Trang

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2019

20-10-2019 : (phần II) CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN năm C - KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO


20/10/2019
 Chúa Nhật 29 Thường Niên năm C.
 CẦU CHO VIỆC RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO CÁC DÂN TỘC.
(phần II)

Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 29 Thường niên năm C
Xh 17,8-13; 2Tm 3,14-4,2; Lc 18,1-8
CHỦ ĐỀ: CẦU NGUYỆN KHÔNG NGỪNG
Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn,
ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? (Lc 18,7)
Cầu nguyện là hơi thở của đời sống Kitô hữu và là phương cách diễn đạt niềm tín thác vào Thiên Chúa. Đức tin của chúng ta sẽ lớn lên và mạnh mẽ tùy thuộc vào đời sống cầu nguyện. Đồng thời, cầu nguyện cũng đóng vai trò rất lớn trong sứ vụ của Hội Thánh. Hãy để sứ điệp Lời Chúa hôm nay thúc đẩy chúng ta ý thức ý nghĩa của việc cầu nguyện và cầu nguyện không ngừng.
I. CÁC BÀI ĐỌC
Sứ điệp mà đoạn sách Xuất Hành hôm nay muốn nhắc tới là cầu nguyện thật cần thiết và hữu hiệu. Bối cảnh ở đây là trong khi toàn dân Israel trực diện giao chiến với người Amalec, thì Môsê lên núi, giơ tay lên trời để cầu nguyện cho dân chúng. Theo ngôn ngữ của Kinh Thánh, núi là nơi Thiên Chúa ngự. Vì thế, Môsê lên núi để gặp gỡ và cầu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa. Theo cách của người Dothái cầu nguyện, Môsê giơ tay lên cao để hướng lòng về Thiên Chúa và cũng là hành vi cầu xin sự trợ giúp của Người. Mỗi khi Môsê giơ tay lên, thì con cái Israel thắng trận: “Khi ông Môsê giơ tay lên, thì Israel thắng; còn khi ông hạ tay xuống, thì Amalec chiếm ưu thế”. Như thế, cuộc chiến thắng của con cái Israel không phải do binh hùng, tướng mạnh hay có vũ khí tối tân hơn quân địch, nhưng do sự trợ giúp của Thiên Chúa qua lời cầu nguyện của ông Môsê. Có thế cầu nguyện là sức mạnh tạo nên sự chiến thắng của con cái Israel. Đó là quyền năng của lời cầu nguyện.
2. Bài đọc II (2Tm 3,14-4,2)
Thánh Phaolô mời gọi ông Timôthêô, và qua đó mời gọi mỗi người chúng ta, hãy vững tin trong những gì mà chúng ta đã học hỏi và đã tin, nhất là đối với ơn cứu độ mà chúng ta đã lãnh nhận được từ Đức Giêsu, như được trình bày trong Kinh Thánh. Kinh Thánh là mặc khải ơn cứu độ của Thiên Chúa cho con người và cũng là nơi để con người có thể tiếp cận với thánh ý Chúa: “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính”. Đáp lại quà tặng đó từ Thiên Chúa, chúng ta hãy trở nên những chứng nhân của Lời Chúa: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ”
Trong ngày lễ Khánh Nhật Truyền Giáo hôm nay, những lời trên thật là ý nghĩa. Bản chất của mỗi Kitô hữu là truyền giáo. Nếu chúng ta đã kết nối được với Chúa và nhận được ân huệ từ Chúa thì cần nỗ lực lan tỏa tinh thần Chúa đến người khác.
3. Bài Tin Mừng (Lc 18,1-8)
Đức Giêsu mời gọi các môn đệ cầu nguyện luôn mãi. Quả thực, cầu nguyện là yếu tố nền tảng cho đời sống đức tin, cho mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Để minh họa cho sự cần thiết của cầu nguyện, Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn đề cao tinh thần kiên nhẫn trong lúc cầu nguyện. Dụ ngôn xoay quanh hai nhân vật: ông quan tòa và bà góa. Ông quan tòa này có một đời sống không tốt đẹp trong tương quan với Thiên Chúa và người khác: “Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì”. Cuộc sống của ông chẳng có điều gì tích cực cả. Trong thành của ông quan tòa này, có một bà góa bị đàn áp bởi những bất công. Bà đến với ông nhiều lần để xin được xét xử: “Đối phương tôi hại tôi, xin Người minh xét cho”. Nhưng ông quan tòa này chẳng đếm xỉa gì tới lời cầu xin của bà. Bà góa này đã không buông xuôi, bà vẫn kiên nhẫn gõ cửa nhà ông để xin được minh xét. Sự kiên trì của bà đã thay đổi thái độ của quan tòa. Ông đã phải xét xử cho bà vì sự kiên trì và quấy rầy của bà. Trước đó, bài Tin Mừng đã cho biết ông quan tòa này không tốt lành gì, nhưng nay phải thay đổi thái độ để đáp ứng lời cầu xin của bà, là minh xử cho bà góa nghèo. Được như thế là do sự kiên nhẫn nài nỉ thỉnh cầu của bà. Ông là người xấu mà còn làm như thế, huống chi Thiên Chúa tốt lành lại chẳng lắng nghe lời cầu xin của con cái Người: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ”. Đây là sứ điệp mà Đức Giêsu muốn nhắn gửi cho các môn đệ: cầu nguyện không ngừng trong tinh thần kiên nhẫn.
1. “Khi nào Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng thế; còn khi ông hạ tay xuống, thì Amalec thắng thế”. Tôi có cảm thấy tầm quan trọng và cần thiết của việc cầu nguyện? Tôi có thường xuyên cầu nguyện với Thiên Chúa? Tôi có ý thức “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên?” hay “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là luống công?”
2. “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện”. Tôi có thường xuyên đọc, suy niệm Lời Chúa để hiểu và để sống? Tôi có nỗ lực tuyên xưng mình là người Công giáo và thể hiện điều đó ra đời sống hằng ngày? Trong tháng Mười Đặc Biệt dành cho việc Truyền Giáo này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc chúng ta trong Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền giáo 2019, rằng: Được Rửa Tội và Được Sai Đi, Hội Thánh Chúa Kitô thi hành sứ mạng trong thế giới. Cử hành tháng này sẽ giúp chúng ta trước hết tái khám phá chiều kích truyền giáo của lòng tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô… Truyền giáo không phải là chuyện chiêu dụ người ta vào đạo, nhưng là một kho báu để cho tặng, truyền thông và công bố… Công bố rằng Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi bằng cách nhận biết chân lý và trải nghiệm lòng thương xót của Người.
3. “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?” Tôi có nhẫn nại, kiên trì cầu nguyện với Thiên Chúa? Tôi có biết dâng lên Thiên Chúa tất cả mọi hoàn cảnh vui buồn của đời sống? Khi cầu xin mãi mà chưa được điều mình xin, tôi có oán trách hay xa Chúa để đi cầu cứu một thế lực khác hay không? Trong Tháng truyền giáo này, chúng ta nhớ tới đời sống hy sinh cầu nguyện đóng vai trò của rất lớn cho sứ vụ của Hội Thánh. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu mà chúng ta mừng lễ vào ngày mồng một của tháng Mười này là một mẫu gương điển hình. Dù chỉ ở trong Đan viện kín, nhưng với lời cầu nguyện, thánh nữ đã giúp cho nhiều người nhận biết Chúa, đến nỗi Hội Thánh đã đặt ngài làm bổn mạng của các xứ truyền giáo.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Cầu nguyện là hơi thở đời sống đức tin của mỗi người kitô hữu và là phương cách diễn tả niềm tin vào Thiên Chúa. Trong ngày cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo hôm nay, với thao thức chia sẻ niềm vui đức tin đã lãnh nhận, cộng đoàn chúng ta cùng tin tưởng cầu xin:
1. Lời cầu nguyện của Môsê đã đem lại chiến thắng cho con cái Israel. Chúng ta cùng cầu xin cho các thành phần trong Hội Thánh nhận ra ý nghĩa và giá trị của việc cầu nguyện, biết tích cực cộng tác vào công cuộc loan báo Tin Mừng trước hết bằng sự hiệp thông cầu nguyện không ngừng.
2. “Khi Con Người đến, liệu sẽ còn thấy được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các hội đoàn và gia đình Công giáo luôn tích cực tuyên xưng và thông truyền đức tin qua chính cuộc sống hằng ngày, hầu giúp cho nhiều người tin nhận Chúa Kitô là Đấng cứu độ duy nhất.
3. Thánh Phaolô nhắc nhở: “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy kiên trì khi thuận lợi hay không thuận lợi.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi kitô hữu biết ý thức trách nhiệm truyền giáo, luôn yêu mến và chuyên cần học hỏi Lời Chúa, nhiệt thành dấn thân và quảng đại hy sinh cho công cuộc loan báo Tin Mừng.
4. Cầu nguyện giúp con người duy trì tương quan sống động với Thiên Chúa là Cha. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết siêng năng đến với Chúa qua những cử hành phụng vụ, đồng thời luôn kết hợp mật thiết với Người trong mọi hoàn cảnh vui buồn của đời sống.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa đã muốn quy tụ mọi người trong Con Yêu Dấu của Chúa là Đức Giêsu Kitô, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban dồi dào Thánh Thần để chúng con luôn trung thành với sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 29 TN C
Chủ đề :
Cầu nguyện kiên trì

“Xin ngài minh xét cho tôi” (Lc 18,3)
Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc I : Nhờ Môsê cầu nguyện mà quân do thái đã chiến thắng quân của Amaléc.
– Tin Mừng : Gương kiên trì nài xin của một bà góa.
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Cầu nguyện và Tin luôn gắn liền với nhau : vì chúng ta Tin nên chúng ta cầu nguyện, và nhờ cầu nguyện nên đức tin của chúng ta được củng cố thêm. Bởi thế Chúa Giêsu dạy các tín hữu Ngài phải cầu nguyện luôn, nghĩa là không chỉ cầu nguyện khi gặp chuyện gì khó khăn, mà phải cầu nguyện trong mọi lúc.
Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy xin Chúa dạy chúng ta biết cầu nguyện và giúp chúng ta cầu nguyện luôn, để đức tin của chúng ta ngày càng thêm vững mạnh.
II. Gợi ý sám hối
– Chúng ta thường mải mê với công việc mà lười biếng cầu nguyện.
– Tuy chúng ta có cầu nguyện nhưng chúng ta không cầu nguyện cách kiên trì.
– Nhiều khi chúng ta cầu nguyện mà trong lòng không mấy tin tưởng vào Chúa.
III. Lời Chúa
1.     Bài đọc I (Xh 17,8-13)
Chuyện này kể về thời dân do thái đang tiến vào Đất Hứa. Họ phải giao chiến với những dân đã định cư sẵn trong miền đất đó. Đoạn này thuật cuộc giao chiến với quân Amaléc :
– Môsê giao cho ông Giôsuê dẫn quân đi giao chiến. Phần ông thì ở trên núi giang tay cầu nguyện.
– Khi nào Môsê còn giang tay cầu nguyện thì quân Israel thắng thế ; ngược lại khi Môsê mỏi mệt quá bỏ tay xuống thì quân Israel thua. Người ta mới lấy một tảng đá kê cho Môsê ngồi, lại cử thêm hai người giúp Môsê nâng tay lên. Nhờ đó Môsê có thể giang tay cầu nguyện lâu giờ, và kết quả là Israel đã toàn thắng.
Chuyện này muốn nói rằng chiến thắng không phải do sức mạnh của quân Israel, mà nhờ sự phù hộ của Chúa do lời cầu nguyện của Môsê.
2.                 Đáp ca (Tv 120)
Thánh vịnh này tiếp nối ý tưởng của bài đọc I : “Ơn phù trợ tôi bởi nơi nao ? Ơn phù trợ tôi đến từ Đức Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời”
3.                 Tin Mừng (Lc 18,1-8)
Thánh Luca cho biết rõ ý nghĩa của dụ ngôn này là dạy “các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Dụ ngôn có hai vai :
– bà góa : trong xã hội do thái, các bà góa chịu nhiều thiệt thòi và không ai bênh vực. Bà góa này có lẽ bị người ta ức hiếp nhưng vì không ai bênh vực nên chỉ còn biết chạy đến kêu cứu với thẩm phán.
– thẩm phán : lẽ ra nhiệm vụ của ông là bênh vực những người bị ức hiếp. Nhưng ông thẩm phán này không bênh vực bà góa vì bà chẳng có lợi gì cho ông cả. Dù vậy, nhờ bà cứ kiên trì kêu xin nên cuối cùng ông cũng xử công bình cho bà.
* Bài học : một người bất công như viên thẩm phán mà còn phải chịu thua lòng kiên trì của bà góa. Huống chi Thiên Chúa tốt lành, Ngài sẽ mau chóng bênh vực kẻ kêu xin Ngài cách kiên trì.
Tuy nhiên, có nhiều kẻ không kiên trì nên đã mất lòng tin. Đó là ý nghĩa câu cuối cùng : “Nhưng khi Con Người ngự đến. liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?”.
4.                 Bài đọc II (2 Tm 3,14–4,2) (Chủ đề phụ)
Phaolô biết rằng mình sắp chấm dứt cuộc đời nên viết thư cho môn đệ mình là Timôtêô để khuyên ông này giữ vững những gì đã học được từ Sách Thánh.
IV. Gợi ý giảng
* 1. Vai trò của cầu nguyện
Không ai có thể sống đời Kitô hữu tốt mà không cầu nguyện. Nhưng chúng ta phải hiểu cầu nguyện là gì và cầu nguyện thế nào.
Có 3 người bị kẹt trong một căn phòng tối tăm và chẳng có cửa gì cả. Họ làm thế nào để thoát khỏi tình trạng bế tắc này ?
– Người thứ nhất là một nhà văn. Anh không có đức tin. Anh ngồi đấy và luôn miệng nguyền rủa.
– Người thứ hai là một tín hữu sốt sắng. Anh đã quỳ gối cầu nguyện rất lâu, sau đó ngồi xuống chờ phép lạ.
– Người thứ ba cũng là một tín hữu làm nghề thợ xây, vừa đạo đức vừa thực tế. Sau khi cầu nguyện, anh lấy từ túi đồ nghề ra một cây búa và một chiếc đục, rồi bắt đầu đục tường. Công việc rất lâu lắc và cực nhọc. Bụi bắn vào mặt anh, vào cả mắt anh. Mồ hôi anh nhễ nhại. Nhưng anh vẫn kiên trì đục. Thỉnh thoảng dừng lại nói “Lạy Chúa, xin cứu giúp chúng con”.
Đang lúc đó người thứ nhất vẫn ngồi ở một góc, vừa hút thuốc vừa nguyền rủa ; người thứ hai ở một góc khác tiếp tục cầu nguyện.
Cuối cùng người thứ ba đã mở được một lỗ lớn trong vách tường và cả 3 người đã thoát ra khỏi căn phòng.
Trên đây là 3 thái độ khác nhau đối với sự cầu nguyện :
– Người thứ nhất coi cầu nguyện là mất giờ. Vì anh không có đức tin nên thái độ của anh cũng hợp lý thôi. Nếu bạn không tin Chúa thì cầu nguyện với Ngài sao được ?
– Người thứ hai coi cầu nguyện là một sự thay thế cho làm việc, vì thế sau khi cầu nguyện xong người ấy ngồi chờ Chúa giúp. Phải thành thật nhìn nhận rằng chúng ta cũng nhiều lần cầu nguyện cách này, đặc biệt là khi chúng ta cầu nguyện cho người khác. Chỉ là những lời nói, và những lời đó trở thành một cái cớ để ta khỏi làm việc.
– Người thứ ba tin tưởng vào hiệu quả của cầu nguyện, hiệu quả ấy không thay thế làm việc, mà là trợ lực cho làm việc. Cầu xin điều gì thì đồng thời cũng cố gắng làm bất cứ việc gì có thể để đạt được điều đó. Sự cầu nguyện này khơi lên niềm hy vọng và khuyến khích lòng can đảm. Nó cũng giúp ta cảm nhận rằng Chúa ở kề bên ta và không bỏ mặc ta trong cảnh khó khăn.
* 2. Cầu nguyện luôn
Đoạn Tin Mừng hôm nay bắt đầu như sau : “Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Nhiều người chưa thấy giá trị của sự cầu nguyện liên tục. Họ nghĩ chỉ cần cầu nguyện khi có việc cần Chúa giúp, thế là đủ. Chuyện sau đây là câu trả lời cho những người ấy.
Có một thành phố nhỏ kia có đầy đủ mọi cơ quan và dịch vụ cần thiết như bệnh viện, trường học, nhà thờ, tòa án, chợ, tiệm may, tiệm ăn v.v. Chỉ thiếu một điều là không có thợ sửa đồng hồ. Bởi vậy các đồng hồ lớn đồng hồ nhỏ của những cư dân thành phố này dần dần cái thì hư, cái thì chạy sai. Một số người quẳng đồng hồ vào tủ. Một số khác cố gắng tự mình lau chùi, sửa chữa rồi tiếp tục dùng tạm mặc dù những chiếc đồng hồ ấy chạy không được chính xác lắm.
Một ngày kia có một người thợ sửa đồng hồ đến thành phố. Mọi người rất mừng, ai nấy đều mang đồng hồ đến nhờ anh sửa. Tuy nhiên anh nói thật : “Tôi chỉ có thể sửa những chiếc đồng hồ nào còn chạy. Còn những chiếc nào đã ngưng chạy từ lâu thì tôi không sửa nỗi vì chúng rỉ sét hết rồi”.
Cầu nguyện luôn cũng giống như giữ cho chiếc đồng hồ đời ta luôn luôn chạy.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu bảo chúng ta phải cầu nguyện luôn, vì :
– Sự cầu nguyện luôn soi sáng niềm hy vọng và những dự định của chúng ta.
– Sự cầu nguyện luôn giúp ta phân biệt được điều gì là quan trọng, điều gì là tầm thường.
– Sự cầu nguyện luôn giúp ta khám phá ra những ước vọng chân thật, những ray rứt lương tâm bị bóp nghẹt, những nỗi khát khao bị quên lãng.
– Sự cầu nguyện luôn chỉ cho ta thấy những lý tưởng cao đẹp cần vươn tới.
– Và nhất là sự cầu nguyện luôn giữ ta thường xuyên gần gũi với Chúa.
* 3. Hai tư thế cầu nguyện
Hồi còn bé, chúng ta được dạy chấp tay lại khi cầu nguyện. Khi tham dự Thánh lễ, chúng ta thấy Linh mục cầu nguyện giang tay. Đó là hai tư thế cầu nguyện.
Cầu nguyện chấp tay có nghĩa là chúng ta tạm dừng những hoạt động để chuyên tâm nghĩ đến Chúa. Còn cầu nguyện giang tay là để tỏ ra rằng chúng ta là những người nghèo nàn trước mặt Chúa, chúng ta làm như người ăn xin đưa hai bàn tay không ra để xin ơn Chúa.
Hai tư thế cầu nguyện trên đều tốt. Và ngay cả những khi đôi bàn tay hoặc đôi cánh tay chúng ta đều không chấp lại hay giang ra, chúng ta cũng đừng bao giờ quên ý nghĩa của hai tư thế ấy. (FM)
* 4. Cầu thay nguyện giúp
Một lá thư được viết nguệch ngoạc của một đứa trẻ gởi vào bưu điện, và địa chỉ tới là Chúa. Nhân viên bưu điện lấy làm lạ liền mở ra đọc. Thư viết rằng : “Chúa thân mến, con là Tommy, con sáu tuổi. Ba con đã chết và mẹ con phải cực khổ để nuôi sáu anh em con. Xin Chúa cho chúng con 30O đồng nhé”.
Đọc thư xong, anh nhân viên bưu điện rất xúc động và dưa cho các bạn đồng nghiệp xem. Họ quyết định quyên góp để giúp gia đình cậu bé. Số tiền tổng cộng là 100 đồng, và họ gởi tới địa chỉ cậu bé.
Vài tuần sau, họ nhận được lá thư thứ hai. Họ cũng mở ra đọc, thư viết như sau : “Lần tới, Chúa có thể gởi trực tiếp cho gia đình con, vì gởi qua bưu điện, họ giữ lại 200 đồng !”
*
Nghe xong câu chuyện, chúng ta phải bật cười vì sự ngây ngô của cậu bé, nhưng liền sau đó chúng ta lại cảm thấy hổ thẹn vì thấy bóng dáng mình thấp thoáng trong hình ảnh cậu bé : Chúng ta cầu nguyện và muốn được Chúa đáp lời tức thì theo yêu cầu chúng ta đề ra, nếu Người chậm đáp ứng hoặc đáp ứng chưa đủ “chỉ tiêu” chúng ta đưa ra, thì chúng ta lại khó chịu, và cũng chẳng thèm cám ơn Người.
Tin Mừng hôm nay Chúa dạy các môn đệ : “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1). Người muốn chúng ta hãy liên lỉ cầu nguyện và cầu nguyện cách kiên trì. Như Môsê quì giang tay suốt ngày cầu nguyện cho dân Do thái thắng trận, như bà goá suốt bao ngày tháng cầu xin quan toà minh xét cho bà, như thánh Mônica ròng rã 20 năm trường cầu nguyện cho người con là Augúttinô trở lại, chúng ta hãy cầu nguyện liên tục và bền chí, không hề nhàm chán, cả khi xem ra Chúa ngoảnh mặt làm ngơ.
Chúng ta không nên tìm kiếm hiệu quả tức thì. Chúa sẽ đáp lời chúng ta lúc nào và cách thức nào có lợi nhất cho chúng ta, theo như thánh ý nhiệm mầu của Người. Thời gian Chúa nhậm lời có thể sẽ lâu hơn chúng ta tưởng, cách thức Người ban ơn có thể sẽ khác với ước nguyện của chúng ta, nhưng bao giờ cũng là lúc thích hợp nhất cho linh hồn chúng ta, bao giờ cũng là cách hữu hiệu nhất cho hạnh phúc vĩnh cửu của mỗi người.
Thường chúng ta lầm tưởng rằng, hơn ai hết chúng ta là người biết rõ những điều mình cần xin. Nhưng thánh Phao lô dạy : “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, chính Thánh Thần sẽ cầu thay nguyện giúp chúng ta theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,21-27). Vì thế, Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen viết : “Pytago. đã cấm môn sinh của ông không được cầu nguyện cho chính họ vì họ không biết điều gì là lợi ích cả”. Khôn ngoan hơn, Socrates dạy môn đồ ông chỉ xin những điều tốt lành, vì lẽ Thiên Chúa biết tường tận những gì là lợi ích. Dốt nát và yếu đuối nên chúng ta phải xin Thánh Thần soi sáng để chúng ta làm đẹp lòng Chúa trong lúc an bình cũng như khi xao xuyến.
Như thế, cầu nguyện không phải là việc xin ơn này ơn nọ, theo óc vụ lợi của chúng ta, cầu nguyện không phải là việc tránh né bổn phận để Thiên Chúa làm tất cả, cầu nguyện cũng không phải là việc liệt kê ước muốn để mong chờ Chúa thực hiện. Nhưng cầu nguyện đích thực chính là việc thực hành Đức Tin, nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa để đối thoại với Người, van xin Người tiếp tục ban ơn để chúng ta đủ sức thực hiện thánh ý Người. Thấu hiểu sự yếu đuối của con người nên Chúa Giêsu than thở : “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?” (Lc 18,8). Vậy, cầu nguyện không phải là độc thoại mà là đối thoại liên lỉ và kiên trì với Thiên Chúa trong Đức Tin để trung thành với Chúa cho tới khi Người lại đến.
*
Lạy Chúa, chúng con là những người yếu đuối, bất toàn và bất nhẫn, không biết phải cầu nguyện thế nào cho phải đạo.
Xin cho chúng con biết khiêm tốn, vâng theo ơn soi sáng của Thánh Thần, để chúng con biết sống theo Thánh ý Chúa, hầu bền đỗ trong đức Tin và trung thành theo Chúa đến cùng. Amen. (TP)
5.                 Mảnh suy tư
a/ Cầu nguyện là dầu giữ cho ngọn đèn đức tin luôn cháy sáng.
– Hoa trái của cầu nguyện là đức tin
– Hoa trái của đức tin là tình yêu
– Hoa trái của tình yêu là phục vụ
– Và hoa trái của phục vụ là bình an.
b/ Lời cầu nguyện của ta được Chúa đáp lời, không phải khi chúng ta có được điều chúng ta xin, mà khi chúng ta được Chúa ban cho ý thức Chúa đang gần gũi mình.
– Lời cầu nguyện của bệnh nhân được đáp lời, không phải khi anh khỏi bệnh, mà khi anh cảm nhận được Chúa vẫn ở cạnh mình, nhờ đó anh ý thức rằng cơn bệnh không phải là hình phạt của Chúa, cũng không phải là dấu Chúa đã bỏ anh.
– Có thể sự cầu nguyện không thay đổi thế giới, nhưng nó giúp ta có thể trực diện với thế giới.
c/ Hồi còn nhỏ, chúng ta đã được dạy cầu nguyện bằng cách đọc kinh. Bây giờ đã lớn, chúng ta hãy học cầu nguyện bằng cách mở rộng cõi lòng ra cho Chúa.
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, trải qua bao thế hệ, Đức Kitô đã muốn cho Hội thánh, nhiệm thể của Người, phải không ngừng tiếp tục đời sống cầu nguyện và lễ tế hy sinh mà Người đã khởi sự khi còn sống ở trần gian. Với quyết tâm tuân giữ lệnh truyền của Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :
1.     Ngay từ đầu / các tín hữu đã chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy / luôn sống với nhau trong tình huynh đệ / siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho người Kitô hữu ngày nay / biết noi gương các tín hữu ngày xưa mà siêng năng nguyện cầu.
2.     Khiêm tốn và kiên trì khi cầu nguyện / là điều mà bài Tin mừng hôm nay muốn nói với tất cả mọi Kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu / biết khiêm tốn dâng lên Chúa lời cầu khẩn thiết tha của mình.
3.     Hội thánh kêu mời mọi tín hữu cầu nguyện theo lối các Giờ Kinh Phụng vụ / kể cả những người mà luật không buộc phải cử hành Thần vụ / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi tín hữu biết sốt sắng tham dự các Giờ Kinh Phụng vụ / vì đây là một trong những phương tiện giúp chúng ta nên thánh.
4.     Lời kinh tuyệt vời Chúa Giêsu đã để lại cho người Kitô hữu là kinh Lạy cha / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết vừa đọc vừa suy niệm / và sống tinh thần của lời kinh quan trọng nhất / trong đời sống đức tin của mình.
Chủ tế : Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã truyền cho chúng con : Phải cầu nguyện luôn và không bao giờ được chán nản. Xin Chúa cho mỗi người chúng con biết triệt để thực thi lệnh truyền của Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. Trong Thánh Lễ
– Trước kinh Lạy Cha : Không lời cầu nguyện nào tuyệt vời bằng lời cầu nguyện chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Vậy chúng ta hãy cùng với Ngài cầu nguyện bằng những lời Ngài dạy.
VII. Giải tán
Chúng ta hãy ghi nhớ lời Chúa Giêsu dạy “Hãy cầu nguyện luôn, đừng bao giờ nản chí”. Chúc anh chị em được bình an nhờ làm theo lời Chúa dạy.


Lectio Divina: Chúa Nhật XXIX Thường Niên (C)
Sunday 20 October, 2019
Lectio Divina | Lection Divina Năm C
Lời cầu nguyện thực sự:
Ví dụ về bà góa
Lc 18:1–8 


1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin Chúa hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tác Tạo và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.  Bài Đọc
a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc: 
Bài phụng vụ Chúa Nhật tuần này trình bày cho chúng ta một văn bản trích từ sách Tin Mừng Luca liên quan đến lời cầu nguyện, một chủ đề tha thiết của ông.  Đây là lần thứ hai vị Thánh Sử này trích dẫn những lời của Chúa Giêsu dạy chúng ta cách cầu nguyện.  Lần đầu tiên (Lc 11:1-13), giới thiệu về văn bản của Kinh Lạy Cha, bằng các phương cách so sánh và dụ ngôn, dạy chúng ta phải cầu nguyện liên lỉ không mệt mỏi.  Giờ đây, lần thứ hai (Lc 18:1-4), một lần nữa Luca dùng đến các dụ ngôn được lấy từ đời sống hằng ngày để dạy cho chúng ta cách cầu nguyện:  dụ ngôn bà góa và vị thẩm phán (18:1-8).  Thánh Luca kể các dụ ngôn dưới một hình thức sư phạm.  Mỗi dụ ngôn bắt đầu bằng một lời giới thiệu ngắn gọn như cái chìa khóa dẫn đến bài đọc đó.  Rồi theo sau là bài dụ ngôn, và sau cùng, chính Chúa Giêsu áp dụng bài dụ ngôn vào trong đời sống.  Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này chỉ thuật lại dụ ngôn đầu tiên về bà góa và người thẩm phán (Lc 18:1-8).  Trong khi đọc, chúng ta nên chú ý điều sau đây:  “Thái độ của mỗi nhân vật trong bài dụ ngôn này là gì?

b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Lc 18:1:  Chìa khóa được đưa ra bởi Chúa Giêsu để giúp cho việc thông hiểu dụ ngôn
Lc 18:2-3:  Sự tương phản giữa vị thẩm phán và bà góa
Lc 18:4-5:  Sự thay đổi của vị thẩm phán và lý do của sự thay đổi
Lc 18:6-8a:  Chúa Giêsu áp dụng dụ ngôn
Lc 18:8b:  Lời thách thức cuối cùng

c)  Phúc Âm:
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông cần phải cầu nguyện luôn và đừng ngã lòng:  2 “Trong thành kia có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa.  Cũng không kiêng nể người ta.  3 Trong thành đó lại có một bà góa đến thưa cùng ông rằng:  ‘Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù!’  4 Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng:  ‘Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, 5 nhưng vì bá góa này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc.’ ”  6Rồi Chúa phán:  “Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương đó nói gì?”  7 Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Chúa tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày mà khoan giãn với họ mãi sao?  8 Thầy bảo các con:  Chúa sẽ kíp giải oan cho họ.  Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa không?””  

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
a)  Bạn hài lòng điều nào nhất trong đoạn Tin Mừng này?
b)  Thái độ của bà góa như thế nào?  Hoặc là trong những lời nói và việc làm của bà ta, điều gì đã đánh động bạn nhất?
c)  Điều gì đã đánh động bạn nhất trong thái độ và lời nói của vị thẩm phán?  Tại sao?
d)  Chúa Giêsu đã áp dụng dụ ngôn này ra sao?
e)  Bài dụ ngôn này đã dạy chúng ta điều gì trong cách chúng ta nhìn vào đời sống và người ta?

5.  Ý chính của bài Phúc Âm
 Dành cho những ai muốn đào sâu vào chủ đề

a)  Bối cảnh lịch sử:
Khi phân tích bối cảnh lịch sử của sách Tin Mừng Luca, chúng ta phải luôn ghi nhớ chiều kích đôi này:  thời điểm của Chúa Giêsu trong thập niên 30, và thời điểm của những người mà sách Tin Mừng được viết cho họ vào thập niên 80.  Việc ảnh hưởng đôi này, mỗi lần theo cách riêng của nó, cách viết của văn bản Tin Mừng và phải hiện diện tại chỗ như chúng ta cố gắng khám phá ra ý nghĩa những bài dụ ngôn của Chúa Giêsu cho chúng ta ngày hôm nay.  

b)  Bối cảnh văn học:
 Bối cảnh văn học trực tiếp giới thiệu cho chúng ta hai dụ ngôn về việc cầu nguyện:  cầu nguyện liên lỉ và kiên trì (bà góa và vị thẩm phán) (Lc 18:1-8); cầu nguyện trong khiêm cung và thực tế (người Biệt Phái và người thu thuế) (Lc 18:9-14).  Mặc dù chúng khác nhau, hai dụ ngôn này có điểm tương đồng.  Chúng cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã nhìn những sự việc trong đời sống theo một cách khác.  Chúa Giêsu đã nhìn thấy sự mặc khải của Thiên Chúa trong khi những người khác lại thấy đó là một điều tiêu cực. Ví dụ, Người đã thấy điều tích cực nơi người thu thuế, kẻ mà mọi người đều nói:  “Hắn không biết cách cầu nguyện!”  Và nơi bà góa nghèo hèn, người mà đã bị nói rằng:  “Bà ta lải nhải mãi đến nỗi làm phiền cả vị thẩm phán!”  Chúa Giêsu đã hiệp nhất với Đức Chúa Cha đến nỗi mà đối với Người mọi việc đã biến đổi thành một nguồn mạch của cầu nguyện.  Có nhiều cách để chúng ta có thể bày tỏ trong lời cầu nguyện.  Có những người nói:  “Tôi không biết cầu nguyện như thế nào”, nhưng họ nói chuyện với Thiên Chúa cả ngày.  Bạn đã gặp người nào như thế này chưa?

c)  Lời bình giải về đoạn Tin Mừng:
 Lc 18:1:  Chìa khóa để giúp cho việc thông hiểu dụ ngôn
Luca giới thiệu dụ ngôn như sau:  “Sau đó Người nói với các ông một dụ ngôn về sự cần thiết phải cầu nguyện liên tục và không bao giờ nản lòng”.  Những chữ “cầu nguyện và không nản lòng” xuất hiện thường xuyên trong Tân Ước (1Tx 5:17; Rm 12:12; Êp 6:18 v.v).  Đây là một nét đặc trưng đời sống tâm linh của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi.  Nó cũng là một điểm được Luca nhấn mạnh trong cả hai sách Phúc Âm và sách Tông Đồ Công Vụ.  Nếu các bạn có ý định muốn khám phá khía cạnh này trong các tác phẩm của Luca, hãy thực hiện bài tập này:  đọc sách Phúc Âm và sách Tông Đồ Công Vụ và viết xuống tất cả các câu nơi Chúa Giêsu hoặc những người khác đang cầu nguyện.  Các bạn sẽ ngạc nhiên!

Lc 18:2-3:  Sự tương phản giữa vị thẩm phán và bà góa
Chúa Giêsu giới thiệu với chúng ta hai nhân vật từ cuộc sống đời thật:  một người thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa cũng chẳng kiêng nể người ta, và một bà góa, người sẽ không ngừng tranh đấu cho quyền lợi của mình trước mặt vị thẩm phán.  Sự thật đơn giản là Chúa Giêsu đưa ra hai nhân vật này cho thấy rằng Người biết rất rõ xã hội Người đang sống thời bấy giờ.  Bài dụ ngôn không chỉ cho thấy những người nghèo khó phải tranh đấu tại tòa án để quyền lợi của họ được công nhận, mà nó cũng cho chúng ta thấy sự tương phản mạnh mẽ giữa các giai cấp trong xã hội.  Một bên là người thẩm phán vô đạo và vô cảm, và mặt khác, một bà góa biết phải gõ cửa nào để đòi lại những gì thuộc về bà ta.

Lc 18:4-5:  Sự thay đổi của vị thẩm phán và lý do của sự thay đổi
Trong một thời gian dài, mỗi ngày yêu cầu cùng một điều, bà góa đã không nhận được gì từ người thẩm phán vô cảm.  Cuối cùng, vị thẩm phán, dù rằng “ông ta không kính sợ Thiên Chúa cũng không kiêng nể người ta” đã quyết định phải quan tâm đến người đàn bà góa và xét xử cho bà ta.  Lý do là:  để khỏi bị thường xuyên quấy nhiễu nữa.  Một lý do khá ích kỷ!  Tuy nhiên, bà góa đã được những gì bà muốn!  Đây là một thực tế trong đời sống hằng ngày và Chúa Giêsu dùng nó để dạy cho chúng ta phải cầu nguyện như thế nào.

Lc 18:6-8a:  Chúa Giêsu áp dụng dụ ngôn
Chúa Giêsu áp dụng dụ ngôn:  “Các con hãy để ý xem người thẩm phán bất công đã nói gì? Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những người Chúa chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày mà khoan giãn với họ mãi sao?”  Đoạn Người nói thêm rằng Thiên Chúa cũng muốn công lý được thực hiện một cách mau chóng.  Nếu Chúa Giêsu đã không nói thì chúng ta sẽ không có can đảm để so sánh thái độ đạo đức của Thiên Chúa với người thẩm phán.  Điều quan trọng trong việc so sánh là thái độ của người góa phụ, người mà nhờ việc nài nỉ của bà, cuối cùng cũng nhận được những gì bà muốn.

Lc 18:8b:  Một lời thách thức về đức tin
Cuối cùng, Chúa Giêsu bày tỏ một ít hoài nghi:  “Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn tìm thấy được lòng tin nào trên mặt đất nữa chăng?”  Liệu chúng ta sẽ có đủ can đảm để chờ đợi, để kiên tâm, ngay cả khi Thiên Chúa chậm trả lời chúng ta không?  Chúng ta cần rất nhiều đức tin để tiếp tục cố nài nỉ và ứng xử khi thấy không có kết quả.  Bất cứ ai mong muốn có kết quả ngay lập tức sẽ bị thất vọng.  Nhiều bài Thánh Vịnh nói về sự nài nỉ khó khăn và lâu dài trước Thiên Chúa cho đến khi Người thấy đến lúc thích hợp để đáp ứng (Tv 71:14; 37:7; 69:4; Ac 3:26).  Khi trích dẫn Thánh Vịnh 80, thánh Phêrô đã nói một ngày đối với Chúa ví như ngàn năm (2Pr 3:8; Tv 90:4).

d)  Phần tìm hiểu thêm:  Sự cầu nguyện trong các tác phẩm của thánh Luca
 i)  Chúa Giêsu cầu nguyện trong Phúc Âm
 Các sách Phúc Âm giới thiệu cho chúng ta về một Chúa Giêsu cầu nguyện, Người đã sống trong sự liên lạc liên tục với Đức Chúa Cha.  Ước muốn duy nhất của Chúa Giêsu là làm theo thánh ý của Chúa Cha (Ga 5:19).  Thánh Luca là người nói nhiều nhất về đời sống cầu nguyện của Chúa Giêsu.  Ông cho chúng ta thấy Đức Giêsu là một người luôn cầu nguyện.  Chúa Giêsu đã cầu nguyện nhiều và cầu nguyện một cách liên lỉ, để người ta và các môn đệ của Người cũng sẽ làm như vậy.  Đó là khi phải đối diện với Thiên Chúa trong sự thật rằng người ấy thấy chính mình trong thực tế và sự khiêm hạ của nó.  Đây là một số những lúc khi Chúa Giêsu đang cầu nguyện trong sách Tin Mừng của Luca:
Lc 2:46-50:  Khi Đức Giêsu lên mười hai tuổi, Người đi lên Đền Thờ, nhà Cha của Người
Lc 3:21:  Đức Giêsu cầu nguyện khi Người chịu phép rửa và khi Người nhận lãnh sứ vụ
Lc 4:1-2: Khi Đức Giêsu khởi sự rao giảng, Người đã cầu nguyện bốn mươi ngày trong hoang địa
Lc 4:3-12:  Khi Đức Giêsu bị cám dỗ, Người phải đối diện với quỷ như trong văn bản từ Kinh Thánh
Lc 4:16:  Vào những ngày Sabbát, Chúa Giêsu cầu nguyện trong hội đường
Lc 5:16; 9:18:  Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện
Lc 6:12:  Người đã thức suốt đêm cầu nguyện trước khi chọn các thánh Tông Đồ
Lc 9:16; 24:30:  Người cầu nguyện trước bữa ăn
Lc 9:18:  Đức Giêsu cầu nguyện trước khi tiên báo về cuộc thương khó của Người
Lc 9:28:  Trong lúc bối rối, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, Người đã hiển dung trong lúc cầu nguyện
Lc 10:21:  Khi Phúc Âm được mặc khải cho những người bé mọn, Người nói:  “Lạy Cha, con xin ngợi khen Cha…”
Lc 11:1:  Khi Chúa Giêsu cầu nguyện, Người linh ứng cho các tông đồ ước muốn cầu nguyện
Lc 22:32:  Chúa Giêsu cầu nguyện cho Phêrô để ông khỏi mất lòng tin
Lc 22:7-14:  Chúa mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ
Lc 22:41-42:  Chúa cầu nguyện và mồ hôi máu chảy ra trong vườn Cây Dầu
Lc 22:40-46:  Khi lâm cơn xao xuyến bồi hồi, Chúa bảo các môn đệ cùng cầu nguyện với Người
Lc 23:34:  Khi Chúa bị đóng đinh trên thập giá, Người cầu nguyện xin tha cho những kẻ hành hạ Người
Lc 23:46; Tv 31:6:  Vào lúc trước khi chết Đức Giêsu kêu lớn tiếng:  “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha”
Lc 23:46:  Chúa Giêsu tắt thở với tiếng kêu của người khốn khổ trên môi Người
Danh sách các lời trích dẫn cho chúng ta thấy rằng đối với Chúa Giêsu việc cầu nguyện liên hệ mật thiết với đời sống, với thực tế cụ thể, với những quyết định sắp được thực hiện.  Để được trung tín với kế hoạch của Đức Chúa Cha, Chúa Giêsu đã tìm cách để được một mình với Chúa Cha, để lắng nghe lời Người.  Trong những giây phút khó khăn và quyết định của cuộc đời, Chúa Giêsu cầu nguyện với các bài Thánh Vịnh.  Giống như những người Do Thái mộ đạo, Chúa Giêsu thuộc lòng những bài này.  Đọc lên những bài Thánh Vịnh đã không dập tắt những tinh thần sáng tạo của Người.  Thay vào đó, Chúa Giêsu đã sáng tạo ra một bài Thánh Vịnh, đó là, Kinh Lạy Cha.  Cuộc đời của Người là một lời cầu nguyện liên tục:  “Tất cả mọi lúc Ta sẽ làm những gì Chúa Cha muốn ta làm!” (Ga 5:19-30).  Điều Thánh Vịnh nói đã ứng nghiệm với Chúa Giêsu:  “…con chỉ biết cầu nguyện cho họ!” (Tv 109:4).
 ii)  Các cộng đoàn cầu nguyện trong Sách Tông Đồ Công Vụ
 Như trong sách Phúc Âm, sách Tông Đồ Công Vụ cũng thế, Luca thường xuyên nói về cầu nguyện.  Các Kitô hữu tiên khởi là những người tiếp tục việc cầu nguyện của Chúa Giêsu.  Đây là danh sách, mà trong cách này hay cách khác, nói về cầu nguyện.   Nếu bạn tìm kỹ, bạn sẽ thấy các văn bản khác nữa:
Cv 1:14:  Cộng đoàn chuyên cần cầu nguyện cùng với Đức Maria, thân mẫu Chúa Giêsu
Cv 1:24:  Cộng đoàn cầu nguyện để biết ai sẽ thay thế Giuđa
Cv 2:25-35:  Thánh Phêrô trích dẫn Thánh Vịnh trong bài giảng của ông
Cv 2:42:  Các Kitô hữu tiên khởi siêng năng cầu nguyện
Cv 2:46-47:  Họ đi đến Đền Thờ để ca tụng Thiên Chúa
Cv 3:1:  Phêrô và Gioan đi lên Đền Thờ để cầu nguyện vào giờ thứ chín
Cv 3:8:  Người què được chữa lành ca tụng Thiên Chúa
Cv 4:23-31:  Cộng đoàn cầu nguyện trong cơn bách hại
Cv 5:12:  Các Kitô hữu đầu tiên ở tại cổng Sôlômon (của đền thờ)
Cv 6:4:  Các tông đồ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa
Cv 6:6:  Các tông đồ cầu nguyện trước khi đặt tay trên các phó tế
Cv 7:59:  Khi sắp chết, Stêphanô cầu nguyện rằng:  “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con”
Cv 7:60:  Rồi Stêphanô kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.”
Cv 8:15:  Phêrô và Gioan cầu nguyện cho những người đón nhận Lời Chúa nhận được ơn Chúa Thánh Thần
Cv 8:22:  Người tội lỗi được khuyên bảo:  “Hãy sám hối và cầu nguyện để anh có thể được tha thứ”
Cv 8:24:  Simon thưa:  “Xin hai ông cầu cùng Chúa cho tôi, để không điều nào trong những điều các ông đã nói giáng xuống trên tôi.”
Cv 9:11:  Phaolô đang cầu nguyện
Cv 9:40:  Phêrô cầu nguyện cho việc chữa lành bà Tabitha
Cv 10:2:  Cônêliô luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa
Cv 10:4:  Lời cầu nguyện của Cônêliô đã thấu tòa Thiên Chúa
Cv 10:9:  Vào giờ thứ sáu, Phêrô lên sân thượng cầu nguyện
Cv 10:30-31:  Cônêliô cầu nguyện vào giờ thứ chín và Thiên Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của ông
Cv 11:5:  Phêrô kể với dân chúng thành Giêrusalem:  “Tôi đang cầu nguyện”!
Cv 12:5:  Cộng đoàn cầu nguyện khi Phêrô bị bắt trong ngục
Cv 12:12:  Nhiều người tụ họp và cầu nguyện trong nhà của bà Maria, mẹ của ông Gioan
Cv 13:2-3:  Cộng đoàn cầu nguyện và ăn chay trước khi tiễn hai ông Phaolô và Ba-na-ba đi
Cv 13:48:  Dân ngoại vui mừng và tôn vinh Lời Chúa
Cv 14:23:  Các nhà truyền giáo cầu nguyện để chỉ định các kỳ mục cho mỗi cộng đoàn
Cv 16:13:  Tại Phi-líp-pi, gần bờ sông, có một nơi cầu nguyện
Cv 16:16:  Phaolô và Sila đang đi đến nơi cầu nguyện
Cv 16:25:  Vào ban đêm, Phaolô và Sila hát thánh ca và cầu nguyện trong ngục
Cv 18:9:  Phaolô có một thị kiến với Chúa vào ban đêm
Cv 19:18:  Nhiều người xưng thú tội lỗi của họ
Cv 20:7:  Họ đã họp nhau và bẻ bánh (Phép Thánh Thể)
Cv 20:32:  Phaolô phó thác những người kỳ mục của cộng đoàn cho Thiên Chúa
Cv 20:36:  Phaolô cùng với những người kỳ mục của cộng đoàn quỳ gối cầu nguyện
Cv 21:5:  Họ quỳ xuống trên bãi biển mà cầu nguyện
Cv 21:14:  Khi không thể thuyết phục được Phaolô, họ đành thôi và nói:  “Xin cho ý Chúa được thể hiện!”
Cv 21:20:  Họ tôn vinh Thiên Chúa vì tất cả những việc Phaolô đã làm
Cv 21:26:  Phaolô vào đền thờ để hoàn thành lời hứa
Cv 22:17-21:  Phaolô cầu nguyện trong đền thờ, ông có một thị kiến và Thiên Chúa nói với ông
Cv 23:11:  Trong nhà ngục tại Giêrusalem, Phaolô có một thị kiến với Chúa Giêsu
Cv 27:23:  Phaolô có thị kiến với Chúa Giêsu trong một cơn bão tại biển
Cv 27:35:  Phaolô cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn Thiên Chúa trước khi đến vùng Man-ta
Cv 28:8:  Phaolô cầu nguyện trên thân phụ của Púp-li-ô, người đang bị sốt
Cv 28:15:  Phaolô tạ ơn Thiên Chúa khi được thấy anh em ở Pô-zu-ô-li
Danh sách này cho chúng ta hai điều quan trọng.  Một mặt, các Kitô hữu tiên khởi đã giữ gìn phụng vụ truyền thống của dân chúng.  Giống như Chúa Giêsu, họ cầu nguyện ở nhà trong gia đình, trong cộng đoàn và nơi hội đường và cùng với những người trong đền thờ.  Mặt khác, ngoài các truyền thống phụng vụ, có xuất hiện một phương pháp cầu nguyện mới nơi họ trong cộng đoàn và với một nội dung mới.  Nguồn gốc của cách cầu nguyện mới này xuất phát từ kinh nghiệm mới về “Thiên Chúa trong Đức Giêsu” và từ một nhận thức rõ ràng và sâu sắc về sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa cộng đoàn:  “Chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu!” (Cv 17:28)

6.  Cầu Nguyện:  Thánh Vịnh 63 (62)
Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.
Linh hồn con đã khát khao Ngài,
tấm thân này mòn mỏi đợi trông,
như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.
Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện,
để thấy uy lực và vinh quang của Ngài.
Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống,
miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương.
Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng,
và giơ tay cầu khẩn danh Ngài.
Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc,
môi miệng con rộn rã khúc hoan ca.
Con tưởng nhớ Chúa trên giường ngủ,
suốt năm canh thầm thĩ với Ngài.
Quả thật Ngài đã thương trợ giúp,
nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui.
Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó,
giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì.
Còn những kẻ tìm hại mạng sống con,
ước gì chúng phải xuống vực sâu lòng đất,
bị gươm giáo phanh thây, làm mồi cho muông sói.
Đức Vua sẽ vui mừng trong Thiên Chúa.
Ai lấy danh Chúa mà thề sẽ được hiên ngang;
còn người nói dối phải câm miệng.

7.  Lời nguyện kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét