ĐTC Phanxicô: Mỗi chúng ta đều có
một chút biệt phái và một chút như người thu thuế
Trong bài giảng Thánh lễ kết thúc Thượng Hội đồng Giám mục về
Amazon, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu nguyện xin nhận ra mình tội lỗi
nghèo hèn cần được thương xót và loại bỏ sự khinh khi tự phụ đối với người
khác. Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở Giáo hội biết lắng nghe tiếng kêu than của
người nghèo, là tiếng kêu hy vọng của Giáo hội.
Hồng Thủy - Vatican
Sáng Chúa nhật 27/10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành
Thánh lễ kết thúc Thượng Hội đồng Giám mục về Amazon, sau 3 tuần nhóm họp tại
Vatican. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có các Hồng y, Giám mục và linh mục
tham dự Thượng hội đồng. Trong số các tín hữu tham dự Thánh lễ, cũng có nhiều
người bản địa Amazon và các tham dự viên của Thượng Hội đồng, đặc biệt có một số
thành viên thuộc cộng đoàn “Con Tàu”.
Trong bài giảng, ĐTC phân tích thái độ cầu nguyện của ba
nhân vật: người Pharisêu và người thu thuế trong dụ ngôn của Chúa Giêsu và người
nghèo trong bài đọc thứ nhất.
1. “Không có tình yêu, thay vì cầu nguyện, người Pharisêu
lại tự khen mình
Người Pharisêu bắt đầu cầu nguyện bằng cách thức rất tốt, “Lạy
Chúa con cảm tạ Chúa”, đó là ngợi khen Chúa. Nhưng động lực ngợi khen của ông
ta thì không tốt: vì ông “không như những người khác”, vì ông ăn chay, làm việc
thiện, đóng thuế... (xem Đnl 14,22). Ông ta hãnh diện đang chu toàn các lề luật
nhưng quên điều lớn nhất: yêu Chúa và tha nhân (xem Mt 22,36-40). Ông ta chỉ
chú trọng vào mình, tự tin về sự tốt lành, khả năng giữ lề luật, nhưng lại
không có tình yêu. Không có tình yêu thì ngay cả những điều tốt nhất cũng không
có giá trị gì, như thánh Phaolô đã nói (xem 1Cr 13). Đức Thánh Cha nhận
xét rằng thay vì cầu nguyện, người này chỉ khen ngợi chính mình. Thực tế là ông
không cần cầu xin Chúa điều gì bởi vì ông không cảm thấy mình cần hay mắc nợ,
nhưng cảm thấy mình được thêm điểm. Ông ta ở trong đền thờ Chúa nhưng đang thực
hiện tôn giáo của cái tôi.
Thờ phượng thật sự của Thiên Chúa luôn thông qua tình yêu
tha nhân
Đức Thánh Cha nói tiếp: Ông ta cũng quên cả tha nhân; ông ta
khinh khi họ: đối với ông họ không có giá trị gì. “Những người khác”, cách gọi
này chứng tỏ ông loại họ ra, đặt họ xa cách với mình. Đây là thái độ chúng ta gặp
rất nhiều trong cuộc sống và trong lịch sử. Nhiều lần có những người, như người
Pharisêu đứng trước người thu thuế, dựng lên những bức tường để ngăn cách họ, để
loại bỏ người khác hơn nữa. Khi xem họ không có giá trị, người ta coi thường
truyền thống, xóa bỏ lịch sử, chiếm đoạt đất đai tài nguyên. ĐTC nói: “Những
sai lầm trong quá khứ không đủ để ngăn chặn việc bóc lột kẻ khác và gây ra vết
thương cho anh em chúng ta cho chị đất của chúng ta: chúng ta đã nhìn thấy nó
trong khuôn mặt đầy vết sẹo của Amazon. Tôn giáo của bản ngã vẫn tiếp tục, đạo
đức giả với các nghi thức và "lời cầu nguyện" của nó, quên đi sự thờ
phượng thật của Thiên Chúa là luôn thông qua tình yêu tha nhân”. ĐTC mời gọi
các tín hữu xét lại nội tâm, xem mình có xem ai đó thấp kém, bị loại bỏ. Ngài mời
gọi xin ơn để không xem mình là ưu việt, không chế nhạo khinh khi người khác;
xin Chúa chữa lành khỏi thói nói xấu và chê trách người khác, những điều Thiên
Chúa không yêu thích.
2. Cách cầu nguyện của người thu thuế: nhận ra mình nghèo
hèn trước Thiên Chúa
Trái với cách cầu nguyện của người Pharisêu, cách cầu nguyện
của người thu thuế giúp chúng ta hiểu điều gì đẹp lòng Thiên Chúa. Ông không bắt
đầu bằng các ưu điểm của mình nhưng từ thiếu sót, không bắt đầu từ sự giàu có của
cải, nhưng từ sự nghèo khổ trong cách sống – vì trong tội lỗi thì người ta
không sống bao giờ sống tốt. ĐTC nhận xét: “Người thu thuế nhận ra mình
nghèo hèn trước Thiên Chúa và Chúa lắng nghe lời cầu nguyện vắn gọn của ông.
Người thu thuế đứng đàng xa, không dám nhìn lên trời, đấm ngực. Lời cầu nguyện
của ông xuất phát từ trái tim chứ không có vẻ bên ngoài. Cầu nguyện
là để Chúa nhìn vào nội tâm của mình, không giả hình, không biện hộ”.
Tin rằng mình cần được cứu độ
Đức Thánh Cha nói tiếp: Từ thái độ cầu nguyện của người thu
thuế, chúng ta biết mình phải bắt đầu từ đâu: từ việc tin rằng mình cần được cứu
độ. Đó là bước đầu tiên trong tôn giáo của Thiên Chúa. Trong khi gốc rễ của sai
lầm thiêng liêng là tin rằng mình công chính. Xem mình là công chính nghĩa là
loại Thiên Chúa, Đấng công chính duy nhất, ra bên ngoài.
Mỗi chúng ta đều có một chút biệt phái và một chút giống
người thu thuế
Chúa Giêsu cho thấy một nghịch lý trong dụ ngôn giữa người đạo
đức và sốt sắng nhất thời đại và người tội lỗi nổi tiếng. Nhưng kết quả phán
xét thì đảo ngược: người tốt nhưng tự phụ thì thất bại; người tội lỗi nhưng
khiêm nhường thì được Chúa nâng dậy. ĐTC nhận xét: "Trong mỗi
chúng ta đều có một chút Pharisêu và một chút biệt phái, vì chúng ta tự phụ, có
thể tự biện minh, vô địch trong việc biện minh cho chính mình". Ngài mời
gọi cầu nguyện để xin ơn cảm thấy mình cần lòng thương xót, cảm thấy mình là những
người nghèo nội tâm. Chỉ trong sự nghèo khó nội tâm ơn cứu độ của Thiên Chúa mới
hoạt động.
3. Lời cầu nguyện của người nghèo.
Lời cầu nguyện của người tự xem mình công chính bị sức
nặng của cái tôi kéo xuống, không thể vọng lên đến Chúa, còn lời cầu nguyện của
người nghèo thì vọng lên đến Thiên Chúa. Những người nghèo là những người giữ cửa
thiên đàng: họ sẽ mở rộng các cánh cửa sự sống vĩnh cửu. Họ không xem mình là
chủ của cuộc sống này, không đặt mình trên trước người khác, họ chỉ có Chúa là
gia nghiệp suy nhất.
Tiếng kêu hy vọng của Giáo hội
ĐTC kết luận: “Trong Thượng Hội đồng chúng ta đã
nghe tiếng của người nghèo, suy tư về sự bấp bênh của họ, bị đe dọa bởi những
mô hình phát triển nguy hiểm. Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh này, nhiều người
đã làm chứng rằng có thể nhìn thực tại theo cách thức khác bằng cách đón nhận
nó như một món quà với bàn tay mở rộng, xem thiên nhiên như ngôi nhà cần được
chăm sóc gìn giữ với sự tín thác vào Chúa. Thiên Chúa lắng nghe lời cầu nguyện
của kẻ bị áp bức. Bao nhiêu lần trong Giáo hội, tiếng kêu của người nghèo không
được lắng nghe và có thể bị bóp nghẹt vì gây khó chịu. Chúng ta xin ơn biết lắng
nghe tiếng kêu của người nghèo: là tiếng kêu hy vọng của Giáo hội”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét