04/05/2016
Thứ Tư tuần 6 Phục Sinh
Bài Ðọc
I: Cv 17, 15. 22 - 18,1
"Ðấng
quý vị thờ mà không nhận biết, thì tôi xin loan báo Người cho quý vị".
Trích
sách Tông đồ Công vụ.
Trong
những ngày ấy, nhừng người tháp tùng Phaolô, dẫn đưa ngài cho đến Athêna; và
khi đã nhận lệnh ngài truyền cho Sila và Timôthêu đến gặp ngài lập tức, họ liền
ra đi.
Bấy
giờ Phaolô đứng giữa đồi Arêôpagô mà nói: "Kính thưa quý vị người Athêna,
tôi nhận thấy quý vị rất sùng tín về mọi mặt. Vì khi đi ngang qua, nhìn các tượng
thần của quý vị, tôi cũng thấy một bàn thờ có ghi chữ: "Kính Thần vô
danh". Vậy Ðấng quý vị thờ mà không nhận biết, thì tôi xin loan báo Người
cho quý vị. Thiên Chúa, Ðấng đã tác tạo vũ trụ và vạn vật trong vũ trụ, Người
là Chúa trời đất, nên không ngự nơi đền thờ do tay người phàm làm ra. Người
cũng không cần bàn tay người phàm phụng sự như thể thiếu thốn điều gì, vì chính
Người ban cho mọi người sự sống, hơi thở và hết mọi sự. Người đã làm cho toàn
thể loài người từ một nguyên tổ lan tràn khắp mặt đất. Người phân định thời hạn
rõ rệt và biên giới chỗ họ ở, để họ tìm thấy Thiên Chúa nếu họ cố gắng dò dẫm
tìm gặp Người, vì thật ra Người không ở xa mỗi người chúng ta. Vì chưng ta sống,
ta cử động và ta hiện hữu trong Người, như có mấy thi sĩ của quý vị đã nói:
"Chúng ta thuộc tông giống Người". Vậy bởi chúng ta là dòng giống của
Thiên Chúa, chúng ta không được nghĩ rằng Thần Linh giống như vàng, hoặc bạc,
hay đá do nghệ thuật chạm trổ và suy tưởng của con người làm ra. Thiên Chúa
không chấp những thời gian mê muội đó, nay Người loan báo cho nhân loại nhận biết
để mọi người khắp nơi ăn năn hối cải, vì Người đã quy định ngày Người sẽ xét xử
vũ trụ cách công minh, do Ðấng Người đã chỉ định và cho Ðấng ấy từ cõi chết sống
lại để mọi người tin".
Khi họ
nghe nói kẻ chết sống lại, thì có kẻ nhạo cười, có người lại nói rằng: "Ðể
khi khác, chúng tôi sẽ nghe ông nói lại về điều đó". Thế là Phaolô bỏ họ
ra đi. Nhưng cũng có vài người theo và tin ngài, trong số đó có Ðiônysiô nhân
viên thuộc Arêôpagô, một phụ nữ tên Ðamari và mấy người khác nữa. Sau đó,
Phaolô rời Athêna đi Côrintô.
Ðó là
lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 148, 1-2. 11-12ab. 12c-14a. 14bcd
Ðáp: Trời đất đầy vinh quang của Chúa.
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Hãy ca tụng Chúa từ muôn cõi trời, hãy ca tụng Người trên nơi cao thẳm. Các
thiên thần Chúa, hãy ca tụng Người đi, ca tụng Người đi, hỡi các đạo thiên
binh. - Ðáp.
2)
Quân vương địa cầu và tất cả chư dân, quan chức và các vị chính quyền trên cõi
đất, các thanh niên và cả những cô gái tân, những ông cụ già với đoàn con trẻ.
- Ðáp.
3) Họ
hãy ca tụng danh Chúa, vì danh Người siêu phàm, độc nhất, oai nghiêm. Người
tràn lan trên trời dưới đất, và Người nâng cao quyền thế dân Người. - Ðáp.
4)
Dân Người là đề tài ca tụng cho mọi tín hữu, cho hết thảy con cái Israel, dân tộc
sống gần gũi với Người. - Ðáp.
Alleluia:
Ga 16, 7 và 13
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Thầy sẽ sai Thần Chân Lý đến, Người sẽ dạy các con
biết tất cả sự thật". - Alleluia.
Phúc
Âm: Ga 16, 12-15
"Thần
Chân lý sẽ dạy các con biết tất cả sự thật".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy,
Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy còn nhiều điều phải nói với
các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến,
Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng
Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương
lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan
truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy, vì thế Thầy đã
nói: "Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con".
Ðó là
lời Chúa.
Suy Niệm:
Công Việc Thánh Linh
Có một
thanh niên nọ, trong thời gian còn trai trẻ, anh ta là một tín đồ Ấn Giáo. Anh
lại có tính tò mò ưa tìm hiểu các tôn giáo khác. Sự tò mò nay đã thay đổi người
thanh niên đến một bước ngoặc biến đổi cuộc đời. Anh ta đã gặp một chủng sinh
Công giáo trong một khóa Kinh Thánh học về bài giảng trên núi. Chẳng bao lâu họ
trở thành đôi bạn tâm đắc. Anh đã tâm sự với chủng sinh nọ như sau: "Tôi
biết bài giảng trên núi đã ảnh hưởng trên thánh Gandhi như thế. Và tôi cũng muốn
sống theo lời dạy trong bài giảng, nhưng tôi sợ rằng nó quá cao, quá khó đói với
một người bình thường như tôi. Người chủng sinh không nói gì, anh chỉ lấy diễn
từ của Chúa Giêsu trước khi ly biệt các tông đồ trao cho người thanh niên.
Thời
gian cứ trôi qua theo năm tháng, và đến cuối khóa học, người thanh niên đã hớn
hở chia sẻ như sau: "Quả thật, những lời dạy trong bài giảng trên núi đòi
hỏi thật nhiều, có thể nói là rất khó thực thi. Tuy nhiên, tôi đã gặp được lời
hứa của Chúa Giêsu. Ngài hứa ban Chúa Thánh Thần để hướng dẫn và thêm sức mạnh
cho những ai muốn sống theo Ngài. Bây giờ chẳng còn gì làm cho tôi phải bận tâm
suy nghĩ, lo lắng nữa". Và hôm nay người thanh niên ấy đã trở thành tư tế
muôn đời của Thiên Chúa.
Anh
chị em thân mến!
Khi
trao cho anh thanh niên người Ấn Giáo diễn từ của Chúa Giêsu, người chủng sinh
đã gởi cho anh sự bình an tâm hồn. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội cũng muốn
gởi đến chúng ta một phần nữa của sự bình an của Chúa Thánh Thần.
Có thể
nói được rằng, hiểu biết là chìa khóa mở của sức mạnh. Tuy nhiên, không phải hiểu
biết nào cũng tạo cho con người sức mạnh, một hiểu biết chủ quan chỉ đưa con
người đến mù lòa; mù lòa trong phán đoán, mù lòa trong hành động. Và có những
hiểu biết giả hiệu khác bằng các danh xưng thật hào nhoáng, nhưng thực chất lại
trống rỗng, chẳng đưa con người tới đâu.
Ba
năm chung sống với Thầy, biết bao dịp để tiếp cận với lời Thầy giảng dạy, với
những công việc Thầy làm, nhưng các môn đệ cũng chẳng hiểu gì nhiều về Thầy
mình. Mỗi lần Ngài loan báo cuộc tử nạn là mỗi lần các ông lại rơi vào lầm lẫn
và thất vọng. Bởi thế, Chúa Giêsu đã phải hứa là ban Thánh Thần Chân Lý đến để
phù trợ cho các ông. Khi Ngài đến, Ngài sẽ dạy dỗ các ông biết tất cả sự thật,
sẽ cho các ông hiểu biết trọn vẹn về Ðức Giêsu, Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là
Sự Sống.
Ðón
nhận hiểu biết từ Thánh Thần đối với các môn đệ là một khám phá lại về Chúa
Giêsu, vì Thánh Thần loan truyền những gì đã lãnh nhận từ Ngài. Ðây chẳng phải
là một vòng luẩn quẩn hay dư thừa, vì dù cho đã sống ba năm hay hơn nữa, các
môn đệ vẫn chưa hiểu về Thầy, nếu không được Thánh Thần hướng dẫn.
Biến
cố hiện xuống của Chúa Thánh Thần là lật lại trang sử cuộc đời của Chúa Giêsu.
Nếu trước đây các tông đồ đã sống trong những trang sử ấy và đã không hiểu gì
thì bây giờ nhờ sự trợ giúp của Thánh Thần, các ông sẽ đọc được ý nghĩa của các
dấu chỉ. Bây giờ Phêrô sẽ không còn khó chịu khi thấy hai bàn tay đã làm nhiều
phép lạ lại sẵn sàng đưa ra cho người ta bắt trói. Ông cũng sẽ không còn trốn
chạy trước khổ hình Thập Giá. Nhờ Thánh Thần, Phêrô và các tông đồ đã thực sự
hiểu biết. Sự hiểu biết đã mang lại cho các ông sức mạnh, vì hiểu biết giúp các
ông sáp nhập vào Ðức Kitô. Họ sống nhưng không còn là họ sống nữa mà là chính Ðức
Kitô sống trong họ. Và cũng chẳng có một sự thật, một con đường và một sự sống
nào khác ngoài Chúa Kitô, nên người tín hữu hôm nay cũng được mời gọi hướng về
Ngài. Như các tông đồ xưa, họ đã chẳng khám phá ra Ðức Kitô, nếu không được
Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Thiếu vắng Thánh Thần, cái nhìn của tín hữu chỉ là
cái nhìn chủ quan, hiểu biết cũng hạn hẹp, mù lòa. Chính khi đã khám phá ra sự
thật, họ mới vững niềm tin và mạnh dạn bước theo tiếng gọi của Ngài.
Qua
bài Tin Mừng hôm nay, ước mong rằng nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, mỗi
người trong chúng ta sẽ biết khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa trong các điều
quen thuộc của cuộc sống. Có thể hằng ngày chúng ta vẫn tiếp cận với tình yêu
Ngài, vẫn hưởng nhận tình yêu Ngài, nhưng rồi chẳng bao giờ nhận ra để dâng lời
cảm tạ Ngài. Nguyện xin Thánh Thần Chân Lý chiếu tỏa trên chúng ta ánh sáng của
Ngài. Amen.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần VI PS
Bài đọc: Acts 17:15, 22-34, 18:1; Jn 16:12-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người có khả năng nhận biết Thiên
Chúa và các hoạt động của Ngài.
Thiên
Chúa là sự thật, và Ngài đã tỏ mình ra cho con người qua việc tạo dựng, quan
phòng, và các mặc khải trong Kinh Thánh. Các Bài Đọc hôm nay nhấn mạnh đến khả
năng của con người có thể hiểu những sự thật của Thiên Chúa. Bài Đọc I tường
thuật Bài Giảng của Phaolô cho dân thành Athens. Phaolô bắt đầu từ niềm tin và
lòng kính sợ Thiên Chúa của họ; để dẫn dắt họ đến nhu cầu cần phải tin vào Đức
Kitô và ăn năn sám hối, để được sống lại đời đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc
khải cho các môn đệ về sự cần thiết của Thánh Thần, mà Ngài sẽ xin Chúa Cha gởi
tới cho các ông. Ngài sẽ soi sáng cho các ông hiểu tất cả những gì Chúa Giêsu
nói, và giúp các ông hiểu biết mọi sự thật.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Bài giảng của Phaolô
cho người Hy-lạp tại Areopagus, Athens
1.1/
Phaolô bắt đầu từ văn hóa Hy-lạp: Để việc rao giảng Tin Mừng có hiệu quả, nhà rao giảng cần hiểu
biết phong tục và văn hóa của những nơi mà Lời Chúa được gieo vào. Truyền thống
Hy-lạp thờ rất nhiều thần và văn hóa Hy-lạp đặc biệt chú trọng đến sự khôn
ngoan. Các thần của Hy-lạp đều được điêu khắc rất đẹp và đều có đền thờ riêng
tùy địa phương tôn sùng. Sự khôn ngoan của văn hóa Hy-lạp được bày tỏ qua các
triết gia và triết học của họ. Areopagus là nơi những người Hy-lạp khôn ngoan
thường tụ tập để tìm hiểu những triết thuyết của thế giới. Phaolô biết rõ những
điều này, và ông đã can đảm và chuẩn bị chu đáo để gieo Tin Mừng vào những người
đang tìm kiếm sự khôn ngoan. Đứng giữa Hội đồng Areopagus, ông Phaolô khen đức
tính tôn kính các thần của họ và dùng đức tính này để bắt đầu rao giảng Tin Mừng:
"Thưa quý vị người Athens, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng
đạo hơn ai hết. Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng
của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: "Kính thần vô
danh." Vậy, Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng
cho quý vị."
1.2/ Nội
dung chính của bài giảng của Phaolô: Phaolô khôn ngoan bắt đầu với những điểm tương đồng mà khán giả
của ông dễ chấp nhận, trước khi tiết tới những điểm đặc thù của Kitô Giáo:
"Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng là Chúa Tể
trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên. Người cũng không
cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người
ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự."
(1)
Con người có khả năng nhận biết Thiên Chúa: Phaolô nhấn mạnh đến việc thiên
nhiên mặc khải sự hiện hữu và quan phòng của Thiên Chúa: Nếu con người chịu
quan sát và học hỏi nơi thiên nhiên, họ sẽ nhận ra sự hiện hữu của Ngài:
"Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở
trên khắp mặt đất; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới
cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm
thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta."
- Nhu
cầu phải hiểu biết đúng về Thiên Chúa: "Thật vậy, chính ở nơi Người mà
chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói:
"Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người."
- Đả
kích tội thờ bụt thần: "Vậy, vì là dòng giống Thiên Chúa, chúng ta không
được nghĩ rằng thần linh giống như hình tượng do nghệ thuật và tài trí con người
chạm trổ trên vàng, bạc hay đá.
(2)
Nhu cầu phải sám hối, sự xét xử, và sự sống lại: Đây là đích điểm mà Phaolô muốn
nhắm tới, vì ông biết truyền thống Hy-lạp không tin nhu cầu phải sám hối và sự
sống lại. Trước tiên Phaolô muốn họ ý thức về thực tại của tội, con người phạm
tội vì không nhận biết Thiên Chúa dù Ngài đã tỏ mình cho con người trong thiên
nhiên: "Vậy mà Thiên Chúa nhắm mắt bỏ qua những thời đại người ta không nhận
biết Người. Bây giờ Người truyền cho người ta rằng mọi người ở mọi nơi phải sám
hối."
+ Đa
số người Hy-lạp thời đó không tin nhu cầu cần sám hối, vì họ tin Thiên Chúa
không thay đổi: nếu Ngài thay đổi để tha thứ tội cho con người, Ngài không còn
là Thiên Chúa nữa.
+ Họ
cũng chẳng tin việc Thiên Chúa xét xử, vì họ không tin có đời sau và vì Thiên
Chúa không bao giờ thay đổi.
+ Sự
sống lại: Truyền thống Hy-lạp, đặc biệt những người Epicureans, không tin có sự
sống lại. Đối với họ, chết là hết; sự chết lấy đi tất cả những gì con người sở
hữu. Nên khi vừa nghe nói đến người chết sống lại, kẻ thì nhạo cười, kẻ thì
nói: "Để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói về vấn đề ấy." Thế là ông
Phaolô bỏ họ mà đi.
Kết
quả của sự rao giảng của Phaolô tại Athens: Sách CVTĐ tường thuật: "Nhưng
có mấy người đã theo ông và tin Chúa, trong số đó có ông Dionysius, thành viên
Hội-đồng Areopagus và một phụ nữ tên là Damaris cùng những người khác nữa."
2/
Phúc Âm: Con người có khả
năng để hiểu biết những mặc khải của Thiên Chúa.
2.1/ Mặc
khải của Thiên Chúa phải tiệm tiến theo thời gian vì sự hiểu biết của con người
giới hạn: Chúa Giêsu biết
rõ điều này, nên Ngài tâm sự với các ông: "Thầy còn nhiều điều phải nói với
anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi." Không như Thiên
Chúa, Đấng có khôn ngoan và quyền năng biết tất cả mọi sự một lúc, con người cần
có thời gian để học biết những điều căn bản, trước khi có thể hiểu những chân
lý cao siêu hơn. Ví dụ, một học sinh phải qua các cấp bậc tiểu học, trung học,
đại học, và cao học. Trong việc mặc khải các mầu nhiệm của Thiên Chúa cho con
người cũng thế: bắt đầu từ mầu nhiệm một Thiên Chúa, Đấng tạo thành và điều khiển
muôn lòai trong Cựu Ước; để chuẩn bị cho Đức Kitô đến qua mầu nhiệm Nhập Thể và
Cứu Chuộc trong Tân Ước; trước khi tiến đến mầu nhiệm Chúa Thánh Thần và các
công việc của Ngài, như Chúa Giêsu đề cập tới hôm nay.
2.2/ Mặc
khải toàn vẹn của Thánh Thần: Chúa
Giêsu hứa với các môn đệ: "Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh
em tới tất cả sự thật (toàn vẹn). Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất
cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều
sẽ xảy đến."
(1) Mặc
khải đến từ Thiên Chúa: Trước tiên con người cần biết: Tất cả sự thật đến từ
Thiên Chúa. Con người không sở hữu sự thật, nhưng chỉ khám phá ra sự thật, nó
là quà tặng của Thiên Chúa cho con người. Con người cũng không phát minh ra sự
thật, nhưng sự thật đã có sẵn trong trời đất và chờ đợi để con người khám phá
và hiểu biết nó. Nói tóm, chỉ một mình Thiên Chúa sở hữu sự thật.
(2)
Thánh Thần sẽ làm cho con người hiểu những gì Chúa Giêsu mặc khải: Đây cũng là
nền tảng của việc mặc khải về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: "Người sẽ tôn vinh
Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha
có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan
báo cho anh em." Cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều cộng tác trong việc làm cho con
người hiểu thấu các mầu nhiệm của Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta được Thiên Chúa ban cho có khả năng để tìm ra và nhận biết sự thật; nhất
là nhận ra Thiên Chúa, Đấng là sự thật trên hết các sự thật.
- Sự
thật của Kitô Giáo không đến với con người qua những suy niệm trừu tượng; nhưng
qua một con người sống động là Đức Kitô, và sự hướng dẫn từ trong tâm hồn của
Chúa Thánh Thần. Vì thế, khi con người càng sống gần gũi với Chúa Giêsu và để
Thánh Thần soi sáng, con người càng khám phá ra sự thật.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
04/05/16 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 6 PS
Ga 16,12-15
Ga 16,12-15
Suy niệm: Sự thật toàn vẹn, theo thánh sử Gio-an, đó là
chính Đức Giê-su. Người là Ngôi Lời Thiên Chúa và chính là Thiên Chúa. Khi nhập
thể vào trần gian, Người mang lấy linh hồn và thân xác con người, sống ở trần
gian như bao người khác. Đức Giê-su đã ở với các môn đệ, tuy các ông chưa hiểu
đầy đủ về Người (Ga 14,9). Chúa Thánh Thần được Đức Giê-su phục sinh từ nơi
Chúa Cha sai đến, sẽ soi sáng và hướng dẫn cho các môn đệ hiểu một cách toàn
vẹn về Đức Giê-su. Chúa Thánh Thần còn được gọi là Thần Khí sự thật. Ngài sẽ
dẫn đưa các môn đệ Đức Giê-su đến sự thật, giúp họ hiểu biết Đức Giê-su và làm
chứng Ngài chính là Đấng chịu chết mà nay đã phục sinh.
Mời Bạn: Chúa
Thánh Thần có cách dạy riêng là tác động từ bên trong. Mầu nhiệm khôn dò về Đức
Giê-su không thể tiếp thu bằng trí khôn loài người, nhưng bằng nội tâm nhờ Chúa
Thánh Thần. Sự hiểu biết do Chúa Thánh Thần ban là sự hiểu biết bằng tất cả tâm
hồn. Vì thế, để hiểu sự thật toàn vẹn về Đức Giê-su, hãy mở tâm hồn cho Chúa
Thánh Thần dạy bảo.
Chia sẻ: Mời
bạn chia sẻ cảm nhận của bạn về sự hướng dẫn và dạy dỗ của Chúa Thánh Thần
trong cuộc đời bạn.
Sống Lời Chúa: Dành 5 phút thinh lặng suy niệm sâu xa để nghe
được lời Chúa Thánh Thần dạy bảo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban Thánh Thần đến đồng hành và
dạy dỗ chúng con. Xin Người soi sáng cho chúng con hiểu biết Đức Ki-tô là Sự
Thật và xin Người uốn nắn chúng con nên những người con ngoan ngoãn sống theo
Sự Thật đó.
Toàn bộ sự thật
Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu mở ra, chia sẻ, mời
gọi. Chúng ta tự hỏi mình có sẵn sàng mở ra để Chúa đi vào thế giới của mình và
để mình đi vào thế giới của Chúa không?
Suy niệm:
“Thầy
còn nhiều điều phải nói với anh em,
nhưng
bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.”
Ðức
Giêsu khi sắp về với Cha,
đã
chấp nhận giới hạn của các môn đệ.
Ngài
chưa nói hết được những điều Ngài muốn nói,
nhưng
Ngài không muốn ép họ phải cố hiểu.
Cần
có thời gian, và nhất là cần Thánh Thần...
Ðức
Giêsu chấp nhận ra đi khi việc huấn luyện còn dang dở.
Ngài
chấp nhận mình không phải là vị thầy duy nhất:
Sau
này, Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều (Ga 14,26).
Ngài
cũng chẳng phải là Ðấng Bảo Trợ duy nhất
vì
còn một Ðấng Bảo Trợ khác đến sau Ngài (x. Ga 14,16).
Ngài
đã vén mở cho các môn đệ thấy sự thật,
sự
thật về Cha, về bản thân mình và về con người.
Nhưng
Ngài biết rằng cần có Thánh Thần từ từ dẫn dắt
các
môn đệ mới hiểu thấu và đi vào toàn bộ sự thật.
Vì lợi
ích của họ, Ðức Giêsu sẵn sàng ra đi (x. Ga 16,7),
để
nhường chỗ cho Ðấng Cha và Ngài sai đến.
Ðức
Giêsu chẳng tìm mình, và Thánh Thần cũng vậy.
Thánh
Thần chỉ có sứ mạng
là
đưa con người đến với Cha và Con là Ðức Giêsu.
Ngài
chẳng tìm vinh quang cho mình,
nhưng
chỉ tìm tôn vinh và làm chứng cho Ðức Giêsu.
Cha
cũng chẳng tim mình.
Cha
chẳng giữ gì làm của riêng.
“Mọi
sự Cha có đều là của Thầy” (c.15)
Cha
là nguồn mạch luôn trào dâng qua Con.
Con
là Con vì đón nhận tất cả từ Cha.
Tình
yêu liên kết Cha và Con là Thánh Thần,
Khi
chiêm ngắm thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi,
chúng
ta thấy đó là một cộng đoàn lý tưởng.
Mỗi
ngôi vị đều sống cho hai ngôi vị kia.
Yêu
thương và hiệp thông với nhau đòi từ bỏ
Nhưng
từ bỏ lại làm cho mỗi ngôi vị trọn vẹn là mình,
và
sống trong hạnh phúc viên mãn.
Thiên
Chúa của Kitô giáo là một cộng đoàn yêu thương,
nhưng
thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi lại không khép kín.
Thế
giới ấy vươn ra ngoài mình,
để
cho hạnh phúc tuôn đổ trên toàn bộ công trình sáng tạo.
Cha
yêu loài người đến độ sai Con Một làm người.
Con
yêu loài người đến độ dám sống và chết cho họ.
Thánh
Thần yêu loài người đến độ luôn ở bên để ủi an nâng đỡ.
Cả
Ba Ngôi cùng nhau lo cho loài người.
Ước
mơ lớn nhất của Ba Ngôi là đưa cả nhân loại
đi
vào thế giới thần linh của mình,
để
mỗi người được hưởng hạnh phúc làm con trong Chúa Con.
Thiên
Chúa Ba Ngôi là tình yêu mở ra, chia sẻ, mời gọi.
Tình
yêu đích thực bao giờ cũng khiêm hạ đợi chờ.
Chúng
ta tự hỏi mình có sẵn sàng mở ra
để
Chúa đi vào thế giới của mình
và
để mình đi vào thế giới của Chúa không?
Cầu
nguyện:
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin
dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin
dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin
dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin
dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài
là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin
cho các kitô hữu chúng con
trở
thành tình yêu
cho
trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết
sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết
quảng đại cho đi
và
khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin
cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở
sâu thẳm lòng chúng con,
và
trong lòng từng con người bé nhỏ.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
4
THÁNG NĂM
Một
Nơi Chốn An Toàn Và Thảnh Thơi
Đức
Kitô tuyên bố Người không chỉ là “mục tử” mà còn là “cửa” cho chiên ra vào nữa
(cf. Ga 10, 7). Như vậy, Người sử dụng hai ẩn dụ khác nhau có sức diễn tả đặc
biệt. Hình ảnh “người mục tử” tương phản với hình ảnh “kẻ làm thuê”. Hình ảnh
“mục tử” khắc họa rõ rệt mối quan tâm sâu sắc của Đức Kitô đối với đàn chiên của
Người, quan tâm đến độ Người đã thí mạng mình để cứu độ chúng ta: “Mục tử tốt
lành hy sinh mạng sống mình cho chiên” (Ga 10, 11). Thư Ê-phê-sô cũng trình bày
tương tự: “Đức Kitô đã yêu mến Giáo Hội. Người đã hiến mình cho Giáo Hội” (Ep
5, 25). Việc của chúng ta là phải nhận hiểu ra rằng Người là Chúa duy nhất của
mình và đi theo “tiếng của Người” (Ga 10, 4), chứ không ngây ngô trao thân gửi
phận cho kẻ làm thuê – vì kẻ làm thuê rốt cục chỉ quan tâm đến tiền lương của
mình, “không lo lắng đến đàn chiên” (Ga 10, 13).
Suy
tư này soi sáng cho chúng ta hiểu ẩn dụ kia – ẩn dụ “cửa” hay “cổng cho chiên
ra vào”. Đức Giêsu nói: “Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu; người ấy sẽ ra vào
và gặp được đồng cỏ” (Ga 10, 9). Người mục tử dẫn chúng ta đến chỗ an toàn và
nghỉ ngơi. Chúng ta có thể vào qua cửa ra vào và gặp được sự an toàn và thư
thái ấy.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
04-5
Cv
17, 15-22- 1,1; Ga 16, 12-15
Lời
suy niệm: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh
em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến,
Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn.”
Chúa
Giêsu luôn muốn con cái của Người biết, hiểu tất cả những lời Người dạy; để đem
ra thực hành trong ngày sống của mình. Nhưng với tâm trí con người có giới hạn.
Nên Người mời gọi tất cả phải hướng về, chờ đợi và đón nhận Thần Khí. Khi Thần
Khí đến Người sẽ ban xuống trên mỗi người những ơn cần thiết giúp cho mỗi người
hiểu và sống đúng với thánh ý Chúa Cha.“Ơn khôn ngoan, Ơn thông hiểu, Ơn Hiểu
biết/thông minh, Ơn lo liệu/chỉ giáo, Ơn sức mạnh, Ơn đạo đức/sùng hiếu, Ơn
kính sợ Thiên Chúa.
Lạy
Chúa Giêsu. Xin ban cho mỗi người chúng con đây mỗi ngày biết mở rộng cánh cửa
tâm hồn mình, để Thần Khí Chúa tràn ngập tâm hồn chúng con.
Mạnh
Phương
04
Tháng Năm
Xin Chúa Tha Thứ Cho Tôi
Sau
thời cách mạng Pháp, trước cửa một nhà thờ tại Balê, người ta thường thấy một
người hành khất với một dáng vẻ lạ thường. Xuyên qua lớp áo rách rưới, ai cũng
có thể nhìn thấy trên vòng cổ của người ăn xin một cây thánh giá nhỏ bằng vàng.
Người
khách quen thuộc nhất của người xấu số này là một vị linh mục trẻ. Vị linh mục
thường đến dâng thánh lễ tại nhà thờ này. Mỗi lần ra khỏi nhà thờ, ông không
quên hỏi han và giúp đỡ người hành khất.
Ngày
nọ, vị linh mục trẻ không còn thấy người ăn xin lảng vảng trước cửa nhà thờ nữa.
Lần mò hỏi thăm, vị linh mục đã tìm đến thăm người hành khất đang trong cơn rét
run vì bệnh tật và đói ăn. Cảm động trước nghĩa cử của vị linh mục, ông ta đã kể
lại cuộc đời của mình như sau: "Khi cách mạng vừa bùng nổ, tôi làm quản
gia cho một gia đình giàu có. Hai vợ chồmg chủ tôi là những người đạo đức, giàu
lòng thương người. Thế nhưng tôi đã phản bội họ. Quân cách mạng tìm cách bắt họ.
Hai vợ chồng và hai đứa con của họ đã bị bắt giữ và kết án tử hình. Chỉ còn người
con trai duy nhất là thoát khỏi".
Nghe
đến đây, vị linh mục như muốn té xỉu, nhưng ông đã cố gắng giữ bình tĩnh để
nghe tiếp câu chuyện của người hành khất: "Tôi nhìn họ leo lên đoạn đầu
đài và thản nhiên theo dõi cảnh người ta chém đầu họ. Tôi quả thực là một quái
vật khát máu... Từ đó, tôi không thể nào có sự bình an trong tâm hồn. Tôi bắt đầu
đi lang thang khắp các ngả đường để quên tội ác của mình. Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh
của gia đình họ trong túi áo này đây. Cây thánh giá tôi đang treo ở đầu giường
là của người chồng, còn chiếc thánh giá bằng vàng tôi đeo trên cổ đây là của
người vợ... Xin Chúa tha thứ cho tôi".
Vừa
nghe xong những dòng tâm sự và cũng là lời tự thú của người hành khất, vị linh
mục trẻ đã quỳ gối xuống bên cạnh chiếc giường của người hấp hối và thay cho một
công thức giải tội, ông đã nói như sau: "Tôi chính là người con trai còn sống
sót trong gia đình. Ðại diện cho gia đình và với tư cách là một linh mục, tôi
tha thứ cho ông nhân danh Cha và Con và Thánh Thần...".
Câu
chuyện tha thứ trên đây là một trong những mẩu chuyện đã và đang xảy ra ở mọi
thời đại và mọi nơi. Giữa sa mạc cằn cỗi của lòng người, Thiên Chúa vẫn còn cho
mọc lên những hoa trái của yêu thương, tha thứ. Tha thứ là vẻ đẹp thanh tú cao
sang nhất của lòng người...
Sự hiện
diện của bà Muzeyen Agca tại Roma dạo tháng 02/1987 nhắc lại cho chúng ta một
biến cố vô cùng đau thương, nhưng cũng gợi lại một nghĩa cử vô cùng cao quý của
vị Cha chung. Ngày 13/5/1981, giữa lúc hàng ngàn người đang chen chúc tại công
trường thánh Phêrô để chờ đón Ðức Gioan Phaolô II, thì một tiếng nổ chát chúa
vang lên từ đám đông đã làm cho mọi người như đứng tim. Ðức Thánh Cha đã gục
ngã trên chiếc xe Jeep mui trần, máu me vọt lên tung téo. Lần đầu tiên trong lịch
sử nhân loại, một vị Giáo Hoàng bị mưu sát.
Ali
Agca, thủ phạm chính của vụ mưu sát, đã bị bắt giữ ngay sau đó. Người thanh
niên Thổ Nhĩ Kỳ này đã bị giam giữ tại nhà tù Rebibbia ở Roma. Biến cố đẫm máu
trên đây đã ghi đậm sự thù hận đang sôi sục trong lòng người... Nhưng thế giới
không chỉ được nung náu bằng lò lửa của hận thù. Thiên Chúa đã tạo dựng con người
để yêu mến và tha thứ...
Năm
1984, một biến cố khác đã làm chấn động dư luận thế giới: Ðức Gioan Phaolô II
đã đích thân đến nhà giam Rebibbia để nói chuyện với Ali Agca và tha thứ cho
anh. Không ai biết hai bên đã trao đổi những gì, nhưng ai cũng cảm động trước cảnh
tượng kẻ sát nhân và người bị mưu sát đã bắt tay nhau và trao cho nhau ánh mắt
của tha thứ, của hòa giải...
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét