07/02/2017
Thứ Ba tuần 5 thường niên
Bài Ðọc I: (Năm I) St
1, 20 - 2, 4a
"Chúng ta hãy
dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta".
Trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa phán: "Nước
hãy sản xuất những sinh vật bò sát và loài chim bay trên mặt đất, dưới vòm trời".
Vậy Thiên Chúa tạo thành những cá lớn, mọi sinh vật sống động mà nước sản xuất
theo loại chúng, và mọi chim bay tuỳ theo giống. Thiên Chúa thấy chúng tốt đẹp.
Thiên Chúa chúc phúc cho chúng rằng: "Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, đầy
nước biển; loài chim hãy sinh cho nhiều trên mặt đất". Qua một buổi chiều
và một buổi sáng: đó là ngày thứ năm.
Thiên Chúa lại phán:
"Ðất hãy sản xuất các sinh vật tuỳ theo giống: gia súc, loài bò sát và dã
thú dưới đất tuỳ theo loại". Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa đã dựng nên
dã thú dưới đất tuỳ theo loại, gia súc và mọi loài bò sát dưới đất tuỳ theo giống.
Thiên Chúa thấy chúng tốt đẹp; và Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy dựng nên
con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã
thú khắp mặt đất, và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất". Vậy Thiên
Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh Chúa; Chúa tạo thành con người giống
hình ảnh Thiên Chúa. Người tạo thành họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho
họ và phán rằng: "Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống trị
nó, hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất".
Thiên Chúa phán: "Ðây Ta ban cho các ngươi làm thức ăn mọi thứ cây cỏ mang
hạt giống trên mặt đất và toàn thể thảo mộc sinh trái có hạt tuỳ theo giống. Ta
ban mọi thứ cây cỏ xanh tươi làm thức ăn cho mọi loài dã thú trên mặt đất, chim
trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất". Và đã xảy ra như vậy.
Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi
sáng: đó là ngày thứ sáu.
Thế là trời đất và mọi
trang điểm của chúng đã hoàn thành. Ngày thứ bảy Thiên Chúa hoàn tất công việc
Người đã làm. Và sau khi hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người
nghỉ ngơi. Chúa chúc phúc và thánh hoá ngày thứ bảy, vì trong ngày đó, Người
nghỉ việc tạo thành.
Ðó là gốc tích trời đất
khi được tạo thành.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 8, 4-5. 6-7.
8-9
Ðáp: Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh
Chúa khắp nơi hoàn cầu (c. 2a).
Xướng: 1) Khi con ngắm
cõi trời, công cuộc tay Chúa tạo ra, vầng trăng và muôn tinh tú mà Chúa gầy dựng,
thì nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? con người là chi mà Chúa để ý chăm nom? -
Ðáp.
2) Chúa dựng nên con
người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh
quang, Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn
vật dưới chân con người. - Ðáp.
3) Nào chiên nào bò,
thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại
dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi. - Ðáp.
Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! -
Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và
Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 7, 1-13
"Các ngươi gác
bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, những người biệt
phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn
đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước.
Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái
không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa
mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa
bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người:
"Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những
bàn tay không tinh sạch?" Người đáp: "Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã
nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: "Dân này kính Ta
ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì
nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người". Vì các ngươi bỏ qua các
giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm
nhiều điều như vậy". Và Người bảo: "Các ngươi đã khéo bỏ giới răn
Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: "Hãy
thảo kính cha mẹ", và "ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử". Còn các
ngươi thì lại bảo: "Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể
giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)", và các ngươi
không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi huỷ bỏ lời Chúa bằng
những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống
như thế".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Tìm cái cốt yếu
Nhiều tôn giáo lấy việc
tẩy rửa làm một trong những nghi thức linh thiêng của Ðạo. Chẳng hạn người Ấn
giáo tắm ở sông Hằng trước khi vào tế tự ở đền thờ, hoặc các thành viên Cộng
đoàn Qumrân thời Chúa Giêsu lấy việc tắm rửa hằng ngày để diễn tả thái độ sẵn
sàng của mình cho ngày Ðấng Mêsia đến; ngay cả Gioan Tẩy giả cũng coi việc dìm
người xuống dòng sông Giođan rồi trồi lên khỏi nước như cử chỉ nói lên sự hoán
cải tâm hồn, sẵn sàng gia nhập đoàn dân mới của Thiên Chúa khi Ngài ngự đến.
Người Do thái còn đi xa hơn đến mức đưa nghi thức tẩy rửa ấy vào từng chi tiết
đời sống thường ngày, như rửa tay trước khi ăn, rửa chén đĩa, bình lọ...
Tin Mừng hôm nay kể lại
cuộc đối chất giữa Chúa Giêsu và những người Biệt phái về vấn đề tập tục của tiền
nhân. Ðối với người Do thái, việc rửa tay, rửa chén đĩa, rửa thực phẩm, không
chỉ là một biện pháp vệ sinh nhằm phòng bệnh, mà còn là một nghi thức tôn giáo
nói lên ước nguyện trở nên thanh sạch để có thể hiệp thông với Thiên Chúa là Ðấng
Thánh. Ðây là điều tốt, nhưng người Biệt phái đã quá vụ hình thức mà bỏ quên điều
thiết yếu, họ phán đoán một người tốt hay xấu dựa trên những hình thức bên
ngoài. Chúa Giêsu đã trả lời cho thái độ vụ hình thức ấy như sau: "Các ông
gạt bỏ giới răn của Thiên Chúa qua một bên, mà duy trì truyền thống của người
phàm". Chúa Giêsu muốn cho thấy các việc làm bên ngoài ấy, dù có tính cách
tôn giáo đến đâu, cũng không thể thay thế cho một việc khác quan trọng hơn. Ðiều
quan trọng là sự thanh sạch của tâm hồn, chứ không phải việc rửa tay, rửa vật dụng
bên ngoài; đừng lẫn lộn tập tục của truyền thống phàm nhân với lề luật do chính
Thiên Chúa ban bố.
Chúa Giêsu nhắc đến
trường hợp những người Do thái nhân danh tập tục dâng cúng một số của cải vào Ðền
thờ, gọi là copan, nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa, để rồi biện minh cho sự
thiếu sót bổn phận đối với cha mẹ. Tập tục dâng cúng là do con người, thảo kính
cha mẹ là lệnh truyền của Thiên Chúa, thế nhưng trong trường hợp vừa kể, vì
tinh thần sống vụ hình thức, những người Biệt phái đã bỏ luật của Thiên Chúa để
tuân giữ tập tục loài người.
Lời Chúa hôm nay mời gọi
mỗi người chúng ta trở về với điểm căn bản: hãy đặt Chúa vào chỗ thứ nhất và
tuân giữ giới răn của Ngài. Chúa không chủ trương phá bỏ hình thức lễ nghi cơ cấu,
nhưng chỉ muốn đặt chúng vào đúng vị trí. Xin cho chúng ta biết trân trọng và
thực hiện điều chính yếu mà Chúa đang chờ đợi chúng ta, thay vì cứ loay hoay với
những điều phụ thuộc do loài người đặt ra.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 5 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Gen
1:20 - 2:4; Mk 7:1-13.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa tạo
dựng mọi sự tốt đẹp.
Thiên Chúa là Đấng Tốt
Lành, Ngài tạo dựng mọi sự tốt lành, và không có sự gì Ngài tạo dựng xấu xa cả;
nhưng tại sao có những sự dữ trong thế giới? Một trong những nguyên nhân chính
là sự lạm dụng tự do, điều tốt lành do Thiên Chúa trao ban cho các thiên thần
và con người. Các Bài Đọc hôm nay cho thấy sự tạo dựng tốt lành của Thiên Chúa,
và sự lạm dụng tự do làm cho ra xấu xa của con người. Trong Bài Đọc I, tác-giả
Sách Sáng Thế Ký tường thuật sự tạo dựng chim trời, cá biển, thú vật, và nhất
là con người của Thiên Chúa. Tác giả nhấn mạnh đến sự kiện Thiên Chúa thấy tất
cả mọi sự đều rất tốt lành và Ngài chúc lành cho tất cả các tạo vật. Trong Phúc
Âm, các Biệt-phái và Kinh-sư tố cáo các môn đệ của Chúa vi phạm Lề Luật của tiền
nhân, vì các ông không chịu rửa tay trước khi ăn. Chúa Giêsu vạch ra các tội lỗi
của họ: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền
thống của các ông.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp.
1.1/ Ngày thứ năm, Thiên
Chúa tạo dựng chim trời và cá biển: Khi theo
dõi các chương trình của đài Discovery hàng tuần, chúng ta không khỏi ngạc
nhiên đến độ sửng sốt về các lòai thảo mộc, chim trời, cá biển, và các lòai thú
vật trong trời đất. Chúng quá đẹp, quá nhiều giống lọai khác nhau, và quá hữu
ích cho con người. Một điều làm chúng ta phải sửng sốt là mặc dù chúng trở
thành của ăn cho nhau và cho biết bao con người, nhưng chúng là nguồn lương thực
không bao giờ cạn, vì lời chúc lành của Thiên Chúa trong trình thuật hôm nay:
"Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy biển; và chim phải sinh sản cho
nhiều trên mặt đất."
1.2/ Ngày thứ sáu, Thiên
Chúa tạo dựng con người: Việc tạo dựng con
người được coi là tuyệt đỉnh của sự tạo dựng vì những lý do sau:
(1) Khi tạo dựng các
lòai khác, Thiên Chúa chỉ cần phán là chúng có; khi tạo dựng con người, Thiên
Chúa lấy ý kiến của những vị cùng ở với Thiên Chúa trên trời khi Ngài phán:
"Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng
ta.” Hai chữ tác-giả dùng khác nhau ở đây: (1) hình ảnh (selem), là một
bản in chính xác của những gì nguyên thủy; và (2), giống như (demut), chỉ
sự tương tự hay gần giống nhau. Con người mang hình ảnh của Thiên Chúa, và có
những đức tính gần giống như Ngài.
(2) Con người có quyền
trên các lòai thọ tạo khác: Trình thuật hôm nay nói rõ mục đích của Thiên Chúa
khi tạo dựng con người: “để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc,
dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất." Trong trình thuật
sau này, các thú vật được dẫn tới Adam để ông đặt tên cho chúng: “Ông gọi chúng
là gì, tên của chúng như vậy.” Khi một người đặt tên cho ai, người đó có quyền
trên người được đặt tên.
(3) Thiên Chúa sáng tạo
gia đình đầu tiên và chúc lành cho họ: Khi tạo dựng các sinh vật khác, tuy
không thấy tác-giả nói tới giống lọai (đực hay cái) của chúng, nhưng được giả định
phải có cho việc sinh sản. Khi đề cập tới việc tạo dựng con người, tác giả nhấn
mạnh tới phái tính và lời truyền cũng như lời chúc lành cho gia đình. “Thiên
Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên
Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống
trị mặt đất."”
(4) Mọi sự được tạo dựng
cho sự xử dụng của con người: Con người không chỉ có quyền trên muôn vật, mà
muôn vật còn được đặt dưới quyền xử dụng của con người. Thiên Chúa phán:
"Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và
mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với
mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho
chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy." Thiên Chúa
thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!
1.3/ Ngày thứ bảy, Thiên
Chúa nghỉ ngơi: Ngày này cũng được Thiên
Chúa dựng nên cho con người với mục đích để con người cùng nghỉ ngơi với Thiên
Chúa. Chúng ta cần chú ý đặc biệt đến lý do khi Thiên Chúa tạo dựng ngày này,
vì nó sẽ trở thành đề tài cho những xung đột giữa Chúa Giêsu và các biệt-phái
cùng các kinh-sư. Tác giả viết: “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc
Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ
ngơi. Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày
đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người.”
2/ Phúc Âm: Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền
thống của người phàm.
2.1/ Luật Kosher thanh tẩy
của người Do-Thái: Khi nói tới Luật, người
Do-Thái nghĩ ngay đến Thập Giới của Thiên Chúa ban cho họ qua Moses; nhưng bên
cạnh đó, còn nhiều những luật mà họ gọi là “Luật truyền miệng,” hay “luật bất
thành văn.” Những luật này, sau một thời gian được các tiền nhân giữ, đương
nhiên trở thành luật và được ghi chép lại trong ít thế kỷ trước khi Chúa Giêsu
ra đời.
(1) Những gì được họ
coi là không thanh sạch: Có rất nhiều điều được coi là không sạch bởi người
Do-Thái: người đàn bà mới sinh con, người phong cùi, xác chết, người Dân Ngọai,
và rất nhiều những rau cỏ cũng như các thú vật không được ăn vì không sạch. Tất
cả những đồ vật mà những lọai người này đụng vào, đều trở nên không sạch. Vì thế,
họ có những khỏan luật mô tả những gì không sạch, và những điều luật làm sao để
giải quyết những gì không sạch.
(2) Vệ sinh và tội lỗi:
Đối với họ, thanh sạch không phải chỉ là chuyện vệ sinh, nhưng là chuyện liên
quan đến tội lỗi và Lề Luật. Kẻ nào vi phạm có thể bị trừng trị theo Luật và
ngay cả có thể bị tử hình
2.2/ Phản ứng của Chúa
Giêsu: Ngài chắc chắn không đả phá việc giữ
vệ sinh trước khi ăn; nhưng Ngài muốn vạch ra cho họ thấy những phi lý quá trớn
về sự quan sát luật thanh sạch của họ:
(1) Giữ đạo thành thật
bên trong hay giữ luật cách giả hình bên ngòai? Tôn giáo hệ tại việc giúp con
người sống mối liên hệ chân tình với Thiên Chúa, chứ không phải ở việc giữ một
số lễ-nghi cách hời hợt bên ngòai. Chúa Giêsu dùng lời của Tiên-tri Isaiah tố
cáo họ: "Ngôn sứ Isaiah thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những
kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn
lòng chúng thì lại xa Ta.”
(2) Luật của Thiên
Chúa phải được coi quan trọng hơn luật của con người: Chúa tiếp tục chỉ trích họ:
“Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của
các ông… Các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời
Thiên Chúa.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa tạo dựng
mọi sự tốt đẹp và trao cho con người quyền điều khiển. Chúng ta có bổn phận bảo
vệ mọi sự tốt đẹp theo như ý định của Thiên Chúa.
- Thiên Chúa không tạo
dựng điều xấu xa. Những điều này xảy ra là do quỉ thần và lạm dụng tự do của
con người.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
Mc 7,1-13
THỜ KÍNH CHÚA TẬN ĐÁY
LÒNG
Chúa Giê-su nói: “Các ông gạt bỏ điều răn
của Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của người phàm.” (Mc 7,8)
Suy niệm: Các bé mới đi học nhà
trẻ, mẫu giáo cũng đã biết phải rửa tay trước khi ăn. Không phải các tông đồ
không biết bài học vệ sinh thân thể sơ đẳng đó. Việc rửa tay ở đây là một cử
chỉ tượng trưng nói lên ý nghĩa tinh thần, chẳng hạn như Phi-la-tô rửa tay có ý
nói ông không chịu trách nhiệm trong việc kết án Chúa Giê-su. Việc rửa tay
trước bữa ăn theo tập tục Do Thái là một nghi thức nhằm nói lên ước muốn thanh
tẩy tâm hồn. Các ông Pha-ri-sêu và kinh sư coi trọng các nghi thức đó, nhưng
chỉ làm theo hình thức, còn trong lòng thì không có chút tâm tình hoán cải nào.
Thế nên Chúa mới khiển trách họ thờ kính Chúa bằng môi bằng miệng mà
tâm hồn thì xa Chúa. Từ chỗ thờ kính Chúa cách giả dối ngoài môi miệng
đến chỗ “gạt bỏ điều răn Thiên Chúa để duy trì truyền thống của người phàm” không
xa bao nhiêu.
Mời Bạn: Chúng
ta ngỡ ngàng đến độ kinh hoàng khi thấy người ta có thể đưa ra nhiều lý lẽ,
luật lệ để biện minh cho việc khủng bố, phá thai, để gây áp bức bất công cho
nhiều người. Nhưng bạn cũng nhớ rằng những tội ác tày trời vi phạm điều răn
Chúa dạy đều đã bắt đầu từ lối sống giả dối. Là con cái Chúa và là anh chị em
với nhau, mời bạn hãy thờ phượng Chúa với tất cả tấm lòng, đối đãi với nhau
cũng với tất cả tấm lòng, dẫu có vì thế mà bạn phải vác thập giá cho nhau vì nhau.
Sống Lời Chúa: Xét
mình để loại bỏ hẳn lối sống giả dối ra khỏi cuộc sống của bạn.
Cầu nguyện: Chúa đã kêu gọi con làm
con cái Chúa. Xin giúp con dám sống và dám liều thân cho công bằng và sự thật.
Lòng chúng thì xa Ta (7.2.2017 – Thứ ba Tuần 5 Thường niên)
Làm thế nào để trái tim của chúng ta gần với Chúa? Làm thế nào chúng ta khỏi trở thành những kẻ đạo đức giả? Làm thế nào chúng ta giữ luật Chúa và Giáo Hội với sự mềm mại, tự do, vui tươi?
Suy niệm:
Trong Bài Tin Mừng hôm
nay có năm từ truyền thống (cc. 3, 5, 8, 9, 13).
Đó là truyền thống của
tiền nhân, truyền thống của người phàm,
truyền thống mà các ông
Pharisêu nắm giữ và muốn người khác phải theo.
Song song với truyền
thống này là điều răn của Thiên Chúa (cc. 8, 9)
Đức Giêsu tố cáo người
Pharisêu đã gạt bỏ, đã coi thường điều răn này
chỉ vì muốn khư khư giữ
lấy truyền thống của họ (cc 8, 9, 13).
Đây là một điều đáng
tiếc,
vì mục tiêu của người
Pharisêu không phải là hủy bỏ lời của Thiên Chúa (c. 13).
Trái lại, họ muốn dân Do
Thái sống nghiêm túc hơn ơn gọi của mình,
sống như một dân tộc
thánh thiện giữa một xã hội vàng thau thời Đức Giêsu.
Chính vì thế họ chẳng
những muốn tuân giữ điều được viết trong Luật Môsê
mà còn muốn sống theo
những truyền thống
dựa trên luật truyền khẩu
được ban cho Môsê nữa.
Họ đòi cả dân chúng cũng
phải sống theo các luật về thanh sạch của các tư tế.
Bởi vậy, họ than phiền
chuyện vài môn đệ của Đức Giêsu
đã không rửa tay trước
khi ăn.
Thật ra chẳng phải người
Do Thái nào cũng giữ luật rửa tay trước khi ăn.
Các sách Cựu Ước cũng
không hề đòi hỏi chuyện này (x. Lêvi 11-15).
Đáng tiếc là khi tập
trung vào chuyện sạch sẽ bên ngoài,
người Pharisêu có nguy cơ
bỏ rơi hay lơ là chuyện trong sạch nơi trái tim.
Đây mới là điều quan
trọng mà Đức Giêsu muốn nhấn mạnh.
Theo truyền thống hội
đường Do Thái, có cả thảy 613 điều răn,
365 điều cấm làm và 248
điều phải làm.
Cả một rừng điều răn này
chi phối toàn bộ đời sống của người Do Thái giáo.
Người Pharisêu cho rằng
sự thánh thiện nằm ở chỗ chu toàn hết mọi luật này.
Còn Đức Giêsu coi sự
thánh thiện nằm ở sâu nơi trái tim thuộc trọn về Chúa.
Ngài trích lời của ngôn
sứ Isaia (29, 13):
“Dân này tôn kính Ta bằng
môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta.”
Làm thế nào để trái tim
của chúng ta gần với Chúa?
Làm thế nào chúng ta khỏi
trở thành những kẻ đạo đức giả?
Làm thế nào chúng ta giữ
luật Chúa và Giáo Hội với sự mềm mại, tự do, vui tươi?
Ước gì từng hành vi giữ
luật của ta được chi phối bởi trái tim đầy yêu mến.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của
Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con
quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi
tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao
dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình
an, trong sáng,
không một biến cố nào làm
xáo trộn,
không một đam mê nào
khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi
gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những
người thù ghét con.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
7 THÁNG HAI
Tài Năng Của Người
Nghệ Sĩ
Sau khi dẫn con cái
It-ra-en ra khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập, Mô-sê hoạch định chuyện dựng lều thánh –
tức đền thờ lưu động đầu tiên của dân It-ra-en trong sa mạc. Ông ủy nhiệm công
việc đó cho những người đầy “thần khí”. Và, sau khi đã gọi đích danh các nghệ nhân,
Đức Chúa ban cho họ ơn khôn ngoan. Ngài ban cho họ những ơn mà họ cần để họ có
khả năng vạch dự án và triển khai công việc dựng lều thánh (Xh 35, 30 – 35; 36,
1).
Như chúng ta có thể thấy
trong chương trích dẫn trên của Sách Xuất Hành, cái mà ngày nay chúng ta gọi là
nghệ thuật thánh vốn đã có những nguồn gốc rất rạng rỡ thuở xưa. Tận đáy lòng
tôi, tôi muốn nói với các bạn là những nghệ sĩ rằng các bạn phải ý thức rằng
tài năng nghệ thuật của mình là một món quà do Thiên Chúa ban tặng. Người nghệ
sĩ phải tri ân Thiên Chúa và phải dấn thân trung thành theo tiếng gọi mà mình
đã nhận lãnh. Người nghệ sĩ Kitô giáo có thể tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ ban
cho mình “thần khí” để chuyển hóa các tài năng tự nhiên thành hoa trái thiêng
liêng, nhất là khi họ đảm nhận những công trình nghệ thuật tôn giáo và phụng vụ.
Trong ánh sáng này,
chúng ta có thể hiểu những đường nét trác tuyệt của các thánh đường thời Trung
Cổ. Nếu đứng ngoài lãnh giới đức tin, chúng ta không thể cảm nhận đầy đủ cái
tuyệt vời ấy. Có thể kể một số ví dụ, như các công trình của Giotto, Fra
Angelico, Michelangelo, những vần thơ của Dante, những áng văn của Manzoni, những
khúc nhạc của Pierluigi da Palestrina, vv…
Đành rằng tài năng của
một nghệ sĩ có thể sáng tạo ra những tác phẩm kiệt xuất không dính dáng gì đến
niềm tín ngưỡng của mình; nhưng, nếu bên cạnh tài năng tự nhiên, người nghệ sĩ
có thao thức muốn bộc lộ đức tin, cậy, mến của mình, thì với tác phẩm của mình,
họ sẽ trở thành một sức khích lệ lớn lao cho người ta. Tác phẩm của họ sẽ chuyển
tải các mầu nhiệm của niềm tin Kitô giáo.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 07 -2
St 1, 20-2,4a; Mc
7, 1-13.
Lời Suy Niệm: Người Pharisêu
và các kinh sư hỏi Đức Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của
tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?”
Những Luật Lệ trong Cựu
Ước đều để dẫn đưa dân Chúa đến gần với Thiên Chúa và thực thi Thánh ý của
Ngài. Nhưng các người Pharisêu và kinh sư trong dân đã không xem đó là điều cần
thiết để đem lại niềm vui cho Dân Chúa mà chỉ xem đó như là những tiêu chuẩn để
đáng giá và kết án.
Lạy Chúa Giêsu. Chúng
con tạ ơn Chúa đã cho chúng con được sống trong giới luật yêu thương đầy lòng
thương xót và tha thứ của Chúa; để tất cả chúng con được trở nên nhân chứng
tình thương và lòng thương xót của Chúa trong xã hội hôm nay.
Mạnh Phương
07 Tháng Hai
Một Lý Tưởng Ðể Ðeo Ðuổi
Một buổi sáng năm
1888, Alfred Nobel, người phát minh ra chất nổ và từ đó, hái ra tiền như nước,
đã thức giấc trong bàng hoàng sửng sốt: tất cả báo chí trong ngày đều nói đến
cái chết của Alfred Nobel, vua chất nổ. Thật ra, đây chỉ là một lầm lẫn của một
ký giả nào đó. Người anh của Alfred qua đời và ký giả đó tưởng lầm là chính
Alfred. Nhưng dù sao, đây cũng là dịp để Alfred đọc được cảm nghĩ mà người khác đang có về ông. Trên môi miệng của mọi
người, ông chỉ là ông vua của chất nổ, nghĩa là người làm giàu trên cái chết của
không biết bao nhiêu sinh mạng do chất nổ gây ra. Người ta không hề nhắc đến những
nỗ lực của ông nhằm phá vỡ những hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc và các ý
thức hệ. Không ai nhắc đến những cố gắng kiến tạo hòa bình của ông. Alfred
Nobel buồn vô cùng về hình ảnh của một nhà "kinh doanh trên sự chết
chóc" mà thiên hạ đang có về mình.
Ông quyết định làm
cho thế giới hiểu được lẽ sống đích thực của ông. Với quyết tâm ấy, ông ngồi xuống
bàn làm việc viết ngay tức khắc chúc thư trong đó ông để lại tất cả tài sản của
ông để thiết lập một trong những giải thưởng lớn nhất thế giới: đó là giải thưởng
Nobel Hòa Bình, nhằm tưởng thưởng tất cả những ai góp phần vào việc xây dựng
Hòa Bình thế giới.
Ngày nay, biệt hiệu
của Alfred Nobel không còn là vua của chất nổ nữa, mà là Hòa Bình.
Có một lý tưởng để đeo
đuổi, có một lẽ sống cho cuộc đời: đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của con
người trên trần gian. Những ngưeời bất hạnh nhất phải chăng không là những người
sống mà không biết tại sao mình sống, sống để làm gì và sẽ đi về đâu sau cái chết.
Bất hạnh hơn nữa đó là những con người chỉ xây dựng cuộc sống của mình trên những
sự chết chóc của người khác. thế giới sẽ không bao giờ quên những Tần Thủy
Hoàng, những Nero, những Hitler, những Stalin, những Ceaucescu và không biết
bao nhiêu những con người ngày nay có kẻ đang thờ trong lăng tẩm để rồi mai
ngày kẻ khác lại khai quật lên.
Người Kitô hữu là người
có lý tưởng để xây dựng, có lẽ sống để đeo đuổi. Họ luôn luôn sẵn sàng để bày tỏ
cho người khác những lý lẽ của niềm tin và hy vọng của họ. Sự bày tỏ ấy, họ
không viết trong một chúc thư bằng giấy mực, mà bằng cả cuộc sống chứng tá của
họ.
Khi nói về sự rao giảng
Tin Mừng, Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói như sau: "Tin Mừng trước tiên
phải được công bố bằng một chứng từ. Có chứng từ khi một người Kitôhay một nhóm
người Kitô sống giữa nhân loại, bày tỏ được khả năng có thể cảm thông, đón tiếp,
chia sẻ cuộc sống với người khác hoặc tỏ tình liên đới với người khác trong mọi
cố gắng đối với những gì là cao quí và thiện hảo. Có chứng từ khi những người
Kitô chiếu rọi một cách đơn sơ và bộc phát niềm tin của họ vào những giá trị vượt
lên trên những giá trị thông thường và bày tỏ niềm hy vọng của họ vào một cái
gì mà người ta không thấy hoặc không dám mơ ước. Với chứng từ không lời ấy, người
Kitô làm dấy lên trong tâm hồn của những ai đang thấy họ sống, những câu hỏi mà
con người không thể né tránh được. Ðó là: Tại sao họ sống như thế? Ðiều gì hoặc
ai là người thúc đẩy họ sống như thế? Tại sao họ sống như thế giữa chúng
ta?".
Ðâu là chúc thư chúng
ta muốn để lại cho hậu thế? Ðâu là lời biện minh của chúng ta trước mặt người đời
nếu không phải là một cuộc sống chứng từ cho Nước Trời.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét