Trang

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

31-10-2019 ; THỨ NĂM - TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN


31/10/2019
 Thứ Năm tuần 30 thường niên

BÀI ĐỌC I: Rm 8, 31b-39
“Không một tạo vật nào có thể tách biệt chúng ta khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô, Chúa chúng ta”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma. 
Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta? Người không dung tha chính Con Mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta, há Người lại chẳng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao? Ai sẽ tố cáo những kẻ Chúa chọn? (Chẳng lẽ là) chính Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án? (Chẳng lẽ là) Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và hơn nữa đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa cũng đang biện hộ cho chúng ta?
Ai sẽ tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô được? Hay là gian truân, buồn sầu, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo sao? (Như có lời chép rằng: “Vì Chúa mà thâu ngày chúng tôi bị tử hình. Chúng tôi bị coi như con chiên đem đi giết”). Nhưng chúng ta vượt thắng được trong tất cả những sự ấy vì Đấng đã yêu thương chúng ta. Tôi chắc chắn rằng dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay các bậc quyền quý, tài sức, dù những sự hiện tại hay tương lai, hoặc sức mạnh, dù cao hay sâu, dù tạo vật nào khác, cũng không có thể tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 108, 21-22. 26-27. 30-31
A+B=Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa (c. 26b).
A=Nhưng phần Ngài, lạy Chúa, xin cùng con hành động vì danh Ngài, xin cứu sống con, bởi lòng Ngài từ bi nhân hậu! Bởi vì tấm thân con đau khổ và cơ hàn, và trong người con tâm can quằn quại!
B=Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin giúp đỡ con, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa! để thiên hạ biết rằng đó là bàn tay của Chúa, và lạy Chúa, họ biết rằng Chúa đã làm những chuyện này.
A=Con sẽ hết lời ca tụng Chúa, và con sẽ ngợi khen Ngài ở giữa chúng nhân. Vì Ngài đứng bên hữu kẻ cơ hàn, để cứu sống họ khỏi bọn người lên án.
A+B=Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa (c. 26b)
.
ALLELUIA: x. Ep 1, 17-18
– Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã soi lòng trí để chúng ta biết thế nào là sự cậy trông Chúa kêu gọi chúng ta. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 13, 31-35
“Không lẽ một tiên tri phải giết chết ngoài thành Giêrusalem?”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Trong ngày ấy, có mấy người biệt phái đến gần thưa Chúa Giêsu rằng: “Xin Thầy lên đường và đi khỏi đây, vì Hêrôđê toan giết Thầy”. Người trả lời: “Các ông hãy đi nói với con cáo đó rằng: ‘Đây Ta trừ quỷ và chữa lành bệnh tật hôm nay và ngày mai, rồi ngày thứ ba Ta hoàn tất cuộc đời. Nhưng hôm nay, ngày mai và ngày hôm sau nữa, Ta còn phải đi đường, vì không lẽ một tiên tri bị giết chết ngoài thành Giêrusalem’.
“Ôi Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết hại các tiên tri và ném đá những người đã được sai đến cùng ngươi. Đã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi, như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh, thế mà ngươi đã không muốn. Thì đây, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang vu. Nhưng Ta bảo cho các ngươi hay: Các ngươi sẽ không còn xem thấy Ta, cho đến khi các ngươi sẽ nói rằng: ‘Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!”. Đó là lời Chúa.


Suy niệm
Khi chúng ta đến gần cuối năm phụng vụ, Lời Chúa giúp chúng ta đồng hành với Đức Giêsu trong chuyến đi lên Giêrusalem, ở đó Chúa sẽ cử hành cuộc “xuất hành” của Người, nghĩa là Mầu Nhiệm Vượt Qua của sự chết và sống lại của Người. Người đã từng đương đầu và dũng cảm vượt qua nhiều chướng ngại và hiểm nguy trên đường, từ vụ các đồng hương Nadarét của Người tìm cách xô Người từ trên núi xuống, cho tới mối đe dọa bỉ Hêrôđê Antipas giết chết. Bị Hêrôđê truy lùng tại Galilê chỉ là một cuộc bách hại khác, và sẽ không phải là cuộc bách hại cuối cùng. Biết rằng có gì đó còn khủng khiếp hơn đang đợi mình ở phía trước, trong thành thánh, xác nhận truyền thống buồn của Giêrusalem bất trung, Đức Giêsu vẫn không quay lại. Không một đe dọa nào có thể ngăn cản Người đi tới để đối diện ngày đã định hay khiến Người bị dao động trong quyết tâm thi hành kế hoạch cứu độ mà Cha đã giao phó cho Người. Nhiều vị ngôn sứ và người công chính đã từng lên tiếng tố giác tại Samaria và Giêrusalem những tội ác của giới chức quan quyền tôn giáo và chính trị của Ítraen. Hầu như tất cả những người được sai đến đều đã bị bách hại và giết chết. Vụ sát hại Gioan Tẩy Giả chỉ là vụ mới nhất trong một chuỗi dài các tội ác họ đã phạm.
Đức Giêsu không cần những mặc khải hay thị kiến siêu phàm để biết điều gì sẽ xảy ra nếu Người đối diện với uy quyền của Giêrusalem, thành thánh của Đức Chúa là Thiên Chúa, Đức Vua cao cả; thành thuộc về Người do quyền của Người, như câu xướng Allêluia tung hô: “Chúng tụng Ðức Vua, Ðấng ngự đến nhân danh Chúa!” (Lc 19:38). Người đến trong bình an, đầy sự dịu dàng của người mẹ qui tụ đàn con lại để cứu chúng, như gà mẹ che chở gà con dưới cánh. Người đến để tha tội và cứu dân Người, bất chấp biết bao tội lỗi của họ trong quá khứ. Và cái mà họ cần, mà tất cả chúng ta cần, đó là kết quả của một sự hoán cải chân thành - thực hành lòng tin vào Thiên Chúa và đức công chính.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu không có sự hoán cải? Điều gì sẽ xảy ra nếu Người bị chối từ và bị bách hại giống như các ngôn sứ xưa? Và nếu sự gan dạ của Người khiến Người có thể bị ném đá hay giết chết thì có đáng không? Tại sao một người lại có thể liều đưa mạng sông mình vào tay những kẻ nổi tiếng sa đoạ và độc ác? Thánh Phaolô chỉ có một câu trả lời duy nhất: vì sức mạnh tình yêu của Người đối với chúng ta. Mọi sự, tuyệt đối mọi sự mà Thiên Chúa có thể đã làm để chứng tỏ tình thương của Người đối với chúng ta, thì Người đã làm bằng cách sai Con của Người cho chúng ta. Làm sao chúng ta có thể vẫn còn nghi ngờ tình thương cứu độ của Thiên Chúa, sau tất cả những gì mà Con của Người đã làm cho chúng ta là những kẻ tội lỗi?
Sách Khôn Ngoan đã nói tiên tri về chiến thắng cuối cùng của người công chính vì tình yêu của Thiên Chúa và lòng trung tín muôn đời của Người, khi nói rằng: “Người đời nghĩ rằng họ đã bị trừng phạt, nhưng họ vẫn chứa chan hy vọng được trường sinh bất tử” (Kn 3:4). Điều mà sách Khôn Ngoan tuyên bố, đó là những người công chính chịu thử thách thì xứng đáng với Thiên Chúa vì họ tin cậy vào lòng thương của Người đến cùng, cho tới chết. Do đó, phúc lành và phần thưởng của Thiên Chúa được biểu lộ không phải bằng những vinh hoa phú quí của thế gian này hay được thoát khỏi gian truân, nhưng là vinh quang của đời sống bất diệt mà chúng ta nhận được vì chúng ta không nghi ngờ tình thương và các lời hứa của Thiên Chúa, cả trong những thử thách gian truân nặng nề nhất.
Bây giờ kinh nghiệm này đã được xác nhận và đã trở thành thực tại trong Đức Kitô, nên Thánh Phaolô không thể kìm nén được tiếng kêu của Thánh Thần trong lòng ngài, ngài cất tiếng ca ngợi mầu nhiệm tình yêu khôn tả của Thiên Chúa đối với chúng ta. Bài thánh thi đầy xúc cảm của Thánh Phaolô mà chúng ta đọc trong Bài Đọc 1 có lẽ là tổng hợp thi vị nhất của Tin Mừng về Thiên Chúa, Tin Mừng về Con của Người, Tin Mừng Đức Kitô, Tin Mừng được Thánh Tông Đồ loan báo cho mọi người, Do Thái cũng như Dân Ngoại, với đầy sự quyết tâm và lòng mến không mệt mỏi, để mọi người có thể sinh hoa kết quả trong ơn cứu độ nhờ sự vâng phục của đức tin. Bài thánh thi này giúp Phaolô có câu trả lời cho câu hỏi Đức Giêsu đặt ra cho các môn đệ: “Anh em bảo Thầy là ai?” Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, đã hiến mình cho tất cả chúng ta, là bằng chứng sống động, muôn đời chói sáng, về tình thương bất diệt Thiên Chúa Cha dành cho tất cả chúng ta, cho tất cả loài người, và cho muôn loài muôn vật.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết: Tâm điểm sứ mạng của Hội Thánh là loan truyền đức tin, diễn ra nhờ sự lan toả của tình yêu, ở đó niềm vui và sự phấn khởi biểu thị cho một ý nghĩa mới được khám phá và một sự hoàn thành trong cuộc đời. Việc truyền bá đức tin “bằng sức lôi cuốn” đòi hỏi phải có những tâm hồn cởi mở và được mở rộng bởi tình yêu. Không thể đặt giới hạn cho tình yêu, vì tình yêu mạnh như sự chết (x. Dc 8:6). Và sự lan toả tình yêu ấy phát sinh sự gặp gỡ, làm chứng, công bố; nó phát sinh sự chia sẻ tình bác ái với tất cả những ai còn xa cách đức tin, thờ ơ với đức tin và thậm chí có thể còn thù nghịch và chống đối đức tin.Các khung cảnh nhân bản, văn hóa và tôn giáo vẫn còn xa lạ với Tin Mừng của Đức Giêsu và với sự hiện diện bí tích của Hội Thánh biểu thị cho những vùng ngoại vi tột cùng, những nơi “tận cùng của trái đất”, là những nơi mà kể từ sau ngày Phục Sinh đầu tiên, các môn đệ của Đức Giêsu đã được sai đến, với niềm tin chắc rằng Chúa luôn luôn ở với họ (x. Mt 28:20; Cv 1:8). Đây là cái mà chúng ta gọi là missio ad gentes, sứ mạng đến với muôn dân. Vùng ngoại vi hoang vu nhất trong tất cả vùng ngoại vi là nơi mà loài người cần Đức Kitô nhưng vẫn thờ ơ với đức tin hay tỏ ra chán ghét đời sống sung mãn trong Thiên Chúa. Mọi sự nghèo khó vật chất và thiêng liêng, mọi hình thức kỳ thị chống lại các anh chị em chúng ta, luôn luôn là hậu quả của việc từ chối Thiên Chúa và tình yêu của Người. (Sứ điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2018)
Đức Kitô là tình yêu hằng ở trong chúng ta và đánh thức những ai đang chìm trong giấc ngủ của sự chết; đó là tình yêu ở với chúng ta ngay từ khởi đầu lịch sử của chúng ta và tồn tại cho đến hết thời gian và vượt quá thời gian; đó là tình yêu đi xuống tận vực sâu và đi lên chín tầng trời, cứu chúng ta khỏi mọi nỗi sợ hãi, khỏi tình trạng nô lệ và khỏi mọi kẻ thù và kẻ áp bức chúng ta, tình yêu ấy giải phóng chúng ta để đưa chúng ta vào vinh quang của cuộc sống hiệp thông. Đức Kitô là tình yêu kiện cường chúng ta, giúp chúng ta tự tin, táo bạo, không thể bị đánh bại, không chỉ đối với những kẻ thù là những con người và những vật hữu hình, nhưng cả đối với những ác thần vô hình, vì Thiên Chúa ở với chúng ta. Những lời cáo tội chúng ta đã được rút lại; tội chúng ta đã được tha; tình yêu đã chiến thắng hận thù; bất công đã bị đánh bại. Mọi lo lắng buồn phiền đã được an ủi; vực thẳm đã được san bằng và núi cao đã cúi mình xuống chúng ta; tử thần đã nhường chỗ cho sự sống và thời gian đã mở cửa đi vào vĩnh cửu. Trong Đức Giêsu Con của Người, Thiên Chúa của sự sống đã tỏ lộ tình yêu và lòng trung tín của Người. Bây giờ, không gì và không ai có thể tách lìa chúng ta ra khỏi Tình Yêu này. Đã đến lúc chúng ta hoan hỉ cất tiếng hô, “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa!” - Đấng ngự đến cứu độ chúng ta.
(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)
Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 30 TN1Năm lẻ.
Bài đọcRom 8:31b-39; Lk 13:31-35.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu mạnh hơn sự chết.
Tình yêu có sức mạnh làm cho con người sẵn sàng hy sinh vì người mình yêu. Con người dễ xúc động trước cảnh bà mẹ rạch ngực lấy máu cho con bú vì không kiệt lực còn sữa để nuôi con; hay những chuyện tình của đôi trái gái trong chuyện phim Titanic hay Romeo và Juliette. Khi được thúc đẩy bởi tình yêu, con người có thể làm những chuyện phi thường như thế.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người và con người đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô xác tín nếu Thiên Chúa đã yêu thương con người đến độ sẵn sàng hy sinh Người Con Một chết thay cho con người; thì không điều gì có thể ban mà Ngài không ban cho con người. Để đáp trả lại tình yêu vô biên này, con người cần vượt qua tất cả đau khổ: đói khát, tù đày, gươm giáo, và ngay cả cái chết để trung thành với tình yêu Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, khi được một số Pharisees báo cho Chúa Giêsu biết bạo vương Herode đang tìm cách giết Ngài để Ngài trốn đi, Chúa Giêsu đã không sợ hãi, lại còn nhờ người nhắn lại với bạo vương là Ngài sẽ tiếp tục làm việc để chu toàn kế hoạch mà Cha Ngài đã trao phó; đồng thời Ngài đã sẵn sàng chấp nhận cái chết tại Jerusalem.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.
1.1/ Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người: Con người chưa thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng khi nhìn thấy Đức Kitô chết đau khổ trên Thập Giá, con người phải cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa dành cho mình. Thánh Phaolô xác tín: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?”
Thánh Phaolô cũng như thánh Gioan không quan tâm đến việc xét xử của Thiên Chúa cho bằng quan tâm đến tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Thánh Phaolô nói: “Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?” Thánh Gioan nói Thiên Chúa đã quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Người Con Một của mình. Thiên Chúa chẳng quan tâm đến việc xét xử; nhưng con người xét xử chính mình bằng việc tiếp nhận hay từ chối tình yêu Thiên Chúa qua Đức Kitô (x/c Jn 3:16-21).
1.2/ Tình yêu con người dành cho Thiên Chúa: Một khi con người đã cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa, con người phải tìm mọi cách để đap trả tình yêu này. Một số những trở ngại có thể ngăn cản con người không đáp lại tình yêu Thiên Chúa.
(1) Gian nan đau khổ: Tình yêu thực sự đòi con người phải chấp nhận gian khổ và vượt qua mọi thử thách. Thánh Phaolô thách đố các tín hữu: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh.” Tự sức con người không thể vượt qua những gian khổ; nhưng con người có khả năng vượt qua mọi thử thách nhờ tình yêu và sức mạnh Thiên Chúa ban.
(2) Ham sống và sợ chết: Bản năng con người là ham sống và sợ chết; nhưng sau khi đã được Thánh Thần hướng dẫn, con người có thể phải chấp nhận cái chết để làm chứng cho sự thật. Cái chết về phần xác không hết; nhưng giúp con người bắt đầu một cuộc sống mới và hạnh phúc bên Thiên Chúa và Đức Kitô.
(3) Thời gian chờ đợi: “Xa mặt cách lòng” hay “chầu lâu gối mỏi.” Khi con người phải chờ đợi hay phải chịu đau khổ trong một thời gian lâu dài, con người có khuynh hướng mất kiên nhẫn và rơi vào bẫy của ma quỉ và đánh mất niềm tin nơi Thiên Chúa. Để tránh tình trạng này, con người cần củng cố ba nhân đức đối thần tin, cậy, mến hằng ngày qua việc cầu nguyện và lãnh nhận các bí-tích cách thường xuyên.
Nói tóm, tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa và cho Đức Kitô phải đủ mạnh để có thể thốt lên như Phaolô: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”
2/ Phúc Âm: Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất.
Chúa Giêsu rất ít khi gọi ai bằng danh xưng loài vật; nhưng trong trình thuật của Luca hôm nay, Ngài gọi Herode là con cáo để chỉ sự gian manh, khinh thường sự thật của ông. Trình thuật hôm nay diễn tả hai phản ứng của Ngài dành cho bạo vương Herode và cho dân thành Jerusalem.
2.1/ Với bạo vương Hêrôde Antipas của miền Galilê: Ông đã giết Gioan Tẩy Giả vì dám nói sự thật và giờ đây lại tìm cách để giết Chúa Giêsu. Tuy nhiên, khi được báo bởi mấy người Pharisêu, Chúa Giêsu chẳng những không sợ hãi mà còn bảo những người đưa tin: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Jerusalem thì không được.” Chúa Giêsu muốn hòan tất sứ vụ của Chúa Cha đã trao phó cho Ngài, cho dẫu Ngài phải đương đầu với bao nhiêu chống đối, đau khổ, và ngay cả cái chết.
2.2/ Với sự khước từ tình yêu của dân thành Jerusalem: Lưng chừng của Núi Cây Dầu ngày nay, vẫn còn một nguyện đường nhỏ nhìn xuống Thành Jerusalem gọi là Nguyện Đường “Chúa khóc.” Theo truyền thống, trước Cuộc Thương Khó, Chúa Giêsu đã ngừng lại chỗ này và Ngài thương dân trong Thành đến nỗi đã thổn thức kêu lên: “Jerusalem! Jerusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Này đây, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!”
Không nỗi đau khổ nào lớn hơn nỗi đau khổ bị khước từ tình yêu. Tuy vậy, Chúa vẫn trung thành yêu thương đến cùng, với hy vọng một ngày dân Thành sẽ nhận ra và chấp nhận tình yêu của Chúa và đáp lại. Lời tiên tri dân thành sẽ được thấy Chúa và tung hô “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!” được ứng nghiệm khi Chúa Giêsu long trọng vào Thành trước Cuộc Thương Khó của Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Điều quan trọng nhất trong cuộc đời là chúng ta phải cảm nhận được tình thương Thiên Chúa dành cho chúng ta. Điều này có thể làm được bằng nhiều cách: học hỏi về Thiên Chúa qua Kinh Thánh, suy niệm về những gì Thiên Chúa làm cho bản thân, cho gia đình, và cho loài người.
– Một khi đã cảm nhận tình yêu Thiên Chúa, chúng ta phải hiên ngang như Chúa Giêsu và thánh Phaolô: sẵn sàng đương đầu với mọi quyền lực của thế gian để chu tòan sứ vụ mà Thiên Chúa đã trao phó, nhất là trung thành yêu thương tha nhân đến cùng cho dẫu bị khước từ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

31/10/2019 – THỨ NĂM TUẦN 30 TN
Lc 13,31-35


CAN ĐẢM LÀM VIỆC PHẢI LÀM
“Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất.” (Lc 13,32)

Suy niệm: “Thành công không phải là điều cuối cùng, thất bại chẳng phải là việc sinh tử: điều quan trọng là can đảm tiếp tục những gì cần làm” (Thủ tướng Anh W. Churchill). Trước lời cảnh báo của người Pha-ri-sêu về đe dọa của vua Hê-rô-đê, Đức Giê-su chẳng hề nao núng. Ngài vẫn tiếp tục trừ quỷ và chữa bệnh như mọi ngày, hôm qua, hôm nay và ngày mai. Cáo già như Hê-rô-đê không làm Ngài chùn bước, đá vấp phạm như Phê-rô chẳng cản nổi bước chân tiến về Giê-ru-sa-lem của Thầy. Chỉ khi đến ngày thứ ba, việc loan báo Tin Mừng Nước Trời bằng cuộc Khổ nạn-Phục sinh của Ngài mới hoàn tất. Trên thập giá, Ngài có thể thưa với Cha: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30).
Mời Bạn: “Một khoảnh khắc can đảm có thể làm thay đổi ngày của bạn. Một ngày có thể thay đổi cuộc đời bạn. Và một cuộc đời có thể thay đổi thế giới” (M. Robbins). Can đảm là sức mạnh giúp ta vượt qua những cái quen thuộc. Bạn quen với sự cầu an, tìm sự an toàn cho bản thân, tránh né sự bạo dạn của Tin Mừng. Bạn gắn bó với các thói quen trái ngược với điều răn Chúa. Hôm nay bạn có can đảm vượt qua chưa? Một lần can đảm sẽ làm thay đổi đời bạn.
Sống Lời Chúa: Tôi can đảm nói không với một thói xấu, hoặc can đảm nói không với việc muốn trả đũa một người xúc phạm đến mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa nêu gương can đảm anh hùng cho con không chùn bước trước lời đe dọa. Xin cho con vượt qua những nỗi sợ: sợ khổ, sợ mệt, sợ mất, sợ dư luận, sợ nhọc thân… để có thể can đảm thi hành sứ vụ Ki-tô hữu của mình. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)

Hôm nay, ngày mai (31.10.2019 – Thứ Năm Tuần 30 TN)
Suy niệm:


Sống là bước đi mỗi ngày trong cuộc hành trình, phiêu lưu.
Hơn ai hết Đức Giêsu đã sống phận người của mình như thế.
Cuộc sống nay đây mai đó, không chỗ tựa đầu.
Cuộc sống bấp bênh, sống nhờ lòng tốt của người khác.
Hơn thế nữa, cuộc sống này còn bị đe dọa bởi quyền bính đạo đời.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, vài người Pharisêu báo tin cho Đức Giêsu
về việc tiểu vương Hêrôđê muốn giết Ngài (c. 31).
Họ khuyên Ngài nên ra khỏi vùng đất dưới quyền của Hêrôđê,
vì chính ông này đã giết ngôn sứ Gioan Tẩy giả.


Đức Giêsu lộ vẻ ung dung, không sợ hãi gì.
Ngài gọi Hêrôđê là con cáo, một con vật ranh mãnh quỷ quyệt (c. 32).
Đe dọa của ông ta không làm Ngài chùn bước.
Ngài vẫn tiếp tục làm điều đã làm như trừ quỷ và chữa bệnh.
Hôm nay, ngày mai, ngày mốt vẫn cứ như thế.
“Tôi phải tiếp tục đi” (c. 33).
Đức Giêsu biết rất rõ mình đang đi đâu và đến đâu.
Ngài sẽ tiếp tục lên đường, không phải vì sợ quyền lực của Hêrôđê,
nhưng vì Ngài chấp nhận ở dưới quyền của Thiên Chúa.
Ngài hướng tới Giêrusalem, nơi nhiều ngôn sứ đã chịu bách hại.
Đức Giêsu ý thức mình là một ngôn sứ của Thiên Chúa.
Số phận của Ngài cũng chẳng hơn gì bao ngôn sứ khác.
Cái chết đang chờ đợi Ngài ở Giêrusalem.


Giêrusalem là nơi đáng sợ, nhưng cũng là nơi đáng thương.
Đức Giêsu đã âu yếm gọi hai lần: “Giêrusalem, Giêrusalem!”
Ngài tự ví mình như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh.
“Đã bao lần Ta muốn… nhưng các ngươi lại không muốn” (c. 34).
Một tình yêu bị từ chối nên thốt lên những lời thở than.
Vị ngôn sứ Giêsu phải dừng bước khi con người khép lòng mình lại.
Án phạt đến từ thái độ từ khước của con người,
giống như đàn gà con không để cho gà mẹ chở che dẫn dắt.
“Nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi” (c. 35).
Thiên Chúa bỏ đền thờ, bỏ thành thánh Giêrusalem mà đi,
để mặc cho quân thù vây hãm và tiêu hủy.
Nhưng rồi sẽ đến ngày Đức Giêsu trở lại trong vinh quang.
Lúc ấy mọi người sẽ tung hô: Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến.


Chúng ta cũng có sứ mạng làm ngôn sứ như Đức Giêsu.
Những đe dọa, đụng chạm đến an toàn là điều không tránh khỏi.
Nhưng chúng ta vẫn được mời gọi đi đến cùng con đường của mình,
với một tinh thần bất khuất, không gì lay chuyển.
Vẫn phải trung thành với việc được Thiên Chúa giao,
dù điều đó dẫn ta đến với cái chết.
Trước một Giêrusalem thù nghịch, xin có được đảm lược của Giêsu.
Trước một Giêrusalem từ khước, xin có được lòng nhân hậu.
Để trái tim chúng ta biết kết hợp đảm lược với lòng nhân.


Cầu nguyện:


Lạy các thánh tử đạo Việt Nam,
các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu
trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm.
Sự hy sinh của các ngài
cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết
và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt.
Dù mang phận người yếu đuối,
nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng,
các ngài đã chiến thắng khải hoàn.


Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài
biết can trường sống đức tin của bậc cha anh
trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa,
biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu
bằng một đời hiến thân phục vụ.


Ước gì ngọn lửa đức tin
mà các ngài đã thắp lên
bằng cuộc sống và cái chết,
được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam.


Ước gì máu thắm của các ngài
thấm vào mảnh đất quê hương
để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
31 THÁNG MƯỜI
Ơn Hiệp Nhất
Trong ý nghĩa sâu xa nhất, sự hiệp nhất của Giáo hội là một hồng ân của Chúa Cha qua Chúa Kitô. Ngài là “nguồn mạch và trung tâm của mối hiệp thông Giáo Hội” (ibid. 20). Chính Chúa Kitô chia sẻ cho chúng ta Thánh Thần của Người, và Thánh Thần “ban sự sống, sự hiệp nhất và làm sống động toàn thân” (GH 7).
Sự hiệp nhất thâm sâu này được Thánh Tông Đồ Phao-lô diễn tả cách tuyệt vời: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng bởi ơn gọi của anh em; chỉ có một Chúa, một niềm tin, một Phép Rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4, 4 – 6). Những lời ấy thật hùng hồn và kích cảm biết bao! Thật vậy, những lời ấy cho thấy nhiệm vụ của Giáo Hội qua mọi thời đại và mọi thế hệ. Nhiệm vụ thiêng liêng của Giáo Hội là gìn giữ sự hiệp nhất này, và nhiệm vụ này không bao hàm gì khác hơn là trung thành trọn vẹn với Chúa của mình. Giáo Hội phải nỗ lực để tái lập sự hiệp nhất này ở bất cứ nơi nào mà nó đã bị suy yếu hay đã gãy đổ.
Trung tâm mối hiệp nhất của Giáo Hội là chính Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Chúa chúng ta. Ngài là “viên đá góc” (Mt 21,42) của toà nhà Thiên Chúa tức là Giáo Hội (1Cr 3,9). Là “viên đá góc” của dân mới Thiên Chúa, của toàn thể nhân loại đã được cứu chuộc, Đức Kitô hiện diện trong cộng đoàn Thánh Thể. Ngài dẫn chúng ta đến với chính Ngài. Và Ngài hiệp nhất chúng ta lại với nhau trong Ngài.
Chúng ta hãy lắng nghe lời nguyện hiến tế trong bữa Tiệc Ly. Ngài thưa cùng Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha chí Thánh, xin gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga 17,11).
Chúa Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa Cha, và Người vốn đã bộc lộ ‘danh’ của Chúa Cha cho các môn đệ Người. Vì Người sẽ không còn ở “trong thế gian” với họ nữa, Người xin Chúa Cha gìn giữ họ hiệp nhất trong sự nhận biết lời đã được ban cho họ (Ga 17,14). Đối tượng số một của lời Người cầu nguyện là sự hiệp nhất của những kẻ Người đã chọn, đó là các Tông Đồ. Nhưng Chúa Giêsu mở rộng đối tượng ấy tới tất cả những ai sẽ đi theo Người qua mọi thời. Người thốt lên: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một” (Ga 17, 20 – 21).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II

Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 31/ 10
Rm 8, 31-39; Lc 13, 31-35.

LỜI SUY NIỆM: “Xin ông đi ra khỏi đây,vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!”
          Trong Tin Mừng chúng ta thường được nghe nói về người Pharisêu chống đối Chúa Giêsu, muốn loại bỏ Người và tìm cách giết chết Người. Đặc biệt trong đoạn Tin Mừng Luca 13,31 này chúng ta được biết có nhóm người Pharisêu họ thực sự quan tâm đến sự an toàn của Chúa Giêsu. Mấy người Pharisêu này đã đến báo cho Chúa Giêsu biết Người đang ở trong tình trạng nguy hiểm, và khuyên Người nên tìm chỗ an toàn hơn.
          Lạy Chúa Giêsu. Trong mọi xã hội mà con cái của Chúa đang sống, Chúa luôn ban cho có những người hiền lành và thiện chí muốn cứu giúp con cái của Chúa trong hoàn cảnh nguy khốn. Xin Cho mỗi người chúng con biết tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho những anh chị em đó.
Mạnh Phương

31 Tháng Mười
Một Ngày Ðể Nhớ Ðến Thần Dữ
Hôm nay ngày cuối tháng 10. Buổi chiều ngày cuối tháng 10 được người Mỹ và các nước chịu ảnh hưởng của Mỹ gọi là Halloween, nghĩa là vọng lễ các thánh.
Có lẽ do những rơi rớt còn lại của một ngày lễ ngoại giáo bắt nguồn từ thời những người Celtic trước Công nguyên, ngày vọng lễ các thánh mang màu sắc ảm đạm ma quái.
Trong các cửa tiệm, hàng hóa được trưng bày một khung cảnh quái dị: những hình nộm được tô vẽ với một bộ mặt của thần chết, những màng nhện trắng xóa giăng mắc khắp nơi, những đồ chơi trẻ em cũng được khoác lên những nét kinh hãi quái dị. Trên màn ảnh truyền hình cũng như tại các rạp chiếu bóng, đa số các phim trình chiếu đều mang nội dung quái đản, kinh dị. Buổi tối ngày Halliween, thanh niên thiếu nữ thường cải trang thành ma quái để đi từng nhà ca hát và kể cho nhau nghe chuyện ma quái.
Phải chăng mỗi năm người ta dành một ngày để nhắc nhở về sự hiện hữu và tác quái của thần dữ? Nhưng liệu con người ngày nay còn ý thức được tội lỗi và sự tác động củ thần dữ không?
Thi sĩ Baudelaire của Pháp đã có lần nói: “Sự thành công của ma quỷ là thuyết phục được con người rằng nó không hiện hữu”.
Với những khám phá mới trong ngành tâm lý học cũng như bệnh lý học, người ta cho rằng tất cả những vụ quỷ ám mà Kinh thánh nói đến chỉ là những hiện tượng tâm lý bệnh hoạn mà ngày nay khoa học có thể tìm ra nguyên nhân. Với luận điệu ấy, con người ngày nay tự hào đã loại trừ ma quỷ ra khỏi cuộc sống.
Có lẽ ngày nay, người ta ít có dịp chứng kiến những vụ quỷ ám nhãn tường như Thánh kinh đã ghi lại. Tuy nhiên, dù muốn dù không, không ai có thể chối cãi được một sức mạnh luôn cày xéo tâm hồn con người, luôn lôi kéo con người đến chỗ tự hủy và hủy diệt lẫn nhau. Mãi mãi câu nói của thánh Phaolô vẫn đúng cho kinh nghiệm của mỗi người: “Ðiều thiện tôi muốn làm thì tôi không làm, điều ác tôi không muốn là, thì tôi lại làm”. Có một sức mạnh vô hình nào đó luôn khuyến dụ, luôn lôi kéo con người vào tội ác… Thánh Phêrô hẳn không thể nào quên được lời cảnh cáo của Chúa Giêsu: “Hỡi Satan, hãy tránh khỏi mặt Ta”. Trong lá thư đầu tiên gửi cho các tín hữu, vị Giáo Hoàng đầu tiên đã nhắn nhủ: “Hãy tỉnh thức luôn. Kẻ thù của anh em là ma quỷ như sư tử luôn gầm thét lượn quanh, tìm mồi để cắn xé. Anh em hãy chống cự và kiên vững trong Ðức Tin”.
Là người tín hữu, chúng ta không ngừng cầu nguyện bằng chính lời Kinh của Chúa Giêsu: “Xin cứu chúng con khỏi ác thần”. Ước gì lời Kinh ấy luôn nhắc nhở chúng ta về sự tác động liên lỉ của ma quỷ trong cuộc sống của từng người chúng ta. Nhưng chúng ta không phải hãi sợ bởi vì chúng ta không chiến đấu một mình mà cùng với và bằng chính sức mạnh của Ðấng đã nói: “Ðừng sợ hãi, vì Ta đã thắng thế gian”.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét