Trang

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2019

05-05-2019 : (phần I) CHÚA NHẬT III PHỤC SINH năm C


05/05/2019
Chúa Nhật 3 PHỤC SINH năm C
(phần I)


BÀI ĐỌC I: Cv 5, 27b-32. 40b-41
“Chúng tôi là chứng nhân các lời đó cùng với Thánh Thần”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, thầy thượng tế hỏi các tông đồ rằng: “Ta đã ra lệnh cấm các ngươi nhân danh ấy mà giảng dạy. Thế mà các ngươi đã giảng dạy giáo lý các ngươi khắp cả Giêrusalem; các ngươi còn muốn làm cho máu người đó lại đổ trên chúng tôi ư?” Phêrô và các tông đồ trả lời rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta. Thiên Chúa cha ông chúng ta đã cho Đức Giêsu sống lại, Đấng mà các ông đã giết khi treo Người trên thập giá. Thiên Chúa đã dùng quyền năng tôn Ngài làm thủ lãnh và làm Đấng Cứu Độ, để ban cho Israel được ăn năn sám hối và được ơn tha tội. Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho mọi kẻ vâng lời Người!” Họ ra lệnh đánh đòn các tông đồ và tuyệt đối cấm không được nhân danh Đức Giêsu mà giảng dạy nữa, đoạn tha các ngài về. Vậy các ngài ra khỏi công nghị, lòng hân hoan vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Đức Giêsu. Đó là lời Chúa. 

ĐÁP CA: Tv 29, 2 và 4. 5 và 6. 11 và 12a và 13b
Đáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (c. 2a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Ngài đã đưa linh hồn con thoát xa Âm phủ, Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ. – Đáp.
2) Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Chúa, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. Chiều hôm có gặp cảnh lệ rơi, nhưng sáng mai lại được mừng vui hoan hỉ.- Đáp.
3) Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con, lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con; lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Kh 5, 11-14
“Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng,… vinh quang và lời chúc tụng”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Tôi là Gioan, đã thấy và nghe tiếng các thiên thần đông đảo vòng quanh ngai vàng, tiếng các sinh vật và các vị kỳ lão; số họ đông hằng ngàn hằng vạn, họ lớn tiếng tung hô rằng: “Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, phú quý, khôn ngoan, sức mạnh, danh dự, vinh quang và lời chúc tụng”. Tôi lại nghe mọi thọ tạo trên trời, trên đất, dưới đất, trên biển và dưới biển, tung hô rằng: “Chúc Đấng ngự trên ngai và chúc Chiên Con được ca tụng, danh dự, vinh quang, quyền năng đến muôn đời”. Bốn sinh vật thưa: “Amen”, và hai mươi bốn vị kỳ lão sấp mặt xuống và thờ lạy Đấng hằng sống muôn đời. Đó là lời Chúa. 

ALLELUIA: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Ga 21, 1-14 hoặc 1-19
“Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: “Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Điđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.
Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi “Ông là ai?”, vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Đây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.
Vậy khi các Ngài đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”. Đó là lời Chúa


Suy Niệm: Chúa đã dọn sẵn cho các thợ phần thưởng ở Bến bình an
Bài Tin Mừng Chúa nhật trước cho chúng ta thấy Chúa sống lại đã hiện ra một cách đặc biệt cho Tôma; hôm nay chúng ta vừa nghe đọc, Người hiện đến với Phêrô một cách đặc biệt. Nhưng cả hai lần đều phải nói, Người đã muốn đến gặp gỡ tất cả các tông đồ, tức là toàn thể Hội Thánh chúng ta. Ðược sức mạnh của Chúa Phục Sinh thúc đẩy, Hội Thánh đã sinh hoạt rất đáng ngưỡng mộ. Chúa nhật trước chúng ta thấy các tông đồ làm nhiều dấu lạ điềm thiêng, hôm nay các ngài tỏ ra quả cảm trong việc rao giảng Tin Mừng. Người ta không thể nào hiểu được những điều này nếu không tin mầu nhiệm Chúa sống lại khiến Ðức Giêsu Kitô đã trở thành Chúa và là Thiên Chúa. Bài sách Khải Huyền tuyên xưng niềm tin ấy và chúng ta nên bắt đầu với bài sách này để hiểu hai bài Kinh Thánh kia hơn.

1. Chúa Tụng Chiên Con
Vẫn thánh Gioan là tác giả sách Khải Huyền nói với chúng ta. Người viết cho Hội Thánh về những mầu nhiệm mà Người được thấy mở ra ở trên trời, tức là nơi thế giới của Thiên Chúa. Ðó là những mạc khải nhằm an ủi Hội Thánh đang bị thử thách ở trần gian.
Vậy, Gioan nhìn thấy trên trời có đặt một chiếc Ngai. và chung quanh Ngai có đông đảo thiên thần. Số họ là vạn vạn ngàn ngàn. Cảnh tượng này thật ra cũng không lạ gì. Hễ ai nghĩ về thiên quốc đều có thể diễn tả như vậy. Ðiều lạ ở đây là vạn vạn ngàn ngàn thiên thần ấy hoan hô cả tiếng: Chiên Con đã chịu tế sát. Ở thời Gioan không thiếu gì nơi và người thờ các thiên thần. Nếu không thì người ta luôn sẵn sàng nghĩ rằng dưới Thiên Chúa là đến các thiên thần, chứ chẳng có bậc nào hơn được các thiên thần. Thế mà ở đây thiên thần dù đông vạn vạn ngàn ngàn, cũng chỉ đóng vai trò thờ lạy hoan hô... ai? Thiên Chúa ư? Không, họ hoan hô chúc tụng Chiên Con đã chịu tế sát.
Chúng ta ai cũng biết Chiên Con đã chịu tế sát là chính Ðức Giêsu Kitô trong mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh, là Ðức Giêsu Kitô đã sống lại nhưng còn mang trên mình các thương tích của cuộc khổ nạn. Người đã trở thành Chiên Vượt qua của đạo mới để giải thoát dân Người ra khỏi cõi âm u tội lỗi mà đưa vào Nước sáng láng của Người. Bây giờ Người đang ở trên trời, không là Ðấng ngự trên Ngai nhưng cũng được tung hô chúc tụng như chính Ngài.
Thật vậy, tất cả những kiểu nói: quyền năng, phú quí, khôn ngoan, dũng lực, danh dự vinh quang và chúc tụng đều là những công thức qui định để tung hô Thiên Chúa. Nay vạn vạn ngàn ngàn thiên thần đứng quanh Ngai Thiên Chúa để hoan hô cả tiếng Chiên Con chịu tế sát với chính những lời quy định ấy. Ðiều này chứng tỏ Chiên Con đã được đồng hàng với Thiên Chúa. Lời chúc tụng của các thiên thần, công nhận Chiên Con là Chúa.
Mà không phải chỉ có các thiên thần, tất cả tạo thành trên trời, dưới đất, dưới gầm đất, nơi lòng biển, cùng toàn thể vạn vật nơi các chốn ấy cũng tung hô "Kính bái Ðấng ngự trên Ngai cùng Chiên Con" với những lời thánh thiện kia.
Cuối cùng bốn sinh vật tượng trưng cho tứ phương và các lão công tiêu biểu cho tất cả Hội Thánh cũng phục mình thờ lạy, làm chứng Chiên Con bị tế sát, tức là Ðức Giêsu tử nạn phục sinh, được tất cả trời đất vạn vật tôn thờ như Thiên Chúa. Tác giả Gioan nói cả đến gầm đất và lòng biển không phải chỉ để kể tên cho hết mọi nơi trong trời đất và tất cả vạn vật. Nhưng theo quan niệm ở thời của Người đó còn là thế giới của tử thần. Và như vậy Người muốn nói Ðức Giêsu Kitô tử nạn phục sinh bây giờ, cũng là Chúa của những nơi ấy, vì sự chết của Người đã toàn thắng sức mạnh của âm phủ.
Do đó bài sách Khải Huyền hôm nay là một bài tuyên xưng mạnh mẽ vương quyền cao cả của Chúa Giêsu Kitô tử nạn phục sinh. Việc tác giả nhấn mạnh đến từ ngữ "chịu tế sát" khi nói về Chiên Con chứng tỏ Người muốn cho chúng ta hiểu về giá trị thập giá của Ðức Kitô. Người đã chết, nhưng đã sống lại. Và cuộc tử nạn của Người bây giờ đang được tôn vinh.
Ðó không phải chỉ là sự chết, nhưng là sự chết đã trở thành sự sống sau khi đã chiến thắng và nắm giữ được quyền lực của thế giới tử thần. Ðiều này không làm phấn khởi lòng Hội Thánh trong khi bị thử thách sao? Niềm tin phục sinh là sức mạnh lớn nhất cho thân phận những người đang là lữ khách trần gian. Câu chuyện về các Tông đồ hôm nay còn làm chứng điều ấy.

2. Các Tông Ðồ Tuyên Chứng
Trước kia, các tông đồ là những người như thế nào ai ai cũng biết. Họ làm nghề chài lưới, ít học và rất sợ người Do Thái. Phêrô có lúc sợ cả một đứa ở gái. Thế mà hôm nay đứng trước công nghị nghe Thượng Tế cấm không được rao giảng Danh Ðức Giêsu nữa, Phêrô đã trả lời khẳng khái: Phải vâng phục Thiên Chúa hơn là người ta.
Nhờ đâu đã có một sự thay đổi như vậy? Chúng ta cứ nghe Phêrô. Ông đang tuyên chứng trước công nghị, tức là cơ quan quyền lực tối cao của người Do Thái. Chính cơ quan này đã lập tòa xử án Ðức Giêsu và đã hành động để Người bị treo lên cây gỗ. Nhưng, Phêrô nói: "Thiên Chúa đã cho Ðức Giêsu sống lại". Thiên Chúa đã tỏ rõ phán quyết của Người. Người ta đã treo Ðức Giêsu lên cây gỗ; còn Thiên Chúa lại nhắc Ngài lên bên hữu Người. Vậy phải theo ai? Nhất định phải vâng lời Thiên Chúa hơn là người ta. Thiên Chúa đã tôn vinh Ðức Giêsu, thì nhất định chúng ta phải rao giảng Danh Ngài. Mà rao giảng Ngài có thiệt hại gì ai? Trái lại, Ngài được Thiên Chúa nhắc lên làm Cứu tinh và Cứu thế. Rao giảng Ngài chỉ là để ban cho Israen ơn hối cải và tha tội.
Ðây không phải là một lời tuyên xưng cuồng tín vì lý luận như vậy thật chắc chắn. Phêrô không thể một mình làm như vậy được. Chính ông thú nhận khi nói: "Về các điều ấy, chúng tôi đây là chứng nhân cùng với Thánh Thần Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng phục Người". Ông phân biệt rõ những điều ông biết vì đã thấy, đó là việc Ðức Giêsu phục sinh từ cõi chết. Nhưng nói lên được những điều tuyên xưng mạnh mẽ sáng suốt kia, chính là công việc của Thánh Thần mà Phêrô nhận được nhờ tuân phục phán quyết của Thiên Chúa khi Ðức Giêsu Kitô đã sống lại. Và đứng trước một lời tuyên xưng như thế, người ta còn biết làm gì? Họ cho đánh đòn các tông đồ, cấm rao giảng thêm, rồi thả về. Nhưng đó là biện pháp của những kẻ đã thua. Chúng chẳng có hiệu lực gì. Chỉ đáng tức cười thôi. Thế nên ra khỏi công nghị, các tông đồ còn được thêm hân hoan vì thấy mình đã được chịu xỉ nhục vì Danh Chúa Giêsu.
Chúng ta hãnh diện về các ngài. Chúng ta tin tưởng Hội Thánh mà các ngài đã thiết lập. Bề ngoài, đây có vẻ chỉ là đàn chiên nhỏ; hơn nữa xét về mặt xã hội chẳng có gì đáng vênh vang. Nhưng trong Hội Thánh ấy có phụng vụ phục sinh, có lời tuyên xưng Chúa Giêsu đã chết và sống lại, thì đó đã là Nước Trời, đã là Thiên Quốc.
Nơi đây không phải chỉ có vạn vạn ngàn ngàn thiên thần tung hô Chiên Con chịu tế sát cùng với các tín hữu của Chúa, nhưng còn có Thánh Thần được ban xuống dồi dào cho các tâm hồn, để những kẻ vốn tầm thường trở nên những khí cụ rất giá trị cho công cuộc của Thiên Chúa. Trời với Ðất gặp nhau trong các cộng đoàn này, vì khi Hội Thánh cử hành Phụng Vụ Phục Sinh, những điều Gioan viết trong sách Khải Huyền và những điều Luca kể trong sách Công vụ rõ ràng gặp nhau. Hội Thánh ở dưới đất tuyên xưng cũng những mầu nhiệm như ở trên Trời. Và trời cao đã đổ ơn thiêng xuống để Hội Thánh dưới đất không ngừng rao giảng Danh Ðức Giêsu, Ðấng mà vạn vạn ngàn ngàn Thiên Thần trên trời không ngớt tung hô là Chiên Con chịu tế sát.
Tuy nhiên để có sự hòa hợp đó, Ðức Giêsu Kitô phải chịu chết và sống lại; và Người đã phải hiện ra với các tông đồ như chúng ta đọc trong bài Tn Mừng hôm nay. Không có việc hiện ra này, đã không có gì cả. Vì thế chúng ta cần đọc kỹ lại bài Tin Mừng.

3. Chúa Sống Lại Hiện Ra
Ngày nay, người ta đã thấy rõ chương cuối cùng (chương 21) trong tác phẩm Tin Mừng theo thánh Gioan là phần đã được đính thêm vào một quyển sách đã được viết xong rồi. Tác giả đã có lời kết thúc từ biệt (20,30-31); Không có lý do nào Người lại viết tiếp, rồi lại từ biệt một lần nữa. Nhưng vì tư tưởng và lời văn trong chương 21 này rất phù hợp với toàn tác phẩm Tin Mừng thứ tư, nên người ta nghĩ đã có một bàn tay môn đệ của Gioan đã khéo léo viết ra chương này để bổ túc một số ý tưởng mà ông cho là cần thiết. Ở đây chúng ta chỉ để ý vai trò (hay nói đúng hơn, ơn gọi) lãnh đạo của Phêrô.
Chúng ta biết trước khi Phêrô là thuyền chài. Ông có thuyền có lưới và có đồng bạn thường ra khơi đánh cá. Một hôm Chúa đã gọi ông và các bạn đi theo Người. Họ đã bỏ đồ nghề và mọi sự mà đi theo Chúa. Có phải vì họ đã thấy quyền phép của Chúa khi cho họ đánh được một mẻ cá nhiều lạ lùng như Luca kể không? Hay là như Gioan kể ở phần đầu sách, chỉ vì họ nghe tiếng Người gọi? Chắc chắn đã có hai việc: Có việc Chúa gọi các ông và có việc Chúa cho các ông bắt được một mẻ cá nhiều phi thường. Còn ghép hai việc lại với nhau nếu quả thực là những việc rời nhau, là công cuộc của các tác giả để làm nổi bật một ý nghĩa thần học nào đó.
Hôm nay, đoạn Tin Mừng này có thêm một ý tưởng nữa, rất sâu xa và phong phú. Tác giả cho rằng sau ngày Chúa sống lại, Phêrô và đồng bạn lại trở về nghề cũ. Sự thật như thế, hay là ở đây ông cũng muốn làm như Luca ở đoạn nói về hai môn đệ đi đến làng Emmaus? Các ông muốn nói lên điều này, là cuộc tử nạn của Chúa trên thập giá đã làm cho môn đồ của Ngài chán nản, thất vọng muốn trở về nghề xưa. Thêm vào ý tưởng ấy, tác giả Gioan ở đây còn nhấn mạnh ưu vị của Phêrô khi đưa sáng kiến đi đánh cá và được anh em họa theo tức thời. Nhưng cho dù có nhất trí và hăng hái, công việc loài người của họ cũng chỉ thất bại. Phải có Chúa Phục sinh hiện đến, sai đi và hướng dẫn, họ mới đạt được kết quả và kết quả dồi dào phi thường.
Người ta tò mò tự hỏi vì sao tác giả đếm kỹ đến thế? Họ đã bắt được 153 con cá lớn. Con số này có ý nghĩa gì không? Có phải tác giả theo quan niệm của các nhà sinh vật học ngày xưa cho rằng trong biến cố tất cả 153 loại cá? Hay là ông muốn làm một trò chơi toán học, lấy 17 số đầu tiên (cộng lại với nhau sẽ được 153), thay các số ấy bằng số các chấm, đặt các dấu chấm thẳng nhau và lần lượt trên dưới nhau, cuối cùng sẽ vẽ được hình ba góc ba cạnh đều và mỗi cạnh có 17 chấm.
Như vậy số 153 là một số lượng nhất định mà chỉ cần bớt đi một chấm nhỏ đã làm mất cả thăng bằng. Và mẻ cá 153 con sẽ diễn tả thực tại Hội Thánh vừa đông số vừa đủ số, vừa lớn lao vừa duy nhất. Nhưng thôi, chúng ta chỉ cần biết ý của tác giả là nhờ ơn Chúa Phục Sinh, công việc của Hội Thánh sẽ kết quả phi thường; cả nhân loại sẽ gia nhập Hội Thánh.
Và Chúa đã dọn sẵn cho các thợ phần thưởng ở "Bến bình an". Họ đã thấy có bánh và cá, nướng hơ trên lửa để làm thỏa mãn những con người có lẽ đang đói và lạnh vì nước và gió biển. Người ta dễ thấy bánh có thể tượng trưng cho chính Chúa; nhưng còn cá nướng? Chúng ta biết ở những thế kỷ đầu các tín hữu vẫn vẽ hình con cá để làm tín hiệu cho nhau vì chữ Ictus (cá) cũng là những chữ đầu nói lên lời tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Cứu tinh nhân loại. Và như vậy cá nướng sẽ gợi lên ý tưởng Ðức Kitô chịu nạn. Có người còn nói thêm "lửa" kia chính là Thánh Thần. Và người ta kết kuận, Chúa đã dọn sẵn cho Hội Thánh khi lao nhọc chính Mình và Máu Người đầy Thánh Thần.
Nhưng điều ít mầu nhiệm hơn và dễ thấy hơn là việc Phêrô đưa thuyền vào bờ, nói lên chính ông sẽ làm việc nơi các người kế vị ông cho đến khi con thuyền Hội Thánh đưa tất cả các dân tộc vào bến bình an. Và như vậy chúng ta không càn giải thích nhiều nữa việc ông được Chúa đặt làm mục tử coi sóc cả đàn chiên Chúa. Dĩ nhiên đây là chủ đề của bài Tin Mừng hôm nay; nhưng tác giả đã sửa soạn kỹ quá, chúng ta thấy rõ ưu vị của Phêrô và hoạt động của ông; chúng ta sẵn sàng công nhận quyền lãnh đạo của ông khi Chúa đặt ông coi sóc chiên con và chiên mẹ.
Chắc chắn nhiều người vẫn hiểu việc Chúa hỏi Phêrô 3 lần về lòng mến như để bù lại 3 lần ông đã chối Người. Nhưng như thế cũng hơi lạ, vì nếu vậy, sao Chúa không đợi Phêrô trả lời xong 3 lần rồi hãy trao cho trách nhiệm chăn chiên? Do đó, nhiều nhà chú giải ngày nay nghĩ rằng: hỏi và thưa ba lần như vậy, cũng như được trao quyền 3 lần như thế, là để làm nổi bật ý nghĩa trọng đại của sự việc. Ấy là chưa kể ở thời kỳ chữ viết chưa phổ thông, việc lập lại lệnh truyền, hay lời thề ba lần là để nhấn mạnh sự chắc chắn và cho người làm chứng có thể nghe rõ ràng. Dù sao đây cũng là việc trao ban sứ mệnh quan trọng.
Và việc trao ban này đòi Phêrô phải mến Chúa Giêsu "hơn những người khác", vì thật là khó hiểu khi vị đại diện của Người trên trần gian lại không mến Người hơn những anh em khác? Và trách vụ chăn chiên đòi người ta phải theo gương vị Mục tử tốt đã hiến đến mạng sống mình vì yêu thương. Không có lòng yêu thương này, đã không có câu chuyện kể trong bài Tin Mừng hôm nay, và cũng đã không có những việc tốt đẹp thuật trong bài sách Công vụ các Tông đồ, và cũng chẳng có các buổi phụng vụ phục sinh ở dưới đất giống như Gioan nhìn thấy trong sách Khải huyền.
Chính Chúa đã thiết lập và để lại cho chúng ta Phụng vụ thánh thiện này để ở đây nơi bàn thờ này sẽ có Lửa Thánh Thần biến đổi bánh rượu nên Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô Tử nạn Phục sinh. Chúng ta hãy sốt sắng thờ phượng Con Chiên chịu sát tế như vạn vạn ngàn ngàn thiên thần ở trên trời.
Chúng ta hãy nhận lấy lương thực thiêng liêng này để thêm lòng mến Chúa Giêsu, dâng mình cho Người, sẵn sàng rao giảng Người bằng lời nói và hành động, và hợp tác với Hội Thánh và các vị chủ chăn trong việc đưa nhân loại về bến bình an nhờ Thánh Thần hoạt động nơi con người và đời sống yếu hèn của chúng ta; bởi vì Chúa Giêsu Phục Sinh đã giao cho Hội Thánh chúng ta sứ mạng ấy.
Chúng ta hãy đến với Người, tung hô Người, yêu mến Người, lãnh nhận Người, sống với Người và làm công việc của Người là cứu nhân độ thế.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 3 Phục SinhNăm C
Bài đọcActs 5:27b-32, 40b-41; Rev 5:11-14; Jn 21:1-14.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải tin nơi Thiên Chúa và những lời dạy dỗ của Đức Kitô.
Con người luôn bị đặt trong tình thế phải lựa chọn: nên tin vào sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa hay nên tin vào sự khôn ngoan và sức mạnh của chính mình hay của quyền lực thế gian. Phần đông con người xưa và nay đều chọn tin vào sự khôn ngoan và sức mạnh của chính mình và của quyền lực thế gian.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật những lý do tại sao con người nên tin vào sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Trong bài đọc I, Phêrô đặt câu hỏi cho những người trong Thượng Hội Đồng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hay vâng lời người phàm?” Trong bài đọc II, tác giả Sách Khải Huyền muốn nêu bật kết quả tuyệt vời của Kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, và Đức Kitô là người chiến thắng vinh quang mọi quyền lực của thế gian. Ngài xứng đáng lãnh nhận mọi danh dự, vinh quang, và muôn lời chúc tụng. Trong Phúc Âm, khi các môn đệ tuân theo những lời chỉ dẫn của Đức Kitô, họ đã bắt được một mẻ cá lớn, cá nhiều như thế mà lưới không rách, họ cũng được hưởng sự chăm sóc và yêu thương của Đức Kitô.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Các Tông Đồ hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Kitô.
1.1/ Phản ứng ngoan cố của những người trong Thượng Hội Đồng: Họ đã giết Đức Kitô cách vô cớ và họ đã bỏ tù các tông đồ lần thứ nhất cách vô tội. Đây là lần thứ hai họ xét xử các tông đồ sau khi các ngài được thiên thần hướng dẫn ra khỏi tù. Họ điệu các tông đồ đến giữa Thượng Hội Đồng; vị thượng tế hỏi các ông rằng: “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Jerusalem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi!”
Lẽ ra các người trong Thượng Hội Đồng phải nhận ra tội lỗi sau hai lần kết án người vô tội; đàng này họ lại muốn các tông đồ không được nhân danh Đức Kitô để giảng dạy và không được đổ cho họ tội giết oan Đức Kitô. Họ phải biết sức họ chỉ có thể tiếp nhận ánh sáng, chứ không thể tiêu diệt ánh sáng. Tuy vậy, vì sợ dân, họ không dám đổ máu các tông đồ; nhưng “cho gọi các Tông Đồ lại mà đánh đòn và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giêsu, rồi thả các ông ra.”
1.2/ Phản ứng của các tông đồ: Chúng ta có thể nhận ra sự can trường của Phêrô và các tông đồ. Các tông đồ mới từ trong tù được các thiên thần dẫn ra; các ông không sợ tù đày và quyền lực của Thượng Hội Đồng, nhưng lại tiếp tục làm chứng cho Đức Kitô. Các tông đồ nói lên một chân lý mà những người Do-thái kính sợ Thiên Chúa phải đồng ý với các ngài: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm.” Và họ tiếp tục làm chứng cho Đức Kitô: “Chúa Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Israel ơn sám hối và ơn tha tội. Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người.”
Khi bị đánh đập bởi Thượng Hội Đồng, các tông đồ không lấy làm đau đớn hay sợ hãi; nhưng các ngài hãnh diện vì được chịu khổ hình và thông phần vào cuộc khổ nạn với Đức Kitô.
2/ Bài đọc II: “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời!”
2.1/Bài ca trên trời ca tụng Con Chiên: Bảy điều các thiên thần ca tụng Con Chiên xứng đáng được lãnh nhận:
(1) Uy quyền: Thánh Phaolô gọi Đức Kitô là “uy quyền của Thiên Chúa” (1 Cor 1:24).
(2) Sung mãn: Nguồn ơn thánh cho nhân loại được tuôn tràn từ nơi Ngài; nhờ Ngài, chúng ta lãnh nhận hết ơn thánh này đến ơn thánh khác (Jn 1:16). Tác giả Thư Ephesô nói về “sự sung mãn không thể tìm kiếm đâu khác ngoài Đức Kitô” (Eph 3:8).
(3) Khôn ngoan: Đức Kitô là Ngôi Lời khôn ngoan của Thiên Chúa (Jn 1:1-2; 1 Cor 1:24).
(4) Sức mạnh: Đức Kitô có sức mạnh tước đoạt vũ khí của kẻ thù và thắng quyền lực của Satan (Lk 11:22).
(5) Danh dự: Khi nghe danh thánh của Đức Kitô, mọi gối trên trời, dưới đất, và trong nơi âm phủ phải bái quì và mở miệng tuyên xưng Đức Kitô là Chúa (Phil 2:11).
(6) Vinh quang: Thánh Gioan viết: “chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Jn 1:14b).
(7) Chúc tụng: Đức Kitô xứng đáng mọi lời chúc tụng của con người, vì Ngài đã lấy máu đào để đưa về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước mọi dân (Rev 5:9).
2.2/ Bốn điều các tạo vật ca ngợi Thiên Chúa và Con Chiên: Một điều căn bản, những gì thuộc về Cha thì cũng thuộc về Con.
(1) Chúc tụng: Thiên Chúa xứng đáng được chúc tụng vì Ngài đã dựng nên muôn vật, và là Đấng phác họa Kế hoạch cứu độ con người.
(2) Danh dự: Đức Kitô đến mặc khải danh của Thiên Chúa cho con người, và Ngài đã làm mọi sự để tôn vinh danh ấy (Jn 17:6).
(3) Vinh quang: Vinh quang của Thiên Chúa cũng là vinh quang của Đức Kitô trong thần tính của Ngài.
(4) Quyền năng: Thiên Chúa dùng quyền năng của Ngài mà cai trị muôn vật; nhất là cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết và vĩnh viễn tiêu diệt tử thần.
3/ Phúc Âm: Làm theo ý Thiên Chúa sẽ mang lại kết quả quá lòng mong đợi.
Nhiều người thắc mắc tại sao Phêrô và các tông đồ lại trở về nghề nghiệp đánh cá của các ông sau biến cố Phục Sinh, phải chăng các ông mất niềm tin vào Đức Kitô và không còn nhiệt thành rao giảng Tin Mừng cho Ngài? Chúng ta biết phép lạ về mẻ cá lạ lùng cũng được tường thuật bởi thánh sử Luke (Lk 5:1-11) trong giai đọan đầu của sứ vụ công khai rao giảng của Đức Kitô, khi Ngài kêu gọi các môn đệ đầu tiên theo Ngài. Matthew và Mark tuy không tường thuật về mẻ cá lạ lùng; nhưng giống như tường thuật của Luke, Chúa Giêsu mời gọi Phêrô trở thành kẻ “lưới cá người” (Mt 4:19; Mk 1:17).
Như chúng ta đã quen thuộc, Gioan không bao giờ dừng lại ở việc tường thuật các phép lạ; nhưng luôn muốn đưa người đọc lên một trình độ hiểu biết cao hơn. Chúng ta cần tìm hiểu đâu là trình độ hiểu biết mà Gioan muốn dẫn khán giả tới qua trình thuật hôm nay. Chương 21 được đa số các học giả cho là được thêm vào sau này bởi chính Gioan hay các môn đệ của Ngài.
3.1/ Làm theo ý riêng của con người sẽ chỉ chuốc lấy sự thảm bại: Trình thuật kể: “Sau đó, Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Tiberias. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Simon Phêrô, ông Thomas gọi là Didymus, ông Nathanael người Cana miền Galilee, các người con ông Zebedee và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Simon Phêrô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.” Điều có lẽ Gioan muốn nhấn mạnh ở đây là câu “đêm ấy họ không bắt được gì cả.”
3.2/ Làm theo thánh ý của Thiên Chúa và lời chỉ dẫn của Đức Kitô luôn mang tới thánh công: Trình thuật kể tiếp: “Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không.” Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.”
Kết quả mang lại do việc vâng lời làm theo ý Thiên Chúa làm cho Phêrô và các tông đồ nhận ra họ phải luôn luôn tìm kiếm và làm theo ý Thiên Chúa. Đây chính là mục đích mà Đức Kitô nhắc đi nhắc lại cho các môn đệ của Ngài khi còn sống với các ông: “Ta đến không để làm theo ý Ta; nhưng làm theo ý Đấng đã sai Ta” (Jn 4:34, 5:30, 6:38).
“Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!” ông Simon Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.” Phêrô một lần nữa nhận ra yếu đuối và khuyết điểm của mình. Trong hành trình hướng dẫn con thuyền Giáo Hội những ngày đầu tiên, Phêrô có lẽ nhiều lúc quá tin vào sự khôn ngoan và sức mạnh của bản thân, mà bỏ quên tìm nguồn sức mạnh và sự khôn ngoan nơi Thiên Chúa. Phép lạ “mẻ cá lạ lùng” nhắc nhở cho Phêrô và những người lãnh đạo trong Giáo Hội phải luôn tìm kiếm và làm theo thánh ý của Thiên Chúa.
3.3/ Chúa Giêsu vẫn tiếp tục đồng hành với các môn đệ. Trình thuật kể: “Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước. Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giêsu bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!””
+ Chúa Giêsu không sống cách biệt với các môn đệ sau khi Ngài phục sinh và lên trời; nhưng Ngài vẫn luôn quan tâm và chăm sóc các môn đệ của Ngài. Trong trình thuật hôm nay, Ngài quan tâm đến nhu cầu ăn uống của các ông, Ngài tự tay khơi lửa và nướng bánh và cá để các tông đồ có của ăn uống ngay sau khi đã làm việc vất vả suốt đêm.
+ Chúa Giêsu luôn có cách để bảo vệ Giáo Hội và môn đệ của Ngài: Điều kỳ lạ không phải chỉ ở chỗ nhiều cá mà còn ở chỗ mặc dù “lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.” Đây phải là hình ảnh của Giáo Hội trần thế: Chúa Giêsu vẫn đang bảo vệ Giáo Hội khỏi mọi ghen tị và phá phách của kẻ thù. Hơn 2000 năm qua, Giáo Hội vẫn đứng vững trước mọi tấn công của kẻ thù từ bên ngòai và từ bên trong; và sẽ còn đứng vững đến muôn đời như Đức Kitô đã hứa với Phêrô (Mt 16:18).
+ Nguồn sức mạnh của bí tích Thánh Thể: Sau đó, Đức Giêsu nói với các tông đồ: “”Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?” vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.” Đây là công thức của bí tích Thánh Thể mà các tông đồ đã trở nên quen thuộc. Qua bí tích này, Đức Kitô và chúng ta trở nên một để Ngài ở lại với chúng ta và giúp chúng ta sẵn sàng đương đầu với mọi gian khổ và sóng gió của cuộc đời. Chúng ta đừng bao giờ quên tìm sức mạnh nơi bí tích này.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Noi gương Đức Kitô, chúng ta phải luôn cố gắng làm cho danh Cha được cả sáng, nước Cha được trị đến, và ý cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
– Đức Kitô không bao giờ sống cách biệt chúng ta; Ngài vẫn đang đồng hành với Giáo Hội và với mỗi người để yêu thương, chăm sóc, hướng dẫn và bảo vệ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


05/05/2019 – CHÚA NHẬT TUẦN 3 PS – C
Ga 21,1-19

NHẬN RA ĐẤNG PHỤC SINH
Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. (Ga 21,4)
Suy niệm: “Có những lúc chúng ta đi trong cuộc sống mọi ngày, đã thấy Ngài, nhưng chẳng biết Ngài.” (Lm Thành Tâm, bài hát Trên đường Em-mau). Cũng giống như hai môn đệ Em-mau trên đường về quê không nhận ra Chúa Ki-tô phục sinh đang đồng hành với họ, các tông đồ Chúa cũng đã không nhận ra Ngài hiện diện trong cuộc sống của mình. Phải chăng đây cũng là điều mà mỗi người chúng ta đều trải nghiệm? Phải chăng chúng ta đang mải mê theo đuổi một mục tiêu trần thế nào đó – bổng lộc, tiền tài, chức quyền, danh vọng, lạc thú – mà không nhận ra Ngài đồng hành trong cuộc sống của mình?
Mời Bạn: Hai môn đệ đã được Lời Chúa sưởi ấm trước khi nhận ra Ngài là Đấng Ki-tô phục sinh khi Ngài bẻ bánh. Để bức màn của những lo toan trần thế không che khuất sự hiện diện của Đấng Vô Hình, không cản trở nguồn sức sống của Đấng Phục Sinh, chúng ta được mời gọi học hỏi kinh nghiệm này của hai môn đệ làng Em-mau: đó là dành thời gian cho Lời Chúa trong đời sống cầu nguyện mỗi ngày, một mình với Chúa hay cùng với gia đình, cộng đoàn của mình; đó là dành chỗ cho Chúa Ki-tô Thánh Thể qua việc tham dự thánh lễ và rước lễ thường xuyên, và nếu được, hằng ngày.
Sống Lời Chúa: Sắp xếp công việc và thời gian để có thể: – cầu nguyện hằng ngày trong gia đình; – tham dự thánh lễ và rước lễ thường xuyên hơn trong các ngày trong tuần.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con xác tín rằng Chúa vẫn sống và hiện diện trong cuộc đời chúng con, để chúng con nhờ tin mà được cứu độ.
(5 Phút Lời Chúa)


Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho môn đệ (5.5.2019 – Chúa Nhật Tuần 3 Phục Sinh)

Suy niệm:
Bảy môn đệ trở về với nghề xưa,
trở về Biển Hồ quen thuộc đầy ắp kỷ niệm thầy trò.
Dù đã chối Chúa, Phêrô vẫn được coi là thủ lĩnh.
Ông không ra lệnh, nhưng đưa ra lời mời kín đáo:
"Tôi đi đánh cá đây."
Các bạn khác hiểu ngay và mau mắn đáp lại:
"Chúng tôi cùng đi với anh."
Có một bầu khí dễ chịu, đầm ấm trong nhóm.
Ðây quả thực là một nhóm bạn lý tưởng.
Họ ở với nhau, làm việc với nhau cả đêm,
và lặng lẽ cùng nhau chia sẻ một thất bại.
Tuy nhiên, họ cũng là những người có tính tình khác nhau.
Người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến
thì nhạy cảm hơn, nhận ra Chúa Phục Sinh đứng trên bờ.
Nhưng sau đó, ông cứ điềm nhiên ngồi lại trong thuyền.
Còn Phêrô thì nồng nhiệt hơn, vội vã mặc áo,
nhảy tùm xuống nước bơi vào, vì nóng lòng muốn gặp Chúa.
Hai phản ứng khác nhau nhưng cùng diễn tả một tình yêu.
Có thể coi nhóm môn đệ trên là hình ảnh của Hội Thánh.
Hội Thánh hiệp nhất ngay giữa những khác biệt.
Sự hiệp nhất lại làm nổi bật bản sắc mỗi người.
Ðây không phải là một nhóm bạn khép kín,
nhưng là nhóm bạn được Chúa Phục Sinh sai ra khơi.
Chính sự hiện diện và lệnh truyền của Ngài
là bảo đảm cho thành công của những lần buông lưới.
Hội Thánh là một nhóm nhỏ được sai vào thế giới.
"Không có Thầy anh em chẳng làm gì được" (Ga 15,5).
Nhưng có Thầy, anh em sẽ được những mẻ cá lớn.
Nhóm bạn được sai đi cũng là nhóm bạn được quy tụ,
được sai đi bởi Chúa và được quy tụ bên Chúa.
Chúa Phục Sinh trở thành người dọn bữa ăn sáng.
Ngài cầm lấy bánh trao cho các ông.
Cử chỉ này gợi cho ta về những thánh lễ.
Chúng ta thường quên thánh lễ là một bữa ăn.
qua đó Chúa Phục Sinh nuôi ta bằng con người Ngài.
Chúng ta được mời dùng bữa trong niềm hân hoan vui sướng.
Hội Thánh truyền giáo phải được nuôi bằng Thánh Thể.
Hội Thánh vừa lan rộng khắp nơi, vừa tập trung nơi thánh lễ.
Ðó là nhịp thở đều đặn và cần thiết cho Hội Thánh.
Hội Thánh cũng là Hội Thánh được lãnh đạo bởi Simon Phêrô.
Phêrô tưởng tự mình có thể theo Thầy và chết vì Thầy,
nhưng ông đã chối Thầy như lời Thầy tiên báo.
Ba lần chối được hàn gắn bởi ba lần tuyên xưng tình yêu:
"Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy"
Ba lần tuyên xưng tình yêu đi với ba lần giao sứ mạng:
"Hãy chăn dắt chiên của Thầy."
Phêrô được chia sẻ sứ vụ mục tử của Thầy chí thánh,
cũng là chia sẻ thập giá của người hiến mạng vì đoàn chiên.
Hãy theo Thầy để đến nơi anh không muốn đến.
Có lẽ bây giờ Phêrô mới thật sự bước theo Thầy.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh
lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng con
như Chúa đã gọi tên chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.
Lúc chúng con chản nản và bỏ cuộc,
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.
Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa chúng con
như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.
Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.
Lúc chúng con vất vả suốt đêm mà không đươc gì,
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh,
xin tỏ mình ra
cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG NĂM
Những Cành Nho Vươn Tới Mọi Thế Hệ
Để hiểu thực tại Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, chúng ta cần đọc lại biểu tượng cây nho và các cành nho một cách kỹ lưỡng – và cần nghiền ngẫm ý nghĩa của biểu tượng ấy trong đáy lòng mình. “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái – vì không có Thầy, anh em sẽ chẳng làm gì được.” (Ga 15, 5).
Những cành nho nói trên không chỉ tượng trưng cho các cá nhân, mà còn tượng trưng cho các dân tộc thuộc mọi thời đại và mọi thế hệ. Những cành nho ấy siêu vượt trên thời gian và trên cả sự chết, vì Dân Thiên Chúa đã được qui tụ trong Đức Kitô. Dân tộc vĩ đại này của Thiên Chúa tạo thành một thân thể nhờ Đức Kitô. Nhờ Người, với Người và trong Người, mọi dân tộc trở nên một – như những cành của một thân nho. Và cây nho này là một cấu trúc hữu cơ sống động cung cấp cho tất cả chúng ta một sự sống duy nhất trong Đức Kitô.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 05/5
Chúa Nhật III Phục Sinh
Cv 5, 27-32.40-41; Kh 5, 11-14; Ga 21, 1-19.

LỜI SUY NIỆM: “Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simon, Phêrô: Này anh Simon con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”
        Chúa Giêsu  Phục Sinh, Người đã đếnvới các Tông Đồ tên bờ Biển Hồ và Người đã ban cho các ôn một mẽ lưới đầy cá, và một bữa ăn đã dọn sẵn, Và sau khi đã ăn xong thì Người gợi ý cho Phêrô sám hối. Điều này giúp cho mỗi người trong chúng ta là:  Người vẫn tiếp tục kêu gọi sự hoán cải của con người, đặc biệt là đối với những người thuộc về Người và đang lãnh nhận sứ vụ chăn sóc đoàn chiên của Ngươi; và loan báo Tin Mừng.
        Lạy Chúa Giêsu, ngày hôm nay Tin Mừng cho chúng con thấy được sự hoán cải nơi Thánh Phêrô, và sự tha thứ, tin dùng Thánh Phêrô của Chúa. Xin cho mỗi người trong chúng con nhận được ân sủng của Chúa lôi kéo và thúc đẩy, để đáp lại tình yêu thương xót của Chúa.
Mạnh Phương


05 Tháng Năm
Nhà Thờ Cho Người Da Màu
Trong quyển tự thuật, Mahatma Gandhi, cha đẻ của chủ trương tranh đấu bất bạo động và là người đã giải phóng Ấn Ðộ khỏi ách thống trị của người Anh, đã kể lại rằng: Trong những ngày còn làm sinh viên, ông đã đi lại khá nhiều tại Nam Phi. Ông đã say mê đọc kinh thánh và vô cùng cảm kích về bài giảng trên núi của Chúa Giêsu. Chính Tám Mối Phúc Thực đã gợi hứng cho chủ trương tranh đấu bất bạo động của ông.
Mahatta Gandhi xác tín rằng Kitô giáo là giải pháp cho mối ung nhọt phân chia giai cấp đang đục khoét xã hội Ấn từ bao thế kỷ qua. Ông đã nghĩ đến chuyện gia nhập vào Giáo Hội. Thế nhưng, ngày nọ, khi đến nhà thờ để dự lễ và đón nhận một vài lời chỉ dẫn, ông đã thất vọng: Ông vừa vào đến cửa nhà thờ thì những người da trắng chận ông lại và nói với ông rằng nếu ông muốn tham dự thánh lễ thì hãy tìm đến một nhà thờ dành riêng cho người da màu.
Mahatma Gandhi đã ra khỏi nhà thờ và ông đã không bao giờ trở lại bất cứ nhà thờ nào nữa.
Câu chuyện trên đây của Mahatma Gandhi đáng cho chúng ta suy nghĩ: vô tình hay hữu ý, ai trong chúng ta cũng có thể là một chướng ngại vật ngăn cản nhiều người muốn tìm đến với Giáo Hội. Một lời nói, một cử chỉ, một cách sống, nếu đi ngược lại với tinh thần của Tin Mừng, đều có thể là một cách xua đuổi người khác ra khỏi nhà thờ.
Không ai là một hòn đảo. Chân lý này đúng cho những tương quan giữa người với người mà còn có giá trị hơn nữa trong tương quan của niềm tin. Không có một hành động nào của người Kitô hữu mà không ảnh hưởng đến người khác. Trong mầu nhiệm của sự thông hiệp, chúng ta biết rằng tất cả mọi chi thể của Ðức Kitô đều liên kết khăng khít với nhau đến độ sức mạnh của người này là nơi nương tựa cho người khác, sự yếu đuối và tội lỗi của người này có thể làm tổn thương đến người khác… Trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Ðức Kitô, tất cả mọi chi thể đều liên đới với nhau, tất cả mọi người đều có trách nhiệm đối với nhau…
Không ai là một hòn đảo. Chân lý này cũng đúng cho tương quan của người tín hữu đối với người ngoài Giáo Hội. Mỗi người tín hữu đều phải là trung gian nhờ đó con người tìm đến với giáo Hội. Nói cho cùng, người tín hữu không sống cho mình mà sống cho tha nhân. Thật thế, có lẽ không ai trong chúng ta có thể vào Thiên Ðàng nếu chúng ta chưa giúp cho một người nào đó cũng vào Thiên Ðàng với chúng ta. Ðó chính là luận lý của Tin Mừng: Khi mất đi bản thân vì tha nhân, chúng ta mới tìm gặp lại chính mình.
(Lẽ Sống)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét