Tiền bạc và quyền lực làm nhơ bẩn Giáo hội
VATICAN. Con đường mà Đức
Giêsu chỉ ra là con đường yêu thương, phục vụ, nhưng trong Giáo hội, người ta lại
thường đi tìm kiếm quyền lực, tiền bạc và những điều phù phiếm khác. Đây là nội
dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Ba, 17.05, tại
nguyện đường Thánh Marta. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng các Kitô hữu phải
chiến thắng cám dỗ của thế gian muốn chia rẽ Giáo hội và cảnh giác những kẻ ‘cơ
hội’. Họ là những người luôn tìm cách loại trừ người khác để leo lên vị trí cao
hơn.
Các Kitô hữu phải chiến thắng
cám dỗ quyền lực
“Các môn đệ có cám dỗ về quyền
lực. Họ suy nghĩ theo tinh thần thế gian. Các ông cãi nhau xem ai là người lớn
hơn cả. Nhưng Đức Giêsu nói với các ông rằng phải làm người rốt hết, phải làm
người phục vụ mọi người.
Tiêu chuẩn trên con đường mà
Đức Giêsu chỉ ra chính là sự phục vụ. Người đứng đầu phải là người phục vụ,
khiêm nhường phục vụ người khác chứ không huênh hoang, tự đắc, chỉ lo tìm kiếm
quyền lực, tiền tài và những thứ phù phiếm khác. Nếu ai không phục vụ thì không
phải là người lớn hơn cả. Tranh cãi với nhau xem ai là người lớn hơn cả đã là
chuyện xảy ra với các tông đồ, cũng như với mẹ của Gioan và Giacôbê. Và đó cũng
chính là điều diễn ra ngày hôm nay trong Giáo hội, trong mỗi cộng đoàn. Trong
chúng ta, ai là người lớn hơn cả? Ai là người ra lệnh? Trong mỗi cộng đoàn,
trong các xứ đạo, trong các tổ chức luôn có một ước muốn được thăng tiến, được
leo thật cao trên nấc thang quyền lực.
Bài đọc một thuật lại một đoạn
trong lá thư của thánh Giacôbê, trong đó thánh nhân đã cảnh giác mọi người trước
đam mê quyền lực, ghen ghét, ganh tị dẫn đến việc loại trừ lẫn nhau.
Đây cũng là thông điệp cho
Giáo hội ngày hôm nay. Thế gian cho rằng ai có nhiều quyền lực sẽ là người chỉ
huy. Nhưng Đức Giêsu lại tuyên bố ngài đến để phục vụ, chứ không phải để được
phục vụ.
Khi chúng ta có những ước muốn
thế tục, muốn nhiều quyền lực, muốn được phục vụ chứ không phục vụ, thì sẽ rất
dễ dẫn đến việc chúng ta nói xấu và loại trừ người khác. Sự ghen ghét và
đố kỵ cũng khiến người ta làm như thế. Tất cả chúng ta đều biết điều này. Nó xảy
ra trong mọi tổ chức của Giáo hội: xứ đạo, trường học, giáo phận và thậm chí là
trong giám mục đoàn. Ước muốn của tinh thần thế gian chính là tinh thần của sự
giàu có, của danh vọng và những thứ phù phiếm. Đức Giêsu đã dạy sự khiêm nhường
phục vụ nhưng các môn đệ lại cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong số họ. Đức
Giêsu đến thế gian này để phục vụ và ngài dạy cho chúng ta con đường của sự phục
vụ, của khiêm hạ.
Yêu thế gian là ghét Thiên
Chúa
Khi các vị đại thánh nói họ cảm
thấy mình rất tội lỗi, đó là vì họ hiểu được tinh thần thế gian đang tồn tại
trong tâm hồn họ, và họ bị cám dỗ rất nhiều bởi những tinh thần ấy. Không ai
trong chúng ta có thể nói: Tôi là thánh. Tôi trong sạch.
Tất cả chúng ta đều bị cám dỗ
bởi tinh thần thế gian. Chúng ta bị cám dỗ loại trừ người khác để leo lên những
vị trị trên cao. Đó chính là cám dỗ của thế gian, gây chia rẽ và hủy hoại Giáo
hội, chứ không phải là Thần Khí của Đức Giêsu. Chúng ta hãy hình dung cảnh này:
Khi Đức Giêsu nói những lời khiêm tốn phục vụ, các môn đệ thưa: ‘Thôi Thầy ơi,
đừng yêu cầu quá nhiều. Chúng ta hãy đi thôi’. Và sau đó, các ông lại thích cãi
vã với nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rất nhiều lần chúng ta đã thấy điều này
xảy ra trong Giáo hội và ngay cả chúng ta cũng đã làm như thế. Chúng ta hãy nài
xin Thiên Chúa soi sáng cho chúng ta, để chúng ta hiểu ra rằng yêu thế gian,
hay yêu tinh thần thế gian, tức là ghét Thiên Chúa.”
Vũ Đức Anh Phương SJ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét