Trang

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

25-12-2020 : LỄ CHÚA GIÁNG SINH

 

Ngày 25 tháng 12

Lễ Chúa Giáng Sinh



Lễ Ban Ngày

 

Bài Ðọc I: Is 52, 7-10

"Khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðẹp thay chân người rao tin trên núi, người rao tin thái bình, người rao tin mừng, người rao tin cứu độ, nói với Sion rằng: Thiên Chúa ngươi sẽ thống trị!

Tiếng của người canh gác của ngươi đã cất lên. Họ sẽ cùng nhau ca ngợi rằng: Chính mắt họ sẽ nhìn xem, khi Chúa đem Sion trở về. Hỡi Giêrusalem hoang tàn, hãy vui mừng, hãy cùng nhau ca ngợi! Vì Chúa đã an ủi dân Người, đã cứu chuộc Giêru-salem. Chúa đã chuẩn bị ra tay thánh thiện Người trước mặt chư dân; và khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn xem ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4. 5-6

Ðáp: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta (c. 3c).

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.

3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca! - Ðáp.

4) Hãy ca mừng Chúa với cây đàn cầm, với cây đàn cầm với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Dt 1, 1-6

"Chúa đã phán dạy chúng ta qua người Con".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con mà Ngài đã đặt làm vị thừa kế vạn vật, và cũng do bởi Người Con mà Ngài đã tác thành vũ trụ. Nguyên vốn là phản ảnh sự vinh quang và là hình tượng bản thể Ngài, Người Con đó nâng giữ vạn vật bằng lời quyền năng của mình, quét sạch tội lỗi chúng ta, và ngự bên hữu Ðấng Oai Nghiêm trên cõi trời cao thẳm. Tên Người cao trọng hơn các thiên thần bao nhiêu, thì Người cũng vượt trên các thiên thần bấy nhiêu.

Phải, vì có bao giờ Thiên Chúa đã phán bảo với một vị nào trong các thiên thần rằng: "Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã hạ sinh Con"? Rồi Chúa lại phán: "Ta sẽ là Cha Người, và Người sẽ là Con Ta". Và khi ban Con Một mình cho thế gian, Chúa lại phán rằng: "Tất cả các thiên thần Chúa hãy thờ lạy Người!"

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Ngày thánh đã dọi ánh sáng trên chúng ta. Hỡi các dân, hãy tới thờ lạy Chúa, vì hôm nay ánh sáng chan hoà đã toả xuống trên địa cầu. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 1, 1-18 {hoặc 1-5. 9-14}

"Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta".

Bắt đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy.

Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.

Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đã đến nhằm việc chứng minh, để ông chứng minh về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. Chính ông không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng.

Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.

Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.

Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: "Ðây là Ðấng tôi tiên báo. Người đến sau tôi, nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi".

Chính do sự sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác. Bởi vì Chúa ban Lề luật qua Môsê, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Ðức Giêsu Kitô. Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Ðấng ngự trong Chúa Cha, sẽ mạc khải cho chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

 

Hoặc đọc bài vắn này: Ga 1, 1-5. 9-14

"Ngôi Lời đã làm Người và ở cùng chúng ta"

Bắt đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy.

Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.

Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.

Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.

Ðó là lời Chúa.

 


Suy niệm 

Trong ngày đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh,
Giáo Hội cho chúng ta nghe Lời mở đầu Tin Mừng theo thánh Gioan.
Lời mở đầu này là một bài ca về sự cao trọng vô song của Ngôi Lời.
Ngôi Lời là Đấng vĩnh hằng, đã hiện hữu từ nguyên thủy.
Ngài là Thiên Chúa, là Con Một luôn hướng về Thiên Chúa Cha (c. 1).
Tương quan giữa Thiên Chúa và Ngôi Lời là tương quan giữa Cha với Con.
Thiên Chúa Cha đã muốn Ngôi Lời cộng tác trong việc tạo dựng vũ trụ.
Nhờ Ngôi Lời mà vạn vật được tạo thành (cc. 3, 10).
Chẳng có thụ tạo nào hiện hữu mà lại không được dựng nên bởi Ngôi Lời.
Dù khác nhau về màu da, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo…
mỗi con người đều mang trong mình Sự Sống của Ngôi Lời.
Sự Sống ấy là Ánh Sáng vẫn chiếu soi cả nhân loại (c. 4),
và soi chiếu lương tâm từng con người, chẳng trừ ai (c. 9),
bất chấp sức mạnh gớm ghê của bóng tối (c. 5).

Rồi khi đến thời viên mãn, vì quá yêu thương con người trầm luân
Thiên Chúa đã sai Ngôi Lời, Con Một của Ngài vào trần gian để cứu độ.
Ngôi Lời vĩnh cửu đã trở nên người phàm, mang tên Giêsu,
mang thân xác giới hạn như chúng ta, sống trong dòng lịch sử,
và ở giữa chúng ta trên cùng một trái đất (v. 14).
Đấng Tạo thành vạn vật bây giờ trở nên một thụ tạo bé nhỏ,
được sinh ra, được bú mớm, từ từ lớn lên và trưởng thành.
Đấng Tạo thành vạn vật nay sẽ là Đấng Cứu độ loài người,
để ai tin vào Ngài thì Ngài cho họ quyền làm con cái Thiên Chúa (c. 12).

Khi vâng ý Cha chấp nhận nhập thể và nhập thế,
Ngôi Lời đã cúi xuống bắc cầu nối kết Thiên Chúa với con người,
để đưa con người vào sống tình thân với Thiên Chúa.
Chưa bao giờ và mãi mãi về sau,
chẳng bao giờ có một Vị Trung Gian cứu độ nào tuyệt vời đến thế.
Vì chỉ mình Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là một con người thật.
Mừng lễ Giáng Sinh là mừng đại lễ Thiên Chúa đến cứu con người.
Thiên Chúa Cha không muốn cứu độ nhân loại bằng cách chỉ phán một lời.
Ngài muốn tặng cho ta món quà cao quý là chính Người Con duy nhất.
Chẳng ai thấy tận mắt hay biết rõ Thiên Chúa bao giờ.
Nhưng nơi Đức Giêsu, chúng ta được quen biết và gặp gỡ Thiên Chúa.
Vì duy chỉ mình Ngài là Con hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha (c. 18).

Lễ Giáng Sinh đem lại niềm vui cho toàn thể thế giới con người.
Vì Con Thiên Chúa đã mang phận người vất vả, long đong,
nên đời người, dù đổ vỡ khổ đau, cũng có ý nghĩa, và đáng sống.
Vì Con Thiên Chúa đã mang khuôn mặt, và thân xác con người,
nên bất cứ ai là người, đều mang hình ảnh của Con Thiên Chúa.
Vì Con Thiên Chúa đã cư ngụ trên trái đất nhỏ xíu này của chúng ta,
đã sống nhờ không khí, nước và thức ăn của trái đất này,
nên trái đất này thật là thế giới linh thánh, cần trân trọng.
Lễ Giáng Sinh bao giờ cũng mời ta nhìn lại đời mình,
nhìn lại khuôn mặt những người chung quanh, nhìn lại trái đất mình sống,
với lòng kính trọng, vui sướng, và biết ơn.
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, là quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại.
Ước gì tôi biết đưa hai tay ra để đón lấy quà tặng cao quý ấy.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
Khi làm người, Chúa đã nhận trái đất này làm quê hương,
và đã ban cho chúng con như một quà tặng tuyệt vời.
Nếu rừng không còn xanh, suối không còn sạch,
và bầu trời vắng tiếng chim.
thì đó là lỗi của chúng con.

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã đến làm người để tôn vinh phận người,
vậy mà thế giới vẫn có một tỷ người đói,
bao trẻ sơ sinh bị giết khi chưa mở mắt chào đời,
bao kẻ sống không ra người, nhân phẩm bị chà đạp.
Đó là lỗi của chúng con.

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đến đem bình an cho người Chúa thương,
vậy mà trái đất của chúng con chưa một ngày an bình.
Chiến tranh, khủng bố, hận thù ở khắp nơi.
Người ta cứ giết nhau bằng thứ vũ khí tối tân hơn mãi.
Đó là lỗi của chúng con.

Lạy Chúa Giêsu ở Belem,
Chúa đã cứu độ thế giới bằng tình yêu khiêm hạ,
nhưng bất công, ích kỷ và dối trá vẫn có mặt trên địa cầu.
Chúa đến đem ánh sáng, nhưng bóng tối vẫn tràn lan.
Chúa đến đem tự do, nhưng con người vẫn bị trói buộc.
Đó là lỗi của chúng con.

Vì lỗi của chúng con, chương trình cứu độ của Chúa bị chậm lại,
và giấc mơ của Chúa sau hai ngàn năm vẫn chưa thành tựu.
Mỗi lần đến gần máng cỏ Belem,
xin cho chúng con nghe được lời thì thầm gọi mời của Chúa
để yêu trái đất lạnh giá này hơn,
và xây dựng nó thành mái ấm cho mọi người.

 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.

 


Lectio Divina: Chúa Giáng Sinh (B)

Thứ Sáu, 25 Tháng 12, 2020

Chúa Giêsu Ra Đời

Lc 2:1-20

 

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Thánh Thần của chân lý, được Chúa Giêsu sai đến để hướng dẫn chúng con tìm đến sự toàn chân, xin Chúa hãy soi sáng tâm trí chúng con để chúng con có thể hiểu được lời Kinh Thánh.  Ngài là Đấng đã rợp bóng trên Đức Maria và khiến bà thành mảnh đất màu mỡ nơi Lời của Chúa có thể nẩy mầm, xin hãy thanh tẩy tâm hồn chúng con khỏi mọi trở ngại hướng đến Lời Chúa.  Xin giúp chúng con tìm hiểu giống như Đức Maria xưa kia với trái tim trinh khiết và tốt lành để lắng nghe Lời Chúa nói với chúng con trong cuộc sống và trong Kinh Thánh, để chúng con có thể tuân giữ Lời Chúa và sinh sản được hoa trái tốt tươi qua sự kiên trì của chúng con.

 

 2.  Bài Đọc

 

a)  Bối cảnh:

Bài Tin Mừng của chúng ta ngày hôm nay là một phần của đoạn Phúc Âm theo thánh Luca nói về thời thơ ấu của Chúa và bao gồm hai chương đầu của sách Phúc Âm thứ ba.  Đó là Phúc Âm của tuổi thơ.  Vì thế, trọng tâm chính của tác giả không phải về một dữ liệu, hay cho chúng ta biết các chi tiết lịch sử về việc ra đời của Đức Giêsu, mà là loan báo Tin Mừng về sự giáng sinh của Đấng Cứu Thế được mong chờ.  Hài nhi Giêsu đã được xem như là Chúa như đã được công bố trong lời tông truyền.

Tương tự như hai chương đầu của sách Tông Đồ Công Vụ về sự chuyển tiếp từ thời đại của Chúa Giêsu sang thời đại Giáo Hội, do đó hai chương đầu của Phúc Âm Luca là về sự chuyển đổi từ Cựu Ước sang Tân Ước.  Thường xuyên có những lời trích dẫn và hàm ý đến Cựu Ước.  Các nhân vật, ví dụ như ông Giacaria và bà Êlisabéth, ông Simêon và bà Anna, thánh Giuse và đặc biệt là Đức Maria, đại diện cho tinh thần người nghèo của Chúa được mô tả trong giai đoạn cuối của Cựu Ước.  Tất cả mọi người, và đặc biệt là Đức Maria, vui mừng vì sự cứu rỗi mà họ mong mỏi đã đến.

Thánh Luca phân chia Tin Mừng thời thơ ấu của Đức Giêsu ra làm bảy cảnh:  lời công bố việc ra đời của Gioan Tẩy Giả (1:5-25), lời công bố việc giáng sinh của Đức Giêsu (1:26-38), chuyến thăm viếng bà Êlisabéth của Đức Maria (1:39-56), Gioan Tẩy Giả ra đời (1:57-80), Đức Giêsu được sinh ra (2:1-21), Chúa Giêsu được dâng trong Đền thờ (2:41-52).  Nhiều học giả tin rằng thánh Luca có ý muốn tạo nên sự tương ứng giữa Chúa Giêsu và Gioan Tẩy Giả để cho thấy tính ưu việt của Chúa Giêsu so với Gioan, vị ngôn sứ cuối cùng.  Với sự ra đời của Đức Giêsu đã bắt đầu cho kỷ nguyên mới hướng về điều mà Cựu Ước mong mỏi.   

b)  Phúc Âm:  

Ngày ấy, có lệnh của hoàng đế Cêsarê Augustinô ban ra, truyền cho khắp nơi phải làm sổ kiểm tra.  Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, thực hiện thời Quirinô làm thủ hiến xứ Syria.  Mọi người đều lên đường trở về quê quán mình.  Giuse cũng rời thị trấn Nagiarét trong xứ Galilêa trở về quê quán của Đavít, gọi là Bêlem, vì Giuse thuộc hoàng gia và là tôn thất dòng Đavít, để kiểm tra cùng với Maria, bạn người, đang có thai.  Sự việc xảy ra, trong lúc ông bà đang ở đó, là Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa, và bà đã hạ sinh con trai đầu lòng.  Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán.

Bấy giờ trong miền đó có những người mục tử đang ở ngoài đồng và thức đêm để canh giữ đoàn vật mình.  Bỗng có thiên thần Chúa hiện ra đứng gần bên họ, và ánh sáng của Thiên Chúa bao tỏa chung quanh họ, khiến họ hết sức kinh sợ.  Nhưng thiên thần Chúa đã bảo họ rằng:  “Cá ngươi đừng sợ, đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân:  Hôm nay Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Đavít.  Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người:  Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ.”  Và bỗng chốc, cùng với các thiên thần, có một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng thanh hát khen Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm.” Khi các thiên thần biến đi, thì các mục tử nói với nhau rằng:  “Chúng ta đi đến Bêlem và coi xem sự việc đã xảy ra mà Chúa đã cho chúng ta được biết.”  Rồi họ hối hả tới nơi và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ.  Khi thấy thế, họ đã hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này.  Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.  Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những sự việc đó, và suy niệm trong lòng.  Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.  

 

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

 

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

 

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

 

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

 

a)  Tôi có dành chỗ nào trong cuộc sống của tôi cho Chúa Giêsu không?    

b)  Các dấu hiệu của sự hiện diện Thiên Chúa trao ban cho tôi là gì? 

c)  Tôi đáp ứng với các dấu hiệu này như thế nào? 

d)  Chúa Giêsu đã được sinh ra để mang niềm vui và an bình.  Những món quà này mô tả đặc điểm cuộc đời tôi đến đâu rồi?

e)  Tôi có phải là người mang niềm vui và an bình đến cho những người khác không?  

 

5.  Chìa khóa của bài đọc

 

Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong bài Tin Mừng.

 

·         “Không còn chỗ cho họ”

Chúa Giêsu được sinh ra trong sự nghèo khổ cùng cực.  Đó không chỉ là chuyện thiếu thốn vật chất của gia đình Chúa.  Nó còn hơn thế nữa.  Chúa được sinh ra tại nơi xa khỏi ngôi làng cha mẹ Người sinh sống, xa khỏi tình yêu thương của bạn bè và thân thích, xa khỏi sự ấm cúng của gia tộc, dù rằng là người nghèo.  Chúa được sinh ra ở giữa những người xa lạ không màng chi đến Người và chỉ có một máng cỏ cho việc giáng sinh của Người.

Chúng ta thấy ở đây mầu nhiệm nhập thể tuyệt vời.  Thánh Phaolô sẽ nói:  “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8:9).  Lời mở đầu của Tin Mừng theo Gioan khẳng định rằng mặc dầu qua Người mà thế gian được tạo thành, Đức Giêsu, Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1:11).  Đó là tấn bi kịch đánh dấu toàn bộ cuộc đời của Đức Giêsu, tiến đến tột đỉnh của nó trong sự chối bỏ tuyệt đối tại cuộc tra án xét xử trước quan tổng trấn Philatô (xem Ga 18:28-19:16).  Trong phần phân tích cuối cùng, tấn bi kịch về Thiên Chúa, Đấng mặc khải chính mình và liên tục hiến tặng chính thân mình cho nhân loại và bị thường xuyên khước từ. 

 

·         Một dấu chỉ sắp được giải mã

Tuy nhiên, phải nói rằng không dễ dàng gì cho người thời bấy giờ nhận ra được Chúa Giêsu.  Điều ấy không bao giờ là việc dễ dàng cho bất cứ ai, ngay cả ngày nay, để nhận ra thực sự Người là ai.  Chỉ có sự mặc khải của Thiên Chúa mới có thể mặc khải mầu nhiệm của Người (xem ví dụ Ga 5:37; 6:45).  Trong câu chuyện giáng sinh của Người, mục đích lời loan báo của thiên thần chính là để mặc khải mầu nhiệm của Người.

Thật ra, đoạn Tin Mừng của chúng ta gồm có ba phần.  Trong các câu 1-7, chúng ta có sự kiện về sự ra đời của Đức Giêsu trong một bối cảnh rõ ràng.  Đó là sự ra đời của một hài nhi trai giống như những em bé trai khác.  Các câu 8-14 cho chúng ta biết về lời loan báo của thiên thần và thị kiến các thiên thần đồng thanh hát khen. Đó là sự mặc khải của Thiên Chúa (câu 15) giúp chúng ta khám phá ra trong “dấu hiệu” của “một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ” (câu 12) “Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế” (câu 11).  Trong phần cuối (các câu 15-20), chúng ta bắt gặp các phản ứng khác nhau về sự mặc khải của mầu nhiệm.  Khi dấu chỉ mà Thiên Chúa ban cho được nhận với lòng khiêm nhu, nó đánh dấu sự khởi đầu của cuộc hành trình đức tin hướng về Người, Đấng đã tự mặc khải chính mình.     

 

·         Làm cách nào để giải mã dấu chỉ và chào đón Đức Giêsu

Văn bản của chúng ta đưa ra ba phản ứng về mầu nhiệm Đức Giêsu.

Đầu tiên là các mục đồng.  Họ được biểu thị bởi một số động từ của mong đợi/tìm kiếm và khám phá:  “(họ) thức đêm … canh giữ” (câu 8); “chúng ta hãy đến và coi xem…” (câu 15); “họ hối hả tới nơi và gặp thấy…” (câu 16).  Các mục đồng đã sẵn sàng cho sự mặc khải của mầu nhiệm.  Họ đón nhận nó trong sự hồn nhiên và tin vào nó  (xem các câu 15 và 20) và họ đã trở nên các chứng nhân cho những gì đã được mặc khải cho họ (xem câu 17).  Sau đó, có “những người nghe” những gì các mục đồng nói với họ về Hài Nhi Giêsu (câu 16).  Họ ngạc nhiên, không thể nhìn thấy được ý nghĩa thực sự của sự kiện đã xảy ra trong bọn họ.  Sau cùng là phản ứng của Đức Maria.  Tác giả Phúc Âm đưa ra sự tương phản về phản ứng của bà với phản ứng của “những người nghe”.  Thật ra, Luca giới thiệu bà với những chữ “về phần Maria” (câu 19).  Giống như họ, Đức Maria đã không nghe thấy lời loan báo của thiên thần và đã không trông thấy các thiên thần hát mừng, mà chỉ được nghe từ lời chứng của các mục đồng.  Nhưng bà đã chấp nhận điều ấy.  Một cách chắc chắn, bà đã có lời truyền tin của thiên thần nói riêng cho mình bà tại lúc khởi đầu của cả toàn bộ câu chuyện này (1:26-38).  Thiên thần đã nói về người con mà bà sinh ra là Con Đấng Tối Cao sẽ trị vì cho đến muôn đời (xem câu 1:32 và 35). Nhưng những điều vừa mới xảy ra, sự ra đời trong những hoàn cảnh như thế, có thể gây ra nghi ngờ về những lời này.  Bây giờ các mục đồng xuất hiện và lại nói những điều tốt đẹp về con trai của bà.  Đức Maria ghi nhớ tất cả mọi việc trong lòng, những lời của thiên thần, những lời của các mục đồng, các sự kiện diễn ra và cố gom góp lại để hiểu về bé trai này, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho bà là ai, sứ vụ của người con này là gì và nhiệm vụ của bà trong tất cả những việc này là gì. Đức Maria là một người phụ nữ chiêm niệm, giữ cho mắt và tai của bà luôn rộng mở để khỏi bỏ lỡ bất cứ điều gì.  Khi ấy, bà giữ lại và suy niệm tất cả trong sự thinh lặng của tâm hồn chiêm niệm của mình.  Đức Maria là một Trinh Nữ chu đáo, có khả năng nhận lãnh lời Thiên Chúa nói với bà trong các sự kiện hằng ngày của đời sống.  Chỉ có những người muốn tìm kiếm như các mục đồng và có tâm hồn chiêm niệm của Đức Maria mới có thể giải mã được các dấu hiệu của sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa trong đời sống của họ và để đón nhận Đức Giêsu vào trong lòng họ.   

 

6.  Thánh Vịnh 98                                                                                                     

Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới,

Vì Người đã thực hiện những việc lạ lùng.

Tay mặt Người đã đem lại toàn thắng,

Cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

Chúa đã công bố ơn cứu độ,

Đã tỏ sự công chính Người trước mặt chư dân.

Người đã nhớ lại lòng nhân hậu,

Và lòng trung thành đối với nhà Israel.
Mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất,

Đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Toàn thể địa cầu hãy hân hoan mừng Chúa,

Hãy vui mừng hoan lạc và đàn ca.

Hãy ca mừng Chúa với đàn cầm thụ!

Với đàn cầm thụ, với nhạc rân ran!

Hãy thổi sáo và thúc tù và,

Hân hoan trước thành nhan Chúa là Vua!

Gầm vang lên, hỡi biển cả cùng muôn hải vật,

Địa cầu với toàn thể dân cư!

Sông lạch ơi, vỗ tay đi nào,

Đồi núi hỡi, reo mừng trước tôn nhan Chúa.

Vì Người ngự đến xét xử trần gian,

Người xét xử địa cầu theo đường công chính,

Xét xử muôn dân theo lẽ công bình.

7.  Lời Nguyện Kết

 

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng!  Chúa là kho báu duy nhất của con, con xin dâng hoàn toàn hồn xác con đây cho trí tưởng tượng thiêng liêng của Chúa.  Con không có niềm vui nào khác hơn là thấy Chúa mỉm cười.  Xin hãy khắc dấu ấn trên con với ân sủng Chúa và với các đức tính trẻ thơ của Người, để mà vào ngày sinh nhật của con trên thiên đàng, các thiên thần và các thánh có thể nhận ra những dấu này trong người phối ngẫu bé nhỏ của Chúa.

 

(Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan Chúa, lời nguyện thứ 14)

www.dongcatminh.org

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét