11/05/2016
Thứ Tư tuần 7 Phục Sinh
Bài Ðọc
I: Cv 20, 28-38
"Tôi
xin ký thác các ông cho Thiên Chúa, Ðấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các
ông được dự phần gia nghiệp".
Trích
sách Tông đồ Công vụ.
Trong
những ngày ấy, Phaolô nói với các trưởng giáo đoàn Êphêxô rằng: "Các ông
hãy thận trọng, và săn sóc đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt các ông làm giám quản
điều khiển giáo đoàn của Chúa đã được Người cứu chuộc bằng máu. Phần tôi, tôi
biết rằng sau khi tôi đi rồi, sẽ có những sói dữ đột nhập giữa các ông, chúng
không dung tha đoàn chiên; và ngay giữa các ông sẽ có những kẻ ăn nói xảo trá nổi
dậy để lôi kéo các môn đồ theo họ. Vì thế, các ông hãy tỉnh thức, và nhớ rằng
trong ba năm trời, đêm ngày tôi không ngừng sa lệ mà khuyên bảo từng người. Và
bây giờ, tôi xin ký thác các ông cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người,
Người là Ðấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia nghiệp
làm một với tất cả mọi người đã được thánh hoá. Tôi đã không ham muốn bạc,
vàng, hay y phục của ai hết, như chính các ông đã biết. Những đồ gì tôi và những
kẻ ở với tôi cần dùng, thì chính hai bàn tay này đã làm ra. Bằng mọi cách, tôi
đã chỉ bảo cho các ông rằng phải làm việc như vậy, để nâng đỡ những người yếu
đuối, và ghi nhớ lời Chúa Giêsu đã phán: "Cho thì có phúc hơn là nhận"."
Nói
xong, ngài quỳ xuống cầu nguyện với mọi người. Ai nấy đều khóc lớn tiếng, và ôm
cổ Phaolô mà hôn, họ đau buồn nhất là vì lời ngài vừa nói rằng họ sẽ không còn
thấy mặt ngài nữa. Rồi họ tiễn đưa ngài xuống tàu.
Ðó là
lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 67, 29-30. 33-35a. 35b-36c
Ðáp: Chư quốc trần ai, hãy ca khen
Thiên Chúa (c. 33a).
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Ôi Thiên Chúa, xin tỏ ra quyền năng của Chúa. Ôi Thiên Chúa, xin củng cố sự
việc Chúa đã làm cho chúng con! Vì thánh đài của Chúa ở Giêrusalem, các vua sẽ
tiến dâng Ngài lễ vật. - Ðáp.
2)
Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa, hãy xướng lên bài ca mừng Chúa, mừng
Ðấng ngự giá qua cõi trời, cõi trời ngàn thu! Kìa Ngài lên tiếng, tiếng nói quyền
năng: "Các ngươi hãy nhìn biết quyền năng Thiên Chúa". - Ðáp.
3)
Oai nghiêm Ngài chiếu giãi trên Israel, và quyền năng Ngài trên cõi nước mây. Từ
thánh điện của Ngài, Thiên Chúa đáng tôn sợ. Thiên Chúa của Israel, chính Ngài
ban cho dân Ngài được quyền năng và mãnh lực. - Ðáp.
Alleluia:
Mt 28, 19 và 20
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng
các con mọi ngày cho đến tận thế". - Alleluia.
Phúc
Âm: Ga 17, 11b-19
"Ðể
chúng được nên một như Ta".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy,
Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: "Lạy Cha chí thánh, xin hãy
gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như
Ta. Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những
kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ ra con người
hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. Bây giờ Con về cùng Cha, và Con nói
những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con
trong lòng.
"Con
đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế
gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin Cha đem chúng ra khỏi
thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc về thế
gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng trong chân
lý: lời Cha là chân lý. Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai
chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được
thánh hoá trong chân lý".
Ðó là
lời Chúa.
Suy Niệm: Thánh Trong Chân Lý
Khi đọc
đoạn Phúc Âm trên, chúng ta thấy Chúa Giêsu cầu nguyện nhiều lần và có lần như
thánh Luca kể lại "Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm". Phúc âm đã kể
lại một vài câu kinh ngắn mà Chúa Giêsu cầu nguyện, chỉ có lần này thánh Gioan
kể lại câu kinh rất dài và tỉ mỉ của Chúa Giêsu. Ðiều đặc biệt hơn nữa là khi
nói đến cầu nguyện, chúng ta nghĩ là mình cùng cầu nguyện với Chúa Giêsu và cầu
nguyện cùng Thiên Chúa Cha qua Chúa Giêsu. Còn ở đây, chính Chúa Giêsu cầu nguyện
và cầu nguyện vơí Chúa Cha cho chúng ta, cho các tông đồ và những người theo
Chúa sau này. Phải! Chúa Giêsu cầu nguyện cho các tông đồ lúc bấy giờ, đồng thời
Ngài còn cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài trong tương lai. Ngài cũng cầu nguyện
cho chúng ta khi chúng ta nghe những lời dạy của các tông đồ và các Ðấng kế vị
các tông đồ và Ngài cũng cầu nguyện cho tất cả những người theo đạo Chúa Giêsu.
Người nói: "Con không chỉ cầu cho những người này, nhưng còn cho những ai
nhờ họ mà tin vào Con".
Tại
sao Người cầu nguyện cho các Tông đồ? Vì Người sắp về cùng Cha Người, các tông
đồ còn ở lại, các ông đã được Ngài sống ở bên và gìn giữ. Bây giờ Người ra đi,
nhưng họ còn ở lại trên trần gian để tiếp tục sứ mệnh của Người. Người lo cho họ
là phải, vì Người nói rằng: "Bởi họ không thuộc về thế gian này nên thế
gian ghét họ" (Ga 15,18); các tông đồ còn phải bị bắt bớ, nhất là Người e
ngại họ phải sa ngã.
Vậy
Người xin điều gì với Chúa Cha? Ðiều gì làm Ngài bận tâm hơn hết cho các Tông đồ
lúc đó và cho ta sau này? Thì đây Người đã cầu nguyện ba lần:
* Cầu
cho họ được hiệp nhất trong tình thương.
* Cầu
cho họ khỏi bị bách hại.
* Cầu
cho họ được thánh hiến trong sự thật.
- Thứ
nhất: Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các tông đồ được hiệp nhất trong tình thương
"Lạy Cha Chí Thánh, xin gìn giữ chúng nhờ danh Cha mà Cha đã ban cho Con để
chúng nên một như Chúng Ta" (Ga 17,11.21-23). Người muốn cho họ hiệp nhất
trong tình thương để khi nhìn họ, người ta biết được họ là môn đệ của Người
"cứ dấu này mà người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy là nếu các con
yêu thương nhau" (Ga 13,35), đó là cách tín nhiệm Người hơn hết.
Tình
thương ấy phải vô điều kiện và cao thượng, tình thương mà Người đã biểu lộ là
yêu đến chết và dám chết cho người mình yêu "không có lòng mến nào lớn hơn
là thí mạng sống cho người mình yêu" (Ga 15,13). Và nếu biết rằng yêu là
dám chết cho người mình yêu, thì ở đây yêu là đưa người mình yêu được hiểu biết
và nhìn nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa, để nhờ đó được hạnh phúc trọn vẹn, tức
là được hưởng sự sống đời đời. Chúa Giêsu cũng nêu gương hiệp nhất để họ noi
theo, đó là gương hiệp nhất giữa Ngài và Thiên Chúa Cha: "Lạy Cha Chí
Thánh, xin hiệp nhất để họ nên một như Chúng Ta là một".
- Thứ
đến: Chúa Giêsu cầu nguyện để gìn giữ cho các Tông đồ và chúng ta sau này khỏi
bị ác hại bởi thần dữ. Nói đến ác thần và sự dữ, Chúa Giêsu không những nhớ đến
chúng ta phải chịu những đau khổ thử thách hay kể cả bị bắt bớ, vì Người đã biết
và nói trước "thế gian ghét anh em, vì Thầy đã chọn anh em và tách anh em
ra khỏi thế gian, vì thế mà thế gian ghét anh em" (Ga 15,18-21). Sống
trong tội lỗi là mất thân tình với Thiên Chúa, là xa rời Thiên Chúa, như vậy là
phá vỡ sự hiệp thông vơí Chúa và trong Chúa.
- Sau
đó, Người cầu cho họ được thánh hiến trong sự thật: "Xin Cha dùng Chân Lý
Cha mà cho họ nên thánh, Lời Cha tức là Chân Lý, Cha đã sai Con xuống thế làm
sao, Con cũng sai họ đến cùng thế gian như vậy. Chính vì họ mà Con đã tự thánh
hiến, ngõ hầu họ cũng được thánh hiến trong Chân Lý" (Ga 17,17-19). Chữ
"thánh hiến" ở đây đa số các nhà bình giải Thánh Kinh hiểu là thánh
hóa và hiến tế Chính Chúa Giêsu hiến thánh chính mình làm lễ vật để kính tiến
lên Chúa Cha.
Người
được thánh hiến, tức là được xức dầu để làm công việc Chúa Cha sai đi là thánh
hóa và cứu chuộc chúng ta, chúng ta cũng được thánh hóa và hiến tế, cũng nhận
ba chức vụ là thánh hóa, tư tế và vương quyền để làm nhiệm vụ thánh hóa chính
mình và thánh hóa tha nhân. Thánh hiến nhờ Sự Thật và trong Sự Thật. Sự Thật đó
là gì? Là Sự Thật của Thiên Chúa, là Cha nhân từ đầy yêu thương, Ngài muốn cho
con cái mình được cứu rỗi. Sự thật chúng ta rất yếu đuối vì bị ảnh hưởng của tội
lỗi, nhưng nếu chúng ta thật lòng nhìn nhận và tôn thờ Thiên Chúa thì chúng ta
sẽ lãnh nhận được ơn Chúa cứu chuộc.
Lạy
Chúa Giêsu, Chúa hứa sẽ gởi Chúa Thánh Thần là thần Chân Lý và Sự Thật ở với
chúng con luôn mãi, xin Chúa hãy sai Thánh Thần đến và ở trong chúng con, ân
ban cho chúng con ba điều mà Chúa Giêsu đã dạy là xin ban cho con, cho tất cả mọi
thành phần trong Giáo Hội được gìn giữ trong tình thương, được hiệp nhất trong
Thánh Thần và được thánh hiến trong Sự Thật. Amen.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Tư
Tuần VII PS
Bài đọc: Acts 20:28-38: Jn 17:11-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nỗi quan tâm của mục tử khi phải rời bỏ
đoàn chiên của mình.
Trong
Phúc Âm, Chúa Giêsu đã từng phân biệt người mục tử tốt lành khác với người chăn
chiên. Các Bài Đọc hôm nay đi xa hơn, khi nói lên mối quan tâm của những người
mục tử tốt lành lo lắng cho đoàn chiên khi ông phải xa cách đoàn chiên mình.
Người mục tử tốt lành không những lo chăm sóc, dạy dỗ, và bảo vệ đoàn chiên khi
còn sống; mà còn kiếm người bảo vệ và săn sóc chiên khi biết mình sắp qua đời.
Người chăn chiên có tốt lắm cũng chỉ săn sóc và bảo vệ chiên khi còn sống, ông
không quan tâm đến đoàn chiên khi phải từ giã cuộc đời.
Trong
Bài Đọc I, Thánh Phaolô giao đoàn chiên mình cho những kỳ mục tại Ephesô. Ngài
muốn họ hãy chăm sóc đòan chiên một cách vui vẻ và vô vị lợi, bảo vệ họ khỏi những
nanh vuốt của quỉ dữ và của thế gian. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cầu nguyện và đặt
đoàn chiên dưới sự che chở của Chúa Cha. Ngài cầu xin Chúa cha thánh hiến các
môn đệ của Ngài trong sự thật, và gìn giữ họ khỏi thế gian và ác thần.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Lời căn dặn của
Phaolô cho các kỳ mục tại Ephesus trước khi về Jerusalem.
1.1/ Họ
phải ý thức bổn phận cao quí và quan trọng của họ: Đó là họ phải bảo vệ món quà vô giá là
đức tin của họ và của đoàn chiên. Phaolô khuyên nhủ họ: "Anh em hãy ân cần
lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người
coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng
máu của chính mình." Để bảo vệ đức tin, Phaolô nêu bật hai điều quan
trọng hơn cả:
(1) Họ
phải bảo vệ sự thật giữa bao điều giả trá: Phaolô biết rõ tầm quan trọng của việc
biết sự thật, và sự nguy hiểm của bao điều giả trá, từ kinh nghiệm mục vụ của
mình. Ông cảnh giác giới lãnh đạo: "Phần tôi, tôi biết rằng khi tôi đi rồi,
thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đoàn chiên. Ngay từ
giữa hàng ngũ anh em sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc,
hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng." Đoàn chiên còn ngây thơ, non dại;
chúng chưa biết tất cả sự thật. Vì thế, bổn phận của các mục tử là không ngừng
dạy dỗ đòan chiên để chúng biết nhận ra sự thật giữa bao sự gian xảo.
(2) Họ
phải canh thức và khuyên nhủ: Các con chiên không luôn nghe tiếng chủ: có con
ham chơi rồi đi lạc, có con cứng đầu chống lại cần phải sửa phạt; nhưng người mục
tử tốt lành không bao giờ bỏ rơi bất cứ con nào. Vì thế, việc chăm sóc đòan
chiên đòi người mục tử phải để ý tới từng cá nhân khi có thể, như Phaolô trưng
dẫn kinh nghiệm của mình: "Vì vậy anh em phải canh thức, và nhớ rằng, suốt
ba năm, ngày đêm tôi đã không ngừng khuyên bảo mỗi người trong anh em, lắm khi
phải rơi lệ."
1.2/ Những
điều quan trọng khác:
(1) Sức
mạnh của Lời Chúa: Nhận ra sự khẩn thiết của việc biết sự thật như đã nêu trên,
Phaolô chỉ cho họ biết kho tàng khôn ngoan của Lời Chúa: "Giờ đây, tôi xin
phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, lời có sức xây dựng
và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được
thánh hiến." Lãnh đạo khôn ngoan cần đặt căn bản trên Lời Chúa, và xây dựng
trên niềm tin vào Thiên Chúa.
(2)
Phần thưởng của người mục tử không dựa trên những lợi lộc vật chất: Khác với những
nhà lãnh đạo thế gian, họ quan tâm đến địa vị, uy quyền, và những lợi lộc vật
chất; người lãnh đạo dân Chúa phải biết hy sinh cách vô vị lợi, và cố gắng sinh
sống bằng bàn tay của mình, như Phaolô đã làm: "Vàng bạc hay quần áo của bất
cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và
cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp." Dĩ nhiên, đó là
điều lý tưởng; nhưng như Chúa Giêsu dạy và Phaolô nói sau này: "thợ làm vườn
đáng được trả công." Hơn nữa, việc khai mở và nuôi dưỡng đức tin phải được
ưu tiên hơn việc kiếm kế sinh sống.
(3)
Hãy lo lắng cho những người yếu kém: "Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải
giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại
lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận." Trong đoàn chiên, sức
mạnh và khả năng của mỗi con chiên khác nhau; người mục tử cần chú ý hơn đến những
con chiên yếu ớt, bệnh tật.
Khi
đã khuyên bảo xong, ông Phaolô cùng với tất cả các anh em quỳ gối xuống cầu
nguyện. Ai nấy oà lên khóc và ôm cổ ông mà hôn. Họ đau đớn nhất vì lời ông vừa
nói là họ sẽ không còn thấy mặt ông nữa. Rồi họ tiễn ông xuống tàu.
2/
Phúc Âm: Xin Cha lấy sự thật
mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.
2.1/
Chúa Giêsu biết sự nguy hiểm cho các môn đệ khi sống trong thế gian.
Chúa
Giêsu biết đã đến giờ Ngài phải bỏ thế gian, nên Ngài tâm sự với Chúa Cha:
"Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần
con, con đến cùng Cha." Giờ Chúa Giêsu phải rời bỏ các môn đệ, cũng là giờ
mà các ông phải đương đầu với quyền lực của thế gian một mình. Ngài biết hậu quả
sẽ nghiêm trọng chừng nào, như Ngài đã từng nói với các môn đệ: "Họ sẽ
tiêu diệt chủ chăn và đoàn chiên sẽ tan tác." Nhìn lại kết quả việc chăn
chiên của mình, Chúa Giêsu hãnh diện nói với Chúa Cha: "Khi còn ở với họ,
con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và
không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh
Thánh."
Thế
gian sẽ ghét bỏ và truy tố các môn đệ như họ sắp ghét bỏ và truy tố Chúa Giêsu.
Lý do là vì cả Chúa Giêsu và các môn đệ không thuộc về thế gian. Ngài muốn cho
các ông biết rõ điều này; để các ông không ngạc nhiên khi điều đó xảy đến.
2.2/
Chúa Giêsu cầu xin cho các môn đệ: Biết những nguy hiểm sẽ xảy đến cho các môn đệ như thế, Ngài cầu
xin Chúa Cha ban cho các ông những điều quan trọng sau:
(1)
Xin Chúa Cha bảo vệ các môn đệ khỏi ác thần: "Con không xin Cha cất họ khỏi
thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian
cũng như con đây không thuộc về thế gian." Chúa Giêsu không xin "cất
các môn đệ khỏi thế gian;" nhưng Ngài xin "gìn giữ họ khỏi ác thần."
Các ông phải ở lại thế gian để tiếp tục sứ vụ rao giảng của Ngài.
(2)
Xin Chúa Cha thánh hiến các môn đệ trong sự thật: Giống như Phaolô, Chúa Giêsu
biết nguy hiểm của sự sai lạc: "Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời
Cha là sự thật." Sự thật đây là Lời Kinh Thánh và những lời tâm huyết Chúa
Giêsu vừa dạy dỗ họ. Ngài biết mọi hành động sai bắt đầu từ sự hiểu biết sai;
vì thế, hiểu biết sự thật là điều không thể thiếu cho các môn đệ của Chúa.
Cả
hai điều cầu xin này đều được Chúa Cha ban cho các môn đệ qua việc ban Thánh Thần.
Ngài là thần sự thật, Ngài sẽ giúp các ông nhận ra sự thật và sẽ hướng dẫn các
ông tới tất cả sự thật. Ngài cũng là người bảo vệ và giúp các ông có sức mạnh
làm chứng nhân cho Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mỗi
người chúng ta đều được kêu gọi để trở thành mục tử nhân lành: hoặc một số người
con như bậc làm cha mẹ, hoặc một số đông như bậc linh mục, giám mục. Chúng ta
phải lo cho đoàn chiên không chỉ lúc còn sống, mà còn cả khi chúng ta phải rời
bỏ họ.
- Người
mục tử nhân lành phải xây dựng đời mình trên đức tin và Lời Chúa. Họ phải làm hết
cách sao cho đoàn chiên có một đức tin vững mạnh và hiểu biết Lời Chúa cách sâu
xa.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
11/05/16 THỨ TƯ TUẦN 7 PS
Ga 17,11b-19
Ga 17,11b-19
Suy niệm: “Hợp quần nên sức mạnh;” câu chuyện bó đũa không xa lạ gì với chúng ta. Chúa Giê-su cũng
mong muốn cho Hội Thánh Ngài sáng lập là cộng đoàn các môn đệ cũng có được sự đồng tâm hiệp nhất. Nhưng sự hiệp nhất mà Chúa Giê-su cầu xin cho các môn đệ không giống như bó đũa với các cây đũa bị trói chặt với nhau, mà là hiệp nhất “như Chúa Ba Ngôi”. Chúa
Giê-su muốn nói đến sự sống dồi dào nơi Ba Ngôi nay nhờ bí tích
Thánh Tẩy, tuôn tràn trong tâm hồn các tín hữu nối kết họ trong một thân thể mầu nhiệm là Hội Thánh Chúa Ki-tô.
Mời Bạn: Là thành phần trong cộng đoàn Giáo Hội, mỗi Ki-tô hữu đều có nghĩa vụ xây dựng sự hiệp nhất cộng đoàn. Vẫn biết rằng, cộng đoàn Giáo hội của Chúa Giê-su mặc dầu đã được thánh hiến qua Phép Rửa để mặc lấy sự linh thánh, nhưng vẫn là một cộng đoàn của những con người phàm trần; do đó, sự đối kỵ, chia rẽ, tỵ nạnh hơn thua vẫn có thể tồn tại và chính điều này đã gây tổn hại cho sự hiệp nhất của Giáo hội Chúa Ki-tô. Chính vì vậy, lời cầu xin hiệp nhất của Chúa Ki-tô xưa kia mà nay vẫn luôn như mới, luôn phù hợp với hiện tình Giáo Hội hôm nay.
Sống Lời Chúa: Xây dựng sự hiệp nhất trước tiên bằng cách loại trừ những lời nói hành, nói xấu, những lời xúc phạm đến tha nhân, là nguyên nhân gây chia rẽ trong cộng đoàn.
Cầu nguyện: Đọc hoặc hát: “Lạy Cha xin hãy cho mọi người hiệp nhất nên một, như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha, Xin Cha cho mọi người nên một trong chúng ta hầu cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con.”
Xin Cha gìn giữ họ
Thế gian đầy bóng tối, dối trá, hận thù, chính là nơi người Kitô hữu phải đến, phải đằm mình vào, để biến đổi nó thành ánh sáng, sự thật, tình yêu.
Suy
niệm:
Chúng
ta đang sống trong một thế giới tự nhận là khoa học kỹ thuật,
trong
đó dường như Thiên Chúa vắng mặt,
và Quỷ
dữ, Ác thần, Satan cũng không có chỗ.
Thật
ra, cả Thiên Chúa lẫn Satan đều có mặt trong thế giới này.
Con
người sống trong thế giới là chịu sự lôi kéo của cả hai.
Khi
dâng lời cầu nguyện lúc sắp trở về với Cha,
Đức
Giêsu ý thức hơn khi nào hết quyền lực có thật của quỷ dữ
đang
tác động trên các môn đệ còn sống ở trần gian.
Chính
vì thế Ngài khẩn khoản xin Cha gìn giữ họ khỏi Ác thần (c. 15).
“Khi
còn ở với họ, Con đã gìn giữ họ… Con đã canh giữ họ…” (c. 12).
Gìn
giữ các môn đệ là việc Đức Giêsu đã làm trong suốt sứ vụ,
và
Ngài đã không để ai trong họ phải hư mất, trừ Giuđa.
Những
sói dữ bao giờ vẫn có, chúng khuấy phá đàn chiên.
Mục tử
Giêsu đã không để ai cướp được chiên khỏi tay mình,
và
trong cuộc chiến đấu này, Ngài đã dám hy sinh mạng sống (Ga 10, 11).
Bây
giờ Ngài xin Cha tiếp tục gìn giữ các môn đệ (c. 11b),
là
đoàn chiên của Cha mà Cha đã ban cho Ngài chăm sóc.
Vì
Thiên Chúa là Cha chí thánh đối với Đức Giêsu (c. 11b),
nên
Cha có khả năng làm cho các môn đệ nên thánh.
Thánh
thiện là thuộc tính của Thiên Chúa Cha,
nhưng
Đức Giêsu cũng được gọi là Đấng Thánh của Thiên Chúa (Ga 6, 69),
và Đấng
Phù Trợ được gọi là Thánh Thần (Ga 14, 26).
Thánh
thiện là nét chung của Ba Ngôi, tách biệt Ba Ngôi khỏi thế giới,
dù thế
giới vẫn là đối tượng để Ba Ngôi luôn cùng nhau hướng về.
Ba
Ngôi vẫn muốn chia sẻ sự thánh thiện của mình cho thế giới.
“Các
ngươi phải nên thánh vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11, 44).
Đức
Giêsu xin Cha thánh hóa các môn đệ (c. 17),
nhờ
Thánh Thần mà Cha sắp ban xuống trên họ.
Làm
cho các môn đệ nên thánh chính là tách biệt họ ra khỏi thế gian,
với lối
suy nghĩ và hành động, với những giá trị riêng của nó.
Thánh
hóa môn đệ chính là làm cho họ không thuộc về thế gian nữa,
để
như Đức Giêsu, họ thuộc về Cha trọn vẹn (c. 16).
Nhưng
tách biệt khỏi thế gian lại không có nghĩa là cất họ khỏi đó (c. 15),
và giữ
họ an toàn trong tháp ngà bảo đảm.
Đời
người Kitô hữu chẳng an toàn, vì họ được sai vào thế gian (c.18).
Thế
gian đầy bóng tối, dối trá, hận thù, chính là nơi họ phải đến,
phải
đằm mình vào, để biến đổi nó thành ánh sáng, sự thật, tình yêu.
“Các
con là muối của trái đất, là ánh sáng của thế gian” (Mt 5, 13).
Được
thánh hóa, được tách khỏi thế gian, chính là để được sai vào đó.
Nếu
không được thánh hóa, không thuộc về Chúa, thì khi được sai vào,
ta sẽ
chẳng biến đổi được thế gian, và sẽ bị nó nuốt chửng.
Cầu
nguyện:
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô
uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng
tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối
sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong...
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và
biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
Lm
Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
11
Tháng Năm
Cơn Thịnh Nộ Của Các Thánh
Trong
tác phẩm có tựa đề "Quyển Phúc Âm thứ 5", tác giả người Ý là ông
Pomilio có tưởng tượng một câu chuyện như sau: Ngày kia, các thánh trên Thiên
Ðàng không còn chịu đựng nổi những xúc phạm của con người đối với Thiên Chúa nữa,
cho nên Ngài mới họp công nghị để tìm cách chặn đứng tội lỗi của nhân loại...
Sau
không biết bao nhiêu buổi họp, cuối cùng các thánh mới đồng thanh biểu quyết rằng
việc Con Thiên Chúa chịu chết trên thập giá vẫn chưa đủ để cứu rỗi con người.
Do đó, cần phải dùng đến sức mạnh may ra mới trừng trị và thuyết phục được loài
người.
Các
Ngài họp lại thành một đạo binh hùng mạnh và xâm nhập vào trái đất. Chỉ trong
nháy mắt, đạo binh các thánh đã chinh phục được thế giới. Các Ngài giao việc
cai trị trái đất cho một số người công chính còn sót lại giữa loài người. Còn tất
cả những kẻ gian ác, tội lỗi, các ngài tập trung lại trong một thung lũng lớn.
Tại đây, các ngài dựng lên những dàn hỏa thiêu vĩ đại để tiêu diệt tất cả những
người tội lỗi. Các ngài tin chắc rằng sau cuộc thanh lọc này, dòng giống con
người trên mặt đất sẽ chỉ có những người công chính...
Khi
mọi sự đã sẵn sàng để tiến hành cuộc tiêu diệt, thì giữa đám người tội lỗi, các
thánh bỗng thấy một người đang vác thập giá. Hắn đang ra hiệu cho những người
khác đến giúp dỡ hắn... Nhìn thấy cảnh tượng ấy, các thánh càng bực tức hơn nữa.
Tại sao một người tội lỗi lại bị xử theo hình phạt chỉ được dành riêng cho Con
Thiên Chúa mà thôi? Nghĩ như thế, cho nên các thánh mới triệu kẻ vác thập giá đến,
trói chân tay hắn lại và giải đến trước mặt thánh Phêrô để xét xử.
Vừa
thoáng nhìn qua kẻ vác thập giá, vị thủ lãnh các tông đồ đã nhận ra ngay Thầy
mình. Các thánh ngỡ ngàng không ít, khi được thánh Phêrô tiết lộ rằng Con Thiên
Chúa đang lẫn lộn giữa những người tội lỗi. Các ngài mới nhớ lại lời của Ngài:
"Con Người không đến để cứu thoát những người công chính mà chính là những
người tội lỗi". Chúa Giêsu cũng nói các thánh rằng Ngài đã quyết định chết
một lần nữa cho các tội nhân, bởi vì trên trần gian, không có một người nào có
thể cứu thoát kẻ có tội khỏi cơn thịnh nộ của các thánh.
Chúng
ta dễ rơi vào hai thái cức trái nghịch nhau: thái độ của những người biệt phái
và thái độ của Giuda, kẻ bán nộp Chúa.
Thái
độ của những người biệt phái được Chúa Giêsu phác họa qua hình ảnh của một người
tự cao tự đạo vào Ðền Thờ cầu nguyện. Người này kể ra bao nhiêu công trạng của
mình và nhìn một cách khinh bỉ về người thu thuế đang nép mình ở phía cuối Ðền
Thờ. Thái độ ấy tiêu biểu ấy cho chính cái nhìn mà đôi khi chúng ta cũng có đối
với người khác. Chúng ta hãnh diện về đời sống đạo đức của chúng ta và kết án
những yếu hèn, thiếu sót của những người xung quanh...
Ðối
nghịch với thái độ kiêu ngạo của người biệt phái là thái độ thất vọng của
Giuda. Sau khi đã bán nộp Chúa, Giuda mới nhận ra lỗi lầm của mình. Ông không
còn tin tưởng ở lòng Nhân Từ của một Thiên Chúa có thể tha thứ tất cả tội lỗi của
ông và có thể mang lại cho cơ may để sống tốt đẹp hơn.
Tựu
trung, cả hai thái độ đều có chung một mẫu số: đó là đóng khung trong chính bản
thân để khước từ mọi ân sủng của Chúa.
Qua
cuộc sống của mình, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đặt tất cả tin tưởng, phó thác
vào Tình yêu của Thiên Chúa. Dù tội lỗi chúng ta có ngập tràn, Tình yêu của
Thiên Chúa vẫn luôn có sức xóa sạch tất cả. Tình yêu của Ngài mạnh hơn cả hỏa
ngục và sự chết... Qua cách cư xử của Chúa Giêsu với tội nhân, chúng ta cũng được
mời gọi để nên trọn lành như Cha chúng ta trên Trời, đó là luôn biết tha thứ và
cảm thông đối với những bất toàn, yếu đuối và tội lỗi của con người...
Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét