Trang

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

Sáu bài học của ngày JMJ Krakow

Sáu bài hc ca ngày JMJ Krakow
Trước hàng trăm ngàn người họp nhau ở Ba Lan trong ngày JMJ, Đức Phanxicô đã chứng tỏ phong cách của mình, đánh dấu bằng cách truyền thông hiện đại và vững mạnh.


Sau ngày JMJ ở Rio de Janeiro năm 2013, chỉ vài tháng sau khi nhận chức, Đức Phanxicô đã đánh dấu các phong cách đầu tiên của mình trong chức vụ, ngày JMJ ở Krakow, Ba Lan, trước hơn 400 000 người trẻ từ 187 nước trên thế giới đổ về, thế giới đã thấy một Phanxicô hoàn toàn chín chắn trong chức vụ của mình. Năm ngày ở thành phố của Thánh Gioan-Phaolô II, thành trì của công giáo, nơi tràn ngập toàn những người trẻ và quốc tế của Giáo hội, sẽ mãi là một dụ ngôn của phong cách và sứ điệp của Đức Phanxicô. Và đây là bản tổng kết.



1 – Tài tình của ngôn ngữ và cử chỉ
Đức Phanxicô có nghệ thuật dùng hình ảnh nói với đại chúng để diễn tả các huyền nhiệm phức tạp của đức tin kitô. Vì thế, chiều thứ bảy, trong buổi canh thức ngày JMJ, ngài tố cáo sự «tê liệt nguy hiểm khi lẫn lộn hạnh phúc với ghế sofa!». Và ngài kêu gọi: «Thời buổi chúng ta sống ngày nay không cần những người “trẻ-sofa”, nhưng cần những người trẻ đi giày, tốt hơn là đi giày có móc sắt. Thời buổi này chỉ chấp nhận những cầu thủ thực thụ trên sân, thời buổi này không có chỗ cho những người trừ bị.» Hoặc, trong bài giảng thánh lễ sáng chúa nhật, người cha giải tội và bậc thầy của đời sống thiêng liêng khẳng định: «Thiên Chúa trung tín trong tình yêu của Ngài đối với chúng ta, thậm chí Ngài còn kiên trì với tình yêu này. Chúa yêu thương chúng ta còn hơn chính chúng ta thương chúng ta, Ngài tin ở chúng ta còn hơn chính chúng ta tin ở mình, Ngài luôn là người «nâng đỡ” chúng ta, người nâng đỡ 100% trong tất cả những người nâng đỡ chúng ta! Có thái độ buồn bã là không xứng đáng với cương vị thiêng liêng của mình! Đó là con siêu vi khuẩn gặm nhắm và chận tất cả, đóng tất cả mọi cánh cửa, ngăn chúng ta vươn lên lại, bắt đầu lại.» Một đoạn khác: «Chúa mong rằng trong các tiếp xúc, các “chat” (nói chuyện trên Internet) mỗi ngày của các con, Ngài có mặt ở hàng đầu, ở tuyến cầu nguyện đầu tiên. Rằng Tin Mừng của Ngài được đứng vững. Ngài được là “công cụ dò tìm” (navigateur, danh từ để lướt Internet) trên tất cả con đường sống của con.» Và Đức Phanxicô cũng cho thấy ngài rất có nghệ thuật trong việc diễn tả bằng cử chỉ điệu bộ. Khác với hai vị tiền nhiệm của mình, khi đi thăm các trại tập trung Auschwitz-Birkenau, ngài giữ thinh lặng, một ngôn ngữ còn hùng hồn hơn tất cả mọi bài diễn văn.


2 – Chọn lựa triệt để sứ điệp Tin Mừng
Đức Phanxicô không phải là một tu sĩ Dòng Tên cho có lệ. Trong Giáo hội công giáo, các tu sĩ dòng nổi tiếng là giảng Tin Mừng triệt để hơn các cha xứ của các địa phận. Một phong cách tận căn được được tu sĩ Dòng Tên đưa lên cao điểm, ngài không ngần ngại lay động giáo dân của ngài. Như chiều thứ bảy: «Chúng ta không đến thế giới này để sống “vô vị”, để sống trong dễ dàng (…); ngược lại, chúng ta đến thế giới này để cho một chuyện khác, để ghi lại một dấu ấn, một dấu ấn đánh dấu cho lịch sử.» Hoặc sáng thứ bảy, với các linh mục Ba Lan: «Đời sống của các môn đệ thiết thân nhất với Chúa Kitô, là những người mà chúng ta được gọi, được xây dựng bởi một tình yêu cụ thể, có nghĩa là phục vụ và sẵn sàng (…) Người môn đệ này trốn các tình trạng tự mãn, đặt mình là trọng tâm, họ không ở trên bệ lung lay của quyền lực thế giới, cũng không chiều theo các tiện nghi làm yếu mềm tinh thần Phúc Âm; họ không mất thì giờ để làm các dự án cho một tương lai vững chắc và được trả công cao, cũng không phiêu lưu để trở nên cô lập buồn âm u, khép kín trong các bức tường chật hẹp của thói ích kỷ không hy vọng, không vui vẻ. Hài lòng với Chúa, họ không bằng lòng có một đời sống xoàng xỉnh, nhưng một đời sống có khát vọng làm chứng, liên kết với người khác; họ dám làm và họ đi ra, không thỏa hiệp với con đường đã vạch sẵn, nhưng cởi mở và trung thành với hướng đi được Thần Khí chỉ định: thay vì sống lay lắt thì họ vui mừng rao giảng Tin Mừng.»


3 – Thích ứng với ‘phần mềm’ nội tại của Giáo hội
Đức Phanxicô muốn in dấu ấn thay đổi văn hóa trong Giáo hội công giáo theo hai trụ. Trụ đầu là cắt vĩnh viễn với nhiều thế kỷ của chủ thuyết khắc khổ (jansénisme) thống trị bởi việc sợ một Thiên Chúa trả thù. Đức Gioan-Phaolô II đã mở con đường truyền bá sứ điệp của Thánh Faustina Kowalska, một nữ tu Krakow, chết năm 1938 lúc mới 33 tuổi, vị tông đồ lớn của «lòng thương xót» mà sáng thứ bảy Đức Phanxicô đã đến tôn kính. Khi nào có dịp, Đức Phanxicô đều gằn mạnh ý tưởng này, hoàn toàn ăn khớp với bài giảng ngày chúa nhật: «Các bạn trẻ hãy tín thác vào ký ức của Chúa: ký ức của Ngài không phải là “ổ cứng” thâu và tích trữ tất cả dữ liệu, nhưng là một quả tim dịu hiện giàu lòng thương xót, Đấng vui vẻ xóa vĩnh viễn tất cả mọi dấu vết xấu của chúng ta.»
Trụ thứ nhì của cuộc cách mạng văn hóa này, đó là tinh thần dấn thân, trụ này trên thực tế nhấn mạnh đến các khía cạnh đã có trong giáo điều kitô giáo. Không có đời sống thiêng liêng mà không đi kèm hành động xã hội hay từ thiện và ngược lại. Khi đi đàng thánh giá chiều thứ sáu, ngài kêu gọi các người trẻ dấn thân. Vì «trong việc tiếp nhận người sống bên lề, người bị tổn thương trong thân thể mình, và trong việc tiếp nhận người tội lỗi, người bị tổn thương trong tâm hồn, là cá cược với uy tín của chúng ta trong cương vị kitô hữu.» Biện minh của ngài? «Chúng ta được gọi để phục vụ Chúa Giêsu đóng đinh nơi mỗi người sống bên lề, chạm đến thân thể Thánh của Ngài nơi người sống bên lề, người đói, người khát, người bệnh tật, người không có áo mặc, người bị tù, người không có việc làm, người bị bách hại, người phải lưu vong, người di dân. Chúng ta tìm ở đó Thiên Chúa của chúng ta, chúng ta chạm ở đó Thiên Chúa của chúng ta.»


4 – Sức sống kinh ngạc của giới trẻ công giáo 
Các hình ảnh u ám của của giới cao cấp công giáo, các vị tuổi trung bình bảy mươi hay những người tồi tệ ở cấp thấp nhất, phần cực kỳ thiểu số các linh mục ấu dâm lại làm cho người ta nghĩ Giáo hội công giáo đang sống những thập niên cuối của mình. Các JMJ lại có đức tính ngược lại, nó chứng tỏ một thực tế quốc tế của Giáo hội công giáo và sức mạnh của sức sống nơi giới trẻ của Giáo hội. Dù đây là chuyện dĩ nhiên ở Ba Lan, nhưng Giáo hội Pháp cũng không xấu hổ vì họ có 35.000 bạn trẻ Pháp đặc biệt nổi bật vì tính năng động của họ ở Krakow. Họ có những sinh hoạt lôi cuốn đáng kể nhất.
Cũng như sáng kiến «Krakow Beach» của các giám mục Yle-de-France với hoạt cảnh “anuncio”: sân khấu ca nhạc đã lôi cuốn rất nhiều người đến xem, phần trình diễn này do các ban nhạc nổi tiếng Glorious, Turpin, Kelly, Les Guetteurs… phụ trách. Sân khấu kết hợp với chiếc lều khổng lồ, nơi chầu thánh thể cách đó hai bước. Hai nơi được gọi để «truyền giáo».
Tuy nhiên ba buổi nói chuyện do Hội đồng các Giám mục đặc trách ngày JMJ phối hợp với Viện văn hóa Pháp ở Ba Lan – thuộc bộ Ngoại giao -, đã không có nhiều người tham dự, họ nói về các chủ đề có tính cách chính trị nói cho vừa lòng như «Âu châu», «Đón nhận người khác» và «Môi sinh». Thế hệ người trẻ công giáo này theo bản thăm dò được báo Đời sống thực hiện vào tháng 7, trước hết là thế hệ «khao khát đời sống thiêng liêng». Trong bối cảnh còn căng thẳng vì vụ ám sát linh mục Hamel, các bạn trẻ Kitô người Pháp chưa bao giờ làm chứng đức tin Kitô của mình hùng mạnh như bây giờ.


5 – Bảo vệ người di dân 
Đức Phanxicô nói về vấn đề đón nhận người «di dân» và người «tị nạn» gần như trong bất cứ lần nào ngài nói chuyện. Đối với ngài, đây là chủ đề chính của Âu châu, đặc biệt ở Ba Lan mà ngài trách họ đã «khép cửa». Ngài muốn thuyết phục người trẻ mở lòng. Vì thế, chiều thứ bảy ngài nói: «Hãy đi bằng những con đường theo cách ‘điên cuồng’ của Chúa chúng ta, Đấng dạy chúng ta đi gặp người đói, người khát, người không có áo mặc, người bệnh, người bạn có ý xấu, người bị tù, người tị nạn, người di dân, người láng giềng sống một mình. Hãy đi bằng những con đường của Chúa chúng ta, Đấng mời gọi chúng ta phải là những tác nhân chính trị, những người suy nghĩ, những người hoạt động xã hội. Đấng khuyến khích chúng ta suy nghĩ đến một nền kinh tế đoàn kết hơn.»


6 – Chuẩn bị sống theo tinh thần đa văn hóa
Trong bối cảnh hàng loạt vụ khủng bố giết người của Nhà nước Hồi giáo Tự xưng, Đức Phanxicô cẩn thận không nêu hồi giáo để tránh đổ dầu vào lửa. Thậm chí ngài còn cầu nguyện xin Chúa «chạm đến tâm hồn của những tên khủng bố» và xin các gia đình nạn nhân «có sức mạnh và can đảm để tiếp tục là anh chị em với người khác, nhất là với những người di dân». Ngài cũng thúc đẩy các người trẻ chuẩn bị để sống trong một xã hội đa văn hóa: «Ngày nay, người lớn chúng tôi, chúng tôi cần các bạn trẻ, để các bạn dạy cho chúng tôi cùng sống chung trong sự đa dạng, trong đối thoại, trong sự chia sẻ đa văn hóa, không phải như một đe dọa nhưng như một cơ hội: các bạn hãy có can đảm dạy chúng tôi, xây cầu thì dễ hơn dựng tường! Và cùng tất cả, chúng tôi xin các bạn trẻ hãy đòi hỏi chúng tôi đi trên con đường của tình huynh đệ.» Đó là chiều thứ bảy. Còn sáng chúa nhật, Đức Phanxicô kêu gọi các bạn trẻ phải «mạnh hơn sự dữ, bằng cách yêu mỗi người, cả kẻ thù của mình» vì «các con tin vào một tình nhân đạo mới, tình nhân đạo không chấp nhận hận thù giữa các dân tộc, không nhìn biên giới các nước như hàng rào chắn, giữ truyền thống riêng của mình nhưng không ích kỷ cũng không hận thù». Trên thực tế, một cách chính xác và có thể thấy rõ bằng mắt trần: «Các bạn trẻ hãy là ơn ích cho gia đình nhân loại duy nhất mà các bạn đại diện rất tốt ở đây.» Ngày JMJ sắp tới sẽ được tổ chức ở Panama năm 2019.


Marta An Nguyễn chuyển dịch


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét