Trang

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

Đức Phanxicô và Donald Trump

Đức Phanxicô và Donald Trump
Vũ Văn An5/6/2016


Đầu năm nay, ký giả Tim Stanley đã đặt câu hỏi: người Công Giáo có đầu óc nghĩ gì về ứng cử viên tổng thống Donald Trump? Yêu ông ta? Ghét ông ta? Cười ông ta? Bất kể trả lời ra sao, “ông ta vẫn dẫn đầu bằng cả một dặm vùng quê”.

Tim Stanley nhắc tới một người Công Giáo, tên Pat Buchanan, cũng thuộc Đảng Công Hòa, từng là cố vấn cao cấp của ba tổng thống Nixon, Ford và Reagan, và cũng vận động để được Đảng Cộng Hòa cử ra tranh chức tổng thống Hoa kỳ các năm 1992, 1996 và 2000. Donald Trump được nhiều người so sánh với Buchanan, người vốn được mô tả là cực hữu và được lòng dân, và có cương lĩnh tranh cử rất giống với Trump: chống di dân, phê phán mậu dịch tự do và hoài nghi sự can thiệp của ngoại quốc. Cả hai đều ca ngợi chủ nghĩa kinh doanh duy quốc gia của truyền thống Hoa Kỳ, không muốn chính phủ can dự vào việc tư ngoại trừ để bảo vệ kỹ nghệ và nâng cao viễn tượng của người dân bé nhỏ. Buchanan hoan nghinh tư cách ứng cử của Trump và Trump vốn ca ngợi Buchanan. Cả hai đều phò sự sống và chống kiểm soát súng ống.

Nhưng Buchanan chỉ đại biểu cho cánh hữu của chính trị Công Giáo Hoa Kỳ, trong khi đa số người Công Giáo Hoa Kỳ hiện thời theo khuynh hướng tự do cấp tiến, coi Đức Phanxicô là quán quân của tiến bộ. Buchanan, ngược lại, chỉ trích thần học của Đức Phanxicô. Trump thì chỉ trích chủ trương kinh tế của ngài.

Về di dân, Donald Trump cho rằng “lời lẽ” của Đức Phanxicô “rất đẹp đẽ và tôi trọng kính Đức Giáo Hoàng” nhưng người Hoa Kỳ không thể đài thọ việc lấy thêm người. Còn về việc thay đổi khí hâu, Trump kết luận: “Khí hậu thay đổi và bạn có giông bão, gió mưa, và những ngày đẹp trời. Nhưng tôi không tin chúng ta nên gây nguy hại cho các công ty tại xứ sở ta được”. Kinh doanh phải trước nhất.

Cũng như với Buchanan, chắc chắn người Công Giáo Hoa Kỳ không bỏ phiếu cho Trump. Đây cũng là kết luận của CatholicVote, một tổ chức chuyên hướng dẫn lá phiếu của người Công Giáo Hoa Kỳ. Trong bài “Not. Trump.”, ngày 27 tháng Giêng, tổ chức này cho hay: chúng tôi “không thể đứng bên lề được nữa rồi”, buộc phải chia sẻ một số phê phán đối với cuộc đua, ít nhất đối với một ứng cử viên đặc thù. Và họ đặt câu hỏi: “Người Công Giáo có nên ủng hộ Donald Trump không?” Câu trả lời là: Không!

Ký giả John L. Allen Jr., ngày 17 tháng Hai, 2016 thì cho rằng cả người Công Giáo Hoa Kỳ tả hữu đều không ủng hộ Donald Trump. Phía hữu nghi ngờ chủ trương “pro-choice” (ủng hộ phá thai) trước đây của Trump (một quảng cáo trên truyền hình South Carolina năm 1999 cho thấy Trump tuyên bố ông “rất phò phá thai”). Phía tả dĩ nhiên không thích chính sách di dân của Trump.

Ngày 7 tháng Ba, 2016, Robert P. George và George Weigel, cùng bốn mươi nhà trí thức hàng đầu của Hoa Kỳ, ra hẳn một lời kêu gọi “các đồng đạo Công Giáo của chúng tôi và mọi người nam nữ có thiện chí” cho hay: “Donald Trump hiển nhiên không xứng đáng là tổng thống của Hiệp Chúng Quốc. Chiến dịch tranh cử của ông ta đã kéo nền chính trị của ta xuống hàng tầm thường mới. Các lời kêu gọi kỳ thị chủng tộc và sắc tộc đầy thiên kiến của ông ta đang xúc phạm tới nhậy cảm Công Giáo chân chính. Ông ta hứa sẽ ra lệnh cho nhân viên quân sự Hoa Kỳ tra tấn những người tình nghi là khủng bố và sát hại các gia đình của người khủng bố, những hành động bị Giáo Hội kết án và các chính sách đem nhục nhã lại cho đất nước chúng ta. Và không có bất cứ điều gì trong chiến dịch tranh cử của ông ta hay các thành tích cũ của ông ta cho ta cơ sở để tin rằng ông ta thực sự chia sẻ các cam kết của ta đối với quyền sống, quyền tự do tôn giáo và các quyền lương tâm, tái xây dựng nền văn hóa hôn nhân, hay tính phụ đới và nguyên tắc cai trị có giới hạn”.

Mị dân, đần độn, một tên hề

Các nhà trí thức trên không ngại gọi Trump là người mị dân, tầm thường, đần độn, ngu ngốc đến phát khiếp. “Thành tích của ông Trump và chiến dịch tranh cử của ông ta không cho ta hứa hẹn cao cả nào; chúng chỉ hứa sẽ làm cho nền chính trị và văn hóa của chúng ta xuống cấp thấp hơn mà thôi”.

Ấy thế, nhưng Trump tiếp tục thắng hết kỳ bỏ phiếu “đầu tiên” (primary) này đến kỳ bỏ phiếu “đầu tiên” khác. Khiến Terry Mattingly, ngày 9 tháng Ba, thuật lại câu hỏi có người đã nêu lên ở truyền thông: phải chăng Donald Trump đang đánh bại Đức Giáo Hoàng và thắng phiếu của người Công Giáo Cộng Hòa?

Theo Mattingly, trước kỳ bỏ phiếu “đầu tiên” ở Michigan, cuộc thăm dò của Fox News cho thấy Trump là ứng viên được lòng các cử tri Công Giáo. Và nhiều tít lớn của báo chí viết nguyên văn: “Cử tri Công Giáo chọn Trump thay vì Đức Giáo Hoàng Phanxicô” dù Đức Phanxicô nói rõ: chủ trương di dân của Trump “không phù hợp với Kitô Giáo”.

Tuy nhiên, theo Mattingly, nếu đúng như thế, thì đây chỉ là những người Công Giáo theo danh nghĩa hay thống thuộc chứ không hẳn Công Giáo theo nghĩa đầy đủ của cả ba chữ B: belief (tin), behaviour (tác phong) và belonging (thống thuộc).

Gây kinh hoàng

Dù sao, sự thắng thế liên tục của Trump khiến tờ The Guardian phải chạy hàng tít “Tổng Thống Trump làm cho các nhà lãnh đạo thế giới tràn ngập lo sợ: từ vui nhộn tới kinh hoàng thực sự”. Họ gọi ông ta là: nguy hiểm, điên rồ, vô lý, gây lo sợ, kinh hoàng, vô trách nhiệm, một tên hề, một tai họa.

Kinh hoàng nói đây chính là kinh hoàng nguyên tử: ông ta vốn coi thoả hiệp hạch nhân với Iran gần đây là một sai lầm. Vô lý là ông ta đe sẽ tăng thuế quan đánh trên hàng hóa Trung Quốc lên tới 45%. Vô trách nhiệm vì “ông ta sẽ thực hiện một đóng góp quan trọng cho các tình cảm phản Hoa Kỳ ở khắp nơi trên thế giới”. Và ai cũng biết, chỉ có Nga mới ủng hộ Trump mà thôi.

Dù thế mặc lòng, Trump vẫn tiếp tục thắng. Sau khi Trump trở thành ứng viên “độc diễn” của Đảng Cộng Hòa, tờ The Guardian đành có lời bình luận “Ác mộng Trump của Hoa Kỳ đã tới”: con người nhục mạ đàn bà, khuyến khích bạo lực, cấm người Hồi Giáo vào Hoa Kỳ, mới đây được Ku Klux Klan ủng hộ, một tên tay mơ chính trị rất có thể trở thành tổng thống Hoa Kỳ!

Viễn ảnh trên gây “kinh hoàng” cả cho dư luận Úc Châu. Nick Pearson của Nine News đặt phụ đề cho bài báo của ông như sau: “Tôi đang chứng kiến một đảng chính trị 160 tuổi phạm tôi tự sát”. Đó là lời phát biểu của Henry Olsen, một tư tưởng gia nổi tiếng của Đảng Cộng Hòa, lúc chứng kiến cuộc thắng vẻ vang của Trump tại tiểu bang Indiana.

Tự sát, vì nhiều đảng viên Cộng Hòa đe dọa sẽ bỏ phiếu cho Hilary Clinton vào tháng 11 này. Người ta coi Trump đang kéo đảng của ông tới chỗ thua đậm. Clinton không bỏ lỡ cơ hội, vội cho đăng tải một cuốn video tường thuật các lời bác bỏ Trump của các đảng viên Cộng Hòa nổi danh.

Thống Đốc Cộng Hòa Charlie Baker của Massachusetts đã tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho Trump. Cựu Thống Đốc New Jersey Christine Todd Whitman tuyên bố bà sẽ ủng hộ Clinton thay vì Trump. Trong khi ấy, nhiều đảng viên Cộng Hòa cho hay họ sẽ ở nhà, không đi bỏ phiếu lần này, hay bỏ phiếu trắng.

Thời khắc Phanxicô đã điểm

Như trên đã nói: Đức Phanxicô coi Trump không phải là Kitô hữu dù ông thuộc giáo phái Trưởng Lão. Ngài cực lực phản đối chính sách “xây tường” của ông, cho rằng xây tường không bao giờ thành công cả. Ngược lại, Trump cho rằng Đức Phanxicô không hề có ý niệm gì về vấn đề biên giới và chính sách kinh tế của ngài không phù hợp với đất nước ông. Ai cũng coi hai nhân vật này đi theo hai đường hướng trái ngược nhau.

Nhưng hiện tượng Trump, theo Charles Camosy, giáo sư đạo đức thần học và xã hội tại Đại Học Fordham, có khía cạnh tích cực của nó qua bài: “Chiến thắng của Trump có nghĩa thời khắc Phanxicô đã điểm” đăng trên tờ Crux ngày 4 tháng này.

Camosy nhận định rằng mùa bầu cử 2016 tại Hoa Kỳ cho thấy cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều đang mất dần sức lôi cuốn và uy tín chính trị và đều đang trên đường tự hủy, chứ không riêng gì Cộng Hòa. Đã đành Trump đang làm ta rã hàng ngũ lãnh đạo Đảng Cộng Hòa, làm cho Đảng này hiểu ra rằng đảng của họ đang rách bươm ở ngay những đường nối. Nhưng Đảng Dân Chủ cũng không hơn gì, vì tuy họ có viễn ảnh kiếm được nhiều phiếu từ các đảng viên Cộng Hòa bất mãn, nhưng với việc ứng viên Bernie Sanders đòi mang tranh chấp vào đại hội Đảng, đủ thấy đảng của ông ta cũng đến những hồi cuối của nó.

Nói tóm lại, mùa bầu cử này đang “gia tốc diễn trình tan rã của các phạm trù và giả thiết chính trị lỗi thời. Hàng triệu người đang sục sạo đi tìm một cách thế hoàn toàn khác để suy tưởng về chính trị”. Câu hỏi hiện nay là cuộc tập hợp chính trị mới này có hình dáng ra sao.

Camosy cho rằng việc này tùy thuộc ở lớp người ông gọi là “thiên niên kỷ” (millennials), lớp người sẽ gây tác động lớn bằng cách từ khước nhận mình là Dân Chủ hay Cộng Hòa. Và đối với lớp người này, Đức Phanxicô đến đúng lúc.

Trước hết, người Công Giáo Hoa Kỳ biết rõ: thần học luân lý và học thuyết xã hội Công Giáo không thích hợp chút nào đối với phương thức nhị phân cấp tiến/bảo thủ trong cuộc chiến văn hóa. Và, lần đầu tiên trong lịch sử, nền văn hóa chính trị của Hoa Kỳ đã mở rộng cửa để những người như Đức Phanxicô nói tới một giải pháp chân chính để thay thế.

Đây là một con người phản văn hóa đương thịnh đầy khiêm tốn, tự gọi mình trước hết là một người tội lỗi. Đây là một người tiếp nhận và sống thực nền đạo đức “hồng đậm [magenta]” (không đỏ không xanh dương), một nền đạo đức vừa bắt nguồn sâu xa từ các truyền thống và nguyên tắc xưa, vừa linh lợi khôn khéo đủ để đáp ứng các vấn đề độc đáo của thời ta.

Điều tuyệt diệu là Đức Phanxicô được giới trẻ yêu kính. Ta hãy lưu ý tới một vài điểm sau đây:

a. Giống những người thiên niên kỷ, Đức Phanxicô hết sức quan tâm tới môi trường và việc thay đổi khí hậu.
b. Giống những người thiên niên kỷ, Đức Phanxicô chống phá thai.
c. Giống những người thiên niên kỷ, Đức Phanxicô đặt việc chào đón các di dân và người tị nạn lên trên an ninh biên giới và chủ nghĩa duy quốc gia.
d. Giống những người thiên niên kỷ, Đức Phanxicô tin vào việc sống thực các giá trị của mình khi cố gắng thay đổi sự việc, không chỉ cậy nhờ các định chế lớn lao, xa xôi và chậm chạp của chính phủ để thực hiện việc mình làm.
e. Giống những người thiên niên kỷ, Đức Phanxixcô quan tâm tới tỷ lệ thất nghiệp cao nơi giới trẻ.

Quan trọng nhất có lẽ là việc Đức Phanxicô nhấn mạnh tới nền văn hóa gặp gỡ chân chính, một nền văn hóa khá lôi cuốn những người thiên niên kỷ, vì họ vừa từ khước việc phán đoán người ta dựa vào những phạm trù có thể bác bỏ được, vừa thấy mình càng ngày càng bị tách biệt khỏi các mối liên hệ chân chính.

Đức Phanxicô không chỉ lôi cuốn giới trẻ. Cuộc tông du Hoa Kỳ của ngài đã sản sinh nhiều thiện chí to lớn trong mọi phạm vi dân số, chính trị và thần học. Có lẽ ngài là khuôn mặt công cộng duy nhất vừa có những chủ trương mạnh mẽ trong các vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất thời ta vừa thực sự chiếm được lòng yêu mến của người trẻ lẫn người già, người giầu lẫn người nghèo, người bảo thủ lẫn người cấp tiến, đàn ông lẫn đàn bà, người phàm lẫn người tu.

Điều cũng có lẽ nữa là viễn kiến phản văn hóa đương thịnh của Đức Phanxicô đã có đủ thời gian để thẩm thấu vào ý thức công Hoa Kỳ trước chu kỳ bầu cử đầy tính phá hoại nhất trong 60 năm nay của nước này. Với Đức Phanxicô, người ta có được một phương thức thay thế chân chính, một phương thức có tỷ lệ ủng hộ cao hơn của Trump tới 35%.

Mong sao nhận định của Camosy thành sự thực. Chỉ có điều sự thực này buộc ta phải chấp nhận Hilary Clinton, người nổi tiếng ủng hộ phá thai, làm tổng thống Hoa Kỳ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét