Trang

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

Đức Thánh Cha nói về giáo huấn xác kẻ chết sống lại

Đức Thánh Cha nói về giáo huấn xác kẻ chết sống lại

“Giáo huấn Kitô giáo về mầu nhiệm xác kẻ chết sống lại là chói tai với nhiều người. Họ không thể hiểu được”.

Đức Thánh Cha đã nói như trên trong thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta sáng thứ Sáu 19 tháng 9. 

Có mấy người thuộc nhóm Xađốc đến gặp Ðức Giêsu. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Mấy người ấy hỏi Ðức Giêsu: “Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta điều luật này: ‘Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải cưới lấy nàng, để gầy dựng một dòng giống cho anh hay em mình.’ Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?”

Ðức Giêsu đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, là con cái sự sống lại.”

Câu chuyện này cho thấy quan điểm bình dân về sự sống lại trông đợi một sự kế tục của những gì đang tồn tại trước khi cái chết xảy đến. Người ta mong đợi được sống lại với cùng một thân xác như khi sinh tiền - nếu được Chúa cho trẻ trung hơn, khoẻ mạnh hơn, đẹp trai, đẹp gái hơn thì càng tốt, và có một ước mong mãnh liệt là được sống lại cùng với tất cả những quan hệ mà khi sinh tiền người ta quý chuộng.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng trong thư thứ nhất gởi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô khẳng định có sự sống lại. “Thánh Phaolô đã đưa ra những lý luận khá rõ ràng sau: Nếu chúng tôi rao giảng rằng Ðức Kitô đã từ cõi chết chỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại được, thì Ðức Kitô đã không chỗi dậy. Mà nếu Ðức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng ra hư không … Ðức Kitô đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu”. (1 Cr 15: 12-20)

Tuy nhiên, Thánh Phaolô cho biết thêm:

“Thưa anh em, điều tôi muốn nói là xác thịt và khí huyết không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa được, cũng như cái hư nát không thể thừa hưởng sự bất diệt được”.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng, như thế thư thứ nhất gởi giáo đoàn Côrintô của Thánh Phaolô "có những ý tưởng khác" với quan niệm bình dân. “Chắc chắn, những người công chính khi chết đi thì không sa hoả ngục - quá tốt! - Nhưng họ sẽ đi vào vũ trụ, tan vào trong không khí - chỉ còn là một linh hồn đứng trước mặt Thiên Chúa", và như vậy Thánh Phaolô đã đưa ra một "sự sửa sai khó khăn" trong quan niệm về sự sống lại của nhiều người. Không phải chỉ những Kitô hữu Côrintô là những người duy nhất gặp khó khăn với lời giáo huấn này. Người Hy Lạp tại Athens, nơi Thánh Phaolô cũng đã rao giảng – thậm chí cả các nhà triết học khôn ngoan - cũng sợ hãi khái niệm này.

Đức Thánh Cha ghi nhận rằng “có một sự phản kháng chống lại sự biến đổi, chống lại các hoạt động của Chúa Thánh Thần mà chúng ta nhận được khi chịu phép Rửa tội, là điều sẽ biến đổi hoàn toàn chúng ta để hướng đến mầu nhiệm Phục Sinh. Khi đề cập đến sự sống lại, ngôn ngữ của chúng ta nói rằng: ‘Tôi muốn lên thiên đàng, tôi không muốn sa hỏa ngục,’ nhưng chúng ta dừng lại ở đó không ai trong chúng ta nói: ‘Tôi sẽ sống lại như Chúa Kitô đã sống lại.’ Không, ngay cả đối với chúng ta điều này rất khó hiểu. "

“Đây là tương lai đang chờ đón chúng ta và sự biến đổi thân xác chúng ta tạo ra một sự phản kháng nơi chúng ta, và có cả sự phản kháng lại căn tính Kitô của chúng ta. Tôi có thể nói là có lẽ chúng ta chẳng ngán ông thần dữ trong sách Khải Huyền, chẳng ngán kẻ phản Kitô là kẻ phải xuất hiện trước - có lẽ chúng ta chẳng ngán y đâu. Chúng ta có lẽ cũng không sợ tiếng nói của Tổng Lãnh Thiên Thần hay âm thanh của tiếng kèn của Ngài- tung hô vang dội chiến thắng của Chúa Phục sinh. Nhưng chúng ta lại sợ sự sống lại, sợ là tất cả chúng ta sẽ được biến đổi. Sự biến đổi này phải là kết thúc của cuộc hành trình Kitô của chúng ta". 

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

“Căn tính Kitô là con đường, là cuộc hành trình trong đó chúng ta kề cận với Chúa như các môn đệ Ngài để cuối cùng sau tiếng kèn của Tổng Lãnh Thiên Thần chúng ta được ở lại với Ngài và kề cận với Chúa mãi mãi”.

Đặng Tự Do9/19/2014((vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét