21/02/2019
Thứ Năm tuần 6 thường niên.
BÀI ĐỌC I: St 9, 1-13
“Ta sẽ đặt trên trời một cái mống,
và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất”.
Trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa chúc phúc
cho Noe và con cái ông. Người phán bảo rằng: “Các ngươi hãy sinh sản ra nhiều
cho đầy mặt đất. Mọi thú vật dưới đất, mọi chim chóc trên trời, cùng mọi động vật
trên mặt đất và mọi loài cá dưới biển đều phải kính sợ các ngươi: Tất cả đều được
giao phó trong tay các ngươi. Tất cả những động vật còn sống đều là thức ăn của
các ngươi, cũng như Ta ban cho các ngươi mọi thứ rau đậu xanh tươi, ngoại trừ
thịt còn ứ máu thì các ngươi đừng ăn, vì Ta sẽ đòi giá máu sinh mạng của các
ngươi. Ta sẽ đòi giá máu các ngươi do muông thú sát hại, do tay con người và do
tay anh em sát hại. Hễ ai làm đổ máu người, thì máu nó cũng sẽ phải do người mà
đổ ra, vì loài người được tác tạo giống hình ảnh Thiên Chúa. Các ngươi hãy sinh
sản ra nhiều cho đầy mặt đất”.
Thiên Chúa lại phán
cùng ông Noe và con cái ông rằng: “Đây Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi
và con cháu các ngươi, với tất cả sinh vật đang sống với các ngươi, như chim
chóc, gia súc, tất cả những thú vật đang sống trên mặt đất với các ngươi, những
gì ra khỏi tàu và toàn thể thú vật trên mặt đất. Ta ký kết giao ước của Ta với
các ngươi; nước lụt không còn tiêu diệt mọi loài nữa, cũng không khi nào còn lụt
tàn phá trái đất nữa”.
Và Thiên Chúa phán: “Đây
là dấu chỉ giao ước ký kết giữa Ta với các ngươi, và tất cả sinh vật đang ở với
các ngươi và sau này mãi mãi. Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu
chỉ giao ước giữa Ta với trái đất”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 101, 16-18.
19-21. 29 và 22-23
Đáp: Từ trời cao
Chúa đã nhìn xuống trần thế (c. 20b).
Xướng:
1) Lạy Chúa, muôn dân
sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh quang
Ngài, khi Chúa sẽ tái lập Sion.,Chúa xuất hiện trong vinh quang xán lạn, Chúa sẽ
đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ kêu van. – Đáp.
2) Những điều này được
ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên Chúa. Từ
thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần thế,
để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử. – Đáp.
3) Con cháu của bầy
tôi Chúa sẽ được an cư, và miêu duệ chúng sẽ tồn tại trước thiên nhan, để người
ta truyền bá danh Chúa tại Sion, và lời khen ngợi Ngài ở Giêrusalem, khi chư
dân cùng nhau quy tụ và các vua nhóm họp để phụng thờ Chúa. – Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia!
– Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với
Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 8, 27-33
“Thầy là Đấng Kitô. Con Người sẽ
phải chịu khổ nhiều”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu
cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc
đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng:
“Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong
các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”
Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Đấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không
được nói về Người với ai cả. Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải
chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết
đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ
Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ
và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên
Chúa, mà chỉ biết việc loài người”. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Ngài là Ðức
Kitô
Ðoạn Tin Mừng hôm nay
thường được mệnh danh là cuộc tuyên tín tại địa hạt Cêrarê thuộc quyền Philip.
Chúa Giêsu đã làm rất
nhiều phép lạ và rao giảng nhiều điều mới mẻ so với các Rabbi Do thái. Dân
chúng đã bắt đầu bàn tán về con người và sứ mệnh của Ngài: người thì bảo là
Gioan Tẩy giả đã sống lại, kẻ thì cho là Êlia hay một Tiên tri nào đó. Riêng
Chúa Giêsu vẫn tiếp tục giữ thinh lặng về con người và sứ mệnh của Ngài: cứ sau
mỗi phép lạ, Ngài thường bảo kẻ được thi ân giữ kín tông tích của Ngài.
Nhưng đã đến lúc Chúa
Giêsu muốn phá vỡ sự thinh lặng ấy, Ngài đặt câu hỏi một cách rõ ràng với các
môn đệ. Câu trả lời của các ông vừa là phản ánh dư luận của đám đông, vừa là trắc
nghiệm về chính lòng tin của họ. Lời đáp của Phêrô quả là một lời tuyên xưng:
"Ngài là Ðức Kitô", nghĩa là Ðấng Thiên Chúa sai đến để giải phóng
dân tộc. Dĩ nhiên, trong cái nhìn của Phêrô và phù hợp với giấc mơ của ông, thì
Ðức Kitô mà các ông mong đợi là Ðấng sẽ dùng quyền năng của mình để đánh đuổi
ngoại xâm và biến đất nước thành một vương quốc cường thịnh. Chính vì thế, khi
Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn Ngài phải trải qua, Phêrô đã can gián Ngài.
Tuyên xưng một Ðức Kitô Cứu Thế, nhưng không chấp nhận con đường Thập giá của
Ngài, Chúa Giêsu gọi đó là thái độ của Satan. Ba cám dỗ của Satan đối với Chúa
Giêsu đều qui về một mối là hãy khước từ con đường Thập giá; vì thế, khi Phêrô
vừa can gián Ngài từ bỏ ý định cứu rỗi bằng con đường Thập giá, Chúa Giêsu đã gọi
Phêrô là Satan.
Phêrô và các môn đệ chỉ
hiểu được sứ mệnh của Chúa Giêsu, khi Ngài từ trong cõi chết sống lại. Ðấng
Kitô là một danh hiệu gắn liền với Thập giá. Mang danh hiệu Kitô, tuyên xưng
Chúa Kitô, cũng có nghĩa là chấp nhận đi theo con đường của Ngài, Phêrô và các
môn đệ đã sống đến tận cùng lời tuyên xưng của mình; tất cả đều lặp lại cái chết
khổ hình của Chúa Kitô.
Chúa Giêsu đã nói:
"Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập gía mỗi ngày mà theo Ta".
Cuộc sống hàng ngày, nhất là trong những hoàn cảnh hiện tại, hơn bao giờ hết là
một lời mời gọi tham dự vào cuộc khổ nạn của Ngài. Chúa Giêsu không bảo chúng
ta đi tìm Thập giá, nếu không, đạo Kitô chỉ là một thứ tôn giáo bệnh hoạn,
trong đó con người tự đày ảy mình; nhưng Ngài bảo chúng ta vác lấy thập giá
mình. Mỗi người một thập giá, mỗi ngày một thập giá, Thiên Chúa không bao giờ đặt
một thập giá nặng hơn đôi vai chúng ta.
Có rất nhiều cách để
chúng ta khước từ thập giá: chúng ta từ khước thập giá bằng cách không tiếp nhận
cuộc sống như một ân ban; chúng ta khước từ thập giá khi chúng ta chỉ nhìn một
cách bi quan về các biến cố và con người; khi chúng ta bán đứng lương tâm vì một
chút lợi lộc vật chất; khi chúng ta đóng kín niềm tin trong các buổi phụng vụ,
trong bốn bức tường nhà thờ, mà quên rằng sống đạo là sống niềm tin Kitô trong
từng giây phút của cuộc sống.
Chúng ta hãy lặp lại lời
thánh Phaolô: "Tôi chỉ biết có một Chúa Kitô và là Chúa Kitô chịu đóng
đinh Thập giá". Ước gì niềm tin của chúng ta luôn được soi sáng bằng mầu
nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô, và được thể hiện bằng một thái độ chấp
nhận thập giá trong từng giây phút cuộc đời.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 6 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Gen
9:1-13; Mk 8:27-33.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cầu vồng và
Thánh Giá là những dấu hiệu tình yêu của Thiên Chúa.
Con người hay quên,
nên phải có các biểu tượng để nhắc nhở con người. Mỗi khi nhìn biểu tượng, con
người hồi tưởng lại những gì đã xảy ra. Mục đích của việc hồi tưởng là giúp cho
con người biết ăn ở làm sao để không phải lãnh nhận hậu quả xấu, hay sống xứng
đáng với tình yêu của người đã hy sinh cho họ. Ví dụ, di ảnh người quá cố, các
đài kỷ niệm của các chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc …
Trong các Bài Đọc hôm
nay, Thiên Chúa dùng các biểu tượng cụ thể để nhắc nhở con người. Trong Bài Đọc
I, Thiên Chúa dùng Cầu Vồng để nhắc nhở con người Lụt Hồng Thủy. Mỗi khi con
người nhìn nó, con người nhớ lại tội lỗi là nguyên nhân của Lụt Hồng Thủy, và lời
Thiên Chúa hứa sẽ không tàn sát con người và trái đất như vậy nữa. Trong Phúc
Âm, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ con đường Thánh Giá mà Ngài sắp phải trải
qua. Mỗi lần nhìn Thánh Giá, con người nhớ lại tội lỗi là nguyên nhân cái chết
của con Thiên Chúa, và tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cầu vồng là dấu hiệu giao ước mới giữa Trời và đất.
1.1/ Những điều khác biệt
giữa hai kỷ nguyên: Kỷ nguyên cũ bắt đầu từ
công trình sáng tạo của Thiên Chúa cho tới Lụt Hồng Thủy; kỷ nguyên mới bắt đầu
khi Đức Chúa thiết lập giao ước mới với Noah. Điều chúng ta nhận ra đầu tiên là
hai câu 1 và 7, với lời truyền giống nhau: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho
đầy mặt đất” thiết lập giới hạn cho một nhóm. Lệnh truyền này cũng giống như lệnh
truyền ban đầu khi Thiên Chúa tạo dựng con người. Từ câu 2 đến câu 6 là những
điều luật mới cho kỷ nguyên mới:
(1) Con người có quyền
trên muông thú: không trong trật tự như kỷ nguyên đầu, nhưng trong sợ hãi: “Mọi
dã thú, mọi chim trời, mọi giống vật bò dưới đất, và mọi cá biển sẽ phải kinh
hãi khiếp sợcác ngươi: chúng được trao vào tay các ngươi.”
(2) Con người được ăn
thịt nhưng không được ăn máu thú vật: Trong kỷ nguyên đầu, con người chỉ ăn thực
vật mà thôi. Trong kỷ nguyên mới, con người được ăn động vật, nhưng không được
ăn máu. Truyền thống không được ăn máu bắt nguồn từ P, vì họ tin máu là chỗ của
sự sống (x/c Lev 17:10-14, Deut 12:23, Acts 15:29).
(3) Ai đổ máu con người
sẽ phải đền nợ máu: Lệnh truyền này áp dụng cho cả súc vật lẫn con người. Thiên
Chúa có quyền tối hậu trên sự sống, con người thực thi những gì Ngài truyền dạy.
(4) Mạng đền mạng: “Ai
đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã làm ra con
người theo hình ảnh Thiên Chúa.” Lệnh truyền này không có trong kỷ nguyên đầu,
vì Cain không phải đền nợ máu em mình.
1.2/ Giao ước của Thiên
Chúa với Noah: Nếu hiểu giao ước là một hợp
đồng ký kết giữa hai bên về bổn phận mỗi bên, đây không thuần túy là giao ước,
và chỉ là Lời Hứa của Thiên Chúa, vì không thấy nói tới nghĩa vụ của con người.
Lời Hứa này được mở rộng tới muôn lòai trên mặt đất.
(1) Sẽ không bao giờ xảy
ra Lụt Hồng Thủy nữa: Thiên Chúa phán với ông Noah và các con ông đang ở với
ông rằng: “Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau
này, và tất cả mọi sinh vật ở với các ngươi: chim chóc, gia súc, dã thú ở với
các ngươi, nghĩa là mọi vật ở trong tàu đi ra, kể cả dã thú. Ta lập giao ước của
Ta với các ngươi: mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thủy huỷ diệt, và cũng
sẽ không còn có hồng thủy để tàn phá mặt đất nữa.”
(2) Cầu vồng là dấu hiệu
bên ngòai của giao ước: “Đây là dấu hiệu giao ước Ta đặt giữa Ta với các ngươi,
và với mọi sinh vật ở với các ngươi, cho đến muôn thế hệ mai sau: Ta gác cây
cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất.” Mỗi
khi nhìn cầu vồng, con người nhớ lại 2 điều: Lụt Hồng Thủy xảy ra là do tội lỗi
của con người, và Lời Hứa của Thiên Chúa sẽ không tàn phá trái đất với trận lụt
kinh khủng như vậy nữa.
2/ Phúc Âm: Thánh Giá là giao ước tình yêu giữa Thiên Chúa và con người.
2.1/ Căn tính của Chúa
Giêsu: Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu đã gần
kề, Ngài biết trước những gì sẽ xảy ra cho Ngài và cho các môn đệ. Đã đến lúc
Ngài cần biết niềm tin của con người vào Ngài, nhất là của các môn đệ, sau khi
đã mặc khải, dạy dỗ, và biểu tỏ uy quyền. Trình thuật hôm nay xảy ra trên đường
tới các làng xã vùng Caesarea Philipphê, Banias hiện giờ. Đây là một vùng rất đẹp
và linh thiêng, nằm dưới rặng núi Khermon, và giáp giới nhiều sông từ Syria chảy
xuống, nên có rất nhiều nước. Nó là đầu nguồn của Biển Hồ và sông Jordan, nguồn
cung cấp nước duy nhất cho Palestine. Nơi đây tập trung đền thờ của nhiều thần:
Thần Pan của Hy-Lạp, Hòang-đế Caesar của Roma, thần của Syria, và thần Baal của
Do-Thái. Chúa Giêsu muốn dùng nơi này để giúp các môn đệ nhận ra sự khác biệt
giữa Ngài và các thần của các tôn giáo khác.
Người hỏi các môn đệ:
“Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ
thì bảo là ông Elijah, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” Vua Herode cũng
cho Chúa Giêsu là Gioan Tẩy Giả mà ông đã chém đầu nay sống lại. Truyền-thống
Do-Thái tin Elijah sẽ trở lại trước ngày Đấng Thiên Sai tới; nhưng tất cả những
câu trả lời này không nói đúng căn tính của Đức Kitô. Chúa Giêsu lại hỏi các
ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.”
Đây là câu trả lời mà Chúa Giêsu mong mỏi vì đó là căn tính của Ngài, Đấng
Thiên Sai, Người được sai tới từ Thiên Chúa Cha.
2.2/ Cách cứu độ của Đấng
Messiah: Phêrô tuy nói đúng căn tính của
Chúa Giêsu, nhưng không thể chấp nhận điều Chúa Giêsu mặc khải về cách cứu độ của
Ngài, đó là qua con đường Thập Giá. Ông cố gắng thuyết phục Chúa Giêsu đi con
đường khác, và Chúa Giêsu đã khiển trách ông nặng nề: “Satan! lui lại đàng sau
Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài
người.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Mỗi khi nhìn Cầu Vồng,
chúng ta nhớ lại Lụt Hồng Thủy, và tội lỗi con người là nguyên nhân của trận lụt
kinh hòang đó. Tuy nhiên, vì yêu thương, Thiên Chúa đã hứa Ngài sẽ không để một
trận lụt như thế tàn phá con người và trái đất nữa.
– Mỗi khi nhìn Thập
Giá, chúng ta nhớ lại cái chết tủi nhục của Chúa Giêsu, và tội lỗi chúng ta là
nguyên nhân cái chết của Ngài. Vì yêu thương nhân lọai, Chúa Cha đã ban cho
chúng ta Người Con Một của Ngài, sẵn sàng chết thay để chúng ta được hưởng Ơn Cứu
Độ.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
21/02/2019 – THỨ NĂM TUẦN 6 TN
Th. Phê-rô Đa-mi-a-nô, giám mục, tiến sĩ HT
Mc 8,27-33
ĐỒNG SÀNG DỊ MỘNG
“Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà
là của loài người.” (Mc 8,33)
Suy niệm: Thân phận con người gắn liền
với các đau khổ như sinh, bệnh, lão, tử. Trong hành trình làm người, không thể
không có đau khổ. Thế nhưng, với Phê-rô, Đấng Ki-tô, Vị Cứu Thế của nhân loại,
mà cũng phải chịu đau khổ nhiều, bị giới lãnh đạo Do thái loại bỏ, thậm chí bị
giết chết, lại là điều không bao giờ có thể chấp nhận được. Ông muốn Thầy mình
đi con đường khác, con đường vinh quang theo kiểu thế gian. Ông thương Thầy,
nhưng theo cách riêng của ông, chứ không phải theo cách Chúa Cha muốn Thầy thực
hiện. Không lạ gì Thầy gọi ông là Xa-tan, kẻ cám dỗ. Chúa nhắc cho ông: Vị trí
của ông là đi đằng sau Thầy như một môn đệ, chứ không phải là người cản lối Thầy.
Mời Bạn: Một khi tuyên xưng Đức
Giê-su là Đấng Ki-tô, người được Thánh Thần xức dầu, được sai đi loan báo Tin Mừng
Nước Thiên Chúa, bạn cũng phải tin Ngài “chịu đau khổ nhiều… bị giết chết và
sau ba ngày sẽ sống lại.” Như thế, bạn mới thực sự “đồng sàng đồng mộng” với
Ngài, thực sự là môn đệ Ngài. Bạn có đón nhận đau khổ như một phần cuộc đời
Ki-tô hữu không?
Sống Lời Chúa: Ta không thể tuyên xưng điều
mình chưa tin hay không xác tín. Là môn đệ của Chúa Giê-su, tôi xác tín Ngài đã
đi con đường đau khổ thập giá để cứu độ tôi. Tôi nỗ lực đáp lại bằng những cố gắng
hy sinh sống cho Chúa và cho tha nhân mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ
Chúa đã đón nhận cuộc Khổ nạn để cứu độ con. Xin giúp con sống tinh thần “xin
vâng,” bằng cách chấp nhận điều Chúa muốn thực hiện nơi con, và muốn con thực
hiện cho anh chị em mình. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Tư tưởng của loài người (21.2.2019
– Thứ năm Tuần 6 Thường niên)
Suy niệm:
Không rõ tại sao Thầy Giêsu lại chọn lúc đi đường với các môn đệ
lên vùng cao phía bắc xứ Paléttin, gần chân núi Khécmôn,
để thăm dò xem dân chúng nghĩ Thầy là ai.
Quan trọng hơn, Thầy muốn biết các môn đệ nghĩ gì về Thầy :
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?”
lên vùng cao phía bắc xứ Paléttin, gần chân núi Khécmôn,
để thăm dò xem dân chúng nghĩ Thầy là ai.
Quan trọng hơn, Thầy muốn biết các môn đệ nghĩ gì về Thầy :
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?”
Thầy Giêsu đã sống bên các môn đệ từ mấy năm qua.
Họ đã được gọi, được chọn, được theo,
đã được thấy, được nghe, được chạm đến.
Bao nhiêu là kinh nghiệm gần gũi !
Nhưng Thầy Giêsu chẳng nói rõ cho họ biết mình là ai.
bây giờ Thầy lại đặt câu hỏi cho họ.
Ông Phêrô đại diện cho anh em trả lời : “Thầy là Đấng Kitô.”
Đấng Kitô là Đấng Mêsia, Đấng được Thiên Chúa xức dầu thánh hiến.
Vì thế người ta thường coi Ngài là Đấng giải phóng hùng mạnh.
Nhiều người Do-thái mong Đấng Kitô đến
để đánh đuổi quân Rôma và đem lại thái bình cho đất nước.
Họ đã được gọi, được chọn, được theo,
đã được thấy, được nghe, được chạm đến.
Bao nhiêu là kinh nghiệm gần gũi !
Nhưng Thầy Giêsu chẳng nói rõ cho họ biết mình là ai.
bây giờ Thầy lại đặt câu hỏi cho họ.
Ông Phêrô đại diện cho anh em trả lời : “Thầy là Đấng Kitô.”
Đấng Kitô là Đấng Mêsia, Đấng được Thiên Chúa xức dầu thánh hiến.
Vì thế người ta thường coi Ngài là Đấng giải phóng hùng mạnh.
Nhiều người Do-thái mong Đấng Kitô đến
để đánh đuổi quân Rôma và đem lại thái bình cho đất nước.
Câu trả lời của Phêrô cơ bản là đúng.
Thầy đúng là Mêsia, nhưng lại không phải là Mêsia như Phêrô nghĩ.
Bởi lẽ Thầy là một Mêsia phải chịu nhục nhã và thất bại,
chịu mang thân phận đau khổ của Người Tôi Trung (Is 52-53).
Để vào ánh sáng, Thầy phải vượt qua bóng tối của hố thẳm.
Dù sao câu trả lời của Phêrô đã mở ra một giai đoạn mới.
Từ nay Thầy sẽ chia sẻ nhiều hơn cho các ông về định mệnh tương lai.
Thầy sẽ nói rõ chứ không nói bóng gió bằng dụ ngôn nữa (c. 32).
Thầy đúng là Mêsia, nhưng lại không phải là Mêsia như Phêrô nghĩ.
Bởi lẽ Thầy là một Mêsia phải chịu nhục nhã và thất bại,
chịu mang thân phận đau khổ của Người Tôi Trung (Is 52-53).
Để vào ánh sáng, Thầy phải vượt qua bóng tối của hố thẳm.
Dù sao câu trả lời của Phêrô đã mở ra một giai đoạn mới.
Từ nay Thầy sẽ chia sẻ nhiều hơn cho các ông về định mệnh tương lai.
Thầy sẽ nói rõ chứ không nói bóng gió bằng dụ ngôn nữa (c. 32).
Thầy Giêsu biết rõ đau khổ và cái chết đang đe dọa mình
đến từ phía các nhà lãnh đạo Do thái giáo.
Nhưng Thầy cũng tin rằng Cha ở với Thầy và sẽ không bao giờ bỏ Thầy.
Lần đầu tiên Thầy chia sẻ cho môn đệ chuyện riêng tư,
niềm đau và hy vọng, cái chết sắp đến và niềm tin vào sự sống lại,
dù chắc Thầy đã không nói nguyên văn như ta thấy ở câu 31.
đến từ phía các nhà lãnh đạo Do thái giáo.
Nhưng Thầy cũng tin rằng Cha ở với Thầy và sẽ không bao giờ bỏ Thầy.
Lần đầu tiên Thầy chia sẻ cho môn đệ chuyện riêng tư,
niềm đau và hy vọng, cái chết sắp đến và niềm tin vào sự sống lại,
dù chắc Thầy đã không nói nguyên văn như ta thấy ở câu 31.
Phêrô không thể chấp nhận được định mệnh mà Thầy mới gợi lên (c. 32).
Ông không hiểu được chuyện Đấng Kitô mà phải chịu khổ đau, nhục nhã.
Ông không biết rằng chữ phải ấy đến từ Thiên Chúa,
và thất bại cũng như cái chết có chỗ trong chương trình của Ngài.
Phêrô thương Thầy, và tình thương lại trở thành một cám dỗ lớn.
Ông muốn Thầy đổi ý, ông muốn đi trước dẫn đường cho Thầy.
Thầy Giêsu đòi ông trở lại đằng sau, đi sau Thầy như môn đệ (c.33).
Ông không hiểu được chuyện Đấng Kitô mà phải chịu khổ đau, nhục nhã.
Ông không biết rằng chữ phải ấy đến từ Thiên Chúa,
và thất bại cũng như cái chết có chỗ trong chương trình của Ngài.
Phêrô thương Thầy, và tình thương lại trở thành một cám dỗ lớn.
Ông muốn Thầy đổi ý, ông muốn đi trước dẫn đường cho Thầy.
Thầy Giêsu đòi ông trở lại đằng sau, đi sau Thầy như môn đệ (c.33).
Chúng ta cũng sợ như Phêrô, sợ cùng với Thầy Giêsu đi con đường hẹp.
Chúng ta cũng dễ nghĩ theo kiểu người phàm,
chứ không nghĩ theo kiểu Thiên Chúa (c. 33).
Xin được uốn lối nghĩ khôn ngoan của mình
theo sự điên dại của Thiên Chúa (1 Cr 1, 25).
Chúng ta cũng dễ nghĩ theo kiểu người phàm,
chứ không nghĩ theo kiểu Thiên Chúa (c. 33).
Xin được uốn lối nghĩ khôn ngoan của mình
theo sự điên dại của Thiên Chúa (1 Cr 1, 25).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
Để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
Để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
Để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
Để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
Cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
Để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
Cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình,
Ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
Để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
Dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
Để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
Dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng
Trước khi con tập sống cho Chúa
Và thuộc về Chúa
Thì Chúa đã sống cho con
Và thuộc về con từ lâu. Amen
Trước khi con tập sống cho Chúa
Và thuộc về Chúa
Thì Chúa đã sống cho con
Và thuộc về con từ lâu. Amen
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
21 THÁNG HAI
“Lạy Chúa, Xin Tạo
Cho Con Một Tấm Lòng Trong Trắng”
Ngoài Thiên Chúa ra,
không gì có thể lấp đầy khát vọng con người. Đó là ý nghĩa của hoán cải. Và đó
là sứ điệp cứu độ. Thiên Chúa là Tình Yêu. Con người đã quay lưng lại với Thiên
Chúa để tìm kiếm những sự thỏa mãn nơi những gì không thể làm mình thỏa mãn được.
Và Thiên Chúa – qua Con của Ngài – đã mời gọi con người từ bỏ nẻo đường tội lỗi
để trở lại cùng Ngài.
Vì yêu thương chúng
ta, Thiên Chúa đã không ngần ngại thí bỏ Con của Ngài. Vì yêu thương chúng ta,
Thiên Chúa đã không ngần ngại xử Con của Ngài như một tội nhân – dù Người hoàn
toàn vô tội, “để cho chúng ta có thể trở nên công chính” (2Cr 5, 21).
Giáo Hội lên lời nhân
danh Thiên Chúa. Giáo Hội mời gọi chúng ta ý thức về tội lỗi mình và nhận hiểu
tình yêu của Thiên Chúa. Ngôn ngữ của Giáo Hội hết sức triệt để. ‘Triệt để’
nghĩa là ‘truy ngược về tới tận gốc rễ’.
Tiếng gọi triệt để ấy
là cốt tủy của bầu khí bước vào mùa Chay. Tận đáy lòng mình, chúng ta phải thốt
lên được như tác giả thánh vịnh: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót
thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm… Vâng, con biết tội mình đã phạm,
lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa…Lạy Chúa Trời,
xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng” (Tv 51, 3. 5 – 6. 12).
Mùa Chay là mùa Thiên
Chúa ngỏ lời mật thiết với chúng ta, mùa để chúng ta lắng nghe, đón nhận ơn cứu
độ, và trở thành con người mới.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 21/2
Thánh Phêrô
Đamianô, Giám mục tiến sĩ Hội Thánh
St 9, 1-13; Mc 8,
27-33
LỜI SUY NIÊM: “Đức Giêsu và
các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xêdarê Philípphê. Dọc đường, Người
hỏi các ông: Người ta nói Thầy là ai? … Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”
Trong suốt thời gian Chúa Giêsu rao giảng và làm nhiêu phép lạ để mạc khải về
Nước Thiên Chúa, đám đông dân chúng cũng chưa có thể nhận biết Người là ai, họ
chỉ phỏng đoán: Người là Gioan Tẩy Giả, là Êlia hay một ngôn sứ nào đó. Chúa
Giêsu không thỏa mãn, không chấp nhận những phỏng đoán của họ; nên Người mới hỏi
riêng các môn đệ của Người: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Và Phêrô đã
tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô”. Chính nhờ vào lời tuyên xưng này của Phêrô, mà
Người đã công khai loan báo về cuộc thương khó và phục sinh sắp đến của Người.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người chúng con luôn ham thích học hỏi giáo lý và
Kinh Thánh để hiểu biết và yêu mến Chúa nhiều hơn.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 21-02
Thánh PHÊRÔ ĐAMIANÔ
Giám mục Tiến sĩ
(1007 – 1072)
Vị tu sĩ và Hồng Y sẽ
nắm giữ một vai trò hàng đầu trong Ktô giáo này chào đời năm 1007 tại Ravenne,
trong một gia đình nghèo túng, đến nỗi một trong số các anh Ngài đã phải thốt
lên khi Ngài sanh ra: – “Chỉ còn thiếu nỗi bất hạnh này nữa thôi. Sao lại phải
có nhiều người thừa hưởng cái di sản nhỏ nhoi này vậy”
Và người mẹ kiệt sức
đã không muốn cho đứa trẻ sơ sinh bú sữa mà thất vọng bỏ mặc nó. Một bà hàng
xóm giảng giải cho bà rằng: – “Những con báo con hùm không bỏ con chúng, trong
khi chúng ta là những người Kitô hữu lại bỏ rơi con cái mình sao ? Đứa trẻ mà
người ta xua đuổi này, một ngày kia biết đâu lại chẳng là niềm hân hạnh của gia
đình ?”
Người đàn bà can đảm
này không tin lời mình nói lắm, nhưng đã cung ứng những săn sóc đầu tiên cho đứa
bé nghèo khổ. Người mẹ mắc cỡ nên âu yếm ẵm lấy đứa trẻ. Bà đặt tên là Phêrô.
Năm năm sau, Phêrô mồ
côi cha mẹ, người được trao cho người anh đã giận dữ đón nhận cuộc sinh hạ của
Ngài. Bị đối xử như người làm thuê Ngài phải chăn heo, ngủ chuồng của súc vật,
mặc rách rưới và ăn bánh đen. Một ngày kia nhặt được đồng tiền, của trời ơi ngạc
nhiên đối với đứa trẻ không hề ăn hàng, Ngài mang tiền đi xin lễ cho cha mẹ.
Chính vì vậy mà dường như cha mẹ đã chúc lành cho cả đời đứa trẻ, con mình.
Đamianô, người anh cả
của Ngài đã làm linh mục đưa Ngài về Ravenna ở với mình. Anh cho Ngài ăn học và
Phêrô đã tỏ ra thông minh, đến nỗi Ngài đã sớm trở thành giáo sư. Đứa trẻ bị
khinh miệt ngày trước, bây giờ dạy học tại Parma rồi tại Ravenna. Để bày tỏ
lòng biết ơn với người anh cả, Ngài nhận tên mình là Phêrô Đamiano. Ngài được
may mắn về mọi mặt. Nhiều gia đình quí, phải gọi Ngài tới ở. Song những thành
công không làm cho Ngài thôi cầu nguyện ăn chay. Dưới bộ áo ngoài, Ngài mặc một
chiếc áo nhặm.
Trước danh tiếng ngày
càng gia tăng, Ngài tự nhủ: – Ích lợi gì nếu tôi dính bén vào được của cải
chóng qua này? Bởi vì một ngày kia, tôi sẽ phải giã từ tất cả, tại sao ngay từ
bây giờ tôi không hiến dâng chúng cho Thiên Chúa ?
Thế là Ngài từ bỏ cuộc
sống dễ dãi và gia nhập dòng Camaldules, Ngài chọn cái gì nặng nhọc nhất và lui
vào vô tịch ở nhà dòng Phonte Avellna. Đời khổ hạnh và cầu nguyện sắp biến Ngài
thành một vị thánh lớn. Ngài chỉ muốn khiêm tốn vâng phục và thống hối, nhưng
trong khi ẩn mình đi, thì năm 1043, vì vâng lời, Ngài đã được đặt làm tu viện
trưởng. Khi đó, Ngài tăng số các tu sĩ, lập nhiều tu viện, giúp đỡ các dòng
khác. Ý kiến của Ngài luôn hướng thượng, đến nỗi người ta nói rằng: Ngài được
Thánh Thần soi sáng.
Giáo hội đang trải qua
một thời u buồn và người tu sĩ nghèo khổ hôm qua sắp giữ một vai trò lớn lao
làm giảm bớt đau đớn của Roma. Những nết xấu bỉ ổi đè nặng trên triều đại Giáo
hoàng. Lời nói của Thánh Thần lẫn sự hiện diện của Ngài chưa đủ, Ngài viết một
tác phẩm, “cuốn sách về thành Gomorrha”, để lột trần những lạm dụng đang làm
cho Giáo hội phải tủi hổ. Còn chính Ngài, để làm cân bằng cho sự yếu đuối của
những giám mục bất xứng, đã tự mình đền tội đánh đòn hàng ngày đến độ chảy máu,
dành giờ để hát mười thánh vịnh như Ngài đã khuyên nhủ các tu sĩ. Ngài ăn chay
ba ngày mỗi tuần.
Phêrô Đamianô đã muốn
là một tu sĩ rốt cùng suốt đời. Nhưng năm 1057, Đức Stephanô IX đã đặt Ngài làm
Hồng Y giám mục Ostia. Ngài phản đối, nhưng Đức Thánh Cha khi giảng giải cho
Ngài đã cầm tay xỏ nhẫn và đeo thánh giá cho Ngài. Trách vụ giao phó cho Ngài
thật lớn lao. Phêrô Damianô hiến trọn tâm hồn cho gia đình mới rộng lớn này.
Ngài đón nhận mọi khó khăn, chiến đấu chống các lạc giáo, chấm dứt các xáo trộn
của Giáo hội Milanô dẹp tan những bất đồng với xã hội giáo hoàng. Những lo lắng
mệt nhọc không cản trở Ngài sẵn sàng hiến dâng đời mình, dù chỉ cho một linh hồn
thôi.
Dù kiệt sức, Ngài vẫn
dậy sớm để giải tội, không nản lòng, Ngài săn sóc những người bất hạnh, phân
phát áo mặc bánh ăn cho họ, thăm viếng các bệnh nhân. Mỗi ngày để nhắc lại tình
yêu của Chúa Kitô, Ngài rửa chân cho 12 người nghèo. Đối với những người về quê
lập nghiệp, Ngài gửi đồ trợ giúp họ, Ngài nhân hậu đồng đều đối với những người
giàu có, những người cũng gặp khó khăn và cố gắng làm cho họ sống bác ái vị tha
hơn. Thư từ còn làm cho ảnh hưởng của Ngài lan rộng hơn.
Sau bao nhiêu nhọc mệt
và phục vụ, Phêrô trở nên già nua, Đức Thánh cha cho phép Ngài trở lại với nếp
sống nhà dòng, Ngài đã muốn căn phòng xấu nhất, ăn thứ bành dành cho heo, hành
hạ mình bằng dây lưng sắt, tìm đền bù cho các tội nhân và thánh hóa mình hơn nữa.
Ngài nói:
– Một chiến sĩ của
Chúa Kitô phải biết mình có thể tiến đến đâu trên đường nhân đức.
Phêrô Đamianô đã định
ngày thứ sáu phải được thánh hiến bằng chay tịnh và thống hối, để kính nhớ Chúa
Giêsu đã chịu chết trên thánh giá, và ngày thứ bảy kính Đức Mẹ, Đấng mà Ngài đã
soạn một bản kinh Nhật tụng để chúc khen.
Tuy đã cao niên, nhưng
khi Đức Thánh Cha xin Ngài làm đại diện cho mình tại Pháp. Thánh nhân lên đường
ngay. Ngài viếng thăm nhiều địa phận, dẹp tan nhiều cuộc cãi vã, đi tới tận Nước
Đức, hoà giải nhà vua với vợ mình là hoàng hậu Berthe, mẹ vua xin được Ngài hướng
dẫn. Rồi Ngài tiêu diệt các bè rối tại Florence và mang an bình lại cho Ravenna.
Phêrô Đamianô lên cơn sốt ở Faenza. Tu viện Nữ Vương các thánh thiên thần tiếp
đón Ngài,
Ngài đã qua đời năm
1072 đang khi xin các tu sĩ vây quanh mình đọc kinh nhật tụng. Chính Ngài đã
trước tác mộ bia của mình như sau: – “Mọi cái hôm nay đều phải qua đi để cho điều
tồn tại mãi mãi tới gần. Hãy mộ mến những sự trên trời hơn những sự dưới đất, mộ
mến điều tồn tại hơn cái rữa tàn. Ước gì tinh thần bạn đạt tới những đỉnh cao,
tới được những nơi phát ra sự sống bạn”.
(daminhvn.net)
21 Tháng Hai
Người Cùi Hủi
Raoul Follreeau, vị
đại ân nhân của người phong cùi trên thế giới có kể lại mẩu chuyện đáng thương
tâm như sau:
Trong một thị trấn
nhỏ nọ, một người đàn ông lâm bệnh nặng. Sau khi khám nghiệm, các bác sĩ nghi
ngờ anh ta đã mắc bệnh phong hủi… Tuy không là một phán quyết dứt khoát, nhưng
kể từ đó người ta không còn thấy anh ra khỏi nhà nữa. Gia đình anh mỗi lúc lại
càng xác tín hơn về bệnh tình của anh. Thế là để che dấu con người mà họ coi
như một sự xấu hổ chung, những người thân của anh đã giam anh trong một cái
mùng lớn. Người đàn ông đáng thương chỉ còn sống vất vưởng nhờ lương thực tiếp
tế mỗi ngày. Vũ trụ của anh chỉ còn là khung mùng phủ kín bốn chân giường. Ngậm
đắng nuốt cay từng giờ từng phút, người đàn ông chỉ còn mỗi một hy vọng: đó là
chốn thoát được chính nhà giam của anh… Ngày nọ, anh đã chốn ra khỏi khuôn mùng
và gia đình của anh. Nhưng chẳng may, người ta đã nhận bắt được anh. Lần nay,
người đàn ông khốn khổ dường như không còn một hy vọng nào nữa. Anh chỉ còn muốn
tìm sự giải thoát qua cái chết…
Lần thứ hai, anh chốn
khỏi vũ trụ tối tăm của anh. Nhưng lang thang mãi mà vẫn không tìm được sự tin
tưởng và giúp đỡ của những người khác, anh đã tìm đến cái chết như một lời biện
hộ cuối cùng. Người đàn ông đã mua thuốc ngủ và tự vận trước mặt mọi người. Cái
chết của anh đã gây chấn động trong dư luận. Người ta yêu cầu cho khám nghiệm tử
thi. Kết quả đã làm cho mọi người sửng sốt: anh đã không bao giờ mắc bệnh phong
cùi…
Những ai đã và đang sống
dưới một chế độ độc tài trong đó mọi thứ tự do cơ bản nhất của con người bị chối
bỏ, đều cảm nhận được sự độc hại của thái độ thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa người
với người… Một xã hội mà quan hệ giữa người với người cjỉ xây dựng trên dối
trá, lừa đảo, hận thù, ganh ghét…. Một xã hội như thế không thể không đi đến chỗ
diệt vong…
Người Kitô chúng ta luôn được mời gọi để xây dựng Nước Chúa, Nước của Chân Lý, của Công Bình, của Bác Ái, của sự tín nhiệm lẫn nhau…
Người Kitô chúng ta luôn được mời gọi để xây dựng Nước Chúa, Nước của Chân Lý, của Công Bình, của Bác Ái, của sự tín nhiệm lẫn nhau…
Chúa Giêsu đã để lại
cho chúng ta chế độ kiểu mẫu: Ngài không nhìn người bằng một nhãn hiệu, bằng một
lăng kính có sẵn. Tất cả mọi người, dù tội lỗi thấp hèn đến đâu cũng đều được
Ngài nhìn dưới ánh mắt của cảm thông, của yêu thương, của tha thứ… Tất cả mọi
người đều được nhìn dưới ánh mắt yêu thương của Ngài như một giá trị độc nhất
vô nhị trong tình yêu của Thiên Chúa.
Ðể được một cái nhìn
như thế, chúng ta luôn được mời gọi để gạt bỏ mọi thứ thành kiến ra khỏi tâm hồn
chúng ta. Trong tất cả mọi sự và trong mọi người, chúng ta hãy mặc lấy cái nhìn
của Chúa Giêsu. Chỉ với cái nhìn ấy, chúng ta mới mong tái tạo được sự tín nhiệm
và tin tưởng lẫn nhau trong xã hội chúng ta.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét