Bách hại - cái giá của việc làm chứng cho Chúa
VATICAN. Chúa Thánh Thần ban
cho chúng ta sức mạnh để trở nên những chứng nhân của Đức Giêsu ngay giữa những
bách hại. Có những bách hại lớn đòi chúng ta phải hy sinh mạng sống mình, nhưng
cũng có những bách hại nho nhỏ là những lời đàm tiếu, phê bình và chỉ trích.
Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ
Hai, 02.05, tại nguyện đường Thánh Marta.
Chúng ta đã đến gần Lễ Ngũ Tuần
và các bài đọc trình bày cho chúng ta nhiều hơn về Chúa Thánh Thần. Sách Công vụ
Tông Đồ thuật lại rằng có một bà tên là Ly-đi-a, quê ở Thy-a-ti-ra, chuyên buôn
bán vải điều. Thiên Chúa đã mở lòng cho bà để bà chú ý đến những lời ông
Phao-lô nói.
Người phụ nữ này đã cảm nhận
được điều gì đó trong tâm hồn khiến bà cất tiếng nói: ‘Điều này thật đúng đắn!
tôi đồng ý với những gì mà người ấy (Thánh Phao-lô) nói. Ông ấy đã làm chứng về
Đức Giêsu Phục Sinh. Và những lời ông nói đều chân thật.’ Nhưng ai đã đụng chạm
lay động trái tim của người phụ nữ này? Ai đã nói với bà: ‘Hãy lắng nghe, vì đó
là sự thật’? Chính Chúa Thánh Thần đã làm cho người phụ nữ này nhận ra Đức
Giêsu là Thiên Chúa; giúp bà khám phá ra ơn cứu độ ngang qua những lời mà Thánh
Phao-lô rao giảng; và giúp bà lắng nghe được những lời chứng ấy. Chúa Thánh Thần
đã làm chứng về Đức Giêsu. Mỗi lần chúng ta cảm thấy có điều gì kéo chúng ta lại
gần với Giêsu, thì đó chính là Chúa Thánh Thần đang làm việc trong tâm hồn
chúng ta.
Tin Mừng nói về một chứng tá
kép: một là của Chúa Thánh Thần, Đấng làm chứng về Đức Giêsu; và hai là chính
những lời chứng của chúng ta. Chúng ta là những chứng nhân của Thiên Chúa với sức
mạnh của Thánh Thần. Đức Giêsu mời gọi các môn đệ đừng để mình bị vấp ngã, vì
làm chứng sẽ dẫn đến những bách hại. Từ những bách hại nho nhỏ của những lời
dèm pha, chỉ trích đến những bách hại lớn - đã xảy ra nhiều trong lịch sử Giáo
hội - khiến các Kitô hữu phải chịu cách lao tù hay thậm chí phải hy sinh cả mạng
sống của mình.
Đó chính là cái giá của việc
làm chứng cho Đức Giêsu: ‘Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến
giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa.’ Kitô hữu, với sức
mạnh của Thần Khí, can đảm làm chứng rằng Đức Giêsu vẫn sống, Ngài đã phục sinh
và luôn ở giữa chúng ta. Đức Giêsu sẽ cùng với chúng ta cử hành việc Ngài chịu
chết và phục sinh mỗi khi chúng ta quây quần với nhau bên cạnh bàn thờ. Với sự
giúp sức của Thần Khí, các Kitô hữu biết làm chứng tá cho Chúa ngay cả trong cuộc
sống thường ngày ngang qua cách hành xử và làm việc của mình. Những lời chứng của
các Kitô hữu vẫn còn tiếp tục. Nhưng chúng cũng gặp phải nhiều công kích, bách
hại, khủng bố.
Chúa Thánh Thần làm cho chúng
ta nhận biết Đức Giêsu. Ngài thôi thúc chúng ta nhận biết Giêsu không chỉ bằng
những lời nói nhưng bằng chính chứng tá đời sống.
Như vậy, sẽ thật tốt đẹp nếu
chúng ta biết nài xin Chúa Thánh Thần đến ngự trong tâm hồn chúng ta để giúp
chúng ta làm chứng về Đức Giêsu. Chúng ta hãy thân thưa với Ngài: ‘Lạy Chúa,
xin kéo con đến gần với Giêsu. Xin soi sáng cho con hiểu những gì mà Đức Giêsu
đã dạy. Nhắc nhớ cho con tất cả những gì mà Đức Giêsu đã làm và giúp con dám
can đảm làm chứng về tất cả những điều này. Xin gìn giữ con, để tinh thần thế
gian, những việc dễ dàng thoải mái đến từ cha của sự dối trá, thủ lãnh thế gian
này, là tội lỗi, không làm con xa lìa việc làm chứng cho Chúa.’”
Vũ Đức Anh Phương SJ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét