10/05/2016
Thứ Ba tuần 7 Phục Sinh
Bài Ðọc
I: Cv 20, 17-27
"Tôi đi cho hết quãng đường đời và hoàn tất nhiệm
vụ rao giảng lời Chúa".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, từ Milê, Phaolô sai người đi
Êphêxô mời các trưởng giáo đoàn đến. Khi họ đến với ngài và hội họp, ngài nói với
họ: "Các ông biết ngay tự ngày đầu khi tôi vào đất Tiểu Á, tôi đã cư xử thế
nào với các ông trong suốt thời gian đó, tôi hết lòng khiêm nhường phụng sự
Chúa, phải khóc lóc và thử thách do người Do-thái âm mưu hại tôi. Các ông biết
tôi không từ chối làm một điều gì hữu ích cho các ông, tôi đã rao giảng và dạy
dỗ các ông nơi công cộng và tại tư gia, minh chứng cho người Do-thái và dân ngoại
biết phải hối cải trở về với Thiên Chúa, phải tin Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng
ta. Và giờ đây được Thánh Thần bắt buộc đi Giêrusalem mà không biết ở đó có những
gì xảy đến cho tôi, chỉ biết là từ thành này qua thành khác, Thánh Thần báo trước
cho tôi rằng: xiềng xích và gian lao đang chờ tôi ở Giêrusalem. Nhưng tôi không
sợ chi cả, không kể mạng sống tôi làm quý, miễn là tôi đi cho hết quãng đường đời
và hoàn tất nhiệm vụ rao giảng lời Chúa mà tôi đã lãnh nhận nơi Chúa Giêsu là
làm chứng về Tin Mừng ơn Thiên Chúa. Và giờ đây, tôi biết rằng hết thảy các ông
là những người được tôi ghé qua rao giảng nước Thiên Chúa, các ông sẽ chẳng còn
thấy mặt tôi nữa. Vì thế hôm nay tôi quả quyết với các ông rằng: tôi trong sạch
không dính máu người nào cả. Vì chưng, tôi không trốn tránh, khi phải rao giảng
cho các ông mọi ý định của Thiên Chúa".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 67, 10-11. 20-21
Ðáp: Chư quốc
trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa (c. 33a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Ôi Thiên Chúa, Ngài làm mưa ân huệ xuống
cho dân Ngài, và khi họ mệt mỏi, Ngài đã bổ dưỡng cho. Ôi Thiên Chúa, đoàn
chiên Ngài định cư trong xứ sở, mà do lòng nhân hậu, Ngài chuẩn bị cho kẻ cơ bần.
- Ðáp.
2) Chúc tụng Chúa ngày nọ qua ngày kia. Thiên Chúa
là Ðấng cứu độ, Ngài vác đỡ gánh nặng chúng ta. Thiên Chúa chúng ta là Thiên
Chúa cứu độ, Chúa là Thiên Chúa ban ơn giải thoát khỏi tay tử thần. - Ðáp.
Alleluia:
Ga 14, 16
Alleluia, alleluia! - Thầy sẽ xin cùng Cha, và Người
sẽ ban cho các con Ðấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. -
Alleluia.
Phúc
Âm: Ga 17, 1-11a
"Lạy Cha, xin hãy làm vinh hiển Con Cha".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và nói:
"Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy làm vinh hiển Con Cha, để Con Cha làm vinh
hiển Cha. Vì Cha đã ban cho Con quyền trên mọi huyết nhục, để con cũng ban sự sống
đời đời cho mọi kẻ Cha đã giao phó cho Con. Sự sống đời đời chính là chúng nhận
biết Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật, và Ðấng Cha đã sai, là Giêsu Kitô.
"Con đã làm vinh hiển Cha dưới đất, Con đã chu
toàn công việc mà Cha đã giao phó cho Con. Giờ đây, lạy Cha, xin hãy làm cho
Con được vinh hiển nơi Cha với sự vinh hiển mà Con đã có nơi Cha, trước khi có
thế gian. Con đã tỏ danh Cha cho mọi kẻ Cha đã đưa khỏi thế gian mà ban cho
Con. Chúng thuộc về Cha, và Cha đã ban chúng cho Con, và chúng đã tuân giữ lời
Cha. Bây giờ chúng biết rằng những gì Cha ban cho Con, đều bởi Cha mà ra. Vì những
lời Cha ban cho Con thì Con đã ban cho chúng và chúng đã lãnh nhận, và biết
đích thực rằng Con bởi Cha mà ra, và chúng tin rằng Cha đã sai Con.
"Con cầu xin cho chúng, Con không cầu xin cho
thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con, bởi vì chúng là của Cha. Và mọi
sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con, và Con đã được vinh
hiển nơi chúng. Con không còn ở thế gian nữa, nhưng chúng vẫn còn ở thế gian,
phần Con, Con về cùng Cha".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Cầu Nguyện Cho Mình Và Môn Ðệ
"Nói thế rồi Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và cầu
nguyện: Lạy Cha, xin hãy tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha".
Sau khi nói chuyện và dạy dỗ các Tông Ðồ, Chúa Giêsu
ngước mắt lên lên trời và cầu nguyện với Chúa Cha. Cả chương này là kinh cầu
nguyện của Chúa Giêsu, thường lệ được gọi là kinh cầu nguyện cho chức vụ tư tế.
Vì trong những lời cầu nguyện ấy, Chúa Giêsu đặc biệt cầu nguyện cho các tư tế
của Người là các Tông đồ lúc đó và các Tông đồ bây giờ là hàng giáo sĩ. Người
cũng cầu nguyện cho hàng giáo dân chúng ta, vì khi rửa tội chúng ta cũng được
tham dự vào chức tư tế phổ quát của Chúa Giêsu.
Thay cho lời cầu nguyện thầm lặng, Chúa Giêsu ngước
mắt lên trời và lớn tiếng cầu nguyện cốt để dạy cho các Tông đồ và cho chúng ta
biết cầu nguyện. Trong bữa Tiệc ly, nghĩa là trong bài nói chuyện với các Tông
đồ và trong kinh nguyện cho chức vụ tư tế này, Chúa Giêsu đã nói đến Chúa Cha rất
nhiều lần, đếm được cả thảy 45 lần, để như là kéo chúng ta đến với Chúa Cha,
qui tất cả về Cha. Ngài cho biết rằng Ngài được Chúa Cha sai đến để làm công việc
của Cha. Ðây cũng là dịp nhắc nhở chúng ta đến với Chúa Cha không phải như Ðấng
có quyền phép mà chúng ta đứng từ xa nhìn và run sợ, song như là một người Cha
hiền lành và nhân từ. Và hôm nay trong bữa Tiệc Ly, Chúa Cha như một Cha già ngồi
giữa đoàn con chung quanh bàn tiệc, Người Cha yêu thương con cái, muốn ở giữa
con cái mình và muốn ban cho họ hạnh phúc trọn vẹn, nghĩa là muốn cho họ được sống
đời đời.
Trước Năm Thánh 2000, năm 1999 là năm cuối dành đặc
biệt để tôn vinh Chúa Cha. Chúng ta hãy đặc biệt ca ngợi và tôn vinh Chúa Cha.
Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. Như Chúa Con tôn vinh Cha,
chúng ta cũng hãy tôn vinh Chúa Cha và Chúa Con. Không phải vì nhờ chúng ta tôn
vinh mà Thiên Chúa mới được tôn vinh, song vì chúng ta được dựng nên là để tôn
vinh Người bằng chính cuộc sống của mình, như chim ca hót, sông cá reo vui
v.v... Chúng ta cũng hãy dâng tất cả cuộc đời mình để tôn vinh Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha: "Phần Con, Con
đã tôn vinh Cha ở dưới đất, đã hoàn tất công trình Cha trao phó". Chúng ta
cũng vậy, hãy hoàn tất công trình của Thiên Chúa bằng cách làm theo ý Người ở
giữa trần gian. Muốn thực thi ý Người, chúng ta hãy lắng nghe và vâng lời Người
dạy bảo, chúng ta hãy tìm hiểu ý Người trong mọi công việc quan trọng, khi quyết
định một việc gì hay khi phải lựa chọn một điều chi, chúng ta phải tự hỏi:
"Nếu là Chúa Giêsu thì Ngài đã làm thế nào? Tôi làm điều này vừa ý Người
hay không?" Mỗi ngày ta đọc kinh Lạy Cha và lặp lại nhiều lần "chúng
con nguyện danh Cha cả sáng ở dưới đất cũng như trên trời", nhưng sự thật
chúng ta làm theo ý mình hơn ý Chúa, làm theo ước muốn và tính toán nhỏ mọn của
mình hơn là làm theo ý muốn của Chúa, như vậy không phải là làm sáng danh Chúa
mà làm theo cái tôi ích kỷ của mình.
Qua đoạn Tin Mừng trên, chúng ta biết rằng làm theo
ý Chúa là làm cho mọi người nhận biết Cha, nhận biết Chúa Giêsu là Ðấng Cha đã
sai đến, có nghĩa là làm việc Tông đồ và rao giảng cho mọi người chưa nhận biết
hay còn thờ ơ với Chúa, vì thế mà chúng ta phải rao giảng Lời Chúa bằng lời nói
cũng như bằng chính cuộc sống của chúng ta. Khi còn nhỏ chúng ta hay chơi trò
thảy bổng lên những chiếc lá vàng khô để nó bay theo chiều gió, để biết gió thổi
về hướng nào, nên bây giờ chúng ta cũng quăng lên trên không những việc làm của
chúng ta giống như những chiếc lá vàng kia, thì thấy nó sẽ bay theo ý Chúa hay
nó lại bay khắp phương theo ước muốn và những dục vọng của chúng ta. Ðó là điều
chúng ta cần trung thành xét lại trước mặt Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, khi đến giờ Chúa gọi con và con phải
ra đi trình diện, xin cho con nói được như Chúa rằng: "Lạy Cha giờ đã đến,
xin Cha hãy tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. Con đã tôn vinh Cha ở dưới
đất và hoàn tất công việc Cha đã trao cho Con làm suốt đời, Con đã cố gắng và
làm theo ý Cha". Amen.
Veritas
Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Ba
Tuần VII PS
Bài đọc: Acts 20:17-27:
Jn 17:1-11.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nhìn lại công cuộc rao giảng Tin Mừng
Thiên Chúa không ngừng gởi những mục tử tốt lành đến
để dạy dỗ, yêu thương, và hy sinh cả cuộc đời cho con người. Mục đích của Thiên
Chúa khi gởi các sứ giả tới là làm cho con người nhận ra và tin vào tình yêu của
Ngài và của Đức Kitô. Điều quan trọng là con người có biết nhận ra và đáp trả
tình yêu Thiên Chúa qua những sứ giả đó không? Nếu biết nhận ra, con người sẽ
biết bảo vệ món quà đức tin vô giá mà những mục tử này đã trao cho họ; nếu
không biết nhận ra, họ sẽ tiếp tục đi trong tối tăm và không đường biết hướng về
đâu.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta hai mẫu gương tuyệt
vời của hai người chủ chăn đã hy sinh cuộc đời để làm trọn thánh ý Chúa và mưu
cầu lợi ích cho tha nhân. Cả hai đều bình an và hài lòng vì mình đã làm tất cả
những gì Thiên Chúa trao, và sẵn sàng can đảm đối phó với tương lai nguy hiểm
đang tới. Trong Bài Đọc I, Phaolô triệu tập giới lãnh đạo trong cộng đòan
Ephesô để nói những lời từ giã tâm huyết với họ trước khi lên đường về
Jerusalem để chịu xiềng xích. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng tập họp các Tông-đồ
để nói những lời sau cùng và cầu nguyện cho các ông trước khi vào Vườn Cây Dầu
để bắt đầu Cuộc Thương Khó của Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Nếu có ai trong anh em phải hư mất, thì tôi vô can.
1.1/ Phaolô nhìn lại các hoạt động đã làm và từ giã
Hội Thánh Ephesus: Ông đã trung thành trong bổn phận rao giảng Tin Mừng Thiên
Chúa trao: "Anh em biết tôi đã không bỏ qua một điều gì có ích cho anh em;
trái lại tôi đã giảng cho anh em và dạy anh em ở nơi công cộng cũng như tại chốn
tư gia. Tôi đã khuyến cáo cả người Do-thái lẫn người Hy-lạp phải trở về với
Thiên Chúa, và tin vào Đức Giêsu, Chúa chúng ta." Ông đã vui lòng chịu
gian khổ cho việc rao giảng Tin Mừng: "Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng
khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách do những âm mưu của
người Do-thái."
1.2/ Phaolô nhìn thấy con đường gian khổ sắp tới
nhưng vẫn can đảm tiến tới: Ông luôn sẵn sàng sống theo những hướng dẫn của
Thánh Thần: "Giờ đây, bị Thần Khí thúc đẩy, tôi về Jerusalem, mà không biết
những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì
Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi
tôi." Tuy biết như thế, nhưng ông sẵn sàng hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống
để làm chứng cho Tin Mừng: "Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng
giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa
Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa."
1.3/ Phaolô trao Hội Thánh Ephesô lại cho các kỳ mục
với lời răn dạy: Nói những lời trên, Phaolô không có ý kể công, nhưng muốn cho
Hội Thánh Ephesô nhìn thấy đức tin họ có được là do công lao khó nhọc của những
nhà rao giảng. Vì thế, ông nhấn mạnh họ có bổn phận phải gìn giữ và làm cho đức
tin ngày càng tăng trưởng: "Giờ đây tôi biết rằng: tất cả anh em, những
người tôi đã đến thăm để rao giảng Nước Thiên Chúa, anh em sẽ không còn thấy mặt
tôi nữa. Vì vậy, hôm nay tôi xin tuyên bố với anh em rằng: nếu có ai trong anh
em phải hư mất, thì tôi vô can. Thật tôi đã không bỏ qua điều gì, trái lại đã
rao giảng cho anh em tất cả ý định của Thiên Chúa."
2/
Phúc Âm: Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ trước Cuộc Thương Khó.
2.1/ Chúa Giêsu kiểm điểm Kế Hoạch Cứu Độ mà Chúa
Cha đã trao cho Ngài để hoàn thành: Như một nhà lãnh đạo khôn ngoan luôn làm chủ
tình thế, Chúa Giêsu ngồi kiểm điểm những gì đã, đang và sẽ xảy ra.
(1) Nhìn về tương lai sắp tới: Cuộc Thương Khó gần kề,
nhưng Chúa Giêsu biết lúc Ngài bị treo trên Thập Giá là lúc Kế Họach Cứu Độ được
hoàn thành, nên Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện: "Lạy Cha, giờ
đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha."
(2) Mục đích của Kế-hoạch là để mang lại ơn cứu độ
cho con người: "Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là
để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống
đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết
Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô." Biết Cha và biết Con là điều kiện để
đạt được cuộc sống đời đời. Động từ "biết" theo Do-thái không chỉ lý
thuyết, nhưng phải thực thi những gì Thiên Chúa đòi hỏi.
(3) Nhìn về quá khứ: Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ
biết Thiên Chúa và tin vào Ngài được Chúa Cha sai đến: "Những kẻ Cha đã chọn
từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha,
Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha. Giờ đây, họ biết rằng tất cả
những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban
cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ
đã tin là Cha đã sai con."
Chúa Giêsu biết Ngài đã hoàn tất bổn phận mặc khải
và dạy dỗ các môn đệ. Giờ đây, Ngài phải vượt qua gian khổ cuối cùng để hoàn tất
Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, là chấp nhận con đường Tử Nạn và chịu treo trên
Thập Giá.
2.2/ Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ: "Con
cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã
ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha." Các môn đệ là quà tặng của Chúa Cha
ban cho Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu là quà tặng của Chúa Cha ban cho con người.
Con người là sở hữu chung của cả Chúa Cha và Chúa Giêsu.
Giống như học trò thành công làm thầy dạy được nở mặt
nở mày, hay bệnh nhân được chữa khỏi làm vinh danh bác sĩ, con người là lý do
Chúa Giêsu được tôn vinh: Vì con người, Chúa Giêsu có cơ hội vâng lời Chúa Cha
và chinh phục con người về cho Chúa Cha.
Khi còn sống trong thế gian, Chúa Giêsu đã bảo vệ những
kẻ Chúa Cha ban cho Ngài. Giờ đây, Ngài phải từ giã họ, nên cầu xin với Chúa
Cha để Ngài bảo vệ họ khỏi mọi nguy hiểm của thế gian: "Con không còn ở
trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng
Cha."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa và vào Đức
Kitô bảo đảm cho chúng ta phần rỗi đời đời. Đức tin này có được là do sự dạy dỗ
và giá máu của Đức Kitô, của các Tông-đồ, của các thánh, và của tổ tiên chúng
ta qua các thời đại; chứ không phải tự nhiên mà chúng ta có.
- Mỗi người chúng ta, sau khi đã lãnh nhận đức tin,
đều có hai bổn phận: (1) làm cho đức tin ngày một vững mạnh, và (2) loan truyền
Tin Mừng cho người khác.
- Chúng ta cần phải năng nhìn lại hai bổn phận này để
xét xem: đức tin của chúng ta đã tăng trưởng tới đâu, và chúng ta đã hoàn thành
sứ vụ Thiên Chúa trao trong việc rao giảng Tin Mừng cho mọi người, nhất là những
người trong gia đình và cộng đòan của chúng ta chưa?
Lm.
Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
10/05/16 THỨ BA TUẦN 7 PS
Ga 17,1-11
Ga 17,1-11
Suy niệm: Trong các sách Tin Mừng Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca,
tuy có tường thuật nhiều lần Chúa Giê-su cầu nguyện với Chúa Cha, nhưng không nói đến nội dung những lời cầu nguyện của Chúa Giê-su. Chỉ trong sách Tin Mừng theo thánh Gio-an, nội dung này được nói rõ. Ở trong đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gio-an cho tín hữu hiểu và học cách cầu nguyện của Chúa Giê-su với Chúa Cha. Chúa Giê-su tôn
vinh Chúa Cha bằng cách thực hiện ý muốn của Chúa Cha. Vì thế, trong mọi cơ hội, kể cả khi phải chịu nỗi đau phản bội của Giu-đa, Chúa Giê-su luôn
trung thành thực hành thánh ý của Chúa Cha để mọi người biết đến Danh Chúa Cha mà tôn vinh
Chúa Cha. Ngài ý thức rất rõ, khi “hoàn tất công trình Cha đã giao”, đó
là tôn vinh Cha. Vinh danh Chúa Cha là niềm say mê của Chúa
Giê-su và đó cũng phải là niềm say mê của mọi Ki-tô hữu.
Mời Bạn: Thánh Phao-lô đã khuyên nhủ các tín hữu: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31). Bạn đang làm gì hằng ngày? Những lúc ấy bạn có chú tâm sống theo lời Chúa dạy để làm vinh danh Thiên Chúa không? Theo thánh I-rê-nê, tôn vinh Thiên Chúa là sự sống của con người.
Sống Lời Chúa: Mỗi sáng thức dậy, bạn dâng lên Chúa một việc làm với mục đích làm sáng danh Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã soi sáng cho con hiểu thế nào là tôn vinh Thiên Chúa và đã làm gương cho con biết làm thế nào để tôn vinh Ngài. Xin cho con theo gương Chúa luôn.
Con cầu nguyện cho họ
Hãy đi vào tâm tình yêu thương của Thầy Giêsu đối với các môn đệ. Hãy nghe lời cầu nguyện của Ngài cho chúng ta...
Suy
niệm:
Trong
các sách Tin Mừng Nhất Lãm, trước khi bị bắt,
Đức
Giêsu đã cầu nguyện trong xao xuyến ở núi Cây Dầu.
Còn
trong Tin Mừng Gioan, Ngài đã cầu nguyện trước khi đến đó.
Hôm
nay Giáo hội bắt đầu cho ta nghe lời nguyện long trọng này
mà
Ngài dâng lên Chúa Cha, trước mặt các môn đệ trong bữa Tiệc ly.
Đức
Giêsu không một chút xao xuyến trước cái chết gần kề.
Cả
các môn đệ cũng như được nâng lên một tầm cao mới.
Đức
Giêsu vẫn bắt đầu lời nguyện bằng tiếng Abba quen thuộc.
Ngài
như muốn tóm kết công việc Cha giao phó,
đó là
việc tôn vinh Cha qua cuộc sống trên trần gian này (c. 4).
Bây
giờ đã đến giờ Ngài về với Cha, nên Ngài nài xin:
“Xin
Cha tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha” (c. 1).
Cái
chết tự hạ trên thập giá là cử chỉ vâng phục vì yêu thương của Con,
là cử
chỉ cao nhất của Con nhằm tôn vinh Cha.
Nhưng
tất cả không ngừng lại với thập giá,
vì
Cha sẽ tôn vinh Con qua sự phục sinh vinh hiển.
Đức
Giêsu được trao quyền năng trên mọi người (c. 2).
Ngài
có thể ban sự sống đời đời
cho
những ai nhận biết Cha và Con là người được Cha sai (c. 3).
Lời
nguyện của Đức Giêsu đặc biệt hướng về các môn đệ
mà
Ngài coi là quà tặng quý giá của Cha cho đời mình.
Nhiều
lần Ngài nhấn mạnh họ là quà tặng (cc. 2. 6. 7. 9).
Đức
Giêsu đã từng coi các môn đệ là những kẻ thuộc về Ngài (Ga 13, 1).
Nhưng
Ngài lại không phủ nhận việc họ là người thuộc về Cha (cc. 6. 9).
Môn đệ
thật là của chung giữa Cha và Con (c. 10).
Họ là
những người được Cha chọn từ thế gian (c.6)
tuy họ
vẫn ở trong thế gian (c.11).
Trong
giây phút sắp đến cùng Cha, sắp được hưởng vinh quang bên Cha,
Đức
Giêsu dâng lời cầu nguyện cho họ (c. 9),
những
người còn phải chịu nhiều gian nan thử thách ở đời.
Khi
còn sống với họ, Ngài đã cho họ biết Danh Cha (c. 6),
Ngài
còn ban cho họ lời mà Ngài đã nhận từ Cha.
Khi
đón nhận những lời ấy, họ biết Ngài từ Cha mà đến
và
tin Ngài là người Cha sai (c. 8).
Hãy
đi vào tâm tình yêu thương của Thầy Giêsu đối với các môn đệ.
Hãy
nghe lời cầu nguyện của Ngài cho chúng ta.
Hôm
nay Đức Giêsu vẫn tiếp tục lời cầu nguyện tha thiết ấy.
Cầu
nguyện:
Lạy Cha,
Cha
muốn cho mọi người được cứu độ
và
nhận biết chân lý,
chân
lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.
Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người
chưa
nhận biết Đức Giêsu,
họ
cũng là những người đã được cứu chuộc.
Xin Cha thôi thúc nơi chúng con
khát
vọng truyền giáo,
khát
vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,
niềm
vui và bình an của mình cho tha nhân,
và
khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.
Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực
trước
sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
để
loan báo Tin Mừng.
Chúng
con chỉ xin đến
với
những người bạn gần bên,
giúp
họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài,
qua
đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.
Chúng con cũng cầu nguyện
cho
tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.
Xin Cha cho những cố gắng của chúng con
sinh nhiều hoa trái. Amen.
Lm
Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
10
Tháng Năm
Bàn Tay Phải Của Chúa Giêsu
Có
rất nhiều giai thoại kể về những tượng thánh giá cổ xưa... Tại một nhà thờ bên
Tây Ban Nha, có một tượng thánh giá cổ rất đặc biệt. Cánh tay trái của Chúa
Giêsu vẫn còn đóng vào gỗ giá, nhưng cánh tay mặt thì rời ra và đưa đến phía
trước trong tư thế ban phép lành.
Người
Tây Ban Nha kể về nguồn gốc của tượng thánh giá này như sau: Một hôm có một tội
nhân đến xưng tội với vị linh mục chính xứ ngay dưới cây thánh giá này. Như thường
lệ, mỗi khi giải tội cho một tội nhân có quá nhiều tội nặng, vị linh mục này
tthường tỏ ra rất nghiêm khắc. Ngài ra việc đền tội nặng cũng như ngăm đe nhiều
điều.
Tội
nhân ra về, lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng tính nào tật ấy, không bao lâu, người
đó sa ngã lại. Lần này, sau khi anh xưng thú tội lỗi, vị linh mục lại đe dọa
như sau: "Ðây là lần cuối cùng tôi giải tội cho ông".
Nhiều
tháng trôi qua, tội nhân lại đến quỳ dưới chân linh mục cũng bên dưới cây thánh
giá và lại xin ơn tha thứ một lần nữa. Nhưng lần này, vị linh mục đã dứt khoát.
Ngài trả lời: "Ông đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội
cho ông nữa".
Nhưng
lạ lùng thay, khi vị linh mục vừa khước từ tội nhân, thì ông bỗng nghe một tiếng
thì thầm từ bên thánh giá. Bàn tay phải của Chúa Giêsu bỗng được rút ra khỏi
thánh giá và ban phép lành cho hối nhân. Và vị linh mục nghe được tiếng thì thầm
ấy như sau: "Chính ta là người đã đổ máu ra cho người này, chứ không phải
ngươi".
Từ
đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ấy, như không ngừng mời gọi
con người đến để ban ơn tha thứ...
Kinh
Thánh thuật lại rằng trong cuộc hành trình tiến về đất hứa, khi đi qua giữa sa
mạc, dân Israel đã bị rắn cắn. Môi sen đã sai đúc một con rắn đồng và treo lên
một ngọn cây để tất cả những ai bị rắn cắn, nhìn vào con rắn đồng ấy đều được
chữa lành...
Chúa
Giêsu cũng mời gọi chúng ta nhìn lên thập giá của Ngài.
Nhìn
lên thập giá của Ngài để thấy được án phạt của tội lỗi.
Nhìn
lên thập giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa.
Phải,
bên kia sự độc ác của tội lỗi, Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta nhìn thấy được tình
yêu của Thiên Chúa: một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên
trên mọi tư tưởng, mọi tiêu chuẩn phán đoán, mọi khát vọng của chúng ta.
Nhìn
lên thập giá Chúa không phải để thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi, mà trái lại
để cảm mến được hồng ân bao la của Chúa, để cho tâm hồn được phấn khởi, tin yêu
hơn...
Nhìn
lên thập giá Chúa để cảm mến được ơn tha thứ của Ngài, chúng ta cũng được mời gọi
để cảm thông, để tha thứ hơn đối với người anh em của chúng ta. Càng nhận ra được
tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta còn được mời để gọi tha thứ nhiều hơn. Còn
tha thứ nhiều hơn, chúng ta còn dễ cảm mến được ơn tha thứ của Chúa...
Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét