02/02/2014
CHÚA NHẬT IV MÙA THƯỜNG NIÊN Năm A
(phần I)
ĐỨC MẸ DÂNG CHÚA TRONG ĐỀN THÁNH
BÀI ĐỌC I: Ml 3, 1-4
"Đấng Thống Trị
mà các ngươi tìm kiếm, đến trong đền thánh Người".
Trích
sách Tiên tri Malakhi.
Này
đây Chúa là Thiên Chúa phán: "Đây Ta sai thiên thần Ta đi dọn đường trước
mặt Ta!" Lập tức Đấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm, và thiên thần giao
ước mà các ngươi mong ước, đến trong đền thánh Người. Chúa các đạo binh phán:
"Này đây Người đến". Ai có thể suy tưởng đến ngày Người đến, và có thể
đứng vững để trông nhìn Người? Vì Người sẽ như lửa thiêu đốt, như thuốc giặt của
thợ giặt. Người sẽ ngồi như thợ đúc và thợ lọc bạc, Người sẽ thanh tẩy con cái
Lêvi, và làm cho chúng nên sạch như vàng bạc. Chúng sẽ hiến dâng lễ tế cho Chúa
trong công bình. Lễ tế của Giuđa và Giêrusalem sẽ đẹp lòng Chúa, như ngày xưa
và như những năm trước. Đó là lời Chúa toàn năng phán. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 23, 7. 8. 9.
10
Đáp: Vua hiển vinh
là ai vậy? (c. 8a)
Xướng: 1) Các cửa ơi, hãy
ngẩng đầu lên; vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu! để Vua hiển vinh Người ngự qua.
- Đáp.
2)
Nhưng Vua hiển vinh là ai vậy? Đó là Chúa dũng lực hùng anh, đó là Chúa anh
hùng của chiến chinh. - Đáp.
3)
Các cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên, vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu, để vua hiển
vinh Người ngự qua. - Đáp.
4)
Nhưng Vua hiển vinh là ai vậy? Đó là Chúa đạo thiên binh, chính Người là Hoàng
Đế hiển vinh. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: Dt 2, 14-18
"Người phải
nên giống anh em Mình mọi đàng".
Trích
thư gửi tín hữu Do-thái.
Vì
các con trẻ cùng chung thân phận máu thịt, chính Chúa Giêsu cũng giống như
chúng, cũng thông phần điều đó, để nhờ cái chết của Người mà Người huỷ diệt kẻ
thống trị sự chết là ma quỷ, và để giải thoát tất cả những kẻ sợ chết mà làm nô
lệ suốt đời. Vì chưng Người không đến cứu giúp các thiên thần, nhưng đến cứu
giúp con cái Abraham. Bởi thế, Người nên giống anh em Mình mọi đàng, ngõ hầu
trong khi phụng sự Chúa, Người trở thành đại giáo trưởng nhân lành và trung tín
với Chúa, để đền tội cho dân. Quả thật, bởi chính Người đã chịu khổ hình và chịu
thử thách, nên Người có thể cứu giúp những ai sống trong thử thách. Đó là lời
Chúa.
ALLELUIA: Lc 2,32
Alleluia,
alleluia! - Ánh sang đã chiếu soi muôn dân, và là vinh quang của Israel dân
Chúa. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 2, 22-32
{hoặc 22-40}
"Mắt tôi đã
nhìn thấy ơn cứu độ".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên
Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: "Mọi
con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa". Và cũng để
dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy, hay một
cặp bồ câu con.
Và
đây ở Giêrusalem, có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ
Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông.
Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy Đấng
Kitô của Chúa. Được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ
Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng
Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
"Lạy
Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán:
vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt
muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân
Chúa".
{Cha
mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai
ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: "Đây trẻ này được đặt lên, khiến
cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục
tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để
tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!"
Lúc
ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên.
Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi thủ tiết cho đến nay
đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng
sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu
cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.
Khi
hai ông bà hoàn tất mọi điều theo Luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành
mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa
Thiên Chúa ở cùng Người.} Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : ÁNH SÁNG VÀ VINH QUANG
Để gặp được Chúa trong đời thường, chúng ta cần
có lòng mong ngóng, cần sống đời sống đẹp lòng Chúa và cần được Thánh Thần mách
bảo.
“Thứ bốn thì ngắm, Đức Bà
dâng Chúa Giêsu trong đền thánh,
ta hãy xin cho được vâng
lời chịu lụy.”
Đức Mẹ đã muốn giữ Luật
Chúa một cách nghiêm chỉnh.
Luật trong sách Lêvi (12,
2-8) đòi buộc người mẹ 40 ngày sau khi sinh con trai
phải lên đền thờ để được
thanh tẩy và phải dâng lễ vật nữa.
Nếu không đủ khả năng
dâng một con chiên và một bồ câu non
thì phải dâng một cặp bồ
câu non hay một đôi chim gáy.
Ngày nay chúng ta không
thể hiểu tại sao Đức Mẹ phải dâng lễ tạ tội
và phải được thanh tẩy
sau khi sinh Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.
Tại sao việc sinh nở lại
bị coi là ô uế?
Dù sao Mẹ Đấng Cứu Thế đã
vâng theo Luật dạy.
Hơn nữa, cùng với thánh
Giuse, Mẹ đã dâng Con cho Chúa trong đền thờ.
Điều này Luật không buộc,
nhưng Mẹ đã làm vì lòng sốt sắng.
Thật ra để chuộc lại con
trai đầu lòng,
chỉ cần trả cho tư tế gần
60 gam bạc (Ds 18, 15-16).
Mẹ sung sướng đem Con lên
đền thờ dâng cho Thiên Chúa
vì hơn ai hết Mẹ biết
rằng Hài Nhi Giêsu này là quà tặng Chúa ban cho mình.
Dâng Con là nhìn nhận Con
mình mãi mãi thuộc trọn về Chúa,
ở với Chúa và làm việc
cho Chúa suốt đời,
dù mình đã chuộc Con về
bằng một số bạc được ấn định theo Luật dạy.
Bài Tin Mừng hôm nay có 4
lần nói đến “Luật” (cc.23.24.27.39).
Về việc giữ Luật, Đức
Maria đã không đòi một ngoại lệ hay đặc ân nào.
Hãy nhìn ngắm Thánh Gia
lên đền thờ.
Một đôi vợ chồng nghèo
bồng một đứa con còn rất nhỏ.
Ai có thể nhận ra đứa bé
này là Đấng Kitô, là ơn cứu độ cho muôn dân?
Đó là cụ Simêon, một
người đạo hạnh, luôn mong chờ điều Chúa hứa.
Hơn nữa cụ là người có
Thánh Thần hằng ngự trên (c.25),
người được Thánh Thần
linh báo (c. 26), và thúc đẩy lên đền thờ (c. 27).
Chính Thánh Thần làm cụ
nhận ra điều mắt thường không thấy,
Và cụ sung sướng, mãn
nguyện bồng Hài Nhi trên tay.
Cụ bà ngôn sứ Anna cũng
nhận ra Đấng Cứu chuộc đến với mình.
Cụ là người đạo đức, ăn
chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa.
Cụ bà Anna đã công khai
giới thiệu Hài Nhi cho những người chung quanh.
Để gặp được Chúa trong
đời thường, chúng ta cần có lòng mong ngóng,
cần sống đời sống đẹp
lòng Chúa và cần được Thánh Thần mách bảo.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin nhận lấy trọn cả tự
do, trí nhớ, trí hiểu,
và trọn cả ý muốn của
con,
cùng hết thảy những gì
con có,
và những gì thuộc về con.
Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,
lạy
Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.
Tất cả là của Chúa,
xin
Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.
Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.
Được như thế, con hoàn
toàn mãn nguyện. Amen.
(Kinh dâng hiến của thánh
I-Nhã)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu,
SJ
Lời Chúa Mỗi Ngày
Dâng Con Trong Đền Thờ
(Ngày 2 tháng 2)
Bài đọc: Mal 3:1-4; Heb
2:14-18; Lk 2:22-32.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa
Giêsu vào Đền Thờ để gặp gỡ dân Người.
Đền
Thờ là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa con người: bắt đầu với Lều Hội
Ngộ khi con cái Israel vẫn còn lang thang suốt 40 năm trường trong sa mạc; sau
khi ổn định trong Đất Hứa, vua Solomon đã xây dựng một Đền Thờ và di chuyển Hòm
Bia vào nơi Cực Thánh, để con người đến cầu nguyện và dâng lễ hy sinh đền tội;
khi Đền Thờ Jerusalem bị phá hủy toàn bộ vào năm 70 AD, sự hiện diện của Thiên
Chúa không chỉ còn giới hạn tại Jerusalem, nhưng lan tràn mọi nơi, bất cứ nơi
nào có nhà thờ, nơi đó có Chúa Giêsu hiện diện với con người cho đến Ngày Tận
Thế.
Các
bài đọc hôm nay muốn nhấn mạnh đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đền Thờ để
gặp gỡ dân Ngài. Trong bài đọc I, tiên-tri được coi như cuối cùng của Cựu Ước,
Malachi, nhìn thấy trước ngày Thiên Chúa thân hành hiện đến thăm viếng dân Người
để thanh tẩy họ khỏi mọi tội lỗi; một sứ giả sẽ đi trước chuẩn bị đường cho
Ngài. Trong bài đọc II, tác giả Thư Do-thái mô tả cách thức hiện diện của Thiên
Chúa: Ngài sẽ mặc lấy xác phàm của con người để ở với con người, để con người
có thể trông thấy Ngài bằng xương thịt. Ngài sẽ trải qua tất cả những đau khổ của
kiếp người để cảm thông, để trợ giúp, và để xóa sạch tất cả tội lỗi của con người.
Trong Phúc Âm Lucas, cụ già Simeon là người đầu tiên được xem thấy Chúa khi cha
mẹ mang Ngài đến để gặp gỡ dân Người. Simeon sẵn sàng nhắm mắt ra đi, vì ông đã
được nhìn thấy ơn cứu độ bằng xương thịt như lời các tiên tri loan báo.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến.
Sách
tiên-tri Malachi được viết sau Thời Lưu Đày, khoảng 515 BC. Cũng như nhiều các
tiên-tri khác, tiên-tri Malachi tin triều đại của Đấng Thiên Sai đã gần đến:
“Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa
Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ
giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, Đức Chúa các đạo
binh phán.” Theo lời tiên-tri Malachi, một Sứ-giả sẽ đến trước để dọn đường trước
khi Đấng Thiên Sai tới; và khi đã dọn đường xong, Đấng Thiên Sai sẽ đến bất cứ
lúc nào.
1.1/
Vai trò của Sứ-giả:
Truyền thống Do-thái tin Ngày Đấng Thiên Sai tới sẽ là ngày kinh hoàng của kẻ dữ,
nhưng sẽ mang hy vọng cho những người Israel còn sót. Tiên-tri Malachi nói về
Ngày này như sau: “Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện?
Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt. Người sẽ
ngồi để luyện kim tẩy bạc; Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi và tinh luyện chúng
như vàng, như bạc.”
Hai
nhiệm vụ chính của Sứ-giả dọn đường cho Đấng Thiên Sai là thanh tẩy và tinh luyện
tâm hồn dân chúng để họ sẵn sàng cho Ngày của Thiên Chúa. Hai chất liệu được
dùng là lửa của người luyện kim và thuốc tẩy của người thợ giặt. Lửa được dùng
để thử cho biết vàng nào là vàng thực và tinh luyện nó khỏi mọi vết dơ bẩn. Thuốc
tẩy được dùng để tẩy sạch những vết dơ bám vào trong quần áo. Điều Sứ-giả cần
thanh tẩy và tinh luyện chính là tâm hồn con người, sao cho xứng đáng để có thể
đứng vững trong Ngày của Đức Chúa.
Tiên-tri
Malachi lên án những lỗi lầm của hàng tư tế vì họ lười biếng và khinh thường
Thiên Chúa trong việc thờ phượng. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa không nhận lễ
vật của họ, Ngài sẽ chọn lễ vật trong sạch hơn (Mal 1:1-2:17). Vì thế, đối tượng
chính mà tác giả nhắm tới là hàng tư tế Levi và tâm hồn của họ: “Bấy giờ, đối với
Đức Chúa, chúng sẽ là những kẻ đến dâng lễ vật, theo lẽ công chính. Lễ vật của
Judah và của Jerusalem sẽ làm đẹp lòng Đức Chúa như những ngày xa xưa, như những
năm thuở trước.”
1.2/
Tiên-tri Elijah là Sứ-giả dọn đường cho Đấng Cứu Thế: “Này Ta sai ngôn-sứ
Elijah đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, Ngày trọng đại và
kinh hoàng. Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con
cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án tru diệt.”
Song
song bổn phận của con người đối với Thiên Chúa là bổn phận của con người đối với
tha nhân; nhất là những người trong gia đình. Một khi mối liên hệ chiều dọc với
Thiên Chúa bị lơ là thì mối liên hệ chiều ngang với tha nhân cũng bị thiệt hại.
Sứ-giả dọn đường cho Thiên Chúa cũng phải chú trọng đến sứ vụ hòa giải giữa con
người với con người, trong gia đình cũng như ngòai xã hội.
2/
Bài đọc II:
Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện.
Khi
Kitô Giáo lan tràn vào thế giới La-Hy, hai vấn nạn khó khăn Giáo Hội phải đương
đầu với là phải giải thích cho người Hy-lạp biết:
(1)
Tại sao Thiên Chúa phải nhập thể: Đối với người Hy-lạp, Thiên Chúa hòan tòan là Thần
Khí, nơi Ngài không có một chút vật chất nào cả. Để được giải thóat và kết hợp
với Thiên Chúa, con người phải cố gắng làm sao để thóat khỏi ngục tù thân xác
đang giam hãm linh hồn con người, để chỉ còn thần khí mà thôi. Kitô Giáo đi ngược
lại, Con Thiên Chúa phải nhập thể để cứu chuộc con người!
(2)
Tại sao Thiên Chúa phải chịu đau khổ: Người Hy-lạp và người Do-thái không tin Thiên Chúa
phải chịu đau khổ; chỉ có con người mới phải chịu đau khổ mà thôi. Một Thiên
Chúa phải chịu đau khổ không còn là Thiên Chúa nữa. Họ lý luận: Nếu Thiên Chúa
không có uy quyền để vượt thóat đau khổ, làm sao Ngài có thể giúp người khác vượt
qua đau khổ được? Kitô Giáo cũng đi ngược lại, không thể có Ơn Cứu Độ nếu con
Thiên Chúa không chịu chết trên Thập Giá!
Tác
giả Thư Do-thái cố gắng trả lời hai vấn nạn này như sau:
2.1/
Chúa Giêsu phải nhập thể để mang lấy thân phận con người: Để có thể tiêu diệt
tội lỗi và sự chết, Chúa Giêsu phải mang lấy thân xác con người để có thể chịu
chết và đền tội cho con người. Nếu không có thân xác, làm sao chết? “Vì con cái
thì đều chung một huyết nhục, nên Đức Giêsu đã cùng mang lấy huyết nhục đó. Như
vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức
là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng
nô lệ. Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các thiên thần, mà là con
cháu Abraham.” Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không chết muôn đời; Ngài đã sống lại vinh
quang, và trở nên hoa quả đầu tiên của những người từ trong cõi chết sống lại.
Ngài là “người tiên phong” đi mở đường, để tất cả các anh em của Ngài cũng được
đi con đường đó.
2.2/
Chúa Giêsu phải trở nên con người về mọi phương diện: Tác giả Thư
Do-thái nhận ra sự cần thiết của việc Chúa Giêsu phải trở nên con người về mọi
phương diện, ngọai trừ tội lỗi: “Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về
mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc
thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân.” Mục đích của việc “hòan toàn trở
nên con người” là để:
(1)
Ngài có thể thực sự được coi là một con người: Đã là con người, ai cũng phải
chịu đựng đau khổ và ngang qua cái chết.
(2)
Ngài có thể thông cảm và đồng cảm với thân phận con người: Nếu một người không
ngang qua những kinh nghiệm đau khổ và sự chết, người đó sẽ không thể hòan tòan
hiểu và thông cảm những ai bị ở trong hòan cảnh đó.
(3)
Ngòai ra, Ngài có thể giúp đỡ một cách hiệu quả cho những ai ở trong hòan cảnh
đó: “Vì
bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những
ai bị thử thách.”
Nói
tóm, Thiên Chúa có uy quyền trên cả sự sống và sự chết. Ngài có thể cho Con của
Ngài nhập thể, chịu đau khổ, ngang qua sự chết, và phục sinh vinh hiển. Chẳng
có gì là không thể đối với Thiên Chúa; chúng ta đừng áp dụng cách thức suy nghĩ
của con người cho Thiên Chúa.
3/
Phúc Âm:
Các mẫu gương của những người sống theo đường lối của Thiên Chúa.
3.1/
Gia Đình Thánh tuân giữ Lề Luật của Thiên Chúa: Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của
các ngài theo luật Moses, bà Maria và ông Giuse đem con lên Jerusalem, để tiến
dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải
được gọi là của thánh, dành cho Chúa," và cũng để dâng của lễ theo Luật
Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.
3.2/
Ông Simeon tin vào Lời Thiên Chúa hứa và sự thúc đẩy của Thánh Thần.
(1)
Ông Simeon là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Israel, và Thánh
Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ
không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. Được Thánh Thần
thúc đẩy, ông lên Đền Thờ.
(2)
Lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới, ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng
Thiên Chúa rằng: "Muôn
lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh
sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài."
3.3/
Ông Simeon nói tiên tri:
(1)
Về con trẻ: “Thiên
Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống
hay đứng dậy. Cháu còn là mục tiêu cho người đời chống đối; và như vậy, những ý
nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.” Nhiều người bị ngã xuống hay được đứng
dậy là hòan tòan tùy thuộc vào phản ứng của họ đối với Đức Kitô. Trong cuộc đời
của Chúa, người bị ngã xuống là phần đông là các Kinh-sư và Biệt-phái, vì họ từ
chối không tin và luôn tìm cách bắt bẻ và tiêu diệt Ngài. Những người được đứng
dậy là các người thu thuế, gái điếm, và dân ngọai; tuy bị coi là tội lỗi, nhưng
khi được Chúa tỏ lòng thương xót, họ đã ăn năn và tin vào Ngài.
(2)
Về Mẹ Maria:
“Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà." Cuộc đời của Chúa
Giêsu là cuộc đời của Mẹ; đau khổ của Con là của Mẹ. Mẹ Maria đã đồng hành với
con từ lúc sinh ra trong máng cỏ cho tới lúc sinh thì tên Thập Giá.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Nhà thờ là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa để bàn chuyện, để được hướng dẫn, và
để lãnh nhận những ơn thánh cần thiết cho cuộc sống con người.
-
Chúng ta cần phải chuẩn bị tâm hồn mỗi khi đến nhà thờ để gặp gỡ Thiên Chúa. Nếu
chúng ta đến nhà thờ với một tâm hồn khô khan, vội vã và bất kính, chúng ta sẽ
không thể gặp gỡ Thiên Chúa và lãnh nhận những hồng ân của Ngài.
Lm.Anthony ĐINH MINH TIÊN
Ý NGHĨA CỦA NGÀY LỄ
Bốn mươi ngày trước đây,
chúng ta đã mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Theo luật Môsê, Sau khi sinh con trai đầu
lòng được 40 ngày, người mẹ phải đến Đền Thờ Giêrusalem để làm lễ thanh tẩy cho
mình và hiến dâng con trẻ cho Thiên Chúa, rồi chuộc lại bằng lễ vật một con
chiên hay một cặp bồ câu: vì mọi con trai đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa. Ý
nghĩa này nhắc cho dân Do Thái cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã tha không giết các
con trai đầu lòng của họ, đang khi các con trai đầu lòng của dân Ai Cập đều bị
giết chết, trong đêm Thiên Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập đưa về Đất
Hứa (x. Xh 13,l-3a.11-16).
Đức Maria và thánh Giuse
cũng tuân giữ diều luật này. Hai ông bà đem Hài nhi Giêsu lên đền Thờ hiến dâng
cho Thiên Chúa và gặp ở đây hai vị tiên tri già lão: Simêon và Anna. Hai vị
được Thánh Thần linh ứng dã nhận ra Chúa Cứu Thế. ông Simêon đã mãn nguyện vì
được tận mắt chiêm ngưỡng Đấng muôn dân trông đợi. Ông đã lớn tiếng chúc tụng
Thiên Chúa và nói tiên tri về Hài nhi Giêsu: Hài nhi này sẽ là ánh sáng của
muôn dân nhưng lại là đối tượng cho người ta chống đối.
Sự kiện dâng Chúa Giêsu
vào Đền Thờ cho thấy Người là con đầu lòng thuộc về Thiên Chúa. Ông Simêon và
bà Anna tượng trưng cho tất cả sự trông đợi của It-ra-en, họ đã tới gặp Cứu
Chúa của mình. Đức Giêsu được nhìn nhặn là Đấng Mêsia người ta trông đợi từ
lâu, là ánh sáng của muôn dân và là vinh quang của Ít-ra-en, nhưng Người cũng
là dấu hiệu của sự chống đối. Thanh gươm của đau khổ được báo cho Mẹ Maria đã
loan báo một sự hiến dâng toàn hảo và độc nhất của thập giá. Sự hiến dâng sẽ
mang lại ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã chuẩn bị trước mặt tất cả mọi dân tộc
Lễ của ánh sáng
Lễ hôm nay còn được gọi
là Lễ Nến, vì có cuộc rước nến vào Nhà thờ như cuộc đón rước Chúa GIÊSU là ánh
sáng của muôn dân. Thánh Xốp-rô-ni-ô, Giám Mục Giêrusalem dã nói: “Đây là ý
nghĩa của mầu nhiệm: chúng ta tiến bước, đèn sáng trong tay, chúng ta hăm hở đi
tới, mang theo đèn sáng để nói lên rằng ánh sáng đã chiếu soi chúng ta và ánh
sáng đó sẽ làm cho chúng ta nên rạng ngời. Nào mau lên, tất cả chúng ta cùng
nhau ra đón Chúa. Người là ánh sáng thật đã đến, ánh sáng chiếu soi mọi người
sinh ra trên thế gian. Vậy, thưa anh em, mọi người chúng ta hãy đón nhận ánh
sáng và hãy toả sáng" (x. Kinh Sách, các bài đọc ngày 2/2)..
Công đồng Vaticanô II đã
lấy lại lời tiên tri của ông Simêon để mời gọi mọi người Ki tô hữu ý thức sứ
mạng và ơn gọi của mình là phải làm cho mọi người được nhận biết Chúa Ki tô,
phải đem ánh sáng Tin Mừng của Ngài chiếu soi hướng dẫn mọi người trên thế
giới. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố. "Thầy là ánh sáng trần gian. Ai đi
theo Thầy sẽ không bước đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự
sống" (x.Ga 12, 34-50). Bao lâu con người chưa nhận biết Chúa Ki tô và ánh
sáng Tin Mừng của Ngài, thì bấy lâu con người còn dò dẫm trong tăm tối và dễ bị
lầm lạc.
Tuy nhiên, Chúa Ki tô đã
trở nên đối tượng chống đối của con người. Có những người biết Chúa để sống
theo Ngài. Có những người khác lại chống đối Ngài. Chúng ta lấy làm đau xót với
thánh Giuse và Mẹ Maria khi nghe tiên tri Simêon tiên báo điều đó ngay trong
ngày vui của Chúa Giêsu: "Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng,
còn chính Bà (Đức Ma ria) thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà, ngõ hầu
những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra". Lời tiên tri đó đã ứng
nghiệm ngay từ lúc Chúa Giêsu mới sinh ra cho đến khi bắt dấu cuộc đời rao
giảng Tin Mừng Nước Trời. Cuộc chống dối đó ngày càng lan rộng và quyết liệt
cho đến khi giết được Ngài treo lên Thập giá. Nhưng Ngài dã Phục Sinh và đã trở
thành ánh sáng của muôn dán, nguồn sống cho nhân loại.
HÃY SỐNG TRONG ÁNH SÁNG
Từ nay, ai đã tin Chúa
Giêsu Ki tô và lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy đều đón nhận sự sống của Thiên Chúa
và được ánh sáng của đức Ki tô chiếu soi, hướng dẫn cuộc sống. Thật vậy, nhờ Bí
tích Thánh Tẩy, chúng ta được thánh hiến cho Thiên Chúa và được trở nên con của
Ngài trong Đức Giesu Ki tô. Thiên Chúa đã thương gọi chúng ta từ tối tăm vào
ánh sáng huyền diệu của Ngài. Xưa kia, chúng ta là tối tăm, nhưng nay trong
Chúa Ki tô, chúng ta là "con cái của sự sáng là ánh sáng của trần
gian" (x. Ga 12,85-36). Do đó chúng ta phải sống như con cái của sự sáng,
phải chiếu sáng trước mặt mọi người, để "người ta nhận thấy việc tốt chúng
ta làm mà ngợi khen Cha chúng ta trên trời" (Mt 5.14-16).
Thánh Phao lô nhắn nhủ
những người đã được thánh hiến cho Thiên Chúa qua Bí tích Thánh Tẩy: Hãy bước
đi trong ánh sáng của Chúa, Hãy vật bỏ những việc tối tăm, Hãy mang khí giới
ánh sáng,Hãy hành động đàng hoàng như giữa ban ngày, để luôn được hiệp thông
với Chúa Ki tô tà ánh sáng muôn dân" (x. Ep 6,8-14).
Chúa Giêsu hôm nay đang
tiến vào Đền Thờ của Ngài. Chúng ta hãy tiếp dón Ngài vào tâm hồn, vào cuộc
sống của ta, để ánh sáng của Ngài biến đổi chúng ta thành những ngọn nến chiếu
sáng như những vì sao trong đêm tăm tối của trán gian, hầu dẫn đưa những ai còn
ngồi nơi tăm tối đến gặp gỡ Đức Giêsu Ki tô, 'đấng Cứu Độ mà Thiên Chúa đã dọn
sẵn trước mặt muôn dân" và dã bày tỏ cho mọi người.
Chúa Nhật 2-2
Dâng Hài Nhi Giêsu Vào Ðền Thánh
V
|
ào cuối thế kỷ thứ tư,
một phụ nữ tên Etheria đã hành hương đến Giêrusalem. Cuốn hồi ký của bà, được
khám phá vào năm 1887, thật bất ngờ đã đem lại một nét đại cương về sinh hoạt
phụng vụ ở đây. Trong các dịp lễ mà bà viết lại là lễ Hiển Linh, kỷ niệm ngày
Ðức Giêsu giáng sinh, và một cuộc rước để kính nhớ việc Dâng Chúa Trong Ðền Thờ
vào 40 ngày sau -- ngày 15 tháng Hai. (Trong luật Môisen, về phương diện lễ
nghi, người phụ nữ được coi là "ô uế" sau khi sinh con, và bà phải
"thanh tẩy" bằng cách đến trình diện với tư tế và dâng của lễ trong
đền thờ. Tiếp xúc với bất cứ ai đã chạm đến bí ẩn của sự sinh nở và sự chết,
đều bị loại trừ khỏi viêïc thờ phượng).
Ngày lễ này được lan
tràn khắp Giáo Hội Tây Phương trong thế kỷ thứ năm và thứ sáu. Nhưng Giáo Hội
Tây Phương mừng sinh nhật Ðức Giêsu vào ngày 25 tháng Mười Hai, do đó lễ Dâng
Chúa Trong Ðền Thờ được dời sang ngày 2 tháng Hai -- 40 ngày sau Giáng Sinh.
Vào đầu thế kỷ thứ tám,
Ðức Giáo Hoàng Sergius mở đầu buổi lễ bằng một cuộc rước nến; cho đến cuối thế
kỷ ấy việc làm phép và phân phát nến đã trở thành một phần của việc cử hành,
bởi đó, cho đến ngày nay, ngày lễ này thường được gọi là: Candlemas (Lễ Nến).
Lời Bàn
Theo phúc âm Thánh Luca,
Hài Nhi Giêsu được tiếp đón vào đền thờ bởi hai người lớn tuổi, là ông Simeon
và bà Anna. Họ biểu hiện cho dân Israel đang kiên nhẫn trông chờ; họ xác nhận
Hài Nhi Giêsu là đấng Messiah họ trông đợi từ lâu.
Lời Trích
"Chính Ðức Kitô
đã nói, 'Ta là sự sáng thế gian.' Và chúng ta là ánh sáng, chính chúng ta, nếu
chúng ta tiếp nhận ánh sáng từ Ngài... Nhưng làm thế nào để chúng ta tiếp nhận
ánh sáng ấy, làm thế nào để ánh sáng ấy bùng lên? ... Hình ảnh cây nến nói với
chúng ta: qua sự cháy, và sự tàn lụi. Một ánh lửa, một tia đức ái, một hy sinh
không thể tránh như cây nến tinh tuyền, thẳng tắp đang tuôn trào nguồn ánh sáng
của nó, và đã tự tan biến trong sự hy sinh âm thầm" (Ðức Phaolô VI).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét