Trang

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2019

22-10-2019 : THỨ BA - TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN


22/10/2019
 Thứ Ba tuần 29 thường niên


BÀI ĐỌC I: Rm 5, 12. 15b. 17-19. 20b-21
“Nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị, thì càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một Người”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi có sự chết, và thế là sự chết đã truyền đến mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Vì nếu bởi tội của một người mà nhiều người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa và ơn huệ kèm trong ân sủng của một người, là Đức Giêsu Kitô, càng tràn ngập chan chứa hơn nữa tới nhiều người. Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Đức Giêsu Kitô.
Do đó, tội của một người truyền đến mọi người, đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người, đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế. Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế.
Nhưng ở đâu càng đầy tràn tội lỗi, thì ở đó càng tràn đầy dư dật ân sủng: để như tội lỗi đã thống trị làm cho người ta chết thế nào, thì nhờ đức công chính, ân sủng sẽ thống trị làm cho người ta sống đời đời do Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cũng như vậy. Đó là lời Chúa. 

ĐÁP CA: Tv 39, 7-8a. 8b-9. 10. 17
Đáp:  Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a & 9a).
Xướng:
1) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”. – Đáp.
2) Như trong Quyển Vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con. – Đáp.
3) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. – Đáp.
4) Hãy mừng vui hoan hỉ trong Chúa, bao nhiêu kẻ tìm Chúa, và luôn luôn nói: Chúa thực là cao cả! Bao nhiêu kẻ mong ơn phù trợ của Ngài. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 17, 17b và a
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 12, 35-38
“Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy”. Đó là lời Chúa.


Suy niệm
Đoạn thư Thánh Phaolô trong bài đọc phụng vụ hôm nay là tâm điểm của Thư gửi tín hữu Rôma của ngài. Ẩn bên dưới lời phát biểu rằng con người cần được cứu chuộc, chúng ta thấy có niềm xác tín rằng tội lỗi làm hoen ố mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Sau khi dùng kinh nghiệm bản thân và Sách Thánh để chứng minh rằng ơn cứu chuộc loài người đến từ Thiên Chúa nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô chứ không phải nhờ phép cắt bì, Thánh Tông Đồ bắt đầu trình bày về trải nghiệm Kitô giáo “của chúng ta”.
Nếu có ai làm thiệt hại một mối quan hệ, gây tổn thương cho bạn mình, thì khi ấy một rối loạn nảy sinh trong tim của chính người ấy, và chỉ có thể khắc phục được khi người bạn chào đón và chấp nhận lại người ấy, chấp nhận lời xin lỗi của người ấy. Thánh Phaolô nói rằng ơn cứu chuộc là lý do và điều kiện để chúng ta sống an hòa với Thiên Chúa. Nhưng để bạn bè làm hòa lại được với nhau, có thể cần đến một người trung gian hòa giải giữa hai người, nói cho người có lỗi biết rằng người kia không còn để bụng chuyện cũ và đang mở rộng lòng đón chờ người có lỗi. Và khi mọi sự đã qua đi, sợi dây gắn kết sẽ ngày càng bền chặt hơn và niềm vui càng lớn hơn trước. Vậy nên, Thánh Phaolô nói tiếp, chúng ta biết rằng vị trung gian của chúng ta là Đức Giêsu đã phải chịu nhiều tủi nhục đớn đau để tìm kiếm tôi và thuyết phục tôi tin tưởng vào lòng nhân từ của Cha mà tình thương của Người đã bị tôi khinh dể, tôi hết lòng biết ơn sâu xa và sẵn sàng hân hoan cộng tác với Người trong công việc hòa giải, đồng thời tham dự vào các hi sinh của Người để đem sứ điệp Tin Mừng đến cho những người khác.
Thánh Tông Đồ nêu câu hỏi cho các dân tộc: Làm sao chúng ta có thể hoài nghi tình thương vô biên này, sau khi Thiên Chúa đã ban cho chúng ta những bằng chứng phi thường như thế? Cái chết lịch sử của Đức Giêsu có một ý nghĩa thần học về sự đau khổ thục tội: Người đã chết vì chúng ta, chết thay cho chúng ta và cho mọi người, đang khi chúng ta đã quay lưng lại với Thiên Chúa. Nói khác đi, Đấng đã nhận sứ mạng trung gian đã được tỏ lộ là người bạn vĩ đại của chúng ta, Người đã vác trên vai gánh nặng mọi tội lỗi của chúng ta khi chúng ta còn cô độc và hư mất. Bằng chứng vô song này của tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta sẽ mãi mãi rạng ngời trong lịch sử, soi đường dẫn lối cho các dân tộc.
Phaolô rong ruổi khắp thế giới, không ngơi nghỉ và luôn luôn đầy niềm vui, hiến thân mình rao giảng Tin Mừng. Đức Giêsu chịu hi sinh không phải vì chúng ta là Do Thái hay Hi Lạp, nô lệ hay tự do, người có học hay vô học, giàu hay nghèo, nam hay nữ, nhưng chỉ vì chúng ta là những kẻ tội lỗi cần được ơn tha thứ. Và món quà này đã được ban cho chúng ta không phải do công trạng gì của chúng ta. Điều làm Thiên Chúa vui lòng nhất là không phải trừng phạt chúng ta, nhưng là ban cho chúng ta lòng thương xót cao cả vô biên.
Sau khi Thiên Chúa đã thể hiện mầu nhiệm tình yêu khôn tả này, một tình yêu hoàn toàn ban không cho mọi người, Thánh Tông Đồ nói thêm, không thể nào Thiên Chúa lại không hoàn tất công trình cứu chuộc chúng ta! Vì vậy, ơn cứu độ viên mãn liên quan tới các phúc lành trong tương lai, các phúc lành cánh chung: vinh quang và sự sống đời đời. Bằng cách này, sự bình an và hòa giải mà “bây giờ” chúng ta lãnh nhận và nếm cảm đang hướng tới một sự hoàn thành trong tương lai, vì chúng là bảo chứng cho những hồng ân chúng ta sẽ lãnh nhận sau này. Để chứng tỏ bản chất ba chiều của sự giải thoát này - nghĩa là giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi Lề Luật, và khỏi sự chết - Thánh Phaolô mô tả tình huống của loài người trước và sau Đức Kitô, bằng cách cho thấy những hậu quả của tội bất tuân của Ađam - một “hình bóng” cho Đấng sẽ phải đến - và những hậu quả của sự vâng phục của Đức Kitô, Ađam mới. Khi suy về câu chuyện sa ngã của loài người (Ađam) do sách Sáng Thế thuật lại, Phaolô sử dụng sự thật thần học mà câu chuyện này trình bày: nguyên nhân gây ra tình trạng bi thảm của loài người chính là tội lỗi. Tính chất truy nguyên trong tường thuật của sách Sáng Thế chỉ ra tội lỗi như là nguyên nhân gây nên tình trạng khốn khổ của loài người (đau khổ, buồn sầu, bất hòa, bạo lực, và sự chết). Sự bất tuân của Ađam - cả theo nghĩa cá nhân và tập thể (x. St 1:27) - đã khiến cho một sức mạnh hoạt động tai hại xâm nhập vào thế gian.
Nhưng Đức Giêsu Kitô người giải phóng. Nhờ Người mà tất cả được ơn cứu chuộc và có sự sống đời đời. Đức Giêsu là “Ađam thứ hai”, phản diện của Ađam thứ nhất. Con người thứ nhất không có lòng tin vào Đấng Tạo Hóa; ông đã bất tuân và phá vỡ tình bạn với Đấng Tạo Hóa. Nhưng Đức Giêsu là Ađam mới, tuyệt đối trung thành và vâng phục hoàn hảo, hiến mạng sống mình để phục hồi tình bạn của chúng ta với Thiên Chúa. Phản đề này nhấn mạnh rằng ơn phúc Đức Giêsu mang lại thì vượt trội vô song so với sự thiệt hại mà Ađam gây ra. “Nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Ðức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Rm 5:15). Sự tương phản giữa “một người” với “muôn người” nhấn mạnh phạm vi phổ quát của sợi dây tình bạn mới do Chúa Giêsu đem đến.
Chủ đề trọng tâm của bài đọc Tin Mừng là việc Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết, như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.” Thời kỳ phân cách người tín hữu với điểm hẹn tất yếu này là một thời kỳ trông đợi tích cực. Ý tưởng quan trọng nhất của bài Tin Mừng này là việc chủ nhà đi vắng sau khi đã giao phó ruộng đất cho đầy tớ canh tác và thu hoạch hoa lợi, chứ không bỏ mặc cho ruộng đất của mình ra sao thì ra. Khi gợi ý như thế về cách làm việc của Thiên Chúa, Đức Giêsu cũng ngụ ý về mầu nhiệm tự do được ban cho con người; chúng ta có thể chọn cách quản lý món quà sự sống mà không bị áp lực thể lý, không cảm thấy bị sai khiến bởi sự có mặt của ông chủ.
Trong Sách Thánh, đòi hỏi phải “thắt lưng” được gặp thấy lần đầu tiên ở Xh 12:11. Bối cảnh là việc chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua trước khi thần sứ của Thiên Chúa đến sát hại các con đầu lòng Ai Cập và việc trốn thoát khỏi đất nô lệ. Từ sau sự kiện ấy, “thắt lưng” trở thành một cách nói chung để chỉ về một tiếng gọi phục vụ, được nêu gương bởi Đức Giêsu: “Trước lễ Vượt Qua, Ðức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha… Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Ðức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 12:1.4- 5). Với cử chỉ này, việc phục vụ nhân danh Thiên Chúa đã được nâng lên hàng bí tích tình yêu, trong Thánh Thể để người lãnh nhận được thông dự vào sự sống của Đức Giêsu (x. Ga 6:30-58). Không phải ngẫu nhiên mà Tin Mừng thứ tư lấy bữa Tiệc Ly làm bối cảnh cho việc rửa chân. Khi Phêrô không muốn cho Đức Giêsu rửa chân cho mình, viện cớ “không xứng đáng” với Thầy, Đức Giêsu nói, “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (Ga 13:8). Rửa chân cho người khác là một cử chỉ được Thầy Giêsu truyền cho các môn đệ như là một biểu hiện của phong cách sống phải đem đến cho mọi dân tộc. Trên thực tế, sau khi Đức Giêsu sống lại, các môn đệ được thiên thần bảo đừng nhìn lên trời nữa, nhưng hãy đi thi hành sứ mạng để hoàn thành tất cả những điều Đức Giêsu đã nói và làm, với lời hứa rằng Thầy sẽ trở lại với các môn đệ giống như cách Người đã rời bỏ họ (x. Cv 1:11). Chúng ta trông đợi trong niềm hi vọng Thầy sẽ trở lại, và chúng ta thắt dây lưng gọn gàng, nghĩa là phục vụ người khác trong đức tin, rao giảng và giúp họ tham dự vào ơn cứu độ đã được ban cho chúng ta như một bảo chứng trong Thánh Thể.
Ẩn dụ về việc giữ đèn luôn luôn cháy sáng (như trong Xh 27:20 và Lv 24:2) trình bày sự chờ đợi như một thời gian canh chừng chăm chú. Việc biết rằng chủ vắng nhà có thể khiến người ta bị cám dỗ muốn thay thế chủ, muốn mình trở thành những người làm chủ tuyệt đối đời sống của mình và của người khác, và loại bỏ những gì đã được uỷ thác cho mình. Dưới cái nhìn của Thiên Chúa, sự chờ đợi đáp ứng luật tình yêu. Đối với chúng ta đang sống, thời gian chờ đợi chỉ làm tăng thêm ước muốn được gặp Thiên Chúa diện đối diện. Chúng ta phải mạnh mẽ chịu đựng gánh nặng của việc kiên trì với một lời hứa không có hạn kỳ. Điều quan trọng là ý thức rằng mọi mùa trong cuộc đời của chúng ta được sống tốt, tìm kiếm và thi hành ý Thiên Chúa, đều là một kairos, một thời gian thuận lợi để được Chúa gọi về nhà. Luôn luôn sẵn sàng cho thời khắc ấy sẽ làm cho cuộc đời chúng ta thành công.
(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)
Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 29 TN1Năm lẻ
Bài đọcRom 5:12, 15b, 17-19, 20b-21; Lk 12:35-38.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tính cộng đồng của các hành động con người
Nhiều người muốn quảng bá đức công bằng ”ai làm người ấy chịu: tội của ai phạt người ấy, phúc của ai người đó hưởng”; nhưng điều đó không thể nào xảy ra, vì trong kế hoạch của Thiên Chúa, con người được tạo dựng để sống chung và cùng chịu trách nhiệm. Ví dụ, dịch cúm heo mà cả thế giới đang lo sợ: tuy phát xuất từ Mễ-tây-cơ; nhưng cả thế giới đều phải góp phần chống lại, vì nếu không, dịch sẽ hoành hành ngay trong nước của họ. Hay nạn ly dị mà nhiều người thời nay cho là chuyện riêng của họ: khi nạn ly dị xảy ra trong gia đình, không phải chỉ có cá nhân làm đơn ly dị, nhưng còn ảnh hưởng đến người phối ngẫu, và con cái là những người không có tội tình chi trong sự xung đột của hai vợ chồng. Rồi đến gia đình hai bên cũng phải mang tai tiếng và lo cho các con trẻ; ấy là chưa kể ảnh hưởng đến cả xã hội phải trợ giúp vào, và phải gánh hậu quả tội phạm của những trẻ bất chí do gia đình gây ra. Vì thế, một người khó lòng tiên đoán hậu quả của tội mình gây ra cho gia đình, xã hội, và Giáo Hội.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật chiều kích cộng đồng của các hành động con người. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô so sánh giữa tội của Adam và công phúc của Đức Kitô ảnh hưởng đến mọi người như thế nào: Vì một người duy nhất là Adam, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội.
Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. Trong Phúc Âm, thánh Luca nhấn mạnh đến phần thưởng Thiên Chúa sẽ ban cho những người biết quên mình phục vụ anh em. Ngài sẽ đến phục vụ từng người tại bàn ăn; vì khi họ phục vụ người khác, họ đã làm cho chính Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.
1.1/ Tội lỗi và sự chết lan tràn tới mọi người vì một người là Adam: Nhiều người chúng ta thắc mắc tại sao Thiên Chúa lại bắt con cháu của Adam chịu đựng tội tổ tông và hình phạt sự chết, khi họ không có trách nhiệm gì về tội đầu tiên của Adam cả! Cách cắt nghĩa của thánh Phaolô giúp chúng ta có thể hiểu được, nếu chúng ta nắm được tính cộng đồng của các hành động con người: không có một hành động nào chỉ mang tính cá nhân, mà không kéo theo tính cộng đoàn cả. Tội một người phạm không chỉ gây thiệt hại cho cá nhân người đó thôi, nhưng còn ảnh hưởng đến gia đình và xã hội chung quanh họ; chẳng hạn: tội ăn cắp.
Tội và hậu quả của tội có khuynh hướng lan tràn: Thánh Phaolô nói: ”Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội.”
1.2/ Ân sủng và ơn cứu độ được ban cho mọi người nhờ Đức Kitô: Nhiều người cũng thắc mắc và nghi ngờ tại sao Cuộc Thương Khó của Đức Kitô có hiệu năng cứu độ muôn người như vậy, cùng lắm thì cũng chỉ giới hạn trong một số người thôi chứ. Chúng ta có thể hiểu cũng như tội của một người có khuynh hướng lan tràn, công phúc của một người cũng có khuynh hướng lan tràn như thế. Ví dụ: tình bác ái của Mẹ Têrêxa. Không phải chỉ có người nghèo hay chỉ dân tộc Ấn Độ mới cảm nhận được tình bác ái của Mẹ; nhưng còn tất cả mọi người trên thế giới.
Áp dụng vào công nghiệp của Đức Kitô, thánh Phaolô xác tín: ”Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị.”
1.3/ Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội: Đây là Tin Mừng cho con người, không phải ân sủng chỉ lan tràn như tội lỗi thôi, mà ân sủng còn lan tràn mạnh hơn tội lỗi; vì quyền lực là tình yêu của Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi và sự chết. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa yêu thương con người khi con người vẫn còn là tội nhân; và sẵn sàng tha thứ mọi tội khi con người thật lòng ăn năn xám hối.
2/ Phúc Âm: Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.
2.1/ Hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.”
Lời Chúa nói có mục đích xa là chuẩn bị cho Ngày Chúa đến lần thứ hai; nhưng nó cũng khẩn thiết cho việc giáo dục trong gia đình. Khi hai vợ chồng bắt đầu thành hôn, họ phải lo giáo dục nhau về đức tin, tri thức, và nhân bản. Quan niệm sai lầm của nhiều cặp vợ chồng là “tới đâu lo tới đó,” vì cuộc sống quá bận rộn. Cha ông ta đã báo trước “nếu không lo xa, ắt có buồn gần.” Con người không phải là con vật để chỉ biết phản ứng; nhưng phải biết chuẩn bị lúc việc chưa xảy ra để biết đương đầu với vấn đề khi nó xảy ra. Ví dụ, việc hy sinh chịu đựng gian khổ cho lợi ích của người khác cần phải tập luyện dần cho tới khi thành nhân đức. Các ông bà, cha mẹ Việt Nam thế hệ trước có thể trung thành với nhau suốt đời vì họ sở hữu nhân đức này; tuy có xung đột với nhau, nhưng họ không bao giờ dám ly dị vì lợi ích của gia đình, của đàn con, nhất là lợi ích phần linh hồn. Nhiều cặp vợ chồng hôm nay không còn biết tại sao phải hy sinh chịu đựng như thế; việc ly dị và chia rẽ cũng chẳng ngạc nhiên gì đối với họ: hợp thì ở, không hợp thì chia tay!
2.2/ Phần thưởng ban cho những người luôn tỉnh thức: Chúa Giêsu hứa: ”Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.”
Con người cần nhớ rõ những gì Đức Kitô nói: Phục vụ anh em là phục vụ chính Ngài; không phục vụ anh em là không phục vụ cho chính Ngài. Phần thưởng cho những người phục vụ anh chị em là sẽ được chính Thiên Chúa phục vụ và ban thưởng vinh quang. Hình phạt cho những kẻ chỉ biết ích kỷ lo cho mình là vào lửa không hề tắt. Hãy suy nghĩ những lời này để biết hy sinh lo lắng cho tha nhân trước khi quá muộn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Tội không chỉ mang tính cá nhân mà còn ảnh hưởng rộng lớn trên gia đình và cộng đoàn; vì thế, chúng ta có bổn phận giáo dục mọi người trong gia đình và cộng đoàn của chúng ta.
– Tương tự, một người làm phúc, cả họ được nhờ. Khi chúng ta giúp đỡ hay giáo dục các thành phần trong gia đình hay cộng đoàn, chúng ta đang làm ích cho chính bản thân để khỏi phải gánh hậu quả của tội do họ gây ra, cho gia đình được hạnh phúc, và cho Giáo Hội thăng tiến.
– Tình thương và ân sủng của Thiên Chúa mạnh hơn tính ích kỷ và tội lỗi của con người; vì thế, chúng ta hãy kiên nhẫn chịu bất công và hy sinh chịu gian khổ, để mưu cầu lợi ích cho chính chúng ta và cho mọi người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


22/10/2019 – THỨ BA TUẦN 29 TN
Th. Gio-an Phao-lô II, giáo hoàng
Lc 12,35-38


TRUNG TÍN VÀ KHÔN NGOAN
“Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về…” (Lc 12,36)

Suy niệm: “Theo Kinh thánh, chờ đợi không chỉ là điều ta phải thực hiện cho đến khi ta đạt điều ta chờ. Chờ đợi là thành phần của quá trình trở thành điều Chúa muốn ta trở thành” (Nhà thần học J. Ortberg). Sợi chỉ đỏ xuyên suốt đời người Ki-tô hữu là tâm tình chờ đợi, mong chờ Chúa Giê-su trở lại trong vinh quang, chờ đợi Ngài đến với mình trong đời thường và ngày cuối đời. Thế nhưng, chờ đợi không có nghĩa là “ôm cây đợi thỏ”, khoanh tay không làm gì hết. Hai thái độ người môn đệ Chúa Ki-tô phải ghi nhớ là trung tín và khôn ngoan. Trung tín là tư thế của người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới về, tư thế đang chu toàn bổn phận của mình cách tốt đẹp như Chúa đã giao phó cho mình. Khôn ngoan là ý thức mình đang chờ Chúa đến, một sự thật rõ ràng và chắc chắn.
Mời Bạn: “Hiện tại điều ta chờ đợi không quan trọng bằng những gì xảy đến cho ta đang lúc đợi chờ. Hãy tín thác trong khi chờ đợi” (Nhà văn M. Hale). “Thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn” cho thấy tư thế người môn đệ Chúa Ki-tô trong thế giới hôm nay: làm tốt công việc bổn phận, đưa tinh thần Tin Mừng vào môi trường mình sống, với ý thức chờ đợi ngày Chúa quang lâm.
Sống Lời Chúa: Tôi định hướng lại cuộc đời mình: tôi đã chọn làm môn đệ Chúa, đời tôi quy hướng về việc đón chờ Chúa đến, mọi lựa chọn lớn nhỏ đều phải dựa trên tinh thần môn đệ Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa cho con tự do quyết định vận mạng đời mình, khi Chúa như người chủ đi ăn cưới giao phó mọi sự cho con. Xin cho con biết khôn ngoan và trung tín, như người đầy tớ hoàn thành tốt công việc hằng ngày của mình. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)

Chủ sẽ phục vụ (22.10.2019 – Thứ Ba Tuần 29 TN)
Suy niệm:


Chúng ta dành bao nhiêu thời gian để ăn, ngủ, và làm việc trong một đời?
Nhiều người nghĩ mình có thể đưa ra những con số khá chính xác.
Nhưng chúng ta dành bao nhiêu thời gian để chờ?
Có thứ chờ tính được bằng thời gian.
Có thứ chờ kéo dài liên tục nằm nơi trái tim mong ngóng.
Mẹ chờ con, vợ chờ chồng, những người yêu chờ nhau.
Trong một vở kịch của Samuel Beckett, văn sĩ được giải Nobel 1969,
có hai người chờ một nhân vật mơ hồ tên là Godot.
Cả hai chỉ quen sơ sơ ông này, nếu có gặp cũng chẳng nhận ra.
Vậy mà họ vẫn chờ, nhưng ông Godot nào đó đã không đến.
Có lẽ Samuel Beckett muốn nói đến cái phi lý của đời người.
Cứ chờ cứ đợi một điều mơ hồ và chẳng xảy ra.


Đức Giêsu dạy các môn đệ biết chờ đợi trong cuộc sống.
Chờ như những đầy tớ chờ chủ mình đi ăn cưới về.
Đám cưới ngày xưa hay vào ban đêm để tránh cái nóng.
Chủ có thể về trễ, nên phải chịu khó chờ,
nghĩa là phải tỉnh thức, không được ngủ quên.
Nhưng chờ lại không phải là thái độ ngồi yên, thụ động.
Chờ là đặt mình trong tư thế sẵn sàng phục vụ.
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sáng” (c. 35).
Người đầy tớ sẵn sàng bắt tay vào việc,
vì chiếc áo đã được vén lên gọn gàng,
và trong đêm, ngọn đèn được châm dầu vẫn luôn cháy sáng.


Có một giây phút quan trọng, giây phút ông chủ về.
Sự chờ đợi, sự tỉnh thức, sự sẵn sàng, tất cả hướng đến giây phút này.
Lỡ giây phút này là lỡ tất cả.
“Để khi chủ về tới, gõ cửa thì mở ngay” (c. 36).
Mở ngay vì mình đang chờ, đang thức, đang sẵn sàng,
áo đã được vén lên để chuẩn bị phục vụ,
đèn đã được thắp sáng để soi trong bóng đêm.
Chủ sẽ ngỡ ngàng vì sự mau mắn như vậy của các đầy tớ.
Nhưng các đầy tớ còn ngỡ ngàng hơn nhiều.
Chính khi các anh chuẩn bị phục vụ chủ, thì chủ lại phục vụ các anh.
“Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn,
và đến bên từng người mà phục vụ” (c. 37).
Rõ ràng đã có một sự đổi vai bất ngờ: chủ đã thắt lưng, phục vụ như đầy tớ.
Đầy tớ đã trở nên trọng hơn chủ, vì Thầy ở giữa anh em như người hầu bàn.


Đó là mối phúc dành cho người tỉnh thức vào giờ lẽ ra đang yên ngủ.
Canh hai, canh ba, là đã quá nửa đêm về gần sáng (c. 38).
Kitô hữu biết mình chờ ai, chờ một người sớm muộn chắc chắn sẽ đến.
Chờ một cách tích cực với thái độ sẵn sàng làm việc dưới ánh đèn.
Hạnh phúc đến với tiếng gõ cửa đầu tiên trong đêm.
Chúng ta mong nghe được tiếng gõ nhẹ ấy như một tiếng gọi.
Xin mở cửa ngay để được thấy tận mắt Thiên Chúa phục vụ con người.


Cầu nguyện:


Lạy Chúa,
con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện,
không có giờ đi vào sa mạc
để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.
Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.
Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu
là con có thể tạo ra sa mạc.


Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa
mà con đã bỏ mất :
Khi chờ một người bạn,
chờ đèn xanh ở ngã tư,
chờ món hàng đang được gói.
Khi lên cầu thang,
khi đến nơi làm việc,
khi kẹt xe,
khi cúp điện bất ngờ.
Thay vì bực bội hay nóng ruột
con lại thấy mình sống an bình
trong sự hiện diện của Chúa.


Lạy Chúa,
những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày
giúp con tỉnh thức
để nhạy cảm với ý Chúa.


Xin cho con yêu mến Chúa hơn
để tìm ra những sa mạc mới
và vui vẻ bước vào.
(gợi hứng từ Madeleine Delbrêl)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
22 THÁNG MƯỜI
Bảo Vệ Phẩm Giá Của Mọi Con Người
Có lần tôi đã nói trong sứ điệp nhân Ngày Quốc Tế Hòa Bình: “Con đường đúng đắn để xây dựng một thế giới hiệp thông huynh đệ, một thế giới mà công lý và hòa bình sẽ ngự trị khắp mọi nơi, cho mọi dân tộc … đó là con đường liên đới, con đường của đối thoại và của tình huynh đệ đại đồng. Chỉ có con đường đó mà thôi.”
Ý thức liên đới phải vượt thắng mọi cám dỗ khép kín lòng mình. Ý thức ấy thúc đẩy người ta biết kính trọng những truyền thống văn hóa và luân lý của mọi dân tộc. Nó giúp các truyền thống gặp gỡ nhau, cảm thông và trân trọng nhau. Sự liên đới mà xã hội hiện đại cần có chắc chắn không phải là những câu khẩu hiệu mơ hồ sáo rỗng, nhưng phải là sự liên đới cụ thể trong tinh thần tôn trọng giá trị của sự sống, của mọi sự sống. Bởi vì nơi mỗi hiện hữu con người đều có phản ảnh sự hiện hữu của chính Thiên Chúa. Vì thế, chỉ có lòng bao dung mà thôi thì không đủ, thái độ thuần túy cam chịu càng không đủ. Sự chấp nhận mọi sự như hiện trạng của nó cũng không đủ. Điều cần thiết là phải có một thái độ dấn thân tích cực để tôn trọng và bảo vệ phẩm giá và quyền của mọi con người, trong bối cảnh là chính căn tính văn hóa của họ.
Thái độ dấn thân tích cực ấy sẽ thúc đẩy chúng ta tìm kiếm những điều ích lợi cho người khác, xây dựng những mối liên hệ mới, đem lại niềm hy vọng mới, hăng say phụng sự cho hòa bình. Chỉ khi hiểu biết và thông cảm nhau, chúng ta mới có thể giải quyết các xung đột và điều chỉnh những bất công. Và chỉ khi đó chúng ta mới có thể mở ra triển vọng thật sự về mối liên đới trong tự do và hy vọng. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể mở ra con đường hòa điệu giữa các dân tộc – sự hòa điệu này là điều kiện không thể thiếu cho một nền hòa bình đích thực.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 22/ 10
Thánh Gioan Phaolô II giáo hoàng
Rm 5, 12.15b. 17-19.20b-21; Lc 12, 35-38.

LỜI SUY NIỆM: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa là mở ngay.”
          Muốn thật sự có sự tỉnh thức cần phải cầu nguyên; cầu nguyện mới có thể chiến đấu và chiến thắng được sự cám dỗ ngay từ đầu…“Sự tỉnh thức là ‘kẻ canh giữ trái tim’ và Chúa Giêsu xin Cha Người gìn giữ chúng ta trong Danh Cha; Chúa Thánh Thân không ngừng hành động, để giúp chúng ta tỉnh thức..” (Gl 2840)
          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn thầm đọc trong tâm trí chúng con: “Xin Chúa thương xót chúng con và toàn thế giới.”
Mạnh Phương


22 Tháng Mười
Hòn Vọng Phu
Giữa Nha Trang và Tuy Hòa, khoảng xa lộ 21 và sông Hinh, gần quận Khánh Dương có một ngọn núi tên là Vọng Phu, có nghĩa là trông đợi chồng.
Theo tục truyền trong dân gian thì thuở xưa có một gia đình sống hạnh phúc ở gần chân núi. Khi giặc giã nổi lên ở biên thùy, người chồng theo lệnh vua, tòng quân ra ngoài biên ải để chống quân thù, để lại người vợ trẻ và đứa con đang còn bú mớm. Người vợ trẻ ở nhà chờ chồng, mỗi ngày bế con trèo lên ngọn núi ngóng về phía biên cương xem có dáng chồng trở về hay không. Thời gian trôi qua nhưng đoàn quân chưa thấy về, người vợ và đứa con chờ đợi mãi hóa thành đá. Người đời biết chuyện nên gọi đó là Hòn Vọng Phu.
Có lẽ đây chỉ là một ngọn núi được cấu tạo bởi nhiều loại đá khác nhau. Theo thời gian, mưa gió sói mòn loại đá mềm, để lại hình dạng mường tượng như một người bồng con ngồi trông ra phía biển. Người dân ta đa sầu đa cảm, lại thêm cảnh nước luôn loạn ly, đã mượn hình dạng của núi để diễn tả tâm sự trông đợi chồng của người thiếu phụ Việt Nam.
Ðiều làm cho xao xuyến cảm động ở đây là lòng chung thủy của một thiếu phụ, dù đói no, đau yếu hay mạnh khỏe, vẫn trước sau một lòng thương yêu chồng, xem chồng như là lẽ sống của cuộc đời.
Rung động trước dạ trung kiên của người thiếu phụ Việt Nam qua hình ảnh Hòn Vọng Phu, chúng ta không khỏi không cảm động trước Tình Yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Dù núi dời, dù đồi chuyển, dù con người có bội bạc phôi pha, Thiên Chúa vẫn luôn chung thủy trong Tình Yêu của Người. Càng thấm thía tình thương của Chúa, chúng ta càng cảm thấy Người là lẽ sống và là tất cả của cuộc sống.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét