Trang

Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

Tản mạn chuyện ly dị: Các thánh bổn mạng của người ly dị

Tản mạn chuyện ly dị: Các thánh bổn mạng của người ly dị
Vũ Văn An
04/Jan/2018
Nghe có vẻ lạ. Nhưng thực sự có các thánh bổn mạng cho người ly dị. Nói đúng hơn có những vị ly dị hay là con cái của những người ly dị nhưng vẫn đã làm thánh và được phong thánh.

Thánh Helen

Mẹ của Hoàng Đế Constantinô, Thánh Helen (249-329), đã tìm ra Cây Thánh Giá Thật ở Giêrusalem và trong nhiều thế kỷ, lòng tôn kính Thánh Helen đã được liên kết với lòng tôn sùng Thánh Giá. Nhưng thực ra, có một mảng khá buồn trong cuộc đời của Thánh Helen. Sau 22 năm lấy nhau, chồng bà, Constantius, đã ly dị bà. Các nguồn tài liệu cũng không biết chắc về bản chất chính xác mối liên hệ của họ: một số người nói rằng đây là một cuộc hôn nhân hợp pháp, người khác lại bảo chỉ là một cuộc hôn nhân theo thường luật (common law); một số bảo bà là vợ ông, người khác bảo chỉ là thê thiếp. Dù là gì đi chăng nữa, cả hai người đã có quan hệ và quan hệ này sinh ra một người con nối dõi, đó là Constantinô, khoảng năm 272 công nguyên. Họ ở với nhau ít nhất 15 năm, rồi năm 289 công nguyên, Constantius, lúc ấy là Hoàng Đế Xêda của Rôma, ly dị Helen để bước vào một cuộc hôn nhân có lợi hơn về chính trị với một người đàn bà trẻ hơn, nàng Theodora, vốn là con kế của Maximian, Hoàng Đế Augustô của Rôma lúc đó. Ngày nay, khi ly dị theo luật đời trở nên thịnh hành hơn, Thánh Helen đã được đề nghị với các người phối ngẫu bất hạnh làm thánh quan thầy để đồng cảm với họ trong nỗi sầu muộn của họ và cầu bầu cho họ.

Thánh Guntramnus


Ông thánh này, người Việt Nam ít nghe biết. Nhưng ngài vốn làm vua vùng Orleans và Burgyundy năm 561 và cưới người đàn bà tên Mercatrude, có nghĩa là người kiến tạo hòa bình. Sau đó, ngài ly dị bà này để lấy một người đàn bà khác. Sau đó, khi bà ngã bệnh nặng, và bác sĩ của bà không còn chữa chạy cho bà nữa, Vua Guntramnus đã cho lệnh giết viên y sĩ này. Cuối cùng, ngài đã trở lại Đạo Công Giáo và rất hối hận về lối sống quá khứ của mình.

Vua Guntramnus nhìn nhận Chúa luôn thương xót ngài, nên đổi lại, ngài tỏ lòng thương xót với những người khác. Ngay những người mưu toan ám sát ngài cũng chỉ bị cầm tù chứ không bị giết như các vị vua khác quen làm. Một người toan đâm ngài, nhưng chạy trốn vào một nhà thờ, đã được Vua Guntramnus thả tự do. Ngài xử hợp tình hợp lý với mọi người và coi thần dân của ngài như chính gia đình mình. Ngài dành phần lớn thì giờ để cầu nguyện và ăn chay, và xây dựng một số nhà thờ và đan viện. Thánh Grêgôriô thành Tours viết rằng ngài mục kích nhiều phép lạ của Thánh Guntramnus. Ngày 28 tháng Ba năm 592, Vua Guntramnus băng hà lúc 68 tuổi.Thế kỷ 16, bọn Huguenots đem tro của ngài rải khắp nơi, nhưng sọ của ngài thì nguyên vẹn và hiện được giữ tại nhà thờ Thánh Marcellô. Thánh Guntramnus là thánh quan thầy những người ly dị, sát nhân ăn năn. Ngài thường được mô tả trong nghệ thuật như một vị vua với ba chiếc hòm châu báu, một trong các hòm này có quả cầu và cây thánh giá trên đó.

Thánh Eugene de Mazenod


Thánh Eugene de Mazenod thuộc gia đình vọng tộc Pháp. Mẹ ngài, Marie-Rose, là người giầu có, được giáo dục trong tu viện. Charles-Antoine, cha ngài, được giáo dục về cổ điển, nhưng nghèo. Một nhân tố nghiêm trọng trong cuộc hôn nhân này là sự can thiệp không thôi từ người mẹ ghen tuông và cô em thần kinh của Marie Rose. Khi bà cuới Charles-Antoine, gia đình của Marie-Rose định rằng của hồi môn họ dành cho bà phải giữ mãi dưới tên bà.

Năm 1791, trong Cách Mạng Pháp, gia đình de Mazenod buộc phải lưu đầy qua Ý để tránh máy chém. Năm 1795, bỏ chồng và con trai ở lại Venice, Marie-Rose trở về Pháp với người em gái của Eugene. Khi về đến Pháp, bà ly dị cha của Eugene, lấy lại tên hồi còn là con gái và nhờ sự khôn khéo của mẹ, bà lấy lại được của hồi môn. Sau này, bà viết cho ông chồng cũ: “Nay ông trắng tay nhé”.

Sau 11 năm bị lưu đầy, Eugene trở về Aix theo lời yêu cầu của mẹ, nơi ngài cố gắng tái đoàn tụ gia đình. Ngài cũng cố gắng đòi lại tài sản của gia đình từng bị mất thời cách mạng.

Năm 1808, Eugene vào chủng viện ở Paris, làm việc chăm chỉ cho người nghèo và cuối cùng trở thành giám mục của Marseilles, Pháp, năm 1837 và ảnh hưởng của ngài lan rộng không những ở địa phương mà là khắp thế giới. Trước khi qua đời, dòng linh mục mà ngài thành lập, tức Dòng Tận Hiến Vô Nhiễm (Oblates of Mary Immaculate) đã truyền sang 10 quốc gia khắp thế giới.

Thánh De Mazenod chết trong tư cách Tổng Giám Mục ngày 21 tháng Năm, 1861 và mộ của ngài nằm trong ngôi nhà nguyện của nhà thờ chính tòa của thành phố. Khi chết, quả tim của ngài được gỡ riêng ra và bảo quản, một phong tục không xa lạ gì của thế kỷ 19. Một phần của quả tim này đã được đặt trong hộp thánh tích và được đem tới Hoa Kỳ năm 1964. Hộp thánh tích được mạ vàng lại này sau đó đã được đặt tại Nhà Nguyện Bí Tích Cực Thánh ở “Hang Đá Lộ Đức Vùng Tây Nam” thuộc San Antonio do Dòng Tận Hiến sở hữu. Ngài được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 1995.

Giáo hội dạy gì

Các vị thánh trên minh nhiên xác nhận: ly dị không phải là điều cản trở người ta nên thánh. Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo quả quyết điều ấy.

Vì Giáo Hội có cái nhìn hết sức thông sáng về hôn nhân: không phải mọi cuộc hôn nhân đều đã được kết ước đúng theo lối được Giáo Hội nhìn nhận là thành hiệu, dù được kết ước tại nhà thờ. Cho dù một bên hay cả hai bên muốn có cuộc kết hôn chân chính, rất có thể một hay hai bên không có khả năng/tự do kết hôn theo cung cách là hình ảnh cho dây nối kết tự do, vĩnh viễn, ban sự sống giữa Chúa Kitô Chàng rể và nàng dâu của Người là Giáo Hội. Có thể đã có một đám cưới, một cuộc sống chung, thời kỳ hạnh phúc, và những đứa con tươi xinh, nhưng đôi khi, ngay từ đầu, vẫn đã không phải một “hôn nhân” đích thực như Giáo Hội hiểu, căn cứ vào lời Chúa Kitô.

Và mặc dù không mặc tình cho phép ly dị, Giáo Hội cũng biết rằng đôi khi việc ly dị dân luật là điều cần thiết vì rất nhiều lý do, như sự an toàn hay phúc lợi gia đình. Đôi khi, sau nhiều năm tranh chấp và cuối cùng ly dị, người ta mới thấy rõ chưa bao giờ có dây nối kết tự do, trung thành, toàn diện hay sinh hoa trái đã được thiết lập giữa hai người lúc họ nói “con có”.

Nhưng đáng buồn hơn là trường hợp một bên đã hết mình vì cuộc hôn nhân và có ý định muốn có một cuộc kết hợp tự do, trung thành, và trao ban sự sống, chỉ để bị bỏ rơi bởi người kia. Giáo Hội rất rõ ràng và nhất quán trong việc suy đoán mọi cuộc hôn nhân đều thành hiệu cho tới lúc được chứng minh khác đi; Giáo Hội đề cao phẩm giá, tính thánh thiêng, và tính bất khả tiêu của hôn nhân. Nhưng Giáo Hội cũng hiểu rằng điều đôi khi xem ra như hôn nhân thực sự không phải là hôn nhân.

Mỗi trường hợp một khác vì mỗi con người và mỗi cuộc hôn nhân đều có tính độc đáo. Bất kể hoàn cảnh của bạn ra sao, Giáo Hội vẫn có mặt ở đây để điều tra, soi sáng khuyến khích, và nâng đỡ bạn và gia đình bạn sống cuộc sống thánh thiện và hạnh phúc.

Sau đây là những điều Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo dạy về ly dị:

2382. Chúa Giê-su nhấn mạnh đến ý định ban đầu của Đấng Sáng Tạo là hôn nhân bất khả phân ly ( x. Mt 5,31-32; 19,3-9; Mc 10,9; Lc 6,18; 1Cr 7,10-11 ). Người bãi bỏ những khoan nhượng trong luật cũ (x. Mt 19,7-9 ).

Giữa hai người đã chịu Bí Tích Thánh Tẩy, "hôn nhân đã ký kết và hoàn hợp thì không thể bị tháo gỡ bởi bất cứ quyền lực nhân loại nào, bất cứ vì lý do gì, ngoại trừ cái chết" ( x. CIC, can. 1141 ).

2383. Trong một số trường hợp đã được Giáo Luật dự liệu, đôi vợ chồng có thể được phép ly thân nhưng vẫn còn duy trì dây liên kết hôn nhân ( x. CIC, can. 1151-1155 ).

Nếu việc ly hôn về phần đời là phương cách duy nhất còn lại để bảo đảm một số quyền lợi chính đáng, chăm sóc con cái hoặc bảo vệ gia sản, thì có thể tạm chấp nhận mà không lỗi về luân lý.

2384. Ly dị vi phạm nghiêm trọng luật tự nhiên, phế bỏ khế ước mà vợ chồng đã tự do ưng thuận để sống với nhau cho đến chết. Ly dị làm tổn hại giao ước cứu độ mà bí tích Hôn Phối là dấu chỉ. Tái hôn dù được luật đời công nhận càng làm cho tình trạng đỗ vỡ thêm tệ hại: người tái hôn, sau khi ly dị, phạm tội ngoại tình công khai và thường xuyên : “Nếu người chồng, sau khi đã chia ly với vợ mình, ăn ở với một người phụ nữ khác, thì phạm tội ngoại tình, vì làm cho phụ nữ đó cũng phạm tội ngoại tình; người phụ nữ ăn ở với người đàn ông đó phạm tội ngoại tình vì đã dụ dỗ chồng của người khác”( T. Ba-xi-li-ô, Nguyên tắc luân lý 73 ).

2385. Ly dị là phi luân vì làm xáo trộn gia đình và xã hội. Việc xáo trộn này kéo theo nhiều tổn hại nghiêm trọng: cho người phối ngẫu vì bị ruồng bỏ; cho con cái phải đau khổ vì cha mẹ phân ly, và lắm khi còn bị dằng co không biết theo ai; cho xã hội vì hiệu quả lây lan của nó, nó thực sự là một tai ương cho xã hội.

2386. Nếu một trong đôi vợ chồng là nạn nhân vô tội của phán quyết ly dị do tòa án dân sự, người này không vi phạm luật luân lý. Có sự phân biệt rõ ràng giữa người phối ngẫu thành thật cố gắng trung thành với bí tích Hôn Phối và bị ruồng bỏ bất công, với người phá hủy hôn nhân thành sự theo Giáo Luật ( x. FC 84 ) do phạm lỗi nặng.

Thực ra điều 2383 trên đây chỉ là nói lại điều chính Chúa Giêsu và Thánh Phaolô từng nói. Chúa Giêsu phán thế này: "Ai ruồng rẫy vợ mình và cưới lấy người đàn bà khác thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ thứ nhất; nếu một phụ nữ bỏ chồng để đi cưới người khác, thì cũng phạm tội ngoại tình." (Mc 10:9; xem thêm Mt 19:9, Lc 16:18). Chỉ bỏ vợ hoặc chồng mà thôi chưa thành tội (ngoại tình). Thánh Phaolo đã hiểu như thế khi viết: "Vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân." (1 Cor 7:10-11). Thành ra khi nói rằng ly dị không có tội, các thẩm quyền Giáo Hội muốn nói đến việc ly dị dân sự: nguyên việc chấm dứt hôn ước trước toà án dân sự mà thôi chưa có tội. Nhưng nếu sau đó, người ly dị dân sự tự ý tái kết hôn, họ chính thức phá đổ giao ước hôn nhân, đi ngược lại ý định nguyên thủy của Thiên Chúa, như Chúa Kitô đã nói trong các Phúc âm Nhất Lãm. Dù vậy, Đức Gioan Phaolô II cho hay, họ vẫn không bị loại trừ khỏi Giáo Hội: "Cùng với Thượng Hội Đồng, Tôi khẩn thiết kêu gọi các chủ chăn và toàn thể cộng đoàn tín hữu giúp đỡ những người ly dị, và với sự săn sóc đầy nhiệt tâm hãy làm sao bảo đảm rằng họ không tự coi họ như những người bị tách biệt ra ngoài Giáo Hội, vì là những người đã chịu phép Rửa, họ có thể, và thực ra phải, chia sẻ đời sống của Giáo Hội. Nên khích lệ họ lắng nghe Lời Chúa, tham dự Thánh Lễ, kiên tâm cầu nguyện, đóng góp vào các công việc bác ái cũng như các cố gắng của cộng đòan phục vụ công lý, nuôi dạy con cái trong đức tin Kitô Giáo, trau dồi tinh thần và thực hành thống hối và ngày đêm khẩn cầu ơn Chúa." (Familiaris consortio, số 84).

Ta biết Đức Phanxicô còn dám đi xa hơn bằng cách gợi ý có những trường hợp, một số người trong số họ còn được lãnh nhận các bí tích như một trợ lực để trở về với sự viên mãn của hôn nhân đích thực, một vấn đề bị nhiều tranh cãi, nhưng cho tới nay, là chủ trương của Đức Phanxicô (xem ghi chú nổi danh 351 trong Niềm Vui Yêu Thương).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét