ĐTC Lêô kêu gọi các đại diện tôn giáo: Nói không với chiến
tranh, vũ khí; nói có với hòa bình
Tiếp các Đại diện các Giáo hội và các cộng đoàn Giáo hội
Kitô và các tôn giáo khác vào sáng thứ Hai ngày 19/5/2025, Đức Thánh Cha nhấn mạnh
sự hiệp nhất trong đức tin của các Kitô hữu và xem việc tái lập sự hiệp thông
trọn vẹn và hữu hình giữa tất cả các Kitô hữu là một trong những nhiệm vụ chính
của ngài. Ngài cũng khẳng định tiếp tục dấn thân của Đức Phanxicô trong hành
trình đối thoại và đại kết. Ngài đề cao chứng tá của các lãnh đạo tôn giáo cho
việc xây dựng hòa bình.
Hồng Thủy - Vatican News
Đức Thánh Cha Lêô XIV đã dành buổi tiếp kiến đầu tiên sau
Thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô cho các đại diện của các Giáo hội Kitô và các cộng
đoàn Giáo hội, cũng như đại diện các tôn giáo đã tham dự Thánh lễ khai mạc sứ vụ
của ngài vào sáng Chúa Nhật ngày 18/5/2025. Ngài nói: "Sự hiện diện và lời
cầu nguyện của quý vị là sự an ủi và khích lệ lớn lao dành cho tôi".
Dấn thân của Đức Phanxicô cho đại kết và đối thoại liên
tôn
Trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến tình huynh đệ
phổ quát, một điểm nổi bật trong triều Giáo hoàng của Đức Phanxicô khi tiếp tục
các sáng kiến của các vị tiền nhiệm. Nhận xét rằng Đức Phanxicô đã cổ võ cả
hành trình đại kết và đối thoại liên tôn, "trên hết bằng cách vun trồng
các mối quan hệ giữa các cá nhân, theo cách không làm mất đi bất cứ điều gì
trong các mối liên hệ của các giáo hội, nét nhân bản của cuộc gặp gỡ luôn được
trân trọng".
Hiệp nhất trong đức tin
Ngỏ lời với các Giáo hội Kitô và các cộng đoàn giáo hội, lưu
ý việc ngài được bầu chọn làm Giáo hoàng vào dịp kỷ niệm 1.700 năm Công đồng
chung đầu tiên ở Nixêa, Đức Thánh nhấn mạnh rằng việc tái lập sự hiệp thông trọn
vẹn giữa tất cả các Kitô hữu chỉ có thể là "sự hiệp nhất trong đức
tin". Ngài xem "việc tái lập sự hiệp thông trọn vẹn và hữu hình"
giữa tất cả các Kitô hữu là một trong những nhiệm vụ chính của Giám mục Roma.
Tiếp tục dấn thân hiệp hành
Đức Thánh Cha bảo đảm tiếp tục sự dấn thân của Đức cố Giáo
hoàng Phanxicô trong việc cổ võ tính hiệp hành của Giáo hội Công giáo và phát
triển những hình thức mới và cụ thể cho tính hiệp hành ngày càng mạnh mẽ hơn
trong lĩnh vực đại kết.
Nói với các truyền thống tôn giáo ngoài Kitô giáo: Đối
thoại và xây dựng những cầu nối
Ngỏ lời với các đại diện các truyền thống tôn giáo ngoài
Kitô giáo, Đức Thánh Cha nói rằng hành trình chung của họ phải được hiểu theo
tinh thần tình huynh đệ nhân loại. Ngài nhấn mạnh việc đối thoại và xây dựng những
cầu nối. Ngài nhắc đến nỗ lực của Đức Phanxicô trong việc đối thoại liên tôn, bằng
lời nói và hành động "đã mở ra những con đường gặp gỡ mới, để thúc đẩy
‘văn hóa đối thoại như con đường; hợp tác lẫn nhau như quy tắc ứng xử; hiểu biết
lẫn nhau như phương pháp và tiêu chuẩn’”.
Nói với người Do Thái và người Hồi giáo
Nhắc lại tuyên ngôn Nostra aetate (số 4) của
Công đồng Vatican II, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự vĩ đại của di sản thiêng
liêng chung giữa các Kitô hữu và người Do Thái và tầm quan trọng của đối thoại
thần học giữa các Kitô hữu và người Do Thái ngay cả trong thời điểm đầy xung đột
và hiểu lầm.
Ngài cũng nhận xét rằng tương quan giữa Giáo hội Công giáo
và các tín đồ Hồi giáo được đánh dấu bằng cam kết ngày càng gia tăng đối với việc
đối thoại và tình huynh đệ, dựa trên nền tảng là sự tôn trọng lẫn nhau và tự do
tín ngưỡng.
Đóng góp của tôn giáo cho hòa bình
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự đóng góp của các tôn
giáo cho hòa bình bằng cách nói 'không' với chiến tranh, chạy đua vũ khí, nền
kính tế làm con người và Trái đất nghèo đi; nói 'có' với hòa bình, với giải trừ
vũ khí, với sự phát triển toàn diện.
Chứng tá của tôn giáo cho hòa bình
Kết thúc bài nói chuyện, Đức Thánh Cha hy vọng chứng tá hiệu
quả của các tôn giáo sẽ góp phần xây dựng một thế giới hòa bình hơn. Ngài mời gọi
mọi người cầu xin lòng nhân từ và sự khôn ngoan vô hạn của Thiên Chúa giúp
chúng ta sống như con cái của Người và như anh chị em với nhau, để hy vọng có
thể phát triển trên thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét