02/09/2014
Thứ Ba sau Chúa Nhật
22 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 2, 10b-16
"Con
người xác thịt không hiểu được những sự thuộc về Thánh Thần của Thiên Chúa, còn
con người thiêng liêng đoán xét được mọi sự".
Trích
thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh
em thân mến, Thánh Thần thấu suốt mọi sự, cả những điều thâm sâu của Thiên
Chúa. Vì ai trong loài người biết được những sự thuộc về con người, nếu không
phải là thần trí của con người ở trong người ấy? Cũng vậy, không ai biết được
những sự thuộc về Thiên Chúa, nếu không phải là Thánh Thần của Thiên Chúa? Phần
chúng ta, chúng ta đã không nhận lãnh tinh thần thế tục, nhưng nhận lãnh Thánh
Thần bởi Thiên Chúa, để chúng ta nhận biết những sự Thiên Chúa đã ban cho chúng
ta. Những điều đó, chúng tôi giảng dạy không phải bằng những lời khôn ngoan của
loài người, nhưng bằng giáo lý của Thánh Thần, giãi bày những điều thiêng liêng
cho những người thiêng liêng. Con người xác thịt không hiểu được những sự thuộc
về Thánh Thần của Thiên Chúa, bởi nó cho là điên rồ và không thể hiểu biết được,
vì điều đó phải được xét đoán theo cách thiêng liêng. Còn con người thiêng
liêng đoán xét được mọi sự, và kẻ ấy không bị ai đoán xét. Vì nào ai biết được
tư tưởng của Chúa, để dạy dỗ Người? Nhưng phần chúng ta, chúng ta có tư tưởng của
Ðức Kitô.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 144, 8-9. 10-11. 12-13ab. 13cd-14
Ðáp: Chúa công
minh trong mọi đường lối (c. 17a).
Xướng:
1) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi
loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. - Ðáp.
2)
Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài
hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao
quyền năng của Ngài. - Ðáp.
3)
Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng, và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước
Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. - Ðáp.
4)
Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài
làm. Chúa nâng đỡ hết thảy những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng
lên. - Ðáp.
Alleluia:
1 Ga 2, 5
Alleluia,
alleluia! - Ai giữ lời Chúa Kitô, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt
hảo nơi người ấy. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 4, 31-37
"Tôi
biết Ngài là ai rồi, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, Chúa Giêsu xuống thành Capharnaum, xứ Galilêa, và ở đó Người giảng dạy họ
trong các ngày Sabbat. Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Người, vì lời giảng dạy của
Người có uy quyền. Bấy giờ trong hội đường, có một người bị quỷ ô uế ám, thét
to lên rằng: "Hỡi Giêsu Nadarét, giữa chúng tôi và Ngài có chuyện chi đâu?
Ngài đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai rồi, là Ðấng Thánh của
Thiên Chúa". Nhưng Chúa Giêsu trách mắng nó rằng: "Hãy câm đi và ra
khỏi người này". Và quỷ vật ngã người đó giữa hội đường và xuất khỏi nó,
mà không làm hại gì nó. Mọi người kinh hãi và bảo nhau rằng: "Lời gì mà lạ
lùng vậy? Vì Người dùng quyền năng mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải
xuất ra". Danh tiếng Người đồn ra khắp nơi trong xứ.
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Lời
Nói và Cuộc Sống
Ðược
bầu làm Bề trên cộng đoàn, một Tu sĩ nọ đến hỏi một vị ẩn sĩ nổi tiếng khôn
ngoan và thánh thiện:
-
Thưa cha, thế nào là một bài giảng hay?
Vị
ẩn sĩ trả lời:
-
Một bài giảng hay phải là bài giảng có nhập đề và kết luận hay, nhất là phần nhập
đề và kết luận càng gần nhau càng tốt.
Khi
nói đến khoảng cách giữa nhập đề và kết luận trong một bài giảng, hẳn vị ẩn sĩ
muốn nói đến sự trung thực của lời nói. Một lời nói được xem là trung thực khi
giữa lời nói và thực tế không có khoảng cách, nhưng có sự thống nhất giữa lời
nói và cuộc sống.
Lời
nói vốn là phạm trù cơ bản nhất trong Kitô giáo. Ở khởi đầu Kinh Thánh, chúng
ta thấy rằng hoạt động đầu tiên của Thiên Chúa là nói, nhưng khi Thiên Chúa nói
thì liền có vạn vật. Không có khoảng cách giữa lời của Thiên Chúa và hành động
của Ngài. Lời của Thiên Chúa là lời chân thật, nghĩa là luôn được thể hiện bằng
hành động và có hiệu quả. Khởi đầu Tin Mừng của ngài, thánh Gioan cũng xác quyết:
"Từ khởi thủy đã có Lời và Lời đã hóa thành nhục thể". Nơi Chúa
Giêsu, lời là thực tế, nghĩa là không có khoảng cách giữa lời Ngài và cuộc sống
của Ngài. Và đó có thể là ý tưởng mà Tin Mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta.
Chúa
Giêsu giảng dạy như Ðấng có uy quyền. Uy quyền ấy không phải là thứ uy quyền được
áp đặt trên người khác. Uy quyền của Chúa Giêsu phát xuất từ chính sự thống nhất
giữa lời nói và hành động của Ngài: Ngài chỉ cần nói với tên quỉ câm: "Câm
đi, hãy ra khỏi người này", thì phép lạ liền xẩy ra. Những người chứng kiến
phép lạ đã thấy được sự khác biệt giữa lời giảng dạy của Chúa Giêsu và của các
Luật sĩ đương thời.
Phép
lạ của Chúa Giêsu cũng là một lời giảng dạy. Thật thế, sứ điệp trọng tâm trong
lời rao giảng của Chúa Giêsu chính là sự giải phóng. Ngài không chỉ nói về sự
giải phóng, mà còn chứng thực cho những người nghe Ngài biết được thế nào là giải
phóng. Phép lạ người câm được giải thoát mang một ý nghĩa đặc biệt đối với Chúa
Giêsu: giải phóng trước tiên là giải phóng con người khỏi xiềng xích của dối
trá. Chúa Giêsu đã có lần nói với người Do thái: "Sự thật sẽ giải phóng
các ngươi".
Lời
Chúa là lời chân thật. Ước gì lời ấy giải thoát chúng ta khỏi mọi thứ xiềng
xích của dối trá, để lời tuyên xưng và cuộc sống của chúng ta luôn được thống
nhất. Trong một xã hội đầy trói buộc và dối trá thì chứng tá cuộc sống là lời
nói có giá trị nhất.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Ba Tuần 22 TN2
Bài đọc: 1 Cor 2:10-16; Lk 4:31-37.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Vai trò quan trọng
của Thánh Thần trong việc hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Vai trò quan trọng của Thánh Thần trong việc giúp hiểu biết các mầu nhiệm của
Thiên Chúa.
1.1/
Thánh Phaolô dùng sự lọai suy dễ hiểu để cắt nghĩa sự cần thiết của Thánh Thần
trong việc hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa: “Vậy ai trong loài
người biết được những gì nơi con người, nếu không phải là thần trí của con người
trong con người? Cũng thế, không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu
không phải là Thần Khí của Thiên Chúa.” Ngài muốn nói có những nỗi ưu tư sâu
kín trong mỗi người mà người khác không bao giờ hiểu nổi trừ thần trí của mỗi
người. Cũng vậy có những mầu nhiệm nơi Thiên Chúa mà con người không thể hiểu nổi
trừ Thánh Thần của Thiên Chúa.
Chính
vì điều này mà Chúa Giêsu nói với Phêrô khi ông tuyên xưng Chúa Kitô là Con
Thiên Chúa: “Này anh Simon con ông Jonah, anh thật là người có phúc, vì không
phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên
trời” (Mt 16:17). Hay thánh Phaolô đã khẳng định: “Không ai có thể tuyên xưng Đức
Kitô là Thiên Chúa mà không do Thánh Thần hướng dẫn” (I Cor 12:3b). Chính nhờ
Thánh Thần mà chúng ta có thể hiểu những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa.
1.2/
Thánh Thần giúp người rao giảng hiểu biết và trình bày những mầu nhiệm này. Trước khi có thể
rao giảng những mầu nhiệm của Thiên Chúa, người rao giảng cần phải được Chúa
Thánh Thần hướng dẫn để hiểu những mầu nhiệm này, vì không ai có thể cho cái
mình không có. Sau khi hiểu rồi, họ còn phải đựơc sự hướng dẫn của Thánh Thần
trong cách trình bày những mầu nhiệm này cho người nghe: “Để nói về những điều
đó, chúng tôi không dùng những lời lẽ đã học được nơi trí khôn ngoan của loài người,
nhưng dùng những lời lẽ học được nơi Thánh Thần. Chúng tôi dùng những lời lẽ
Thánh Thần linh hứng để diễn tả thực tại thuộc về Thánh Thần.”
1.3/
Thánh Thần giúp người nghe hiểu và sống Lời Chúa. Thánh Thần không chỉ tác động
trên người rao giảng mà còn phải tác động trên người nghe; nếu không, người
nghe sẽ không hiểu hay hiểu sai những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Thánh Phaolô quả
quyết điều này: “Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế
gian, nhưng là Thánh Thần phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ
Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón
nhận những gì của Thánh Thần Thiên Chúa, vì cho đó là sự điên rồ; họ không thể
biết được, bởi vì phải nhờ Thánh Thần mới có thể xét đoán. Nhưng con người sống
theo Thánh Thần thì xét đoán được mọi sự, mà chẳng có ai xét đoán được người
đó.”
Và
ngài kết luận sự cần thiết của Thánh Thần trong việc hiểu biết các mầu nhiệm của
Thiên Chúa như sau: “Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa, để chỉ vẽ cho Người?
Còn chúng tôi, chúng tôi biết được tư tưởng của Đức Kitô.” Điều xác quyết này
cho thấy Thánh Thần của Chúa Kitô cũng là Thánh Thần giúp thánh Phaolô và các
người rao giảng hiểu được những gì Chúa Kitô trình bày, và cũng là Thánh Thần sẽ
trợ giúp cho những người nghe thì họ mới có thể hiểu được các mầu nhiệm của
Thiên Chúa.
2/
Phúc Âm:
Quỉ ô uế luôn sợ hãi sự hiện diện của Thánh Thần.
2.1/
Lời của Chúa Kitô là lời có uy quyền vì được Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Khi
nghe người rao giảng trình bày, khán giả có thể nhận ra giá trị những lời của họ.
Càng hiểu biết về các lãnh vực chuyên môn bao nhiêu, khán giả càng dễ nhận ra
giá trị của diễn giả trình bày về lãnh vực chuyên môn đó bấy nhiêu. Vì thế,
không lạ gì khi Chúa Giêsu xuống Capernaum, một thành miền Galilee, vào ngày
Sabath, để giảng dạy dân chúng. Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của
Người có uy quyền.
2.2/
Phản ứng của quỉ thần ô uế:
Đối
ngược với sự hiện diện của Thánh Thần là quỉ thần. Nếu Thánh Thần giúp con người
hiểu biết những mầu nhiệm của Thiên Chúa thì quỉ thần sẽ tìm cách tiêu diệt để
con người không thể hiểu những mầu nhiệm này. Người Ai-Cập tin có tất cả 36 thứ
quỉ thần luôn chờ đợi để vào qua các giác quan và tác hại nơi con người: quỉ
câm, quỉ điếc, quỉ dâm dục… Quỉ ô uế trong Phúc Âm hôm nay có thể hiểu là quỉ
dâm dục, chúng biết và khiếp sợ uy quyền của Chúa Giêsu: "Ông Giêsu
Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi
biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!"
Trước
tiên chúng ta cần tin tưởng: Quỉ thần chỉ có uy quyền trên con người chứ không
bao giờ có uy quyền trên Thiên Chúa và những người được Thiên Chúa gìn giữ.
Chúa tiêu diệt quỉ thần bằng hai cách:
(1)
Trừ quỉ bằng uy quyền của Thiên Chúa: như Phúc Âm hôm nay tường thuật. Ngài quát mắng nó:
"Câm đi, hãy xuất khỏi người này!" Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội
đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh.
(2)
Lời Chúa: Trong
Cựu Ước, nhất là trong các biến cố tường thuật việc Chúa gọi các tiên tri, Ngài
tiêu diệt sự ô uế nhơ bẩn bằng cách đặt Lời Ngài vào miệng tiên tri Jeremiah
(Jer 1:9), hay bắt Ezekiel há miệng ăn sách Lời Chúa (Eze 3:2). Một khi đã có Lời
Chúa là có sự hiện diện và uy quyền của Thiên Chúa. Cũng vậy, trong Tân Ước,
các Tông Đồ và các môn đệ cũng được thanh tẩy bằng Lời Chúa. Một khi đã có những
Lời này là có sự hiện diện và uy quyền của Thánh Thần của Thiên Chúa, các ông
có thể khai trừ quỉ bằng những Lời này. Không lạ gì khi mọi người rất đỗi kinh
ngạc và nói với nhau: "Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực
mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!"
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
(1)
Sự hiện diện cần thiết của Chúa Thánh Thần trong việc hiểu biết và loan truyền
các mầu nhiệm của Thiên Chúa là chuyện có thật. Nếu các nhà rao giảng lơ là với
sự cần thiết của Chúa Thánh Thần thì chẳng lạ gì khi không thấy hiệu quả của lời
rao giảng của họ: chỉ là nước đổ đầu vịt mà thôi!
(2)
Sự hiện diện của quỉ thần trong đời sống là chuyện có thật chứ không phải chuyện
giả tưởng. Đức Giáo Hoàng đương kim Benedictô đang cảnh cáo về việc coi thường
sự hiện diện của quỉ thần trong đời sống con người.
(3)
Chúng ta có thể tiêu diệt quỉ thần bằng cách để cho Lời Chúa thấm nhập trong
tâm hồn.
Lm.Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
HẠT GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 22
Lc 4,31-37
A. Hạt giống...
Trong Tin Mừng Luca, đây là những hoạt động công
khai đầu tiên của Chúa Giêsu, và những hoạt động này chứng tỏ Ngài là Đấng có
uy quyền :
- Uy quyền trong lời giảng dạy, vì Ngài giảng dạy
chính giáo lý của mình một cách tự tin, chứ không cần dựa vào uy thế của những
bậc tôn sư tiến bối nào cả.
- và uy quyền trong hành động : Ngài đã khống chế
sức mạnh của ma quỷ một cách rất dễ dàng và nhanh gọn.
B.... nẩy mầm.
1. Chúa Giêsu giảng dạy như một Đấng đầy uy
quyền. Có lần, thính giả phải thừa nhận “Chưa từng có ai giảng dạy như ông ấy”.
Giáo huấn của Chúa vượt xa tất cả các bậc tôn sư thức giả và mở ra cho con
người một con đường sống tốt đẹp.
Con muốn được làm học trò trong trường của Chúa.
Xin Chúa ngày ngày dạy dỗ con.
2. “Bấy giờ trong hội đường có một người bị quỷ
ám” : người bị quỷ ám là người bị một thế lực xấu khống chế, người đó không còn
tự do, người đó không còn là con người trọn vẹn.
Tôi có đang bị khống chế một cách nào đó không :
bởi một tính xấu ? những thói quen xấu ? những đam mê lệch lạc ? v.v. Ngày xưa
Chúa đã giải thoát cho người bị quỷ ám. Xin Chúa cũng giải thoát con.
3. Nhận thấy rằng rao giảng bằng lời nói suông
chưa đủ, Weizemann, thần học gia, mục sư, nhạc sĩ, bác sĩ đã dấn thân phục vụ
những người nghèo nhất ở Châu Phi. Làm việc không biết mệt mỏi, trải qua bao
nhiêu khó khăn, nhưng Weizemann vẫn không bao giờ mãn nguyện vì những hy sinh
của mình. Năm 1952 khi được trao giải thường Nobel hòa bình, ông đã tuyên bố : “Không
ai có quyền tự phụ mình đã phục vụ cho hòa bình quá nhiều, cũng không ai có
quyền nói rằng mình đã mãn nguyện”. Gương phục vụ của Weizemann là một cố gắng
họa lại cuộc đời Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không bao giờ rao giảng chỉ bằng lời
nói, nhưng luôn kèm theo hành động, gương sáng và cả cái chết nữa. ("Mỗi
ngày một tin vui")
4. “Ngài xuống Caphácnaum, một thành miền Galilê,
và ngày sabát Ngài giảng dạy họ. Họ sửng sốt về cách Ngài giảng dạy, vì Lời
Ngài có uy quyền” (Lc 4,31-32)
Thánh lễ là nơi tôi gặp gỡ Thiên Chúa, tôi thưa
chuyện với Ngài và Ngài giáo huấn tôi. Trong thinh lặng và trong khoảng không
gian thánh thiện của giáo đường, Ngài hiện diện một cách sống động và không
ngừng tác động trên tôi. Lời Ngài cũng vang lên một cách huyền nhiệm nơi giáo đường.
Nhờ Lời, tôi cảm thấy mình được biến đổi. Sự thanh thản, nhẹ nhõm, bình an đến
với tôi mỗi khi tôi đến với Ngài. Lo âu, sầu khổ, chán chường, thất bại hay
thành công của tôi đều được Ngài chia sẻ, ủi an. Đấy không phải là phép lạ, là
uy quyền sao ?
Như xưa Ngài đã làm cho dân miền Galilê sửng sốt
thì Lời Ngài hôm nay cũng làm cho tôi phải ngỡ ngàng.
Lạy Chúa, xin cho con cảm nghiệm được quyền năng
của Lời Chúa mỗi ngày một sâu sắc hơn trong đời con. (Hosanna)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ
02/09/14 THỨ BA TUẦN 22
TN
Lc 4,31-37
Lc 4,31-37
Suy niệm: Thần
ô uế là thứ thần khi nhập vào ai, xúi dục họ thực hiện những hành vi đồi bại,
làm họ trở nên đốn mạt, đánh mất nhân phẩm cao quí của mình. Biết Chúa Giê-su
là Đấng Thánh, chúng muốn Ngài để cho chúng yên thân: “Chuyện chúng tôi can gì đến
ông?” Thật vậy, Đấng Thánh thì không liên can đến sự ô uế, nhưng lại
liên can đến những con người, vì họ được dựng nên giống hình ảnh Chúa, tâm hồn
là đền thờ của Thiên Chúa, chứ không phải chỗ ở của thần ô uế. Làm sao Thiên
Chúa chịu bó tay khi thấy những kẻ Ngài yêu thương thuộc về thần ô uế? Vì thế,
Chúa Giê-su không đôi co, tranh luận với thần ô uế, nhưng trục xuất chúng ngay
lập tức, vì chỗ ở của chúng không phải là tâm hồn con người.
Mời Bạn: Thần
ô uế rất ranh mãnh, chúng xúi dục con người rằng những điều xấu khong liên can
đến Thiên Chúa. Vì thế, không ảnh hưởng gì đến Ngài khi thực hiện những hành vi
đê tiện để thỏa mãn những đam mê thể xác. Dường như với chiêu thức này, thần ô
uế dễ đánh gục chúng ta?
Chia sẻ: Trong
lãnh vực nào, thần ô uế thường đồn trú nhất?
Sống Lời Chúa: Tôi
cảnh giác về sự rình rập của thần ô uế khi sử dụng những phương tiện như điện
thoại hay mạng truyền thông internet.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên chúng con cho Chúa, nên tâm hồn chúng con
khắc khoải khôn nguôi cho đến khi được nghỉ ngơi bên Chúa.” Amen.
Bộ
mặt đích thực của Giáo Hội
Khi
Giáo Hội sống đúng ơn gọi và sứ mệnh của mình, Giáo Hội là một sức mạnh tinh thần
khiến cho các chế độ chính trị phải trọng nể hay lo sợ. Sức mạnh ấy không tới từ
thế giới hay những phương tiện Giáo Hội có trong tay.
Giáo
Hội múc lấy sức mạnh từ chính uy quyền của Ðấng sáng lập là Chúa Kitô. Thật thế,
Chúa Kitô đã hứa ngay cả cửa hỏa ngục cũng không thắng nổi Giáo Hội. Chúa Giêsu
đã phú bẩm cho Giáo Hội uy quyền của chính Ngài. Tin Mừng hôm nay ghi lại phản ứng
của dân chúng khi họ lắng nghe lời giảng dạy của Ngài và nhất là khi Ngài trừ
quỉ. Họ thán phục vì Ngài giảng dạy như Ðấng có uy quyền.
Trong
cách đánh giá thông thường, một người xem là có uy tín khi tài năng hay đức độ
của người đó được nhìn nhận, lời nói của một người có uy tín có sức thuyết phục
người khác, việc làm có uy tín của một người có thể tạo được niềm tin nơi người
khác. Nói chung, nơi một người có uy tín, lời nói và việc làm thường đi đôi với
nhau, hoặc việc làm và cuộc sống có giá trị thuyết phục và lôi kéo. Chúa Giêsu
giảng dạy như Ðấng có uy quyền là bởi vì Ngài chỉ giảng dạy những gì Ngài đã sống
và sống những gì Ngài rao giảng. Lời nói của Ngài lại được củng cố bởi cuộc sống
và những việc làm của Ngài. Ðây chính là uy quyền mà Chúa Giêsu đã mặc cho Giáo
Hội của Ngài. Giáo Hội chỉ thực sự thể hiện được uy quyền của Chúa Giêsu khi
Giáo Hội sống và rao giảng những gì Ngài đã sống và rao giảng. Giáo Hội chỉ thực
sự thể hiện được bộ mặt đích thực của mình khi sống phục vụ mà thôi. Càng thể
hiện được bộ mặt thật ấy, Giáo Hội càng tỏ ra là một sức mạnh có sức đạp đổ mọi
thứ khí giới và sự dữ và trở thành chỗ dựa cho mọi người.
Là
thành phần của Giáo Hội, mỗi người tín hữu có nghĩa vụ phải bày tỏ bộ mặt đích
thực của Giáo Hội. Sức mạnh và uy quyền của Giáo Hội được thể hiện không phải
qua con số các tín hữu hay qua các biểu dương của số đông mà thiết yếu qua cuộc
sống có tính thuyết phục của các tín hữu. Giữa một xã hội trống rỗng những giá
trị đạo đức, các tín hữu Kitô phải thể hiện một niềm tin có sức mang lại ý
nghĩa cho cuộc sống. Giữa một xã hội băng giá về ích kỷ, các tín hữu Kitô cần
phải sống một tình mến có sức sưởi ấm tâm hồn con người. Giữa một xã hội chao đảo
về thiếu định hướng, các tín hữu Kitô phải bày tỏ một niềm hy vọng có sức soi rọi
vào tăm tối của cuộc sống mọi người.
Nguyện
xin Chúa Giêsu, Ðấng giảng dạy với uy quyền, củng cố niềm tin, gia tăng đức mến
và bảo toàn niềm trông cậy nơi chúng ta.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
LỜI CÓ UY QUYỀN.
Hãy để cho Đức Giêsu thánh
thiện có chỗ trong đời chúng ta. Hãy tin vào sức mạnh giải phóng của Lời Ngài.
Hãy để Lời Ngài nâng chúng ta dậy và cho chúng ta được tự do.
Suy niệm:
Phép lạ đầu tiên được kể
trong Tin Mừng Luca là một phép lạ trừ quỷ,
diễn ra tại hội đường
Caphácnaum vào một ngày sabát (c. 31).
Đức Giêsu dạy dỗ dân
chúng, và họ sửng sốt trước lời dạy của Ngài,
bởi lẽ lời của Ngài là
lời đầy quyền uy (c. 32).
Quyền uy làm sửng sốt ấy
đến từ con người Ngài,
vì Ngài chính là Ngôi Lời
của Thiên Chúa.
Trong hội đường ngày hôm
đó, có một người bị quỷ thần ô uế nhập.
Anh ta tự nhiên la to, vì
thấy mình bị đe dọa: “Ông Giêsu Nadarét,
chuyện chúng tôi can gì
đến ông ? Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao?”
Sự hiện diện và lời dạy
quyền uy của Đức Giêsu, làm quỷ xuất đầu lộ diện.
Nhưng nó sợ, muốn tránh
Ngài trong cuộc chiến không cân sức.
Quỷ biết rõ đối thủ có
sức tiêu diệt mình là ai.
Nó biết được điều mà dân
chúng không biết về căn tính của Đức Giêsu.
Ngài không phải chỉ là
ông Giêsu ở Nadarét,
mà còn là Đấng Thánh của
Thiên Chúa (c. 34).
Có một sự đối lập gay gắt
giữa thần ô uế và Đấng Thánh tinh tuyền.
Đức Giêsu trừ thần ô uế
chỉ bằng một lời quát mắng (c. 35).
“Câm đi, hãy xuất ra khỏi
người này!”
Ngài không cho quỷ nói
lên danh tánh của Ngài,
vì Ngài không muốn sự
thật được nói lên bởi miệng những kẻ dối trá.
Lời truyền lệnh của Ngài
khiến thần ô uế phải xuất ra.
Nó không còn được ở lại
hay có quyền gì trên người này nữa.
Quỷ vật anh ngã xuống,
xuất ra, nhưng lại không làm hại được anh.
Người trong hội đường
kinh ngạc, không vì chuyện Đức Giêsu trừ quỷ,
nhưng vì họ thấy uy quyền
và uy lực nơi lời nói của Ngài (c. 36).
Lời nói ra như một mệnh
lệnh, và quỷ phải vâng nghe.
Thế giới hôm nay dễ bị
tấn công và thống trị bởi các thần ô uế.
Thần ô uế có mặt ở khắp
nơi, và có sức hấp dẫn mê hoặc con người.
Ô uế nơi thân xác, nơi
trí tưởng tượng, nơi những ám ảnh không ngơi.
Ô uế trở thành một thứ
văn hóa, xâm nhập vào mọi ngõ ngách,
chi phối mọi lối nghĩ và
lối hành xử của con người.
Chúng ta phải nhìn nhận
sức mạnh của thần ô uế trong thế giới hôm nay.
Rất nhiều bạn trẻ đã phải
thú nhận mình không đủ sức kháng cự lại.
Đức Giêsu cho chúng ta
niềm tin vào sự chiến thắng.
Sự hiện diện của Ngài làm
thần ô uế không thể giấu mặt.
Sự thánh thiện của Ngài
làm nó phải run sợ cúi đầu.
Uy quyền và uy lực nơi
Lời quát mắng của Ngài khiến nó phải tháo lui.
Hãy để cho Đức Giêsu
thánh thiện có chỗ trong đời chúng ta.
Hãy tin vào sức mạnh giải
phóng của Lời Ngài.
Hãy để Lời Ngài nâng
chúng ta dậy và cho chúng ta được tự do.
Một người ở trong hội
đường hay nhà thờ cũng có thể bị thần ô uế ám.
Chúng ta mong Chúa cho ta
khả năng trục được sự ô uế ra khỏi đời ta.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng
thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con
thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do
chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được
tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi
của thân xác,
tự
do trước đam mê của trái tim,
tự
do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin
giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để
dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để
nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy
Chúa Giêsu,
xin
cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa
tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi
Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và
chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa
tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi
Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa
tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì
Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin
cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để
chúng con được tự do bay cao.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng
9
2 THÁNG CHÍN
Đứng Trước Thách Đố Rao Giảng Tin Mừng
Sứ mạng căn bản của Giáo Hội là rao giảng cho
thế giới Tin Mừng cứu độ. Khi mang Tin Mừng cứu độ vào giữa lòng thế giới, Giáo
Hội cố gắng nhận hiểu các đặc nét văn hóa của người ta. Giáo Hội muốn chia sẻ
mọi tâm tư của con người, các giá trị và phong tục của họ, những khó khăn mà họ
phải đương đầu, những hy vọng và ước mơ của họ.
Một khi Giáo Hội biết và hiểu được những khía
cạnh văn hoá đa dạng này của một dân tộc, Giáo Hội sẽ có thể bắt đầu cuộc đối
thoại về sự cứu độ. Với thái độ vừa kính trọng vừa thẳng thắn và trong niềm xác
tín, Giáo Hội đứng ở vị trí giới thiệu Tin Mừng cứu độ cho tất cả những ai
thành tâm khao khát lắng nghe và đáp trả.
Đức Phaolô VI đã từng nói về các tôn giáo
ngoài Kitô giáo : “Các tôn giáo ấy mang trong mình âm vang của bao ngàn năm
kiếm tìm Thiên Chúa… Các tôn giáo ấy nắm giữ một di sản lớn lao các truyền
thống tín ngưỡng thâm sâu. Các tôn giáo ấy đã dạy cho bao thế hệ con người biết
cầu nguyện. Các tôn giáo ấy chứa đựng bao hạt giống được ươm trồng bởi chính
Ngôi Lời và có thể thực sự sẵn sàng để đón nhận Tin Mừng” (EN 53).
Trong niềm trân trọng giá trị của các tôn giáo
này, Giáo Hội vẫn thường nhận ra trong đó những tác động của Chúa Thánh Thần,
Đấng giống như gió “muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8). Tuy nhiên Giáo Hội luôn
xác tín rằng mình phải hoàn thành trọng trách của mình là đem lại cho thế giới
chân lý mạc khải cách trọn vẹn, chân lý về ơn cứu độ nơi Đức Giê-su Kitô. Chúng
ta hãy nguyện cầu để tất cả mọi người đều nhận biết Đức Giê-su Kitô, Đấng Cứu
Độ trần gian.
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY
02-9
1Cr
2, 10b-16; Lc 4, 31-37
LỜI
SUY NIỆM: Người xuống
Caphácnaum, một thành miền Galilê, và ngày Sabát, Người giảng dạy dân chúng. Họ
sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời Người có uy quyền.” (Lc 4, 31-32)
Những người đến nghe Chúa Giêsu giảng dạy, họ chứng kiến những lời nói của Ngài
có đầy quyền năng trên các bệnh nhân, trên các người mang tật nguyền, trên cả
thiên nhiên như với sóng biển với cuồng phong, nhất là trên những người bị quỷ
ám, cả trên những kẻ đã chết cũng được sống lại khi đã nặng mùi. Nhất là người
có quyền tha tội. Những lời Ngài nói không dựa vào bất cứ ai. Uy quyền của Ngài
chính tự nơi Ngài. Ngày hôm nay Chúa Giêsu cũng đang sống với chúng ta. Hãy đến
với Ngài bất cứ nơi đâu bất cứ lúc nào; Ngài đang chờ đợi, chính Ngài sẽ giảng
dạy và trò chuyện với chúng ta bằng tình thương của Ngài và Ngài sẽ chúc lành
cho chúng ta với quyền năng của Ngài.
Mạnh
Phương
02
Tháng Chín
Khuôn Mặt Giuđa
Một
trong những giai thoại nổi tiếng nhất trong lịch sử hội họa đó là câu chuyện
danh họa Leonardo da Vinci đi tìm người mẫu để họa khuôn mặt của Giuđa, kẻ phản
bội.
Leonardo
đang miệt mài trong bức tranh "Bữa Ăn Cuối Cùng" của Chúa Giêsu với
các môn đệ. Tất cả các khuôn mặt, từ Chúa Giêsu đến các môn đệ, đều đã hiện
nguyên hình trên khung vải. Nhưng đến lúc phải tô vẽ cho khuôn mặt của Giuđa,
danh họa Leonardo da Vinci đã tỏ ra lúng túng vì ông không biết phải tìm một
người nào làm mẫu cho con người phản bội này... Ông đã phải đi dạo khắp nơi để
tìm một khuôn mặt xấu xí, hiện thân của kẻ phản bội, gian trá. Sau mấy tháng trời
tìm kiếm, cuối cùng ông đã gặp được khuôn mặt mà ông cho là ưng ý nhất. Trong
khu xóm lầy lội, nghèo nàn, ông đã khám phá được một khuôn mặt mà ông cho là có
đầy đủ những đường nét của tội ác. Ông đã lần mò đến gần người đó, và sau khi
đã giải thích về bức tranh mình đang thực hiện, ông đã đề nghị người đó đến xưởng
vẽ của ông để bắt tay vào công việc.
Người
được chọn làm người mẫu cho Giuđa nhìn nhà danh họahồi lâu. Cuối cùng, ông đốt
lên một ngọn đuốc sáng vào gương mặt của ông... Leonardo ngạc nhiên vô cùng, bởi
vì người đàn ông này cũng chính là người đã làm mẫu cho ông vẽ chân dung Chúa
Giêsu... Cũng khuôn mặt đó, nhưng có lúc Leonardo da Vinci nhìn thấy những đường
nét của Chúa Giêsu, vào lúc khác, ông lại thấy nó xấu xí như gương mặt của
Giuđa.
Chúng
ta thường nói: khi yêu thì trái ấu cũng tròn... Trong một lá thư tình nào đó,
có lẽ hai người yêu nhau sẽ nói với nhau: không có anh, không có em, đất trời
như vô nghĩa... Tình yêu có tính sáng tạo. Tình yêu giúp chúng ta chỉ nhìn thấy
cái hay cái đẹp nơi người mình yêu.
Tin
và yêu là hai động tác gắn liền với nhau. Ngôn ngữ của đức tin không thể là
ngôn ngữ của khoa học. Con người không đến với Thiên Chúa sau một thời gian dài
tìm kiếm, lý luận. Con người chỉ đến với Thiên Chúa bằng tình yêu. Nói đến tình
yêu là nói đến tin tưởng và phó thác.
Tomas
đã đến với Chúa Giêsu Phục Sinh bằng sự lý luận, uyên bác của một nhà khoa học:
"Nếu tôi không xỏ ngón tay tôi vào lỗ đinh và vào cạnh sường của Ngài...
Tôi không tin". Thái độ này rất phù hợp với tinh thần khoa học. Trong công
cuộc nghiên cứu khoa học, người ta quan sát, đưa ra giả thuyết, kiểm chứng, thí
nghiệm rồi đi đến kết luận... Phương pháp này hoàn toàn vô giá trị trong tình
yêu. Không ai quan sát một người nào đó, đưa ra một giả thuyết, rồi mới đi đến
một kết luận: yêu hay không yêu. Mà trái lại, tình yêu đến trước tất cả các lý
luận và tìm tòi của chúng ta...
Trong
đức tin cũng thế, Thiên Chúa yêu thương chúng ta và Ngài mời gọi chúng ta đi
vào tình yêu của Ngài.
Tình
yêu đó mời gọi chúng ta vượt lên trên tất cả những lý luận và ngờ vực của chúng
ta. Tình yêu đó giúp chúng ta khám phá ra vẻ đẹp và lòng nhân từ của Thiên Chúa
trong tất cả mọi sự, trong ánh mắt của con người cũng như trong muôn màu sắc của
thiên nhiên. Tình yêu đó giúp chúng ta nhìn thấy nơi gương mặt xấu xí của Giuđa
những đường nét yêu thương của Chúa Giêsu. Tình yêu ấy cho chúng ta tìm thấy
nơi niềm vui trong thất vọng, thua thiệt. Tình yêu ấy cho chúng ta nhìn thấy sự
hiện diện của Chúa trong những giờ phút trống rỗng vô nghĩa của cuộc sống.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét