Trang

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Hoa trái Đức tin: Nhìn lại để tiến bước

Thuyết trình Hoa Trái Đức Tin: Nhìn Lại Để Tiến Bước
Hoa trái Đức tin: Nhìn lại để tiến bước 


Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã ấn định Năm Đức Tin kể từ ngày 11.10.2012 đến 24.11.2013. Vì thế, Năm Đức Tin sắp kết thúc, chúng ta đã làm được những gì? Đâu là hoa trái của Đức tin?

Để khơi gợi lại những điều căn bản của đời sống Đức tin, cũng như nêu ra những tấm gương trong hành trình Đức tin, vào chiều thứ Bảy 14.09.2013, Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Minh Thiệu, SDB, đã trình bày đề tài: “Hoa trái Đức tin” tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn do Chương trình Chuyên đề Giáo Dục tổ chức.

Dẫn nhập
Dẫn vào đề tài, Cha Phanxicô Xaviê đã nói về sự mong muốn của con người khi thực hiện một điều gì đó. Cha kể câu chuyện về một người giáo dân lớn tuổi kiên trì đến nhà thờ hằng tuần trong những ngày giá lạnh tuyết rơi, nhiều nguy hiểm đến tính mạng. Khi bạn bè hỏi ông làm như thế để được gì, ông mượn hình ảnh quyển sách ngoại ngữ để trả lời rằng, đối với người không biết tiếng Hoa, thì xem nó vô nghĩa, nhưng nó lại có ý nghĩa đối với người biết đọc. Muốn đọc được quyển sách thì phải học cách đọc. Cũng vậy, để hiểu biết về Thiên Chúa, chúng ta phải có lòng mong muốn thì mới hiểu biết được Ngài. 

Tiếp đến, cha kể câu chuyện người phong cùi kêu cầu Chúa Giêsu giữa đám đông ồn ào: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mc 1,40). Lời cầu xin của người phong cùi nhắc nhở chúng ta rằng hãy đặt lòng tin, niềm trông cậy, phó thác vào Chúa, vì ý Chúa muốn làm cho chúng ta còn hoàn hảo hơn ý muốn của chúng ta. 

Tiếp đến, cha nói về mẫu gương của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận khi ngài “Chọn Chúa hơn là chọn công việc của Chúa” để nói rằng hãy để ước muốn của chúng ta nằm trong Thánh ý Chúa thì mới nên hoàn thiện.

Mục tiêu của đề tài

Nói đến hoa trái là nói đến kết quả. Đề tài chia sẻ nhằm mục đích lượng giá, nhìn lại những nỗ lực của người Kitô hữu trong Năm Đức Tin ra sao, phải làm gì trong thời gian còn lại, và khi Năm Đức Tin qua đi, hãy kiên vững và tiếp tục sống Đức tin. Khi đánh giá và duyệt xét lại, cần nhìn lại dưới nhãn quan của Đức tin được đặt trong mối tương quan không thể thiếu với Đức mến và Đức cậy, nghĩa là với Tình yêu và Hy vọng của người Công Giáo.

Hoa trái Đức tin

Văn kiện chỉ dẫn mục vụ Năm Đức Tin đã khẳng định: “Năm Đức Tin nhằm góp phần vào sự hoán cải, được đổi mới, trở về cùng Chúa Giêsu và tái khám phá Đức tin, để mọi thành phần Giáo Hội trở thành chứng nhân đáng tin cậy và hân hoan làm chứng về Chúa Phục Sinh, cũng như có khả năng chỉ dẫn cho bao nhiêu người khác đang tìm kiếm cánh cửa Đức tin”.

Chúng ta đã thực hiện được những gì từ những mục tiêu mà Giáo Hội đã đề ra? Lượng giá và đúc kết là cần thiết cho một chương trình dài của Năm Đức Tin. Mỗi cá nhân, mỗi cộng đoàn cần suy xét, tự vấn, nhìn lại để đi tiếp trong đời sống Đức tin. Chỉ khi nhận ra chính bản thân mình với những khuyết điểm, lỗi phạm thì chúng ta mới có thể hoán cải để tiếp tục bước đi trên hành trình theo Chúa. Bên cạnh đó, khi nhìn lại những hoạt động đã thực hiện được trong Năm Đức Tin, chúng ta sẽ thấy được những điều cần tiếp tục thực hiện cho bản thân và cộng đoàn. Những câu hỏi để suy xét lại đời sống của chúng ta trong Năm Đức Tin: 

- Năm Đức Tin có giúp tôi mang lấy tâm tình hoán cải và có cuộc sống khiêm hạ hơn không?

- Năm Đức Tin có giúp tôi canh tân và đổi mới trên bước đường theo Chúa Giêsu không?

- Năm Đức Tin có giúp tôi tái khám phá diện mạo của Chúa Giêsu trong cuộc đời không?

- Trong Năm Đức Tin, tôi đã làm gì để lôi kéo và làm chứng cho niềm tin của mình?

- Trong Năm Đức Tin, tôi có học hỏi, đào sâu kiến thức giáo lý Công Giáo không?

Hoa trái Đức tin chính là ý nghĩa của việc thu hoạch hoa trái nơi những con người có Đức tin.

- Tin để làm việc: Trong đời sống, ai cũng có mục tiêu sống của mình, nhưng mục tiêu của mỗi người khác nhau, giá trị của mục tiêu cũng khác nhau. Có người đặt giá trị của mục tiêu thuần tuý mang tính vật chất, làm bất cứ việc gì cũng vì tiền. Nhưng cũng có những người nhắm đến mục tiêu xã hội, giúp đỡ người khác, cùng giúp nhau để có được năng lực, phẩm hạnh, nghị lực sống. Người có miềm tin sẽ đặt mục tiêu ở mức độ khác với người không có Đức tin. Vì vậy, có sự khác biệt về mục tiêu trong học hành, làm việc, trong tương giao xã hội.

- Tin để làm được: Khi có Đức tin, chúng ta có thể làm được những công việc vượt quá khả năng của mình. Nhờ niềm tin, chúng ta có thể làm được những việc người khác tưởng chừng không thực hiện được. Câu chuyện của Nick đến Việt Nam là một chứng từ cụ thể. Anh đã nói về kinh nghiệm sống của mình, đã thuyết phục được người khác rằng anh làm được mọi việc không phải là do những nỗ lực của bản thân mà nhờ niềm tin vào Thiên Chúa. Nhờ niềm tin, người ta có được sức mạnh, can đảm để sống yêu thương cho đến cùng. Không có niềm tin, chúng ta không thể đối diện với sự thật một cách trọn vẹn, và cũng không dễ sống với sự thật, sống cho sự thật. Bởi lẽ, ngày nay, người ta mất đi cảm thức về tội, làm cho gian dối thống lĩnh từ gia đình đến trường học và cả ngoài xã hội.

- Tin để làm tốt: Nhờ có niềm tin, chúng ta làm mọi việc lành mà không cần ai thúc bách, không cần ai đòi hỏi, không cần ai kiểm soát. Xã hội hôm nay mất kiểm soát vì người ta mất lương tâm, tự hại nhau khi làm hàng dỏm, hàng giả. Họ đầu độc lẫn nhau bằng hoá chất, bất chấp tất cả vì thiếu niềm tin. Khi người ta chết về lương tâm thì thật khủng khiếp. Nó làm cho con người mất đi ý thức trách nhiệm, kỷ luật, và xã hội trở nên hỗn loạn.

- Tin để nên thánh: Các Thánh Tử Đạo cho chúng ta thấy rằng các ngài luôn hướng về Trời Cao. Nhờ Đức tin, tất cả các công việc xem ra rất tầm thường sẽ trở thành siêu việt, phi thường với ý hướng thánh thiện, ngay lành. Đức tin cho người ta những giá trị siêu việt mà thế gian không thể mang lại. Đức tin làm cho chúng ta thoát khỏi những ràng buộc vật chất, tiền bạc, mang lại cho chúng ta tự do đích thực, tự do trong tâm hồn. Đức tin nâng những giá trị tầm thường của con người thành những giá trị vĩnh cửu. Nhờ niềm tin, người ta có thể sống vui và nở nụ cười trong những hoàn cảnh khổ đau.

Hoa trái của Đức tin là Tình yêu

Một du khách Âu châu đã qua Ấn Độ và chứng kiến những việc phục vụ không biết mỏi mệt và sợ hãi của các xơ thuộc Dòng Mẹ Têrêsa Calcutta đối với những người cùng cực, ông nói: “Nếu cho tôi cả triệu đôla tôi cũng không làm”. Mẹ Têrêsa Calcutta thưa: “Tôi cũng vậy”. Hoa trái của niềm tin không phải làm việc vì tiền nhưng vì Tình yêu và Niềm tin nơi Chúa, nhìn thấy Chúa nơi những người khốn cùng.

Những chứng nhân đã nhận được “Hoa trái của Đức tin” trong Tân Ước:

- Mẹ Maria: Qua lời xin vâng của Mẹ, lịch sử cứu độ, lịch sử nhân loại sang trang. 

- Các Tông đồ: Rất nhiều điều các vị đã nhận được từ niềm tin, từ những người yếu đuối, tầm thường, Chúa đã gọi họ và biến đổi họ trở thành những chứng nhân cho Chúa, cho những giá trị vĩnh cửu. 

- Giakêu (Lc 19,1-10): Ông đã thay đổi khi Chúa gọi tên ông. Ông thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”.

- Người đàn bà tội lỗi đã được tha thứ và đã yêu mến Chúa nhiều (Lc 7,36-50).

- Viên sĩ quan cận vệ nhà vua có người con gái bị chết (Ga 4,43-54).

- Người bị bệnh phong (Lc 5,12-16).

Qua những chứng nhân trong Tân Ước, có thể nói rằng phép lạ sẽ xảy ra đối với những ai có Đức tin chuyển núi dời non. Đó là sức mạnh của niềm tin, hoa trái của niềm tin. Chính Chúa Giêsu khẳng định cho ta rằng: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17, 6).

Cái nhìn Đức tin

Nếu chúng ta có thể nhìn mọi biến cố cuộc đời bằng con mắt Đức tin thì chúng ta sẽ thấy được rất nhiều điều. Chúng ta có thể đón nhận, chịu đựng tất cả những gì xảy đến trong cuộc sống chúng ta.

Trong lời giới thiệu của cha Mark Link về tập sách của ngài mang tên “The Catholic Vision” đã chia sẻ: Cuốn phim The Heart Is a Lonely Hunter có một cảnh rất cảm động. Một cô bé đang nghe dĩa nhạc với một người bạn bị điếc bên cạnh. Ðược một lúc, cô bé cố gắng diễn tả cho người bạn hiểu âm nhạc như thế nào. Cô đứng trước mặt anh bạn để anh có thể đọc được những cử động của đôi môi cô. Cô làm cả những cử động thân thể và đôi tay nữa.

Nhưng sau một hồi, hai người bạn cùng bật cười và chịu thua không hiểu nhau được. Họ biết rằng cố gắng diễn tả âm nhạc cho một người điếc chẳng khác gì diễn tả mầu sắc cho một người mù. Gần như không thể được.

Cái nhìn Đứctin Kitô giáo cũng giống như vậy. Cố gắng biểu lộ cái nhìn ấy bằng ngôn ngữ cũng tựa như diễn tả âm thanh hoặc mầu sắc. Lấy một ví dụ khác cho dễ hiểu, tựa như cố nắm bắt ánh trăng vào lòng bàn tay, hay như cố thu lấy tiếng chim hót đem tặng một người thân vậy.

Cái nhìn Đứctin Kitô giáo không phải là một mớ những quy luật phải theo, nhưng là tinh thần người ta phải nắm giữ. Không phải là một bộ tín điều phải thuộc lòng, nhưng là một cuộc sống phải thể hiện. Không phải là một cuốn sách để đọc và nắm vững nội dung, nhưng là một con người để gặp gỡ và để yêu mến.

Các Thánh Vịnh cũng diễn tả cái nhìn Đứctin: “Lạy Chúa, nhờ ánh sáng của Ngài chúng con được nhìn thấy ánh sáng” (Tv 35); “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105); “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

Nói đến cái nhìn Đức tin, không thể không kể đến trình thuật Đức Giêsu chữa mắt cho người mù từ bẩm sinh(Ga 9,1-41). Các thánh Giáo phụ đã cắt nghĩa nhiều về vấn đề này, nhất là việc “lấy bùn hòa nước bọt xức mắt người mù”. Nhưng tựu trung, tất cả mọi hành vi đó là dấu chỉ để mọi người tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Nhờ tin như thế mà người ta có sự sống.

Như vậy, cùng một lúc Đức Giêsu làm hai phép lạ: Chữa cặp mắt thể xác cho anh mù có cái nhìn của loài người, và chữa cặp mắt Đức tin cho anh này có cái nhìn về Thiên Chúa. Trong hai phép lạ chữa mắt thì việc chữa mắt Đức tin quan trọng hơn vì nhờ cặp mắt này mà người mù đã nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa và đã tuyên xưng:“Lạy Thầy, con tin”, rồi anh sấp mình trước mặt Ngài (Ga 9,37).

Đức tin tăng trưởng, Đức tin cần phải được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và các bí tích. Đức tin rất cần đến tinh thần sám hối và canh tân đích thực.

Toả sáng Đức tin

Biểu tượng Đức tin là ánh sáng. Ánh sáng luôn toả rạng, chiếu soi muôn vật xung quanh. Chúa đã dạy chúng ta rằng: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được”. Chúng ta phải sống sao để trở thành ánh sáng soi rọi những người xung quanh, để khi họ nhìn vào cách phục vụ, cách sống của chúng ta, của gia đình, của động đoàn chúng ta, họ có thể nhận ra Chúa, và trở lại với Chúa vì Chúa đã giải thích rõ ràng: “Chẳng có ai thắp đèn lên rồi lấy thùng úp lại, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 14-16).

Bên cạnh đó, Thánh Giacôbê nhắc nhở rằng Đức tin cần phải có hành động, hành động là một trong những yếu tố liên hệ đến ý nghĩa của Ơn Cứu độ. Tin và hành động theo Đức tin mới có thể đem lại hoa trái thật: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có Đức tin mà không hành động theo Đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: 'Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no' nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?... Anh em thấy đó, nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ Đức tin mà thôi... Thật thế, một thân xác không hơi thở là một thân xác chết, cũng vậy, Đức tin không hành động là Đức tin chết” (Gc 2,14-16.24.26).

Chính hành động khẳng định niềm tin Kitô giáo không phải là một thứ lý thuyết, nhưng là một đạo thật, để con người sống thật theo niềm tin của mình. Sống Đức tin không dừng lại khi Năm Đức Tin kết thúc mà nó phải là một hành trình sống hướng về Nhà Cha, là phần thưởng, là niềm hy vọng mà chúng ta phải hướng đến.

Sống chan hoà yêu thương chính là những hình ảnh, biểu lộ cụ thể để thể hiện Đức tin, làm chứng cho Đức tin của mình trong cuộc sống nhiều thách đố. “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ của Thầy là chúng con thương yêu nhau” (Ga 13,35). Sống Lời Chúa trong đời sống thường nhật, sống nỗ lực không ngừng, thăng tiến bản thân để trở thành con người có giá trị cho xã hội cũng là một bổn phận của người con Chúa. Tất cả các cộng đoàn, từ tu sĩ cho đến những người sống đời sống hôn nhân đều phải toả sáng Đức tin này mới có thể nhận được hoa trái của Đức tin.

Kết thúc bài chia sẻ, Cha Phanxicô Xaviê đã đưa ra những câu hỏi thảo luận để cộng đoàn cùng nhau nhìn lại đời sống Đức tin của mình, để từ đó, tiếp tục hành trình theo Chúa trong đời sống mỗi người:

1. Niềm tin và tự tin có đối chọi với nhau không?

2. Niềm tin và niềm vui có đi cùng nhau được không?

3. Tin để yêu đến cùng.

4. Với cái nhìn đức tin: thập giá và đau khổ?

5. Với cái nhìn đức tin: niềm vui và hy vọng?

6. Với cái nhìn đức tin: sự sống và sự chết?

7. Niềm tin và sự tự do tương quan với nhau thế nào?

Hiểu thế nào về câu khẳng định của Đức Hồng Y Gioan Baotixita: “Còn Đức tin thì còn tất cả, mất Đức tin là mất tất cả”.

Chứng nhân Đức tin 

Các tham dự viên đã thảo luận sôi nổi những câu hỏi được đưa ra. Kế đến, cha giới thiệu chứng từ của một bạn trẻ bị mất đôi tay. Em là Gioan Baotixita Dương Quyết Thắng, sinh ra trong gia đình Công Giáo thuộc giáo xứ Kẻ Muôi, giáo hạt Nghĩa Yên, Giáo phận Vinh. Em cho hay, khi chào đời em cũng là một người bình thường như tất cả mọi người, sinh ra đầy đủ, lành lặn, khôi ngô với đôi tay rất đẹp, đánh đàn rất hay. 

Vào mùa Hè năm 2009, em bị tai nạn lao động do điện cao thế giật nên phải cắt bỏ đôi tay. Vào lúc ấy, em cho rằng đó là tai hoạ, khi nhận được tin buộc phải cắt đôi tay, niềm tin vào Thiên Chúa đã không còn. Em tìm lại được Đức tin nhờ vào người mẹ. Mẹ em đã rất đau khổ khi nhìn thấy người con khuyết đôi tay nhưng bà đã phó thác mọi sự cho Chúa bằng cách cầu nguyện cho con mình. Chính từ Đức tin của người mẹ mà em đã có thể tìm lại được niềm tin và hy vọng. 

Khi tai nạn mới xảy ra, em cho rằng đó là tai hoạ, bất hạnh, hoạn nạn. Nhưng giờ đây, em cho đó là một biến cố, một chương trình của Chúa. Với cái nhìn Đức tin được truyền cảm hứng từ người mẹ, khi nhìn lên thập giá với hình ảnh của Chúa Giêsu bị đóng đinh đau đớn cho đến chết, em nhìn lại thân xác mình, và tự hỏi tại sao vượt qua cái chết trong Chúa vinh quang mà mình lại không thể chịu đựng đau đớn này. Dù đã nhiều lần tìm đến cái chết nhưng từ cái nhìn Đức tin đó, em đã vượt qua mọi đau đớn, và đứng vững để sống như hôm nay. Em xem như vác thập giá theo Chúa từ biến cố đời mình. Là người chơi đàn organ từ bé, tham gia vào các sinh hoạt ca đoàn, sau khi biến cố xảy ra, em không còn chơi đàn được nữa. Nhưng bằng niềm tin và hy vọng, em đã có thể chơi đàn bằng hai cùi tay. Bốn năm trôi qua, em đã có thể nở nụ cười với mọi người nhờ vào niềm tin. Có lại niềm tin cũng là có lại niềm vui. Qua biến cố đời mình, em khẳng định rằng: “Còn Đức tin là còn tất cả, mất Đức tin là mất tất cả” như lời của Đức Hồng Y Gioan Baotixita từng nhắc nhở.

Thay lời kết

Tóm lại, muốn có được Hoa trái của Đức tin, chúng ta phải có Tình yêu và Niềm tin, phải có cái nhìn Đức tin, nhất là phải tỏa sáng Đức tin. Nói cách khác, chúng ta phải sống và thực hành Đức tin trong cuộc sống. Thánh Augustinô nói: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con không cần con, nhưng khi cứu chuộc con, thì Chúa lại cần con cộng tác với Người”.

Xin mượn lời đúc kết của Cha Phanxicô Xaviê để kết thúc bài viết này: “Đức tin là đôi cánh để chúng ta bay lên Trời Cao. Tất cả mọi sự khác cũng sẽ được nâng lên cao, tất cả mọi giá trị sống cũng sẽ hướng về Trời Cao. Đó là sự tự do nhất để chúng ta có thể đến được và đụng chạm được với Đấng là Sự sống, là Tình yêu, là Tự do, là Bình an tuyệt đối”.

Tạ Ân Phúc
10/5/2013 vietcatholic


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét