Trang

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

04-09-2014 : THỨ NĂM TUẦN XXII MÙA THƯỜNG NIÊN

04/09/2014
Thứ Năm sau Chúa Nhật 22 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 3, 18-23
"Tất cả là của anh em, nhưng anh em thuộc về Ðức Kitô, và Ðức Kitô thuộc về Thiên Chúa".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, đừng có ai lừa dối mình. Nếu có ai trong anh em cho mình là người khôn ngoan ở đời này, thì kẻ ấy hãy nên điên dại để được khôn ngoan: vì sự khôn ngoan của thế gian này là sự điên dại đối với Thiên Chúa, vì có lời chép rằng: "Chính Người bắt chợt những người khôn ngoan ngay trong xảo kế của họ". Lại có lời khác rằng: "Chúa biết tư tưởng của những người khôn ngoan là hão huyền". Vậy đừng có ai còn tự phô trương nơi loài người. Vì tất cả là của anh em, dù là Phaolô hay Apollô, hoặc Kêpha, hoặc thế gian, sự sống hay sự chết, hoặc hiện tại hay tương lai. Tất cả là của anh em; nhưng anh em thuộc về Ðức Kitô, và Ðức Kitô thuộc về Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6
Ðáp: Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó (c. 1a).
Xướng: 1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. - Ðáp.
2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. - Ðáp.
3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacob. - Ðáp.
  
Alleluia: 2 Tx 2, 14
Alleluia, alleluia! - Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được chiếm lấy vinh quang của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 5, 1-11
"Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Chúa Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Ghênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng.
Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: "Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá". Ông Simon thưa Người rằng: "Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới". Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.
Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: "Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi". Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: "Ðừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta". Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Sự Hiện Diện và Tác Ðộng của Chúa
Ý nghĩa của mẻ cá và ơn gọi của các môn đệ đầu tiên được Luca ghi lại trong Tin Mừng hôm nay sẽ được sáng tỏ, nếu chúng ta nắm bắt được quan niệm của người Do thái về biểu tượng của nước, nhất là của biển cả. Người Do thái tin rằng biển cả là nơi cư ngụ của Satan và những lực lượng chống đối Thiên Chúa. Trong niềm mong đợi chung, người Do thái tin rằng chỉ có Ðấng Cứu Thế được Thiên Chúa sai đến mới có đủ uy quyền đê chế ngự biển cả và giải thoát tất cả những ai đang bị chôn vùi trong đó.
Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ thấy được quyền năng giải thoát của Ngài khi thực hiện mẻ cá lạ lùng trước mặt các ông. Chiếc lưới được thả vào lòng biển khơi để vớt cá lên, đó là hình ảnh của công cuộc cứu thoát mà Ngài đang thực hiện. Ngài đến là để lôi kéo con người khỏi vực sâu của tội lỗi và sự dữ. Chính trong ý nghĩa ấy, Chúa Giêsu dùng kiểu nói "đánh lưới người" mà Ngài sẽ trao phó cho các môn đệ và Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập; trở thành ngư phủ đánh lưới người có nghĩa là tham dự vào công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu.
Qua mẻ cá lạ lùng, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ cho các môn đệ thấy rằng tự sức họ, họ không thể làm được gì. Thánh Phêrô đã ý thức được điều đó: "Chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả". Thánh Phêrô không chỉ nói lên cái giới hạn bất toàn của con người, mà còn nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình: "Lạy Thầy, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi". Ý thức về thân phận ấy và sống cho đến cùng thân phận ấy là cả một cuộc chiến đấu cam go. Hơn ai hết, thánh Phêrô đã cảm nghiệm được sự yếu đuối mỏng giòn của con người khi chối Thầy; cả cuộc đời ngư phủ đánh lưới người của Phêrô chỉ trở thành hữu hiệu với ý thức ấy. Càng thấy mình yếu hèn, con người càng sống gắn bó với Chúa; càng thấy mình vô dụng, con người càng trở nên hữu hiệu trong quyền năng của Chúa. Ra đi tản mát khắp nơi để trở thành ngư phủ đánh lưới người, tất cả các môn đệ đều nhớ lại bài học của mẻ cá lạ ấy và tâm niệm lời Chúa Giêsu: "Không có Thầy, các con không làm được gì".
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng nhìn vào tác động của Chúa qua Giáo Hội. Ngài vẫn hiện diện trong con thuyền Giáo Hội, và ngoài mọi suy nghĩ, tính toán của chúng ta, Ngài vẫn tiếp tục thực hiện những điều cả thể, ngay cả những lúc Giáo Hội tưởng mình bị bó tay không làm được gì. Lời nhắn nhủ của Ðức Hồng Y Etchegaray đáng cho chúng ta suy nghĩ: Người ta dễ chú ý đến tiếng động của cây rừng ngã đổ, mà lại quên đi âm thanh nhỏ bé của những mầm non đang mọc lên.
Nguyện xin Chúa củng cố chúng ta trong niềm tin vững vào sự hiện diện và tác động của Chúa trong Giáo Hội. Xin Ngài ban cho chúng ta đôi mắt tinh tường bén nhạy để nhận ra biết bao điều cả thể Ngài đang thực hiện trong những biến cố âm thầm, mất mát, thua thiệt của Giáo Hội.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 22 TN2
Bài đọc: I Cor 3:18-23; Lk 5:1-11.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Khôn ngoan của Thiên Chúa và khôn ngoan của con người.
Khôn ngoan là một đặc tính cần thiết cho sự sống còn trong cuộc đời. Người khôn ngoan biết suy nghĩ, đắn đo, lựa chọn sao cho đạt được kết quả như lòng mong ước. Nhưng khôn ngoan cũng có nhiều loại, chứ không phải khôn ngoan nào cũng tốt cũng hay; người Việt-nam phân biệt khôn ngoan với ma lanh.
Các bài đọc hôm nay phân biệt khôn ngoan của Thiên Chúa với khôn ngoan của con người. Trong bài đọc I, thánh Phaolô phân biệt rõ ràng sự khôn ngoan của Thiên Chúa khác xa sự khôn ngoan của con người. Ngài cũng liệt kê một số các đặc tính để giúp các tín hữu thấu hiểu và tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa hơn là bằng lòng với sự khôn ngoan của con người. Trong Phúc Âm, khi thánh Phêrô bị thử thách để sống theo lối suy nghĩ khôn ngoan nghề nghiệp của mình hay làm theo lời truyền khôn ngoan của Chúa Giêsu, thánh nhân đã chọn làm theo lời truyền khôn ngoan của Thiên Chúa. Hậu quả là Phêrô thu lượm được một mẻ cá lạ lùng vượt quá lòng mong đợi của ông.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Khôn ngoan của Thiên Chúa và khôn ngoan của con người.
Khôn ngoan của Thiên Chúa là thứ khôn ngoan cao nhất. Lý do đơn giản là vì nó đến từ Thiên Chúa. Khôn ngoan của Thiên Chúa khác với con người ở chỗ nó nhắp tới mục đích tối hậu của cuộc đời và tất cả các suy nghĩ và lựa chọn phải đặt căn bản trên mục đích này; trong khi khôn ngoan của thế gian chỉ nhắm tới các mục đích trần thế. Vì mục đích nhắm tới khác nhau nên nhiều khi khôn ngoan Thiên Chúa hoàn toàn trái ngược với khôn ngoan của con người. Ví dụ: khôn ngoan Thiên Chúa đòi hy sinh mạng sống để theo Chúa trong khi khôn ngoan con người tìm mọi cách để bảo vệ mạng sống mình. Lý do của sự khác biệt này là đích điểm nhắm tới.
Thánh Phaolô cho sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa. Điều này cũng được Chúa Giêsu khẳng định: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, hỏi được lợi ích gì?” Thánh Phaolô chỉ cách cho các tín hữu của ngài để có được sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật.”
Khôn ngoan của con người Chúa đều biết cả vì Chúa đã dựng nên con người. Hơn nữa Chúa còn biết con người hơn cả chính con người. Vì thế, khôn ngoan của con người chỉ đánh lừa được con người, nhưng không bao giờ đánh lừa được Thiên Chúa, như thánh Phaolô và sách Job khẳng định: “Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng.”
Đức Kitô chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì vậy, biết được Chúa Kitô là biết được sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Sự khôn ngoan Thiên Chúa bao trùm cả thế gian này: sự sống hay sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về những người tin vào Chúa Kitô.
2/ Phúc Âm: Khôn ngoan của Phêrô và khôn ngoan của Chúa Giêsu.
Mặc khải và giảng dạy chiếm một vai trò quan trọng trong sứ vụ của Chúa Giêsu khi Ngài xuống trần gian, vì qua đó Ngài mặc khải và dạy dỗ cho dân biết những mầu nhiệm và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Phúc Âm tường thuật: Một hôm, Đức Giêsu đang đứng ở bờ hồ Gennesareth, dân chúng chen lấn nhau đến gần Ngài để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Ngài xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Ngài ngồi xuống, và từ trên thuyền Ngài giảng dạy đám đông.
Kinh nghiệm khôn ngoan đánh cá của Phêrô bị Chúa Giêsu thử thách khi Ngài bảo ông Simon: "Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá." Ông Simon đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới." Câu trả lời cho thấy ông Phêrô ít nhất muốn Chúa hiểu: “Con là dân chài lưới và hành nghề thường xuyên trên biển này, cả đêm đã chài lưới mà chẳng bắt được con nào. Giờ đây, lưới đã giặt sạch mà Thầy thì chẳng có kinh nghiệm gì về đánh cá, mà lại bảo con quăng lưới lần nữa. Vì vâng lời Thầy con sẽ làm, nhưng chắc chắn sẽ chẳng được con nào!” Nhưng Phêrô đã lầm to, không những có cá mà còn bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.
Phản ứng của Phêrô sau khi đã học được bài học quan trọng nhất: Đừng bao giờ tự hào thử thách Chúa vì không có điều gì là không thể với Thiên Chúa. Ông biết Chúa Giêsu đã nhìn thấu tâm hồn khi ông khi ông trả lời Ngài. Vì thế, với tấm lòng khiêm nhường, ông Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!" Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simon và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Zebedee, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simon, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Simon: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta."
Đánh cá đã khó, đánh cá người còn khó hơn gấp bội, nhưng với sự trợ giúp của Thiên Chúa thì không có chi là khó với Ngài. Vì thế, các ông đã từ bỏ mọi sự theo Chúa để học nghề mới: nghề chinh phục các linh hồn về cho Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta đừng bao giờ tự hào về sự khôn ngoan của con người trước Thiên Chúa. Khi có sự xung đột giữa hai lọai khôn ngoan, chúng ta phải làm theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
- Khi phải làm những quyết định quan trọng, đích điểm của cuộc đời phải luôn là lý do nền tảng cho mọi quyết định của chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 22
Lc 5,1-11

A. Hạt giống...
Bài tường thuật việc Chúa Giêsu kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên trong Tin Mừng Luca có nhiều chi tiết hơn bài tường thuật ngắn gọn trong Mt 4,19-22 :
- Họ đang giặt lưới để dẹp cất, vì suốt đêm đánh không được con cá nào.
- Chúa Giêsu bảo họ thử đánh một mẻ nữa. Phêrô không tin vào sự thành công, nhưng nể lời Ngài nên ông thả lưới.
- Một mẻ lưới nhiều cá quá sức tưởng tượng đã khiến Phêrô và các bạn khám phá ra thân phận siêu phàm của Chúa Giêsu đồng thời cũng ý thức thân phận hèn hạ tội lỗi của mình.
- Khi đó Chúa Giêsu lên tiếng gọi họ theo Ngài làm môn đệ. Và họ đã từ bỏ mọi sự để theo Ngài.

B.... nẩy mầm.
1. Chúa gọi 4 môn đệ đầu tiên tại bờ biển, tức là ở nơi sinh sống thường ngày của họ ; Chúa gọi họ lúc họ đang giặt lưới, tức là trong công việc thường ngày của họ.
Chúa cũng gọi tôi trong sinh hoạt thường ngày và ở môi trường sống quan thuộc. Những tiếng gọi “Hãy theo Ta” thường xuyên vang lên trong khung cảnh bình thường mọi ngày. Nhưng tôi có nghe thấy hay không ?
2. Bắt đầu câu chuyện, Chúa Giêsu “xin” Phêrô một chuyện nhỏ : chở Ngài trên thuyền đi ra xa một chút. Cuối câu chuyện, Ngài ban cho ông một ơn lớn : một mẻ lưới rất nhiều cá ; và một ơn còn lớn gấp bội, là được làm môn đệ Ngài. Nếu như ban đầu Phêrô đã ích kỷ không “cho” Chúa, thì sau đó ông đâu có được “nhận” những ơn ban to lớn kia.
3. “Nhưng vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới” : mẻ cá lớn là kết quả của sự vâng lời Chúa.
4. Một trung sĩ đang huấn luyện các tân binh : “Các đồng chí hãy nhớ khi một sĩ quan trao cho công việc dù nặng nề đến đâu, bổn phận dù khó khăn đến đâu, các đồng chí luôn phải nhớ tiếng nói cuối cùng.”
Trong lúc các lính mới còn đang ngơ ngác nhìn, ông thêm : “Tiếng đó là : Tuân lệnh.” (Góp nhặt)
5. Khi Phêrô nhận ra thân phận tội lỗi mình và xin Chúa lánh xa, thì chính lúc đó Ngài gọi ông đi theo Ngài. Chúa không chê và không xa lánh người tội lỗi. Ngược lại Chúa còn gọi đến gần Ngài những người ý thức thân phận tội lỗi của mình.
6. “Ông Simon nói : ‘Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không ắt được gì cả. Nhưng dựa vào Lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc 5,5)
“… Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất này lên”. Nếu như Archimède dám khẳng định như vậy thì tại sao tôi lại không dám xác tín rằng : Dựa vào Chúa Giêsu, Đấng đã dám hiến mạng vì tình yêu, tôi có thể chinh phục mọi tâm hồn ? Như Simon đã dựa vào Lời Chúa mà thả lưới và bắt được mẻ cá lớn, thì tôi cũng có thể trở thành người chinh phục các tâm hồn cho Chúa một khi tôi biết dựa vào quyền năng của Chúa hơn là sức riêng của mình.
Lạy Chúa, xin cho con biết vâng theo lời Chúa, biết dựa vào lời Chúa và thực thi lời Ngài trong cuộc sống. (Hosanna)

Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – GP.Cần Thơ

04/09/14 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN 
Lc 5,1-11

Suy niệm: Một trong những đặc tính cho thấy quyền năng Thiên Chúa là sự đa dạng, phong phú của vạn vật, sự hoành tráng, hùng vĩ của thiên nhiên. Nếu sự hiện hữu của mỗi tạo vật đã cho thấy sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa, thì con số hàng tỉ tỉ của chúng lại càng là lời công bố sự hiện hữu ấy cách mạnh mẽ hơn biết mấy. Kinh ngạc trước mẻ cá vĩ đại vừa bắt được, ông Si-mon nhìn nhận giới hạn nhỏ bé của mình: “Xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi!” Tuy nhiên, quyền năng của Thiên Chúa được bày tỏ không phải để lấn át hay đẩy con người vào trong giới hạn nhỏ bé của mình. Trái lại, quyền năng ấy mở rộng tầm nhìn của con người, đưa con người lên tầm cao mới, đến sự vô tận vốn là khát vọng thâm sâu của mình: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta!”
Mời Bạn: Con người cảm thấy choáng ngợp trước một sự dồi dào, phong phú về số lượng của tạo vật, nhưng trái tim con người chỉ có thể bị khuất phục bởi sự phong phú khôn lường, sự bao la vĩ đại của tình yêu. Mời bạn hãy sống và làm chứng cho mọi người rằng tình yêu Chúa thật bao la, vĩ đại và ơn cứu độ nơi Ngài thật chan chứa, kỳ diệu.
Chia sẻ: Điều gì làm bạn thán phục, kinh ngạc nhất nơi cách sống của một con người? Hãy cố gắng sống như thế để làm chứng cho Chúa chúng ta. 
Sống Lời Chúa: Tôi nhẩm đi nhắc lại rằng “Ơn cứu độ nơi Ngài chan chứa” và tìm cách chia sẻ ơn cứu độ ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho trái tim con niềm vui ơn cứu độ để con chia sẻ niềm vui ấy cho mọi người chung quanh. Amen.

Từ nay anh sẽ bắt người
Chúa vẫn gọi tôi ra khỏi lối mòn quen thuộc, khỏi những điều tưởng như không thể đổi. Tôi có sẵn sàng lên đường theo Ngài không? 


Suy nim:
Chẳng ai ngờ cuộc đời Simon có thể chuyển hướng.
Ông đã có nghề nghiệp ổn định và đã lập gia đình.
Thế giới của ông là hồ Ghênêxarét,
là những con cá quẫy đuôi trong lưới,
là gia đình cần phải chăm nom.
Ông yêu vợ con, ông yêu biển cả.
Chúa đã đặt ông vui sống trong thế giới ấy,
nên chỉ có Ngài mới có thể kéo ông ra,
và bất ngờ đưa ông vào một thế giới mới,
một đại dương bao la hơn nhiều,
một gia đình rộng lớn hơn vạn bội.
Chỉ Chúa mới có thể
làm trái tim ông say mê một Ai khác,
yêu một Ai đó hơn những người ông đã từng yêu.
Ðức Giêsu đã đến với Simon thật tự nhiên.
Ngài chọn thuyền của ông làm nơi giảng dạy.
Sau đó Ngài mời ông thả lưới bắt cá,
Simon có nhiều lý do để khước từ.
Ông có thể nhân danh kinh nghiệm của mình
để thấy tốt hơn nên chờ dịp khác,
hay nại lý do mệt mỏi, sau một đêm ra khơn.
Nhưng Simon đã vâng lời, chỉ vì tin Lời Thầy Giêsu,
Lời đầy quyền uy, Lời trừ được quỷ (Lc 4,30).
Lời mạnh mẽ đã chữa cho mẹ ông khỏi bệnh (4,39).
Mẻ cá lạ lùng, mẻ cá chỉ có trong mơ.
Mẻ cá làm Simon run rẩy nhận ra mình tội lỗi,
và nhận ra Ðấng ở gần bên.
Mẻ cá bất ngờ mở đường cho một lời mời gọi mới:
“Ðừng sợ, từ nay anh sẽ thành kẻ bắt người.”
Simon lại có nhiều lý do hơn để từ chối.
Chuyện gia đình bề bộn, tương lai bấp bênh.
Kẻ quen bắt cá đâu có khả năng bắt người.
Kẻ tội lỗi đâu xứng với sứ mạng.
Nhưng một lần nữa, Simon dám tin vào Lời Chúa,
để cho Chúa tự do lôi kéo mình.
Ông đã bỏ lại bao điều ông yêu mến.
Khi bỏ lại hai thuyền đầy cá,
ông tin rằng những mẻ cá mới đang đợi ông.
Chúa vẫn gọi tôi ra khỏi lối mòn quen thuộc,
khỏi những điều tưởng như không thể đổi.
Tôi có sẵn sàng lên đường theo Ngài không?
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Suy niệm
Gần đây trên báo Tri Thức Trẻ đã đăng tải bài viết: Gái Miền Tây, và 3 chữ "N" nổi danh thiên hạ. (3 chữ "N": Ngon, Ngoan và Ngu), đã bị dân cư mạng phản đối cực lực, khiến cho bộ Văn hoá thông tin phải vào cuộc và xử lý nghiêm khắc. Bởi vì tác giả đã bôi nhọ và xúc phạm đến giá trị nhân phẩm của gái Miền Tây, cũng như chia rẽ người vùng miền.
Trái với nội dung bài viết trên báo Tri Thức Trẻ trên, bài viết và nội dung của tác giả thánh Luca trong bài tin mừng hôm nay đã để lại cho người đọc một ấn tượng tuyệt đẹp khi đề cao nhân vật Giêsu với 3 chữ "L" (lạ) nổi danh thiên hạ.
1. "LẠ" về nơi giảng dạy.
Sự thường ở đời ai lại dùng thuyền đánh cá để ngồi trên đó mà giảng dạy; cũng chưa thấy ai quy tụ dân chúng nơi bãi biển để giáo huấn. Vậy mà Chúa Giêsu đã không ngần ngại tận dụng phương tiện và nơi chốn ấy để rao giảng Lời Chúa. Quả là lạ thường!
2. "LẠ" về mẻ cá bất thường.
Với kinh nghiệm lành nghề về việc đánh bắt cá biển, Sinmon cùng các bạn đồng nghiệp đã trãi qua một đêm vất vả nhưng chẳng được con cá nào. Trong khi giữa lúc ban ngày, Thầy Giêsu chẳng có chút kinh nghiệm gì về việc ra khơi bám biển, lại đề nghị Simon thả lưới bắt cá, quả là chuyện đùa! Nhưng để làm vui lòng thầy Giêsu, Simon đành miễn cưỡng làm theo, nhưng thật bất ngờ, kết quả lại ngoài sức tưởng tượng. Một mẻ cá lạ đầy ấp những cá là cá. Ấy mới là sự lạ!
3. "LẠ" về việc chuyển đổi nghề nghiệp bất ngờ.
Trước một mẻ cá lạ lùng, Sinmon đã hò reo sung sướng, nhưng cũng đầy sợ hãi khi nhận ra thân phận yếu hèn tội lỗi của mình nên đã sụp lạy Thầy Giêsu đầy quyền năng. Không ngờ chính lúc đó, Chúa Giêsu lại nhẹ nhàng trấn an rồi bất ngờ kêu gọi ông chuyển đổi ngành nghề: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta". Sinmon đã không cưỡng lại được lời mời gọi chân tình tha thiết ấy của Đấng quyền năng nên đã "bỏ mọi sự mà theo Người". Ôi lạ lùng biết mấy!
Với 3 chữ "LẠ" nơi con người Giêsu mà thánh Luca tường thuật trong bài Tin mừng hôm nay, nhằm dạy chúng ta những bài học quý:
- Phải tận dụng mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh để loan báo Tin Mừng.
- Luôn biết tin tưởng, trông cậy vào quyền năng Chúa trong mọi lúc vì "mọi kẻ tin vào Ngài sẽ không thất vọng bao giờ". (Tv 90 ).  Biết cậy dựa vào Chúa, ta có thể làm được những điều kì diệu, như thánh Phaolô đã nói: "Tôi có thể làm mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi" (Pl 4,13).
- Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi người mỗi kinh nghiệm, mỗi người mỗi khả năng, tính cách..., Chúa đều tin tưởng mời gọi để cộng tác với Chúa để cứu rỗi các linh hồn.
Xin cho chúng ta biết mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa cách tích cực, sẵn sàng từ bỏ mọi sự để thi hành thánh ý Chúa với lòng tin tưởng cậy trông vào quyền năng của Người.
Lm Seoka

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
4 THÁNG CHÍN
Cắm Rễ Thâm Sâu Trong Thiên Chúa
Ý nghĩa của việc “củng cố mạnh mẽ con người nội tâm” – là hoạt động của Chúa Thánh Thần trong lòng chúng ta – được giải thích rõ trong thư gửi tín hữu Eâphêsô: “Xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để có đủ sức thấu hiểu và nhận biết tình yêu của Đức Kitô vốn vượt quá mọi sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa”. (Ep 3,17-19).
Điều đó chỉ có thể được hoàn thành bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần hoạt động trong tinh thần con người. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể khai phóng cho chúng ta sự viên mãn của con người nội tâm như được tìm thấy nơi tấm lòng của Đức Kitô. Chỉ có Ngài mới có thể làm cho tâm hồn chúng ta ngày càng hấp thu năng lực từ nguồn viên mãn này. Tâm hồn chúng ta – tức con người nội tâm – không thể chỉ dừng lại nơi những ưu tư về các thực tại chóng qua. Không, chúng ta phải “bén rễ sâu” trong tình yêu không bao giờ hư mất.
Nguyện xin Nữ Tì khiêm cung của Thiên Chúa cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, để trái tim nhân loại của chúng ta có thể “bén rễ sâu” trong Thiên Chúa, vì chỉ có Ngài là tình yêu không bao giờ hư mất. Và tình yêu này được mạc khải nơi trái tim nhân loại của Đấng được sinh bởi cung lòng Đức Maria.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 04-9
1Cr 3, 18-23; Lc 5, 1-11.

LỜI SUY NIỆM: “Giảng xong, Người bảo ông Simon: chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”.
Chúa Giêsu mượn thuyền của Simon, sau khi ông suốt đêm không đánh bắt được con cá nào. Thế mà Chúa Giêsu, giờ đây lại bảo người chài lưới chuyên nghiệp thả lưới lúc này. Nhưng Simon đã vâng lời và đã thả lưới và đã bắt được nhiều cá. Câu chuyện này  giúp cho người Kitô hữu, trong ngày sống của mình luôn đặt niềm tin vào Lời Chúa, thực thi Lời Chúa, thì sẽ đạt được thành quả cả ngoài mong đợi.
Lạy Chúa Giêsu. Trong cuộc sống của chúng con nhiều khi chúng con đã quá tự tin vào khả năng của bản thân, mà quên đi những điều trong kinh Sáng Soi, mà chúng con thường đọc thuộc lòng. Xin Chúa cho chúng con sống trọn vẹn niềm tin trong mọi kinh nguyện mà chúng con thường đọc.
Mạnh Phương


04 Tháng Chín
Người Ta Sao, Tôi Vậy!
Theo khuynh hướng tự nhiên, có lẽ ai trong chúng ta cũng thích dựa theo đám đông để hành động.
Chúng ta thử quan sát trong sự đi lại trong các thành phố. Cũng như xe cộ, khách bộ hành cũng phải tuân theo đèn xanh, đèn đỏ. Những buổi chiều khi tan sở, người ta thường thấy các xe cộ nối đuôi nhau ở các ngã tư. Ðối lại với một chuỗi dài của những xe cộ, người ta cũng thấy lố nhố cả một đoàn người đang chờ đèn xanh để qua đường.
Quan sát cho kỹ, thỉnh thoảng người ta thấy một điều rất buồn cười, nhưng cũng rất bình thường: nếu có một người trong đám bộ hành này, vội vàng vì công việc hoặc không đủ kiên nhẫn, đã lợi dụng lúc vắng xe để băng qua đường bất chấp đèn đỏ, thì lúc đó, một số người trong đám đứng đợi cũng sẽ làm theo, nghĩa là cũng sẽ băng qua đường ngay giữa lúc đèn còn đỏ... Những người đi theo này có lẽ không nhìn thấy những dấu hiệu của luật lệ đi đường, mà chỉ làm theo người khác. Ðối với những người này, dấu hiệu để băng qua đường này không phải là đèn xanh, mà là gương của người khác.
Trong cuộc sống hằng ngày cũng thế, nhiều người trong chúng ta có lẽ không hành động, không cư xử theo những dấu hiệu, theo những chỉ dẫn của chân lý, mà có lẽ theo gương kẻ khác nhiều hơn. Người ta làm sao, tôi làm vậy! Ðó là lý luận thông thường của chúng ta. Như thế người vượt đèn đỏ để băng qua đường chỉ làm một hành động cá nhân cho riêng mình, mà còn trở thành dấu hiệu để cho không biết bao nhiêu người làm theo.
Không ai có thể tự phụ sống cho riêng mình mà hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến người khác. Bằng lời nói hay hành động, tất cả mọi hành xử của chúng ta đều gây một chấn động nào đó với người khác. Một cách nào đó, chúng ta không sống như một hòn đảo, mà là một dấu hiệu đối với người khác.
Riêng với những môn đệ của Ðức Kitô, thì vai trò dấu hiệu ấy càng hiển nhiên hơn. Thật thế, Chúa Giêsu đã quả quyết: "Các con là muối đất, các con là ánh sáng thế gian".
Ước gì cuộc sống chứng ta của bác ái, của nhẫn nhục, của tha thứ, của quảng đại, của phục vụ và của sự cần kiệm liêm chính mà người Kitô luôn phải thể hiện, có sức trở thành dấu hiệu của chân lý, của Sự Sống. Và để trở thành dấu hiệu cho người khác, người Kitô cần phải luôn hướng nhìn về Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống. Sống theo Ngài, cư xử như Ngài, người Kitô cũng sẽ lôi cuốn nhiều người đến với Ngài.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét