Trang

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

Đức Phanxicô: Đường hay Pháo Đài

Đức Phanxicô: Đường hay Pháo Đài
Vũ Văn An5/8/2016



Trong buổi lễ nhận giải thưởng Charlemagne tại Sala Regia ở Tông Điện vừa qua, Đức Phanxicô đã đọc một bài diễn văn rất hùng hồn vẽ nên một viễn kiến tuyệt vời cho một Âu Châu Làm Mẹ, chứ không phải một Âu Châu đang có nguy cơ trở thành bà già xấu xí, hết đường sinh nở.

Trong bài diễn văn trên, ngài đưa ra một công thức gồm “ba món” căn bản: khả năng hội nhập, khả năng đối thoại và khả năng phát sinh. Nói cách khác, Âu Châu cần tìm lại linh hồn của mình, “vốn phát sinh từ cuộc gặp gỡ của nhiều nền văn minh và của nhiều dân tộc”, không như lời cảnh cáo của một trong “những cha già” của Âu Châu là Konrad Adenauer: “Tương lai Phương Tây đang bị đe dọa không phải bởi các căng thẳng chính trị cho bằng bởi nguy cơ của chủ nghĩa duy hợp, độc dạng hình thức về tư tưởng và cảm quan: nói tắt, bởi toàn bộ hệ sống, bởi việc trốn chạy trách nhiệm, chỉ quan tâm tới chính mình”. Âu châu cần dạy cho con cháu mình không phải nghệ thuật vũ khí mà là nghệ thuật đối thoại, “chiến đấu trong cuộc chiến gặp gỡ và thương thảo tốt đẹp”. Nhờ nghệ thuật này, chúng sẽ có khả năng “thiết kế ra các chiến lược sống, chứ không chết, bao gồm chứ không loại trừ”. Sau cùng, khả năng phát sinh đòi phải mang lại cho giới trẻ một tương lai, tránh làm họ đánh mất giấc mơ của họ, cụ thể qua nhân dụng, không thể để 48.9 phần trăm người trẻ Hy Lạp thất nghiệp như hiện nay. Tóm lại, Âu Châu phải tạo ra một chủ nghĩa nhân bản mới nhằm cổ vũ công bằng kinh tế, chào đón người mới, tôn trọng sự sống trong mọi giai đoạn và đối thoại với mọi người.

Đấy cũng là quan điểm của Chủ Tịch Quốc Hội Âu Châu Martin Schulz, của Chủ Tịch Ủy Ban Âu Châu Jean-Claude Juncker và của Chủ Tịch Hội Đồng Âu Châu Donald Tusk. Cả ba người này cùng tham dự buổi lễ trao giải thưởng tại Vatican và cùng phát biểu trước bài diễn văn của Đức Phanxicô. Schultz phê phán việc các nước Âu Châu có chiều hướng xây tường kiểu Bức Màn Sắt cách nay 25 năm, phản lại bài học lịch sử, bài học liên đới.

Trong bài diễn văn của ngài, Đức Phanxicô cũng cho rằng Âu Châu đang cảm thấy không thoải mái “bên trong những bức tường của căn nhà chung”. Ngài phê phán việc “các quyền lợi ích kỷ” đang “lập các hàng rào” đây đó.

Nhận định về bài diễn văn của Đức Phanxicô, Andrea Riccardi, sáng lập viên của Cộng Đồng Sant’Egidio, cho rằng Đức Phanxicô coi thách đố chính tại Âu Châu ngày nay không giống Đức Bênêđíctô XVI: thách đố này không phải là chủ nghĩa duy tục và các bất bình đối với nó, mà là việc canh tân nền văn hóa đối thoại và hội nhập, cổ vũ “nền kinh tế xã hội” thay cho nền kinh tế “lỏng”, một nền kinh tế có khả năng cung cấp việc làm và niềm hy vọng, nhất là cho người mới tới và người trẻ.

Riccardi cho rằng mấy năm trước đây, “đối thoại” không phải là nhận định hàng đầu phát sinh từ Vatican đối với Âu Châu. Thực thế, trong các thập niên 1990 và 2000, cả Đức Gioan Phaolô II lẫn Đức Bênêđíctô XVI đều đã phát động các chiến dịch “dữ dằn” nhằm kéo Âu Châu trở về với gốc rễ Kitô Giáo của nó. Trong số nhiều điều, các ngài nhấn mạnh tới việc phải có những bản tân hiếp pháp với “điều khoản nói về Thiên Chúa” hay invocatio Dei.

Khi việc đó không thành, đôi khi người ta cảm thấy có điều gì đó ra xa lạ rõ ràng. Năm 2007 chẳng hạn, khi tiếp một phái đoàn chính khách và giám mục nhân dịp kỷ niệm 50 năm Hiệp Ước Rôma, Đức Bênêđíctô XVI thẳng thừng kết án Âu Châu đã “bác bỏ chính mình”.

Đối với một số người Công Giáo Âu Châu, Đức Bênêđíctô XVI trở thành lời kêu gọi phòng thủ, rút vào pháo đài, ngay cả trước khi ngài lên ngôi giáo hoàng. Như việc ngài sử dụng thuật ngữ của sử gia Anh Arnold Toynbee để nói về tư thế Kitô Giáo trong thế giới hiện nay: “thiểu số sáng tạo” (creative minority). Trong một bài diễn văn năm 2004, lúc còn là Hồng Y Ratzinger, ngài hô hào “Các tín hữu Kitô Giáo nên tự coi mình như một thiểu số sáng tạo, và giúp Âu Châu giành lại điều tốt nhất trong di sản của nó và nhờ đó, tự đặt mình vào việc phục vụ toàn thể nhân loại”.

Dù Đức Hồng Y Ratzinger không có ý gì tiêu cực trong lời kêu gọi trên, nhưng các người Công Giáo trên vẫn coi nó như phát lệnh phòng thủ nền văn hóa phụ (subculture) đang bị đe dọa, cố thủ những ổ đức tin khép kín giữa một môi trường duy tục thù nghịch. Người ta lưu luyến nhắc tới tinh thần contemptus mundi, hay “khinh miệt thế gian”, của các phong trào đơn tu thuở đầu Kitô Giáo.

Theo Riccardi, Đức Phanxicô đã phá vỡ não trạng pháo đài nói trên. Trong bài diễn văn gần 3,000 chữ của ngài nói trên, các chữ như “thế tục” (secular) và “duy tục” (secularism) không bao giờ xuất hiện. Nói cách khác, các bóng ma của cuộc chiến đấu đòi có “câu nói về Thiên Chúa” hoàn toàn vắng bóng một cách đáng ghi nhận.

Thay vào đó, Đức Phanxicô phác thảo vai trò tác nhân gặp gỡ và hội nhập để các Kitô hữu, và nói chung, các người có đức tin, đóng trong Âu Châu ngày nay. Khi nói tới các “gốc rễ” của Âu Châu, ngài không nói tới Thế Giới Kitô Giáo thời Trung Cổ, mà đúng hơn tới viễn kiến hậu Thế Chiến II về một lục địa vốn là thành lũy của hòa bình, của nhân quyền và của khoan dung, luôn thắng vượt chủ nghĩa duy quốc gia đầy bạo lực từng châm ngòi cho hai cuộc thế chiến.

Dĩ nhiên, Đức Phanxicô biết rõ dự án Âu Châu hậu chiến nói trên của các chính khách được ngài nêu tên như Alcide de Gasperi, Robert Schuman và Konrad Adenauer, về căn bản, vốn dựa trên di sản và các giá trị Kitô Giáo của họ. Schuman hiện còn là ứng viên được phong thánh nữa. Và ngài cho rằng gốc rễ này cần được “dẫn thủy nhập điền bằng nước Tin Mừng”.

Tuy nhiên, theo Riccardi, Đức Phanxicô chủ trương rằng đức tin trong hành động mới đáng kể. Ngài tin rằng Kitô Giáo được bảo vệ tốt nhất không phải bằng đánh trận đánh biểu tượng và ngôn từ mà bằng cách đem các xác tín của mình ra thực hành vào các thời điểm khi thế giới cần đến chúng nhất.

Riccardi viết rằng: “các chính trị gia tìm thấy nơi Đức Giáo Hoàng một nhà lãnh đạo thiêng liêng biết tin vào Liên Hiệp Âu Châu, bao lâu nó còn có khả năng mở rộng và hội nhập”. Ông nghĩ: “theo Đức Giáo Hoàng, Âu Châu… ngày nay đang sa sút do nỗi sợ phải gặp gỡ các dân tộc và các tôn giáo khác, nấp mình đàng sau các biên giới và căn tính bị pha lê hóa”. Theo ông, trong xương thịt Âu Châu, các chính khách nam nữ hiện nay cũng biết như thế, nhưng không tự ý điều chỉnh gì được.

Trước đây không lâu, số lớn trong giai cấp chính trị và các nhà văn hóa ưu tú của Âu Châu coi ngôi vị giáo hoàng, và Giáo Hội nói chung, như trở lực đối với xã hội giải phóng và đa nguyên mà họ muốn xây dựng. Ngày nay, hình như gió đã đổi chiều, nhiều người trong số họ coi ngôi vị giáo hoàng và Giáo Hội như nguồn tài nguyên để đạt được mục tiêu vừa nói, có lẽ còn như hy vọng sau cùng và tốt đẹp nhất của họ nữa.

Tất cả đều nhờ vị giáo hoàng Á Căn Đình, nhưng có gốc gác Âu Châu này. Và đây có lẽ là thành quả đáng kể nhất trong triều giáo hoàng của ngài, một triều giáo hoàng trong đó càng ngày “điều đáng kể” càng trở thành điều thông thường mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét