Đức Thánh Cha chào
thăm một bệnh nhân tại một bệnh viện ở Bangladesh (12/2017)
6 năm đầu triều đại Giáo hoàng Phanxicô: Triều đại của
lòng thương xót
Nhìn lại 6 năm đầu triều đại Giáo hoàng Phanxicô, từ khi
ngài được bầu chọn vào ngày 13/3/2013 cho đến hết năm 2019, những sự kiện nổi bật
bao gồm thiết lập Năm Thánh Lòng Thương xót, tuyên thánh Mẹ Têrêsa Calcutta,
thiết lập Ngày Thế giới Người nghèo. Ngài đã bày tỏ: “Tôi mong muốn biết bao rằng
nơi nào Giáo hội hiện diện, đặc biệt là các giáo xứ và các cộng đoàn của chúng
ta, nơi ấy sẽ trở thành những ốc đảo thương xót giữa lòng đại dương vô cảm!”.
Hồng Thủy - Vatican News
Ngày 13/3/2013 - Vị Giáo hoàng đến từ tận cùng thế giới
Khoảng hai tuần sau khi Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI từ nhiệm,
Đức Hồng y Jorge Bergoglio được bầu làm Giáo hoàng. Ngài lấy tên hiệu là
Phanxicô để vinh danh Thánh Phanxicô thành Assisi; ngài là vị Giáo hoàng đầu
tiên mang tên hiệu Phanxicô. Ngài cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên đến từ Châu Mỹ
Latinh, một Giáo hoàng được nói là đến từ tận cùng của thế giới.
Tuyên bố từ ban công trung tâm của Đền thờ Thánh Phêrô:
“Chúng ta hãy bắt đầu cuộc hành trình này, Giám mục và giáo dân, cuộc hành
trình của Giáo hội Roma, một Giáo hội hướng dẫn trong tình bác ái trên tất cả
các Giáo hội, một cuộc hành trình của tình huynh đệ trong tình yêu thương, của
sự tin tưởng lẫn nhau. Chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho nhau”.
Thăm đảo Lampedusa của Ý
Ngày 8/7/2013, gần 4 tháng sau khi kế vị Đức Giáo hoàng Biển
Đức XVI, Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm đảo Lampedusa của Ý và gặp gỡ một nhóm
50 người di cư, phần lớn là những người trẻ từ Somalia và Eritrea. Hòn đảo này,
cách bờ biển Tunisia khoảng 350 km, là cửa ngõ chung cho những người di cư chạy
trốn khỏi một số vùng của Châu Phi và Trung Đông để vào Châu Âu. Đây là chuyến
viếng thăm mục vụ đầu tiên của ngài bên ngoài Roma và đặt nền tảng cho việc đưa
việc tiếp cận các vùng ngoại vi trở thành trọng tâm đáng kể.
Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Rio de Janeiro, Brazil
Bốn tháng rưỡi sau khi được bầu làm Đấng Kế vị Thánh Phêrô,
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự ngày hội lớn nhất của giới trẻ Công giáo trên
toàn thế giới tại Rio de Janeiro, Brazil, từ ngày 23-28/7/2013. Đây là Đại hội
Giới trẻ Thế giới đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô, với hơn 4 triệu bạn trẻ
quy tụ từ khắp nơi trên thế giới
Khoảng 4 triệu bạn trẻ cầu nguyện với vị Giáo hoàng người
Argentina “đến từ vùng ngoại vi của thế giới”. Chủ đề của Đại hội là: “Hãy ra
đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Chúa Nhật ngày 28/7/2013, trong Thánh
lễ tại bờ biển Copacabana, Đức Thánh Cha đã nêu lên ba từ: "Hãy ra đi,
không sợ hãi, để phục vụ".
Ngài nói với các bạn trẻ: "Bằng cách sống theo ba từ
này, các con sẽ cảm nghiệm được rằng bất cứ ai loan báo Tin Mừng đều được Tin Mừng
hóa, bất cứ ai truyền đạt niềm vui đức tin, sẽ nhận được nhiều niềm vui hơn.
Các bạn trẻ thân mến, khi các con trở về nhà của mình, các con đừng sợ quảng đại
với Chúa Kitô, để làm chứng cho Tin Mừng của Người”. “Mang Tin Mừng là đem sức
mạnh của Thiên Chúa để nhổ bật gốc rễ và đánh đổ sự dữ và bạo lực; phá bỏ và dẹp
tan những rào cản ích kỷ, bất khoan dung và hận thù; để xây dựng một thế giới mới”.
2015 - Thiết lập Năm Thánh Lòng Thương Xót
Ngày 13/3/2015, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha
Phanxicô đã công bố mở một "Năm Thánh đặc biệt” gọi là “Năm Thánh Lòng
Thương xót”.
Đức Thánh Cha đã công bố mở Năm Thánh khi ngài giảng trong cử
hành phụng vụ sám hối bắt đầu “24 giờ cho Chúa” vào hai ngày 13-14/3/2015. Chủ
đề “24 giờ cho Chúa” năm 2015 là “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” (Ep 2,4). Việc
mở Năm Thánh 2015 diễn ra nhân dịp kỷ niệm 50 năm bế mạc Công đồng Vatican II
vào năm 1965. Điều này thật ý nghĩa, vì Năm Thánh sẽ thúc đẩy Giáo hội tiếp tục
công trình mà Vatican II đã khởi sự. Với “Năm Thánh Lòng Thương xót”, Đức Thánh
Cha Phanxicô muốn đặt trọng tâm nơi lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng mời gọi
các tín hữu trở về với Người. Gặp gỡ Chúa sẽ giúp chúng ta biết thực thi lòng
thương xót.
Năm Thánh được ngài khai mạc với việc mở Cửa Thánh tại Đền
thờ Thánh Phêrô vào ngày 8/12/2015, lễ Trọng Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, và kết
thúc vào ngày 20/11/2016, lễ Trọng Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ.
Lòng thương xót là một chủ đề mà Đức Thánh Cha Phanxicô rất
thường nói đến, như được thể hiện trong châm ngôn giám mục ngài đã chọn:
“miserando atque eligendo” (Được thương xót và được chọn). Trong buổi đọc kinh
Truyền Tin đầu tiên sau khi được bầu làm Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã
nói: “Dung mạo của Thiên Chúa là dung mạo của một người Cha đầy lòng thương
xót, đầy nhẫn nại với chúng ta. Người thấu hiểu chúng ta, chờ đợi chúng ta và
luôn tha thứ cho chúng ta mà không bao giờ mệt mỏi, nếu chúng ta chạy đến với
Người với tâm hồn sám hối… Lòng thương xót sẽ biến đổi thế giới. Một chút lòng
thương xót thôi cũng làm cho thế giới bớt lạnh lẽo và thêm công chính” (Kinh
Truyền Tin, 17/03/2013).
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 11/1/2015, Đức Thánh Cha
còn nói: “Ngày nay chúng ta rất cần đến lòng thương xót, Điều quan trọng là các
tín hữu sống lòng thương xót ấy và đem vào các môi trường xã hội khác nhau. Anh
chị em hãy lên đường! Chúng ta đang sống trong thời đại của lòng thương xót,
đây là thời đại của lòng thương xót”.
Rồi trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2015, Đức Thánh Cha cũng bày
tỏ: “Tôi mong muốn biết bao rằng nơi nào Giáo hội hiện diện, đặc biệt là các
giáo xứ và các cộng đoàn của chúng ta, nơi ấy sẽ trở thành những ốc đảo thương
xót giữa lòng đại dương vô cảm!”.
2016 - Đức Thánh Cha tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta
Trong 13 năm kế vị Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã
tuyên phong nhiều vị thánh và chân phước, trong đó, nổi tiếng và gần gũi với thời
đại nhất chính là Mẹ Têrêsa Cancutta, một nữ tu dấn thân phục vụ người nghèo. Mẹ
đã sáng lập dòng Thừa sai Bác ái để chăm lo những người cùng khổ.
Sáng 4/9/2015, tại quảng trường Thánh Phêrô, hàng trăm ngàn
tín hữu khắp năm châu tề tựu dưới chân dung Mẹ Têrêsa thành Calcutta, mặc áo
dòng sari trắng của phụ nữ Ấn Độ viền xanh da trời, được gắn trên tiền đình Đền
Thánh Phêrô, dự đại lễ phong thánh Mẹ Têrêsa. Theo nghi thức phong thánh, Đức
Thánh Cha Phanxicô long trọng tuyên đọc: ‘‘Chúng tôi tuyên thánh Chân phước
Têrêsa thành Calcutta và ghi tên ngài trong số các thánh, được toàn Giáo hội
tôn kính’’.
Giảng trong Thánh lễ, Đức Thánh Cha nói: Mọi công việc của
lòng thương xót đều đẹp lòng Thiên Chúa, bởi vì trong người anh em, mà chúng ta
giúp đỡ, chúng ta nhận ra gương mặt của Thiên Chúa, mà không ai trông thấy (x.
Ga 1,18). Mỗi lần chúng ta cúi xuống trên các nhu cầu của các anh em khác, là
chúng ta đã cho Chúa Giêsu ăn và uống; chúng ta đã cho Ngài mặc, nâng đỡ và viếng
thăm Con Thiên Chúa (x. Mt 25,40). Như thế, chúng ta đưọc mời gọi diễn tả cụ thể
điều chúng ta xin trong lời cầu nguyện và tuyên xưng trong đức tin. Không có
cách nào khác ngoài tình bác ái: những ai phục vụ các anh em khác là những nguời
yêu mến Thiên Chúa, dù không biết Người (x Ga 3,16-18; Gc 2,14-18). Tuy nhiên,
cuộc sống kitô không chỉ là việc trợ giúp khi cần. Nó là tâm tình liên đới đẹp,
nhưng sẽ khô cằn vì không có gốc rễ. Trái lại, dấn thân mà Chúa đòi hỏi là dấn
thân của một ơn gọi bác ái, qua đó nguời môn đệ Chúa Kitô dùng chính cuộc sống
mình để phục vụ và lớn lên mỗi ngày trong tình yêu. Phúc Âm nói đến “đám đông
dân chúng đến với Chúa Giêsu” (Lc 14,25). Ngày hôm nay “đám đông” đó là thế giới
thiện nguyện đang quy tụ ở đây nhân Mừng Năm Thánh Lòng Thương Xót. Anh chị em
chính là những người theo Chúa và khiến cho tình yêu của Người trở thành cụ thể
đối với từng người…. Những người thiện nguyện củng cố biết bao con tim, nâng đỡ
biết bao bàn tay, lau khô biết bao nước mắt! Có biết bao tình yêu thương đã được
đổ vào việc phục vụ dấu ẩn, khiêm tốn và vô vị lợi này!"
Đề cập đến gương sống của Mẹ Têrêsa, Đức Thánh Cha nói:
"Trong toàn cuộc đời mình, Mẹ Têrêsa đã quảng đại phân phát lòng thương
xót Chúa, sẵn sàng với tất cả mọi người qua việc tiếp đón và bảo vệ sự sống con
người, sự sống chưa sinh ra cũng như sự sống bị bỏ rơi và gạt bỏ. Mẹ đã dấn
thân bênh vực sự sống bằng cách không ngừng công bố rằng 'ai chưa sinh ra là
người yếu đuối nhất, bé nhỏ nhất, bần cùng nhất'. Mẹ cúi xuống trên trên những
người kiệt lực bi bỏ chết bên lề đường, bằng cách thừa nhận phẩm giá mà Thiên
Chúa đã ban cho họ. Mẹ đã làm vang lên tiếng nói của Mẹ giữa các người quyền thế
của trái đất này, để cho họ nhận ra các lỗi lầm của họ trước các tội ác của
nghèo đói do chính họ dã gây ra. Đối với Mẹ lòng thương xót đã là 'muối' trao
ban hương vị cho mỗi hoạt động của Mẹ, và là 'ánh sáng' chiếu soi các tăm tối của
biết bao người cũng đã chẳng còn nước mắt để khóc thương cho sự nghèo túng và nỗi
khổ đau của họ.
Đức Thánh Cha nhắc lại lời Mẹ Têrêsa thường nói: “'Có lẽ tôi
không nói tiếng của họ, nhưng tôi có thể cười'. Chúng ta hãy mang theo trong
tim nụ cười của Mẹ và trao ban nó cho những ai chúng ta gặp trên đường đời, nhất
là cho những người đau khổ. Như thế chúng ta sẽ mở ra cho biết bao người đã mất
tin tưởng và đang cần sự cảm thông và lòng hiền dịu các chân trời của niềm vui
và niềm hy vọng".
2017 - Đức Thánh Cha thiết lập Ngày Thế giới Người nghèo
Đức Thánh Cha đã có ý tưởng về Ngày Thế giới Người nghèo vào
cuối Năm Thánh Lòng Thương xót và đã thiết lập Ngày này vào năm 2017, nhắm kêu
gọi Giáo hội đi ra khỏi những bức tường để gặp gỡ sự nghèo khó dưới nhiều hình
thức trong thế giới ngày nay. Ngài viết trong sứ điệp nhân Ngày Thế giới Người
nghèo lần đầu tiên, được cử hành vào Chúa Nhật ngày 19/11/2017, có
chủ đề “Chúng ta hãy yêu thương, không phải bằng lời nói nhưng bằng việc
làm”: "Vào cuối năm thánh lòng Thương Xót, tôi muốn cống hiến cho Giáo Hội Ngày
Thế Giới Người Nghèo để trên toàn thế giới các cộng đoàn Kitô ngày
càng trở nên dấu chỉ cụ thể và rõ ràng về tình yêu thương của Chúa Kitô đối với
những người rốt cùng và túng thiếu nhất. Thêm vào những ngày Quốc Tế khác do
các vị tiền nhiệm của tôi thiết định và nay đã trở thành truyền thống trong các
cộng đoàn của chúng ta, tôi muốn lập ngày thế giới người nghèo này để cùng với
các ngày thế giới khác mang lại một yếu tốt bổ túc với sắc thái tin mừng tuyệt
hảo, đó là sự yêu thương ưu tiên của Đức Giêsu dành cho những người
nghèo".
Ngài mời gọi toàn thể giáo hội, những người nam nữ thiện chí
trong ngày này hãy nhìn vào những người đang giơ tay kêu cứu và xin tình liên đới
của chúng ta. Họ là những người anh chị em được Chúa Cha duy nhất trên trời tạo
dựng và yêu thương. Đồng thời, ngài mời gọi tất cả mọi người không phân biệt
tôn giáo, hãy cởi mở chia sẻ với người nghèo trong mọi hình thức liên đới như dấu
chỉ tình huynh đệ. Thiên Chúa đã tạo dựng trời và đất cho tất cả mọi người;
nhưng đáng tiếc lại có những người đã dựng nên các biên giới, các tường thành
và hào lũy, phản bội món quà nguyên thủy dành cho nhân loại không loại trừ ai.
Ngài nhắc lại lời Thánh Gioan: “Hỡi các con, chúng ta đừng
yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và trong sự thật” (1 Ga
3,18). Ngài nói rằng đây là một mệnh lệnh mà không một người Kitô hữu nào có thể
tránh né... "Tình yêu không chấp nhận cớ thoái thác. Ai muốn yêu như Chúa
Giê-su đã yêu thương thì phải noi gương Chúa nhất là khi ta được kêu gọi yêu
thương những người nghèo".
Ngài lưu ý: "Tuy nhiên có những lúc, các Ki-tô hữu đã
không nghe tiếng kêu gọi ấy cho đến cùng và để cho mình thấm nhiễm não trạng trần
tục. Nhưng Chúa Thánh Thần không quên nhắc nhở họ hãy chú tâm đến điều thiết yếu.
Thực vậy, Chúa làm nảy sinh những người nam nữ qua nhiều cách thức hiến mạng sống
mình để phục vụ người nghèo. Bao nhiêu trang sử qua hai ngàn năm đã được các
Kitô hữu ấy viết lên với tất cả sự đơn sơ và khiêm tốn với sáng kiến bác ái quảng
đại, họ đã phục vụ những anh chị em nghèo nhất!".
Vào Ngày Thế giới Người nghèo đầu tiên, Đức Thánh Cha đã
dùng bữa trưa với 4.000 người nghèo và người khốn khổ tại Roma.
2019 - Ký Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại
Ngày 4/2/2019, Đức Thánh Cha ký một văn bản chung với Sheikh
Ahmed el-Tayeb, đại giáo sĩ của Al-Azhar, tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả
Rập Thống nhất, có tên là “Tài liệu về tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế
giới và chung sống”. Tài liệu tập trung vào những người có tín ngưỡng khác nhau
đoàn kết với nhau để chung sống hòa bình và thúc đẩy văn hóa tôn trọng lẫn
nhau.
Văn kiện này được coi như một cột mốc trong tương quan giữa
Kitô giáo và Hồi giáo, và cũng là một sứ điệp có ảnh hưởng mạnh mẽ trên chính
trường quốc tế.
Trong lời tựa, sau khi khẳng định "tín ngưỡng
giúp tín hữu nhìn tha nhân như một người anh chị em cần nâng đỡ và yêu thương”,
hai vị thủ lãnh khẳng định rằng văn kiện này "mời gọi tất cả mọi người vốn
mang trong con tim niềm tin nơi Thiên Chúa và sự tin tưởng nơi tình huynh đệ của
con người hãy liên kết và cộng tác với nhau”. Hai vị lãnh đạo tin rằng trong số
những nguyên nhân quan trọng gây ra khủng hoảng trên thế giới ngày nay có sự kiện
lương tâm con người bị gây mê và xa lìa các giá trị tôn giáo, cá nhân chủ nghĩa
thống trị và những triết lý duy vật.
Đức Thánh Cha và vị Đại Imam nhắc nhở rằng "Đấng Tạo
Hóa đã ban cho chúng ta hồng ân sự sống cần phải được gìn giữ. Đó là một hồng
ân mà không ai có quyền tước đoạt, đe dọa hoặc tuỳ ý lèo lái... Vì thế chúng
tôi lên án mọi hành động đe dọa sự sống như diệt chủng, những hành vi khủng bố,
cưỡng bách di cư, buôn bán cơ phận, phá thai, làm cho chết êm dịu và những
chính sách ủng hộ những điều ấy”.
Hai vị lãnh đạo Công Giáo và Hồi giáo mạnh mẽ tuyên bố rằng
"Các tôn giáo không bao giờ xúi giục chiến tranh, và không xách động những
tâm tình oán ghét, đố kỵ, cực đoan, và cũng không mời gọi thi hành bạo lực và đổ
máu. Những tai ương đó là kết quả của sự xuyên tạc giáo huấn tôn giáo, lạm dụng
tôn giáo vào những mục tiêu chính trị và cả những giải thích do một nhóm người
thuộc các tôn giáo. Vì thế, chúng tôi yêu cầu mọi người hãy ngưng lợi dụng tôn
giáo để xách động oán thù, bạo lực, cực đoan và cuồng tín mù quáng, hãy ngưng lạm
dụng danh Thiên Chúa để biện minh cho những hành vi giết người, phát lưu, khủng
bố và đàn áp”. "Thiên Chúa toàn năng không cần được ai bảo vệ và không muốn
Danh của Ngài được dùng để khủng bố dân chúng”.
https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2025-04/duc-thanh-cha-phanxico-long-thuong-xot.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét