Trang

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

17-09-2014 : THỨ TƯ TUẦN XXIV MÙA THƯỜNG NIÊN

17/09/2014
Thứ Tư sau Chúa Nhật 24 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 12, 31 - 13, 13
"Ðức tin, đức cậy, đức mến vẫn tồn tại, nhưng đức mến là trọng hơn cả".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, anh em hãy cầu mong những ơn cao trọng hơn. Và tôi chỉ bảo anh em một con đường hoàn hảo nhất. Nếu tôi nói được các tiếng của loài người và thiên thần, mà tôi không có bác ái, thì tôi chỉ là tiếng đồng la vang dội hoặc não bạt vang động. Và nếu tôi được nói tiên tri, thông biết mọi mầu nhiệm và mọi khoa học; nếu tôi có đầy lòng tin, đến nỗi chuyển dời được núi non, mà không có bác ái, thì tôi vẫn là không. Nếu tôi phân phát hết gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, nếu tôi nộp mình để chịu thiêu đốt, mà tôi không có bác ái, thì không làm ích gì cho tôi.
Bác ái thì kiên tâm, nhân hậu. Bác ái không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý. Bác ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả.
Bác ái không khi nào qua đi, ơn tiên tri sẽ bị huỷ diệt, ơn ngôn ngữ sẽ chấm dứt, ơn thông minh sẽ biến mất. Vì chưng chúng ta hiểu biết có giới hạn, chúng ta nói tiên tri có giới hạn, nhưng khi điều vẹn toàn đến, thì điều có giới hạn sẽ biến đi. Khi còn bé nhỏ, tôi nói như trẻ nhỏ, suy tưởng như trẻ nhỏ, lý luận như trẻ nhỏ; nhưng khi tôi đã trưởng thành, tôi loại bỏ những gì là trẻ nhỏ. Hiện giờ, chúng ta thấy mờ mịt qua tấm gương, nhưng lúc bấy giờ, diện đối diện. Hiện giờ, tôi biết có giới hạn, nhưng lúc bấy giờ, tôi sẽ biết như tôi được biết. Hiện giờ, đức tin, đức cậy, đức mến, tất cả ba đều tồn tại, nhưng trong ba nhân đức, đức mến là trọng hơn cả.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 2-3. 4-5. 12 và 22
Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).
Xướng: 1) Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. Hãy ca mừng Người bài ca mới, hát mừng Người với tiếng râm ran. - Ðáp.
2) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa. - Ðáp.
3) Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài. - Ðáp.
  
Alleluia: Tv 147, 12a và 15a
Alleluia, alleluia! - Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa, Ðấng đã sai lời Người xuống cõi trần ai. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 7, 31-35
"Chúng tôi đã thổi sáo mà các anh không nhảy múa, chúng tôi đã hát những điệu bi ai mà các anh không khóc".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Ta sẽ phải nói những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống ai? Họ giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố gọi và nói với nhau rằng:
"Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa.
"Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc".
Bởi vì khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: "Người bị quỷ ám". Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: "Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi". Nhưng sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Thái Ðộ Thiếu Nhất Quán
Ngày nay, nhân danh dân chủ, tự do ngôn luận, nhiều người muốn có một Giáo Hội của mình, một Giáo Hội được định đoạt theo những suy nghĩ của mình, chứ không là giáo lý do Chúa mạc khải và ủy thác cho Giáo Hội nữa. Muốn là Kitô hữu, nhưng lại không muốn chấp nhận giáo huấn của Chúa Kitô được ủy thác cho Giáo Hội, đó là một thái độ thiếu nhất quán. Chúng ta có thể thấy được một thái độ như thế trong bài Tin Mừng hôm nay.
Chúa Giêsu mượn hình ảnh nhóm trẻ chơi ngoài phố chợ để nói lên thái độ ấy. Chấp nhận cuộc chơi, nhưng khi tiếng sáo thổi lên thì lại không nhảy múa; chấp nhận diễn kịch, nhưng khi bài hát đưa đám được cất lên thì lại không khóc theo. Những người Do thái thời Chúa Giêsu cũng có phản ứng đối với Ngài không khác nào đám trẻ chơi ngoài phố chợ này. Họ mong chờ Ðấng Cứu Thế, Gioan Tẩy Giả loan báo về Ngài, nhưng họ không chấp nhận nếp sống khổ hạnh của ông, họ bảo ông bị quỉ ám; Chúa Giêsu khai mạc thời cứu thế bằng yêu thương, phục vụ, tha thứ, thì họ lại bảo rằng Ngài là tên ăn nhậu, hòa nhập với phường thu thuế và tội lỗi.
Mong chờ Ðấng Cứu Thế, nhưng không chấp nhận những thể hiện của thời cứu thế; trông đợi Ðấng Cứu Tinh, nhưng phải là Vị Cứu Tinh do mình tạo ra, đó là thái độ của những người Do thái thời Chúa Giêsu. Thái độ ấy cũng là cơn cám dỗ triền miên của các Kitô hữu thời đại chúng ta. Chúa Giêsu đã nói: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta". Chúng ta mang danh hiệu Kitô, chúng ta muốn làm môn đệ Ngài, nhưng có lẽ chúng ta chưa từ bỏ chính mình để chấp nhận và sống theo giáo huấn của Ngài.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mặc lấy sự khôn ngoan của con cái Chúa, đó là sự khôn ngoan của trẻ thơ luôn biết sống khiêm tốn và tin tưởng. Xin Ngài củng cố chúng ta trong tâm tình ấy, để chúng ta luôn được trung thành với giáo huấn mà Ngài đã ủy thác cho Giáo Hội.
Veritas Asia

LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Tư Tuần 24 TN2
Bài đọc: I Cor 12:31-13:13; Lk 7:31-35.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự quan trọng của đức mến.

Tình yêu là một đề tài vô tận của các văn sĩ, thi sĩ. Các tuyệt tác có được là nhờ những cảm hứng đến từ nguồn tình yêu của Thiên Chúa, tổ quốc, cha mẹ, anh chị em, và tha nhân. Chương 13 trong Thư thánh Phaolô gởi cho các tín hữu Corintô là một chương phân tích tuyệt vời về tình yêu. Ngược lại, khi con người không có tình yêu, tất cả sẽ trở nên vô nghĩa và ngay cả trở thành hỏa ngục như triết gia hiện sinh J.P. Sartre nhân định: “Con người là hỏa ngục cho nhau.” Một tìm hiểu chi tiết về các Bài đọc hôm nay sẽ giúp chúng ta nhận ra giá trị quan trọng của tình yêu và mong muốn tập luyện để có được tình yêu. Khi có được tình yêu, chúng ta sẽ dễ dàng tránh khỏi những tật xấu như các Biệt-phái và Kinh-sư mà Chúa Giêsu trách hôm nay.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đức mến thì cao trọng hơn cả.

1.1/ Sự quan trọng của đức mến: Biết con người có khuynh hướng tìm những gì cao trọng nhất, thánh Phaolô khuyên: “Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả.” Con đường này là con đường yêu mến mà thánh Thêrêxa Hài Đồng cũng xác nhận: “Ơn gọi của con là Yêu.” Có nhiều nghĩa của chữ “yêu,” nhưng thánh Phaolô dùng chữ “đức mến” để nói lên tình yêu trong khuôn khổ của Kitô Giáo. Ngài so sánh sự quan trọng của “đức mến” với một số ơn cao trọng khác:
- Với ơn nói tiếng lạ: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì” Biết các thứ tiếng là một chuyện nhưng biết dùng những thứ tiếng đó để mưu ích cho tha nhân là chuyện khác. Nếu không biết dùng ơn nói tiếng lạ thì có khác gì chiếc “thùng rỗng kêu to” hay nói như thánh Phaolô: “thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng.” 
- Với ơn nói tiên tri, ơn hiểu biết, và ơn đức tin: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.” Tiên tri là nói thay cho Chúa để hướng dẫn và đem con người về với Chúa. Có những tiên tri ghét người đến độ không muốn kẻ thù trở về để được cứu (trường hợp của tiên tri Jonah). Điều nguy hiểm thường thấy nơi những người học cao hiểu rộng là tính tự kiêu, cho mình là hơn người và khinh thường tất cả những người khác. Rất nhiều người hiểu biết đã từ chối Thiên Chúa! Người có một đức tin mạnh cũng thế, họ nghĩ ai cũng phải có một đức tin mạnh như họ và bắt mọi người cũng phải làm những việc như họ làm; nhưng họ quên để có một đức tin như thế, họ đã phải dùng nhiều thời gian và trải qua biết bao sa ngã! 
- Với những việc bác ái và anh hùng: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” Việc tốt lành thôi cũng chưa đủ, cần có những ý hướng tốt lành nữa. Có những người đem cho hết gia tài chỉ để mua danh tiếng, chứ không cho vì thương người. Có những người tìm tử đạo để giải thóat cuộc đời đau khổ của mình chứ không để làm chứng nhân cho Chúa.

1.2/ Định nghĩa về đức mến: 
- Đức mến thì nhẫn nhục và nhân hậu: Tiếng Hy-Lạp có hai phân từ dùng cho kiên nhẫn: kiên nhẫn đợi cơ may tới và kiên nhẫn với con người. Phân từ kiên nhẫn (makrothumein) xử dụng bởi các thánh ký trong Tân-Ước luôn hàm chứa sự kiên nhẫn với con người. Thánh John Chrysostom cắt nghĩa: Phân từ này được dùng cho người bị đối xử cách sai trái; tuy ông có quyền và có cơ hội để trả thù nhưng đã không làm. Trái lại, ông muốn tự người đó nhận ra sự sai trái của họ bằng những việc tốt lành ông làm cho họ.
Chúa Giêsu cũng đã từng dạy các môn đệ hãy có sự kiên nhẫn này qua việc yêu thương và làm ơn cho kẻ thù, cầu nguyện cho những người bắt bớ… để có thể trở nên hòan thiện như Cha trên trời. Kiên nhẫn như thế không phải là yếu đuối nhưng là sức mạnh, không phải là thua cuộc nhưng là cách tốt nhất để chinh phục kẻ thù. Lịch sử có nhiều người đã dùng cách thức này và không ai dùng cách hiệu quả hơn Chúa Giêsu trên Thập Giá. Nhiều người Công Giáo có đức tin vững mạnh và cuộc đời liêm chính nhưng chưa đủ để chinh phục người khác về cho Chúa vì thiếu tính thương người. Họ dễ dàng đứng về phía kẻ mạnh để áp bức người cô thân cô thế. 
- Đức mến không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc: Người đời thường nói: “Chỉ có hai hạng người trên thế gian: triệu phú và muốn thành triệu phú.” Có hai lọai ghen tương: vì ham muốn tài sản của người khác và vì muốn họ phải mất những gì họ đang có. Lọai ghen tương thứ nhất có thể hiểu vì là tính con người. Lọai ghen tương thứ hai là do bởi sự xui dục của ma quỉ: muốn tha nhân phải chịu đau khổ để mình được thỏa mãn. Ví dụ: một học sinh muốn được điểm A như những học sinh giỏi là điều thông thường; nhưng lại muốn khi mình được điểm A thì các học sinh khác phải không được A như mình! Có những người khi có những gì người khác không có hay được quyền cao chức trọng thì kiêu hãnh tự đắc, coi mình như cái rốn của vũ trụ. Họ khoe khoang để mọi người được biết, bắt người khác phải quỵ lụy mình, và khinh thường tha nhân. Các Kinh-sư và Biệt-phái trong Phúc Âm là những tiêu biểu cho mẫu người này. 
- Đức mến không cư xử bất xứng (làm điều bất chính), không tìm tư lợi: Trong tiếng Hy-Lạp, từ cư xử bất xứng (avschmone,w) có hai nghĩa: (1) một hành động ngược lại với những tiêu chuẩn luân lý như lối sống vô luân (1 Cor 7:36); (2) một hành động ngược lại với những tiêu chuẩn xã hội như cách cư xử vô lễ, bất lịch sự, hay không đúng phép xã giao (1 Cor 13:5). Ở đây, thánh Phaolô có lẽ nhấn mạnh vào nghĩa thứ hai hơn. Nhiều người cũng nhận xét có hai lọai người trên thế gian: một lọai chỉ tìm lợi lộc cá nhân, luôn đòi được hưởng đặc quyền và một lọai chỉ để ý đến bổn phận phải đóng góp để tiếp tục phát triển. Để xây dựng xã quốc gia, có người đã đề nghị: Đừng đòi hỏi quốc gia phải làm gì cho bạn, nhưng hãy tự hỏi bạn có thể làm gì để xây dựng quốc gia. Cũng thế, để xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô, chúng ta đừng đòi hỏi Giáo Hội phải làm gì cho mình, nhưng hãy tự hỏi mình có thể làm gì để xây dựng Giáo Hội. 
- Đức mến không nóng giận, không nuôi hận thù: Nóng giận là không làm chủ được con người mình, là thiếu kiên nhẫn. Nóng giận có thể vi phạm trầm trọng đức mến trong lời nói cũng như trong hành động. Bác ái thì xây dựng trong khi nóng giận có thể phá hủy tất cả những gì mà mình và người khác đã xây dựng lâu năm. Động từ “nuôi” trong tiếng Hy-Lạp là động từ dùng trong lãnh vực kế tóan (logizeshthai): phải vào sổ sách tất cả để đừng quên sót. Một trong những nghệ thuật sống là học để quên, nhưng nhiều người luôn nhớ rành mạch tất cả những gì xấu người khác đã đối xử với mình. Có những cha mẹ khi đánh con là đánh và kể luôn tất cả mọi tội con đã phạm từ khi bắt đầu bị đánh tới giờ! Nhớ tất cả các tội của người khác là cách hiệu quả nhất để giết chính mình và giết tha nhân. 
- Đức mến không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật: Nhiều người lại có khuynh hướng ngược lại: mừng khi thấy điều dữ xảy ra cho người mình không thích và không vui khi thấy họ được mọi sự lành bằng an. Khi đọc, nghe, hay xem tin tức trên các phương tiện truyền thông, nếu không thấy những điều dữ xảy ra là kết luận tin tức hôm nay chẳng có gì đặc biệt cả. Các con buôn muốn bão cấp 2 sẽ trở thành bão cấp 5 để có thể kiếm lời bằng cách tăng giá những gì dân chúng cần, vì họ biết bão sẽ chẳng làm thiệt hại gì đến họ. 
- Đức mến che chở tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, và chịu đựng tất cả: Động từ “che chở” được dịch từ tiếng Hy-Lạp “ste,gw” đến từ danh từ “ste,gh” có nghĩa là mái nhà. Động từ được dùng cho việc lợp mái nhà để giữ những người trong nhà khỏi mưa nắng. Có lẽ thánh Phaolô muốn dùng từ này ở đây để nói lên rằng một khi có đức mến, con người có thể tìm mọi cách để che chở khuyết điểm của tha nhân, không để tội lỗi họ bị phơi bày ra cho người khác thấy. Tin tưởng tất cả có hai chiều kích: Trước tiên, tin tưởng nơi Thiên Chúa là Đấng có thể làm được mọi sự. Sau đó, tin tưởng nơi tha nhân có khuynh hướng tôn trọng Sự Thật, yêu những gì tốt lành, và quí mến mọi sự tốt đẹp. Với niềm tin như thế, con người có quyền hy vọng những gì họ mong đợi sẽ đến và sẽ không ngần ngại kiên trì hy sinh chịu đựng đau khổ để tha nhân được sống. Như những nhà nông, người có đức mến sẽ làm tất cả những gì họ có thể làm được, chịu dầm mưa giãi nắng; sau đó, họ đặt trọn niềm tin tưởng vào Trời sẽ ban cho một mùa gặt tốt đẹp.

1.3/ Tại sao đức mến quan trọng? Thánh Phaolô trả lời bằng cách so sánh đức mến với các ơn gọi khác về tính thời gian, sự hòan hảo, và sự cao trọng tuyệt đối. Sau khi so sánh, Ngài kết luận: “Đức mến không bao giờ mất được.” 
- Về tính thời gian: Ơn nói tiên tri cũng chỉ nhất thời. Khi Chúa cần phải sửa dạy dân chúng, Ngài sẽ dùng các tiên tri. Nhưng khi những gì Chúa muốn đã đạt được, Ngài không cần đến vị tiên tri đó nữa. Ơn nói các tiếng lạ cũng có ngày sẽ hết như ơn tiên tri. Khi về trời, hoặc tất cả chỉ xử dụng một ngôn ngữ hoặc tất cả sẽ được Chúa ban ơn để hiểu mọi thứ tiếng. 
- Về sự hiểu biết: Ơn hiểu biết cũng chỉ nhất thời và giới hạn vì sự hiểu biết thì có ngần; khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi. Thánh Phaolô dùng hai hình ảnh để dẫn chứng sự bất tòan của ơn hiểu biết:

* So sánh sự hiểu biết của trẻ con và của người trưởng thành: Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. Sự hiểu biết ở thế gian này cũng bất tòan như sự hiểu biết của con trẻ; một khi đã về hưởng hạnh phúc với Chúa thì sự hiểu biết sẽ hòan hảo như sự hiểu biết của người đã trưởng thành.
* So sánh sự hiểu biết qua gương và qua người thật: Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được gặp Thiên Chúa mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi.

- Về sự tòan hảo: Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến. Đức tin cần thiết khi chưa gặp được Chúa; một khi đã gặp được Ngài, đức tin sẽ không cần thiết nữa. Đức cậy là hy vọng những gì mình chưa có; một khi đã có rồi, đức cậy cũng sẽ không cần thiết. Chỉ có đức mến là tồn tại, một khi đã yêu rồi thì cứ tiếp tục yêu; nồng độ của tình yêu sẽ thắm thiết hơn và hòan hảo hơn.

2/ Phúc Âm: Thói quen phê bình, chỉ trích

Một trong những đặc tính của trẻ là chúng sống theo cảm xúc nhất thời: khi nào muốn ăn là ăn, muốn chơi là chơi. Chúng không cần biết những ước muốn của chúng có hợp lý không cho tới khi bị cha mẹ ngăn cấm và tập cho chúng biết sống kỷ luật. Nếu không được cha mẹ tập để sống theo kỷ luật, đứa trẻ sẽ tiếp tục những thói quen đó dầu chúng đã trở thành người lớn. Chúa Giêsu ví các Kinh-sư và Biệt-phái như những đứa trẻ này vì họ không chịu sống theo đường lối của Thiên Chúa đã họach định mà cứ ngoan cố sống theo sở thích mình: “Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói: "Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than.”

Vì các Kinh-sư và Biệt-phái lấy mình làm tiêu chuẩn để phê bình người khác nên họ không thỏa mãn với bất cứ ai có lối sống khác họ. Họ phê bình Gioan Tẩy Giả là bị quỷ ám vì ông không ăn bánh, không uống rượu như họ. Khi Chúa Giêsu đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì họ lại bảo: "Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.”

Tuy vậy, kế họach của Thiên Chúa không vì họ mà phải thay đổi vì vẫn có những người sống theo Đức Khôn ngoan chỉ dẫn. Vẫn có những người nghe theo lời giảng của Gioan Tẩy Giả, bỏ đường tội lỗi, và quay trở về với Chúa. Những người này sẽ là bằng chứng hùng hồn cho sự khôn ngoan và kế họach của Thiên Chúa. Các Kinh-sư và Biệt-phái có thể làm trở ngại, nhưng không thể thắng vuợt được Đức Khôn Ngoan của Ngài.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Đức mến có thể ví như máu lưu thông trong cơ thể. Máu cần cho sự sống không phải chỉ cho thân thể mà còn tất cả các chi thể. Chi thể nào mà máu không vận chuyển tới sẽ bị đau và nếu không được chữa trị kịp thời sẽ chết. Cũng vậy, tình yêu là động lực cho tất cả mọi hành động của con người: vì yêu Chúa và yêu tha nhân, con người dám hy sinh chịu đựng đau khổ để tòan Thân Thể của Chúa Kitô được lành mạnh. Không có tình yêu mọi công việc sẽ bị đình trệ và dần dần tắt hẳn và cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa. Như lời Thánh Thêrêxa Hài Đồng nói: “Không có tình yêu Giáo Hội sẽ không còn và máu tử đạo cũng sẽ hết.” 
- Khi thiếu vắng tình yêu, con người sẽ trở nên cau có, gắt gỏng, khó chịu. Họ sẽ không hài lòng về bất cứ những gì xảy ra, và sẽ luôn tìm những điều xấu của tha nhân để có lý do phê bình. Ngược lại, một khi được ở trong tình yêu, con người sẽ dễ dàng thông cảm và tha thứ mọi khuyết điểm của tha nhân, đúng như lời ca dao Việt-Nam: 
Yêu nhau yêu cả đường đi - Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng.
Yêu nhau biết mấy cho vừa - Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

HẠT GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 24
Lc 7,31-35

A. Hạt giống...
Chúa Giêsu trách thế hệ của Ngài :
- Không chịu nghe lời giảng của Gioan Tẩy giả và của Chúa Giêsu mà hoán cải,
- Lại còn viện cớ đổ thừa rằng bởi vì Gioan là người bị quỷ ám, và Chúa Giêsu là tay ăn nhậu, tội lỗi.

B.... nẩy mầm.
1. Viện cớ đổ thừa là điều người ta thường làm để tự biện hộ cho những việc làm xấu xa của mình :
- Chúa nhựt không đi lễ : tại vì trời mưa.
- Đi ngủ không đọc kinh tối : tại quên, tại bệnh…
- Không giúp đỡ người khác : tại vì nó không nói…
2. Lắm khi, để biện hộ cho mình, người ta không ngại đổ tội cho người khác : “Gioan là người bị quỷ ám”, “Giêsu là tay ăn nhậu”.
3. Chúng ta chỉ mong ước Chúa thực hiện chương trình của chúng ta. Chúng ta chán nản buông xuôi thất vọng vì thấy công việc của Chúa không đúng như chúng ta mong muốn. Xin Chúa giúp chúng ta biết sống hòa hợp với chương trình của Chúa. ("Mỗi ngày một tin vui")
4. “Ông Gioan Tẩy giả đến không ăn bánh, không uống rượu thì các ông bảo ‘Ông ta bị quỷ ám’. Con Người đến, cũng ăn cũng uống giống như ai thì các ông lại bảo ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế, phường tội lỗi” (Lc 7,33-34)
Trong làng kia có một nông dân rất khô khan nguội lạnh, không sống đạo theo đức tin của mình. Một sáng Chúa nhựt nọ ông bảo đứa con trai rằng :
- Sáng nay con ra đồng làm việc với ba nhé.
Cậu điềm tĩnh trả lời :
- Thưa ba, hôm nay là ngày Chúa nhựt mà.
- Chúa nhựt thì sao ? Bộ Chúa nhựt không làm việc được hả ? Ý con thế nào ?
- Thưa ba, con muốn nói giới răn thứ ba Chúa dạy phải thánh hóa ngày Chúa nhựt và phải cầu nguyện.
Nghe vậy người cha bực tức gắt lên :
- Giới răn là cái quái gì !
Một ý tưởng loé lên trong trì, cậu con nhanh nhẫu thưa lại :
- Thưa ba, nếu ba nói như vậy thì con không tuân giữ các giới răn của Chúa, kể cả giới răn thứ tư là giới răn Chúa dạy vâng lời cha mẹ !
Lạy Chúa, xin ban cho con có được sức mạnh của lòng tin, để con đón nhận tình yêu của Chúa. (Hosanna)

Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

17/09/14 THỨ TƯ TUẦN 24 TN
Th. Rô-be-tô Be-la-mi-nô, giám mục, tiến sĩ HT             
Lc 7,31-35


Suy niệm: Chúa Giê-su trách người Do Thái đương thời cố chấp, ngoan cố, tìm mọi lý lẽ để không chấp nhận Ngài là Con Thiên Chúa. Dù thông hiểu Kinh Thánh và chứng kiến những điều kỳ diệu Chúa Giê-su đã thực hiện như lời Kinh Thánh ấy tiên báo, nhưng họ vẫn khước từ tin nhận Ngài. Họ mang “lăng kính” của mình để hiểu Kinh Thánh, không muốn kết nối với những gì đang xảy ra trong thực tế. Không lạ gì Chúa Giê-su đã ví họ giống như đứa trẻ hư, luôn đòi hỏi những đứa trẻ khác phải theo ý mình một cách vô lý. Gio-an Tẩy Giả sống khắc khổ, họ cho rằng bị quỷ ám! Dấn thân với vui buồn sướng khổ của con người như Chúa Giê-su bị họ mỉa mai là phóng túng! Luôn dựa vào ý muốn riêng của mình hơn là dựa vào thực tế khách quan khiến họ không đến được với Chúa Kitô để nhận ơn cứu độ.
Mời Bạn: “Nhìn người thì ngẫm đến ta”! Đời sống đức tin của bạn sẽ thiếu nền tảng khi bạn sống theo sở thích riêng hơn là dựa trên Lời Chúa dạy, sống đạo với hình thức bề ngoài hơn là nỗ lực có tương quan biệt vị với Chúa. Có thể đức tin ấy thiếu nền tảng qua những cung cách lệch lạc như dự lễ hay giữ luật vì sợ tội, trong tương quan với người khác thì gian dối, lừa lọc, thiếu bác ái...
Sống Lời Chúa: Tôi kết nối giữa lời nói và hành động, giữa điều tuyên xưng và thực hành trong cuộc sống, để đức tin được lớn lên qua từng ngày sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết dẹp bỏ ý riêng của mình, để con biết hoà điệu cùng với toàn thể Giáo Hội bằng chính đời sống tràn đầy yêu thương của chúng con. Amen.

Lũ trẻ ngồi ngoài chợ
Khi sợ thay đổi chính mình, ai cũng có thể tìm ra được lý do để biện minh. Khi cố chấp và ngụy biện để khỏi phải đối diện với chân lý, con người chẳng được tự do. 

Suy niệm:
Đức Giêsu ví những người thuộc thế hệ của Ngài
với lũ trẻ ngồi chơi ngoài chợ (cc. 31-32).
Các nhóm chơi với nhau, í ới gọi nhau.
Một nhóm bày ra trò chơi đám cưới,
thổi sáo, thổi kèn để mong nhóm kia nhảy múa.
Nhưng nhóm kia đã không tham gia.
Sau đó nhóm này bèn chơi trò đám ma, hát những bài ca buồn não nuột.
Nhưng nhóm kia vẫn chẳng khóc than thương tiếc.
Hẳn là chẳng vui gì khi có sự thụ động, lạnh nhạt như vậy.
Dụ ngôn trên đây nói đến một số người khó chiều, bướng bỉnh.
Dù thế nào thì họ cũng đứng ngoài, không chịu nhập vào cuộc chơi.
Họ chẳng thích cả trò đám ma lẫn đám cưới.
Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nói đến những người ở thời của Ngài.
Họ có nét tương tự như lũ trẻ ngồi ngoài chợ.
Khi Gioan Tẩy giả đến mời gọi họ sám hối ăn năn,
đời sống khổ hạnh của vị ngôn sứ này đã khiến họ từ khước (Lc 7, 30).
Đơn giản vì họ không thích khóc than hay hoán cải.
Gioan ăn chay nên không ăn bánh, không uống rượu (c. 33).
Lối sống của ông phù hợp với lời ông giảng về việc Nước Trời gần đến.
Nhưng lối sống khác thường ấy lại bị xem là một triệu chứng tâm thần.
Người ta đã coi ông là bị quỷ ám,
nên ít người tin vào lời giảng của một người như thế.
Khi Đức Giêsu đến với thế hệ này,
Ngài đã không mang dáng dấp của một ẩn sĩ nơi hoang địa.
Ngài đã sống như một người bình thường, ăn uống bình thường.
Lối sống của Ngài phản ánh Tin Mừng Ngài rao giảng,
một Tin Mừng đem lại niềm vui và sự giải phóng.
Những bữa ăn trong đời Ngài đóng một vai trò quan trọng.
Ngài ngồi ăn với những người bị xã hội loại trừ như người thu thuế.
Ngài đón nhận vào bàn ăn cả những tội nhân cần tránh xa.
Chính trong bầu khí vui tươi, ấm áp của bữa ăn
mà họ cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa.
Tiếc thay, Ngài cũng bị từ khước như Gioan,
bị coi là kẻ chỉ biết ăn với nhậu (c. 34).
Cả Gioan lẫn Đức Giêsu đều bó tay trước sự cố chấp của thế hệ này.
Cả hai người, với hai lối sống nghịch nhau, cũng không chiều được họ.
Khi sợ thay đổi chính mình, ai cũng có thể tìm ra được lý do để biện minh.
Khi cố chấp và ngụy biện để khỏi phải đối diện với chân lý,
con người chẳng được tự do.
Nguy cơ của con người mọi thời vẫn là ở lại trong tình trạng trẻ con ấu trĩ.
Làm sao để con người hôm nay có thể nghe được tiếng kêu của Gioan,
mời gọi người ta thay đổi cuộc sống bằng cách chia sẻ (Lc 3, 10-14)?
Làm sao thái độ bao dung của Đức Giêsu
ảnh hưởng trên một thế giới còn nhiều hận thù, chia rẽ, loại trừ nhau?
Lời nguyện:

Lạy Cha,
xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau
trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.
Xin cho chúng con đến với nhau
không chút thành kiến,
và tin tưởng vào thiện chí của nhau.
Khi cộng tác với nhau,
xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,
nhờ đó chúng con vượt qua
những tự ái nhỏ nhen,
những tham vọng ích kỷ
và những định kiến cằn cỗi.
Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,
để tìm kiếm chân lý
ở mọi nơi và mọi người,
nhất là nơi những ai khác quan điểm.
Lạy Cha,
xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,
để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,
và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.
Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,
xin cho chúng con được triển nở không ngừng
và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Suy niệm
“Ở sao cho vừa lòng người
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê
Cao chê ngỏng, thấp chê lùn
Béo chê béo trục béo tròn
gầy chê xương ống, xương sường giơ ra”
Lạy Chúa, suy niệm Lời Chúa hôm nay con nhớ ngay đến câu thơ vui trên. Dù mình có sống tốt đến đâu đi nữa thì cũng có tiếng này tiếng nọ. Đó dường như là bản tính của con người, muốn hơn người khác, muốn người khác phải theo ý mình, lấy mình làm khuôn mẫu, làm trung tâm.
Ông Gioan không ăn không uống thì họ cho là bị quỷ ám, còn Chúa ăn uống như mọi người thì họ lại cho là tay ăn nhậu. Ở đây, con thấy nơi những con người này lòng ganh ghét đố kỵ; và cụ thể là những người Biệt Phái và Luật Sĩ, vì ganh ghét Chúa mà họ tìm cách hạ bệ Chúa cho bằng được.
Lạy Chúa, đôi lúc chính con cũng rơi vào thái độ như những người Biệt Phái và Luật Sĩ kia. Ai không làm vừa ý mình thì châm, thì chọt, thì nói xấu, để hạ giá việc làm của người khác; để cho người khác mất uy tín.
Con nhớ có đến một câu nói Thánh Phaolô khuyên nhủ tín hữu Rôma: “Vui với người vui, khóc với người khóc…” (Rm 12, 15). Con thấy “khóc với người khóc” thì dễ lắm, còn “vui với người vui” xem chừng không dễ chút nào cả. Đứng trước thành công, niềm vui của người khác, đôi khi đến bắt tay chúc mừng, miệng cười vui vẻ, nhưng thực sự trong lòng thì đầy ganh ghét, đố kỵ.
Lạy Chúa, với con người ích kỷ như thế, con thấy mình quá bất xứng trước mặt Chúa; xin Chúa thanh tấy lòng con, và thay vào đó là trái tim của Chúa, để con luôn biết nhìn người khác với cái nhìn của Chúa, cái nhìn yêu thương tha thứ, cái nhìn quảng đại bao dung; nhìn thấy nơi mọi người là món quà Chúa ban cho con. Amen!

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 9
17 THÁNG CHÍN
Thánh Thần, Đấng Dẫn Dắt Chúng Ta
Hội Thánh, được sinh ra từ Thập Giá và cuộc Phục Sinh của Đức Kitô, vẫn không ngừng được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. “Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, sẽ dạy cho anh em mọi sự và làm cho anh em nhớ lại tất cả mọi điều [Thầy] đã nói với anh em” (Ga 14,26).
Hội Thánh trên trần gian vẫn không ngừng được dẫn dắt bởi Thánh Thần của Đức Kitô Phục Sinh để đào sâu chính chân lý mà Hội Thánh đã nhận lãnh trực tiếp từ môi miệng của Thầy. Trải qua bao thế kỷ, Hội Thánh đã thấu hiểu hơn chân lý ấy nhờ sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Đó là con đừơng giúp Hội Thánh ngày càng nhận hiểu Đức Kitô nhiều hơn. Sự hiểu biết có sức cứu độ này đã thật sự được sở đắc bởi Hội Thánh khải hoàn, là “Giêrusalem trên trời” (Gl 4,26). Chúa Thánh Thần khích lệ Hội Thánh tại thế bằng viễn cảnh huy hoàng của Hội Thánh vinh quang.

Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 17-9
Thánh Robertô Bellarminô, giám mục tiến sĩ Hội Thánh.
1Cr 12, 31-13,13; Lc 7, 31-35.

LỜI SUY NIỆM: Vậy tôi phải ví người thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa dám, mà các anh không khóc than.” (Lc 7,31-32).
          Tình yêu của Thiên Chúa liên tục được thể hiện đối với con người. Ngài tìm đủ mọi cách để thể hiện được tình yêu đó. Nhưng đối với con người luôn có những mâu thuẩn tự tại và sự tự do của mình, để rồi không chịu đón nhận những lời mời gọi của Thiên Chúa và đáp lại tình yêu đối với Ngài, mà còn chống đối; lại chờ đợi những điều viễn vong chẳng bao giờ xãy ra cho con người. Nhưng không phải vì thế mà Thiên Chúa không yêu thương con người. Ngài vẫn trao ban tình yêu vô biên của Ngài; để mong được chiếm hữu tình yêu của con người. Người Kitô hữu phải tích cực cọng tác với Ngài để tình yêu của Thiên Chúa sẽ ngự trị trên những con người ngờ vực và không tin vào Ngài.
Mạnh Phương

Gương Thánh Nhân
NGÀY 17-09 THÁNH RÔBERTÔ BELLARMINÔ (1452 - 1621)

Thánh Rôbertô Bellarminô sinh ngày 4 tháng 10 năm 1452 tại Montepulcianô. Cha Ngài là Vinconzo Bellarminô. Mẹ Ngài là Cynthia Cervini. Em Đức giáo hoàng Marcellô II. Ngay khi còn là một học sinh tại trường các cha dòng Tên. Ngài đã tỏ ra thông minh đặc biệt. Cha Ngài đã định cho Ngài theo học y khoa. Dầu vậy năm 1560, Ngài xin gia nhập dòng Tên và đã được cha mẹ ưng thuận.
Theo học triết tại Roma, Ngài đã tỏ ra là một học sinh nổi bật. Từ Roma Ngài đã được gởi đi dạy học trong các trường của dòng Tên trong 4 năm tại Florence và Modevi. Lúc này Ngài đã thông thạo tiếng Hy lạp và được chỉ định dạy cho các bạn cùng lớp. Dầu chưa làm linh mục, Ngài thường được mời đi giảng và được coi như là nhà giảng thuyết từ bẩm sinh. Ngài học thần học trước hết ở Padua, rồi sau ở Louvain và thụ phong linh mục tại đây năm 1570. Các bài giảng của Ngài tại Louvain mang lại thành công đăc biệt. Anh em Tin Lành tại Anh cũng tìm đến nghe Ngài và nhiều người đã trở lại. Với dáng nhỏ bé, Ngài thường đứng trên ghế đẩu từ bục giảng.
Là giáo sư thần học tại Louvain, Ngài rất mộ mến các tác phẩn của thánh Tôma. Trong các bài diễn thuyết, Ngài đã chống lại một cách hữu hiệu nhưng đầy tình thương với các giáo thuyết khơi nguồn cho thuyết Giansenisme sau này. Thánh Robertô cũng thúc đẩy các sinh viên học tiếng Do thái và đã soạn cho họ một cuốn văn phạm ngắn gọn. Ngài đọc nhiều về các giáo phụ và các văn sĩ khác trong Giáo hội, một nỗ lực còn ghi lại trong tác phẩm "về các văn sĩ trong Giáo hội" (xb năm 1623).
Sau thời kỳ ở Louvain, Ngài được trao phó thi hành một công việc khó khăn là làm giáo sư phụ trách các cuộc tranh luận tại Roma. Các cha dòng Tên đã tổ chức việc diễn giảng này nhằm trả lời bằng ngôn ngữ thời đại đối với các cuộc tấn công của anh em tin lành. Suốt 11 năm, thánh Robertô đã nỗ lực cho công cuộc này với sự thành công rực rỡ. Nhiều sinh viên của Ngài đã trở thành thừa sai tại Anh và tại Đức. Một số người đã đổ máu vì đức tin tại Anh.
Các bài diễn thuyết của Ngài được xuất bản lần đầu tại Ingolstudt, từ năm 1586 - 1593 dưới tựa đề "các cuộc tranh luận về đức tin công giáo chống lại các người theo lạc giáo thời nay". Có 20 ấn bản khi Ngài còn sống và nhiều ấn bản sau này nữa. Đây là một công trình bảo vệ đức tin đầy đủ nhất của Giáo hội có được và suốt ba thế kỷ liền nó là áo giáp cho các nhà giảng thuyết và các văn sĩ.
Những trách vụ khác thánh Robertô đảm nhận thời kỳ này là tu chính tác phẩm chú giải của Salmeron, một bạn dòng, làm việc trong ủy ban tu chính nghi thức phụng vụ Roma và bản kinh thánh phổ thông. Ngài cũng góp phần lớn cho Đức Sixtô V trong việc ấn hành các tác phẩm của thánh Ambrosiô.
Với vai trò thần học gia của Đức Hồng y Goetni. Vị đặc sứ của Đức giáo hoàng tại Pháp năm 1589, thánh Robertô chứng tỏ rằng: Ngài là một nhà ngoại giao lẫn một học giả có khả năng. Việc đại diện tại Paris thật nặng nhọc. Nhưng thử thách lớn lao nhất lại đến từ một phía khác. Đức giáo hoàng Sixtô V quyết định đặt cuốn I trong bộ những cuộc tranh luận vào sổ sách bị cấm. Đức giáo hoàng không bằng lòng với chủ trương của thánh Robertô, cho rằng uy quyền của giáo hoàng trực tiếp trong các vấn đề vật chất, và nếu có thì chỉ qua uy tín tinh thần mà thôi. Chủ trương này đã trở nên thông thường trong Giáo hội ngày nay. Nhưng Đức Sixtô đã qua đời và Đấng kế vị Ngài đã rút lại quyết định. Dầu bị thử thách nhưng thánh Robertô đã góp phần vào ấn bản Kinh thánh thời Đức Sixtô và đã viết tựa cho ấn bản cũ được vạch ra với một tinh thần bác ái.
Thánh Robertô liên tiếp làm cha tinh thần và viện trưởng của học viện Roma, rồi làm bề trên tỉnh dòng Naples. Tại Roma Ngài hướng dẫn một thánh trẻ dòng Tên là Luy Gonzaga. Tại Naples, chính Ngài được một cha dòng Tên khác là thánh Bernadiô Realinô sau này gọi là thánh.
Bị ép buộc nhận chức Hồng y năm 1599, từ đó Ngài lo các việc cho toàn thể Hội Thánh, chẳng hạn như vụ án Galilêô và cuộc tranh luận về ơn thánh giữa các cha dòng Daminh và dòng Tên.
Ngài làm Tổng giám mục Capua trong ba năm, rồi chấm dứt những ngày hạnh phúc ấy vào năm 1605 khi Ngài được triệu về Roma và cầm viết bênh vực Giáo hội. Liên tiếp Ngài dàn xếp với Fra Sarpi miền Venice, với vua Giacôbê I nước Anh và với văn sĩ Pháp Guillaume Barchony.
Thánh Robertô qua đời ngày 17 tháng 9 năm 1621, được tuyên thánh năm 1928 và được đặt làm tiến sĩ Hội Thánh năm 1931.
 (daminhvn.net)


17 Tháng Chín
Lời Nói Không Mất Tiền Mua
Mahatma Gandhi, người đề xướng chủ trương tranh đấu bất bạo động, đến Phi Châu. Ông vào dùng bữa trong một quán ăn bình dân. Sau khi dùng bữa, ông trả tiền và nói với người giúp bàn: "Xin cám ơn vì sự tử tế của anh". Người giúp bàn trả lời: "Thưa ngài, tôi sẽ không bao giờ quên ngài. Từ 25 năm phục vụ ở đây, tôi chưa bao giờ nghe được một tiếng cám ơn".
"Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Một tiếng cám ơn, một lời chào hỏi, nếu được thực thi với tất cả chân tình là một biểu lộ của một lòng tin sâu sắc. Nói một tiếng cám ơn, biểu lộ một cử chỉ thân thiện với người khác là muốn nói lên rằng tình liên đới giữa con người là một điều thiết yếu và ta cần có người chung quanh để sống với. Nói một tiếng cám ơn với người nào đó là khẳng định giá trị và nhân phẩm của người đó. Nhưng ở đời, có ai mà không cho ta một món quà hay không dạy ta bất cứ bài học nào đó.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét