06/08/2017
Chúa Nhật 18 thường niên năm A
Chúa Hiển Dung.
(phần I)
BÀI ĐỌC I:
Đn 7, 9-10. 13-14
"Áo Người trắng như tuyết".
Trích sách Tiên tri
Đaniel.
Tôi ngắm nhìn cho đến
khi đặt ngai toà xong, và một vị Bô Lão ngự trên ngai: áo Người trắng như tuyết,
tóc trên đầu Người như những ngọn lửa, các bánh xe như lửa cháy. Một con sông lửa
chảy lan tràn trước mặt Người. Hằng ngàn kẻ phụng sự Người, và muôn vàn kẻ chầu
chực Người. Người ngự toà xét xử, và các quyển sách đều mở ra.
Trong một thị kiến ban
đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời.
Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này
ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: Tất cả các dân tộc, chi họ, và
tiếng nói đều phụng sự Ngài: quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không
khi nào bị cất mất: vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ. Đó là lời
Chúa.
ĐÁP CA: Tv 96, 1-2. 5-6. 9
Đáp: Chúa hiển
trị, Chúa là Đấng tối cao trên toàn cõi đất (c. 1a và 9a).
1) Chúa hiển trị, địa
cầu hãy hân hoan; hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói và sương mù bao toả
chung quanh; công minh chính trực là nền kê ngai báu. - Đáp.
2) Núi non vỡ lở như mẩu
sáp ong trước thiên nhan, trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi trái đất. Trời xanh
loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. - Đáp.
3) Lạy Chúa, vì Ngài
là Đấng tối cao trên toàn cõi đất, Ngài rất đỗi siêu phàm giữa muôn chúa tể. -
Đáp.
BÀI ĐỌC II:
2 Pr 1, 16-19
"Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống".
Trích thư thứ hai của
Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, chúng
tôi không theo những truyện bày đặt khôn khéo, để tỏ ra cho anh em biết quyền
năng và sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta; nhưng chúng tôi đã được
chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Người. Người đã được Chúa Cha ban cho vinh
dự và vinh quang, khi có lời từ sự vinh quang cao cả xuống phán về Người rằng:
"Này là Con Ta yêu dấu, Người đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người".
Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống, lúc chúng tôi ở với Người trên
núi thánh. Và chúng tôi có lời nói chắc chắn hơn nữa là lời nói tiên tri: anh
em nên nghe theo lời đó, nó như ngọn đèn sáng soi trong nơi u tối, cho đến khi
rạng đông và sao mai mọc lên trong lòng anh em. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Mt 17,
5c
Alleluia, alleluia!
- Này là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người. -
Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 17, 1-9
"Mặt Người chiếu sáng như mặt trời".
"Mặt Người chiếu sáng như mặt trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi
Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt
trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt
trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây ông Môsê và Êlia hiện ra và đàm
đạo với Người.
Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người". Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: "Các con hãy đứng dậy, đừng sợ". Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu.
Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: "Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Ðức Yêsu là Con Chí Ái của Thiên Chúa
Câu truyện Chúa Yêsu biến hình đã được phụng vụ nhắc tới trong ngày Chúa
Nhật II mùa Chay để hướng lòng tín hữu về mầu nhiệm Phục sinh hầu biết đi con
đường chay tịnh khổ giá của Người. Hôm nay phụng vụ nhắc lại câu truyện ấy có lẽ
vì ngày 6 tháng 8 kỷ niệm cung hiến Ðền thờ Chúa biến hình trên núi Tabor. Dù
sao đây cũng là câu truyện rất ý nghĩa, có khả năng nuôi sống và phát triển niềm
tin và lòng đạo đức của mọi người. Thế nên, không những chúng ta phải biết rõ
câu truyện ấy trong lịch sử, mà còn phải thấu hiểu ý nghĩa sâu xa và nhất là phải
rút ra mọi ơn ích do mầu nhiệm Chúa Yêsu biến hình.
A. Câu Truyện Lịch Sử
Cả ba sách Tin Mừng Nhất lãm đều tường thuật biến cố này. Sách Tin Mừng
Yoan ám chỉ đến trong đoạn kể có một số người Hylạp bấy giờ muốn được trông thấy
Ðức Yêsu (12,20-32). Người liền nói: Giờ đã đến cho Con Người được tôn vinh. Và
lập tức có tiếng từ trời đến: "Ta đã tôn vinh Danh Ta và Ta sẽ lại tôn
vinh". Còn chính thánh Phêrô, một trong ba môn đệ đã được chứng kiến cảnh
biến hình, thì đã kể lại một cách vắn tắt như ta đọc thấy trong bài thư hôm
nay. Riêng các thư Phaolô không bao giờ trực tiếp nói đến câu truyện này. Nhưng
ánh sáng của Chúa Yêsu phủ xuống người trên đường Ðama không phải là vinh quang
của Ðấng đã có lần biến hình sao? Và chắc chắn câu truyện Chúa biến hình đã
giúp Phaolô nhiều lắm khi người nói với các tín hữu về việc phải đổi mới và biến
dạng sang Chúa Yêsu Kitô. Nói tóm lại, việc Chúa Yêsu biến hình là một biến cố
lịch sử trong cuộc đời của Người, đã được nhiều nơi trong các sách Tân Ước hoặc
trực tiếp hoặc gián tiếp mô tả và gợi lên, để chúng ta thấy rõ đây là một mầu
nhiệm quan trọng.
Vậy biến cố ấy đã xảy ra như thế nào?
Bài Tin Mừng Matthêo bắt đầu bằng những chữ: "6 ngày sau". Và
đọc lên chúng ta thấy đó là 6 ngày sau hôm Ðức Yêsu lần đầu tiên nói cho môn đệ
biết Người sẽ bị nộp, bị bắt, bị đánh, bị xử, bị giết, nhưng sẽ sống lại ngày
thứ ba. Lời tuyên bố ấy khiến môn đệ ngỡ ngàng, chẳng hiểu gì cả và nhất là quả
quyết không thể xảy ra. Ðức Yêsu không những khẳng định lại mà còn tuyên bố
thêm: chính các môn đệ và những ai muốn đi theo Người cũng phải vác thập giá
mình mà đi theo.
Thật là một mạc khải lạ lùng làm cho nhiều người suy nghĩ và có thể bắt
đầu buồn phiền. Thấy họ chưa hiểu hết ý của Người vì không phải Người chỉ nói
thập giá mà còng khẳng định sẽ phục sinh. Và thấy họ vì thế đâm buồn phiền, Ðức
Yêsu đã hứa cho họ được xem thấy vinh quang và quyền năng của Người. Nói đúng
hơn, Người chỉ hứa như vậy cho một số người trong bọn họ thôi. Và thế là 6 ngày
sau, ba môn đệ được đưa lên núi để xem thấy vinh quang của Người trong lúc biến
hình.
Chúng ta hãy khoan quả quyết việc biến hình này có ý thực hiện lời hứa
cách đây 6 hôm. Chúng ta chỉ tạm ghi nhận việc ấy xảy ra 6 hôm sau ngày Ðức
Kitô tuyên bố lần đầu tiên về cuộc khổ nạn của Người.
Vậy Người đã đưa Phêrô, Yacôbê và Yoan lên núi. Không biết núi nào. Chỉ
biết khi ở trên núi, Người đã biến hình trước mặt các ông. Mặt Người chói như mặt
trời và áo Người trắng như ánh sáng. Rồi có Êlya và Môsê hiện ra đàm đạo với
Người. Bấy giờ Phêrô lên tiếng xin làm ba lều. Nhưng có tiếng từ một đám mây
sáng vừa đến bọc lấy các ngài át đi. Tiếng ấy nghe rõ mồn một: "Ngài là
Con Chí Ái của Ta, kẻ Ta đã sủng mộ, các ngươi hãy nghe Ngài". Ba môn đệ
liền sấp mặt xuống đất. Nhưng Ðức Kitô đã cúi xuống nâng họ dậy. Khi ngẩng lên,
họ chỉ còn thấy Ðức Yêsu là một người y như mọi khi.
Câu truyện biến hình chỉ có như vậy. Lâu chừng nào? Chẳng ai biết. Nhưng
ý nghĩa của nó thật thâm sâu.
B. Ý Nghĩa Của Câu Truyện
Ý nghĩa đầu tiên, chúng ta đã đoán được. Ðức Yêsu muốn phấn chấn lòng
các môn đệ sau một tuần lễ sống nặng nề trong viễn tượng Con Người sẽ bị nộp, bị
giết và các môn đệ cũng phải vác thập giá. Chính vì vậy mà Phụng vụ đã nhắc lại
câu truyện Chúa biến hình ở đầu mùa Chay. Chúa cho các môn đệ thấy vinh quang của
Người để họ không mất niềm tin khi thấy Người bị khổ nhục.
Nhưng theo cách tường thuật của các bản Tin Mừng thì Chúa biến hình sẽ
không giống lắm với Chúa phục sinh. Sau khi Người sống lại, các môn đệ sẽ không
thấy Người, mặt chói như mặt trời, áo trắng như ánh sáng. Họ cũng sẽ không thấy
ai tháp tùng Người khi hiện ra và sẽ chẳng nghe thấy tiếng nào phát ra tự một
đám mây sáng... Tức là khi thuật lại việc Chúa biến hình, tác giả các sách Tin
Mừng không tựa vào những điều đã xem thấy nơi Chúa Yêsu Phục sinh. Thế nên có
thể nói khi biến hình, Chúa Yêsu không phải chỉ muốn cho môn đệ được phấn chấn;
và có lẽ Người đã không muốn trực tiếp tiên báo việc phục sinh. Có những ý
nghĩa ấy, nhưng không phải là những ý nghĩa duy nhất. Còn có thể có những ý
nghĩa sâu xa hơn. Hay ít ra phải hiểu các ý nghĩa kia sâu xa hơn nữa.
Chúng ta có thể nói được rằng Ðức Yêsu đã muốn phấn chấn lòng các môn đệ
thật, nhưng bằng cách mạc khải cho họ hiểu hơn về con người của Ngài hơn là chỉ
cho họ thấy trước một điều gì chưa xảy đến ở nơi Ngài và cho Ngài. Cao điểm của
câu truyện này là tiếng phán ra từ trong đám mây: Ngài là Con Chí Ái của Ta, kẻ
Ta đã sủng mộ, các ngươi hãy nghe Ngài! Rõ ràng Chúa Cha muốn tuyên bố: Ðức
Yêsu là Con Một, là Tôi tớ được sủng mộ và là một Tiên tri của Người. Cách đây
6 ngày Ngài tuyên bố Ngài sẽ bị nộp, bị giết khiến môn đệ sa sầm nét mặt, tưởng
kết cục Ngài sẽ chỉ là người Tôi tớ bị treo trên Thập giá. Nay chính Thiên Chúa
công khai mạc khải Ngài là Con Chí Ái và người ta phải nghe Ngài. Chúa Cha phán
như vậy để công nhận việc tự hạ của Ðức Yêsu và nâng Ngài lên; nhưng nhất là để
môn đệ luôn luôn tin Ngài là Con Thiên Chúa.
Tiếp theo Chúa Cha còn nói: Ðức Yêsu là kẻ được Người sủng mộ. Và điều
này cũng rất quan trọng. Nó gợi lên hình ảnh Người Tôi tớ trong sách Isaia, và
là Người Tôi tớ làm thỏa mãn Thiên Chúa (Ys 42,1). Nó nhấn mạnh đến việc
"làm mãn nguyện lòng Thiên Chúa" hơn là đến tư cách là Tôi tớ. Nghĩa
là Chúa Cha tỏ ra hài lòng về lối làm việc của Ðức Yêsu, về việc Ngài cứu thế bằng
đau khổ, về thái độ khiêm cung nhẫn nhục của Ngài trong mầu nhiệm thánh giá.
Thế nên Ðức Yêsu thật là Vị Tiên Tri của Thiên Chúa, là Ðấng đem sứ điệp
cứu độ của Thiên Chúa đến cho nhân loại. Sứ điệp này nằm trong mầu nhiệm thánh
giá như chúng ta vừa thấy. Mọi người phải nhận lấy, kẻo bị gạt khỏi Nước Trời.
Trước những mạc khải như vậy, môn đệ không có cách nào khác hơn là sấp mặt
xuống đất vì kinh sợ. Nhưng đó chỉ là bước đầu. Thiên Chúa không để con người ở
trạng thái đó đâu; nếu không, mạc khải của Người chỉ đè bẹp mà không thăng tiến
người ta. Kính sợ Chúa chỉ là đầu sự khôn ngoan. Ðó là điều kiện để nhận được
chính sự khôn ngoan cũng là chính sự cứu độ và hạnh phúc. Khi thấy các môn đệ
đã có thái độ ấy, Ðức Yêsu, Ðấng cứu chuộc con người, đã đến gần, động vào họ,
cho họ ngẩng lên và được an thái.
Họ thật có phúc. Họ đã được mạc khải về Con Người, được sống đầy đủ ơn
lành của mạc khải đó, dù trong chốc lát. Thánh Phêrô sau này có thể bỏ rơi mọi
yếu tố kỳ diệu của quang cảnh hôm nay. Và trong đoạn thư của người chúng ta vừa
nghe đọc, người như không cần nhắc lại nhiều chi tiết. Nhưng nội dung cốt yếu của
sự việc thì người ta đã thuật lại cách rõ ràng. Người nói chính chúng ta đã được
phúc cung chiêm sự uy nghi lẫm liệt của Ngài. Và đó mới thật là ý nghĩa sâu xa
của câu truyện Biến hình, để chúng ta thấy Ðức Yêsu là Con Thiên Chúa rất đẹp
lòng Người, nên ai muốn đẹp lòng Thiên Chúa, phải biết nghe lời Ngài, tức là sống
theo Ngài.
Và đeê làm nổi bật lời mạc khải ấy, tác giả các sách Tin Mừng còn bao bọc
câu truyện biến hình bằng nhiều chi tiết ý nghĩa.
Như chúng ta đã nói, cuộc biến hình không được mô tả theo khuôn mẫu của
các lần Chúa sống lại hiện ra. Vì mục đích của những hiện ra này không phải để
cho môn đệ nhìn thấy vinh quang của Con Người, mà chỉ cốt cho họ tin Ðấng đã chết
bây giờ đang sống. Còn việc Ðức Yêsu biến hình có ý nghĩa sâu xa như chúng ta
đã trình bày, để môn đệ thấy Người uy nghi lẫm liệt. Do đó tác giả các sách Tin
Mừng đã dùng lối văn khải huyền, giống như đoạn sách Ðaniel ở bài đọc I.
Nhà tiên tri nhìn thấy một con người được tham dự vinh quang của Thiên
Chúa. Ðó là Ðức Kitô trong ngày được tôn vinh khi thời gian đã mãn, theo lời giải
thích của thánh Yoan trong sách Khải huyền. Ðó cũng là Ðức Yêsu trong mầu nhiệm
biến hình vì Con Người mà ba môn đệ nhìn thấy uy nghi lẫm liệt hôm nay, mọi người
sẽ được cung chiêm khi lên Núi Thánh.
Các sách không nói Chúa Yêsu đã biến hình trên núi nào. Không phải trên
núi Sion. Nhưng trên một núi "rất cao". Và như vậy để nói lên tính
cách xuất thế của nơi cao vời chốn thiên cung mà Ðức Yêsu sẽ đi vào.
Và cũng chính vì thế mà sắc diện của Chúa Yêsu chói như mặt trời và áo
Người trắng như ánh sáng. Ðó là những màu sắc vinh hiển của các người công
chính ở trong Nước Chúa, theo như các tiên tri thường nói (Ðn 12,3). Và điều
này làm chứng thêm mục đích của việc biến hình muốn mạc khải thần tính của Ðức
Yêsu và sự sống của Người nơi vinh quang Thiên Chúa, hơn là muốn báo trước sự
phục sinh của Người.
Hai nhân vật Môsê và Êlya có thể được coi như hiện thân của Luật pháp và
Tiên tri đến chứng tỏ cho uy thế của Ðức Yêsu. Nhưng đúng hơn có lẽ nên coi
Môsê là nhà tiên tri uy tín nhất đến nhường chỗ lại cho Vị Tiên tri mới thành
Nazarét; và Êlya theo truyền thống là con người phải trở lại khi Ðấng Thiên sai
đến. Cả hai nói lên địa vị ưu việt của Ðức Yêsu trong chương trình cứu độ vào
thời gian sung mãn.
Như vậy Phêrô có lý khi bày tỏ hạnh phúc được tham dự mạc khải cao quý
này. Ông chỉ hơi ngây ngô lúc muốn xin làm ba lều. Chắc không phải vì đang sống
trong tuần "Lễ Lều" của người Dothái nên ông nghĩ đến điều đó. Ông chỉ
muốn được ở mãi trong sự chiêm ngưỡng kia. Ông quên mất rằng mới chỉ có ba môn
đệ được thấy. Còn cả nhân loại nữa chứ! Thiên Chúa muốn rằng tất cả chúng ta sẽ
được đưa vào trong vinh quang của Người.
Kìa một áng mây sáng đến bao trùm lấy họ, và giữa đám mây ấy là Ðức Yêsu
Kitô đang được Chúa Cha tôn vinh bằng những lời cao cả: "Ngài là Con Chí
Ái của Ta, kẻ Ta đã sủng mộ; các ngươi hãy nghe Ngài". Áng mây và tiếng
nói cũng làm chứng Ðức Yêsu là Thiên Chúa đến dạy bảo chúng ta. Phải, chúng ta
hãy nghe lời Ðức Yêsu Kitô để có ngày được đưa vào vinh hiển của Thiên Chúa,
như các môn đệ trong cuộc biến hình hôm nay. Và cho được như vậy, chúng ta hãy
rút ra những bài học cụ thể của câu truyện này.
C. Những Bài Học Cụ Thể
Cho dù việc Chúa Yêsu biến hình không trực tiếp muốn tiên báo việc Người
phục sinh, nó vẫn muốn phấn chấn lòng các môn đệ để họ tin vào Người hơn. Và điều
này Chúa cũng muốn làm cho chúng ta, đặc biệt trong các thánh lễ Chúa nhật. Ở
đây cũng có mầu nhiệm biến hình. Hoa màu ruộng đất và lao công vất vả của con
người đã biến nên bánh rượu, để rồi qua Lời toàn năng biến thành Thịt Máu Chúa.
Không những Chúa nên lương thực nuôi chúng ta, mà lao công vất vả cùng đời sống
chúng ta, tuy nhạt như giọt nước, cũng sẽ được hòa vào với rượu để trở nên Máu
Thánh.
Chúng ta được đưa vào mầu nhiệm, sâu sắc hơn cả ba môn đệ khi được đưa
vào áng mây trên núi biến hình. Vậy nếu Phêrô đã phấn khởi và suốt đời không thể
nào quên được diễm phúc ở trên Núi thánh, thì vì sao chúng ta lại không cảm thấy
được phấn chấn và khích lệ khi tham dự thánh lễ?
Mầu nhiệm biến hình mạc khải cho môn đệ biết nhìn Ðức Yêsu là Con Chí Ái
của Thiên Chúa là đường lối cứu thế của Người đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng. Thánh
lễ không cho chúng ta thấy danh tính đích thực của chúng ta và của anh em hơn
hay sao? Chúng ta và mọi người, bề ngoài cũng chỉ như "con bác thợ mộc
thành Nazarét", nhưng nhờ việc kết hợp với Thiên Chúa, chúng ta cũng trở
nên những người con yêu dấu, những Kitô hữu phản ánh khuôn mặt Ðức Kitô.
Chúng ta đã nhắc đến truyện Saulô trên đường đi Ðama. Ông đã được bọc
trong ánh sáng của Ðức Kitô vinh hiển; và từ trong ánh sáng ấy ông đã được nghe
biết mọi Kitô hữu là con chí ái của Ngài. Và Phaolô đã thay đổi hẳn thái độ đối
với các tín hữu: thay vì bách hại, từ dó ông chỉ biết phục vụ đến hy sinh cả mạng
sống. Ðó là điều không đáng ao ước cho chúng ta hay sao?
Rồi cũng trong thánh lễ, chúng ta được học biết đường lối của Chúa cứu
thế. Người phải đi qua gian khổ để đạt tới vinh quang. Chúng ta muốn được đưa
vào vinh quang của Người cũng phải sẵn sàng phấn đấu chống dục vọng và ích kỷ để
lột bỏ con người cũ và biến sang con người mới.
Nói tóm lại, ở đây khi cử hành thánh lễ, chúng ta như được đem lên Núi
thánh để tham dự vào mầu nhiệm biến hình của Chúa. Người trở thành lương thực
cho chúng ta để kết hiệp với chúng ta sâu xa hơn ở trong "lều" như
Phêrô đã xin. Và khi biến mình nên lương thực như thế, Người muốn chúng ta đổi
mới cái nhìn về anh em. Mọi người rước lấy Mình Thánh Chúa được đưa vào Thân thể
mầu nhiệm vinh hiển của Ðức Yêsu Kitô. Chúng ta luôn phải nhìn anh em trong mầu
nhiệm Nước Trời và phải có tinh thần phục vụ mọi người. Chính trong viễn tượng ấy,
chúng ta tự thấy cũng phải biến mình đi; trở nên tốt hơn cho xứng đáng với vinh
dự là con Thiên Chúa.
Cầu xin cho chúng ta được niềm tin sâu xa như thế và hân hoan sống niềm
tin ấy trong cuộc đời hiện nay.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Lễ Chúa Giêsu Biến Hình, Năm A
Bài đọc: Dan
7:9-10, 13-14; 2 Pet 1:16-19; Mt 17:1-9.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lịch
sử làm chứng cho Đức Kitô.
Niềm tin của con người vào Đức Kitô là niềm tin có nền tảng lịch sử, chứ không
dựa trên những chuyện hoang đường hay thêu dệt. Niềm tin này dựa vào lời của rất
nhiều chứng nhân có thế giá trong lịch sử mà con người có thể kiểm duyệt và trí
khôn con người có thể hiểu được.
Các Bài Đọc trong ngày lễ Chúa Biến Hình hôm nay muốn nói lên tiến trình lịch sử
đó. Trong Bài Đọc I, tiên tri Daniel (khoảng 200 BC) được Thiên Chúa tỏ cho thấy
qua các thị kiến, sự xuất hiện của Con Người sau triều đại của bốn đế quốc
Assyria, Media, Persia, và Hy-lạp. Ngài tuy có dáng vẻ con người, nhưng có nguồn
gốc từ trời. Ngài lãnh nhận vương quyền từ Chúa Cha, và sẽ thống trị mọi dân nước,
vương quốc của Ngài sẽ tồn tại muôn đời. Trong Phúc Âm, trước khi Chúa Giêsu
lên Jerusalem để chấp nhận Cuộc Tử Nạn, Ngài đem ba môn đệ Phêrô, Giacôbê, và
Gioan lên núi để tỏ cho các ông thấy vinh quang và thánh ý của Thiên Chúa. Các
ông đã được thấy ông Moses và ngôn sứ Elijah đàm đạo với Chúa Giêsu về những gì
sắp xảy ra tại Jerusalem, và nhất là các ông được nghe thấy tiếng Chúa Cha làm
chứng và khuyên bảo: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người."
Trong Bài Đọc II, Phêrô làm chứng sự vinh quang và uy quyền của Chúa Giêsu bằng
cách thuật lại kinh nghiệm mình đã được chứng kiến trên núi, và lời các ngôn sứ
trong Kinh Thánh đã làm chứng cho Đức Kitô.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang
và vương vị.
1.1/ Thị kiến về Chúa
Cha, Đấng Lão Thành: Tiên-tri Daniel tường
thuật thị kiến này sau thị kiến 4 con thú của trần gian: "Tôi đang nhìn
thì thấy đặt những chiếc ngai và một Đấng Lão Thành an toạ. Áo Người trắng như
tuyết, tóc trên đầu Người tựa lông chiên tinh tuyền. Ngai của Người toàn là ngọn
lửa, bánh xe của ngai cũng rừng rực lửa hồng. Từ trước nhan Người, một sông lửa
cuồn cuộn chảy ra. Ngàn ngàn hầu hạ Người, vạn vạn túc trực trước Thánh Nhan.
Toà bắt đầu xử, sổ sách được mở ra."
+ Về phương diện lịch sử, hầu hết các nhà chú giải đều đồng ý thị kiến 4 con
thú tượng trưng cho 4 đế quốc: Assyria, Media, Persia, and Greece; như đã được
Daniel giải thích cho vua Nabuchanezzar về giấc chiêm bao của nhà vua: một tảng
đá bay tới đập vỡ bức tượng làm bằng những kim loại khác nhau trong chương 2.
Sau triều đại của 4 vương quốc này sẽ là triều đại của Con Người.
+ Thiên Chúa, Đấng Lão Thành, là Người điều khiển lịch sử của vũ trụ. Ngài có
uy quyền trên tất cả vua chúa trần gian và mọi người. Ngài có thể cho một vua
trần gian hùng mạnh để thiết lập một đế quốc; và có thể xóa tan đế quốc đó để
thiết lập một triều đại mới. Khi Ngài đã quyết định, không gì có thể lay chuyển
được. Sự kiện viên đá bỗng dưng bay tới đập nát bức tượng nói lên uy quyền thống
trị của Thiên Chúa.
1.2/ Thị kiến về Con Người
và sứ vụ được trao từ Đấng Lão Thành: "Trong
những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một con người đang ngự
giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới
trình diện."
+ Con người này "đang ngự giá mây trời mà đến," có nghĩa: nguồn gốc của
ngài là từ trời, chứ không phải từ đất như bốn con thú trong đầu chương. Giống
như 4 con thú tượng trưng cho vương quốc của trái đất, Con Người này tượng
trưng cho vương quốc của Nước Trời.
+ Sứ vụ của Con Người: "Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh
quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia, và ngôn ngữ, đều phải
phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai
một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong." Con Người này sẽ làm vua
toàn thể vũ trụ, không trừ một quốc gia nào cả. Quyền thống trị và vương quốc
vĩnh cửu của Người ám chỉ Người sẽ sống muôn đời, và không một quyền lực của vũ
trụ có thể thắng được quyền lực của Ngài.
2/ Bài Đọc II: "Lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm."
Phêrô muốn chứng minh cho các tín hữu những gì ông nói về Đức Kitô không phải
là chuyện hoang đường thêu dệt ra; nhưng có cơ sở nền tảng của hai nhân chứng:
kinh nghiệm và Kinh Thánh.
2.1/ Kinh nghiệm được xem
thấy Chúa biến hình của Phêrô: Bài Tin Mừng của
Marcô bên dưới xác tín những gì thánh Phêrô nói ở đây: "Khi chúng tôi nói
cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta,
thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo,
nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người."
Phêrô là một trong ba môn đệ đã được chứng kiến vinh quang biến hình của Đức
Kitô.
Không những được xem thấy vinh quang của Đức Kitô; Phêrô còn được nghe thấy tiếng
Chúa Cha làm chứng về Ngài như sau: "Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là
Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển
phán với Người: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến." Đây
là lời chứng rất quan trọng cho niềm tin của các tông-đồ, vì nó giúp các ông đặt
trọn niềm tin vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa; nhất là trong biến cố tử nạn và
phục sinh vinh hiển của Người.
2.2/ Kinh nghiệm của
Phêrô được củng cố bởi lời các ngôn sứ: Ngoài
kinh nghiệm cá nhân và lời chứng của hai tông-đồ Giacôbê và Gioan, Phêrô còn có
lời chứng của Kinh Thánh qua lời các ngôn sứ. Ông quả quyết: "Như vậy
chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ. Anh em chú tâm vào đó là
phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng
sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em." Ngôn sứ đầu tiên chúng
ta đã nhìn thấy trong Bài Đọc I hôm nay là Daniel; ngoài ra chúng ta còn thấy rất
nhiều những chứng từ của các ngôn sứ khác như: Isaiah, Jeremiah, Ezekiel, Amos,
Micah ... nói về Đấng Thiên Sai.
Phêrô chú trọng đặc biệt về chứng từ của Kinh Thánh: Sách Lề Luật, Ngôn Sứ, và
Thánh Vịnh, vì người Do-thái tin tưởng vào thế giá của những Sách này. Trong
Bài Giảng trước dân chúng (Acts 3:12-26) và trước Thượng Hội Đồng (Acts
4:8-21), Phêrô quan tâm đặc biệt đến thế giá của Kinh Thánh nói trước về sự phục
sinh của Đức Kitô. Nếu con người chịu khó tìm hiểu và học hỏi Kinh Thánh, họ sẽ
được soi sáng để hiểu những gì còn tối tăm mù mịt nơi những đoạn văn khó hiểu
vì toàn bộ Kinh Thánh đều được linh hứng bởi một Thánh Thần.
3/ Phúc Âm: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người."
3.1/ Tại sao Chúa Giêsu mặc
khải vinh quang của Ngài chỉ cho ba môn đệ? Để
hiểu mục đích, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của các câu này trong nội dung và bối
cảnh lịch sử của nó.
+ Sáu ngày sau: là sáu ngày sau lời tuyên xưng của Phêrô vào thần tính của Đức
Kitô tại Carsarea Philippi, và sự kiện ông ngăn cản Chúa Giêsu đừng lên
Jerusalem để phải đi ngang qua cuộc khổ nạn.
+ Cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu đã gần kề. Hai điều quan trọng Chúa Giêsu muốn các
môn đệ nắm vững: (1) Các ông phải biết rõ Ngài là ai. Điều này đã được giải quyết
phần nào khi Phêrô đại diện cho các môn đệ tuyên xưng: "Thầy là Đức Kitô,
Con Thiên Chúa hằng sống." (2) Cách thức Ngài giải phóng nhân loại là qua
Cuộc Thương Khó, Tử Nạn, và Phục Sinh. Điều này các tông-đồ chưa nắm vững, đó
là lý do Phêrô kéo Chúa Giêsu ra một nơi và ngăn cản Ngài. Như hầu hết người
Do-thái đương thời, các ông tin vào một Đấng Thiên Sai uy quyền sẽ dùng quyền
năng để chinh phục và thống trị nhân loại. Các ông không thể chấp nhận một Đấng
Thiên Sai phải chịu đau khổ và chết trên Thập Giá. Vì thế, Chúa Giêsu muốn đưa
ba tông-đồ lên núi để các ông xác tín mối liên hệ của Ngài với Thiên Chúa, con
đường khổ nạn Ngài sắp phải đi qua theo Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, và cho
các tông-đồ nhìn thấy vinh quang trước khi phải đương đầu với cuộc khổ nạn của
Ngài.
+ Sự hiện diện của Moses và Elijah: Moses tượng trưng cho các Sách Lề Luật vì
Thiên Chúa ban Thập Giới và các thánh chỉ qua Moses. Ông được coi là nền tảng của
Lề Luật, và biến cố hôm nay chứng tỏ Lề Luật phải hướng về Đức Kitô để được nên
trọn vẹn, hoàn hảo. Elijah tượng trưng cho các Sách Ngôn Sứ. Tiên-tri Elijah được
coi là ngôn sứ cao trọng nhất trong các ngôn sứ vì những lời rao giảng và uy
quyền làm phép lạ, và biến cố hôm nay chứng tỏ Sách Ngôn Sứ phải hướng về Đức
Kitô, để tìm thấy sự hoàn hảo của các lời tiên-tri về Đấng Thiên Sai.
+ Họ đàm luận với nhau về điều gì? Căn cứ vào những lời thắc mắc của các tông-đồ
bên dưới, chúng ta có thể xác tín, chủ đề của cuộc đàm đạo là: biến cố Thương
Khó, Tử Nạn, và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Trình thuật của Lucas nói rõ chủ đề của
cuộc đàm đạo là biến cố từ biệt sắp xảy ra tại Jerusalem (Lk 9:30-31). Như thế,
cả hai: Lề Luật và Ngôn Sứ đều làm chứng và tìm thấy sự hoàn hảo của mình nơi Đức
Kitô, nhất là trong Cuộc Thương Khó và Phục Sinh sắp tới của Ngài.
3.2/ Lời truyền của Thiên
Chúa Cha: Đây là lần thứ hai Chúa Cha làm chứng
cho Đức Kitô là Người Con Một yêu dấu của Ngài; lần đầu xảy ra khi Chúa Giêsu
được Gioan Tẩy Giả làm phép rửa tại sông Jordan. "Hãy vâng nghe lời Người"
là một lời truyền tối quan trọng cho các môn đệ của Đức Kitô. Đối với các
tông-đồ, Thiên Chúa muốn các ông phải vâng nghe những gì Đức Kitô đang mặc khải
cho các ông, dù những điều này không phải những gì các ông muốn về Đấng Thiên
Sai; nhưng lại là kế hoạch của Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đức tin của chúng ta có được là do Thiên Chúa mặc khải và do lời chứng của những
người có thế giá trong lịch sử ghi nhận lại.
- Con người không dễ chấp nhận con đường đau khổ và Thánh Giá; nhưng đối với
chúng ta là những người có đức tin, đau khổ và Thánh Giá là kế hoạch Thiên Chúa
dùng để cứu độ con người.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
06/08/2017
CHÚA NHẬT TUẦN 18
TN – A
CHÚA HIỂN DUNG Mt
17,1-9
VÂNG PHỤC ĐỂ ĐƯỢC BIẾN ĐỔI
“Các ngươi hãy vâng nghe lời Người.” (Mt 17,5)
Suy
niệm: Khi Chúa Giê-su loan báo Người sẽ bị bắt và bị
giết chết, các môn đệ
không
thể chấp nhận Thầy mình phải
chịu số phận thảm hại như thế. Các
ông đã ngăn cản,
và xin Thiên Chúa
thương, đừng
để Thầy gặp chuyện ấy. Chúa
Giê-su
đã khiển
trách
các ông, và để chuẩn bị tư tưởng cho các ông
đón nhận
những điều sắp xảy đến,
Chúa
Giêsu
tỏ lộ bản tính
Thiên
Chúa
sáng láng cho các ông.
Các ông vui thích khi nhìn thấy cảnh tượng đó. Và khi nghe tiếng
phán:
“các ngươi hãy nghe lời
Người”,
các môn đệ
kinh hoàng,
sấp mặt xuống đất.
Trải nghiệm của các
môn đệ cũng
là bài học cho chúng ta: Nếu
chúng
ta vâng
nghe, sống theo lời
Chúa
phán
dạy, chúng
ta cũng
sẽ được
biến đổi,
và chính chúng ta cũng sẽ ngỡ ngàng.
Các vị
thánh
cũng xuất
thần ngỡ ngàng khi chiêm ngắm mầu nhiệm của Thiên
Chúa.
Mời Bạn: Cuộc sống của bạn vốn có nhiều
thay đổi.
Muốn đổi
đời, bạn đổi nhà ở, đổi
kế hoạch, chuyển công
ty, thay công
việc. Thế nhưng, tại sao đời bạn vẫn chưa được biến đổi? Bạn hãy bắt
đầu bằng việc đổi
mới chính
mình. Hôm nay, Chúa Cha phán với bạn, ‘hãy vâng nghe lời
Chúa
Giê-su’. Đổi mới cuộc đời
trở nên
mến Chúa
hơn, thánh
thiện hơn, đó mới
là điều quan trọng.
Chia sẻ: Kể chuyện về một người được Chúa
biến đổi
mà bạn
biết.
Sống Lời Chúa: Thinh lặng
5 phút,
để nghe lời
Chúa
dạy và
thi hành.
Cầu nguyện: Lạy
Chúa
Giê-su
quyền năng, Chúa ban lời
hằng sống
để
con trở nên sáng láng. Xin cho con say mê Lời,
và
xin dẫn đưa con đi vào muôn khía cạnh mới
của Lời
Người, để Lời
biến đổi con mỗi
ngày.
Amen.
(5 phút Lời Chúa)
NGƯỜI BIẾN ĐỔI HÌNH DẠNG (6.8.2017 – Chúa nhật, Lễ Chúa hiển dung)
Chúng ta cũng được biến hình, được bừng sáng, nếu chúng ta
dám yêu, dám từ bỏ cái tôi ích kỷ, để cái tôi đích thực được lộ ra, trong ngần.
Suy niệm:
Trong các hình ảnh người
ta vẽ Ðức Giêsu,
ta thường thấy Ngài có
vòng hào quang trên đầu.
Thật ra Con Thiên Chúa đã
nên giống chúng ta.
Ngài mang khuôn mặt bình
thường như ta.
Chính nơi khuôn mặt này
mà ta thấy Thiên Chúa.
“Ai thấy Ta là thấy Cha”
(Ga 14,9).
Khuôn mặt con người có
thể phản ánh khuôn mặt Thiên Chúa.
Nơi khuôn mặt Ðức Giêsu,
khuôn mặt như mọi người,
ta có thể gặp thấy Thiên
Chúa vô hình,
Ðấng ngàn trùng thánh
thiện và vô cùng siêu việt.
Ba môn đệ đã quá quen với
khuôn mặt Thầy Giêsu,
khuôn mặt dãi dầu mưa
nắng vì sứ vụ,
khuôn mặt chan chứa mọi
thứ tình cảm của con người.
Chính vì thế họ ngây ngất
hạnh phúc
khi thấy khuôn mặt ấy rực
sáng vinh quang.
Họ muốn dựng lều để ở lại
tận hưởng.
Tiếng từ đám mây phán ra
như một lời giới thiệu và
nhắn nhủ:
“Ðây là Con yêu dấu của
Ta, Ta hài lòng về Người,
các ngươi hãy vâng nghe
lời Người.”
Thầy Giêsu vừa là Con,
vừa là Người Tôi Trung (Is 42,1),
vừa là vị ngôn sứ đã từng
được Môsê loan báo (Ðnl 18,15).
Phêrô không quên được kỷ
niệm độc đáo này.
Ông viết: “Chúng tôi đã
được thấy tận mắt
vẻ uy phong lẫm liệt của
Người...
Chúng tôi đã nghe thấy tiếng
từ trời phán ra
khi chúng tôi ở trên núi
thánh với Người” (2Pr 1,16-18).
Ðức Giêsu được biến hình
sau khi chấp nhận cuộc khổ nạn,
sau khi thắng được cơn
cám dỗ của Phêrô (Mt 16,23),
và kiên quyết đi trên con
đường Cha muốn.
Biến hình là một bừng
sáng ngắn ngủi, bất ngờ,
báo trước vinh quang phục
sinh sắp đến.
Thân xác Ðức Giêsu sẽ
được vào vinh quang viên mãn
khi thân xác ấy chịu lăng
nhục và đóng đinh
vì yêu Cha và yêu con
người đến tột cùng.
Chúng ta cũng được biến
hình, được bừng sáng,
nếu chúng ta dám yêu, dám
từ bỏ cái tôi ích kỷ,
để cái tôi đích thực được
lộ ra, trong ngần.
Chúng ta cần có lần lên
núi cao, thanh vắng,
để nhìn thấy khuôn mặt
ngời sáng của Ðức Giêsu,
nhờ đó chúng ta dễ đón
nhận
khuôn mặt bình thường của
Ngài khi xuống núi,
và khuôn mặt khổ đau của
Ngài trên thập tự.
Thế giới hôm nay không
thấy Chúa biến hình sáng láng,
nhưng họ có thể cảm
nghiệm được phần nào
khi thấy các Kitô hữu có
khuôn mặt vui tươi,
chan chứa niềm tin, tình
thương và hy vọng.
Sám hối là đổi tâm hồn,
đổi khuôn mặt
để chính tôi và cả Hội
Thánh mang một khuôn mặt mới.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.
Mỗi lần con thấy Chúa,
xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa,
xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa,
xin biến đổi tai con.
Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn
sau mỗi lần gặp Chúa.
Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa
trong nụ cười của con,
thấy sự dịu dàng của Chúa
trong lời nói của con.
Thế giới hôm nay không cần những kitô hữu
có bộ mặt chán nản và thất vọng.
Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm
cùng đi với Chúa và với tha nhân
trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
6 THÁNG TÁM
Sự Trợ Giúp Trong
Những Lúc Khó Khăn
Thánh Phêrô đặc biệt
quan tâm đến sự khôn ngoan này – sự khôn ngoan đầy cảm thông và yêu thương đối
với đau khổ của con người. Ngài nhận ra trong sự khôn ngoan này có ơn trợ giúp
mà những ai gặp khó khăn sẽ cần đến để vượt qua các thử thách với ơn sủng cứu độ
của Thiên Chúa.
Thánh Phêrô đã viết
cho thế hệ các tín hữu đầu tiên: “Anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dù còn
phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách” (1Pr 1,6). Rồi ngài thêm: “Những
thử thách đó chằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quí hơn vàng gấp bội, –
vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Kitô tỏ
hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh
quang, danh dự” (1Pr 1,7).
Trong bản văn vừa
trích dẫn trên, Thánh Phêrô qui chiếu đến Cựu Ước, nhất là Sách Huấn Ca. Trong
Huấn Ca, chúng ta đọc thấy: “Vì vàng được thử trong lửa, còn những người sáng
giá thì được thử trong lò ô nhục” (Hc 2,5). Sau đó, trong bức thư, Thánh Phêrô
vẫn qui chiếu đến vấn đề “thử luyện” này khi viết: “Được chia sẻ những đau khổ
của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người
tỏ hiện, anh em cũng được vui mừng hoan hỉ” (1Pr 4,13).
Thật vậy, Đức Kitô chịu
đóng đinh và sống lại từ cõi chết là niềm hy vọng vinh quang của chúng ta! Đây
là sự khôn ngoan của tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ
nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Gương Thánh Nhân
6 Tháng 8
Lễ Hiển Dung
Cả ba Phúc Âm Nhất Lãm đều đề cập đến biến cố Hiển Dung (Mátthêu 17:1-8; Máccô 9:2-9; Luca 9:28-36). Với một sự tương đồng đáng chú ý, cả ba đều kể lại biến cố này sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Thế và sau lần đầu tiên Ðức Giêsu nói về sự thống khổ và cái chết của Người. Sự hăng hái của Phêrô trong việc dựng lều nơi hiển dung đưa ra giả sử rằng, biến cố đó xảy ra trong dịp Lễ Lều kéo dài một tuần lễ trong mùa thu.
Mặc
dù cả ba văn bản đều rất giống nhau, theo các học giả Kinh Thánh, thật khó để
diễn lại cảm nghiệm của các tông đồ, vì các Phúc Âm dựa rất nhiều vào Cựu Ước
trong đoạn diễn tả cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa ở núi Sinai và những điều tiên
tri về Con Người. Chắc chắn là Phêrô, Giacôbê và Gioan đã thoáng được nhìn thấy
thiên tính của Ðức Giêsu, nhưng ấn tượng ấy đủ mạnh để tạo nên sự sợ hãi in sâu
trong tâm hồn họ. Một cảm nghiệm như vậy không thể nào diễn tả được, do đó các
ngài dùng cách diễn đạt thông thường trong kinh sách để diễn tả. Và tất nhiên,
Ðức Giêsu đã cảnh cáo cho họ biết, sự vinh hiển và sự thống khổ của Người liên
hệ với nhau một cách chặt chẽ -- đó là chủ đề mà Gioan lập đi lập lại trong
Phúc Âm của ngài.
Truyền thống coi núi Tabor là nơi hiển dung. Ðầu tiên, trong thế kỷ thứ tư một
nhà thờ được dựng nên ở nơi đây để cung hiến cho biến cố này vào ngày 6 tháng
Tám. Một ngày lễ để tôn kính sự Hiển Dung được Giáo Hội Ðông Phương cử mừng bắt
đầu từ khoảng thời gian đó. Sự mừng kính của một vài giáo hội Tây Phương bắt đầu
vào khoảng thế kỷ thứ tám.
Vào
ngày 22 tháng Bảy 1456, Thập Tự quân đánh bại quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Belgrade. Tin tức
về cuộc chiến thắng được đưa về Rôma vào ngày 6 tháng Tám, và vào năm sau, Ðức
Giáo Hoàng Callistus III đã đưa ngày lễ này vào niên lịch phụng vụ của Rôma.
Lời Bàn
Một
trong những tường thuật về sự Hiển Dung được đọc vào Chúa Nhật II Mùa Chay hàng
năm, để tuyên xưng thiên tính của Ðức Kitô cho các người dự tòng. Phúc Âm của
Chúa Nhật I Mùa Chay, ngược lại, là câu chuyện Ðức Giêsu bị cám dỗ trong sa mạc
-- xác nhận nhân tính của Ðức Kitô. Hai bản tính khác biệt nhưng không thể tách
rời của Chúa Giêsu là một chủ đề gây nhiều tranh luận trong lịch sử Giáo Hội thời
tiên khởi; ngày nay chủ đề ấy vẫn còn khó cho nhiều người thấu hiểu.
Lời Trích
Trong biến cố Hiển Dung, Ðức Kitô cho các môn đệ thấy sự huy hoàng mỹ miều của
Người, mà qua đó Người sẽ uốn nắn và tô điểm những ai thuộc về Người: "Người
sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân
xác vinh hiển của Người" (Philípphê 3:21) (Thánh Tôma Aquinas, Tổng Luận
Thần Học).
Trích từ NguoiTinHuu.com
6 Tháng Tám
Bảng kết tội nhau
Tạp chí Reader's Digest, số xuất bản tháng 11 năm 1985 có
đăng một chuyện ngắn, nhưng đầy ý nghĩa về gia đình: Ðôi vợ chồng đã nhiều lần
cãi nhau và lần này, đang lúc hai người cãi nhau hăng say, thì người chồng đề
nghị với vợ: "Này, chúng ta đừng cãi nhau nữa. Mỗi người hãy lấy giấy, viết
ra tất cả những lỗi lầm, những tật xấu của người kia, rồi trao cho nhau".
Người vợ đồng ý. Người chồng cầm lấy tờ giấy, nhìn người
vợ và cúi mặt xuống viết một câu. Người vợ thấy chồng mình bắt đầu viết, liền hối
hả viết liên hồi, dường như cố ý tranh với chồng, để kể ra nhiều tật xấu hơn.
Người chồng chỉ viết một câu rồi dừng lại nhìn vợ. Sau vài phút, trang giấy của
người vợ đầy những dòng chữ kể ra tật xấu của người chồng và người vợ xem ra hả
dạ, vì đã viết nhiều hơn.
Ðến lúc không còn gì để viết nữa, họ trao cho nhau bảng kể
tội của nhau. Sau khi nhìn vào tờ giấy của chồng, nét mặt người vợ bỗng đổi vì
xúc động. Bà vội vã đòi lại tờ giấy đã đưa cho chồng và có thái độ làm hòa
ngay. Trong tờ giấy của người chồng bà chỉ đọc được có một câu duy nhất: Anh
yêu em!
Nếu tình yêu chân thật
là nền tảng cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, thì con người
không bao giờ dám lên tiếng phàn nàn than trách Thiên Chúa. Nếu tình yêu là nền
tảng cho mối tương quan giữa con người với con người, thì sẽ không còn cảnh
tranh giành, xung đột, hận thù lẫn nhau nữa.
Trích sách Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét