Trang

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

03-05-2016 : THỨ BA - TUẦN VI PHỤC SINH - THÁNH PHILIPPHÊ VÀ THÁNH GIACÔBÊ, Tông Đồ. Lễ Kính

03/05/2016
Thứ Ba tuần 6 Phục Sinh
THÁNH PHILIPPHÊ VÀ THÁNH GIACÔBÊ, Tông Đồ.
Lễ Kính


* Thánh Philipphê quê ở Bét-xai-đa. Ban đầu người là môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả, sau đó, người theo Chúa Giêsu. Còn thánh Giacôbê, người là anh em bà con với Chúa và là con của ông Anphê. Người đã lãnh đạo giáo đoàn Giêrusalem và đã giúp cho nhiều người Do thái đón nhận đức tin. Người còn để lại một bức thư. Người chịu tử đạo năm 62.

BÀI ĐỌC I: 1 Cr 15, 1-8

"Chúa hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận và đang tin theo, nhờ đó anh em được cứu độ, nếu anh em tuân giữ lời lẽ tôi đã rao giảng cho anh em, bằng không anh em đã tin cách vô ích.
Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi sau với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 18, 2-3. 4-5
Đáp: Tiếng chúng đã vang cùng trái đất (c. 5a).
Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia. - Đáp.
2) Đây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu. - Đáp.

ALLELUIA: Ga 14, 6b và 9c
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Hỡi Philipphê, ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy". - Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 14, 6-14

"Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin, Thầy sẽ làm cho".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Tôma rằng: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người".
Philipphê thưa: "Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con".
Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: "<Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư? Philipphê,> ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: 'Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha?' Con không tin Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho". Đó là lời Chúa.
 
Thánh Phi-líp-Phê
Suy niệm : Thánh Philipphê và Giacôbê Tông Đồ
Thánh Philipphê là người Bétxaiđa, cùng quê với Thánh Anrê và Thánh Phêrô (x. Ga 1,44). Trước khi theo Chúa Giêsu, Ngài là môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài đã giới thiệu Chúa Giêsu cho  ông Nathanael (x. Ga 1,45-46). Trước câu hỏi của Chúa Giêsu: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? Philipphê trả lời: Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút"(x. Ga 6,5). Trong bài Tin mừng hôm nay ông đã mạnh dạn xin Chúa Giêsu “Cho thấy Chúa Cha” (x. Ga 14,8). Chúa Giêsu đã cho ông biết: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (x. Ga 14, 9). Sau ngày lễ Ngũ Tuần, Ngài đi truyền giáo tại Sitti, rồi giảng dạy ở Hiêrapoli, xứ Rigie và chịu đóng đinh vì danh Chúa tại đây.

Thánh Giacôbê, còn gọi là Giacôbê hậu, là anh em bà con với Chúa Giê-su (x. Mt 13,55 - Mc 6,3) và là con của ông Anphê (x. Mt 10,3 - Mc 3,18 - Lc 6,15 - Cv 1,13). Ngài được Chúa Kitô phục sinh hiện ra cách riêng (x. 1Cr 15,7). Ngài đã từng lãnh đạo giáo đoàn Giêrusalem (x. Cv 12,17 - 15,13 - 21,18) và giúp cho nhiều người Do thái đón nhận đức tin (x. Cv 15,13-31). Ngài có một địa vị quan trọng trong cộng đoàn sơ khai. Nhờ đâu, chúng ta khẳng định như vậy? Thứ nhất, khi Phêrô được thiên thần giải thoát khỏi ngục tù đã nói: "Hãy đem tin cho Giacôbê và các anh em được biết" (x. Cv 12,17). Thứ hai, sau khi trở lại, Thánh Phaolô đã từng gặp Giacôbê, và lần cuối cùng gặp Giacôbê khi ông đang họp với hàng niên trưởng (x. Cv 21,18). Thứ ba, Thánh Phaolô cũng nhắc đến Giacôbê trong thư Côlôsê:"Giacôbê, Kêpha (Phêrô) và Gioan, những vị có thế giá như cột trụ ấy đã bắt tay tôi và Barnaba tỏ dấu hiệp thông" (x. Gl 2,9). Thánh Gia-cô-bê để lại một bức thư. Ngài chịu tử đạo năm 62.

Trên đây là một vài điểm quan trọng, liên quan đến  cuộc đời của hai vị thánh mà Giáo hội cho chúng ta mừng kính hôm nay. Hai vị Thánh vinh dự được Chúa Giêsu trực tiếp chọn vào số các Tông đồ. Các Ngài được chính Chúa Giêsu huấn luyện trong suốt ba năm, được nghe những lời Giáo huấn của Chúa, được thấy những phép lạ Chúa làm. Đặc biệt, các Ngài được chứng kiến cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Thầy mình. Chính vì vậy, cũng như các Tông đồ khác, các Ngài đã dấn thân không mệt mỏi trong công cuộc rao giảng và làm chứng về những gì mắt thấy tai nghe. Các Ngài đã ý thức được trách nhiệm phải trao ban những gì mình đã lãnh nhận.  Đó cũng là tâm tình của Thánh Phaolô nói với các tín hữu ở Côrintô mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ I, Ngài nói: “Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi sau với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non” (1Cr 15, 3-8).

Vì đã lãnh nhận trách nhiệm làm Tông đồ, nên qua mọi thời đại, Giáo hội cũng tiếp tục dấn thân làm chứng cho Chúa bằng nhiều cách thế khác nhau. Thư chung của HĐVMVN năm 2003 diễn tả: "Từng đoàn người vượt suối băng rừng. Từng đoàn người ra khơi giữa biển rộng sóng lớn. Biết bao người bỏ mạng nơi rừng sâu núi thẳm. Biết bao người bỏ xác ngoài biển khơi. Nhưng lớp này nằm xuống, lớp khác đứng lên nối tiếp nhau đem Tin mừng đến tận cùng thế giới".

Sứ mạng của Giáo hội cũng là sứ mạng của mỗi người kitô hữu chúng ta. Cũng trong thư chung năm 2003, HĐGM Việt Nam mời gọi: “Sứ mạng loan báo Tin mừng được đặc biệt trao vào tay chúng ta. Chúng ta hãy tiếp bước các vị thừa sai đầy nhiệt tình tông đồ, hãy phát huy truyền thống kiên cường của các bậc tiền nhân anh hùng tử đạo. Ta hãy đáp lại kỳ vọng của Hội thánh đem Tin mừng cho anh em trên lục địa mênh mông này. Và đặc biệt đem Tin mừng cho anh chị em sống ngay trên quê hương Việt nam".

Nhưng phải loan báo Tin mừng bằng cách nào?
Như Philipphê đã giới thiệu Chúa cho Nathanael, chúng ta cũng hãy giới thiệu Chúa cho những người xung quanh chúng ta. Nhưng để giới thiệu Chúa cho người khác thì chính chúng ta phải gặp gỡ Chúa trước, phải hiểu biết về Ngài, phải có niềm xác tín vào Ngài là Thiên Chúa: Gặp Chúa qua việc đọc và suy niệm Kinh Thánh; gặp Chúa qua việc lãnh nhận các Bí tích; gặp Chúa qua đời sống cầu nguyện…Để khi có người nghi ngờ về lời giới thiệu của chúng ta, chúng ta có thể nói với họ như Philípphê đã nói với Nathanael rằng: “Hãy đến mà xem” (x. Ga 1,46).

Như Philipphê dẫn người Hilạp đến gặp Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta cũng có trách nhiệm dẫn người khác đến gặp gỡ Chúa. Cha xứ dẫn đoàn chiên trong giáo xứ tới gặp Chúa. Thầy cô giáo lý viên dẫn dắt học sinh tới gặp Chúa qua các giờ giáo lý. Cha mẹ dẫn con cái của mình tới gặp Chúa. Người kitô hữu dẫn những người lương dân tới gặp Chúa…

“Đức Tin không có hành động quả là đức tin chết”(Gc 2,17), thánh Giacôbê đã nói như vậy. Vì vậy, mỗi người kitô hữu chúng ta không những rao giảng Tin mừng bằng lời nói mà còn bằng những hành động cụ thể trong cuộc sống hằng ngày. Để nhân loại nhận ra Chúa qua chúng ta.

Trong một thánh lễ kính các tông đồ, tôi nhớ mang máng nội dung một bài hát như thế này: “Tông đồ là người mang Chúa Kitô, để qua ta, để trong ta, Người đến với mọi người. Tông đồ là người mang Chúa Kitô, để qua ta, để trong ta Người đến với mọi nơi”. Ý nghĩa của lời hát trên nói lên tất cả sứ mạng của người làm Tông đồ. Thật vậy, người Tông đồ cần phải có Chúa Kitô trong mình mới có thể mang Chúa Kitô đến cho những khác. Mang Chúa đến với người khác bằng cách sống như Đức Kitô đã sống để người khác thấy Chúa Kitô nơi người Tông đồ. Thánh Phaolô đã nói: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).  Mang Chúa đến với người khác bằng cách sống bác ái yêu thương. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Cứ dấu này mà người ta nhận ra các con là môn đệ của Thầy là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35)Mang Chúa đến với người khác bằng cách sống công bằng, chân thật. Vì Chúa Giêsu từng nói: “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6).
Cũng như Chúa Giêsu Kitô đã hoạ lại hình ảnh của Chúa Cha, để ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha (x. Ga 14, 9).  Người Tông đồ cũng phải hoạ lại hình ảnh của Chúa Giêsu  Kitô nơi chính lời nói và việc làm của mình, để ai thấy người Tông đồ là thấy Chúa Giêsu Kitô.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, để tiếp tục công việc cứu độ thế gian, Chúa đã chọn Thánh Philipphê và thánh Giacôbê Tông đồ và hai thánh đã chu toàn xuất sắc bổn phận Chúa trao phó. Làm Tông đồ cũng là sứ mạng Chúa trao phó cho Giáo hội và mỗi người chúng con. Xin giúp chúng con cố gắng chu toàn bổn phận ấy, để qua chúng con Chúa đến được với mọi người. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Lễ Thánh Philip và Giacôbê, TĐ (Ngày 3 tháng 5)
Bài đọc: 1 Cor 15:1-8; Jn 14:6-14.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nhờ Tin Mừng, anh em được cứu thoát.
Philip là người cùng quê quán với Phêrô và Anrê, sinh ra tại Bethsaida (Jn 1:44). Ông cũng là một trong số những người theo John Baptist khi ông này chỉ vào Đức Kitô và giới thiệu: “Đây Chiên Thiên Chúa! Đây Đấng xóa tội trần gian!” Sau khi gọi Phêrô, Chúa Giêsu gặp Philip và gọi ông theo Ngài làm môn đệ với hai tiếng truyền đơn giản “Hãy theo Ta.” Philip vâng lời đáp trả tiếng gọi, và sau đó ông mang Nathaniel đến giới thiệu với Chúa và cũng trở thành môn đệ của Ngài (Jn 1:43-45). Philip có tên trong danh sách của Nhóm Mười Hai, tên của ông đứng hàng thứ năm trong danh sách, sau Phêrô và Anrê, Gioan và Giacôbê (Mt 10:2-4; Mk 3:14-19; Lk 6:13-16). Tin Mừng Thứ Tư tường thuật ba biến cố liên quan tới Philip (Jn 6:5-7; 12:21-23; và trình thuật hôm nay 14:8-9). Ba biến cố này cho chúng ta cái nhìn tổng quát về Philip: ngây thơ, xấu hổ, và hơi bi quan.
Thánh Giacôbê chúng ta mừng hôm nay được gọi bằng nhiều tên khác nhau: Giacôbê con ông Alpheus để phân biệt với Giacôbê con ông Zebedee (Mt 10:3; Mk 3:18; Lk 6:15; Acts 1:13), anh của Gioan; Giacôbê nhỏ để phân biệt với Giacôbê lớn (Mt 27:56); Giacôbê, anh em với Chúa (Mt 13:55; Mk 6:3; Gal 1:19). Không một chút nghi ngờ, ông cũng được nhắc tới trong Thư Galat sau đó (2:2, 9; Acts 12:17, 15:13, 21:18; 1 Cor 15:7). Ông cũng là Giám-mục đầu tiên của Jerusalem (Acts 15 và 21), mặc dù ý kiến này cũng bị nhiều người phản đối.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ.
1.1/ Hoàn cảnh của Phaolô: Ông là một người Pharisee nhiệt thành với Lề Luật, sinh sống tại Tarsus, trong tỉnh bang Cicilia, và hành nghề chế tạo lều. Ông đang trên đường đi Damascus để truy nã các tín hữu của Đức Kitô. Lý do ông truy nã các tín hữu vì ông tin như bao người Do-thái khác: chỉ có người Do-thái mới xứng đáng được hưởng ơn cứu độ bằng cách giữ cẩn thận các luật lệ của tiền nhân để lại. Ông không được nghe trực tiếp từ Đức Kitô; nhưng qua những lời tố cáo của những người khác, ông nhìn Chúa Giêsu và các tín hữu như những kẻ thù đe dọa niềm tin của Do-thái Giáo.
Nhưng biến cố gặp gỡ Đức Kitô trên đường đi Damascus đã thay đổi toàn bộ đời sống của Phaolô. Ông bị té ngựa bởi một luồng sáng cực mạnh từ trời, bị mù lòa, và được nghe tiếng Đức Kitô cho biết Ngài chính là Người mà ông đang truy nã. Ngài cũng cảnh cáo cho ông biết "khốn cho những ai cứ giơ chân đạp mũi nhọn!" Sau đó, ông được sai tới với Ananiah, môn đệ của Đức Kitô, để được chữa lành và trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng, cách riêng cho Dân Ngoại.
1.2/ Kinh nghiệm của Phaolô: Khi suy niệm về biến cố ngã ngựa đó, Phaolô cảm thấy mình hoàn toàn không xứng đáng với tình yêu của Đức Kitô. Thứ nhất, ông là kẻ thù đáng chết của Đức Kitô, vì ông đang truy tố các tín hữu của Ngài; thế mà Ngài đã không bắt ông phải chết, lại còn chữa lành sự mù lòa của ông về thể xác cũng như tinh thần. Ngài cho ông nhìn thấy sự thật về những mầu nhiệm của Thiên Chúa mà trước đó ông đã lầm lẫn. Thứ đến, Ngài còn ban cho ông đặc quyền được làm tông-đồ. Phaolô thú nhận: "tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa." Sau cùng, Ngài ban muôn ơn thánh để giúp ông hoàn thành sứ vụ được trao phó: "Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi."
1.3/ Phaolô thực thi sứ vụ tông đồ: Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Phaolô đã gặp nhiều chống đối từ mọi phía: từ phía các tín hữu và từ người Do-thái. Các tín hữu không thể tin Phaolô, một người đang nhiệt thành bắt đạo, có thể trở thành người rao giảng Tin Mừng. Những người ghen tị tố cáo Phaolô giảng dạy giáo lý sai lạc. Họ nêu lý do vì Phaolô không thuộc Nhóm Mười Hai nên không thấu hiểu đạo lý của Đức Kitô. Trong trình thuật hôm nay, Phaolô nêu bật những điều quan trọng mà mọi người phải tin: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại đúng như lời Kinh Thánh. Sau đó, Đức Kitô đã hiện ra với nhiều người: với ông Kêpha và với Nhóm Mười Hai, với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ, và sau cùng với chính ông trên đường đi Damascus. Tất cả đều làm chứng Đức Kitô đã chết và đã sống lại. Phaolô kết luận: "Tóm lại, dù tôi hay các vị khác rao giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy."
2/ Phúc Âm: Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.
2.1/ Chúa Cha và Chúa Giêsu là một: Con người chưa bao giờ thấy Thiên Chúa; nhưng khi con người thấy Chúa Giêsu, con người thấy Chúa Cha, vì như thánh Phaolô nói: "Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình." Trong mẩu đối thoại giữa Chúa Giêsu và Philip, Chúa Giêsu xác tín điều này.
- Ông Philíp yêu cầu: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện."
- Đức Giêsu trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philíp, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?""
Chúa Giêsu muốn chứng minh cho Philip 2 điều:
(1) Chúa Giêsu là Lời của Chúa Cha: "Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình."
(2) Những việc Chúa Giêsu làm là theo ý của Chúa Cha: "Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm." Không ai có thể làm những việc Chúa Giêsu đã làm, nếu Thiên Chúa không ở với người ấy.
2.2/ Các Tông-đồ có thể làm những việc Chúa Giêsu làm và những việc lớn hơn nữa: Chúa Giêsu tuyên bố: "Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha."
- Những việc Chúa Giêsu làm: rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, khử trừ ma quỉ, cho kẻ chết sống lại, đào tạo môn đệ ... Các Tông-đồ làm được tất cả những điều này nhân danh Đức Kitô, chứ không nhân danh sức riêng của mình; vì các ông biết rõ sức con người không thể làm những chuyện đó. Lời bảo trợ của Chúa Giêsu bảo đảm sức mạnh này: "Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó."
- Những việc lớn hơn đây là làm sao cho tất cả mọi người tin vào Đức Kitô để được cứu độ. Để thực hiện điều này, Chúa Giêsu cần sự cộng tác của con người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tin Mừng của Đức Kitô cần được học hỏi cẩn thận trước khi rao truyền cho mọi người. Nếu có sự mâu thuẫn, chúng ta cần khiêm nhường tìm hiểu và sửa chữa cho đúng sự thật.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

03/05/16 THỨ BA TUẦN 6 PS
Th. Phi-líp-phê và th. Gia-cô-bê, tông đồ
Ga 14,6-14

Suy niệm: Kể từ ngày sa ngã phạm tội, loài người chạy trốn để lánh mặt Thiên Chúa. Càng lánh mặt và càng chạy trốn, hình ảnh Thiên Chúa trong tâm trí con người càng mờ nhạt và méo mó. Họ không còn nhìn ra vị Thiên Chúa cứ chiều chiều lại đến vườn địa đàng để cùng đi dạo chơi với con người như đôi bạn. Nhưng Thiên Chúa không để họ cứ đi lạc mãi mãi. Ngài đi tìm họ trong lịch sử của họ và biến lịch sử loài người thành lịch sử cứu độ. Trước khi con người đi tìm kiếm Thiên Chúa, Thiên Chúa đã tìm kiếm con người. Qua mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, Ngài đến ở với loài người trong cảnh sống của họ, tìm lại những giây phút tự tình tuyệt vời nhất của thuở khởi nguyên vô tội trong vườn Địa Đàng. Chỉ có một sự khác biệt, Em-ma-nu-en lúc đó là Tình Yêu tuyệt vời, nhẹ nhàng và bay bổng. Thiên Chúa là Tình Yêu và con người rất đáng yêu. Còn vào thời mà sự chết đã xâm nhập vào thế gian vì loài người phạm tội thì Em-ma-nu-en đó chính là Lòng Thương Xót thẳm sâu dành cho nhân loại bị tội lỗi làm tổn thương. Tình yêu của Đấng là Tình Yêu viết hoa, khi đến với con người tội lỗi, đã mang tên gọi là Lòng Thương Xót.
Mời Bạn: Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu là dung mạo đích thực của Thiên Chúa.
Sống Lời Chúa: Bạn và tôi cùng chiêm ngắm Chúa Giê-su thập giá để nhận ra hình ảnh đích thực của Thiên Chúa đầy lòng thương xót.
Cầu nguyện: Lạy Cha, con xin tạ ơn Cha đã mạc khải cho chúng con dung nhan đầy lòng thương xót của Cha.

Làm những việc lớn hơn nữa 
Khi tin vào Đức Giêsu, khi gắn bó với một Đấng phục sinh quyền năng như thế, chúng ta có thể làm được những điều như Ngài đã làm: trừ quỷ, chữa bệnh, hoàn sinh kẻ chết. 


Suy nim:
Sau khi ông Tôma hỏi Thầy Giêsu về đường (Ga 14, 5),
thì ông Philípphê lại xin Thầy cho các môn đệ thấy Chúa Cha (c. 8).
Không rõ Philípphê muốn thấy Thiên Chúa theo kiểu nào,
bởi lẽ theo niềm tin chung của người Do thái
không ai thấy Thiên Chúa chí thánh mà sau đó còn sống được (x. Xh 33, 20).
Dù sao khát vọng được thấy Thiên Chúa là ước mơ chính đáng.
Thiên Chúa đã thỏa mãn ước mơ mà Ngài đã đặt vào lòng con người.
Nơi Đức Giêsu, là Ngôi Lời nhập thể và là Con Thiên Chúa,
chúng ta có thể thấy được Thiên Chúa bằng mắt phàm.
“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (c. 9).
Nhìn ngắm khuôn mặt Thiên Chúa nơi Đức Giêsu
chúng ta chẳng những không phải chết, nhưng được sống.
Theo quan niệm của người Do Thái,
sứ giả là đại diện trọn vẹn cho người sai mình.
Đức Giêsu đã là sứ giả cho Cha một cách tuyệt vời.
Ngài là một với Thiên Chúa, Đấng sai Ngài:
“Thầy ở trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Thầy” (c. 11).
Các lời Ngài nói, Ngài không tự mình nói.
Các việc Ngài làm, Ngài không tự mình làm.
“Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy,
chính Người làm những việc của mình” (c. 10).
Nhìn những việc Đức Giêsu làm, chúng ta nhận ra đó là việc của Cha.
Cha làm việc của Cha qua Con của mình là Đức Giêsu.
“Ai tin vào Thầy, người đó sẽ làm được những việc Thầy làm.
Người đó còn làm được những việc lớn lao hơn nữa,
bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (c. 12).
Chúng ta vẫn ở trong mùa Phục sinh, mùa của sự sống chiến thắng.
Đức Giêsu đã về với Chúa Cha và được vào trong vinh quang.
Khi tin vào Ngài, khi gắn bó với một Đấng phục sinh quyền năng như thế,
chúng ta có thể làm được những điều như Ngài đã làm:
trừ quỷ, chữa bệnh, hoàn sinh kẻ chết (Mc, 16, 17-18; Cv 9, 34.40).
Và như Đức Giêsu, điều vĩ đại mà chúng ta có thể làm cho thế giới hôm nay
là yêu thương, yêu như Thầy đã yêu, yêu đến hiến mạng.
Hãy mạnh dạn nhân danh Đức Giêsu mà xin,
vì biết thế nào Ngài cũng làm cho người gắn bó với Ngài.
Tất cả để Cha được tôn vinh nơi Con (c. 14).
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.

Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.

Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.

Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.

Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.
(Thánh Âu-Tinh)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

3 Tháng Năm

Ði Về Ðâu?
    
    Tiền tài danh vọng không làm cho con người hạnh phúc... Ðó là điều mà người ta thường nói khi bàn về cái chết của cô đào Marilin Monroe cách đây hơn hai chục năm... Nay, người ta cũng lặp lại điều đó với nữ danh ca Dalida, người Pháp gốc Ai Cập... Dalida đã tự vận vào hôm 03/5/1987 tại nhà riêng của cô ở Montmartre, Paris, lúc cô được 54 tuổi.

    Sinh năm 1933 tai Le Caire với tên thật là Yolande Gigliotti, đã trở nên một ca sĩ nổi tiếng và được hâm mộ trên khắp thế giới, kể cả ở Việt Nam, nhờ giọng ca đầy truyền cảm của cô. Những người thuộc thế hệ 50 và 60 không thể quên những bài "Bambino", "Gigi l'amorose"... do cô trình diễn. Danh vọng đã không đủ để thỏa mãn cô. Ngày 27/02/1967, cô đã thử một lần tự tử, rồi được cứu sống.

    Tự tử cũng là một thể hiện nỗi khao khát khôn cùng trong lòng người: đó là khao khát hạnh phúc. Khi cuộc đời này không còn là một đáp trả cho nỗi khao khát ấy, nhiều người đã tự mình tìm đến cái chết như một giải thoát.

    Khủng hoảng trầm trọng nhất của xã hội ngày nay phải chăng không là khủng hoảng về ý nghĩa của cuộc sống. Con người sinh ra để làm gì? Con người sẽ đi về đâu? Sau cái chết những gì đang thực sự chờ đợi con người... Ðó là những câu hỏi lớn mà con người ngày nay, khi đứng trước những mâu thuẫn trong cuộc sống, không ngừng đặt ra cho mình.

    Con người bởi đâu mà ra, con người sẽ đi về đâu? Ðó là ý nghĩa và giá trị của cuộc sống? Ðó là những câu hỏi mà chúng ta không ngừng tự đặt ra cho mình.

    Chúng ta hãy cảm tạ Chúa, bởi vì, nhờ Ðức Tin, chúng ta tìm được ánh sáng cho những câu hỏi ấy.

    Nhân loại đang mỗi lúc phải đương đầu với những thách đố lớn của cuộc sống. Người Kitô được trang bị bởi Ðức Tin đang nằm giữa một vai trò quan trọng giai đoạn này. Ánh sáng Ðức Tin, cần phải được chiếu sáng trong cuộc sống của người Kitô để nhờ đó, những người xung quanh cũng tìm ra được ý nghĩa và giá trị cũng như hướng đi đích thực của cuộc sống.
    
    Trích sách Lẽ Sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét