14/12/2014
Chúa Nhật III Mùa Vọng Năm B
(phần II)
GLPÂ CHÚA NHẬT III MÙA
VỌNG, NĂM B
GLPÂ
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG, NĂM B
Sách Ngôn Sứ Isaia 61.1-2;10-11;
Thư Thứ I Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu
Tessalonica 5.16-24
và Phúc Âm Thánh Gioan 1.6-8, 19-28
I. Giáo Huấn P.Â.:
Giáo huấn của các bài đọc trong Chúa Nhật III Mùa
Vọng năm B là ‘hãy vui mừng’
Tiên tri Isaia vui mừng vì Thiên chúa tuyển chọn
ông, xức dầu cho ông và sai ông đem Tin Mừng cho người nghèo khó, băng bó tâm
hồn đau thương, báo tin ân xá cho kẻ lưu đày, phóng thích cho tù nhân, công bố
năm hồng ân của Thiên Chúa.
Hãy cầu nguyện luôn để có niềm vui như Thánh
Phaolô khuyên trong bài đọc hai.
Niềm vui làm sứ giả dọn đường cho Ánh Sáng, cho
Đấng Cứu Thế nơi Gioan Tiền Hô và nơi mọi người chúng ta: chứng nhân cho ánh
sáng, cho Đấng Cứu Thế cao trọng.
II. Vấn nạn P.Â.
Tiên
Tri Isaia:Ông sinh khoảng năm 770 trước Chúa Cứu Thế và làm tiên tri rất lâu, 64 năm
dưới thời các vua Isael: Uzziah, Jotham, Ahaz và Hezekiah (Is.1.1), vua Giuda.
Uzziah làm vua cai trị Israel 52 năm vào khoảng giữa thế kỷ 8. Người ta đoán
Isaia thi hành sứ mạng tiên tri một ít năm trước khi Uzziah chết, có lẽ năm 740
trước Chúa Giêsu, tức lúc Ông vào khảng 30 tuổi. Tiên Tri Isaia lấy người vợ
được gọi là ‘nữ tiên tri’. Không biết vì bà nầy thật là tiên tri hay vì chồng
bà là tiên tri và bà được ‘ăn có’? Tiên tri Isaia có hai con trai, một được đặt
tên là Shearjashub có nghĩa là “hồi hương” và một tên là MaherShalal Hash Baz,
có nghĩa “cướp phá” Tên gọi người con thứ I nói lên sứ vụ tiên tri của Isaia
như báo tin ân xá cho kẻ lưu đày, phóng thích cho tù nhân, công bố năm hồng ân…
Tên gọi người con Thứ II nói lên thời gian mà Israel phản bội Chúa, cấu kết với
ngoại giáo và nhận chịu hậu quả trừng phạt.
Qua việc đặt tên cho hai người con nầy, nhiều người có thể thắc mắc tại sao
thời đó mà chỉ có hai con? Hay tại sao chỉ có con trai mà không có con gái. Nêu
tên hai con trai không nói rằng: Isaia chỉ có hai con trai hay không có con gái
mà chỉ có ý nói về vai trò của tiên tri liên quan đến tên hai người con trai
nầy.
Nội dung sách Tiên Tri Isaia: Sách dài 66 chương và được chia ra hai phần lớn
như sau:
Chương 1-35: dân Do Thái gây tội, Đất Do Thái như một vườn hoang, cây cối không
có trái. Nên sẽ bị phạt.
Chương 40-66: Những chương đầy an ủi và vui mừng: Chấm dứt thời lưu đày và dân
sẽ được cứu quay về Giêrusalem và kiến thiết đền thờ Giêrusalem.
Đặc biệt có những chương 42, 49, 50, 52 và 53 nói về người nô bộc khiêm hạ, đầy
tớ đau khổ của Thiên Chúa. Tất cả đều hướng vể Đấng Messiah sẽ đến trong tương
lai để cứu dân khỏi tội và mang ơn cứu độ cho nhân loại.
Ảnh hưởng lớn của sách Tiên Tri Isaia: Ngay từ thời sơ khai, Giáo Hội đã dùng
Sách Tiên Tri Isaia rất nhiều nhất là lời hứa về Đấng Emmanuel cũng như hình
ảnh đầy tớ đau khổ mà người ta thấy thể hiện trọn vẹn nơi Chúa Kitô. Nhiều bài
đọc trong mùa vọng và tuần thánh trích từ sách Tiên Tri Isaia.
Một trong sứ mạng của tiên tri là: Công bố năm
hồng ân của Thiên Chúa (Anna Dei gratia – Year of the Lord’s favor) Năm hồng ân của Thiên Chúa dựa trên Sách Lêvi
25.10-13 được công bố cứ từng 25 năm. Năm hồng ân công bố rằng: Thiên Chúa là
Đấng Tạo Hoá. Đất đai và mọi thứ hiện hữu trên vũ trụ là do Ngài sáng tạo.
Thiên Chúa phân phát những sản nghiệp nầy cho nhân loại là những người quản lý
gia sản của Ngài. Không ai là chủ cả, mà là tá điền thôi. Nên năm hồng ân cho
phép huỷ bỏ mọi thứ cầm cố, vay mượn. Năm hồng ân làm cho mọi người thoát nợ
nần và được tự do.
Hiện tại Giáo Hội Công Giáo vẫn giữ năm hồng ân, tuy nhiên hướng chiều về điều
linh thánh như năm Thánh 2000 được tuyên bố ban hồng ân Chúa cho nhân loại.
Ngoài ra Đức Giáo Hoàng cũng có thể tuyên bố năm nào đó là năm thánh, thí dụ từ
19/6/2009 đến 11/6/2010 là Holy Year for priest, Năm Thánh Linh Mục. Giáo Hội
Việt Nam lấy năm, 2010 làm Năm Thánh tổ chức Đại Công Nghị cho toàn Giáo Hội.
Tất cả chỉ còn là dịp để canh tân, cầu nguyện và hâm nóng đời sống thiêng
liêng, chứ không còn là chuyện tha nợ nần vật chất gì nữa.
“Thế Ông là ai? Ông nói gì về chính Ông?” Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong
hoang địa: hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói”
Phúc Âm Matcô viết cho người Kitô hữu ở Rôma thời
Giáo Hội Sơ khai. Matcô không là tông đồ, Ông có họ hàng với Barnabê, Ông theo
Phaolô đi truyền giáo và nhất là rất gần với tông đồ Phêrô. Phêrô giảng chứ
không có viết. Giáo đoàn Rôma biết Phêrô nhiều và ngưỡng mộ Phêrô hơn tất cả.
Nên Matcô đóng vai trò ghi lại những gì Phêrô giảng tức giáo lý Phêrô dạy và
làm thành Phúc Âm Matcô sau nầy. Do đó, Phúc Âm Matcô ngắn gọn và đơn giản như
con người bộc trực và ít suy luận của Phêrô.
Vì viết cho những tín hữu đầu tiên ở Roma với mục đích chứng minh Chúa Giêsu
thành Nagiarét là con Thiên Chúa thật như đã được tiên báo trong các sách tiên
tri. Nên Matcô hay dùng thuật ngữ “ngay tức khắc” để diễn tả Lời Chúa phán có
hiệu quả ngay khi chữa bệnh, hay khi trừ tà. Do đó, chúng ta luôn đọc thấy
“ngay tức khắc” cơn sốt biến khỏi bà nhạc của Phêrô, ngay tức khắc quỉ ra khỏi
người nầy, hay ngay tức khắc họ bỏ chài lưới theo Chúa.
Ông Gioan Tẩy Giả không phải đột nhiên xuất hiện. Nhưng Tiên Tri Isaia đã tiên
báo về “sứ giả của Đấng Cứu Thế” đến để dọn đường Chúa gần 800 năm trước. Nên
khi người ta hỏi Ông là ai, Gioan đã mạnh dạn trả lời: Tôi không là Đấng
CứuThế, nhưng chỉ là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa đến như
Isaia loan báo hàng 800 năm trước. Như vậy, quí Ông thấy tôi đang làm chuyện
của Thiên Chúa xếp đặt. Người đang đến là Con Thiên Chúa thật. Con Thiên Chúa
cao trọng đến nỗi tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép Ngài…Tôi phải làm cho
người lớn lên còn tôi phải nhỏ lại… đó là ơn gọi của tôi đã được tiên báo trong
Is.40.3.
“Nhưng
có một vị đang ở giữa các Ông mà các Ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và
tôi không đáng cổi quai dép cho Người!”
Tôi xin dùng kiểu diễn tả tượng hình của người Việt
Nam mình để giải thích câu nói về bản tính Thiên Chúa cao cả nơi Đức Kitô của
Gioan Tiền Hô.
Để diễn tả cảnh chen chút đông người chật chội, người Việt Nam hay nói: đông
nghẹt người, hay đông như nêm hay đông như bánh canh.
Để diễn tả Tỉnh Bặc Liêu vừa có nhiều cá chốt mà cũng có nhiều người Tàu Triều
Châu thì người ta bảo: Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu.
Để diễn tả về sang hèn giữa khách mời và gia chủ thì người ta nói: Cám ơn đã
dời gót ngọc đến tệ xá.
Để diễn tả về vẻ đẹp của một phụ nữ thì người ta bào: sắc đẹp làm chim sa cá
lặn hay hoa nhường nguyệt thẹn hay nghiêng thành đổ nước.
Mới đây, một người bạn linh mục đã diễn tả xứ đạo khỉ ho có gáy của Cha ấy bằng
một diễn tả thật gợi hình như thấy được. Cha ấy nói: Chỗ tôi muốn mua cục kẹo
cũng không có hay chỗ tôi, lúc chín giờ tối chạy xe tìm người đụng cũng không
thầy. Còn chỗ nào vắng hơn!
“Người đến sau tôi và tôi không đáng cổi quai dép người” Đây là cách diễn tả của
Gioan Tẩy Giả để chứng mình Thiên Tính nơi Chúa Giêsu. Gioan Tẩy giả được xếp
vào hạng tiên tri và người ta những tưởng Ông là Đấng Messiah, vậy mà so sánh
với Chúa Giêsu, ông không đáng cổi dây dép cho Người. Đấng Cứu Thế đang ở giữa
chúng ta là Thiên chúa, là Con Thiên Chúa, giữa Chúa và con người, dù là tiên
tri như Gioan cũng không thể so sánh. Hoàn toàn khác biệt như chủ nô. Gioan so
với Chúa không bằng tên nô lệ với Ông chủ mình, nô lệ còn có thể cổi dép cho
chủ, đàng nầy Gioan “không đáng cúi xuống cổi dép Ngài”.
Cách diễn tả để tuyên xưng Thiên Tính cao trọng nơi con người Chúa Giêsu, thành
Nagiarét, Ngài là Con Thiên Chúa, sinh làm người và ở giữa phàm nhân.
III. Thực hành P.Â.:
Cao ngạo đáng ghét, ai cũng biết! nhưng chúng ta
hay tự cao.
Cựu Tổng thống Mỹ George Bush đến thăm Canada và bị dân chúng Calgary AB.,
chưởi bới rồi xua duổi phải tức tốc lên xe về khách sạn và rồi Canada trước dự
định. Coi tin tức, tôi thắc mắc why? Người coi TV chung với tôi giải thích: He is
so arrogant! He is so haughty! Ông ta cao ngạo quá!
Nhưng thú thật cả người giải thích cho tôi “vì ông ta cao ngạo quá!” cũng không
thiếu những kiểu cách cao ngạo trong cuộc sống. Cả tôi, người được nghe giải
thích cũng không được khiêm tốn. Nên xem chừng cao ngạo thật đáng ghét nhưng
trong cuộc sống, còn quá nhiều đồi núi phải san bằng.
Tính cao ngạo có rất nhiều ở những bậc tu trì,
những người dạy người khác sống khiêm nhường. Khó có ai tránh khỏi bị các linh
mục chỉ trích là thiếu hiểu biết hay ăn học chưa tới. Ít có một linh mục cao
niên hay chức cao quyền trọng mà đến ân cần thăm hỏi một anh em khác ít tuổi
hay kém thế giá hơn mình. Ít có linh mục nào khen anh em linh mục khác giảng
hay. Thường bảo “nghe cũng tàm tạm, nhưng….thế nầy, thế nọ…” Các linh mục ở
ngoại quốc thường ít nhận ra khả năng nói tiếng Anh hay tiếng Pháp rất giới hạn
của mình.
Gia đình ông chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ đã trở nên lạnh nhạt với một Cha khách
vì cha nầy không biết nói nịnh theo kiểu “thưa Ông Chánh! hay xin trình với Ông
chánh thế nầy thế nọ…” Ông chủ tịch khen lấy khen để Cha Xứ để Cha cho phép
xuất hiện trước công chúng và tuyên bố điều nọ, điều kia.. Cũng có những Ông
chủ tịch đã tuyên bố bãi chức người nầy, ngăn cấm nhiệm vụ của người khác…
Dường như tội kiêu ngạo luôn đứng đầu trong bảy mối tội đầu cũng như chiếm quá
nhiều chỗ trong đời sống của chúng ta. Chúng ta đã thành đáng ghét vì thái độ
tự cao, cho mình tài giỏi, vì mặt mày vênh váo tỏ ra quan trọng hơn người, vì
những lời phê bình ác ý trên những thành công của người khác. Nhiều khi chúng
ta sống rất mâu thuẩn ở chỗ: Ai cũng muốn được người khác thương yêu và kính
trọng, nhưng lại cao ngạo và tự phụ là cái làm cho người ta ghét.
Ông không
là ánh sáng, nhưng Ông đến để làm chứng về ánh sáng.
Chủ đề ánh sáng được dùng rất nhiều lần trong
Phúc Âm Thánh Gioan để mô tả Thiên chúa là Ánh sáng trần gian. Công trình tạo
dựng đầu tiên là cho có ánh sáng trong Sách Sáng Thế Ký. Phúc Âm Thánh Gioan
luôn khẳng định Chúa Kitô là ánh sáng trần gian như trong Gioan 9:5. Phúc Âm
Thánh Matthêô cũng nói chúng ta phải là ánh sáng cho gian trần và là muối men
cho đời (Matt.5.14)
Thiên Chúa là ánh sáng. Chúng ta là con Chúa, tức con của sự sáng.
Tự bản chất chúng ta không có ánh sáng nhưng chúng ta nhận ánh sáng từ Chúa
cũng như quả đất được sáng nhờ ánh sáng mặt trời. Ông Gioan đến làm chứng về
Chúa Kitô là ánh sáng trần gian, người ta phải Thấy Chúa Kitô là ánh sáng qua
Ông Gioan. Đó là vai trò chứng nhân cho ánh sáng.
Tất cả chúng ta được sinh ra làm con Chúa, được rửa tội, được nhận ánh sáng đức
tin, chúng ta phải là chứng nhân cho Thiên Chúa là ánh sáng. Đặc tính của ánh
sáng là hiện diện và soi dẫn. Khi thấy có ánh sáng, dù từ ngọn đèn leo lét, chúng
ta cũng biết là có ai đó hiện diện, Khi thấy có ánh sáng dù yêu ớt như một que
diêm, chúng ta cũng được soi dẫn. Không ai có thể an toàn khi đi trong bóng
tối. Hãy là ánh sáng của hy vọng, của một hướng dẫn soi đường cho người chung
quanh bằng đời sống chịu khó học hỏi và bằng tinh thần phấn khởi, trẻ trung
không thất vọng nản chí trước những khó khăn. Tôi chủ trương: Không bao giờ hết
khó khăn cuộc đời và không để khó khăn giết chết đời mình. Xin Chúa là ánh sáng
hy vọng cho đời con.
Lm Phêrô Trần Thế Tuyên
Làm
chứng
Đoạn Tin Mừng sáng hôm
nay đã đưa ra những câu hỏi để truy tìm tông tích, lý lịch, dung mạo và vai trò
của Gioan tiền hô, nhưng thực ra là truy tìm chính Đức Kitô, Đấng Cứu Thế.
Bấy giờ, mọi người ở
Giêrusalem đã bị khuấy động bởi những chuyện khác thường. Thế nhưng, những câu
hỏi nêu lên lại không đi ra ngoài những khuôn mẫu sẵn có: là Elia, là tiên tri?
Và Gioan đã chỉ có thể trả lời không. Bao lâu người ta còn loanh quanh trong những
cái có sẵn, người ta không thể nhận ra Ngài. Sự hiện diện của Ngài đã là một sự
độc đáo. Gioan đã phải vất vả để dứt cái nhìn của đám đông ra khỏi con người của
ông để hướng về chính Đấng họ đang tìm kiếm. Và Đấng ấy đang ở giữa họ, nhưng họ
chưa nhận ra. Gioan quả đã là người chứng đích thực vì ông đã không ngăn cản
ánh sáng chiếu tới họ.
Muôn ngàn những bận rộn
trong ngày chuẩn bị lễ Giáng sinh của chúng ta cũng có thể được coi là những
câu hỏi về dung mạo của Đấng chúng ta đang chờ đợi và tìm kiếm. Những cuộc vui
chơi với bè bạn. Những chiếc hang đá xinh xinh và gợi cảm. Những món quà đắt
giá, những chiếc bánh truyền thống, những bài hát thơ mộng, những ánh đèn muôn
màu và rồi những buổi lễ long trọng. Lễ Giáng sinh có thể được làm nên bởi những
thứ đó, nhưng tất cả những thứ đó được lặp lại hàng năm, có phải là giáng sinh?
Có phải đó là lễ giáng sinh của ngày hôm nay? Chúng ta chỉ có thể trả lời:
Không phải và không thể.
Bởi lẽ giáng sinh là một
con người, con người ở giữa chúng ta trước khi là một ngày lễ. Con người ấy được
nhận diện không phải bằng những lời giới thiệu, những bài giảng hay bằng các
nghi lễ, mà trước tiên bằng chính việc làm. Không phải những việc làm thuộc loại
gây chấn động trong thiên hạ, gây kin ngạc và thán phục, những việc làm ngoạn mục
xuất chúng.
Bài đọc hai đã kê khai
những việc làm của Đấng được xức dầu, tức là Đức Kitô: Loan báo Tin Mừng cho kẻ
khó nghèo, băng bó những tấm lòng tan nát, tuyên bố việc ân xá cho những bị
giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên
Chúa. Và Đức Kitô đã khẳng định: Chính Ngài là người đã thực hiện những việc
làm này, và chính Ngài cũng đã từng trả lời với những ai đang thắc mắc về Ngài:
Hãy nhìn những việc làm để nhận ra Ngài là ai. Ngài quả là Đức Kitô, vì Ngài đã
làm những việc của người đã được Thiên Chúa xức dầu. Đức Kitô đã chết và đã được
tôn vinh, nhưng Ngài vẫn hiện diện giữa con người. Theo ánh sáng của lòng tin,
chúng ta biết được Ngài hiện diện ở đâu có những nỗ lực và hành động giải
phóng, đưa con người bị vùi dập bạc đãi, bị kỳ thị, bị tước mất quyền làm người.
Mỗi người chúng ta có bổn phận phải làm chứng. Làm chứng không phải chỉ bằng lời
nói mà chủ yếu bằng việc làm. Những việc làm của chính Đức Kitô, Đấng được xức
dầu.
Thế nhưng nhiều khi
chúng ta chuẩn bị mừng lễ giáng sinh bằng sự phô trương chính mình thay vì là một
chứng tá sống động về sự hiện diện của Đức Kitô, Đấng mà mọi người đang mong đợi
và tìm kiếm.
Suy niệm chú giải Chúa Nhật tuần 3 Mùa Vọng -Lm Inhaxio Hồ Thông
Tin Mừng tường thuật chứng từ của Gioan Tẩy giả, thánh
nhân khẳng định rằng Đấng mà muôn dân mong đợi hiện đang ở giữa anh em.
CHÚA
NHẬT III MÙA VỌNG
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật III Mùa Vọng đều ngân
vang cùng một sứ điệp mời gọi các tín hữu: “Hãy
vui lên, Chúa sắp đến gần rồi”.
Is 61: 1-2a, 10-11
Bài Đọc I loan báo Tin Mừng cho những ai nghèo khổ, bất
hạnh, bị giam cầm…biết rằng năm hồng ân của Chúa sắp đến rồi.
1Th 5: 16-24
Thánh Phao-lô nhắc nhở các tín hữu
Thê-xa-lô-ni-ca hãy vui luôn mãi và không ngừng tạ ơn Chúa vì những thiên ân mà
họ đã lãnh nhận được.
Ga 1: 6-8, 19-28
Tin Mừng tường thuật chứng từ của Gioan Tẩy giả,
thánh nhân khẳng định rằng Đấng mà muôn dân mong đợi hiện đang ở giữa anh em.
BÀI
ĐỌC I (Is 61: 1-2a, 10-11)
Bài
Đọc I được hình thành bởi hai đoạn trích khác nhau từ chương 61 của sách I-sai-a.
Đoạn trích thứ nhất (61: 1-2a) là phần mở và đoạn trích thứ hai (61: 10-11) là
phần kết của một bài thánh thi. Đây là bài Thánh Thi Chúc Tụng được cộng đoàn
xướng đáp.
1.
Đoạn trích thứ nhất (61: 1-2a):
Chúng
ta nhận ra đoạn trích thứ nhất này mà vào một ngày sa-bát, trong hội đường
Na-da-rét, Đức Giê-su công bố trước cộng đoàn (Lc 4: 18-20). Sau khi công bố
xong, Ngài ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Ngài. Ngài bắt
đầu ngỏ lời với họ: “Hôm nay
đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Như vậy Đức Giê-su áp dụng
cho chính mình lời loan báo này: “Thần
Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi để loan báo Tin Mừng
cho kẻ nghèo hèn…”. Đây cũng là đoạn trích mà Đức Giê-su cũng sẽ viện dẫn
để trả lời cho những sứ giả mà Gioan Tẩy giả đang bị giam trong tù phái đến để
hỏi Ngài: “Thầy có thật là
Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn đợi ai khác?” (Lc 7: 19).
Vì
thế, vị ngôn sứ nầy là ai mà Đức Giê-su quy chiếu đến hai lần? Và sứ điệp của
ông ngỏ lời với ai?
A.Tác
giả:
Những
sự kiện được định vị vài năm sau năm 538 trước Công Nguyên, năm những đoàn
người lưu đày ở Ba-by-lon lần đầu tiên được hồi hương trở về quê cha đất tổ.
Tác giả của bài thánh thi nầy là một vị ngôn sứ nặc danh sống ở giữa những
người hồi hương tại Giê-ru-sa-lem. Ông thường được các nhà chuyên môn gọi biệt
danh là I-sai-a đệ tam, hay I-sai-a thời hậu lưu đày (Is 56-66) để phân biệt
với hai vị tiền nhiệm của ông là vị ngôn sứ nặc danh khác thời lưu đày được gọi
biệt danh là I-sai-a đệ nhị (Is 40-55) và ngôn sứ I-sai-a đệ nhất, vị ngôn sứ
thời tiền lưu đày (Is 1-39).
Vào
Chúa Nhật I Mùa Vọng, chúng ta đã đọc lời khẩn nguyện của vị ngôn sứ thời hậu
lưu đày nầy. Bài thánh thi được trích dẫn hôm nay, xét về niên biểu, có trước
lời khẩn nguyện. Trong bài thánh thi nầy, vị ngôn sứ biện minh sứ mạng của
mình: ông đã được Thần Khí Chúa xức dầu tấn phong. Đây là cuộc xức dầu tấn
phong thiêng liêng bởi vì không có nghi thức xức dầu tấn phong cho các ngôn sứ.
Chính Thiên Chúa đã chọn các ngôn sứ của Ngài và ủy quyền cho họ nói thay cho
Ngài.
B.Sứ
điệp:
Vị ngôn sứ có sứ mạng là loan báo “Tin
Mừng” (ông lấy lại diễn ngữ
của vị tiền nhiệm của mình là I-sai-a đệ nhị được trích trong Bài Đọc I của
Chúa Nhật II Mùa Vọng). Tin Mừng nầy có thể được tóm lược như sau: “Phúc thay những người nghèo khổ!”,
âm vang một trong những mối phúc thật của Đức Giê-su.
Những
người hồi hương thật sự vỡ mộng trước thực trạng muôn vàn khó khăn trong công
cuộc tái thiết quê hương. Họ là những người nghèo hèn với tấm lòng tan nát. Vị
ngôn sứ gọi họ là những “người
bị giam giữ” cho dù hiện nay
họ đã được phóng thích. Qua những từ ngữ đó, ông muốn nhấn mạnh nỗi cùng cực
khốn khổ của họ mà hình ảnh sau đó được giải thích rõ hơn: “công bố một năm hồng ân của Thiên
Chúa”, nghĩa là năm mà những người nô lệ được phóng thích, mọi nợ nần được
tha bổng, đất đai được phân phối lại. “Năm
hồng ân” được cử hành cứ năm
mươi năm một lần. Năm Hồng Ân này thật ra khai triển “năm sa-bát”, năm được cử hành
cứ bảy năm một lần (Năm Hồng Ân là năm thứ 50 của 7 x 7 = 49). Năm hồng ân biểu
tượng một lý tưởng công bình xã hội.
Đây
là diện mạo của những “người
nghèo Đức Chúa”, những người mà Kinh Thánh gọi là “anawin”. Chữ “anawin” không thể dịch được, nó bao hàm sự
nghèo khổ vật chất, đức khiêm hạ và niềm tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa. Đặc
ngữ này mang một nét nghĩa căn bản là “còng
lưng xuống”, còng lưng xuống dưới gánh nặng của sự nghèo khó, của sự nhục
nhã, nhưng cũng “sấp mình
xuống” vì thái độ tôn giáo của
họ, niềm tin tưởng phó thác hoàn toàn vào lượng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa.
Đây là một khái niệm căn bản của Cựu Ước cũng như Tân Ước. Chính những kẻ bé
mọn nầy mà Đức Giê-su sẽ ưu đãi. Một trăm năm sau đó, một vị ngôn sứ khác,
Xô-phô-ni-a, đã tiên báo cuộc thăng tiến của những người nghèo nầy:
“Ngày ấy, ngươi sẽ không còn
phải hổ thẹn vì mọi hành vi ngang trái chống lại Ta. Bấy giờ, Ta sẽ đuổi cho
khuất mắt ngươi những kẻ kiêu căng đắc thắng, và ngươi sẽ không nghêng ngang
trên núi thánh của Ta nữa. Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé
nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa. Số dân Ít-ra-en còn sót lại sẽ
không làm chuyện tàn ác bất công, cũng không ăn gian nói dối và miệng lưỡi
chúng sẽ không còn phỉnh gạt. Nhưng chúng sẽ được chăn dắt và nghỉ ngơi mà
không còn bị ai làm cho khiếp sợ nữa” (Xp 3: 11-13).
2.
Đoạn trích thứ hai (61: 10-11).
Được
Thiên Chúa an ủi như vậy, cộng đoàn xướng lên những lời chúc tụng:“Tôi mừng
rỡ muôn phần nhờ Thiên Chúa, vâng nhờ Người, tôi hớn hở biết bao”. Những
lời hoan ca nầy được diễn tả qua hai hình ảnh. Hình ảnh thứ nhất là “trang phục”: Giê-ru-sa-lem
được mặc hồng ân cứu độ, được khoắc áo choàng công chính như chàng rể chỉnh tề
khăn đóng, tựa nàng dâu lộng lẫy điểm trang. Hình ảnh thứ hai là “khu vườn”: Giê-ru-sa-lem được
sánh ví với khu vườn được Thiên Chúa chăm sóc tận tình để “trở hoa công chính và vinh quang
trước mặt muôn dân”.
3.
Ý nghĩa của việc nối kết hai đoạn trích nầy:
Khi
đặt hai đoạn trích đầu và cuối bài thánh thi nầy bên cạnh nhau, Phụng Vụ mời
gọi chúng ta hãy gẫm suy về mối liên hệ sâu xa giữa “ơn cứu độ” mà Đấng Mê-si-a hứa ban và “vẽ đẹp lộng lẫy” của Giê-ru-sa-lem được nhân cách hóa
nơi dân Thiên Chúa. Sách Khải Huyền lấy lại hình ảnh Giê-ru-sa-lem thiên quốc
như Tân Nương được điểm trang lộng lẫy nhờ máu Con Chiên.
Một
viễn cảnh như thế không thể là viễn cảnh của vị ngôn sứ thuộc thế kỷ thứ sáu
trước Công Nguyên. Tuy nhiên, cách thức tiếp cận lịch sử như vậy có thể hiểu
được nhờ những đau khổ của nhóm nhỏ trung thành còn sót lại, những “người nghèo hèn” nầy mà nỗi khốn khổ của họ lôi kéo
lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Và chính qua họ mà lòng từ bi nhân hậu của
Thiên Chúa trải dài cho đến tận cùng thế giới.
BÀI
ĐỌC II (1Th 5: 16-24)
Thư
thứ nhất của thánh Phao-lô gởi các tín hữu Thê-xa lô-ni-ca là bản văn cổ xưa
nhất của văn chương Ki-tô giáo. Bức thư nầy được viết vào mùa đông năm 50-51.
Thánh Phao-lô đã thiết lập giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca vào mùa hè năm 50, nhưng
ngài đã phải vội vàng trốn chạy khỏi thành phố vì người Do thái phẩn nộ tìm
cách giết ngài: lời rao giảng của thánh nhân khiến nhiều người Ít-ra-en lẫn
lương dân ăn năn trở lại. Vì thế, thánh nhân thật sự bận lòng đến cộng đoàn non
trẻ bị hăm dọa nầy. Sau nầy, cộng tác viên của ngài là ông Ti-mô-thê quay trở
lại Thê-xa-lô-ni-ca và thuật lại cho thánh nhân những tin tốt lành: dù bị người
Do thái đe dọa và quấy nhiễu, cộng đoàn Thê-xa-lô-ni-ca non trẻ nầy vẫn kiên
vững trong niềm tin của mình. Thế nên, thánh Phao-lô viết bức thư nầy gởi đến
cho họ với cung giọng nồng nàn chan chứa niềm hân hoan và cảm tạ. Đoạn trích
thư hôm nay được định vị vào cuối thư bao gồm những lời khuyên bảo và khích lệ.
1.Vui
mừng, cầu nguyện và tạ ơn:
Thánh nhân khuyên ba điều quan trọng: “Anh
em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn
cảnh”.
Trước
hết, “Anh em hãy vui mừng luôn
mãi”. Thánh Phao-lô thường nhấn mạnh niềm vui Ki-tô giáo. Niềm vui là hoa
quả của Thần Khí, Đấng hằng ở với người Ki-tô hữu ngay cả trong gian nan thử
thách. Chính thánh nhân luôn “chứa
chan niềm an ủi và tràn ngập nỗi vui mừng trong mọi cơn gian nan khốn khó” (2Cr 7: 4). Niềm vui này phát xuất từ
niềm xác tín là được dự phần vào vương quốc Thiên Chúa ngay từ cõi thế nầy.
Tiếp
đó, “Hãy cầu nguyện không
ngừng”. Thánh nhân hầu như luôn luôn khuyên cầu nguyện “không ngừng”, “mọi lúc”, “đêm cũng như ngày”. Chung
chung, thánh nhân cầu nguyện với Chúa Cha, qua Chúa Ki-tô, nhờ Chúa Thánh Thần.
Hiếm khi thánh nhân cầu nguyện trực tiếp với Chúa Ki-tô. Thánh nhân nói, chính
nhờ Thần Khí mà chúng ta mới có thể thân thương với Thiên Chúa là “Cha”.
Sau
cùng, “Hãy tạ ơn trong mọi
hoàn cảnh”. Tạ ơn là một cấu tố của lời cầu nguyện, xoay quanh lời chúc
tụng. Truyền thống Do thái dành một chỗ đặc biệt cho tâm tình cảm tạ tri ân.
Bài ca “Chúc Tụng” (Benedictus) là bài ca cảm tạ tri ân: “Chúc tụng Thiên Chúa…”. Thánh
Phao-lô hầu như luôn luôn bắt đầu bức thư của mình với lời chúc tụng Thiên
Chúa.
2.Ân
ban Thần Khí:
Đây
là lời khuyên thứ hai. Các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca coi nhẹ những ân ban Thần
Khí. Họ nghi ngại những người được ơn ban Thần Khí. Có lẽ họ là những người Hy
lạp phương bắc, ít sôi nổi như những người Cô-rin-tô… Quả thật, thánh Phao-lô
viết từ Cô-rin-tô ở đó những ân ban Thần Khí nhiều vô kể. Thánh nhân khuyên các
tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca: “Anh
em chớ dập tắt Thần Khí”. Cứ để mỗi người nói lên những ân ban mà mình nhận
được, ngay cả ơn nói tiên tri. Điều quan trọng là phải biết “cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì
giữ lấy; còn tất cả những gì xấu thì lánh cho xa”.
3.Ơn
thánh hóa:
Đây
là đề tài rất tâm đắc với thánh Phao-lô. Sau này, thánh nhân sẽ khai triển sâu
xa hơn: chúng ta được thánh hóa nhờ tác động của Thiên Chúa chứ không do nổ lực
cá nhân của mình.
Việc
kể con người được phân chia thành ba phần: thần trí, tâm hồn và thân xác, không
gặp thấy bất cứ nơi nào khác trong các thư của thánh Phao-lô. Đây không là cách
diễn tả con người được phân chia thành ba phần. Người Hy lạp cũng như người Do
thái đều không quan niệm con người theo cách phân chia như thế. Ở đây, thánh
Phao-lô chỉ muốn nói đến toàn diện con người. Theo thói quen của mình, thánh
nhân khai triển chữ “toàn
diện” đi trước và tô đậm chữ “thần trí” theo sau. Chữ “thần trí” này mang lấy ý nghĩa Ki-tô giáo: chính
thần trí con người rộng mở trước tác động của Thần Khí.
TIN
MỪNG (Ga 1: 6-8, 19-28)
Tin
Mừng hôm nay được trích từ hai đoạn văn khác nhau, một được trích từ Tựa Ngôn
của Tin Mừng Gioan (1: 1-18) giới thiệu “chức
năng chứng nhân” của Gioan
Tẩy giả (1: 6-8) và một khác được trích từ Phần Mở Đầu của Tin Mừng Gioan (1:
19-2: 12) trình bày “lời
chứng” của Gioan Tẩy giả (1:
19-28).
1.Chức
năng chứng nhân của Gioan Tẩy giả (1: 6-8).
Tựa
Ngôn là một bài thánh thi về “Ngôi
Lời” bị ngắt nhịp hai lần để
giới thiệu Gioan Tẩy giả là chứng nhân của Đức Ki-tô (1: 6-8 và 15). Lần ngắt
nhịp thứ nhất được trích dẫn ở đây như phần mở đầu của đoạn Tin Mừng hôm nay.
Trong
phần mở đầu nầy, tác giả Tin Mừng thứ tư không đề cập đến sứ điệp của Gioan Tẩy
giả cũng như ý nghĩa phép rửa của thánh nhân, nhưng tô đậm chức năng“chứng
nhân” của thánh nhân. Đối với
Tin Mừng Gioan, “chứng nhân” là chức năng quan trọng bậc nhất như
tác giả nhấn mạnh trong thư thứ nhất của mình: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng
tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm
đến, đó là Lời sự sống…Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo
cho cả anh em nữa…” (1Ga 1:
1-4).
2.Lời
chứng của Gioan Tẩy giả (1: 19-28):
Sau
khi giới thiệu chức năng chứng nhân của Gioan Tẩy giả, tác giả Tin Mừng Gioan
trình bày lời chứng của Gioan Tẩy giả.
Gioan Tẩy giả phủ nhận tất cả
những gì người ta nghĩ tưởng về ông để chỉ tập trung lời chứng của mình vào sự
hiện diện của Đấng đến sau ông và hiện có mặt ở đây rồi. Ông không phải là Đấng
Mê-si-a mà dân chúng đang mong đợi. Ông cũng không phải là Ê-li-a mà truyền
thống truyền tụng rằng vị ngôn sứ này được rước lên trời và sẽ trở lại trần thế
để chuẩn bị cho Đấng Mê-si-a. Ông cũng không phải là ngôn sứ vĩ đại mà Đức Chúa
hứa với ông Mô-sê trong sách Đệ Nhị Luật: “Từ
giữa anh em, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng…” (Đnl 18: 18).
Sau
khi đã phủ nhận tất cả những nhân vật nổi tiếng mà người ta nghĩ tưởng về mình,
Gioan Tẩy giả công bố sứ điệp: “Có
một Vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết”. Có thể ở đây ám chỉ đến
niềm tin dân gian vào một đấng mê-si-a ẩn mình. Thật vậy, sách Tin Mừng thứ tư
nhấn mạnh hơn các sách Tin Mừng khác lời loan báo về Đấng Mê-si-a hiện ở giữa
họ rồi mà họ không nhận ra.
Tại
sao lời chứng của Gioan Tẩy giả vừa phủ nhận về mình vừa khẳng định về Đức
Ki-tô mặc lấy một tầm mức quan trọng đến như thế? Để có thể lĩnh hội được Tin
Mừng Gioan, chúng ta cần phải giải mã những ẩn ý nầy. Tin Mừng Gioan vốn giàu
có biểu tượng nên luôn luôn hàm chứa hai nghĩa: nghĩa trực tiếp và nghĩa ẩn dụ.
A.Nghĩa
trực tiếp:
Theo
nghĩa trực tiếp, chúng ta có thể gặp thấy chìa khóa ở nơi việc dàn dựng Phần Mở
Đầu cuộc đời công khai của Đức Giê-su thành một tuần lễ, được gọi “Tuần Lễ Khai Mạc” song đối với “Tuần Lễ Cuối Đời” của Đức Giê-su ở thành thánh
Giê-ru-sa-lem. Tuần Lễ Khai Mạc được trình bày thành bảy ngày: ngày thứ hai,
thứ ba và thứ tư được phân định với biểu thức thời gian “Hôm sau” (1: 29, 35,
43), riêng ba ngày sau cùng được bắt đầu với biểu thức“Ngày thứ ba”
(2: 1).
- Ngày thứ nhất: Gioan Tẩy giả làm chứng về chính mình
và về Đức Ki-tô trước những chất vấn của các tư tế và các thầy Lê-vi được phái
đến từ Giê-ru-sa-lem (1: 19-28).
- Ngày thứ hai: Gioan Tẩy giả làm chứng Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa”và là Đấng mà
Thần Khí ngự xuống vào lúc Ngài chịu phép rửa (1: 29-34).
- Ngày thứ ba: ông An-rê và người môn đệ nặc danh đi
theo Đức Giê-su; đoạn ông An-rê rũ em mình là Phê-rô cùng nhập bọn với mình (1:
35-42).
- Ngày thứ tư: Phi-líp-phê và Na-tha-na-en nhập đoàn
với các môn đệ đầu tiên (1: 43-51).
- Ngày thứ năm và thứ sáu: hành trình về miền Ga-li-lê.
- Ngày thứ bảy: tiệc cưới Ca-na, ở đó các môn đệ đã “chứng kiến vinh quang của Ngài” và đã “tin vào Ngài”.
Khi
trình bày Phần Mở Đầu cuộc sống công khai của Đức Giê-su như thế, thánh ký
thiết lập sự song đối với bảy ngày của Công Trình Sáng Tạo, qua đó thánh ký
muốn nói rằng Đức Ki-tô giáng trần để thực hiện một cuộc tạo dựng mới, hay đúng
hơn, một cuộc tái tạo.
B.Nghĩa
ẩn dụ:
Lời
chứng của Gioan tẩy giả được trích dẫn trong Tin Mừng hôm nay được định vị vào
ngày thứ nhất trong Tuần Lễ Khai Mạc. Trong công trình sáng tạo thế giới, ngày
thứ nhất được đánh dấu bởi việc phân tách Ánh Sáng ra khỏi bóng tối.
Do
đó, tất cả ý nghĩa sâu xa của đoạn Tin Mừng nầy chính là Gioan Tẩy giả đến để
làm chứng về ánh sáng. Trái lại, các tư tế và các thầy Lê-vi được cử đến và trở
về Giê-ru-sa-lem mà không đón nhận phép rửa tỏ bày sự sám hối, vì thế, không
rộng mở lòng mình ra để đón nhận ánh sáng. Tuy nhiên, họ đã được loan báo cho
biết: “Có một Vị đang ở giữa
các ông mà các ông không biết” (động
từ “biết” theo nền văn hóa Do thái không chỉ nói
lên một sự hiểu biết thuần túy trên mặt trí tuệ nhưng đặc biệt còn cả trọn tấm
lòng nữa). Như vậy, giáo quyền Do thái, ngay từ đầu, vẫn đắm mình trong bóng
tối. Sự kiện nầy sẽ chi phối cách hành xử sau cùng của họ đối với Đức Ki-tô.
Việc
đối lập của cặp tương phản giữa ánh sáng và bóng tối nầy hình thành nên một
trong những đề tài chủ đạo của Tin Mừng Gioan. Việc đối lập nầy đã được minh
chứng rồi ngay từ trong Tựa Ngôn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét