Trang

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2016

14-08-2016 : (phần I) CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN năm C

14/08/2016
Chúa Nhật tuần 20 thường niên năm C
(phần I)


Bài Ðọc I: Gr 38, 4-6. 8-10
"Ngài đã sinh ra tôi làm người bất thuận sống trên vũ trụ".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Trong những ngày ấy, các thủ lãnh tâu vua rằng: "Chúng tôi xin bệ hạ cho lệnh giết người này, vì nó cố ý nói những lời làm lũng đoạn tinh thần chiến sĩ còn sống sót trong thành này và toàn dân. Thực sự tên này không tìm hoà bình cho dân, mà chỉ tìm tai hoạ". Vua Sêđêcia phán rằng: "Ðấy nó ở trong tay các ngươi, vì nhà vua không thể từ chối các ngươi điều gì". Họ liền bắt Giêrêmia và quăng xuống giếng của Melkia con Amêlec, giếng này ở trong sân khám đường, họ dùng dây thả Giêrêmia xuống giếng. Giếng không có nước, chỉ có bùn, nên ông Giêrêmia sa xuống bùn.
Abđêmêlech ra khỏi đền vua và đến tâu vua rằng: "Tâu bệ hạ, những người này chỉ toàn làm những điều ác đối với tiên tri Giêrêmia, họ ném ông xuống giếng cho chết đói dưới đó, vì trong thành hết bánh ăn". Vậy vua truyền dạy Abđêmêlech người Êthiôpi rằng: "Hãy đem ba mươi người ở đây theo ngươi, và kéo tiên tri Giêrêmia ra khỏi giếng trước khi ông chết".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 39, 2. 3. 4. 18
Ðáp: Lạy Chúa, xin cấp tốc trợ phù con (c. 14b).
Xướng: 1) Tôi đã cậy trông, tôi đã cậy trông ở Chúa, Người đã nghiêng mình về bên tôi, và Người đã nghe tiếng tôi kêu cầu. - Ðáp.
2) Người đã kéo tôi ra khỏi hố diệt vong, khỏi chỗ bùn nhơ; Người đã đặt chân tôi trên đá cứng, và đã làm vững bước chân tôi. - Ðáp.
3) Và Người đã đặt trong miệng tôi một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta; nhiều người đã chứng kiến và tôn sợ, và họ sẽ cậy trông vào Chúa. - Ðáp.
4) Phần con, khốn khổ cơ bần, nhưng mà có Chúa ân cần chăm nom. Người là Ðấng phù trợ và giải thoát con, ôi lạy Chúa, xin Ngài đừng chậm trễ. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Dt 12, 1-4
"Chúng ta hãy kiên quyết xông ra chiến trận đang chờ đợi ta".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, cả chúng ta, chúng ta cũng có một đoàn thể chứng nhân đông đảo như đám mây bao quanh, chúng ta hãy trút bỏ tất cả những gì làm cho chúng ta nặng nề và tội lỗi bao quanh chúng ta. Chúng ta hãy cương quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Ðức Giêsu, Ðấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn, và rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Anh em hãy tưởng nghĩ đến Ðấng đã liều thân chịu cuộc tấn công dữ dội của những người tội lỗi vào chính con người của Ngài, ngõ hầu anh em khỏi mỏi mệt mà thất vọng. Vì chưng, trong khi chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa đến nỗi phải đổ máu.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 49-53
"Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Hãy Cương Quyết Xông Pha
Nhiều lời Tin Mừng chúng ta vừa nghe, có vẻ khác lạ, nếu chưa muốn bảo là chói tai. Thường chúng ta vẫn có những quan niệm rất bình an và dịu dàng về Con Người Ðức Giêsu Kitô và nhất là về giáo lý bác ái của Người. Các Thiên Thần đã không hát khúc ca hòa bình trong ngày Người giáng sinh sao? Và trọng tâm giáo lý của Người chính là tình thương. Người đã đến để thi hành sứ vụ hòa giải, giữa Thiên Chúa với loài người, và giữa Do Thái với dân ngoại. Thế mà hôm nay, trong đoạn văn vắn tắt của Luca, chúng ta thấy Người nói đến Lửa và Nước, chia rẽ và chống đối, và ngay tại gia đình thường được gọi là tổ ấm.
Chúng ta sẽ phải hiểu Lời Chúa thế nào đây? Chú giải cẩn thận một đoạn Kinh Thánh là phận vụ của một khoa học đặc biệt. Còn trong một buổi phụng vụ, chúng ta chỉ nên tựa vào Lời Chúa vừa công bố để tìm ra giáo lý của Hội Thánh cho đời sống hiện tại của chúng ta. Và giáo lý này khởi sự ngay từ bài học Cựu Ước.

1. Vì Lời Chúa, Bị Bắt Bớ
Cuộc đời của Giêrêmia rất đỗi éo le. Nói đúng hơn, từ ngày Thiên Chúa đặt lời của Người trong miệng ông để ông làm tiên tri, tuyên bố các phán quyết của Người thay cho chính Người, Giêrêmia đã trở thành tường đồng cự lại cả xứ, cự lại các vua Giuđa và hàng khanh tướng. Ngay hàng tư tế cũng tuyên chiến với ông (x. chương 1). Chẳng phải tại ông bướng bỉnh. Ngược lại, ông luôn cảm thấy mình chỉ là một đứa trẻ. Nhưng Lời Chúa đã ập xuống trên ông, bắt ông đứng dậy tuyên sấm cho dân phản loạn. Họ đã chối bỏ mạch nước hằng sống để đào cho mình bể rò không chứa được nước (2,13).
Ðoạn văn hôm nay nói đến giai đoạn thật gay cấn. Vua xứ Giuđa bấy giờ đã tuyên thệ phục tùng vua Babylon trước mặt Thiên Chúa. Nhà tiên tri coi lời thề đó như thánh ước vì đã lấy Danh Ðức Giavê mà thề. Do đó, khi vua Giuđa và hàng khanh tướng có ý đồ bội ước, phản lại vua Babylon và cầu cạnh vua Ai Cập, thì nhà tiên tri phải lên tiếng. Ông tố cáo sự lật lọng của nhà Giuđa đối với Thiên Chúa là Ðấng luôn trung thành. Và dĩ nhiên ông đã lợi dụng cơ hội này để kể hết các bội phản của dân thất ước. Ông bực mình nhất vì thái độ giả hình của họ. Họ cứ vỗ ngực xưng mình là dân của Chúa đang khi không ngớt vứt bỏ lệnh truyền của Người. Họ căn cứ vào việc Chúa đã chọn họ làm dân ưu tuyển, để luôn cư xử bất công với mọi dân khác, coi dân ngoại chỉ như bàn đạp cho họ tiến lên. Giêrêmia chống đối thái độ giả đạo đức và tự phụ khinh người ấy. Ông luôn nhắc nhở phải trở về với Thiên Chúa và biết rằng Người coi trọng các dân tộc. Nhưng những lời ông nói đều bị bỏ ngoài tai. Vua Giuđa tiến hành ý đồ phản lại Babylon. Nước này đem quân xuống đánh, vây chặt thủ đô Giêrusalem. Giêrêmia cũng bị nằm trong vòng vây.
Nhưng vì Ai Cập khiêu khích để yểm trợ cho Giuđa. Vua Babylon tạm thời nới lỏng vòng vây Giêrusalem để đánh phá Ai Cập trước. Lợi dụng lúc một phần quân Babylon rút đi, Giêrêmia muốn lẻn về thăm quê ở Anatốt, chỉ xa Giêrusalem chừng một giờ đường bộ thôi. Nhưng ông bị lính Giuđa bắt giữ, cho rằng ông muốn đi theo quân Babylon. Thế là kẻ thù của ông ra mắt vua xứ Giuđa, xin nhà vua xử lý một tên phản quốc, với những lời lẽ mà chúng ta đã nghe đọc bài sách hôm nay. Cuối cùng họ đã quăng ông xuống một giếng bùn, để ông lún xuống dần dần mà chết đi.
May có một người dân ngoại làm hoạn quan trong hoàng cung nghe biết. Ông đến xin nhà vua cho kéo Giêrêmia lên khỏi giếng. Nhà tiên tri thoát chết trong lần này. Nhưng rồi chẳng bao lâu, quân Babylon trở lại. Giêrusalem thất thủ. Nhà tiên tri bị người Do Thái kéo sang Ai Cập và dường như ông đã chết ở đây, giữa những kẻ suốt đời vẫn thù ghét ông, vì ông luôn luôn nói Lời Chúa cho dân ngỗ nghịch.
Do đó Giêrêmia đã trở thành nhà tiên tri đặc biệt của Ðức Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Cuộc đời của ông báo trước cuộc Tử nạn của Người. Ông là một trong đoàn thể chứng nhân đông đảo bao quanh chúng ta, trong cuộc đời đầy phấn đấu hiện nay. Chính tư tưởng phấn đấu này là chủ đề của tất cả Lời Chúa hôm nay và là trọng tâm của bài Tin Mừng mà bây giờ chúng ta muốn tìm hiểu.

2. Vì Tin Mừng, Bị Chống Ðối
Như lúc đầu đã nói, nhiều lời trong bài Tin Mừng hôm nay không ngọt tai tí nào. Chúng ta thích hơn nếu Ðức Giêsu Kitô nói Người đem hòa bình đến. Vì chúng ta quen quan niệm Người có lòng nhân từ và công cuộc của Người là cứu thế. Tôi sẽ không làm dịu bớt tính cách "chát chúa" của những lời Người tuyên bố hôm nay để phục vụ khuynh hướng tự nhiên của chúng ta quen quan niệm đạo là bác ái và vì thế đạo nên tránh nói những lời thẳng nhặt. Tuy nhiên trước hết chúng ta cần hiểu đúng ý Chúa trong các lời tuyên bố này.
Người ta có thể nghĩ ngay đến chung thẩm, tức là phán xét chung trong ngày sau hết, khi nghe Chúa Giêsu khẳng định: Người đến đem lửa xuống thế gian và Người mong biết bao cho lửa ấy cháy lên. Quả thật trong Kinh Thánh có rất nhiều đoạn nói đến lửa để ám chỉ việc phán xét. Và thánh Gioan Tẩy giả đã giới thiệu Ðức Giêsu như "Ðấng sẽ đến để thanh tẩy trong Thánh Thần và trong lửa". Hơn nữa, Người còn nói: "Lưỡi rìu đã sẵn gốc cây: cây nào không sinh quả lành sẽ bị chặt và quăng vào lửa" (Mt 3,10).
Tuy nhiên mặc dầu có những ý kiến như thế, chúng ta vẫn có quyền tự hỏi: Không biết đoạn văn này có nhất thiết phải được hiểu như vậy không? Có điều chắc chắn, Ðức Giêsu không khi nào khẳng định việc chung thẩm, như chúng ta hiểu, sẽ xảy đến trong lúc Người đang ở giữa xã hội loài người. Thời gian phán xét là bí mật của Chúa Cha. Ngài sẽ trao quyền xét xử ấy cho Ðức Kitô sau này. Thế nên khi Ðức Giêsu đến theo lời giới thiệu của Gioan, thật ra chưa có việc phán xét; nhưng mới chỉ có sự phân biệt "để ý nghĩ của nhiều tâm hồn phải bày ra", như lời Luca nói; nghĩa là để các tâm hồn phải lựa chọn thái độ: hoặc đón nhận hoặc khước từ ơn cứu độ của Thiên Chúa đến trong thế gian nơi Ðức Giêsu Kitô.
Thế nên "lửa" mà Người nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay đúng hơn nên hiểu về "Thánh Thần". Người đến để cho những kẻ tin Người được Thần Khí của Thiên Chúa. Người mong muốn, đến nỗi nôn nóng thấy việc đó chóng xảy đến để loài người chóng nhận được Thánh Thần khiến họ có thể kêu lên "Abba ! Lạy Cha". Một cách cụ thể, có thể nói, trong suốt cuộc đời trần gian, Ðức Giêsu hằng mong mỏi ngày lửa Thánh Thần sẽ xuống trên các môn đệ, vì đó là mục đích cuộc giáng sinh cứu thế của Người, để tất cả loài người trở thành con cái Thiên Chúa.
Thế mà, như chúng ta biết, Thánh Thần không thể được ban xuống cho các môn đệ, bao lâu Ðức Kitô chưa bị treo lên cây Thập giá. Do đó tiếp theo câu nói Người mong muốn biết bao cho lửa cháy lên, Chúa Giêsu đã khẳng định luôn: "Người phải chịu một phép rửa và lòng Người khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất". Câu nói này, ai cũng hiểu là để ám chỉ cuộc Tử nạn của Người.
Như vậy chúng ta có thể tóm tắt như sau: trong bài Tin Mừng hôm nay trước hết Chúa Giêsu bộc lộ ý chí cứu thế của Người. Người mong mỏi cho loài người được lãnh nhận Thánh Thần yêu mến và vì thế Người muốn đến ngày chịu tử nạn, lấy máu rửa sạch tội lỗi loài người để họ nhận được Nước sinh sống của Thánh Thần.
Nhưng mầu nhiệm Thánh giá là điên rồ đối với lương dân và là ô nhục đối với người Do Thái. Tính tự nhiên của xác thịt con người lập tức muốn phản kháng. Thái độ của Phêrô khi nghe nói lần đầu tiên, ai cũng biết. Ông kéo Ðức Giêsu ra nơi kín và xin Người đừng nghĩ như thế. Nhưng chính Ðức Giêsu không những lại khẳng định: Người sẽ đi vào con đường thập giá; Người còn nói thêm: ai muốn theo Người cũng phải làm như vậy. Và mầu nhiệm thánh giá là trọng tâm, nếu không phải là toàn bộ sứ điệp của Chúa Giêsu mang đến cho loài người. Do đó phải coi là phản Tin Mừng khi trong Ðạo Chúa không muốn nói đến phấn đấu và hy sinh. Lòng từ nhân, sự hòa giải và bình an của Thiên Chúa đem đến cho loài người, phải đi qua đường hẹp. Người có sức mạnh và kiên cường mới đón nhận được. Không những họ phải phấn đấu chống lại các khuynh hướng xác thịt và tội lỗi; nhưng vì sức mạnh của Satan còn nằm trong cả thế gian nữa, nên thường khi họ còn phải đương đầu với sức ép của các xã hội xấu. Dĩ chí, ngay nơi tổ ấm gia đình cũng có thể gặp những trở ngại cho đời sống đức tin và đạo đức. Hôm nay trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu đã báo trước như thế và lịch sử cùng kinh nghiệm đều hùng hồn làm chứng đó là những điều rất thật.
Như vậy chẳng còn gì khác lạ, chói tai như lúc đầu chúng ta có thể nghĩ nữa. Chúa Giêsu chỉ nói những sự thật hiển nhiên đầy ơn cứu độ. Ðó là những lời Tin Mừng: Chúa Giêsu muốn chúng ta được tràn đầy Thánh Thần để chúng ta được thần linh hóa. Và cho được như vậy, chính Người phải đi vào con đường thánh giá. Và hết thảy chúng ta cũng phải vác lấy thập giá hằng ngày của mình. Hiểu như vậy, tác giả thư Hípri có lời khuyên chúng ta như sau.

3. Chúng Ta Hãy Cương Quyết Xông Pha
Thật ra, sau những lời tin mừng chúng ta vừa trình bày và thấy gương sáng của Giêrêmia, chúng ta đã có thể tự mình đem ra những quyết tâm cho cuộc sống hằng ngày. Lời thư Hípri chỉ muốn hỗ trợ ý chí của chúng ta thôi. Có ba ý tưởng đáng ghi nhớ. Trước hết tác giả cho chúng ta thấy mình đang ở giữa một đoàn thể chứng nhân đông đảo. Ðó là các thánh trong Cựu Ước. Và ngày nay chúng ta phải kể thêm sự hiện diện đông đảo của các thánh thời Tân Ước. Những thế hệ anh hùng ấy đã gian truân khổ sở hơn chúng ta. Nhớ mình đang được nâng đỡ như vậy, chúng ta phải thêm tinh thần xông pha chiến trận đang chờ đợi chúng ta để đi tới vinh quang hạnh phúc mà các người đang được dự.
Hơn nữa không phải chúng ta chỉ có những chứng nhân bao quanh để khích lệ và cổ vũ; trước mắt chúng ta còn có một lãnh tụ dẫn đầu và lôi cuốn. Ðó là Ðức Giêsu Kitô. Chính Người không những khơi nguồn mà còn viên thành niềm tin. Người đưa dẫn chúng ta từ đầu chí cuối. Người là đường đi, là sự sống, là sự thật của chúng ta. Nhờ vậy sự kiên quyết, kiên cường phấn đấu của người tín hữu không bao giờ là một sự bướng bỉnh, cố chấp, đi ngược lại quyền lợi và hạnh phúc của người khác; nhưng là sự bền chí, kiên tâm, trong con đường cứu độ.
Hơn nữa chính hình thức của sự phấn đấu kiên quyết này còn lấy cuộc đời của Ðức Kitô làm mẫu mực. Người đã khước từ vui sướng cho mình, kiên chịu thẹn thuồng xấu hổ và khổ hình thập giá vì loài người tội lỗi. Người không dạy chúng ta chịu đau khổ vì đau khổ, nhưng vì phần rỗi và hạnh phúc của mọi người. Người lấy phục vụ làm cứu cánh và chấp nhận phấn đấu như điều kiện. Chúng ta có đăm nhìn lên Người như vậy, cuộc đời phấn đấu của chúng ta mới có ý nghĩa cao quý, vì nói muốn góp phần xây dựng hạnh phúc chung cho nhân loại.
Ðối với một lý tưởng như thế, những thử thách của chúng ta đã là gì? Ðó là ý tưởng thứ ba của bài thư Hípri. Cuộc đời của chúng ta có gian khổ vẫn chưa là gì sánh với đời sống đầy thử thách của Giêrêmia và biết bao chứng nhân khác. Nó không nghĩa lý gì sánh với các đau khổ tình nguyện của Ðức Giêsu Kitô. Nhất là nó chẳng đáng sánh với mục đích xây dựng hạnh phúc của toàn thể xã hội.
Chúng ta sẽ cương quyết xông pha hơn. Nhưng như lời thư Hípri nói: chúng ta hãy đắm nhìn lên Ðấng khơi nguồn và viên thành đức tin. Người có lôi cuốn, hướng dẫn, chúng ta mới biết đi vào và hoàn tất cuộc hành trình trần gian. Người luôn hiện diện trước mặt chúng ta trong kho tàng Lời Chúa và đặc biệt trong các mầu nhiệm bàn thờ. Ðến với Người ở đây chúng ta còn được chính Người đi vào con người và đời sống chúng ta để giúp chúng ta biết sống như Người và với Người, nghĩa là hiện diện trước mặt chúng ta trong kho tàng Lời Chúa và đặc biệt trong các mầu nhiệm bàn thờ.
Ðến với Người ở đây chúng ta còn được chính Người đi vào con người và đời sống chúng ta để giúp chúng ta biết sống như Người và với Người, nghĩa là sống phấn đấu không ngừng cho phần rỗi và hạnh phúc của mọi người. Ðó là điều chúng ta tin tưởng và cử hành giờ đây nơi bàn thờ. Xin mọi người hãy hết mình tham gia.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 20 Thường Niên, Năm C
Bài đọc: Jer 38:4-6, 8-10; Heb 12:1-4; Lk 12:49-53.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Người làm chứng cho sự thật phải trả giá.
Thế gian đầy dẫy sự gian trá. Để diệt trừ sự gian trá cần có những con người biết sự thật, nói sự thật, sống sự thật, và làm chứng cho sự thật. Những con người như thế sẽ bị thế gian truy tố, vì họ phơi bày sự gian trá của thế gian; nhưng cũng chính vì sự can đảm của họ, nhiều người lầm đường lạc lối đã quay trở về với chính lộ để được giải thoát.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật tầm quan trọng của sự thật và giá phải trả của những con người dám hiên ngang làm chứng cho sự thật. Trong bài đọc I, ngôn sứ Jeremiah bị những nhà lãnh đạo của Judah ném xuống giếng bùn cho chết, vì họ không thể nghe những lời tiên đoán của ông về sự sụp đổ của thành Jerusalem, của Đền Thờ, và toàn nước sẽ phải lưu đày; nhưng họ đã không giết chết được ông vì vẫn có người muốn nghe sự thật và giải thoát cho ông. Xấu hổ thay, người đó lại là một viên quan thái giám người Ethiopia, một người Dân Ngoại. Trong bài đọc II, tác giả Thư Do-thái khuyên các tín hữu hãy kiên trì chạy đua trong trận chiến đức tin để làm chứng cho sự thật. Ông khuyên họ hãy noi gương của các chứng nhân đi trước, và nhất là noi gương của Đức Kitô, tuy Người đã bị chết treo trên Thập Giá, nhưng giờ đây đang ngự bên hữu Thiên Chúa trong vinh quang để cầu bầu cho họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tâm sự với các môn đệ, Ngài đã ném lửa của sự thật vào thế gian, và Ngài ước mong cho lửa này bùng lên trong lòng mọi người. Để được như thế, Ngài phải chịu một phép rửa bằng máu; đó chính là cái chết của Người trên Thập Giá.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ngôn sứ Jeremiah bị giam trong giếng bùn vì nói lời của Thiên Chúa.
1.1/ Các thủ lãnh làm hại Jeremiah vì họ không muốn nghe sự thật.
Con người sống bằng hy vọng và lạc quan, họ mong muốn bình an và phát triển, thế mà ngôn sứ Jeremiah lại cứ tiên đoán chiến tranh, tù đày và chết chóc. Đó là lý do các thủ lãnh của Judah đến thưa với vua Zedekiah: "Xin ngài cho giết con người ấy đi, vì những luận điệu của ông ta đã làm nản lòng các binh sĩ còn lại trong thành này, cũng như toàn dân. Thật vậy, con người ấy chẳng mưu hoà bình cho dân này, mà chỉ gây tai hoạ."
Nhưng con người không thể “lạc quan miền thượng,” nghĩa là lạc quan trong khi chẳng có lý do gì để lạc quan. Các nhà lãnh đạo Do-thái không thể mưu cầu một nền hòa bình tạm bợ, hay một nền hòa bình đặt trên sự giả dối; vì sớm muộn rồi sự giả dối đó cũng bị lộ tẩy, và chiến tranh bắt đầu tàn phá. Sự thật mà ngôn sứ Jeremiah muốn nói với họ ở đây là họ phải diệt trừ tội lỗi và quay trở về với Thiên Chúa, thì họ mới có bình an nhờ sự bảo vệ của Ngài.
Vua Zedekiah là một ông vua nhu nhược. Vua có thể chưa nhận ra sự thật, hay không dám bênh vực cho sự thật vì sợ sẽ bị họ chống đối, nên vua Zedekiah nói với họ: "Đây ông ta đang ở trong tay các ngươi; nhà vua cũng chẳng có thể làm gì trái ý các ngươi được."
Những nhà lãnh đạo không muốn tay họ vấy máu ngôn sứ Jeremiah, nên họ nghĩ ra một cách là quăng ông xuống giếng bùn cho chết vì đói khát và bệnh tật. “Họ liền điệu ông Jeremiah đi, và bỏ xuống một cái hầm nước của hoàng tử Malchiah, trong sân vệ binh. Họ lấy dây thừng thả ông Jeremiah xuống. Vì trong hầm không có nước, mà chỉ có bùn, nên ông bị lún sâu."
1.2/ Ông Ebedmelech bênh vực và giải thoát ngôn sứ Jeremiah: Ông Ebedmelech người Ethiopia là quan thái giám của Zedekiah, ông có lẽ đã nghe những lời than ai oán và những lời cầu xin của ngôn sứ Jeremiah vọng lên từ đáy giếng, nên ông đã động lòng trắc ẩn, lòng thương xót giữa con người với con người. Đây chính là lý do ông Ebedmelech đi ra khỏi đền vua và thưa với vua rằng: "Thưa đức vua, chúa thượng tôi, những người này làm toàn những chuyện tai ác cho ngôn sứ Jeremiah. Họ đã thả ông xuống hầm, và ông đang chết đói ở dưới ấy, vì trong thành không còn bánh nữa.”
Ngôn sứ Jeremiah bị bao vây bởi đau khổ dưới giếng bùn: đói khát, lạnh lẽo, bệnh tật, sợ hãi bị bỏ rơi, bị đe dọa bởi tử thần. Đây là lúc niềm tin của ông nơi Thiên Chúa bị thử thách. Đây là lúc mà Lời Chúa lúc đầu ngọt ngào bao nhiêu giờ trở nên cay đắng cho lòng ông bấy nhiêu, đến nỗi ông đã than thở những lời u oán trong bài Ai-Ca thứ ba. Dẫu vậy, ông vẫn tin Thiên Chúa sẽ giải thoát ông khỏi tay thù địch và khỏi chết.
Tại sao vua Zedekiah bây giờ lại truyền cho Ebedmelech đi cứu ngôn sứ Jeremiah? Vua là người nhu nhược, nhưng khi thấy niềm tin và sự can đảm của viên quan thái giám, nhà vua thức tỉnh và nhận ra tội lỗi của mình. Vua liền truyền cho ông Ebedmelech: "Ngươi hãy đem theo ba mươi người ở đây, đi kéo ngôn sứ Jeremiah lên khỏi hầm, kẻo ông chết mất."
2/ Bài đọc II: Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá.
2.1/ Chúng ta được bao vây bởi các nhân chứng đức tin trong lịch sử.
Tác giả hình dung cuộc đời của các tín hữu giống như một cuộc chạy đua trong vận động trường. Trong cuộc thi chạy đua, người tín hữu có những khán giả cổ vũ cho mình là các nhân chứng đức tin của lịch sử trên đám mây nhìn xuống. Để có thể chạy cách hiệu quả, con người cần:
(1) Trút bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình: Để có sức chạy dài, lực sĩ cần trút bỏ mọi gánh nặng không cần thiết; vì một trọng lượng mang theo mình, cho dù nhỏ đến đâu chăng nữa, cũng sẽ trở nên nặng nhọc vì đường dài. Tương tự trong cuộc chạy đua đức tin, các tín hữu cần dứt bỏ những thói quen xấu; vì một tội lỗi, cho dù nhỏ đến đâu chăng nữa, cũng sẽ ngăn cản các tín hữu không hoàn tất cuộc đua.
(2) Hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta ở đàng trước: Khác với cuộc đua trong thao trường, mọi người hoàn tất trong cuộc đua đức tin, đều được lãnh nhận phần thưởng. Vì thế, điều quan trọng trong cuộc chạy đua đức tin, không lệ thuộc vào việc chạy nhanh, nhưng lệ thuộc vào sự kiên trì hoàn tất cuộc đua.
2.2/ Chúng ta hãy luôn hướng tới Đức Giêsu, Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin.
Con người chiến đấu là cho một mục đích. Vì mục đích này, con người có thể vượt qua mọi gian nan khổ cực trong cuộc đời. Noi gương Chúa Giêsu, người nhập thể và chịu khổ hình là để ý của Thiên Chúa được vẹn toàn. Nói cách khác, vì niềm vui là mang lại ơn cứu độ cho con người, mà Ngài “đã cam chịu khổ hình thập giá, khinh thường ô nhục, và nay đang được ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.” Chúng ta cũng vậy, vì hy vọng sẽ đạt được ơn Cứu Độ mà Chúa Giêsu đã chịu khổ hình để mang lại, chúng ta sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ của cuộc đời như Chúa.
Trong cuộc đời, nhiều khi chúng ta cảm thấy những người được chúng ta giúp, đã không biết ơn thì chớ, lại còn phê bình hay đối xử tàn nhẫn với chúng ta, mặc dù chúng ta đã cố gắng hết mực. Những lúc mang tâm trạng như thế, chúng ta hãy nhìn lên cây Thánh Giá để được an ủi; vì có một người cũng đã mang tâm trạng như thế cho tội lỗi của chúng ta. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là cuộc đời giảng dạy và ban phát ơn lành; thế mà con người đáp trả lại bằng những khinh thường, nhục mạ, mão gai, roi đòn, và đóng đinh trên Thập Giá. So sánh với những gì Chúa Giêsu phải trải qua, đau khổ của chúng ta không thể nào so sánh được với những đau khổ của Ngài. Vì thế, tác-giả Thư Do-thái khuyên các tín hữu: “Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí. Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu.”
3/ Phúc Âm: Lời sự thật sẽ gây chia rẽ
3.1/ “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”   Lửa có ít nhất 3 công dụng: soi sáng, thanh tẩy (luyện kim), và sưởi ấm.
(1) Chúa Giêsu soi sáng con người bằng Lời Chúa;
(2) Sống Lời Chúa sẽ giúp con người thanh tẩy tất cả sai trái và tật xấu trong tâm hồn;
(3) Cảm nghiệm được tình thương Thiên Chúa sẽ giúp con người có sức mạnh xóa tan đi những hố sâu chia rẽ và sưởi ấm lại tình người.
Lửa mà Chúa Giêsu đã ném vào mặt đất mà muốn cho bùng lên là Sự Thật và Tình Yêu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói tiếp: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” Phép Rửa Chúa Giêsu đề cập đến ở đây chính là Phép Rửa bằng Máu, là Cuộc Thương Khó của Ngài. Phép Rửa này chỉ hoàn tất khi Ngài giang tay chết trên Thập Giá để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.
3.2/ Thầy đến để đem sự chia rẽ?
Lời tuyên bố của Chúa Giêsu sẽ làm không ít người ngạc nhiên: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban bình an cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.” Nhiều người sẽ hỏi: “Tại sao Thiên Chúa của bình an lại đem chia rẽ?”
Bình an của Thiên Chúa khác với bình an của con người và cách để có bình an của Thiên Chúa cũng khác với cách của con người. Bình an của trái đất là bình an giả tạo vì đặt trên những hiểu biết của con người; và chiến tranh có thể tái phát bất cứ lúc nào nếu có sự xung đột giữa những hiểu biết của con người. Thiên Chúa ban bình an cho con người không theo kiểu của thế gian: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Jn 14:27). Bình an của Thiên Chúa chỉ thực sự có được khi mọi người nhận ra sự thật trong Mầu Nhiệm Cứu Độ và tình thương của Thiên Chúa dành cho con người.
Vì sự thật của Thiên Chúa khác với sự thật của con người nên những lời dạy của Chúa Giêsu sẽ tạo nên sự chia rẽ: có những người tin vào Lời Chúa giảng dạy như các Tông Đồ và môn đệ; có những người sẽ phản đối và không tin như một số Kinh-sư, Biệt-phái, và Luật-sĩ. Hậu quả là họ tìm cách để tiêu diệt Chúa và các Tông Đồ. Cũng vậy, khi Lời Chúa được gieo trong cùng một mái nhà: sẽ có những người trong gia đình tin; sẽ có những người không tin. Hậu quả là gia đình bị chia rẽ. Nhưng nếu mọi người trong gia đình đều nhận ra sự thật và tin vào Lời Chúa, lúc ấy gia đình mới thực sự có bình an, và không một quyền lực nào có thể phá tan sự bình an đích thực này.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Sự thật mất lòng nhưng chỉ có sự thật mới giải thoát. Chúng ta hãy để cho Lời Chúa thấm nhập vào tận tâm hồn để thanh tẩy tất cả những tính hư tật xấu trong con người.
- Chúng ta là những ngôn sứ của sự thật. Chúng ta phải can đảm nói và làm chứng cho sự thật, cho dù có phải trả giá bằng những giận ghét, oán hờn, và ngay cả cái chết.
- Có thông phần đau khổ chúng ta mới được thông phần vinh quang với Đức Kitô trong Nước của Thiên Chúa. Chúng ta tin chắc sự thật sẽ toàn thắng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

14/08/16 CHÚA NHẬT TUẦN 20 TN – C 
Lc 12,49-53

Suy niệm: Lửa để đốt nóng và chiếu sáng; lửa làm tan chảy và tinh luyện…. Lửa cần cho mặt đất và cũng cần cho cuộc sống con người. Làm ra lửa, một phát minh vĩ đại của con người thuở sơ khai. Chúa Giê-su đến “ném lửa vào mặt đất,” một thứ lửa thiêng, lửa mới: Ngọn lửa đã từng bùng cháy nơi bụi gai, khi Thiên Chúa thần hiển cho ông Mô-sê trong hoang địa, ngọn lửa sẽ xuất hiện trên đầu các tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần khi Chúa Thánh Thần ngự xuống, đó chính là ngọn lửa tình yêu trong Thánh Tâm Chúa Giê-su mà Ngài mong ước được bùng cháy lên nơi tâm hồn những người được Chúa cứu độ. Đáp lại lòng mong ước của Chúa Giê-su, Hội Thánh tiếp nối sứ mạng “chia lửa” này cho đến tận thế qua cuộc sống chứng nhân của các ki-tô hữu.
Bạn ơi, để thực thi sứ mạng “chia lửa” đó, trước tiên chính bạn phải là ngọn đèn luôn cháy sáng bằng ngọn lửa được đốt bằng chất dầu là tình yêu của Chúa Ki-tô. Bằng việc suy niệm Lời Chúa, bạn đến với Đức Ki-tô là “nguồn sáng đích thực;” bằng việc rước Thánh Thể, tâm hồn bạn được kết hiệp với Trái Tim bừng cháy lửa tình yêu của Chúa Giê-su. Như thế bạn đã sẵn sàng để trở nên hy tế cùng với Đức Ki-tô rồi đó.
Sống Lời Chúa: Suy niệm lời Chúa và rước Thánh Thể để nuôi dưỡng ngọn lửa mến thiêng liêng của Đức Ki-tô luôn cháy nóng trong lòng bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su tình yêu của con, xin đốt nóng tâm hồn con bằng ngọn lửa tình yêu của Thánh  Tâm Chúa, để con hăng say phụng sự Chúa nơi anh em.

PHẢI CHI LỬA ẤY ĐÃ BÙNG LÊN
Chúng ta được mời gọi để thực hiện niềm ước mong mà Ðức Giêsu đã suốt đời ôm ấp, đó là làm cho thế giới nên ấm áp hơn vì con người biết sống cho Thiên Chúa và cho nhau.


Suy nim:
Nhiệt độ của trái đất có chiều hướng nóng dần lên.
Ðó là một điều đáng sợ.
Nhưng điều đáng sợ hơn
lại là sự lạnh lùng giữa người với người.
Con người cần cơm bánh và giải trí,
nhưng con người còn cần sự nâng đỡ cảm thông.
Nhân loại sống được là nhờ tình thương ấm áp.
Vậy mà băng giá của lạnh đạm dửng dưng
vẫn tồn tại khắp nơi trên mặt đất.
Băng giá nằm ngay nơi lòng con người.
Ðức Giêsu đã khẳng định sứ mạng của Ngài:
Ngài đến để ném lửa trên mặt đất,
và Ngài ước mong, phải chi lửa ấy đã bùng lên.
Ngọn lửa Ðức Giêsu muốn nhóm lên
không phải là ngọn lửa của án phạt và hủy diệt,
không phải là thứ lửa từ trời mà Gioan và Giacôbê
định xin đổ xuống trên một làng của xứ Samari.
Ðây là ngọn lửa vẫn bừng cháy trong tim Ngài,
lửa của Thánh Thần, lửa của yêu thương,
lửa hâm nóng hai môn đệ Emmau đang tuyệt vọng.
Chúng ta cần được ngọn lửa của Ðức Giêsu chạm đến,
cần được Ngài làm bừng sáng lên
những sức mạnh tiềm ẩn nơi ta,
để chúng ta trở thành ánh lửa cho thế giới.
“Phải chi lửa ấy đã bùng lên!”
Chúng ta được mời gọi để thực hiện niềm ước mong
mà Ðức Giêsu đã suốt đời ôm ấp,
đó là làm cho thế giới nên ấm áp hơn
vì con người biết sống cho Thiên Chúa và cho nhau.
Gieo rắc ngọn lửa và ánh sáng
là chấp nhận bị từ khước và đe dọa.
Ðức Giêsu linh cảm những gì sẽ xảy ra cho đời mình.
Ngài sẽ phải chịu một phép rửa kinh khủng,
sẽ phải dìm mình thật sâu trong nỗi khổ đau.
Hôm nay, Ngài mời chúng ta ném lửa trên mặt đất
và chấp nhận đối đầu với sức mạnh của bóng tối.
Khi Ðức Giêsu bị treo trên thập tự,
khi Ngài bị giam trong mồ tối,
bóng tối tưởng như đã nuốt chửng được Ngài.
Nhưng ngọn lửa phục sinh đã bừng lên giữa đêm đen.
Ðó là niềm hy vọng của chúng ta,
những người vẫn còn phải hăng say chiến đấu
để đẩy lui bóng tối ra khỏi mọi nơi, mọi chỗ,
bóng tối của bất công, sa đọa và tuyệt vọng,
bóng tối của hận thù, của nạn mù chữ,
bóng tối của nghèo nàn lạc hậu...
Bóng tối do khép lại cánh cửa của lòng mình,
Bóng tối ở ngay trong lòng tôi.
Có lúc chúng ta sợ hãi bóng tối dầy đặc,
mà ngọn lửa của mình lại yếu ớt.
Nếu một tỷ Kitô hữu đều là những ngọn lửa
thì bóng tối sẽ bị đẩy lùi khỏi mặt đất.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa,
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được
Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Chân phước Têrêxa Calcutta)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
14 THÁNG TÁM
Mục Đích Phổ Quát Của Con Người Trong Kế Hoạch Của Thiên Chúa
Tuy nhiên, Công Đồng không nhắm mắt trước những vấn đề ngổn ngang mà con người đối mặt khi phát triển trái đất, cả những vấn đề trong chính mình lẫn những vấn đề trong cuộc sống với người khác. Sẽ là thiếu thành thật nếu phớt lờ những vấn đề ấy; cũng vậy, sẽ là một sai lầm nếu trình bày các vấn đề ấy một cách không đúng đắn và không phù hợp qua việc không qui chiếu đến sự quan phòng và ý định của Thiên Chúa.
Công Đồng nói: “Ngày nay, tuy đã tự hào trước những khám phá và quyền lực mình, nhân loại vẫn thấy lo lắng thắc mắc về sự tiến hóa hiện nay của thế giới, về chỗ đứng và phận vụ của con người trong vũ trụ, về ý nghĩa của những cố gắng cá nhân cũng như tập thể, và sau hết về cùng đích của con người và muôn loài” (MV 3).
Rồi Công Đồng tiếp tục giải thích: “Cũng như trong bất cứ cơn khủng hoảng tăng trưởng nào, sự biến đổi này kéo theo những khó khăn không nhỏ. Chẳng hạn như đang khi bành trướng quá rộng quyền lực của mình, không phải lúc nào con người cũng có thể bắt nó phục vụ mình. Cố gắng đi sâu hơn vào thâm tâm mình, con người nhiều khi lại tỏ ra hoang mang hơn về chính mình. Dò dẫm tìm hiểu rõ hơn những luật lệ của đời sống xã hội, con người lại do dự không dám định đoạt hướng đi cho mình” (MV 4).
Một cách rất ấn tượng, Công Đồng nói về “những mâu thuẫn và chênh lệch” là hệ lụy của sự thay đổi “nhanh chóng và lộn xộn” trong các điều kiện kinh tế xã hội, trong tập quán, trong văn hóa, trong suy nghĩ và trong lương tâm con người, trong gia đình, trong các mối quan hệ xã hội, trong quan hệ giữa các nhóm, các cộng đồng và các quốc gia. Điều này gây ra “những ngờ vực và thù nghịch nhau, những xung đột và thống khổ mà chính con người là nguyên nhân và nạn nhân.” (MV 8-10).
Cuối cùng, Công Đồng vạch ra gốc rễ của vấn đề nói trên khi tuyên bố: “Những chênh lệch dày vò thế giới ngày nay gắn kết với một chênh lệch căn bản hơn phát xuất từ đáy lòng con người” (MV 10).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 14 – 8
Chúa Nhật XX Thường niên
Gr 38, 4-6.8-10; Dt 12,1-4; Lc 12,49-53.

Lời suy niệm: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bừng lên!”
Chúa Giêsu đang tâm sự với mỗi người trong chúng ta, và Người đang ước muốn toàn thể nhân loại cùng cọng tác với Người để thực hiện điều Người đang mong ước là: Lửa yêu mến Chúa Cha và yêu thương con người; được thể hiện trên trần gian này. Nhưng con người mãi dầu tư vào vũ khí và chiến tranh để tiêu diệt lẫn nhau, không tôn trọng vào bảo vệ sự sống của con người. Trong kinh doanh khai thác thiên nhiên, vì tư lợi đã làm cho Khí hậu và Môi trường sinh thái ngày càng ô nhiễm, chồng chất gánh nặng và bệnh tật cho người nghèo. Để đáp lại ước muốn của Chúa Giêsu; Giáo Hội Chúa đang xây dựng những cây cầu hòa bình để các bên xung đột có cơ dịp gặp gỡ, đối thoại tìm ra hòa bình hòa giải với nhau. Giáo Hội đang đưa ra những thông điệp giúp nhau tìm ra phương cách khắc phục những hậu quả tai hại về Môi Trường, để bảo vệ sự sống và tôn trọng, gìn giữ và săn sóc Thiên Nhiên.
Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa ban cho toàn thể cộng đoàn dân Chúa luôn biết quan tâm và học tập những sứ điệp, thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô, để cọng tác với nhau làm cho lửa tình yêu Chúa yêu người được bùng cháy khắp mọi nơi.
Mạnh Phương


14 Tháng Tám
Còn Tình Nào Cao Quý Hơn

Vào khoảng cuối tháng 7/1941, một tù nhân đã trốn khỏi trại tập trung Auschwitz. Theo quy định của những người Ðức quốc xã đang điều khiển trại, cứ một tù nhân đào thoát, thì 10 người khác phải thế mạng.
Duyệt qua khu biệt giam, viên chỉ huy Fritsch trỏ tay vào hàng rào các tù nhân và ông đếm từ 1 đến 10. Mười người bị tử thần chiếu cố đã lần lượt tiến đến trước mặt người đồ tể. Người thứ mười đứng cạnh cha Maximiliano Kobel chợt la lên thảm thiết: "Vợ tôi, con tôi, trời ơi! Tôi sẽ không bao giờ gặp được vợ con tôi". Cha Maximiliano Kobel đã kéo người tử tội thứ mười đó lại và ngài tiến ra đứng thế chỗ cho anh...
Sau này, Francis Gajownizcek, người đàn ông đã được cha Maximiliano Kobel chết thế đã kể lại: Tinh thần trong trại thay đổi hẳn. Sự kiện này đã tạo ra một ấn tượng cao đẹp vàsâu xa... Vị linh mục dòng Fanxico đó không những chỉ chia sẻ cho các bạn tù một mẩu bánh, vài muỗng xúp, nhưng là chính mạng sống của mình để chuộc mạng cho người khác...
Liên tiếp trong hai tuần, cha Maximiliano Kobel đã phải nhịn đói, nhịn khát để chờ chết. Cơn hấp hối kéo dài quá lâu khiến những người Ðức quốc xã không thể chờ đợi được. Sau cùng, viên lý hình đã kết thúc cuộc đời của cha bằng một mũi thuốc độc.
Thân xác của cha đã được hỏa táng và tro tàng đã được rắc trên đồng lúa như phân bón. Nguyện ước lúc thiếu thời của cha đã được thành tựu: "Tôi ước ao được hóa thành tro bụi vì Ðức Trinh Nữ Vô Nhiễm nguyên tội. Ước gì tro đó được reo rắc khắp nơi trên thế giới để không còn một mảnh thi hài nào còn sót lại...".
Nhà tù nào cũng có thể là một hỏa ngục: hỏa ngục của hận thù, của ích kỷ, của phản bội. Có lẽ nhiều người Việt Nam đã và đang trải qua những hành hạ dã man gấp bội phần những gì đã diễn ra trong các trại tập trung thời Ðức quốc xã...
Nhà tù có thể là hỏa ngục, nhưng cũng có thể là Thiên Ðàng: Thiên Ðàng của hy sinh, nhẫn nhục, yêu thương, tha thứ, quảng đại... Biết bao nhiêu hoa thơm đã chớm nở trong cảnh khốn cùng ấy. Khốn khổ càng nhiều, hy sinh càng cao.
"Không có tình yêu nào cao quý bằng tình yêu của người thí mạng sống vì người mình yêu". Chúa Giêsu đã tuyên bố như thế và Ngài đã đi đến cùng cam kết của Ngài. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá không những là sự thể hiện của sự độc ác dã man của con người, nó còn là dấu chỉ của mối tình của một người đã yêu và yêu cho đến cùng...
Cái chết hy sinh vì người khác, Chúa Giêsu muốn luôn được tiếp tục qua cuộc sống của người Kitô. Ðã có rất nhiều người đã lập lại cái chết đó qua suốt lịch sử của Giáo Hội và hiện nay, còn biết bao nhiêu người vẫn còn tái diễn cái chết đó qua những hy sinh hằng ngày của mình...
Hôm nay, chúng ta kính nhớ thánh Maximiliano Kobel, ngươòi đã chết thay cho một người bạn tù. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong thánh cho ngài ngày 10/10/1982 và đặt ngài làm quan thầy của thời đại khó khăn. Kinh nghiệm của ngài chắc chắn đang tái diễn hằng ngày trong xã hội chúng ta, trong đó người Kitô không ngừng được mời gọi để quên mình và sống cho người khác.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét