23-01-2018
THỨ TƯ TUẦN II MÙA THƯỜNG NIÊN
BÀI ĐỌC I: Dt 7, 1-3. 15-17
"Ngươi là tư tế
theo phẩm hàm Menkixêđê tới muôn đời".
Trích thư gửi
tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến,
Menkixêđê này là vua Salem, tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, ông đã đi đón Abraham
đang trên đường về sau khi đánh bại các vua, ông chúc lành cho Abraham. Và
Abraham dâng cho ông một phần mười các chiến lợi phẩm. Giải nghĩa tên ông, trước
tiên thấy tên ông mang tên vua công chính, rồi ông lại còn là vua Salem, nghĩa
là vua hoà bình. Ông không cha không mẹ, không gia phả, không ngày sinh, không
ngày tử, nhưng ông được so sánh với Con Thiên Chúa, nên ông làm tư tế muôn đời.
Việc còn hiển nhiên
hơn nữa, nếu một tư tế khác được thiết lập theo phẩm hàm Menkixêđê, không phải
chiếu theo luật xác thịt quy định, nhưng chiếu theo quyền năng của sự sống bất
diệt. Vì đã chứng thực về ngài rằng: "Ngươi là tư tế theo phẩm hàm
Menkixêđê tới muôn đời". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 109, 1. 2. 3. 4
Đáp: Con là
Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê (c. 4bc).
1) Thiên Chúa đã tuyên
bố cùng Chúa tôi rằng: "Con hãy ngồi bên hữu Ta, cho tới khi Ta bắt quân
thù làm bệ kê dưới chân Con". - Đáp.
2) Đức Thiên Chúa từ Sion
sẽ phô bày vương trượng quyền bính của Ngài, rằng: "Con hãy thống trị giữa
quân thù". - Đáp.
3) Các thủ lãnh cùng
hiện diện bên Con, ngày Con giáng sinh trong thánh thiện huy hoàng: "Trước
rạng đông, tựa hồ sương sa, Ta đã sinh hạ ra Con". - Đáp.
4) Đức Thiên Chúa đã
thề và không hối hận rằng: "Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm
Menkixêđê. - Đáp.
ALLELUIA: Ga 6, 64b và 69b
- Lạy Chúa, lời của
Chúa là thần trí và là sự sống. Chúa có những lời ban sự sống đời đời. -
Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 3, 1-6
"Trong ngày
Sabbat được cứu sống hay là giết chết?"
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu lại
vào hội đường và ở đó có một người khô bại một tay. Người ta để ý quan sát xem
Chúa có chữa bệnh trong ngày Sabbat không, để tố cáo Người. Chúa bảo người có
tay khô bại rằng: "Ngươi hãy đứng ra giữa đây". Rồi Người bảo họ:
"Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Được cứu sống hay là giết
chết?" Nhưng họ thinh lặng. Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn
phiền vì lòng họ chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng: "Hãy giơ tay ra".
Người đó giơ tay ra và tay anh ta được lành. Lập tức, những người biệt phái đi
ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và tìm cách hại Người.
Đó là lời Chúa.
Suy Niệm: Phản ứng của Chúa Giêsu
Trong diễn văn đọc trước
ngoại giao đoàn bên cạnh Toà Thánh nhân dịp Năm Mới 1996, Ðức Gioan Phaolô II
đã mạnh mẽ tố giác các đàn áp Kitô hữu; Ngài nhận định như sau: "Người ta
không thể đàn áp mãi hàng triệu tín hữu, nghi ngờ hoặc chia rẽ họ, mà những
hành động đó lại không đưa đến những hậu quả tiêu cực, chẳng những đối với uy
tín của các quốc gia trên trường quốc tế, mà cả trong nội bộ các xã hội liên hệ;
trái lại, những mối quan hệ tốt giữa các Giáo Hội và nhà nước góp phần vào sự
hòa hợp mọi thành phần trong xã hội".
Vừa đàn áp, vừa kêu gọi
tin tưởng, chỉ có người mù quáng mới không thấy được sự mâu thuẫn trong hành động
của mình. Người mù lòa ít ra còn biết mình không thấy, nhưng kẻ mù quáng vốn có
mắt, nhưng lại không nhìn thấy.
Trong Tin Mừng hôm
nay, Chúa Giêsu có một phản ứng trước sự mù quáng của những người Biệt phái.
Chúng ta cứ tưởng tượng một bệnh nhân đang quằn quại trong đau khổ cần được một
bàn tay săn sóc chữa trị, thì người ta lại nại đến luật ngày Hưu lễ để bắt bẻ
và cấm chế. Thánh sử Marcô như muốn tô đậm phản ứng của Chúa trước thái độ mù
quáng như thế, khi viết: "Chúa Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì
lòng chai đá của họ". Chúa Giêsu vốn là Ðấng hiền lành và khiêm nhường
trong lòng. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng thái độ của Ngài đối với những người khốn
khổ, các bệnh nhân, các tội nhân, những người bị đẩy ra bên lề xã hội, Ngài đồng
bàn với họ, cảm thông với họ, tha thứ cho họ.
Chúa Giêsu tỏ ra cảm
thông tha thứ đối với mọi tội lỗi của con người, duy chỉ có một thái độ Ngài
không bao giờ chấp nhận và tha thứ, đó là thói giả hình và mù quáng. Do yếu đuối,
con người sa ngã là chuyện bình thường, nhưng nhắm mắt khép kín tâm hồn để
không nhận ra mình yếu đuối cũng như nhân danh đạo lý và pháp luật để khước từ
yêu thương, để loại trừ người khác, Chúa Giêsu gọi đó là tội chống lại Thánh Thần,
tội không thể tha thứ được. Thật thế, khi con người không còn nhận ra thân phận
tội lỗi yếu đuối của mình, khi con người khước từ yêu thương, thì mọi tương
quan với Thiên Chúa cũng hoàn toàn bị cắt đứt. Chúa Giêsu không ngừng lên án
thái độ giả hình và mù quáng của những người Biệt phái; Ngài cũng luông kêu gọi
các môn đệ đề cao cảnh giác trước men Biệt phái.
Nguyện xin Chúa giúp
chúng ta ghi tạc Lời Chúa để tránh khỏi men giả hình và mù quáng ấy. Xin Ngài
cho chúng ta một tâm hồn nhạy cảm để nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của
chúng ta và đáp lại tiếng gọi thống hối và hoán cải không ngừng của Chúa. Xin
Ngài ban cho chúng ta một trái tim luôn biết rung động trước nỗi đau khổ của đồng
loại và đôi tay luôn biết rộng mở để săn sóc chữa trị và san sẻ trao ban cho mọi
người.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần II TN, Năm lẻ
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đức
Kitô là Thượng Tế theo phẩm trật Melkizedek.
Tôn giáo hiện hữu là để
đưa con người tới Thiên Chúa. Để làm việc này, con người cần giữ luật. Bao lâu
con người tuân giữ những luật Thiên Chúa truyền, con người giữ mối liên hệ tốt
lành với Thiên Chúa. Nhưng con người đã không thể giữ mãi mối liên hệ với Thiên
Chúa vì họ phạm tội; và như thế, con người cần dâng lễ vật để đền tội và nối lại
mối liên hệ với Thiên Chúa. Đó là lý do chức tư tế và luật dâng lễ vật hiện hữu.
Theo từ ngữ Latin, từ ngữ dùng để chỉ tư tế là pontifex, có nghĩa người xây cầu
để nối giữa 2 điểm. Tư tế là người xây cầu để nối giữa Thiên Chúa và con người
bằng dâng các lễ vật hy sinh. Theo truyền thống Do-Thái, lễ vật hy sinh chỉ có
thể đền những tội vô tình xúc phạm đến Luật mà thôi; những tội cố ý, không lễ vật
hy sinh nào có thể đền được. Tác giả Thư Do-Thái nhìn thấy sự bất tòan của chức
tư tế và các lễ vật hy sinh trong Đạo Do-Thái; ông nhận ra con người cần một phẩm
trật tư tế cao trọng hơn phẩm trật tư tế theo Aaron, và một lễ vật hy sinh cao
trọng hơn máu chiên bò, để có thể tha thứ các tội cho con người, và cung cấp
cho con người cách thức an tòan để nối lại mối liên hệ với Thiên Chúa sau khi
phạm tội.
Trong Bài Đọc I, Tác
giả dùng Thánh Vịnh 110:4 và Sách Sáng Thế 14:18-20, để chứng minh Đức Kitô là
Thượng Tế theo phẩm trật Melkizedek; phẩm trật này cao trọng hơn phẩm trật
Aaron, vì “Melkizedek không có cha, không có mẹ, không có gia phả, cuộc đời
không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Như thế là ông giống Con Thiên Chúa:
mãi mãi ông vẫn là tư tế.” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tức giận vì Nhóm Pharisees
lòng chai dạ đá: trong khi Ngài muốn chữa lành con người khỏi mọi tội lỗi và bệnh
họan, tật nguyền, nhưng họ luôn tìm cách để tố cáo và luận tội Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức Kitô là
Thượng-tế theo phẩm trật Melkizedek.
1.1/ Thượng Tế
Melkizedek: Khi truy tầm tên Melkizedek
mà Thánh Vịnh 110 đề cập tới, Tác-giả Thư Do-Thái tìm thấy trong Sách Sáng Thế
nói về Ông như sau: “Ông Melkizedek, vua thành Salem, mang bánh và rượu ra; ông
là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao. Ông chúc phúc cho ông Abraham và nói:
"Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho Abraham!
Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao, Đấng đã trao vào tay ông những thù địch của
ông!" Rồi ông Abraham biếu ông Melkizedek một phần mười tất cả chiến lợi
phẩm” (Gen 14:18-20).
Tác-giả dựa vào những
gì Sách Sáng Thế trình bày, và suy diễn thêm về những gì tuy Kinh Thánh không
nói tới, nhưng quan trọng về vị Thượng Tế này như sau: “Trước hết, ông tên là
Melkizedek, nghĩa là "Vua công chính;" rồi ông lại là vua Salem,
nghĩa là "Vua bình an." Ông không có cha, không có mẹ, không có gia
phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Như thế là ông giống
Con Thiên Chúa: mãi mãi ông vẫn là tư tế.”
1.2/ Sự khác biệt giữa 2
phẩm trật tư tế: Tác giả so sánh những
gì ông tìm ra về Thượng Tế Melkizedek và so sánh với những gì ghi chép trong Luật
về phẩm trật tư tế Aaron, ông tìm ra những khác biệt trong Chương 7, chúng tôi
chỉ tóm tắt như sau:
(1) Phẩm trật Aaron: Theo
Luật Do-Thái, một người trở thành tư tế vì thuộc giòng dõi Aaron; mà không tùy
thuộc vào đặc tính và khả năng của vị tư tế. Chức tư tế của những người theo phẩm
trật Aaron chấm dứt cùng với cái chết của người ấy. Thiên Chúa không bao giờ thề
hứa với phẩm trật theo Aaron. Sau cùng, các tư tế theo phẩm trật này phải luôn
dâng hy lễ đền tội cho mình, trước khi có thể dâng lễ đền tội cho người khác.
(2) Phẩm trật
Melkizedek: Chức tư tế của Melkizedek không tùy thuộc vào giòng dõi con
người, nhưng tùy thuộc vào đặc tính và khả năng của Ông. Hơn nữa, Melkizedek
không có gia phả con người, và Kinh Thánh không thấy nói tới sự chết của ông;
vì thế, chức tư tế của ông tồn tại đến muôn đời. Chức tư tế theo phẩm trật
Melkizedek được Thiên Chúa thề hứa và không bao giờ thay đổi (x/c Psa 110:4). Đức
Kitô không bao giờ phạm tội, và Ngài không cần dâng lễ đền tội cho mình, chỉ
dâng hy lễ một lần để đền tội cho con người là đủ.
1.3/ Đức Kitô là Thượng-tế
theo phẩm trật Melkizedek: Tác giả Thư
Do-Thái kết luận: “Điều ấy lại còn hiển nhiên hơn nữa, khi một vị tư tế khác
tương tự như ông Melkizedek xuất hiện; vị này đã trở nên tư tế không phải do Lề
Luật quy định việc cha truyền con nối, nhưng do sức mạnh của một đời sống bất
diệt. Quả thật, có lời chứng nhận rằng: “Muôn thuở, Con là Thượng-tế theo phẩm
trật Melkizedek”” (Psa 110:4).
2/ Phúc Âm: Đức Giêsu giận
dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá.
2.1/ Xung đột ý kiến giữa
Chúa Giêsu và Nhóm Pharisees: Chỉ trong
hai câu mô tả ngắn ngủi, Marcô cho chúng ta nhìn thấy sự xung đột giữa hai bên:
“Đức Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. Họ rình xem Đức
Giêsu có chữa người ấy ngày Sabbath không, để tố cáo Người.” Trong khi Chúa
Giêsu chính thức rao giảng và chữa lành dân chúng trong các hội đường, Nhóm
Pharisees cũng có mặt. Mục đích của họ không phải để nghe giảng, nhưng để “rình
xem” Chúa Giêsu có chữa bệnh trong ngày Sabbath.
2.2/ Hai phản ứng khác
nhau:
(1) Phản ứng của của
Chúa Giêsu: Khi nhìn thấy người bại tay, Chúa Giêsu động lòng thương anh,
và Ngài muốn chữa lành, nên bảo anh: "Anh trỗi dậy, ra giữa đây!"
Ngài có thể bảo anh ngày mai trở lại, hay bảo anh đi đến một nơi nào đó cho khuất
mắt những người đang rình; nhưng để dạy cho họ có cơ hội hiểu biết đúng đắn về
ngày Sabbath, Chúa Giêsu mời gọi họ đối thọai với Ngài: "Ngày Sabbath, được
phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?" Nhưng họ làm
thinh. Đức Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo
anh bại tay: "Anh giơ tay ra!" Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại
bình thường.
(2) Phản ứng của Nhóm
Pharisees: Làm thinh không nói có thể vì không biết câu trả lời; nhưng họ
đã biết câu trả lời: phải luôn làm việc lành trong cả ngày Sabbath, và phải
luôn cứu mạng người; nhưng vì họ sợ nếu phải công nhận những gì Chúa Giêsu dạy
trước mặt mọi người, họ phải tin theo và làm những gì Ngài đòi hỏi nên họ làm
thinh. Không phải chỉ có thế, nhưng sau khi ra khỏi đó, Nhóm Pharisee lập tức
bàn tính với phe Herode, để tìm cách giết Đức Giêsu.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tội lỗi làm chúng ta
xa cách Thiên Chúa; nhưng qua Đức Kitô là Thượng Tế theo phẩm trật Melkizedek,
chúng ta đã có con đường an tòan để nối lại tình nghĩa với Ngài.
- Chúng ta hãy vâng lời
làm theo những gì Đức Kitô dạy. Nếu không hiểu, hãy chịu khó bỏ thời giờ để
nghiên cứu học hỏi; đừng ngoan cố như những người Biệt-phái để cố tình sống
trong tội lỗi của mình.
- Tôn giáo không phải
chỉ là tuân theo những luật lệ cứng nhắc, nhưng trước hết là tâm tình đồng cảm
với những khổ đau của nhân lọai, và tìm cách để làm vơi đi những khổ đau này.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên OP
23/01/19 THỨ TƯ
TUẦN 2 TN
Mc 3,1-6
Mc 3,1-6
LUẬT BÁC ÁI TRÊN HẾT
Rồi Người nói với họ: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành
hay điều dữ, cứu mạng hay giết đi?” (Mc 3,4)
Suy niệm: Theo
truyền thống, người bại tay này làm nghề thợ xây đá. Nghĩa là anh cần có một
bàn tay khỏe mạnh sớm hết sức, để có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Không
lạ gì trước những người Do Thái đang “chẻ sợi tóc ra làm tư” dò xét, bắt bẻ, để
kết án, Chúa Giê-su vẫn can đảm chữa lành cho người bại tay trong ngày sa-bát.
Theo luật Do Thái, chỉ được chữa bệnh vào ngày sa-bát trong trường hợp nguy tử.
Trường hợp của anh không phải là nguy tử, nhưng Ngài không thể nào để đến ngày
mai. Ngài muốn chữa lành cho anh ngay hôm nay. Ngày sa-bát là ngày dành cho
Chúa, ngày làm điều lành, ngày cứu người. Nhờ đó, bàn tay anh có thể duỗi thẳng,
anh có thể cầm lấy bàn tay người khác, cũng như có thể mưu sinh bằng chính bàn
tay của mình.
Mời Bạn: Ngày
Chúa Nhật, bạn nghỉ ngơi, không phải để ăn chơi, nhậu nhẹt xả láng, nhưng để thánh hóa ngày ấy. Thánh
hóa bằng việc tham dự thánh lễ cách trọn vẹn và sốt sắng, dành thời giờ để quan
tâm, chia sẻ tình thương với người chung quanh, đặc biệt với những gia đình khó
khăn trong năm “Đồng hành với các gia đình khó khăn.”
Sống Lời Chúa: Hãy quyết tâm thánh hóa ngày Chúa nhật bằng việc thờ
phượng Chúa, sống tình mến với người khác để sống tinh thần ngày nghỉ này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết tận dụng ngày Chúa Nhật
theo đúng ý Chúa muốn: dâng lễ sốt sắng, tham gia hội đoàn tông đồ, nghỉ ngơi bồi
dưỡng thân xác và tinh thần, chăm lo cho người thân và con cái, quan tâm đến những
người nghèo, bệnh tật, neo đơn và đau khổ. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
ANH GIƠ TAY RA !
Có bao nhiêu bàn tay, dù không bại liệt, nhưng chẳng bao
giờ bình thường vì chẳng bao giờ dám đưa ra để trao và để nhận, để nắm và để
buông.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay
là cao điểm của năm cuộc tranh luận
giữa Đức Giêsu với các
kinh sư hay người Pharisêu (Mc 2, 1-3, 6).
Đó là các cuộc tranh
luận về quyền tha tội của Đức Giêsu,
về chuyện Ngài ăn uống
với người thu thuế, chuyện môn đệ không ăn chay,
chuyện môn đệ bứt lúa
ngày sabát, và cuối cùng là chuyện Ngài chữa bệnh.
Trong hội đường, vào một
ngày sabát, một người có bàn tay bị teo đi dự lễ.
Các người Pharisêu
rình xem Đức Giêsu có chữa cho anh ấy không.
để có cớ tố cáo Ngài.
Đức Giêsu chủ động đưa
âm mưu của họ ra ánh sáng.
Ngài muốn công khai
hóa và chính thức hóa việc làm của mình,
bởi vậy Ngài mới nói với
người bị tật rằng: “Anh hãy trỗi dậy ra giữa đây!”
Như thế mọi người
trong hội đường đều thấy được anh.
Rồi Ngài đặt câu hỏi với
các người đang rình rập Ngài
về điều được phép làm
trong ngày sabát:
được làm điều tốt hay
điều xấu, cứu sống hay giết chết?
Câu trả lời tưởng như
quá rõ ràng,
nhưng ta nên nhớ rằng
chữa bệnh ngày sabát bị coi như lao động.
Chỉ được chữa bệnh
ngày sabát khi đó là một bệnh nguy tử.
Anh bại tay không phải
là người lâm cơn bệnh nguy tử.
Nếu hoãn lại đến ngày
mai mới chữa anh, thì có vẻ cũng chẳng sao.
Nhưng Đức Giêsu đã
không chấp nhận sự trì hoãn này.
Đối với Ngài, làm điều
tốt là chữa ngay cho anh.
Ngài không đợi anh ấy
gần chết mới cứu sống.
Cứu sống là cho con
người được sống hạnh phúc dồi dào hơn.
Một bàn tay héo khô,
teo tóp, bại liệt,
một bàn tay đàn ông chẳng
còn làm việc được, chẳng còn tự phục vụ được,
một bàn tay đã chịu tật
nguyền như thế từ bao giờ,
theo Đức Giêsu, bàn
tay ấy phải được chữa lành ngay khi có thể.
“Hãy giơ tay ra!”
Người ấy đã giơ tay ra
và tay anh trở lại bình thường.
Giơ tay ra là điều trước
kia anh mong muốn mà không làm được.
Bây giờ anh có thể giơ
tay để nắm lấy một bàn tay khác,
và cảm được sự ấm áp
chân thành của tình bạn.
Có bao nhiêu bàn tay,
dù không bại liệt, nhưng chẳng bao giờ bình thường
vì chẳng bao giờ dám
đưa ra để trao và để nhận, để nắm và để buông.
Trước sự thinh lặng
chai đá của các kẻ chống đối,
Đức Giêsu vừa giận vừa
buồn (c.5).
Ngài chấp nhận trả giá
cho quyết định của mình.
Ngài đã chữa bệnh chỉ
bằng một lời nói, chứ không bằng đụng chạm.
Thế nên theo Luật
Môsê, Ngài vẫn không bị coi là đã vi phạm ngày sabát.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
lúc đầu chúng con
chỉ muốn cầm tay nhau
để làm thành một
vòng tròn khép kín.
Sau đó chúng con hiểu
rằng
cần phải buông tay
nhau
để nhận những người
bạn mới,
để vòng tròn được mở
rộng đến vô cùng
và trái tim được lớn
lên mãi.
Lạy Chúa, chúng con
biết rằng
cần phải nối vòng
tay lớn
xuyên qua các đại
dương và lục địa.
vòng tay người nối
với người,
vòng tay con người
nối với Tạo Hóa.
Chúng con thích
Chúa
đứng chung một vòng
tròn
với tất cả loài người
chúng con,
nắm lấy tay chúng
con
và đưa chúng con
lên cao.
Ước gì việc Chúa
giang tay trên thập giá
giúp chúng con biết
cầm lấy tay nhau
và nhận nhau là anh
em.
Lm. Antôn nguyễn Cao Siêu. S.J
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Giêng
23 THÁNG GIÊNG
Tôn Trọng Nhân Vị
Con Người
Tại Môi Trường Lao
Động
Nhãn quan Kitô giáo về
thực tại tập chú trên con người và phẩm giá của con người xét như một ngôi vị
được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa. Đó là lý do vì sao tôi muốn khẳng định
mạnh mẽ rằng nhân vị phải luôn luôn là mối ưu tiên đệ nhất trong lao động. Khẳng
định ấy sẽ đưa ta tới một quan điểm hết sức quan trọng về đạo đức. Đành rằng quả
thật con người được gọi và được định liệu để lao động; song, lao động tiên vàn
là cho con người, chứ không phải con người cho lao động. Nói cho cùng, mọi loại
lao động của con người – dù tầm thường hay đơn điệu đến mấy đi nữa – cũng luôn
luôn nhận cứu cánh của nó là chính con người (Laborem exercens 6).
Toàn bộ cơ cấu lao động
phải vận hành xoay quanh chiếc trục bản lề là chính con người. Lao động là thực
tại cao quí. Nhưng con người còn cao quí hơn muôn muôn triệu lần. Con người là
thiêng thánh. Và tính thiêng thánh này không thể bị xúc phạm. Dứt khoát phải
tôn trọng nhân vị con người trong mọi môi trường lao động.
Tính thiêng thánh ấy
là gốc rễ từ đó bật ra tất cả các quyền đặc biệt của con người. Bất cứ cảnh vực
lao động nào muốn tạo lập một môi trường đạo đức lành mạnh đều phải tôn trọng
nhãn giới ấy về con người.
Thật vậy, chất lượng
luân lý và đạo đức của một doanh nghiệp – và thường kể cả mức hiệu năng của
doanh nghiệp ấy trên thị trường nữa – được đo lường chính nơi thái độ của doanh
nghiệp này đối với con người.
Công nghệ, tư bản, lợi
nhuận, và tất cả những gì góp phần đem lại sự thành công về tài chánh đều được
trân trọng và tưởng thưởng theo mức độ mà chúng tôn trọng phẩm giá con người
trong môi trường lao động. Chúng phải luôn luôn lệ thuộc con người – và con người
phải luôn luôn chiếm được sự quan tâm hàng đầu tại mọi môi trường lao động.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 23-01
Dt 7, 1-3.15-17; Mc
3, 1-6.
LỜI SUY NIỆM: “Họ rình xem
Đức Giêsu có chữa người ấy ngày Sabát không, để tố cáo Người” (Mc 3,2)
Chúa Giêsu đang ở
trong hội đường, và công việc của Ngài làm là chữa lành cho một người bại tay,
Ngài không những đem lại hạnh phúc cho anh ta, là: được có thêm một bàn tay để
làm việc, mà qua bàn tay được lành, anh sẽ làm ra lương thực thực phầm cho xã hội
và nuôi sống bản thân và người trong gia đình. Nhưng vẫn có người rình xem để tố
cáo, vì Ngài làm công việc này trong ngày Sabát. Khi chúng ta đọc đoạn Kinh
Thánh này, ai cũng phê phán nhóm người Pharisêu đó. Trong cuộc đời của mỗi người,
cần phải tránh hành vi rình xem, tự bản chất của hành vi này đã là không tốt.
Chúa ban cho mỗi một người có hai con mắt, chúng ta cần tận dụng để nhìn ra cái
tốt trong mọi sự, nơi mọi người để học và làm theo, hầu đem lại lợi ích cho
mình đời này và đời sau; phải nhìn ra cái xấu để biết mà tránh, để khỏi bị phê
phán và bị kết án lúc này và mai sau,
Mạnh Phương
23 Tháng Giêng
Chúa Giêsu Ði Xem Bóng Ðá
Một linh mục Ấn Ðộ chuyên
về huấn luyện tu đức là cha Anthony de Mello đã tưởng tượng ra một câu chuyện
như sau: Chúa Giêsu than phiền là Ngài chưa được một lần tham dự một trận túc cầu.
Chúng tôi bèn đưa Ngài đi xem một trận đấu rất gay go giữa một đội Tin Lành và
một đội Công Giáo. Ðội Công Giáo làm bàn trước một không. Chúa Giêsu vỗ tay
hoan hô và tung cả mũ lên trời. Vài phút sau, đội Tin Lành lại làm bàn. Lần này
Chúa Giêsu cũng vỗ tay reo hò và tung mũ lên trời.
Một khán giả ngồi
bên cạnh lấy làm khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu. Ông ta lấy tay đập lên vai
Ngài rồi hỏi: "Ê ông bạn, ông bạn ủng hộ bên nào vậy?". Xem chừng như
vẫn còn bị khích động bởi trận đấu, Chúa Giêsu trả lời: "Tôi hả? Tôi không
ủng hộ bên nào cả. Tôi đến đây là chỉ để thưởng thức trận đấu thôi". Người
khán giả khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu, nay lại càng bực bội hơn. Ông quay
sang người bên cạnh và nói nhỏ: "Hắn là một tên vô thần".
Trên đường trở về
nhà, chúng tôi chất vấn Chúa Giêsu về tình hình tôn giáo trên thế giới. Chúng
tôi nói với Ngài: "Thưa Chúa, những con người có tôn giáo thật là buồn cười.
Họ tưởng rằng Chúa Giêsu chỉ đứng riêng về phía họ và nghịch lại với những người
thuộc tôn giáo khác".
Chúa Giêsu gật đầu
tỏ vẻ ưng ý. Ngài nói: "Ðó là lý do tại sao ta không ủng hộ tôn giáo mà chỉ
ủng hộ con người. Con người quan trọng hơn tôn giáo. Con người trọng hơn ngày
Sabbat. Chúng con nên biết là chính những người có tôn giáo đã treo Ta lên thập
giá".
Câu chuyện tưởng tượng
trên đây cho chúng ta thấy rằng một trong những vết thương lớn nhất của nhân loại
trải qua mọi thời đại: đó là thái độ bất khoan dung đưa đến những cuộc chiến
tranh tôn giáo. Con người ai cũng bị cám dỗ nhân danh Thượng Ðế, thần minh và hệ
tư tưởng của mình để triệt hạ, để loại trừ, để bách hại người khác. Kỳ thực, có
tôn giáo nào mà không dạy sự khoan dung, lòng nhân từ đối với mọi người?
Chúa Giêsu đến để mạc
khải cho chúng ta một Thiên Chúa là Cha của mọi người. Ngài là Ðấng làm cho mặt
trời mọc lên cho người lành cũng như kẻ dữ. Ngài yêu thương những kẻ nhận biết
và yêu mến Ngài cũng như những kẻ chối bỏ và thù ghét Ngài. Ngài muốn chúng ta
yêu thương nhau như anh em cùng một gia đình. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải
cho chúng ta là Ðấng mà người ta cũng sẽ chối bỏ nếu người ta khước từ chính
anh em đồng loại của mình. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải là Ðấng mà người
ta cũng sẽ xúc phạm nếu xúc phạm đến con người.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét