03/02/2019
Chúa Nhật 4 Thường Niên năm C
(phần I)
BÀI ĐỌC I: Gr 1, 4-5,
17-19
“Ta sẽ đặt ngươi làm tiên tri
trong các dân tộc”.
Trích sách Tiên tri
Giêrêmia.
Trong thời vua Giosia,
lời Chúa phán cùng tôi rằng: “Trước khi Ta tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã
biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi. Ta đã đặt
ngươi làm tiên tri trong các dân tộc.
Vậy phần ngươi, ngươi
hãy thắt lưng, hãy chỗi dậy, và nói cho họ biết tất cả những điều Ta truyền dạy
cho ngươi. Đừng run sợ trước mặt họ, vì Ta không làm cho ngươi kinh hãi trước mặt
họ. Hôm nay Ta làm cho ngươi nên một thành trì vững chắc, một cậy cột bằng sắt,
một vách thành bằng đồng trước mặt các vua Giuđa, các hoàng tử, các tư tế và
dân chúng xứ này. Họ sẽ chiến đấu chống ngươi, nhưng họ không thắng được ngươi,
vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 70, 1-2.
3-4a. 5-6ab. 15ab và 17
Đáp: Miệng con sẽ
loan truyền sự Chúa công minh (c. 15a).
Xướng:
1) Lạy Chúa, con tìm đến
nương nhờ Ngài, xin đừng để con tủi hổ muôn đời; theo đức công minh Chúa, xin cứu
nguy và giải thoát con, xin ghé tai về bên con và giải cứu. – Đáp.
2) Xin trở nên thạch động
để con dung thân, và chiến luỹ vững bền hầu cứu độ con: vì Chúa là Đá Tảng, là
chiến luỹ của con. Lạy Chúa con, xin cứu con thoát khỏi tay đứa ác. – Đáp.
3) Bởi Ngài là Đấng
con mong đợi, thân lạy Chúa. Lạy Chúa, Ngài là hy vọng của con tự hồi thanh
xuân. Ngay từ trong bụng mẹ, con đã nép mình vào Chúa; từ trong thai mẫu, Chúa
là Đấng bảo vệ con, con đã luôn luôn cậy trông vào Chúa. – Đáp.
4) Miệng con sẽ loan
truyền sự Chúa công minh, và suốt ngày kể ra ơn Ngài giúp đỡ. Lạy Chúa, Chúa đã
dạy con từ hồi niên thiếu, và tới bây giờ con còn kể (ra) những sự lạ của Ngài.
– Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 12, 31
– 13, 13 (bài dài)
“Đức tin, đức cậy, đức mến vẫn
tồn tại, nhưng đức mến là trọng hơn cả”.
Trích thư thứ nhất
của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, anh
em hãy cầu mong những ơn cao trọng hơn. Và tôi chỉ bảo cho anh em một con đường
hoàn hảo nhất. Nếu tôi nói được các tiếng của loài người và thiên thần, mà tôi
không có bác ái, thì tôi chỉ là tiếng đồng la vang dội hoặc não bạt vang động.
Và nếu tôi được nói tiên tri, thông biết mọi mầu nhiệm và mọi khôn ngoan; nếu
tôi có đầy lòng tin, đến nỗi chuyển dời được núi non, mà không có bác ái, thì
tôi vẫn là không. Nếu tôi phân phát mọi của cải tôi có để nuôi kẻ nghèo khó, nếu
tôi nộp mình để chịu thiêu đốt, mà tôi không có bác ái, thì không làm ích gì
cho tôi.
Bác ái thì kiên tâm,
nhân hậu. Bác ái không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ,
không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng
chia vui cùng chân lý, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu
đựng tất cả.
Bác ái không khi nào
qua đi. Ơn tiên tri sẽ bị huỷ diệt, ơn ngôn ngữ sẽ chấm dứt, ơn thông minh sẽ
biến mất. Vì chưng chúng ta hiểu biết có giới hạn, chúng ta nói tiên tri có giới
hạn, nhưng khi điều vẹn toàn đến, thì điều có giới hạn sẽ biến đi. Khi còn bé
nhỏ, tôi nói như trẻ nhỏ, suy tưởng như trẻ nhỏ, lý luận như trẻ nhỏ; nhưng khi
tôi đã trưởng thành, tôi loại bỏ những gì là trẻ nhỏ. Hiện giờ, chúng ta thấy mờ
mịt như qua tấm gương, nhưng lúc bấy giờ, diện đối diện. Hiện giờ tôi biết có
giới hạn, nhưng lúc bấy giờ, tôi sẽ biết như tôi được biết. Hiện giờ, đức tin,
đức cậy, đức mến, tất cả ba đều tồn tại, nhưng trong ba nhân đức, đức mến là trọng
hơn cả. Đó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài vắn này: 1
Cr 13, 4-13
Bác ái thì kiên tâm,
nhân hậu. Bác ái không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ,
không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng
chia vui cùng chân lý, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu
đựng tất cả.
Bác ái không khi nào
qua đi. Ơn tiên tri sẽ bị huỷ diệt, ơn ngôn ngữ sẽ chấm dứt, ơn thông minh sẽ
biết mất. Vì chưng chúng ta hiểu biết có giới hạn, chúng ta nói tiên tri có giới
hạn, nhưng khi điều vẹn toàn đến, thì điều có giới hạn sẽ biến đi. Khi còn bé
nhỏ, tôi nói như trẻ nhỏ, suy tưởng như trẻ nhỏ, lý luận như trẻ nhỏ; nhưng khi
tôi đã trưởng thành, tôi loại bỏ những gì là trẻ nhỏ. Hiện giờ, chúng ta thấy mờ
mịt như qua tấm gương, nhưng lúc bấy giờ, diện đối diện. Hiện giờ tôi biết có
giới hạn, nhưng lúc bấy giờ, tôi sẽ biết như tôi được biết. Hiện giờ, đức tin, đức
cậy, đức mến, tất cả ba đều tồn tại, nhưng trong ba nhân đức, đức mến là trọng
hơn cả. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 6, 64b và
69b
Alleluia, alleluia!
– Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có lời ban sự sống. –
Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 4, 21-30
“Chúa Giêsu, như Êlia và Êlisê,
không phải chỉ được sai đến với người Do-thái”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu bắt
đầu nói trong hội đường rằng: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các
ngươi vừa nghe”. Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những
lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: “Người này không phải là con ông Giuse
sao?”
Và Người nói với họ:
“Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: ‘Hỡi thầy thuốc, hãy chữa
lấy chính mình!’ Điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại
quê hương ông'”. Người nói tiếp: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên
tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật với các ngươi, đã có nhiều
bà goá trong Israel thời Elia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi
nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Elia không được sai đến cùng một nguời
nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng
có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, thế mà không người
nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria”.
Khi nghe đến đó, mọi
người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi
thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống
vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm: Phản ứng của
hội đường Thành Nadarét
Chúa nhật trước, chúng ta thấy Ðức Giêsu khởi
sự đi giảng đạo, Người đã vào hội đường Nadarét, xưng mình là vị tiên tri Thiên
Chúa hứa sẽ gởi đến cho dân Người. Hơn nữa, khi áp dụng lời sách Isaia về người
Tôi tớ Thiên Chúa vào cho mình, Ðức Giêsu đã khẳng định Người là Cứu thế đến
công bố năm hồng ân của Thiên Chúa tức là khai mạc thời đại cứu độ mọi người.
Hôm nay, thánh Luca cho chúng ta thấy phản ứng của người đồng hương với Ðức
Giêsu trước những lời xác quyết của Người.
Ðó là thái độ cố hữu của người Do Thái, như
Giêrêmia đã kinh nghiệm. Ðó cũng có thể là cách trả lời của chúng ta đối với mọi
mạc khải của Thiên Chúa nơi các ngôn sứ của Người, nếu chúng ta không nghe lời
thánh Phaolô mà đặt đức ái lên trên hết. Vậy chúng ta hãy suy nghĩ về cả ba bài
Kinh Thánh hôm nay để hiểu mình và sửa mình cho xứng đáng với ơn Chúa muốn cứu
độ chúng ta.
1. Thái Ðộ Cố Hữu Của Người Do Thái
Không dân tộc nào được Chúa yêu thương như cộng
đồng con cái Israen. Không phải vì họ có những đức tính trổi vượt hơn hết mọi
dân tộc; nhưng chỉ vì Thiên Chúa đã khấng chọn họ làm dân riêng của Người. Họ
có luật pháp là mạc khải khôn ngoan cao cả của Thiên Chúa. Họ còn thường được
các tiên tri đến dạy dỗ. Ðó là những ngôn sứ thay mặt Thiên Chúa đến soi sáng
và hướng dẫn họ sống theo luật pháp, hầu được đẹp lòng Chúa và hưởng các ân huệ
Người ban.
Nhưng Do Thái lại là dân cứng đầu cứng cổ. Họ
vứt bỏ đường lối của Thiên Chúa để đi theo lòng dục của mình. Vị tiên tri nào
Chúa gửi tới cũng gặp nhiều chống đối và khó khăn. Một phần nữa cũng vì có quá
nhiều những tay bịp bợm, lạm dụng sự mê tín của quần chúng tự xưng là sứ giả của
Thiên Chúa. Nên bên cạnh một số ít tiên tri thật, có nhan nhản những tiên tri
giả và những kẻ "muốn làm nghề tiên tri". Vì sự hiện diện và hoạt động
của những kẻ này, các ngôn sứ của Chúa phải tăng thêm nỗ lực để khẳng định Lời
Chúa và ơn gọi của mình. Và thường khi các ngài phải "chết để nói lên lời".
Giêrêmia là một trong những vị đại tiên tri. Ông là một trong 4 đại tiên tri
còn để lại văn phẩm. Không vị tiên tri nào đã gặp nhiều đau khổ vì ơn gọi như
ông.
Thế nên, xét về phương diện đau khổ, ông là vị
tiên tri gần với Ðức Giêsu Kitô hơn hết. và Phụng Vụ hôm nay đã theo truyền thống
coi ông là hình ảnh báo trước về nhà tiên tri thành Nadarét có định mệnh
"phải chịu đau khổ". Chúng ta đọc lại những chương 36-45 trong sách
Giêrêmia để xem nhà tiên tri này đã khổ sở thế nào. Người ta chống đối, muốn bịt
miệng ông, bắt ông phải vào tù ra khám, và có lần đã muốn chấm dứt đời ông rồi.
Nhưng trong mọi trường hợp, Giêrêmia vẫn cương quyết công bố Lời Chúa và khẳng
định ơn gọi thiêng liêng của mình.
Bài đọc hôm nay không cố ý mô tả cuộc đời thơ ấu
của Giêrêmia đâu. Nhưng đây là cái nhìn của một người rất đứng tuổi và chín chắn
nghĩ lại ơn gọi của mình, để làm chứng cho mọi người thấy thiên mệnh đã đè xuống
trên ông.
Ðồng bào của Giêrêmia, tức là cộng đồng con
cái Israen vẫn tin rằng Thiên Chúa là nguồn gốc mọi sự và con người cũng do tay
Người nặn lên. Nhưng điều ít ai để ý, là trước khi Thiên Chúa tạo dựng nên vũ
trụ và muôn vật hữu hình này, Người đã có một kế hoạch rất rõ ràng. Ơn gọi của
các tiên tri nằm trong kế hoạch ấy.
Thế nên "trước khi Ta nắn ngươi trong
lòng mẹ, Ta đã biết ngươi; và trước khi lọt dạ mẹ, Ta đã tác thánh ngươi. Ta đã
đặt ngươì làm tiên tri cho các dân tộc". Và để chứng minh điều này,
Giêrêmia nói thêm rằng: khi được gọi, ông chưa biết nói, nhưng Chúa bảo chính
Người sẽ ban Lời cho ông để ông chỉ có việc nói những lời của Người mà thôi.
Ðó là những lời thành thật. Chúng ta không có
gì phải nói thêm. Chúng ta chỉ để ý đến lời Giêrêmia khẳng định mình đã được đặt
làm tiên tri cho "các dân tộc". Ý ông muốn nói sấm ngôn của Chúa, mạc
khải của Người, không dành riêng gì cho dân Do Thái, nhưng cho mọi dân nước và
thời đại. Tính cách phổ cập này thêm vinh dự cho ơn gọi tiên tri tự nó đã cao
quý vì phát xuất từ Thiên Chúa. Tuy nhiên ơn gọi này lại rất bi đát. Những lời
sau của Giêrêmia tóm tắt định mệnh của ông.
Ông phải "nai lưng", tức là phải lấy
thế để chiến đấu, vì người ta sẽ tuyên chiến với ông. Họ cưỡng lại mọi lời ông
nói, vì lời của ông diễn tả ý Chúa chứ không chiều theo dục vọng của loài người.
Ðó là tiêu chuẩn để phân biệt các tiên tri giả
và các tiên tri thật. Những người này dù bị chống đối và đau khổ vẫn như thành
trì, trụ sắt và tường đồng, cự lại các vua và khanh tướng. Không phải vì họ có
can đảm phi thường, nhưng chỉ vì Chúa đã giữ lời hứa với các tiên tri của Người
"Ta sẽ ở với ngươi khiến chúng không làm gì được ngươi".
Thật ra không phải vị tiên tri nào cũng thoát
khỏi bàn tay sát nhân của loài người độc dữ đến nỗi sau này có lần Ðức Giêsu phải
kêu lên "Giêrusalem, Giêrusalem, kẻ giết hại các tiên tri" (Mt
23,37). Và có như thế, các tiên tri mới là những người báo trước vị tiên tri sẽ
phải đến trong thời kỳ sau hết, Người cũng sẽ bị giết, nhưng sự sống lại của
Người sẽ làm chỗi dậy mọi bậc tiên tri đến trước hầu cho thấy "thủ lãnh thế
gian bị luận phạt".
Hôm nay bài Tin Mừng Luca cho chúng ta thấy vị
tiên tri này. Không những Người đã gợi lại mà còn thực hiện bài sách Giêrêmia.
Chúng ta hãy quan sát Người theo lời thuật của Luca.
2. Phản Ứng Của Hội Ðường Thành Nadarét
Ðức Giêsu bấy giờ vừa giảng xong. Người ta
thán phục Người. Họ cảm thấy như có một nguồn ân sủng thoát ra từ môi miệng của
Người. Nhưng Người không là con nhà ông Giuse sao? Suy nghĩ này làm chứng họ
không muốn khiêm nhường đón nhận sứ điệp cứu độ đến với họ qua một con người
bình thường ở giữa họ. Ðức Giêsu chua chát nghĩ đến câu: "Không tiên tri
nào được tôn trọng ở quê nhà".
Và từ đó, Luca nghĩ rằng Ðức Giêsu đã nhìn xa
hơn nữa, không những Người thấy những kẻ đồng hương với Người ở Nadarét không
muốn chấp nhận Người; nhưng qua họ, Người còn thấy rõ cả dân tộc Do Thái nữa
cũng sẽ không đón nhận. Họ cậy mình đã có luật pháp và không muốn bị xáo trọn bởi
một luồng gió mới nào nếu người khởi xướng không làm được những dấu lạ điềm
thiêng như Môsê ngày trước. Nghĩa là họ chỉ muốn mãi mãi là những người xác thịt,
coi trọng những cái bề ngoài và không bao giờ muốn trở nên trưởng thành, biết ý
thức về ý nghĩa của luật pháp như các tiên tri thường hướng dẫn. Tín ngưỡng của
họ trở thành thứ tôn giáo của chữ viết, và của hình thức, chứ không muốn là sự
sống tinh thần như Thiên Chúa kêu gọi. Do đó, họ rất ít nghe lời các tiên tri.
Hơn nữa, họ còn bỏ rơi các ngài. Thường khi họ còn giết chết các ngài nữa. Mà
các ngài đâu có thiếu gì các quyền năng? Êlya không có quyền đóng góp cửa trời
và làm mưa sao? Thế mà có ai trong dân Do Thái được nhờ ông? Trái lại một góa
phụ ở Sarepta thuộc dân ngoại đã được ông cứu đói. Êlisê cũng vậy. Ông là tiên
tri rất mạnh thế.
Tuy nhiên cũng chẳng ai trong dân Do Thái được
cho lành bệnh, đang khi Naaman, một bậc khanh tướng ngoại đạo đã được ông chữa
khỏi bệnh cùi. Luca trích dẫn những câu chuyện này để phục vụ ý kiến của ông
khi viết cuốn Tin Mừng thứ ba. Ông có ý diễn tả rằng dân Do Thái đã không biết
đón nhận nhà tiên tri ở giữa họ là Ðức Giêsu thành Nadarét. Và vì vậy sự nghiệp
ân sủng của Người đã được chuyển sang cho dân ngoại là Hội Thánh hiện nay.
Luca đã không muốn lợi dụng câu chuyện đã xảy
ra trong Hội đường Nadarét để tổng quát hóa công cuộc cứu thế của Ðức Giêsu
Kitô và để báo trước đau khổ vinh quang đang chờ đợi Người. Người đã đến giữa
dân Người, rao truyền tin mừng cứu độ, nhưng thân nhân của Người và dân Người
đã không đón nhận, nên ơn cứu độ của Người mang đến đã chuyển sang dân ngoại là
Hội Thánh chúng ta ngày nay.
Lời khẳng định này, làm sao người Do Thái có
thể chịu đựng được? Họ đã nhất tề đứng lên, hung hăng lôi Ðức Giêsu ra khỏi
thành, đưa Người lên một sườn đồi và định tâm đẩy Người xuống cho chết đi.
Nhưng Người đã nhẹ nhàng đi qua mặt họ để tiếp tục cuộc hành trình.
Bằng những lời đơn sơ này, Luca muốn báo trước
cuộc tử nạn của Ðức Giêsu. Người sẽ bị người Do Thái kéo ra khỏi thành và đóng
đinh trên sườn đồi... Nhưng Người sẽ nhẹ nhàng linh diệu thoát khỏi nơi họ đẩy
Người tới để sống lại vinh quang, tiếp tục công việc cứu thế của Người.
Như vậy, có thể nói, bài Tin Mừng hôm nay
không chỉ đơn sơ thuật lại những gì xảy ra trong hội đường ở Nadarét. Hoặc Luca
đã dùng câu chuyện này để vẽ ra trước tất cả định mệnh của vị tiên tri đến rao
giảng ơn cứu độ cho dân Người. Người cũng bị đối xử không hơn gì các tiên tri
đi trước. Như bài sách Giêrêmia đã nói. Nhưng cũng như tiên tri này đã loan
báo, Người thật là sứ giả của Thiên Chúa gửi đến báo cho các dân tộc. Hoặc đúng
hơn, Luca đã dùng những biến cố trong cuộc đời của Ðức Giêsu Kitô, và đặc biệt
những sự kiện tử nạn và phục sinh của Người, làm đèn chiếu sáng lên câu chuyện
xảy ra tại hội đường ở Nadarét và thuật lại sự kiện theo ánh sáng mầu nhiệm chết
và sống lại của Ðức Giêsu Kitô.
Dù sao, bài Tin Mừng hôm nay không những cho
chúng ta thấy cuộc đời vất vả của Chúa Cứu Thế, nhưng còn muốn gợi lên phản ứng
tự nhiên của loài người xác thịt đối với tin mừng cứu độ và hạnh phúc đang dành
cho lương dân đón nhận tin mừng.
Chúng ta dĩ nhiên không muốn cư xử như người
Do Thái. Nhưng để được như vậy, phải làm gì? Xin vị tông đồ các dân ngoại soi
sáng giúp đỡ chúng ta.
3. Con Ðường Chúng Ta Phải Ði
Thánh Phaolô gởi thư cho giáo dân Côrintô. Ở
đây người ta đang háo hức được các ơn lạ để phục vụ Chúa, họ thèm ơn nói tiếng
lạ, ơn tiên tri, ơn chữa bệnh, ơn xưng đạo mạnh mẽ hơn. Nhưng thánh tông đồ thấy
có nhiều khuynh hướng chuộng hào nhoáng trong những sự háo hức này. Ðó không phải
là con đường nên đi vào. Nó sẽ biến những tín hữu trở thành những con người xác
thịt như dân Do Thái ngày trước.
Và thánh nhân đã chỉ cho mọi người thấy con đường
phải đi vào. Ðó là bác ái. Thiếu bác ái mọi đặc sủng kia sẽ rỗng tuyếch. Vì người
ta muốn phục vụ ư? Ao ước làm được những sự ngoạn mục, thật là vô ích. Ðức
Giêsu đến phục vụ không làm như vậy. Người đã yêu thương chúng ta và yêu thương
cho đến chết. Thế nên đối với thánh Phaolô, ở đây, con đường bác ái yêu thương
rất cụ thể.
Nó có hai hạng người làm đối tượng: kiên nhẫn
với kẻ thiếu nhân đức và giúp đỡ những kẻ thiếu thốn. Ðối với cả hai hạng người,
kẻ bác ái phải có những thái độ chứng tỏ lòng kiên nhẫn và bộc lộ lòng quảng đại.
Tiêu cực, họ không được nóng nảy, bực tức, hoặc chán nản, tuyệt vọng; còn tích
cực, họ phải duy trì niềm vui, tin tưởng và kiên trì. Ðược như vậy, đức bác ái
sẽ toàn thắng sự dữ và giúp đỡ được hiệu năng.
Thế nên, so sánh với những đặc sủng mà người
ta ao ước như các ơn nói tiếng lạ, ơn nói tiên tri, ơn chữa bệnh, ơn giảng đạo,
đức bác ái rõ ràng trổi vượt. Tất cả các ơn kia có ngày sẽ hết. Chúng chỉ cần
cho đời tạm này. Nhưng lòng bác ái sẽ tồn tại mãi mãi đi theo ta sang cả thế giới
bên kia. Mà sánh với hai nhân đức khác là đức tin và đức cậy, nhân đức bác ái vẫn
trổi hơn. Cả ba nhân đức này đều cần thiết cho đời sống đạo và cho mọi nhân đức
khác. Cả ba cũng theo ta sang cả đời sau, theo nghĩa đức tin là trạng thái cởi
mở tâm hồn nhận biết Chúa thì đời sau vẫn cần; và đức cậy cũng sẽ cần vì là trạng
thái của linh hồn muốn được Chúa yêu thương. Nhưng đức mến sẽ tồn tại và cao
quý hơn hết vì nó làm cho chúng ta kết hợp với Thiên Chúa là bản chất của đời
sóng hạnh phúc sau này ở trên trời.
Thế nên chúng ta hãy đi vào con đường bác ái.
Trươc đây, người Do Thái không đi con đường ấy nhưng bước theo hướng xác thịt hời
hợt bề ngoài vì họ như là trẻ con đối với thời đại Thánh Thần yêu mến đã được đổ
xuống trong Hội Thánh. Ngày nay được phúc ở trong thời đại sung mãn, chúng ta
phải đi vào con đường trưởng thành là bác ái.
Và giờ đây hơn bao giờ hết khi cử hành thánh lễ,
chúng ta được đưa vào con đường bác ái. Không những chúng ta được thấy Ðức
Giêsu đến rao giảng tin mừng cứu độ như là vị tiên tri cao trọng hơn mọi tiên
tri. Người còn thể hiện mầu nhiệm tử nạn phục sinh để hoàn thành sứ mệnh tiên
tri của Người một cách siêu việt hẳn hơn Giêrêmia ngày trước... Và hơn cả hôm
Người ở trong hội đường ở Nadarét.
Mầu nhiệm bàn thờ đây còn tuôn đổ Thánh Thần
yêu mến cho những ai thành khẩn tham dự. Nhưng cử hành thánh lễ sốt sắng bao
nhiêu, họ phải sống bác ái chân thật và cụ thể bấy nhiêu để lấy kiên nhẫn lướt
thắng sự tội và lấy phục vụ xóa bỏ nghèo khó. Phấn đấu hết mình cả về phương diện
tinh thần cả về phương diện vật chất là nhiệm vụ của những ai đi trong con đường
bác ái. Ai đã dự lễ mà có thể từ chối đi vào con đường ấy?
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật IV Thường Niên, Năm C
Bài đọc: Jer
1:4-5, 17-19; I Cor 12:31-13:13; Lk 4:21-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sứ vụ khó khăn của ngôn sứ
Con người nông nổi
thích được khen tặng và những ai ca tụng họ; ngược lại, họ ghét những ai phê
bình cho dù biết đó là sự thật. Ngôn sứ được kêu gọi để nói sự thật; vì thế, họ
sẽ bị những con người nông nổi ghen ghét và truy tố.
Các Bài đọc hôm nay tập
trung trong sứ vụ của ngôn sứ và những thách đố người ngôn sứ phải đương đầu với.
Trong Bài đọc I, Thiên Chúa tuyển chọn ngôn sứ Jeremiah trước khi ông được tạo
thành trong dạ mẹ, thánh hóa và trao sứ vụ trước khi ông lọt lòng mẹ. Ngài hứa
sẽ bảo vệ và ban chiến thắng nếu ông trung thành với sứ vụ Ngài trao ban. Trong
Bài đọc II, thánh Phaolô nêu bật một đức tính quan trọng ngôn sứ phải có là đức
mến đối với Thiên Chúa và với tha nhân. Nếu không có đức mến, ngôn sứ không thể
chu toàn sứ vụ của mình. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trở về quê quán Nazareth để
rao giảng Tin Mừng. Ngài thách đố những người đồng hương phải thay đổi lối suy
nghĩ và cách biểu tỏ niềm tin nơi Thiên Chúa. Hậu quả họ đã không thay đổi, lại
còn tức giận toan tính xô Ngài xuống vực thẳm; nhưng Ngài can đảm bước qua giữa
họ mà đi.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi.
1.1/ Mối liên hệ hai chiều
giữa Thiên Chúa và ngôn sứ: Ngôn sứ là người
“nói thay” hay là “miệng lưỡi” của Thiên Chúa; chứ không phải là người nói trước
hay tiên báo những gì sẽ xảy ra, cho dù nhiều lần những gì ngôn sứ nói được ứng
nghiệm trong tương lai. Trong trình thuật hôm nay, ngôn sứ Jeremiah nêu bật những
gì liên quan đến ơn gọi làm ngôn sứ.
(1) Thiên Chúa tuyển
chọn và trao sứ vụ cho ngôn sứ: Không ai có thể tình nguyện làm ngôn sứ, nhưng
phải được Thiên Chúa tuyển chọn từ khi người đó chưa hình thành trong lòng mẹ:
“Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi
lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.”
(2) Ngôn sứ phải can đảm
nói những gì Thiên Chúa truyền: Ngôn sứ là phát ngôn viên chính thức của Thiên
Chúa; vì thế, ông phải nói những gì Thiên Chúa truyền, chứ không phải những gì
ông muốn nói hay thiên hạ thích nghe. Nếu vì bất cứ lý do gì ngôn sứ không nói
những gì Thiên Chúa truyền, ông không còn là ngôn sứ của Thiên Chúa: “Hãy nói với
chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi. Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ;
nếu không, trước mặt chúng, chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn.”
1.2/ Thiên Chúa ban ơn và
bảo vệ ngôn sứ của Ngài: Thiên Chúa biết rõ
những khó khăn ngôn sứ phải đương đầu với, Ngài hứa với ngôn sứ hai điều: (1)
Ngài luôn bảo vệ họ khỏi mọi người hãm hại: “Này, hôm nay, chính Ta làm cho
ngươi nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng chống lại cả xứ: từ các vua
Judah đến các thủ lãnh, các tư tế, và toàn dân trong xứ.” (2) Lời hứa chiến thắng:
“Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được, vì – sấm ngôn của Đức
Chúa – có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi.” Nhiều khi Thiên Chúa để các ngôn
sứ bị thiệt thân để làm chứng cho Ngài; dẫu vậy, Ngài sẽ cho ngôn sứ được sống
lại vinh quang với Ngài sau cái chết ở đời này.
2/ Bài đọc II: Tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả: con đường
đức mến.
2.1/ Đức mến là động lực
thúc đẩy mọi việc tốt lành: Thánh Phaolô biết
con người luôn khát khao được trở nên trọn lành; vì thế, Ngài khuyên các tín hữu
Corintô: “Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao
trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả.” Con
đường hoàn hảo nhất Ngài nói ở đây là con đường đức mến: mến Chúa và yêu người.
Một người cần phải có nhân đức nền tảng này trước khi có tất cả những điều tốt
lành khác. Theo Phaolô, đức mến là ân huệ của Thiên Chúa ban cho con người, chứ
không phải nhờ luyện tập mà có. Giống như các nhân đức đối thần, con người phải
luyện tập để cho đức mến ngày càng phát triển và đạt tới mức hoàn hảo. Nếu
không có nhân đức này, tất cả các ân huệ và các việc tốt lành khác sẽ không
phát triển được, và sẽ từ từ biến mất. Thánh Têrêsa Hài Đồng cùng một tư tưởng
với Phaolô: nếu không có đức mến, nhiệt thành truyền giáo sẽ tắt ngúm và mong ước
tử đạo cũng không còn.
2.2/ Ngôn sứ không thể
thiếu đức mến: Thánh Phaolô quả quyết: “Giả
như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao
siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến,
thì tôi cũng chẳng là gì.”
Điều này đúng trong
phương diện kỹ thuật: Các chuyên gia không phải chỉ có kiến thức về phương diện
chuyên môn; nhưng còn phải có lòng yêu thích lãnh vực đó; nếu không, họ dễ chán
nản bỏ cuộc và không dám hy sinh mọi sự cho nghề nghiệp của mình.
Điều này càng đúng cho
các ngôn sứ, họ phải có lòng yêu mến sự thật và mong muốn mang sự thật họ biết
về Thiên Chúa cho tha nhân; để tha nhân cũng được giải thoát bởi sự thật. Đức mến
là động lực thúc đẩy ngôn sứ thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng: Mến Chúa là yêu
thương tha nhân; nếu không có đức mến, ngôn sứ không thể chu toàn sứ vụ của
mình. Ngôn sứ không thể nhìn thấy dân chúng lầm lạc xa Thiên Chúa. Họ không mừng
khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Ngôn sứ phải kiên nhẫn
trong việc đưa tội nhân về cùng Thiên Chúa. Họ rao giảng Tin Mừng không vì lợi
lộc thấp hèn, nhưng để đem Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Vì lòng yêu mến Thiên
Chúa và tha nhân, ngôn sứ có thể chịu đựng tất cả, miễn sao cho mọi người được
hưởng ơn cứu độ.
2.3/ Đức mến tồn tại muôn
đời: Theo Phaolô, đức mến cao trọng hơn cả,
vì chỉ có đức mến vững bền mãi mãi. Phaolô lý luận: “Đức mến không bao giờ mất
được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ
hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn
nói tiên tri cũng có hạn. Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến
đi.”
Phaolô lý luận tương tự
khi so sánh ba nhân đức đối thần: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều
tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” Khi con người được về chung hưởng
hạnh phúc với Thiên Chúa, họ không cần đức tin vì được diện kiến Thiên Chúa mặt
đối mặt, họ cũng không cần đức cậy, vì họ đang được hưởng những gì bấy lâu nay
họ trông cậy; nhưng họ cần đức mến để tiếp tục yêu Thiên Chúa cách nồng nàn.
3/ Phúc Âm: Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.
3.1/ Người ngôn sứ dám
thách thức khán giả đương đầu với sự thật: Trình
thuật hôm nay tường trình biến cố Chúa Giêsu về quê Nazareth để rao giảng Tin Mừng
cho những đồng hương. Sau khi đã đọc Sách của ngôn-sứ Isaiah, Ngài bắt đầu giảng
dạy và nói về sứ vụ ngôn sứ của Ngài: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý
vị vừa nghe.” Ngài thách đố khán giả đồng hương trực diện với ba điều quan trọng:
(1) Niềm tin chỉ đặt
căn bản trên phép lạ là niềm tin không chắc chắn: Chúa Giêsu biết người Do-thái
thích phép lạ. Họ đã nghe biết những phép lạ Ngài làm; và họ đang mong Ngài làm
phép lạ như Ngài đã từng làm ở Capernaum. Chúa Giêsu muốn nhắc nhở họ: tin
Thiên Chúa thì quan trọng hơn tin những phép lạ Ngài làm. Phép lạ được làm là để
khơi dậy niềm tin; nếu sau khi đã chứng kiến phép lạ mà vẫn không tin, phép lạ
mất mục đích của nó. Hơn nữa, niềm tin chỉ dựa trên phép lạ sẽ không vững bền,
và sẽ dễ dàng bị mất khi không thấy phép lạ nữa.
(2) Đừng có thái độ
khinh thường những người mình đã quá quen thuộc: Chúa Giêsu nói với họ một sự
thật: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương
mình.” Tục ngữ Việt-nam cũng nói lên thói xấu này: “gần chùa gọi bụt bằng anh.”
Người Do-thái đã quá quen thuộc với Thiên Chúa, nên họ đâm ra khinh thường và
không biết nhận ra những hồng ân Ngài đổ xuống trên họ. Con người phải biết
thân phận và giới hạn thụ tạo của mình khi đứng trước nhan Thiên Chúa.
(3) Nhiều Dân Ngoại biểu
lộ đức tin vào Thiên Chúa mạnh mẽ hơn người Do-thái: Chúa Giêsu đưa ra hai trường
hợp với mục đích nêu bật đức tin của Dân Ngoại: (1) “Vào thời ông Elijah, khi
trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà
goá ở trong nước Israel; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả,
nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Zareptha miền Sidon.” (2) “Cũng vậy,
vào thời ngôn sứ Elisha, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Israel, nhưng
không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Syria thôi.” Bà góa
thành Zareptha và ông Naaman được giúp đỡ vì họ đã tin và thi hành những gì các
ngôn sứ truyền cho họ phải làm. Người Do-thái đã biết quá nhiều về Thiên Chúa
và uy quyền làm phép lạ của Ngài, lẽ ra họ phải biểu lộ đức tin cách chắc chắn
hơn Dân Ngoại; nhưng thực tế nhiều lần cho thấy Dân Ngoại biểu lộ niềm tin vào
Thiên Chúa cách chắc chắn hơn họ.
3.2/ Phản ứng của dân
chúng: Trình thuật cho chúng ta thấy thái độ
nông nổi và dễ dàng thay đổi của dân chúng. Khi mới nghe những gì Chúa Giêsu giảng
dạy, “họ thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.” Nhưng sự thật
chưa đủ để thuyết phục họ đặt niềm tin vào Chúa Giêsu, họ đang trông chờ Ngài
làm phép lạ.
Sự thật mất lòng, họ tức
giận khi bị Chúa Giêsu bắt phải đương đầu với sự thật: “Nghe vậy, mọi người
trong hội đường đầy phẫn nộ.” Họ không thể chịu đựng nổi sự xỉ nhục khi nghe
Chúa Giêsu so sánh họ với Dân Ngoại; vì họ vẫn tự mãn cho họ là Dân Chúa, là
con cháu tổ-phụ Abraham, và xứng đáng được hưởng mọi đặc quyền của Ngài. Dân
Ngoại sinh ra để làm nô lệ và không xứng đáng được hưởng ơn cứu độ. Nhưng chỉ
có sự thật mới giải thoát: con cái Thiên Chúa mà không tin Thiên Chúa hay ngôn
sứ Ngài gởi tới, có xứng đáng làm con cái của Thiên Chúa không? Không những từ
chối sự thật, họ còn muốn tiêu hủy Chúa Giêsu, nguồn gốc mọi sự thật và là Người
đang nói sự thật cho họ. Giận quá mất khôn: “Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi
thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người
xuống vực.”
Không một chút sợ hãi,
“Người băng qua giữa họ mà đi.” Khốn thay cho những con người từ chối và tiêu hủy
sự thật.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Tất cả chúng ta đều
đã nhận lãnh chức vụ ngôn sứ khi chịu Phép Rửa Tội để rao giảng, sống, và làm
chứng cho Tin Mừng.
– Khi thi hành sứ vụ
ngôn sứ, chắc chắn chúng ta sẽ bị thế gian từ khước, truy tố, và ngay cả đe dọa
đến tính mạng. Thiên Chúa, Đấng trao ban sứ vụ và thánh hóa ngôn sứ, sẽ tiếp tục
ban ơn, bảo vệ, và hứa sẽ giúp ngôn sứ chiến thắng mọi nguy hiểm của thế gian.
– Đức bác ái là quà tặng
Thiên Chúa ban cho các ngôn sứ. Sứ vụ rao giảng sẽ có ngày chấm dứt; nhưng đức
bác ái sẽ tồn tại muôn đời.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
03/02/2019 – CHÚA NHẬT TUẦN 4 TN – C
Lc 4,21-30
LỜI CHÚA: KIM CHỈ NAM
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” (Lc
4,21)
Suy niệm: Đức Giê-su nói với người đồng hương Na-da-rét những điều Người tâm đắc
nhất: Người đến để lo cho người khốn khổ, nghèo hèn như lời ngôn sứ I-sai-a đã
tiên báo. Dân chúng một mặt thì thán phục vì “những lời hay ý đẹp từ miệng Ngài
nói ra”, mặt khác lại mang nặng thành kiến về Ngài là “con bác thợ mộc Giu-se”
trong làng mà họ biết rõ. Trước những ý kiến trái chiều về Ngài, Chúa Giê-su
cho biết không thể dựa vào cảm tính cá nhân hay định kiến xã hội mà phải
dựa vào Lời Chúa là kim chỉ nam để phân định và nhận biết Ngài là Đấng Mê-si-a
mà các ngôn sứ đã tiên báo: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa
nghe.”
Mời Bạn: Qua bao thế hệ, Lời Chúa vẫn luôn sống động, nhưng chúng ta có lắng
nghe và đón nhận Lời đang ứng nghiệm ngay hôm nay trong cuộc sống của chúng ta?
Hay chúng ta như dân làng Na-da-rét xưa, thờ ơ, lãnh đạm không nhận biết Lời
Chúa đang nói với mình trong đời sống hằng ngày để làm cho Lời ấy sinh hoa kết
trái và lan tỏa yêu thương cho những người chung quanh. Mỗi người hãy tự hỏi
lòng mình: mỗi lần nghe Lời Chúa, tôi thấy nhàm chán hay sẵn sàng mở lòng lắng
nghe và đón nhận để Lời Ngài “ứng nghiệm” trong cuộc đời của chúng ta?
Sống Lời Chúa: Mỗi lần nghe Lời Chúa, đọc Lời Chúa hãy tự nhủ rằng: đây
là Lời Chúa đích thân nói cho riêng cho chính tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Lời
Chúa nối dài qua muôn ngàn thế hệ đến với con trong ngày hôm nay. Ước chi những
khi chúng con lắng nghe Lời Chúa chúng con được tác động sâu xa và Lời trở
thành kim chỉ nam cho đời sống của con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
3 THÁNG HAI
Trong Lãnh Vực Y Tế
…
Trong các chuyến viếng
thăm mục vụ của tôi, nhất là tại những nước đang phát triển, tôi nhận thấy rằng
lãnh vực y tế là một lãnh vực đang khẩn thiết đòi ta phải đấu tranh cho con người.
Chẳng hạn, người ta ngày càng chú ý đến kỹ thuật, nhưng lại không phải bao giờ
cũng quan tâm bảo vệ quyền của con người.
Đau khổ, bệnh tật và
chết chóc là những thực tại rất căn bản của cuộc nhân sinh. Tất cả chúng ta phải
cộng tác với nhau để giải quyết – một cách đầy nhân tính – những vấn đề hệ lụy
của các thực tại ấy. Giúp đỡ các bệnh nhân vượt qua cơn bệnh của họ một cách bảo
đảm phẩm giá – đó chắc chắn là điều mà nhân loại kỳ vọng từ khoa học, từ kỹ thuật
và từ việc sử dụng thuốc men. Nhưng để được như thế, không thể không có một
nhãn quan sáng tỏ về bổn phận phải tuyệt đối tôn trọng con người. Con người là
tạo vật duy nhất siêu vượt trên thực tại vật chất – bởi vì con người không chỉ
là vật chất mà còn là tinh thần. Đó phải là điểm qui chiếu thường xuyên của
chúng ta trong lãnh vực y khoa, nếu chúng ta thực sự muốn tránh những hậu quả
khôn lường gây ra cho xã hội. Tôn trọng phẩm giá của nhân vị – đó là bổn phận của
tất cả chúng ta.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 03/2
Chúa Nhật IV Thường
Niên
Gr 1, 4-5. 17-19;
1Cr 13, 4-13; Lc 4, 21-30.
LỜI SUY NIÊM: “Thật vậy, tôi
nói cho các ông hay, vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng,
cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà góa ở trong nước Ítraen, thế mà ông
không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà góa thành
Sarépta miền Xiđon. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Êlisa, thiếu gì người mang bệnh
phong ở trong nước Ítraen, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông
Naaman, người xứ Xyri thôi.”
Sau khi Chúa Giêsu đọc Sách Thánh và Người công bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời
Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Dân chúng thán phục và ca ngợi Người. Và họ bắt đầu
tính toán, chờ đợi Người làm phép lạ để phục vụ quyền lợi của họ. Chúa Giêsu nhận
thấy điều ấy. Nên Người đã đem câu chuyện hai ngôn sứ Êlia và Êlisa nói với họ,
giúp họ nhận ra lòng mình và ơn ban của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Chúng
con tin Chúa hoàn toàn tự do trong việc ban tặng các ân huệ cho mọi con người.
Xin cho mỗi người trong chúng con có một đức tin khiêm nhường, chân thật và tín
thác, để được lãnh nhận ân huệ Chua ban.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 03-02
Thánh ANSGARIÔ
Giám mục tông đồ
các xứ Bắc Âu
(801-865)
Ansgariô (hay là
Anskar theo Anh ngữ) đã trở thành biệt danh Oscar ngày nay, có nghĩa là “cây
lao của Thiên Chúa”. Ansgario gốc người Đức, sinh tại Picardia. Cha Ngài là một
viên chức trong triều đình vua Charlemagne, đã gởi Ngài theo học tại tu viện
thánh Phêrô ở Corbia. Cậu thiếu niên đã gặp được ở đó những bậc thầy có thế
giá. Các môn học trần tục làm Ngài say mê đến độ nơi tâm trí Ngài ý nghĩa tôn
giáo ngày một lạc phai. Nhưng một biến cố đã đánh động Ngài mạnh mẽ, nhà vua mà
Ngài biết được là rất nổi danh nơi triều đình đã chết.
Cái chết đó cho Ngài
thấy được tính cách hư không của mọi cái gọi là nhân bản và trần tục, Ngài cũng
nhớ lại rằng: hồi nhỏ khi mất mẹ, trong một giấc mơ, Ngài thấy Đức Trinh Nữ
Maria hứa sẻ bảo vệ Ngài luôn mãi, nếu biết giữ gìn đức tin và lòng mến. Sau
cùng Ngài cảm thấy rằng: Chúa muốn mình làm tông đồ. Từ đó Ngài không ngừng tiến
tới trong việc học hành cả về đạo lý lẫn việc đời, Ngài nhiệt thành làm tất cả
những gì là tốt đẹp. Những tiến bộ và nhiệt tâm ấy lớn lao đến nỗi chẳng mấy chốc
tới phiên Ngài phải dạy lại cho các tu sĩ trẻ và trẻ em. Vào tuổi hai mươi mốt,
Ngài trở thành một trong những thủ lãnh tu viện Corvey. Ở Saxe hay là
Corbia-Nova, được thiết lập ngay giữa trung tâm trí thức. Là giáo sư thần học,
Ngài cũng đảm nhận việc giảng dậy cho dân chúng nữa.
Vào thời này, Harold
là vua miền Nam Đan mạch, khi bọn phản loạn săn đuổi, đã xin trú ngụ tại triều
đình vua Lu-y đặt tại Mayence. Ong đã trở lại đạo và lãnh nhận phép rửa. Khi trở
về quê hương, ông đã xin các nhà truyền giáo tới rao giảng Phúc âm cho xứ sở
mình. Ebbon, giám mục Reims đã dấn thân trước hết, rồi một khi gần trở lại nước
Pháp, Ngài đã chỉ định Ansgario. Ansgario lên đường với một tu sĩ khác nữa. Họ
làm liều đi vào miền còn hoàn toàn ngoại giáo. Những người trẻ bị bắt làm nô lệ
đã trở thành các Kitô hữu đầu tiên của xứ sở. Công việc tông đồ thật vất vả nhọc
mệt. Các Ngài bị trục xuất. Các tu sĩ trở lại lãnh trách nhiệm.
Một tòa đại sứ Thụy Điển
xin các thừa sai. Lần này Ansgariora đi với một tu sĩ người Corbia. Vì người bạn
đường cũ đã chết. Khi đi nagng qua biển Baltique, họ bị bọn cướp tấn công bóc lột
hết và bị người Nang lấy trọn quà tặng họ mang dâng nhà vua ở Upsala. Các nhà
truyền giáo tới biệt thự của Birca, hoàn toàn trơ trụi. Tại đây các Ngài đã thiết
lập một cộng đoàn Kitô hữu. Sau một năm rưỡi mệt nhọc làm việc tông đồ, các Ngài
trở về Pháp. Nhà vua đã đặt Ansgario làm tổng giám mục Hambourg bao gồm miền
Scandinavia (Bắc Âu) Ansgario đi Roma để được Đức Thánh Cha bổ nhiệm và Đức
Gregôriô IV đã đặt Ngài làm đại diện tại cả Na-uy và Thụy Điển. Ngài xây cất một
nhà thờ chính tòa ở Hambourg, thiết lập một tu viện cho các tu sĩ Corbia.
Người ta thấy Ngài quỳ
lạy dưới chân người nghèo và khiêm tốn phục vụ họ. Ngài cũng rao giảng trong
các miền lân cận bất kể những thủ địch hung ác. Khi ấy như một đám mây người
Normandie đặt Hambourg vào vòng máu lửa, Ansgario chỉ còn là một kẻ lang thang
sống vất vưởng. Vharles de Chauve đã chiếm một tu viện miền Flandre là nơi Ngài
đã thiết lập một trường truyền giáo. Giữa cao điểm của cuộc sống khốn cực âu
lo, Ngài đã không hề đánh mất lòng trông cậy vào Chúa. Cuối cùng những kẻ bách
hại bị xua đuổi. Xứ truyền giáo Thụy Điển lại vùng lên.
Một cộng đồng ở
Constane đã đặt Ansgario làm giám mục Brême. Ngài trở lại truyền giáo ở Đan mạch,
thiết lập một trung tâm tôn gíao mới, cải hóa nhà vua.
Ansgario muốn hiến trọn
đời mình cho Thiên Chúa bằng việc tử đạo nhưng Ngài đã qua đời êm ái tại Brême
năm 865. Cuộc tử đạo của Ngài chính là cuộc chiến kiên trì suốt đời với nhiều
những thất bại, lại ít có những thành công rực rỡ. Nhưng sự nhẫn nại của vị anh
hùng giám mục lang thang này đã chuẩn bị cho cuộc trở lại các xứ vùng Bắc Âu.
************************
Ngày 03-02: Thánh BLASIÔ
Ngày 03-02: Thánh BLASIÔ
Giám mục Tử đạo (….
– 316)
Có nhiều câu chuyện
vây quanh thánh Blasiô. Ngài là giám mục Sêbasta, miền Armênia; Ngài hiến cả
xác hồn cho dân chúng… nhất là dân nghèo, Ngài đã học nghề thuốc, nhưng không
bao giờ chữa bệnh cho ai mà không xin Chúa giúp trước đã, dường như vị y sĩ vĩ
đại này muốn nói rằng: “Tôi băng bó cho họ nhưng Thiên Chúa chữa lành cho họ”.
Ngài rao giảng, day dỗ, nhưng không có bài học nào hay hơn chính gương mẫu đời
Ngài.
Năm 315, một cuộc bách
hại bùng ra dưới triều đại vua Luciniô. Đức giám mục giúp đỡ các vị tử đạo. Rồi
để trốn thoát các kẻ thù địch, Ngài ẩn mình ở hang núi Agêa, là nơi Ngài sống bằng
rễ cây và nước lã. Thú rừng thân tình bao quanh Ngài và Ngài chữa lành cho những
con bệnh tật. Mỗi ngày một đông dân chúng tuốn đến với với Ngài. Nếu thấy Ngài
đang cầu nguyện chúng lặng lẽ không ngăn trở và đợi cho đến khi Ngài cầu nguyện
xong. Khi đó Thánh nhân quay lại với đoàn vật và chúc lành cho chúng và đoàn vật
mãn nguyện trở lại sa mạc.
Agricôla, quan cai trị
Cappadecia tìm thú rừng sống trong các khu rừng gần Sêbasta, để xé các Kitô hữu.
Đoàn người đi săn ngạc nhiên khi thấy cả bầy sói, gấu, sư tử trong một cái hang
vây quanh một người, đang cầu nguyện. Họ vội về báo tin cho Agricôla và ông này
đã truyền bắt vị tu rừng này.
Thấy binh sĩ của nhà
vua. Blasiô bình thản nói:- Tôi đã sẵn sàng. Đêm qua Chúa hiện ra và nói với
tôi, là Ngài ưng nhận lễ hy sinh của tôi.
Trên đường Ngài đi
qua, dân chúng tuốn đến, trong số ấy có cả các lương dân. Họ khóc lóc xin người
chúc lành. Một người mẹ đặt đứa trẻ đang hấp hối dưới chân Blasiô và nhìn trời
bà la: – Lạy Chúa nhân từ, xin đừng bỏ qua lời cầu của tôi tớ Ngài. Xin hãy trả
lại sức khỏe cho tạo vật bé bỏng của Ngài.
Blasiô cúi xuống đứa
trẻ hấp hối, cầu nguyện. Trời cao đã nghe Ngài, và người mẹ hân hoan đón nhận lại
đứa con tràn đầy sức sống.
Khi đức Giám mục xuất
hiện, Agricôla đưa nhiều hứa hẹn lẫn lời đe dọa. Nhưng điều này đã luống công.
Thánh nhân nói: – Tôi không sợ các cực hình Ngài đe dọa vì thân xác tôi nằm
trong tay Ngài, nhưng linh hồn tôi thì không.
Ngài đã bị đánh đập
tàn nhẫn và bị tống ngục. Các Kitô hữu tới thăm, Ngài an ủi khích lệ và chữa
lành cho họ. Ngài đã giải cứu cho một đứa trẻ gần ngộp thở vì mắc xương cá. Vì
kỷ niệm này và cũng vì lời cầu nguyện sau cùng khi đưa cổ cho lý hình, thánh
Blasiô được kêu cầu cách đặc biệt để xin Ngài chữa lành các bệnh nhân đau cổ họng.
Những tường thuật về
các phép lạ đi kèm với cái chết của Ngài thành gia sản truyền tụng rất được các
giáo phụ ưa thích. Sau mỗi cuộc tra xét với một cực hình mới lại có một phép lạ
đánh dấu cuộc trở lại ngay trong phòng giam của Ngài. Phép lạ lừng danh nhất là
phép lạ về ngẫu tượng. Các Kitô hữu đến săn sóc những vết thương cho Ngài, đã
ném xuống hồ các thần tượng của nhà cầm quyền. Họ bị tố giác và chịu tử dạo.
Blasiô cũng bị kết án dìm vào hồ này, nhưng Ngài làm dấu thánh giá và đi trên mặt
nước, rồi Ngài mời các quan tòa đi theo để minh chứng uy quyền các thần linh họ
thờ. Những người nhận lời bị chết chìm ngay.
Vị tử đạo vừa mới cho
thấy vinh quang Thiên Chúa, liền được một thiên thần mời trở lại bờ hồ để chịu
cực hình, Ngài vâng lời ngay. Agricôla bối rối liền truyền chém đầu Ngài. Blasiô
trước khi chết, đã nài xin Chúa tỏ lòng nhân từ với những ai nhờ lời Ngài bầu cử
mà xin cứu giúp.
(daminhvn.net)
03 Tháng Hai
Ngôn Ngữ Của Tình Yêu
Có lẽ cái tên của
Helen Keller, một cô gái câm điếc người Mỹ, đã trở thành bậc khoa bảng, không
còn xa lạ với chúng ta nữa. Vừa được 19 tháng, sau một cơn đau màng óc, cô gái
bất hạnh này trở thành mù lòa và câm điếc. Thế giới của âm thanh và màu sắc đã
khép hẳn cánh cửa lại với cô.
Làm thế nào để truyền
thụ kiến thức cho một người đã câm điếc lại còn mù lòa? Cha mẹ của cô bé dường
như muốn bó tay. Nhưng có một cô giáo tên là Anna Sullivan đã không muốn bỏ cuộc.
Hy vọng duy nhất mà cô giáo này còn đó là còn có thể truyền thông và liên lạc với
cô gái mù lòa và câm điếc này qua việc tiếp xúc với bàn tay của cô. Chỉ có thể
tiếp xúc với thế giới bằng đôi tay, nhưng Helen Keller đã có thể học xong Ðại Học,
tốt nghiệp Tiến sĩ và trở thành văn sĩ.
Cho người mù lòa và
câm điếc chạm vào một sự vật và viết lên tên gọi của sự vật ấy: đó là phương
pháp của cô giáo Anna Sullivan. Dạy về những sự vật cụ thể như cái bàn, cuốn
sách, cành cây, con chó xem ra không hẳn là điều khó. Nhưng làm thế nào để diễn
tả cho Helen hiểu được những ý niệm trừu tượng như tình yêu chẳng hạn?
Ngày kia, cô giáo
Anna Sullivan đã viết lên tay của Helen Keller hai chữ “Tình Yêu” rồi ôm trầm lấy
cô bé hôn lấy hôn để với tất cả sự thành thật và nhiệt tình của cô. Lần đầu
tiên trong đời, cô gái câm điếc mù lòa bỗng cảm thấy tim mình đập mạnh và cô hiểu
được thế nào là Yêu Thương.
Ngôn ngữ của Tình Yêu
là những hành động cụ thể.
Ánh mắt trìu mến, những
âu yếm vuốt ve của người mẹ đối với đứa con mới lọt lòng có giá trị hơn bất cứ
một quyển sách biên khảo nào về tình yêu. Nhưng mồ hôi và nước mắt, những hy
sinh hằng ngày của người cha giúp con cái hiểu được thế nào là Yêu thương hơn bất
cứ lời dẫn giải nào về Tình Yêu. Và có lẽ cũng thừa thãi để bảo rằng khi hai
người yêu nhau thì sự thinh lặng và những cử chỉ âu yếm có sức mạnh hùng hồn
hơn những lời nói hoa mỹ, những trống rỗng.
Thiên Chúa là Tình
Yêu. Ngài tỏ tình, Ngài bộc lộ tình yêu với con người không chỉ bằng những lời
nói suông, mà bằng cả lịch sử của những can thiệp, những thể hiện cụ thể.
Một tình yêu không được
chứng tỏ bằng những hành động cụ thể là một tình yêu giả dối, lừa bịp.
Ðạo Kitô của chúng ta
là Ðạo của Tình Yêu. Một người kitô không sống Tình Yêu, không viết lên hai chữ
Tình Yêu bằng những hành động cụ thể đối với tha nhân, người đó chỉ là một người
Kitô giả hiệu, một Ðức Tin không việc làm là một Ðức Tin chết. Một lòng Mến không
được thể hiện bằng hoa trái của lòng Mến chỉ là lòng Mến giả tạo.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét