánh Phao-lô là hăng say làm chứng cho Chúa, để danh Chúa ngày càng được nhiều
người nhận biết và tin theo. Amen.
Hiền Lâm, OSC.
Lời Chúa Mỗi Ngày
Cuộc Trở Lại của Thánh Phaolô
Bài đọc: Acts
22:3-16; Mc 16:15-18.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự trở lại chứng
minh sức mạnh của ơn thánh.
Có rất nhiều cuộc trở
lại trong lịch sử được tường thuật như của Phêrô, Matthew, Mary Magdala,
Augustine... , cũng như không được tường thuật như của đa số con người; nhưng
chỉ có một cuộc trở lại Giáo Hội mừng kính là cuộc trở lại của thánh Phaolô. Cuộc
trở lại của Phaolô được tường thuật ít nhất là 3 lần trong Sách CVTĐ (9:1-19;
22:3-16; 26:12-18), và rất nhiều lần được ám chỉ tới cách vắn gọn bởi chính
Phaolô trong các Thư của ngài.
Bài đọc I có thể coi
là lời tự thú đầy đủ nhất của Phaolô. Trong trình thuật này, một người có thể
nhìn thấy động cơ chính của cuộc trở lại là do ơn thánh của Thiên Chúa. Ngài
thay đổi hoàn toàn lề lối suy nghĩ và cách cư xử của ông bằng cách để ông ngã
ngựa và bị mù, cho ông nghe thấy tiếng của Đức Kitô để chứng tỏ Ngài vẫn sống,
và truyền cho ông đến gặp ông Hananiah để được chữa lành và nhận sứ vụ rao giảng
Tin Mừng và làm chứng nhân cho Dân Ngoại. Trong Phúc Âm, tuy không được liệt
vào Nhóm Mười Hai, nhưng Phaolô cũng được coi như một Tông-đồ, vì ông đã nhìn
thấy Chúa Giêsu Phục Sinh và được chính Ngài trao cho sứ vụ làm Tông-đồ Dân Ngoại.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự trở lại của Phaolô chứng minh sức mạnh của ơn thánh.
1.1/ Cuộc đời của Phaolô
trước khi trở lại: Phaolô là người Do-thái
lưu vong, sinh ra và lớn lên tại Tarsus, miền Cilicia, vùng Asia Minor (Turkey
bây giờ). Ông được giáo dục bởi thầy Gamaliel để giữ Luật cha ông một cách
nghiêm ngặt; và nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như bao người Do-thái khác. Ông
Gamaliel là một Pharisee có thế giá trong dân, tiến sĩ về Luật, một thành viên
của Thượng Hội Đồng, đã từng khuyên những người trong Thượng Hội Đồng phải cẩn
thận khi xét xử Phêrô và các Tông-đồ (x/c Acts 5:34-40).
Phaolô đã bắt bớ Đạo của
Đức Kitô, không ngần ngại giết ai theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn
ông lẫn đàn bà, như cả vị thượng tế lẫn toàn thể Thượng Hội Đồng có thể làm chứng
cho ông. Ông còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Damascus,
Syria, để ông đi bắt trói những người ở đó, giải về Jerusalem trừng trị.
Một biến cố quan trọng
đã xảy ra cho ông trên đường đi Damascus để bắt bớ các Kitô hữu. Biến cố này đã
thay đổi toàn bộ cuộc đời của ông. Theo như lời ông tường thuật: "Đang khi
tôi đi đường và đến gần Damascus, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng
ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. Tôi ngã xuống đất và
nghe có tiếng nói với tôi: "Saul, Saul, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” Tôi đáp:
"Thưa Ngài, Ngài là ai? Người nói với tôi: "Ta là Giêsu Nazareth mà
ngươi đang bắt bớ. Những người cùng đi với tôi trông thấy có ánh sáng, nhưng
không nghe thấy tiếng Đấng đang nói với tôi. Tôi nói: "Lạy Chúa, con phải
làm gì?” Chúa bảo tôi: "Hãy đứng dậy, đi vào Damascus, ở đó người ta sẽ
nói cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm.”
1.2/ Cuộc đời của Phaolô
sau khi trở lại: Một chuỗi những biến cố xảy
ra sau khi bị ngã xuống trên đường đi Damascus.
(1) Phaolô bị mù: Vì
ánh sáng chói loà kia làm cho ông không còn trông thấy nữa, nên ông đã được các
bạn đồng hành cầm tay dắt vào Damascus. Ở đó, Đức Kitô đã chuẩn bị cho ông
Hananiah, một người sùng đạo, sống theo Lề Luật và được mọi người Do-thái ở
Đa-mát chứng nhận là tốt.
(2) Phaolô được nhìn
thấy: Khi gặp Saul, ông Hananiah đến, đứng bên ông và nói: "Anh Saul, anh
thấy lại đi!” Ngay lúc đó, ông thấy lại được.
(3) Phaolô được trao sứ
vụ: Ông Hananiah nói: "Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh để anh
được biết ý muốn của Người, được thấy Đấng Công Chính, và nghe tiếng từ miệng Đấng
ấy phán ra. Quả vậy, anh sẽ làm chứng nhân cho Đấng ấy trước mặt mọi người về
các điều anh đã thấy và đã nghe.”
(4) Phaolô được chịu
bí-tích Rửa Tội: Hananiah truyền cho Saul: “Anh hãy đứng lên, chịu phép rửa và
thanh tẩy mình cho sạch tội lỗi, miệng kêu cầu danh Người.”
1.3/ Ý nghĩa của cuộc trở
lại của Phaolô: Có rất nhiều ý nghĩa mà
Phaolô đã thu nhận được từ biến cố này, và là nền tảng cho những giáo huấn của
ông sau này:
(1) Đức Kitô đã chết,
nhưng Ngài đã sống lại, và vẫn đang sống để phù trợ và bảo vệ các tín hữu. Tất
cả mọi người phải tin nơi Ngài và giữ những gì Ngài dạy để được cứu độ. Lề Luật
không có sức mạnh để giải thoát con người khỏi tội và ban ơn cứu độ.
(2) Tất cả là ơn
thánh, con người không làm gì xứng đáng để được hưởng ơn thánh. Thiên Chúa ban
ơn thánh, thúc đẩy sự trở lại, và cứu độ con người khi họ còn là tội nhân đáng
phải chết. Trường hợp của ông là một điển hình: lẽ ra ông xứng đáng phải chết
hay bị mù suốt đời vì đang trên đường đi tiêu diệt Hội Thánh của Chúa; nhưng
Ngài đã cứu sống và cho ông được thấy.
(3) Con người phải tìm
ra và làm theo thánh ý Chúa để được sống, làm ngược lại chỉ như “giơ chân đạp
mũi nhọn.” Sứ vụ rao giảng Tin Mừng là bổn phận phải làm vì được Đức Kitô sai
đi. Người Kitô hữu phải là nhân chứng cho Đức Kitô qua việc rao giảng và sống
Tin Mừng.
2/ Phúc Âm: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng
cho mọi loài thọ tạo.”
2.1/ Trao sứ vụ rao giảng
Tin Mừng: Chúa Giêsu nói với các Tông-đồ:
"Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ
tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết
án." Khi Chúa Giêsu phục sinh và lên trời, Ngài đã hoàn tất sứ vụ mang lại
ơn cứu độ cho con người. Giờ đây Ngài trao sứ vụ loan báo Tin Mừng cho các môn
đệ, để các ông mang ơn cứu độ này cho mọi người sống trên trần thế. Để được hưởng
ơn cứu độ, con người cần tin vào Đức Kitô và chịu Phép Rửa.
2.2/ Ban uy quyền cho các
môn đệ để khán giả tin vào lời các ông rao giảng: Chúa hứa với các nhà rao giảng Tin Mừng: Đây là những dấu
lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ:
(1) Khai trừ quỷ:
Phaolô truyền cho quỉ xuất khỏi người đầy tớ tại Philippi (Acts 16:18).
(2) Nói được những tiếng
mới lạ: Các Tông-đồ nói các thứ tiếng của thổ dân trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Acts
2:1-11).
(3) Tránh được nguy hiểm:
Phaolô đã vượt qua rất nhiều nguy hiểm trong 3 chuyến truyền giáo như: ra khỏi
tù do thiên thần hướng dẫn, bị ném đá tưởng chết mà vẫn chỗi dậy để tiếp tục
rao giảng, vượt qua bao nhiêu những ghen tị và xúi giục của những đối phương
Do-thái.
(4) Chữa lành: Điều
này đã được làm bởi Phêrô, Phaolô, và rất nhiều môn đệ.
Các Tông Đồ ra đi rao
giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm
theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tất cả là hồng ân của
Thiên Chúa. Chúng ta phải nhận ra bàn tay của Ngài luôn thương yêu ấp ủ, ân cần
chỉ dẫn, và ban mọi ơn cần thiết để chúng ta có thể sống như những môn đệ.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
25/01/2018 - THỨ NĂM TUẦN 3 TN
Th. Phao-lô tông đồ trở lại
Mc 16,15-18
CUỘC GẶP GÕ ĐỔI ĐỜI
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng
cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)
Suy niệm: Biến cố trên đường Đa-mát
được thuật lại đến ba lần trong sách Công vụ Tông đồ (9,1-22; 22,3-16;
26,9-18). Ta không lạ gì vì đó là khúc khải hoàn ca của Giáo Hội tiên khởi, là
cuộc gặp gỡ tạo sự “xoay chiều” ngoạn mục giữa chàng trai trẻ Sao-lô và Đức
Giê-su. Cuộc trở lại (hay đúng hơn, cuộc hoán cải) của thánh Phao-lô là hoa
thơm trái ngọt của cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh, Người mà anh đang “bắt bớ.”
Anh đã đụng chạm đến ân sủng của Ánh sáng thần linh (9,3; 22,6; 26,13) và “tin
vào Tin Mừng.” Từ một người đi bắt bớ Đạo, anh bị chính Đấng là Con Đường ấy “bắt
lấy,” dùng anh như khí cụ và là chứng nhân cho Mầu nhiệm Tử nạn-Phục sinh của
Ngài (Cv 9,15; 22,15; 26,15-18), để anh ra đi và loan báo Tin Mừng “cho mọi
loài thọ tạo” (Mc 16,15).
Mời bạn: Dù bạn là ai, đang làm gì
hay ở bậc sống nào, hãy buông mình để gặp gỡ Thầy Giêsu, để Ngài “bắt lấy.”
Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng sự thật là Bạn Đang Được Yêu. Vì, “đối với những ai
yêu mến, Thiên Chúa biến đổi tất cả thành tốt; ngay cả những sai lầm và tội lỗi
của họ, Thiên Chúa cũng biến đổi chúng thành tốt” (Thánh Augustinô).
Sống Lời Chúa: Xác tín như thánh Phao-lô:
“Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi” (Pl 1,21).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, có biết
bao cuộc gặp gỡ trong ngày sống của con: trong đời thực cũng như qua mạng
internet. Thế nhưng, xin cho con biết dành những giây phút thinh lặng gặp Chúa,
tâm hồn được lắng đọng, an bình. Con biết con thật sự cần Chúa và ước mong được
Chúa biến đổi. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Con phải làm gì? (25.1.2018 – Thứ năm, Thánh Phaolô Tông đồ trở lại)
Chúng ta cũng có những kinh nghiệm như Phaolô: ngã ngựa, mù lòa, nghe và gặp Đức Kitô, rồi hoán cải.
Suy
niệm:
Bài sách Công vụ Tông đồ hôm nay kể về một cuộc gặp gỡ
lạ lùng
giữa Đức Giêsu Nadarét
với anh Saun, kẻ đang bách hại các Kitô hữu.
Chính Ngài muốn gặp anh
trên con đường anh đang đi.
Dưới mắt Saun, Kitô hữu
là những kẻ bỏ đạo Do Thái chính thống,
để chạy theo một tà phái
của ông Giêsu nào đó mà họ tin là đã phục sinh.
Trong tư cách là một
người Pharisêu nhiệt thành và nghiêm túc (c. 3),
Sa-un thấy mình có bổn
phận phải trừng trị những kẻ phản đạo,
bằng cách bắt bớ, xiềng
xích, tống ngục, thậm chí thủ tiêu (cc. 4-5).
Chính lúc đang say sưa
đến gần thành Đamát thì anh bị quật ngã.
Cuộc gặp gỡ bắt đầu, đời
anh từ nay giở sang một trang mới.
Khi anh đang tự tin và
hiên ngang tiến bước,
thì ánh sáng chói lòa từ
trời làm anh ngã quỵ (c. 7).
Khi Saun nghĩ mình là
người sáng mắt,
thì ngay giữa trưa, anh
trở nên mù lòa (c. 11).
Khi anh định chỉ đạo cho
những kẻ lầm đường lạc lối,
thì bây giờ anh lại cần
một người cầm tay dắt đi (c. 11).
Cuộc đối thoại bắt đầu
giữa anh với người mà anh chỉ nghe tiếng nói.
Ngài âu yếm gọi tên anh
hai lần và tự giới thiệu:
“Saun,
Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta?
Ta
là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ” (c. 8).
Bắt bớ các Kitô hữu là
bắt bớ chính Đức Giêsu.
Đức Giêsu và các Kitô hữu
là một.
Bài học đầu tiên này Saun
sẽ chẳng thể nào quên.
“Lạy Chúa, con phải làm
gì?” (c. 10).
Lần đầu tiên Saun gọi
người mà anh không hề tin là Chúa.
Khi tuyên xưng Đức Giêsu
Nadarét là Chúa,
anh lập tức phó thác cho
Ngài, để Ngài chỉ bảo điều mình phải làm.
Nhưng Chúa Giêsu phục
sinh đã không nói gì.
Ngài trao anh cho ông
Khanania, một người chưa phải là Kitô hữu.
Chính ông này cho mắt anh
thấy lại và cho anh biết
anh được chọn để làm
chứng nhân cho Ngài trước mặt mọi người.
Đamát là nơi Đức Giêsu tỏ
mình cho Saun, cũng được gọi là Phaolô,
là nơi ông nghe tiếng gọi
trở nên tông đồ cho dân Ngoại,
và cũng là nơi khởi đầu
cho cuộc hoán cải tận căn của ông.
Chính mặc khải của Đấng
phục sinh dẫn đến ơn gọi và hoán cải.
Từ nay cuộc đời của
Phaolô đi sang một hướng mới.
Giêsu đã trở nên trung
tâm của đời ông.
“Tôi coi tất cả như đồ
bỏ, để chiếm được Đức Kitô” (Ph 3, 8).
Biến cố trên đường đi
Đamát đã chia đời ông làm hai.
“Tôi chỉ chú ý đến một
điều, là quên đi chặng đường đã qua,
để lao mình về phía
trước” (Ph 3, 13).
Chúng ta cũng có những
kinh nghiệm như Phaolô:
ngã ngựa, mù lòa, nghe và
gặp Đức Kitô, rồi hoán cải.
Như Phaolô, mong chúng ta
để cho Đức Kitô Giêsu chiếm lấy mình,
và trở nên người tông đồ
nhiệt thành cho thế giới.
Cầu nguyện:
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ cõi chết đến sự
sống,
từ lầm lạc đến chân lý.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ thất vọng đến hy
vọng,
từ sợ hãi đến tín thác.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ ghen ghét đến yêu
thương,
từ chiến tranh đến hòa
bình.
Xin hãy đổ đầy bình an
trong trái tim chúng con,
trong thế giới chúng con,
trong vũ trụ chúng con.
(Thánh Têrêxa Calcutta)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
25 THÁNG GIÊNG
Gia Đình Và Lao Động
- Tìm Sự Cân Đối Thích Đáng
Tôi biết có nhiều
doanh nghiệp được điều hành bởi các gia đình. Bổn phận nuôi dưỡng gia đình qua
việc đáp ứng các nhu cầu nhân văn và xã hội của nó là một chủ đề thường xuyên
được nhắc đến trong giáo huấn của Giáo Hội. Kể từ Đức Lê-ô XIII, ý niệm về
lương bổng luôn luôn được gắn kết với tầm mức của gia đình người lao động – nhằm
đáp ứng những đòi hỏi của công bằng. Cũng có thể nói tương tự như thế về bất cứ
lãnh vực nào khác trong đời sống xã hội.
Trong Thông Điệp
Laborem exercens, tôi đã nhấn mạnh đến điểm cốt lõi của mối tương quan giữa gia
đình và lao động: “Gia đình vừa là một cộng đồng được tồn tại nhờ lao động vừa
là trường dạy lao động tiên quyết cho mọi con người” ( Số 10). Cũng trong thông
điệp ấy, tôi đã ghi nhận cảm thức ngày càng tăng về tính khẩn thiết của vai trò
người mẹ. “Trong thời đại chúng ta, xã hội đang có một sự đánh giá lại đối với
các công việc của người mẹ, về những vất vả của các bà mẹ, và về nhu cầu cần được
yêu thương và được chăm sóc của trẻ em – để chúng có thể lớn lên trở thành những
con người có ý thức trách nhiệm, những con người trưởng thành về đạo đức và
quân bình về tâm lý” (Số 19).
Mối gắn kết chặt chẽ
giữa gia đình và lao động càng làm nổi bật lên sự thật rằng con người làm việc
để sống. Sự mệt mỏi thể xác và tâm thần – xét như hệ quả của lao động – là một
phần của chính sự sống. Và sự sống của con người thì thánh thiêng. Đức tin bảo
với chúng ta rằng sự sống này là một món quà rất đỗi lớn lao của Thiên Chúa.
Chúng ta phải tuyệt đối
trân trọng sự sống ngay từ lúc bắt đầu là bào thai trong lòng người mẹ cho tới
cái chết tự nhiên. Mầm sống đầu tiên cũng thánh thiêng như hơi thở cuối cùng. Cả
hai đều cần phải được kính trọng và chăm sóc hết mức.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 25/01
Thán Phaolô Tông Đồ
trở lại
2Sm 7, 18-19.24-29;
Mc 4. 21-25
LỜI SUY NIỆM: “Người nói với
các ông: Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thúng hay dưới gầm giường? Nào
chẳng phải là để đặt trên đế sao?”
Chúa Giêsu là ánh
sáng. Người đang mời gọi mỗi người Kitô hữu khi đã đón nhận ánh sáng của Người
từ nến Phục Sinh trong ngày chịu phép Rửa, thì phải cảm đảm dương cao ánh sáng
Chúa Giêsu Kitô mà mình đã nhận lãnh, không thể vì bất cứ một lý do gì mà phải
che giấu ánh sáng đó. Bởi vì Ánh sáng luôn đem lại điều tốt lành cho sự sống của
con người và các tạo vật khác.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa
luôn luôn muốn chúng con là những ngọn đèn đã được thắp sáng, để đặt trên đế
cao cho mọi người được nhìn thấy. Xin cho mỗi người chúng con luôn có sức mạnh
và lòng cam đảm để bày tỏ đời sống đạo của mình, chứ không cất giấu vì quyền lợi
và sợ người ta.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 25-01: Thánh PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI
Thánh Phaolô tông đồ,
vị tông đồ cột trụ của Giáo hội sơ khai và vẫn còn là tông đồ nòng cốt của Giáo
hội cho đến cùng. Tuy nhiên, Ngài là vị tông đồ không thuộc nhóm mười hai. Trái
lại, Ngài còn có một quá khứ bách hại đạo Chúa nữa. Bởi đó càng nhớ ơn Ngài bao
nhiêu, chúng ta càng thấy biến cố xoay đổi vị tông đồ cả quan trọng bấy nhiêu.
Trước khi nghe chính Ngài kể lại cuộc trở lại của mình. Chúng ta tìm hiểu vắn tắt
quá khứ chống đạo của Ngài.
Phaolô có tên Do thái
là Saulê, sinh ra tại Tarsô (Cv 22,3) cha mẹ gốc Do thái thuộc chi họ Benjamin
(Rm 11,1; Ph 3,5). Bởi đó Ngài nói được cả hai thứ tiếng Hy lạp và Aram (Cv
21,40.26,14) Ngài lên Giêrusalem theo đuổi việc học hành với thầy Gamaliel (Cv
22,3) và trở thành người biệt phái nghiêm nhặt (Cv 23,6. Lc 15,9. Gl 1,13. Ph
3,5). Do đó khi thấy một nhóm tôn giáo mới xuất hiện, Saulê đã nhiệt thành tìm
cách ngăn chận. Nhiệt tâm ấy đã dẫn tới việc đổ máu Stêphanô, trong ấy Saulê
không chỉ chứng kiến mà dường như giữ phần chủ chốt (Cv 1,58).
Nhiệt tâm còn thúc đẩy
Ngài đi xa hơn nữa trên đường đi Damas tìm bắt người công giáo và trên con đường
này Ngài đã được cải hóa. Câu chuyện được Luca kể lại trong sách Công vụ 9,1-23
hoặc chính vị tông đồ cũng đã kể lại, để biện minh trước mặt người Do thái (Cv
22,1-21) hay trước mặt Festô và Agrippa (Cv 26,1-23).
Chúng ta hãy nghe
chính vị tông đồ nói về cuộc trở lại của mình: - "Tôi là người Do thái,
sinh tại Tarsô, xứ Cilieia, đã được nuôi nấng trong thành này (tức Giêrusalem)
đã thụ giáo dưới chân Gamaliel, rập theo khuôn phép nhiệm nhặt của lề luật cha
ông, nhiệt tâm thờ phượng Thiên Chúa cũng như các ông hết ngày hôm nay. Tôi đã
bắt bớ đạo này, đến chết chóc cũng không từ, xiềng xích đã được các thượng tế
cho cầm trát để thông tri cho đồng bào mà lên đường đi Damas, để bắt trói những
người Kitô hữu ở đó và giải về Giêrusalem để trừng trị.
Số là dọc đường khi tới
gần Đamas, thì vào lối giữa trưa thình lình tự trời, một ánh sáng chói lòa lóe
rạng bao phủ lấy tôi, tôi ngã xuống nền đất, và nghe có tiếng nói với tôi: -
Saulê, Saulê tại sao ngươi bắt bớ ta ?
Tôi hỏi: "Thưa
Ngài, Ngài là ai ?". Và Ngài nói cùng tôi: "Ta là Giêsu Nazareth,
ngươi đang bắt bớ". Những người đi với tôi có thấy ánh sáng, nhưng họ
không nghe tiếng người nói với tôi. Tôi nói: "Lạy Chúa tôi phải làm gì
?"
Và Chúa nói cùng tôi:
- Chỗi dậy mà vào Damas. Ơ đó sẽ nói cho ngươi mọi điều đã định cho ngươi làm.
Bởi tôi không còn thấy được, lòa vì ánh sáng của sự sáng kia, nên tôi đã được
các người đi với tôi dắt tay vào Damas.
Có Ananis, một người đạo
đức chiếu theo lề luật. Và được chứng nhận nơi mọi người Do thái sở tại, ông đến
gặp tôi và đứng bên tôi, ông nói: - Anh Saulê, anh được thấy lại. Và ngay giờ ấy
tôi đã được thấy lại.
Ông lại nói: - Thiên
Chúa của cha ông chúng ta đã tiền định cho anh được biết thánh ý Ngài, được thấy
đấng công chính và nghe tiếng phát xuất tự miệng Ngài, vì anh sẽ là chứng tá
cho Ngài trước mặt mọi người về điều anh đã thấy đã nghe. Và bây giờ sao còn lần
lựa ? Hãy chỗi dậy chịu thanh tẩy và chịu rửa mình cho sạch các tội của anh, miệng
kêu khấn danh Ngài.
Xẩy ra là khi tôi về
Giêrusalem, và cầu nguyện trong đền thờ, tôi đã được ngất trí, và được thấy
Ngài phán bảo tôi: - Hãy mau ra khỏi Giêrusalem, vì chúng sẽ không đón nhận chứng
của người về ta.
Tôi mới nói: - Lạy
Chúa, họ biết lắm: chính tôi đã bỏ tù và đánh đòn khắp các hội đường những kẻ
tin vào Chúa, và khi người ta đổ máu Stephanô, chứng tá của Người, thì chính
tôi đã có mặt và tán đồng, cùng canh giữ áo choàng cho những kẻ giết anh ấy.
Nhưng Ngài phán bảo: -
Hãy đi, vì Ta sai ngươi đi xa, đến với dân ngoại (Cv 22-23)
Những tường thuật này
cho thấy kinh nghiệm trên đường Damas không chỉ nơi cuộc trở lại của Phaolô mà
còn ấn định những tư chất cá nhân trong đức tin và Tin Mừng của vị tông đồ. Tất
cả đều tập chú vào Chúa Giêsu là đấng đã sống lại mà vẫn sống trong Giáo hội
Người. Kinh nghiệm Damas còn bao hàm sứ mệnh trao cho Phaolô rao giảng Tin Mừng
cho dân ngoại, một sứ mệnh thiết định tính cách phổ quát của Tin Mừng mà có lẽ
Phaolô chưa nhận thấy ngay. Ngoài ra cuộc trở lại của Phaolô còn cho thấy ngay.
Ngoài ra cuộc trở lại của Phaolô còn cho thấy quan niệm về sự kêu gọi và sự chọn
lựa do Thiên Chúa thực hiện.
(daminhvn.net)
25 tháng Giêng
Thánh Phaolô Trở lại
Hôm nay, Giáo Hội
tưởng niệm biến cố trở lại của Thánh Phaolô.
Theo Sách Công Vụ
các sứ đồ, quyển sử ký ghi lại trong giai đoạn tiên khởi của Giáo Hội, Saolê,
tên gọi Do Thái của Phaolô, là một thanh niên phong thái và đầy nhiệt huyết đối
với Ðạo. Vừa thụ huấn xong với một thầy Rabbi nổi tiếng trong nước, Saolê xung
phong đi săn lùng những người môn đệ của Ðức Kitô mà anh cho là một bè phái đi
ngược lại với Ðạo giáo.
Một hôm, đang trên
đường đi Damascô để lùng bắt các môn đệ của Chúa Giêsu, anh đã bị một luồng
Sáng đánh quật té xuống khỏi ngựa và từ trong ánh sáng ấy, anh đã nhận ra tiếng
nói của Chúa Giêsu: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt hại".
Từ đó, sự hăng say
bách hại các Kitô hữu đã biến thành lòng nhiệt thành phụng sự Giáo Hội của Ðức
Kitô. Thiên Chúa đã sử dụng Phaolô làm khí cụ Truyền Giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại,
tức là các dân tộc ở ngoại Do Thái Giáo.
Cuộc trở lại của
Thánh Phaolô đã đánh dấu một khúc quan trọng nhất trong lịch sử của Giáo Hội
tiên khởi. Tin Mừng không chỉ giới hạn trong ranh giới của Do Thái cũng như lề
luật Maisen, Tin Mừng còn là một nối dài của Do Thái Giáo, nhưng chính là một
Tôn Giáo mới cho mọi dân tộc, mọi văn hóa.
Giáo Hội tưởng niệm
biến cố trở lại của thánh Phaolô như cao điểm của tuần lễ cầu cho hiệp nhất.
Nơi thánh Phaolô, con người đã dám vượt ra khỏi ranh giới của dân tộc, của Ðạo
Giáo của mình, để tuyên bố: Hãy trở thành Hy Lạp với người Hy Lạp, La Mã với
người La Mã, nô lệ với người nô lệ. Giáo Hội nhận ra kiểu mẫu đích thực của hiệp
nhất. Sự hiệp nhất chỉ có thể thực hiện được, nếu mỗi người môn đệ của Chúa
Giêsu có đủ can đảm ra khỏi chính mình. Phải chăng đó không là đòi hỏi đầu tiên
của sự trở lại?
Theo từ điển tiếng Việt
của Nhà Xuất bản Khoa Học Xã Hội, "trở lại" nghĩa là về nơi mình ra
đi.
Nơi mình đã xuất phát,
nơi mình đã ra đi đối với người Kitô chúng ta là gì nếu không phải là Thiên
Chúa. Như vậy, trở lại chính là quay trở về với Thiên Chúa.
Sự quay trở lại ấy đòi
hỏi một sự từ bỏ tận căn và một thái độ sẵn sàng tuyệt đối. Chúng ta phải đọc lại
sự trở lại của Thánh Phaolô: Phaolô là một người thanh niên hăng say với lý tưởng.
Lý tưởng của anh chính là phụng sự Chúa hết mình bằng cách tiêu diệt những kẻ
mà anh cho là Tà Ðạo. Nhưng trong phút chốc, lần ngã ngựa đau điếng cả người
hôm đó đã buộc anh phải xoay chiều hoàn toàn: Những gì anh cho là Tà Ðạo trước
kia nay anh phải xem lại Chính Ðạo. Phaolô phải quay ngược đường trở lại. Từ bỏ
tất cả những gì mình hằng ôm ấp từ trước đến nay, từ bỏ con đường mình đang đi,
Phaolô đã trở thành một khí cụ mềm nhũn trong tay Chúa.
Ra khỏi chính mình, từ
bỏ chính mình để trở thành khí cụ trong tay Chúa: đó là đặc điểm của sự trở lại
trong Kitô giáo chúng ta.
Sự trở lại đó không chỉ
là sự quay về với Chúa của những người không tín ngưỡng, của những người từ chối
Giáo Hội khác, nhưng là đòi hỏi từng ngày của người Kitô. Mỗi lúc một đến gần với
cùng đích của chúng ta là chính Chúa: đó là lý tưởng của người Kitô chúng ta.
Càng đến gần với Chúa
càng sẵn sàng trở nên khí cụ của Chúa, chúng ta càng đến gần với tha nhân.
Xin Thánh Phaolô mà
chúng ta tưởng niệm biến cố trở lại hôm nay, giúp chúng ta hiểu được sự trở lại
đích thực mà người Kitô chúng ta phải theo đuổi mỗi ngày.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Thánh
Phaolô Tông Đồ Trở Lại
Thứ Năm 25 Tháng Một,
2018
Tuần III Mùa Thường
Niên
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Cha, là Chúa Tể trời
đất,
xin Cha nhậm lời cầu
nguyện của chúng con,
và xin chỉ cho chúng
con đường dẫn đến bình an dưới thế của Cha.
Chúng con cầu xin nhờ
Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Con Cha,
Đấng hằng sống và hằng
trị cùng với Cha và Chúa Thánh Thần,
một Thiên Chúa, đến
muôn thuở muôn đời. Amen.
2. Bài Đọc – Trích Tin Mừng theo Máccô 16:15-18
Khi ấy, Chúa Giêsu (hiện
ra với Mười Một Tông Đồ và) nói: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng
Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai
không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những dấu lạ đi theo những người đã
tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong
tay, và nếu uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người
bệnh, và bệnh nhân được lành mạnh.”
3. Suy Niệm
* Những dấu lạ đi kèm theo với việc công bố
hay loan báo Tin Mừng. Và cuối cùng Đức Giêsu hiện ra với mười một
môn đệ và trách cứ họ bởi vì các ông đã không tin vào những người đã trông thấy
Chúa Phục Sinh. Một lần nữa, tác giả Máccô đề cập đến việc cứng lòng của
các môn đệ không tin vào lời chứng của những người, nam cũng như nữ, đã trải
qua kinh nghiệm về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Tại sao lại đề cập đến việc
này như thế? Có lẽ, để giảng dạy hai điều. Thứ nhất, đó
là niềm tin vào Chúa Giêsu đi qua đức tin trong những người làm chứng. Thứ
hai, không ai được chán nản, khi lòng hoài nghi xuất phát từ con tim.
Cuối cùng, mười một môn đệ đã có lòng ngờ vực!
* Sau đó, Chúa Giêsu trao cho các ông sứ vụ đi loan
báo Tin Mừng cho mọi tạo vật. Điều kiện mà Người cho biết là điều sau đây:
tin và chịu phép rửa. Đối với những ai có đủ can đảm để tin vào Tin Mừng
và những ai chịu phép rửa, Người hứa với họ những dấu lạ sau đây: họ sẽ
trừ được quỷ, họ được ơn nói các thứ tiếng lạ, họ sẽ cầm rắn trong tay và nếu họ
uống phải chất độc thì cũng không bị hề hấn gì, họ sẽ đặt tay trên những người
bệnh thì người bệnh được khỏi. Điều này còn xảy ra cho đến bây giờ:
– Trừ quỷ: là chiến đấu chống
lại quyền lực của sự dữ phá hủy sự sống. Đời sống của nhiều người đã được
cải thiện vì đã nhập vào cộng đoàn và vì đã bắt đầu sống theo Tin Mừng của sự
hiện của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ.
– Ơn nói các thứ tiếng lạ: là để bắt
đầu giao tiếp với những người khác trong một hình thức mới. Đôi khi,
chúng ta thấy một người mà chúng ta chưa từng gặp bao giờ, nhưng có vẻ như
chúng ta đã quen biết người ấy đã từ lâu lắm. Điều này xảy ra bởi vì
chúng ta nói cùng một ngôn ngữ, ngôn ngữ của tình yêu.
– Họ sẽ không bị hại nếu họ uống phải chất độc:
có rất nhiều thứ có lẫn chất độc. Nhiều tin đồn nhảm phá hủy mối quan hệ
giữa người ta. Người mà sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa vượt qua
khỏi điều này và thành công trong việc không bị phiền nhiễu bởi chất độc tệ hại
này.
– Chữa lành các bệnh nhân: bất cứ ở
đâu có một lương tâm trong sáng hơn và năng động hơn của sự hiện diện của Thiên
Chúa, thì ở đó cũng có một sự chú tâm đặc biệt đến những kẻ bị áp bức và chịu
thiệt thòi, đặc biệt là những người bệnh. Điều gì giúp cho người ta bình
phục nhanh hơn, đó là được chấp nhận và yêu thương.
– Qua cộng đoàn, Chúa Giêsu tiếp tục sứ vụ của
mình: chính Chúa Giêsu đã sống ở miền Paléstine, nơi mà Người đã đón
nhận người nghèo của thời ấy, mặc khải theo phương cách này, tình yêu của Chúa
Cha, cùng một Chúa Giêsu này tiếp tục sống ở giữa chúng ta, trong cộng đoàn
chúng ta. Và qua chúng ta, Người tiếp tục sứ vụ của mình, mặc khải Tin Mừng
về Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho người nghèo. Cho đến ngày nay, Chúa
Phục Sinh xảy ra, thúc giục chúng ta hát lên: “Ai có thể chia rẽ chúng
ta, ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô, ai có thể chia rẽ
chúng ta? (xem Rm 8:38-39). Không có sức mạnh nào của thế gian này
có thể chống cự lại sức mạnh xuất phát từ niềm tin vào Chúa Phục Sinh (Rm
8:35-39). Một cộng đoàn muốn trở thành chứng nhân cho Chúa Phục Sinh phải
là một dấu hiệu của sự sống, phải chiến đấu chống lại quyền lực của sự chết,
theo một cách mà thế gian có thể là nơi thuận lợi cho sự sống, và phải tin rằng
có đời sau. Hơn hết cả là tại châu Mỹ Latin, nơi mà sự sống của người ta
đang gặp nguy nan vì hệ thống sự chết đã được áp đặt; các cộng đoàn phải là bằng
chứng sống động của niềm hy vọng để chiến thắng thế gian, mà không sợ vì được hạnh
phúc!
4. Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
- Trừ quỷ, ơn nói các thứ tiếng lạ, không bị hại nếu
uống phải chất độc hoặc cầm rắn trong tay, chữa lành bệnh nhân: Bạn
có đã hoàn thành bất kỳ các dấu hiệu này chưa?
- Chúa Giêsu có tiếp tục sứ vụ của Người qua chúng ta
và qua cộng đoàn chúng ta không? Người có thể nào hoàn thành sứ vụ
này trong cộng đoàn của chúng ta không? Bằng cách nào và như thế
nào?
5. Lời nguyện kết
Muôn nước hỡi, nào ca
ngợi CHÚA,
ngàn dân ơi, hãy chúc
tụng Người!
Vì tình Chúa thương ta
thật là mãnh liệt,
lòng thành tín của Người
bền vững muôn năm.
(Tv 117:1-2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét