04/08/2017
Thứ sáu đầu tháng, tuần 17 thường niên
Thánh Gioan Maria Vianê, linh mục.
Lễ nhớ.
* Thánh nhân sinh năm 1786 tại Lyon. Sau biết bao khó khăn gian khổ, người làm linh mục và được giao phó nhiệm vụ làm cha sở họ Ars thuộc giáo phận Benle. Người quả là vị mục tử gương mẫu: hoàn toàn lo việc loan báo lời Thiên Chúa, giải tội, cầu nguyện và hãm mình. Có nhiều lúc, khuôn
mặt người rạng rỡ khác thường, nhờ tình yêu bắt nguồn từ bí tích Thánh Thể mà người đem hết lòng sốt sắng để vừa cử hành, vừa thờ phượng. Người qua đời năm 1859.
BÀI ĐỌC I: Lv 23, 1. 4-11. 15-16.
27. 34b-37
"Các ngươi phải kể những ngày của Chúa là những ngày rất trọng thể
và là ngày thánh".
Trích sách Lêvi.
Chúa phán cùng Môsê rằng:
"Đây là những ngày lễ của Chúa mà các ngươi phải mừng lễ trong thời gian của
nó. Chiều ngày mười bốn tháng Giêng là Lễ Vượt Qua của Chúa; và ngày mười lăm
tháng Giêng, là lễ trọng không men của Chúa: Các ngươi sẽ ăn bánh không men
trong bảy ngày. Ngày thứ nhất, các ngươi phải kể là ngày rất trọng thể, và là
ngày thánh, các ngươi không nên làm mọi việc xác trong ngày ấy". Trong bảy
ngày, các người phải thiêu hy lễ dâng lên Chúa. Ngày thứ bảy là ngày trọng thể
và là ngày thánh hơn, các ngươi không làm việc xác nào trong ngày ấy".
Chúa lại phán cùng Môsê rằng:
"Ngươi hãy nói cùng con cái Israel và bảo họ rằng: Khi các ngươi đã tiến
vào đất Ta sẽ ban cho các ngươi, và khi các ngươi gặt lúa, thì phải mang bó lúa
đầu mùa đến cho tư tế, người sẽ giơ bó lúa lên trước mặt Chúa để hôm sau ngày
sabbat, người xin Chúa chấp nhận cho các ngươi, và thánh hoá nó. Vậy các ngươi
hãy tính từ hôm sau ngày sabbat, là ngày các ngươi đã dâng bó lúa đầu mùa, các
ngươi tính đủ bảy tuần, cho đến ngày hôm sau cuối tuần thứ bảy, tức là năm mươi
ngày, thì các ngươi phải dâng của lễ mới cho Chúa. Ngày mùng mười tháng Bảy, là
ngày đền tội rất trọng thể, gọi là ngày thánh: trong ngày đó, các ngươi phải
hãm dẹp tâm hồn, và dâng của lễ toàn thiêu cho Chúa. Từ ngày mười lăm tháng Bảy
sẽ mừng lễ Nhà Xếp kính Chúa trong bảy ngày. Ngày thứ nhất sẽ gọi là ngày rất
trọng thể và rất thánh, các ngươi không nên làm mọi việc xác trong ngày ấy. Và
trong bảy ngày, các ngươi phải dâng của lễ toàn thiêu cho Chúa, ngày thứ tám
cũng rất trọng thể và rất thánh, các ngươi phải dâng của lễ toàn thiêu cho
Chúa, vì là ngày cộng đoàn tập họp, các ngươi không nên làm mọi việc xác trong
ngày ấy.
"Đó là những ngày lễ của
Chúa mà các ngươi phải kể là những ngày rất trọng thể và rất thánh, trong những
ngày ấy, các ngươi phải dâng lên Chúa lễ vật, của lễ toàn thiêu và lễ quán theo
nghi lễ của mỗi ngày". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 80, 3-4. 5-6ab.
10-11ab
Đáp: Hãy reo mừng Thiên Chúa
là Đấng phù trợ chúng ta (c. 2a).
1) Hãy hoà nhạc và đánh trống
râm ran; dạo đàn cầm êm ái cùng với thất huyền. Hãy rúc tù và lên mừng ngày
trăng mới, trong buổi trăng rằm, ngày đại lễ của chúng ta. - Đáp.
2) Vì đó là điều đã thiết lập
cho Israel; đó là huấn lệnh của Thiên Chúa nhà Giacóp. Người đã đặt ra luật này
cho nhà Giuse, khi họ cất gót lên đường lìa xa Ai-cập. - Đáp.
3) Ở nơi ngươi đừng có một chúa
tể nào khác; ngươi cũng đừng thờ tự một chúa tể ngoại lai: vì Ta là Chúa, là
Thiên Chúa của ngươi, Ta đã đưa ngươi ra ngoài Ai-cập. - Đáp.
ALLELUIA: Tv 24, 4c và 5a
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa,
xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của
Ngài. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 13, 54-58
"Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc ư? Vậy bởi đâu ông được những
sự ấy?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê
quán Người, và giảng dạy người ta trong hội đường, khiến người ta ngạc nhiên và
nói rằng: "Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy?
Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao? Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria,
và Giacôbê, Giuse, Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao? Và chị em ông,
nào chẳng phải những người ở nơi chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?"
Và họ vấp phạm đến Người.
Nhưng Chúa Giêsu phán cùng họ rằng:
"Không tiên tri nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà
mình". Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin.
Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Tâm Thức Thời Ðại
Dư luận trong giới trí thức
Âu Mỹ hiện nay đang nhắc nhiều đến cuốn sách bàn về tương lai nhân loại với tựa
đề: "Ngỡ Ngàng Trước Tương Lai", trong đó tác giả nói về những thay đổi
nhanh chóng hiện nay trên đời sống con người khiến ông cảm thấy ngỡ ngàng. Theo
tác giả thì tâm lý thường tình của con người thích những khuôn sẵn có cho cuộc
sống của mình nhờ đó con người dễ ổn định và dự liệu cho những gì xảy ra. Tắt một
lời, dù có khuynh hướng sống thay đổi nhưng tận thâm tâm,con người sống và suy
tưởng theo những khung sẵn có, và tệ hại hơn theo điều mà chúng ta gọi là thành
kiến.
Tâm thức trên đây giúp chúng ta
hiểu phần nào biến cố được trình thuật trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trở về
giảng dạy tại quê hương của Ngài là Nazareth, nhưng dân chúng tại đây không tin
nhận Chúa, bởi vì họ suy tưởng và hành động theo thói quen, theo thành kiến. Họ
đã quen với Chúa Giêsu như là con bác thợ mộc Giuse sống giữa họ từ bao năm
nay, do đó giờ đây phải nhìn Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài với một tâm thức
mới thì họ bị vấp phạm. Quả thật, như lời cụ già Simêon đã nói trong biến cố
dâng Chúa vào Ðền thánh: Chúa Giêsu luôn luôn là dấu gợi lên chống đối; trực diện
với Ngài, con người phải chọn lựa hoặc tin nhận, hoặc chối từ.
Chúng ta hãy xét lại xem đức tin
của chúng ta hiện nay đối với Chúa Giêsu có còn sống động hay đã trở thành một
thói quen khô khan, nguội lạnh, chỉ vì quá quen thuộc như dân làng Nazareth
ngày xưa? Phải chăng cuộc sống của chúng ta đã trở thành mù quáng hoặc nô lệ
cho những thành kiến đến độ không còn tin nhận Chúa và không còn bén nhạy trước
tác động của ơn Chúa?
Xin Chúa tha thứ cho thái độ lạnh
nhạt của chúng ta. Xin ban Thánh Thần để chúng ta nhìn thấy những dấu chỉ Chúa
thực hiện trong đời sống và trong những biến cố hằng ngày để chúng ta luôn tin
nhận Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin
Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 17 TN1,
Năm lẻ.
Bài đọc: Lv
23:1, 4-11, 15-16, 27, 34b-37; Mt 13:54-58.
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải sống những gì
mình cử hành.
Kitô
Giáo không phải chỉ là niềm tin vào Thiên Chúa, được cử hành qua những nghi
thức trong thánh đường; nhưng niềm tin này phải được biểu lộ trong đời sống của
các Kitô hữu, như có một tác giả đã diễn tả "cuộc đời ta là Thánh Lễ nối
dài." Các nghi thức giúp chúng ta thấu hiểu những mầu nhiệm của Thiên Chúa
qua các biến cố lịch sử; để rồi chúng ta biết sống những mầu nhiệm đó trong đời
sống hằng ngày. Chỉ như thế, tôn giáo mới mang lại lợi ích cho con người.
Các
Bài Đọc hôm nay dẫn chứng nhu cầu cần thấu hiểu những gì con người cử hành
trước khi sống niềm tin đó. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Levi trình bày ý
nghĩa và những gì cần làm trong 4 ngày đại lễ của người Do-thái để thờ phượng
Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trở về quê để rao giảng và làm ích cho
những người đồng hương; nhưng họ đã vấp phạm vì Ngài ngay trong hội đường.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Bốn đại lễ của Đức Chúa và những điều dân
chúng phải làm.
Đức
Chúa phán với ông Moses rằng: Đây là các đại lễ của Đức Chúa, các cuộc họp để
thờ phượng mà các ngươi phải triệu tập vào thời gian ấn định:
1.1/
Lễ Vượt Qua (Passover) và Lễ Bánh Không Men (Unleaven Bread):
(1)
Ý nghĩa: Hai ngày lễ này gần nhau vì cùng chung một biến cố lịch sử để kỷ niệm
ngày con cái Israel được Thiên Chúa giải thoát khỏi làm nô lệ cho người Ai-cập.
+
Lễ Vượt Qua (Pasch): "Tháng thứ nhất, ngày mười bốn trong tháng, vào lúc
chập tối, là Lễ Vượt Qua kính Đức Chúa." Các thiên thần
"vượt qua" những nhà có máu chiên bôi trên cửa, và con cái Israel
"vượt qua" Biển Đỏ ráo chân; trong khi quân đội của Pharao bị nhận
chìm trong biển.
+
Lễ Bánh Không Men (massôt): "Ngày mười lăm tháng ấy là Lễ
Bánh Không Men kính Đức Chúa. Trong vòng bảy ngày, các ngươi phải ăn
bánh không men."
(2)
Những việc cần làm:
-
Ngày đầu tiên, các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, các ngươi không được
làm một công việc nặng nhọc nào. Mục đích là để nhớ lại tình thương, uy quyền,
và cảm tạ Thiên Chúa.
-
Trong vòng bảy ngày, các ngươi phải tiến dâng lễ hoả tế lên Đức Chúa. Ngày thứ
bảy, có cuộc họp để thờ phượng Ta, các ngươi không được làm một công việc nặng
nhọc nào.
- Khi các ngươi vào đất Ta ban cho các ngươi, và gặt mùa ở đó, thì phải đem đến cho tư tế một bó lúa, sản phẩm đầu mùa gặt hái của các ngươi. Mục đích là để tạ ơn Thiên Chúa đã đưa dân vào Đất Hứa và chúc lành cho mùa màng đầu năm của họ.
- Khi các ngươi vào đất Ta ban cho các ngươi, và gặt mùa ở đó, thì phải đem đến cho tư tế một bó lúa, sản phẩm đầu mùa gặt hái của các ngươi. Mục đích là để tạ ơn Thiên Chúa đã đưa dân vào Đất Hứa và chúc lành cho mùa màng đầu năm của họ.
-
Nó sẽ làm nghi thức tiến dâng trước nhan Đức Chúa để các ngươi được đoái nhận;
tư tế sẽ làm nghi thức tiến dâng hôm sau ngày Sabbath.
1.2/
Lễ Năm Mươi (Pentecost): còn được gọi là Lễ Tuần (Weeks)
(1)
Ý nghĩa: Bảy tuần chẵn hay 50 ngày sau khi chấm dứt Lễ Bánh Không Men: "Từ
hôm sau ngày Sabbath, các ngươi phải tính bảy tuần, bảy tuần chẵn. Các ngươi
phải tính năm mươi ngày cho đến hôm sau ngày Sabbath, và các ngươi sẽ tiến dâng
một lễ phẩm mới lên Đức Chúa." Truyền thống mừng lễ này để kỷ niệm biến cố
Thiên Chúa ban cho con cái Israel Thập Giới qua ông Moses trên núi Sinai, 50
ngày sau biến cố vượt qua Biển Đỏ.
(2)
Việc phải làm: Các ngươi đem bó lúa đến để làm nghi thức tiến dâng. Các chi
tiết khác được mô tả rõ ràng trong (Lev 23:15-21).
1.3/
Ngày Xá Tội (Day of Atonement):
(1)
Ý nghĩa: "Ngày mồng mười tháng bảy là Ngày Xá Tội." Mục
đích là để xin Thiên Chúa tha thứ các tội mà con cái Israel đã xúc phạm tới
Ngài và với nhau.
(2)
Việc cần làm: Các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, phải ăn chay hãm mình
và tiến dâng một lễ hoả tế lên Đức Chúa. Chi tiết về lễ này, xin đọc Sách Levi,
chương 16.
1.4/
Lễ Lều (sukkôt): còn được gọi là Booth, Tent, hay Tabernacle.
(1)
Ý nghĩa: Ngày mười lăm tháng bảy là Lễ Lều kính Đức Chúa,
trong vòng bảy ngày. Mục đích là để cám ơn Thiên Chúa đã cho mùa màng thứ hai
được kết quả tốt đẹp (nho và ôliu). Truyền thống sau này kỷ niệm việc con cái
Israel sống trong lều khi lang thang suốt 40 năm trong sa mạc.
(2)
Việc phải làm:
+
Ngày đầu tiên, phải họp nhau để thờ phượng Ta, các ngươi không được làm một
công việc nặng nhọc nào.
+
Trong vòng bảy ngày, các ngươi phải tiến dâng lễ hoả tế lên Đức Chúa. Ngày thứ
tám, các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, và phải tiến dâng một lễ hoả tế
lên Đức Chúa: đó là một buổi họp long trọng, các ngươi không được làm một công
việc nặng nhọc nào. Chi tiết về lễ này, xin xem (Num 29:12-38).
2/
Phúc Âm: Người không làm nhiều phép
lạ tại đó, vì họ không tin.
2.1/
Người đồng hương Nazareth không tin vào Chúa: Để giúp người đồng hương có cơ hội tin vào Ngài, Chúa
Giêsu về quê và vào trong hội đường của họ để giảng dạy dân chúng.
(1)
Họ nhận ra lập tức sự khôn ngoan và uy quyền của Chúa: Họ sửng sốt và nói:
"Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?"
Nếu cứ tìm hiểu lý do, họ có thể tiến tới chỗ tin Ngài là Con Thiên Chúa.
(2)
Phán đoán sai lầm: Nhưng họ để cho tính kiêu căng và ích kỷ chi phối phán đoán
của họ: "Ông ta không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà
Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Joseph, Simon và Judah
sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy
bởi đâu ông ta được như thế? Và họ vấp ngã vì Người."
Họ
vấp ngã vì đã phán đoán không đúng đối tượng: thay vì phán đoán các dữ kiện
Chúa nói và làm, họ lại phán đoán gia cảnh, họ hàng, và các môn đệ của Ngài! Họ
nghĩ, một gia đình thợ mộc tầm thường không thể có con khôn ngoan và uy quyền
như thế, vì "con sãi chùa phải quét lá đa!"
2.2/
Bụt nhà không thiêng: Đức Giêsu bảo họ:
"Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và
trong gia đình mình mà thôi." Quá quen đưa đến khinh
thường hay "gần chùa gọi bụt bằng anh."
ÁP
DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta không thể tách rời những gì chúng ta cử hành trong thánh đường với đời
sống của chúng ta ngoài thánh đường. Để sinh lợi ích, chúng ta phải đem ra áp
dụng trong cuộc đời những gì chúng ta đã cử hành trong thánh đường.
-
Chúng ta không thể chỉ là người công giáo ngày Chúa Nhật trong thánh đường và
sống như những người vô thần khi ra khỏi nơi thánh đó. Làm như thế, chúng ta
chỉ là những kẻ giả hình và thờ Thiên Chúa bằng môi miệng, còn lòng chúng ta
thì xa Chúa vạn dặm.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
04/08/2017
THỨ
SÁU
ĐẦU
THÁNG
TUẦN 17 TN
Mt 13,54-58
VƯỢT QUA ĐỂ BIẾT RÕ
“Ông
không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-mon và Giu-đa sao? Và tất cả chị em của ông không phải là bà con lối xóm của chúng ta sao?” (Mt 13,55-56)
Suy
niệm: Người đời thường đánh giá kẻ khác theo định kiến: “Trứng
rồng thì
nở ra rồng, lui điu thì nở ra dòng lui điu.”
Như thế số phận mỗi người đều đã
an bài:
“Con vua thì lại làm vua. Con sãi chùa thì
quét
lá đa.”
Dân làng Na-da-rét biết rõ lý lịch trích ngang của
Đức Giê-su,
với hoàn
cảnh và
nghề nghiệp của Người. Họ nói
vanh vách
rằng: “Ông
Giê-su
là con bác thợ mộc Giu-se, mẹ
của ông
là bà Ma-ri-a, bà con với các ông Gia-cô-bê,
Gio-xếp, Si-mon và Giu-đa…” Với
cái hiểu
biết bị đóng khung như thế, họ không
hiểu được
tại sao Đức
Giê-su
lại có
thể giảng dạy một cách khôn ngoan và làm
phép
lạ một cách kỳ lạ. Cái biết
dựa trên
lý lịch
trích
ngang có
chăng
chỉ cho biết
Đức Giê-su
với bản tính nhân loại, trong khi Đức Giê-su
còn là mầu nhiệm của bản tính
Thiên
Chúa.
Mời Bạn: Đức Giê-su nhập
thể chỉ sống 33 năm ở trần gian, nhưng
Người vẫn tiếp tục “nhập
thể” trong mọi
người sống trên trần
gian và
sống quanh ta. Làm sao ta có thể nhận ra? Cần
vượt qua cái biết tự nhiên
về một con người, để
biết bằng đức tin. Chính đức
tin giúp chúng ta vượt qua cái biết
tự nhiên
để biết rõ Chúa đang
hiện diện và làm những điều
kỳ diệu
qua tha nhân.
Sống
Lời
Chúa: Tâm niệm
rằng chiêm
ngắm Chúa
nơi tha nhân để
có thể
biết Chúa
nhiều hơn.
Cầu nguyện: Lạy
Chúa,
xin ban thêm
đức
tin cho chúng con để
con mắt đức tin của
chúng
con nhìn
thấy Chúa trong tha nhân.
(5 phút Lời Chúa)
Đức Giêsu về quê (4.8.2017 – Thứ sáu Tuần 17 Thường niên)
Dân làng Nadarét đã không nhận ra hồng phúc mà họ đang hưởng. Chúng ta cũng cần được giải thoát khỏi những cái biết hẹp hòi, để thấy mình hạnh phúc khi sống với người khác gần bên.
Suy niệm:
Sau khi đã chịu phép Rửa, vào hoang địa để cầu nguyện,
ăn chay,
có một ngày nào đó, Đức Giêsu chia tay Đức Mẹ để lên
đường.
Lên đường là bỏ lại ngôi làng Nadarét dấu yêu với bao
kỷ niệm.
Chính tại đây Ngài đã sống hơn ba mươi năm trong bầu
khí gia đình.
Chính tại nơi này, Ngài đã lớn lên quân bình về thân
xác, trí tuệ, tâm linh.
Nadarét như một ngôi trường lớn, chuẩn bị cho Ngài
chững chạc đi sứ vụ.
Tại đây, Đức Giêsu đã là con bác thợ Giuse
(c. 55),
và đã trở thành thợ theo truyền thống cha truyền con
nối.
Ngài đã được dạy nghề và hành nghề để kiếm sống cho
bản thân và gia đình.
Đức Giêsu là một người thợ tại Nadarét, phục vụ cho
nhu cầu dân làng.
Ngài biết đến cái vất vả của công việc chân tay nặng
nhọc.
Đức Giêsu không thuộc giới trí thức, thượng lưu, quyền
quý.
Lao động làm Ngài gần với người nghèo và thấy sự đơn
sơ của tâm hồn họ.
Cũng tại Nadarét, đời sống cầu nguyện của Đức Giêsu
được nuôi dưỡng.
Ngài học được lối cầu nguyện một mình ở nơi vắng vẻ.
Đức Giêsu có khả năng thấy sự hiện diện yêu thương của
Cha nơi mọi sự,
nơi một bông hoa, nơi chim trời, nơi ánh nắng và cơn
mưa.
Tình thân của Con đối với Cha ngày càng trở nên sâu
đậm.
Ngài tìm ý Cha mỗi lúc và để Cha chi phối trọn vẹn đời
mình.
Hôm nay Đức Giêsu trở về làng cũ sau một thời gian đi
sứ vụ.
Ngài vào lại hội đường quen thuộc, gặp lại những khuôn
mặt đồng hương.
Không rõ trước đây có lần nào bác thợ Giêsu được mời
giảng ở đây chưa.
Nhưng lần này, khi trở về với tiếng tăm từ những phép
lạ làm ở nơi khác,
Đức Giêsu đã khiến dân làng sửng sốt vì sự khôn ngoan
trong lời giảng dạy.
Hai lần họ đặt câu hỏi: Bởi đâu ông ta được như thế?
(cc. 54. 56).
Một câu hỏi rất hay, nếu được tìm hiểu một cách nghiêm
túc.
Câu hỏi này có thể đưa họ đi rất xa, để gặp được căn
tính của Đức Giêsu.
Tiếc thay, dân làng Nadarét lại không quên được nghề
nghiệp của cha Ngài.
Họ nhớ rất rõ họ hàng gần xa của Ngài là mẹ và các anh
chị.
Họ có thể kể tên từng anh chị em của Ngài, vì đều là
bà con lối xóm (c. 55).
Đức Giêsu là người mà họ biết quá rõ từ thuở ấu thơ.
Làm sao con người bình thường, ít học đó lại có thể là
một vị ngôn sứ?
Làm sao từ ngôi làng Nadarét vô danh này lại xuất hiện
ngôn sứ được?
Và họ vấp ngã vì Đức Giêsu, nghĩa là họ đã không tin
vào Ngài.
Cái biết gần gũi của họ về Ngài lại trở nên thành kiến
khiến họ không thể tiến sâu hơn vào mầu nhiệm con
người Đức Giêsu.
Người đồng hương của Ngài đã không trả lời được câu
hỏi: Bởi đâu…?
Mỗi con người là một mầu nhiệm mà ta phải khám phá
mãi.
Có những mầu nhiệm lớn ẩn trong lớp áo tầm thường.
Dân làng Nadarét đã không nhận ra hồng phúc mà họ đang
hưởng.
Chúng ta cũng cần được giải thoát khỏi những cái biết
hẹp hòi,
để thấy mình hạnh phúc khi sống với người khác gần
bên.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nadarét đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho
chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường
giữa lòng cuộc sống.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
4 THÁNG TÁM
Chúng Ta Không Đau Khổ Một
Mình
Đối với câu hỏi bằng cách nào
hòa giải sự dữ và đau khổ trên trần đời với chân lý về sự quan phòng của Thiên
Chúa, chúng ta không thể đưa ra một câu trả lời đầy đủ mà không qui chiếu đến Đức
Kitô. Một đàng, qua cuộc sống khó nghèo và khiêm nhường của Người – và nhất là
qua cuộc Khổ Nạn và cái chết của Người – Đức Kitô xác nhận rằng Thiên Chúa có mặt
với mọi người trong đau khổ của họ.
Hơn th ế nữa, Đức Kitô đã đảm nhận
nơi chính Người tất cả những đau khổ của cuộc hiện sinh con người trên trái đất
này. Đồng thời, Đức Giê-su Kitô mạc khải rằng đau khổ ấy có một giá trị và năng
lực cứu độ. Trong đau khổ ấy có sự chuẩn bị của “một gia tài không thể hư hại,
tàn phai” mà Thánh Phêrô đề cập đến trong Thư thứ nhất của ngài: “một gia tài
được giữ trên trời cho anh em” (1Pr 1,4).
Như vậy, chân lý về sự quan
phòng đạt được ý nghĩa cánh chung cuối cùng của nó xuyên qua “sức mạnh và sự
khôn ngoan” của Thập Giá Đức Kitô. Câu trả lời đầy đủ cho vấn đề sự dữ và đau
khổ được cung ứng bởi mạc khải của Thiên Chúa qua sự tiền định nơi Đức Kitô. Vì
sự tiền định này cho ta thấy rằng ơn gọi của con người là đạt đến sự sống vĩnh
cửu – tức tham dự vào trong chính sự sống của Thiên Chúa. Và đây là câu trả lời
chính xác mà Đức Kitô đã đem lại cho chúng ta. Người đã xác nhận câu trả lời
này qua Thập Giá và cuộc Phục Sinh của Người.
- suy tư 366 ngày của Đức
Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope
John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 04-8
Thánh Gioan Maria Viannê, linh mục
Lv 23,
1,4-11.15-16.27.34b-37; Mt 13, 54-58
LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì
cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.”
Chúa Giêsu đang khích lệ cho tất
cả những ai đang mang đầy nhiệt huyết trong mình, muốn đem ra phục vụ cộng đoàn
giáo xứ của mình, hãy mạnh dạn đóng góp, để xây dựng. Trong việc đóng góp của bản
thân chắc chắn sẽ có những người không ưa thích, có khi còn bị chống đối. Hãy
nhìn vào Chúa Giêsu, Người đầy quyền phép trong lời nói cũng như trong việc
làm, mà còn bị chính những người đồng hương coi thường và xua đuổi, thì chúng
ta còn e ngại gì.
Lạy Chúa Giêsu. Giáo Hội đang cần
có nhiều “Tông đồ giáo dân” trong việc loan báo Tin Mừng. Xin Chúa ban cho mọi
thành viên trong gia đình chúng con luôn được ơn can đảm trong khiêm nhường mỗi
khi cọng tác với giáo xứ của mình, để đem lại lợi ích chung: làm sáng danh Chúa
và cứu rỗi các linh hồn.
Mạnh Phương
Gương
Thánh Nhân
4-8
Thánh Gioan Baotixita Vianney
(1786-1859)
T
|
hật ít người có được sự quyết
tâm mạnh mẽ để vượt qua các trở ngại và đạt được các kỳ công. Thánh Gioan
Baotixita Vianney (còn được gọi là Cha Sở họ Ars) là một người có quyết tâm: Ngài
muốn trở nên một linh mục. Nhưng trở ngại lớn nhất là ngài không có căn bản học
vấn cần thiết.
Sau thời gian nhập ngũ và trở lại
chủng viện, ngài không hiểu nổi các bài học bằng tiếng Latinh nên bị đuổi ra khỏi
trường. Nhờ sự giúp đỡ kiên nhẫn của Cha Balley để dạy riêng ở nhà, sau cùng
Gioan được nhận trở lại và được thụ phong linh mục với nhiều cay đắng.
Hầu như chẳng giám mục nào muốn
có một linh mục như Gioan, do đó, họ đưa ngài về một giáo xứ hẻo lánh, chỉ có
40 gia đình nhưng có đến 4 quán rượu. Khi ngài đến tỉnh Ars nước Pháp, lúc ấy
đã 31 tuổi, hầu như chẳng ai thèm lưu ý. Tỉnh này nổi tiếng là nơi đầy ải các
linh mục. Giáo dân thì thờ ơ với việc đạo đức và thoải mái với nếp sống cố hữu
của họ.
Không bao lâu họ thấy có những
thay đổi. Khi nhìn trộm qua cửa sổ họ thấy cha sở gầy gò ốm yếu cầu nguyện suốt
đêm. Có người thấy ngài vất bỏ các bàn ghế đắt tiền và thay chiếc giường nệm êm
ấm bằng các khúc gỗ sần sùi. Cũng có người thấy ngài chia sẻ quần áo cho người
ăn xin, và chính ngài chỉ ăn có hai củ khoai mỗi ngày. Một vài người tò mò đến
nhà thờ nghe giảng, và họ thấy tiếng nói của ngài như xé vào tai nhưng có sức
đánh động tâm hồn. Từ tò mò dẫn đến nghi vấn. Có thể nào đây là một linh mục
đích thực? Và nhà thờ bắt đầu đông người trở lại.
Cha Gioan đã trở nên một phần tử
của cộng đồng nhỏ bé ấy. Mỗi ngày ngài đi thăm các giáo dân và lắng nghe những
ưu tư của họ. Ngài không hiểu tiếng Latinh nhưng ngài rất hiểu các nỗi khó khăn
của đời sống người dân. Do đó, sau mười hai năm, hầu như mọi người trong tỉnh đều
tham dự Thánh Lễ hàng ngày và các nông dân vừa lần chuỗi vừa cầy cấy nơi đồng
áng.
Sự thay đổi không phải dễ dàng.
Những dèm pha, đàm tiếu, chụp mũ Cha Gioan cũng không thiếu. Ðối phó với những
người ấy, ngài chỉ im lặng và nhẫn nhục chịu đựng.
Công việc giải tội là thành quả
đáng kể nhất của Cha Gioan. Khi mới chịu chức linh mục, ngài không được phép giải
tội vì học lực quá kém. Nhưng ở họ đạo Ars, điều giáo dân lưu tâm là ngài có khả
năng thấu suốt linh hồn họ, khuyên bảo họ một cách chân thành với tấm lòng quý
mến.
Dân chúng từ khắp Âu Châu đổ về
tỉnh nhỏ xíu ấy chỉ để xưng tội. Trong những tháng mùa đông, ngài phải mất từ
11 đến 12 tiếng đồng hồ để đưa người ta về với Thiên Chúa. Trong mùa hè, thời
gian giải tội lên đến 16 tiếng. Ðó là chưa kể cảnh giáo dân, vì quá ái mộ ngài
nên họ luôn rình rập để cắt áo, cắt tóc và lấy trộm mũ của ngài làm kỷ niệm.
Nhưng các điều ấy không tệ hại cho bằng cứ phải nghe những câu chuyện đau lòng
trong toà giải tội. Nếu một người không quyết tâm sống ơn gọi linh mục thì
không thể nào chịu đựng nổi sự hy sinh bền bỉ như vậy.
Với thân hình mảnh khảnh nhưng
gánh nặng quá lớn vì yêu quý các linh hồn, sức khoẻ của ngài ngày càng sa sút.
Theo lời khuyên của các bác sĩ, ngài tìm cách trốn khỏi giáo xứ để có chút thời
giờ tĩnh dưỡng, nhưng cả xứ biết tin đã tìm cách chặn đường ngài. Bất chấp điều
ấy, ngài lên đường trở về quê nhà nhưng cả đoàn người hành hương lại theo ngài
đến đó. Biết rằng không thể nào được yên thân, ngài trở về họ đạo.
Ngài từ trần ngày 4 tháng Tám
1859 sau cơn bệnh nặng, hưởng thọ 73 tuổi. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XI
phong thánh năm 1925 và năm 1929, ngài được đặt làm quan thầy chính thức của
các cha xứ.
Lời Trích
Nhận xét về sự cầu nguyện chung
trong phụng vụ, Thánh Gioan Vianney cho biết: "Cầu nguyện riêng giống
như cọng rơm rải rác đó đây: Nếu bạn đốt lên nó chỉ tạo thành ngọn lửa nhỏ.
Nhưng gom các cọng rơm ấy lại và đốt lên, bạn có được ngọn lửa lớn, vươn lên
cao như một cột lửa đến tận trời xanh; cầu nguyện chung thì cũng giống như vậy."
04 Tháng Tám
Sức mạnh Của Thiên Chúa
Ðược biết đến và được yêu mến
như cha sở họ Ars, cha Gioan Maria Vianney, vị thánh được giáo hội mừng kính
hôm nay, là một trong những người làm chứng về lời thánh Phaolô đã nói:
"Thiên Chúa đã chọn những người không ra gì, để làm rối loạn những người mạnh
mẽ".
Năm 1815, thầy Gioan được
truyền chức linh mục.
Sau ba năm tập sự dưới sự hướng
dẫn của cha Balley, cha Gioan được chỉ định đến xứ Ars. Trên đường đi nhận họ đạo,
khi đi đến khúc đường chật hẹp, cỏ mọc ngụp đầu người, giữa lúc không còn biết
hướng đi, cha Gioan đã dừng lại hỏi cậu bé mười tuổi tên Anton đang chăn cừu gần
đấy. Cậu bé lịch sự chỉ lối cho cha.
Ngày nay tại nơi đây, dân
làng Ars đã dựng một tượng đài để kỷ niệm cuộc gặp gỡ này, gồm có tượng đồng diễn
tả thánh Gioan Vianney đang đứng trò chuyện với cậu Anton, một tay ngài đặt lên
vai cậu, một tay chỉ lên trời. Dưới chân tượng, người ta ghi câu cám ơn của
thánh nhân: "Cám ơn con đã chỉ cho cha đường đi tới Ars. Rồi đây, cha sẽ
chỉ cho con đường về Thiên Ðàng".
Thực ra, cha Gioan đã không
những giữ lời mình đã hứa chỉ đường cho một mình em Anton về quê Trời mà thôi,
nhưng cho cả giáo xứ Ars và trăm ngàn người khác từ khắp nơi kéo đến hành
hương, để được xưng tội và được hướng dẫn trở về đường ngay nẻo chính.
Ý thức bổn phận của linh mục
là dấn thân phục vụ cho đàn chiên, cha Gioan đã hoạch định cho mình một chương
trình sống, một chương trình chúng ta có thể gói gém vào ba hoạt động chính sau
đây: Nếp sống khắc khổ hy sinh, tôn sùng Phép Thánh Thể và thi hành việc mục vụ
qua lời giảng dạy cũng như trong tòa Giải Tội.
Ðể thi hành việc mục vụ, cha
Gioan đã cho tha nhân thời giờ của mình: Mỗi ngày cha chỉ dùng 2 hay 3 giờ để
nghỉ ngơi lấy sức. Giờ còn lại cha dùng để cầu nguyện và giải tội.
Quỳ lâu trong nhà thờ vào lúc
canh khuya, cha Gioan duyệt lại trước Thánh Thể hoàn cảnh của tất cả 230 tín hữu
trong họ đạo Ars, từng người một, từng nhu cầu của mỗi người.
Ngoài ra, mỗi ngày vào mùa đông
lạnh lẽo, cha Gioan giải tội trung bình khoảng 11 hay 12 tiếng đồng hồ. Vào mùa
hè, có khi ngài sử dụng đến 16 giờ để giao hòa các hối nhân lại với Thiên Chúa.
Cha Gioan thường gọi những giờ
giải tội lâu dài này là "Giờ của Thiên Chúa". Trong suốt 41 năm mục vụ,
cha Gioan có dịp nghe những tội lỗi của con người, những vấn đề, những khó khăn
của trần gian. Ðể xoa dịu, mỗi sáng bước lên bàn thờ dâng Thánh Lễ, cha mang
theo hết mọi ý nguyện, mọi hoài bão cũng như mọi yếu đuối, mọi lỗi lầm của toàn
dân, để xin Thiên Chúa thanh luyện, cải hóa. Qua đó, tòa giải tội trở nên như một
giếng nước trong lành, nơi giáo dân đến múc lấy Tình Thương Yêu của Thiên Chúa.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét